Bộ phim CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

 

Khi mới làm quen với FB Lặng lẽ nước Nga, tôi đã mạo muội đề nghị được xem lại bộ phim “Con đường đau khổ” – phim truyền hình 13 tập dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn A. Tolxtoi. Chủ trang đã nhiệt tình nhận lời nhưng cũng nói rõ, chắc phải chờ một thời gian vì phim nhiều tập nên phải mất khá nhiều thời gian và công sức mới có thể post được. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, lúc rảnh rỗi thì đọc lại tiểu thuyết này – một trong những tác phẩm văn học Nga – Xô viết yêu thích nhất của tôi.

Tiểu thuyết “Con đường đau khổ” là bộ “sử thi” về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở Nga và cách mạng tháng Mười 1917, từ góc nhìn của tầng lớp trí thức, phản ánh số phận các nhân vật chính cũng là trí thức – tiểu tư sản thành thị. Nó dựng nên bao nhiêu nhân vật bao nhiêu tính cách, từ trí thức salon đến trí thức dấn thân, từ tư sản, sinh viên đến dân nghèo thành thị, từ quân nhân đến vô chính phủ, từ nông dân mugic đến quan chức cao cấp trong chính quyền Nga Hoàng hay chính phủ lâm thời, từ  công nhân binh lính đến các lãnh tụ cách mạng... Đến nay sau hơn một trăm năm, dù cuộc cách mạng tháng Mười có thể được nhìn nhận đa chiều, khách quan và thực chất hơn... thì cũng không thể phủ nhận những tác động to lớn của nó đến xã hội Nga già cỗi, bảo thủ và gần như tê liệt vào cuối Thế chiến 1, đã làm thay đổi xã hội và đất nước Nga, cũng là làm cho thế giới chuyển sang một thời kỳ mới (và hơn 70 năm sau sự tan rã của Liên bang Xô viết cũng gây ra tác động tương tự).

Từ lần đầu xem phim Con đường đau khổ, tôi đã rất ấn tượng với hai nhận vật nữ, “hai chị em” (tập 1 của tiểu thuyết) là Đasa (em) và Kachia (chị). Hai các tên rất Nga, hai vẻ đẹp một trong sáng một kiêu sa, hai tính cách một rất cương nghị một quá đỗi dịu dàng... Tưởng như mâu thuẫn trong mỗi người nhưng lại hòa hợp và tạo nên số phận kỳ lạ của hai chị em. Họ không phải chỉ là những bông hoa cắm trong bình và im lặng phô vẻ đẹp của mình, họ đã vượt lên chính mình từ nhận thức nội tâm, sự thay đổi ở họ bắt đầu từ “cảm tính” nhưng ngày càng được củng cố vững chắc, vì nó dựa trên sự nhân hậu, lòng thương người, luôn công tâm với mọi người và nghiêm khắc với chính mình. Thoát ra khỏi cái bình hoa chật chội, hai chị em Kachia và Đasa như hai bông hoa trên cánh đồng Nga bạt ngàn hoa dưới bầu trời xanh đầy nắng gió.

Cùng với “hai chị em” là hai người đàn ông đã gặp họ đúng vào thời gian của những thay đổi, loạn lạc và chiến tranh... để rồi số phận của hai người đàn ông này gắn chặt với hai chị em, bất chấp chết chóc, phản bội và chia ly... Đó là kỹ sư Teleghin và sĩ quan Rosin. Cả hai đều thông minh, nhân hậu, là những trí thức Nga luôn day dứt trước thời cuộc, cố gắng đi tìm cho mình một vị trí để “phụng sự nước Nga”. Hai người đàn ông đã trải qua những thử thách, nghi ngờ, tuyệt vọng, cả cái chết... Nhưng hình bóng hai chị em – hay chính là khát vọng về sự chính trực, vẻ đẹp của tâm hồn Nga và lòng yêu thương con người – đã giúp họ thoát khỏi sự tàn khốc của chiến tranh, tìm được về bên người yêu dấu.

Cuộc đấu tranh nội tâm của các nhân vật chính thật ra là đi từ sự phức tạp, chênh vênh, vị kỷ... của đời sống thị dân tù túng “quẩn quanh trong tổ” đến sự chân thành, giản dị, hết mình, vì người khác... trong đời sống chiến tranh và được tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau.  Những đòi hỏi, thử thách của cuộc sống khiến người ta phải nhìn lại và thay đổi mình, khát vọng “sống tốt hơn” mạnh hơn khát vọng “được sống”, bởi vì họ đã từng “sống mòn”. Quan trọng là họ thoát khỏi những định kiến sinh ra từ vị thế xã hội, từ lối sống, từ hoàn cảnh của mình để có cái nhìn khác đi, cởi mở hơn với con người và cũng vị tha hơn với lỗi lầm của chính mình.

Một câu nói của Rosin được nhiều người thế hệ của tôi nhớ đến, có lẽ cũng vì khát vọng bình yên, hạnh phúc của một thời chiến tranh “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương.” Tôi cứ nghĩ đây mới chính là “thông điệp” mà tác giả gửi đến cho người đọc, khi đã trải qua “con đường đau khổ” cùng ông, dẫu rằng thời kỳ ông viết tiểu thuyết này và cho đến nay, “đấu tranh này là trận cuối cùng” vẫn là câu cửa miệng của chính thể XHCN không chỉ ở nước Nga.

Cả bốn nhân vật chính đều mang vẻ đẹp Nga rất giống hình dung của tôi khi đọc tiểu thuyết. Còn phải nói, ánh mắt luôn là câu hỏi lặng thầm của Đasa đúng là như vậy, nỗi buồn như tuyệt vọng của Kachia phải như thế, sự cương nghị Teleghin, sự dằn vặt của Rosin thì không thể có gương mặt khác được... ngoại hình các nghệ sĩ rất phù hợp với các nhân vật! Xem những phân đoạn của Kachia và Rosin tôi lại hình dung ra những nhân vật trong các truyện ngắn của Pauxtopxki: Tuyết, Bình minh mưa... Cả Anna Karenina nữa, giá mà Svetlana Penkin (người đóng Kachia) vào vai này nhỉ! Còn nàng Đasa kiều diễm (diễn viên Irina Alferova) với gương mặt trong sáng dưới chiếc mũ trắng lướt đi trên đường phố... giống như “Người đàn bà xa lạ” của Kramxkoi, mà trong lần ngắn ngủi đến Moskva tôi đã cố gắng đến bảo tàng xem trực tiếp, vì bức tranh đã để lại một ấn tượng rất mạnh từ khi tôi nhỏ xíu lần đầu nhìn thấy trên một tờ họa báo Liên xô.

Có lẽ ít có phim Liên xô nào mà lời thoại mang tính tự sự nhưng tư nhiên, không bị “kịch hóa” - như lời thoại và lời dẫn trong phim Con đường đau khổ. Tất nhiên là do phim dựa vào tiểu thuyết, nhưng khá nhiều phim LX (và dòng phim XHCN) nghe lời thoại của các nhân vật đôi khi như nhai phải sạn, hoặc cứ phải “trân mình” theo ngôn và ngữ của diễn viên. Nhiều câu nói của các nhân vật tưởng như nói về chính VN sau 1975, thậm chí như tiên đoán số phận của nước Nga trong thế kỷ 20. Và không khỏi chút tiếc nuối, giá mà chúng ta cũng có được những bộ sử thi chân thực bằng tiểu thuyết, bằng phim như vậy!

Nhân đây xin cám ơn người biên dịch, chị Phan Bạch Yến – chủ trang “Lặng lẽ nước Nga”, chị đã biên dịch rất nhiều phim Nga - LX bằng ngôn ngữ uyển chuyển, tinh tế, giàu nhạc điệu, và cho người xem/nghe một cảm giác “Nga” thật tròn đầy!

8.11.2020

Đây là bản tiếng Việt tiểu thuyết Con đường đau khổ do Cao Xuân Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nxb Văn nghệ TPHCM năm 2000, in lần thứ tư. Mình thích bản này vì khổ nhỏ tiện mang theo người để xem, và có bìa do họa sĩ Trịnh Cung vẽ rất đẹp :)



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...