Không còn công tác tại Viện nghiên cứu
phát triển TP.HCM nhưng mối quan tâm dành cho di sản văn hóa nước nhà vẫn luôn
đau đáu trong suy nghĩ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Ngoài các bài viết hay phỏng
vấn trên các báo và tạp chí; mới đây, chị còn ra mắt cuốn sách “Chúng ta sẽ nói
gì khi gặp lại nhau?”, như một cách lên tiếng cho vấn đề mà mình quan tâm bấy
lâu.
PV: Cuốn sách của chị được phân chia thành 3 phần
rõ ràng, tuy nhiên tôi lại chú ý với phần 2 - “Chúng ta để lại gì cho tương
lai?”. Cũng với câu hỏi này, để trả lời cho thế hệ tương lai về câu chuyện bảo
tồn di sản hiện nay, chị sẽ nói gì?
TS
Nguyễn Thị Hậu:
Tôi nhớ có lần viết ở đâu đó rằng, mình đang sợ để lại cho tương lai những di sản
chắp vá, mà điển hình là di sản phi vật thể lễ hội. Những năm gần đây, việc phục
dựng tràn lan, phục dựng sai quy trình, ý nghĩa, mục đích khiến lễ hội không
còn là của dân gian nữa. Nó đang bị hành chính hóa, nhà nước hóa; và đó là nguy
cơ rất lớn.
Nhìn vào nhiều lễ hội ở phía Bắc, tôi thực
sự cảm thấy đau xót. Việc phục dựng lễ hội như ở đền Trần hay đền Bà Chúa Kho
đã bị biến tướng thành dịp đi cầu xin thăng quan tiến chức hay đi vay mượn làm
ăn của đại gia. Thêm vào đó, hàng loạt hiện tượng khác nuông chiều tâm thức người
thời nay khiến nơi tôn nghiêm không mang tính tâm linh mà biến thành nơi chốn kinh
doanh mua bán.
Thực trạng này sẽ làm cho lớp trẻ không
nhìn thấy, không hiểu được giá trị tinh thần quan trọng của lễ hội mà vì đó mà
mình muốn bảo tồn; cuối cùng chỉ còn cái vẻ bên ngoài là “lễ hội truyền thống”.
Do vậy khi người trẻ không hiểu giá trị đích thực mà chỉ biết lễ hội như một kiểu
“thời trang tâm linh” thì dần dần di sản sẽ biến mất. Điều khiến tôi lo lắng
hơn là thế hệ sau không thấy được mục tiêu, ý nghĩa ban đầu của lễ hội – một phần
biểu hiện của lịch sử, văn hóa thì họ rất dễ gạt đi những gì quá khứ để lại vì
không còn tin tưởng vào bất cứ thứ gì. Đây là mối nguy hại rất lớn!
PV:
Đó là câu chuyện di sản phi vật thể còn
di sản vật thể thì sao, thưa chị?
TS
Nguyễn Thị Hậu:
Gần đây phải ghi nhận những cố gắng rất lớn của ngành bảo tồn di sản kể cả từ góc
độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học và địa phương. Nhưng bên cạnh đó
cũng có những điểm nổi cộm không thể không nói đến. Dễ nhận thấy nhất là những
di sản đô thị của Sài Gòn chỉ trong vài năm gần đây đã biến mất, nói thẳng ra
là bị phá một cách không nương tay. Ở khu trung tâm cũ của Sài Gòn nhiều cảnh
quan xưa hơn 100 năm không còn nữa hoặc bị phá hủy hoặc không còn nguyên vẹn nữa,
chen vào đó là những công trình mới, nói thật là không đẹp, như trên tuyến đường
Đồng Khởi chẳng hạn..
Gần đây nhất là việc “biến mất” của cụm
di tích Ba Son khiến nhiều người tiếc nuối vô cùng. Ngoài di tích lịch sử 300
năm từ thời Chúa Nguyễn, Ba Son còn là di tích hiếm hoi về công nghiệp đóng tàu
của nước ta. Lẽ ra, toàn bộ cảnh quan sông nước và di tích cần được trả về phục
vụ lợi ích cộng đồng cư dân đô thị nhưng
hiện nay nó hoàn toàn nằm trong dự án dành cho người giàu. Đó là thiệt thòi rất
lớn đối với đô thị Sài Gòn.
PV:
Có một vấn đề được nhắc đến lâu nay, đó
chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Nhưng dường như
chúng ta vẫn chưa tìm được lời giải thích đáng, mà trường hợp Ba Son là một ví
dụ?
TS
Nguyễn Thị Hậu:
Giữa bảo tồn và phát triển luôn đặt ra câu hỏi: bên nào sẽ thắng hay có phương
pháp nào mà hai bên cùng thắng? Kinh nghiệm của các nước cho thấy hoàn toàn có
phương pháp như vậy. Không riêng gì với Ba Son mà tất cả các di sản khác luôn
có những vấn đề đặt ra: lựa chọn lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài, lựa chọn
lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Khi trả lời thế nào sẽ tìm ra
phương pháp giải quyết như thế.
Dựa trên kinh nghiệm của các nước, nhiều
nhà chuyên môn đã đề xuất Ba Son có thể sử dụng một phần để xây dựng và phát
triển, đáp ứng nhu cầu của thành phố, nhưng phần quan trọng nhất của Ba Son là
di tích và cảnh quan bờ sông có thể biến đổi công năng để bảo tồn: những dãy
nhà xưởng rất đẹp, hai ụ tàu cổ xưa… tất nhiên về chất lượng công trình thì phải
trùng tu để đản bảo an toàn. Chúng ta có thể lưu giữ làm bảo tàng hoặc làm khu
nghệ thuật cho người trẻ; thậm chí là khu thương mại nhưng bên trong cái “vỏ cũ”
chứ không phải là phá đi xây mới. Mô hình bảo tồn như vậy trên thế giới có rất
nhiều. Tuy nhiên, ở nước ta nói chung và khu vực Ba Son nói riêng thực tế lại
không được như vậy. Các nhà đầu tư thường chọn “tiền tươi thóc thật” ngay và
luôn! Ở đời cái gì cũng chỉ có ngần ấy thôi; nếu một bên lấy cả thì bên kia sẽ
không còn gì.
PV:
Hơn một năm trước chị có chia sẻ về cảm
giác chưa hài lòng với công tác bảo tồn di sản. Còn hiện tại thì sao,
thưa chị?
TS
Nguyễn Thị Hậu:
Tôi vẫn chưa hài lòng, thậm chí còn cảm thấy bi quan hơn. Hơn hai năm
nay, tôi vẫn bám sát việc bảo tồn di sản ở Sài Gòn. Trên bình diện chung,
cần ghi nhận những cố gắng từ chính quyền thành phố hay cơ quan chức
năng, như Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng nhiều chuyên gia tư vấn đưa ra những
quy chế về bảo vệ cảnh quan đô thị, cảnh quan biệt thự... Tuy nhiên,
những công trình được coi là cột mốc của Sài Gòn thì không giữ được,
xu hướng phá khu tring tâm vẫn cgưa ngừng. Chẳng hạn như Ba Son, khu vực đường
Nguyễn Huệ và những phố nhỏ xung quanh.
Hiện nay, quan niệm về vùng lõi đô thị
nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa vẫn chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí
“đất kim cương”, chưa được chính quyền quan niệm là “vùng di sản”. Di sản
phải quý hơn vàng chứ! Vì nó được truyền từ nhiều đời và là tài sản chung của
tất cả cư dân. Nhưng tiếc thay thực tế lại không như vậy.
PV:
Theo chị, nên có sự kết hợp như thế nào
giữa 3 đối tượng: nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng trong việc bảo tồn và
phát huy di sản, để chúng ta không phải hổ thẹn với tương lai?
TS
Nguyễn Thị Hậu:
Thực ra, ngoài 3 đối tượng như bạn nói, giờ đây có thêm một đối tượng nữa mà
theo tôi phải cực kỳ lưu ý chính là những nhà đầu tư vào đô thị. Trong quá
trình hiện đại hóa đô thị hóa hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ở đô thị hoặc từ
là nơi khác đầu tư vào đô thị. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
mang lại kết quả tốt nhất thì nhà đầu tư cũng phải có sự liên kết với ba đối tượng
kia. Mối liên kết ở đây là gì?
Chính quyền là người thay mặt dân cư quản
lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ
ràng về bảo tồn di sản: phá hay không giữ? Nếu như chính quyền kiên quyết giữ,
thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế
nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” mình cũng phải giữ nhưng
là di sản có giá trị đặc biệt thì bắt buộc phải bảo tồn; còn những di tích khác
có thể “bảo tồn” bằng cách khai quật khảo cổ, quay phim, chụp ảnh hay đưa hiện
vật vào bảo tàng, lấy đất đai đáp ứng sự hiện đại hóa về giao thông, hạ tầng… của
đô thị..
Sau khi lắng nghe tư vấn, phải lựa
chọn nhà đầu tư có cùng quan điểm và tôn trọng quyết định của chính
quyền, tức là nhà đầu tư có tầm văn hóa và có tâm vì “lợi ích muôn đời”.
Cái tầm văn hóa ở đây thể hiện nhà đầu
tư hiểu biết về giá trị di sản. Anh đầu tư có thể không lấy lợi được ngay nhưng
cộng đồng sẽ tôn trọng anh bởi khi đầu tư vào khu đất ấy, anh sẽ làm mọi cách để
di sản ấy phát huy giá trị nhiều hơn, tăng giá trị văn hóa và cả giá trị kinh tế
của nó chứ anh không phá nó đi chỉ để kiếm tiền. Tôi cho rằng, bên cạnh nhà quản
lý, nhà đầu tư không có tầm văn hóa, không có tâm với di sản của một vùng đất,
mở rộng hơn là của đất nước thì nghiễm nhiên di sản đó sẽ bị phá thôi.
Cuối cùng là cộng đồng có trách
nhiệm lên tiếng, mà muốn có tiếng nói thì cộng đồng cần có sự hiểu biết. Tôi vẫn
nghĩ rằng, ở thời điểm bây giờ tiếng nói của cộng đồng rất quan trọng nhưng trách
nhiệm cuối cùng vẫn là nhà quản lý. Khi nhà quản lý không có một thái độ,
quan điểm rõ ràng đối với di sản, việc bảo tồn di sản sẽ rất khó khăn.
PV: Cảm ơn về những chia sẻ của chị.
HUY
SƠN (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét