TS Nguyễn Thị Hậu góp một góc nhìn:
Vấn đề đặt ra với ngôi nhà cổ ở đường Nơ Trang Long cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác là cân bằng giữa nhu cầu bức thiết về sinh hoạt và đời sống của người dân - cụ thể là chủ sở hữu - và nhu cầu bảo tồn một loại hình di sản văn hóa độc đáo của Sài Gòn xưa, vì nếu để di sản văn hóa mất đi thì không có gì bù đắp được.
Nhà cổ ở các thành phố là một ví dụ thường được dẫn ra khi bàn luận về đề tài bảo tồn di sản văn hóa đô thị. Bởi vì hầu hết nhà cổ thuộc về sở hữu tư nhân, tức là giá trị kinh tế của đất, của nhà là của chủ sở hữu; nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của nhà cổ còn là di sản văn hóa đô thị, nếu có giá trị đặc biệt thì còn là của quốc gia.
Vì vậy, hơn mọi loại hình di sản văn hóa vật thể, nhà cổ thể hiện “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” rất gay gắt, không dễ dung hòa hay thỏa hiệp.
Phần lớn nhà cổ còn tồn tại ở TP.HCM có khuôn viên rộng, kiến trúc độc đáo “Đông - Tây kết hợp”, trang trí nội ngoại thất mang phong cách đặc trưng của giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
Trải qua thời gian lâu dài, khí hậu ẩm và những yếu tố khác tác động đến tuổi thọ của vật liệu xây dựng. Vậy phải giải quyết như thế nào?
Nếu là công trình công cộng (như công sở) thì các cơ quan nhà nước phải tuân thủ và gương mẫu thực hiện việc trùng tu, bảo tồn, tất nhiên việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nếu là sở hữu của tư nhân, khi người dân có nhu cầu bán hay tháo dỡ, xây dựng lại thì nhà quản lý nên khuyến khích, thuyết phục người dân trùng tu bảo tồn, thậm chí hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí. Tuy nhiên, việc chính quyền hỗ trợ về kinh phí là một điều bất khả!
Vì vậy, phải căn cứ vào luật định để giải quyết nhu cầu cho người dân. Hoạch định chính sách bảo tồn là chức năng của Nhà nước, chính sách này mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng nhưng cũng cần đảm bảo sự an toàn và lợi ích cho người dân.
Có một thực tế là chính sách chưa theo kịp thực tiễn. Như ở TP.HCM, các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện chương trình “Bảo tồn cảnh quan biệt thự”, trong đó việc đánh giá thực trạng chất lượng và giá trị những ngôi nhà cổ, biệt thự xưa mất nhiều thời gian và công sức, chưa kể trên thực tế nhiều trường hợp rất phức tạp về chủ sở hữu loại hình di tích này.
Nhưng kể cả khi đã có quy định cụ thể về bảo tồn và xếp hạng di tích thì những ngôi nhà cổ vẫn rất cần những “nhà đầu tư” hiểu biết và trân trọng giá trị của những di sản này.
Có như vậy, chúng ta mới có thể đầu tư vào việc trùng tu tôn tạo, bảo tồn để gìn giữ và tăng giá trị di sản, đồng thời có thể chuyển đổi công năng để thu được lợi nhuận từ giá trị di sản văn hóa.
Đi cùng với ý thức của nhà đầu tư là việc tạo điều kiện và hoàn thiện chính sách, luật pháp như rút ngắn quy trình hoàn tất hồ sơ, ưu đãi về thuế cho việc mua bán, sang nhượng với mục đích bảo tồn kiến trúc cổ, chẳng hạn.
Đấy là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong chính sách “xã hội hóa” bảo tồn di sản văn hóa. Bởi vì với tài sản là của cá nhân nhưng di sản là của cộng đồng, việc tạo điều kiện để mỗi cá nhân trong cộng đồng cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị, đồng thời thu nhận được lợi ích kinh tế từ di sản văn hóa chính là vai trò chức năng quản lý của Nhà nước.
Hiện nay, các nhà cổ thường ở vào tình trạng:
- Buộc phải thay đổi về kiến trúc (một phần hay toàn bộ) do nhu cầu của chủ nhà (cũ hoặc mới).
- Sự thay đổi chủ sở hữu có thể làm ngôi nhà bị tháo dỡ, bán đi toàn bộ để xây dựng nơi khác, hoặc bán từng bộ phận kiến trúc cũng như trang trí (có giá trị như đồ cổ).
- Sự thay đổi cảnh quan xung quanh, từ nông thôn thành đô thị, làm nhà cổ trở nên “lạc lõng” trong cảnh quan hiện đại. Đồng thời giá trị đất đai ở vùng đô thị cũ ngày càng tăng. Vì vậy chủ sở hữu có nhu cầu bán đất/nhà để giải quyết đời sống.
|
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160628/khi-di-san-cua-cong-dong-la-tai-san-ca-nhan/1125982.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét