Văn hoá thị dân xây dựng đô thị văn minh

 https://nld.com.vn/van-nghe/xay-ban-sac-van-hoa-do-thi-tp-hcm-van-hoa-thi-dan-lam-nen-van-minh-do-thi-20201116213028542.htm

Thị dân là gì? Câu hỏi tưởng chừng có câu trả lời đơn giản nhưng hóa ra lại khá phức tạp, bởi vì văn hóa của thị dân góp phần quan trọng tạo nên diện mạo một đô thị. Từ đó “thương hiệu” của đô thị được hình thành và củng cố, nhìn từ góc độ văn hoá.

Trước đây người ta hiểu “thị dân” là người sống ở đô thị. Nhưng giờ đây với sự phát triển đa dạng của đô thị và sự phức tạp của quá trình đô thị hoá, cách hiểu này chưa đầy đủ. Không thể định nghĩa “thị dân” bằng cách xác định nơi sinh sống mà phải từ khía cạnh văn hóa của người sống ở đô thị. Một vài đặc điểm nhận dạng thị dân và văn hoá thị dân như sau:

“Thị dân” là người sinh sống ở một trong những thành phố lớn trên thế giới. Là người tiêu dùng khá giả, có quan điểm sống lạc quan và rất khác những người sống ở "thị trấn nhỏ" hoặc khu vực nông thôn... Văn hóa thị dân vừa là một tiểu văn hóa (subculture), vừa là một lối sống hiện đại. Thị dân có 6 đặc điểm chính: Thiếu thời gian, tự hào về văn hóa đô thị, có hiểu biết về truyền thông (media-literate), có ý thức về thương hiệu hàng hóa, tiêu dùng theo thị hiếu (trend-sensitive) và có ý thức về văn hóa” (*)

Hiện nay ở nước ta sự hình thành nhiều đô thị gắn liền với quá trình hiện đại hóa. Lối sống, nhịp sống thời công nghiệp tạo nên văn hoá đô thị thay đổi nhanh chóng, nhất là dưới tác động của “gia tăng dân số cơ học” là quá trình nhập cư với tốc độ và mật độ cao. Đô thị hiện nay thực hiện vai trò là trung tâm đa chức năng của một khu vực rộng lớn, do đó văn hoá đô thị phản ánh ứng xử của cộng đồng người nhiều nguồn gốc cùng sống trong môi trường xã hội giới hạn về không gian, điều kiện vật chất không theo kịp dân cư luôn có xu hướng tăng nhanh và mang tính bất thường.

Nhìn từ sự phát triển kỹ thuật, tại đô thị luôn xuất hiện nhiều phương tiện vật chất mới nhằm phục vụ và giải quyết những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới phản ánh khá chính xác lối sống thị dân và văn hoá đô thị, tiêu biểu và quan trọng nhất là ứng xử với giao thông và truyền thông – hai đặc trưng quan trọng của đô thị hiện đại.

Về giao thông. Không đâu tập trung nhiều phương tiện và đầu mối giao thông như ở đô thị, đô thị càng lớn phương tiện giao thông càng nhiều, kéo theo hệ thống đường xá cầu cống phát triển và hoàn thiện. Nhu cầu giao thông trong đô thị/ giữa các đô thị với nhau là yếu tố tác động để những phát minh mới về phương tiện và kỹ thuật giao thông, trong đó có phương tiện công cộng. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một đặc điểm của thị dân. Nó tạo nên và củng cố thói quen đúng giờ, xếp hàng, tuân thủ quy định về an toàn giao thông, khuyến khích hoạt động cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, lướt web, hạn chế thói quen gây ảnh hưởng đến người xung quanh như nói to, xả rác… trong không gian hẹp và đông người như xe bus hay metro.

 Ngay cả việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cũng đòi hỏi sự tôn trọng không gian công cộng: dừng xe đúng đèn tín hiệu, đúng vạch, đi đúng làn đường… để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Tiến tới ứng xử một cách văn minh như ở giao lộ sẵn sàng nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật… Sự tuân thủ luật pháp trở thành quy tắc đạo đức trong hành xử hàng ngày. Khi ấy văn hoá giao thông ở đô thị là chuẩn mực cho nhiều tiểu vùng văn hoá khác.

Về truyền thông. Ngày nay đô thị là nơi tập trung dày đặc những con người làm việc không thể thiếu máy tính và mạng Internet. Đây cũng là nơi thu nhận và lan toả tất cả các loại thông tin “nóng” hay “nguội” bằng nhiều hình thức truyền thông: báo chí in, TV, đài phát thanh, Internet (báo mạng, các mạng xã hội…). Sự hiểu biết về truyền thông trong xã hội hiện đại chính là sự đòi hỏi người tiếp nhận thông tin phải có trách nhiệm chọn lọc cho mình và cho người khác. Vậy nhưng nhiều người đã sử dụng mạng xã hội tiếp tay cho những tin tức, hình ảnh “giật gân” mà thực sự không biết nguồn tin ấy thật giả thế nào.

ng xử với thông tin thời hiện đại không thể bằng kiểu “dư luận” đồn thổi của làng xã như xưa kia. Truyền thông nào xã hội ấy, và ngược lại. Nhìn vào văn hoá đô thị qua truyền thông có thể nhận biết văn hoá của thị dân. Bên cạnh sự điều hành của chính quyền đô thị với những quy tắc, luật lệ phù hợp sinh hoạt và vận hành của đô thị, các tổ chức cộng đồng xã hội cần được tạo điều kiện để phát huy trách nhiệm của mình với sự phát triển của đô thị. Đây là điều kiện quan trọng để đô thị phát triển bền vững.

Qua hàng chục hàng trăm năm, lối sống, văn hóa đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân.Tuy nhiên, khi đô thị chịu nhiều biến động, có những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư trong một thời gian ngắn thì không kịp di truyền và củng cố lối sống thị dân và văn hóa đô thị. Vì vậy, giữ cho đô thị ổn định về dân cư, nhất là trung tâm hay khu vực có lịch sử dân cư lâu đời, tránh gây ra xáo trộn lớn gây bất ổn về tâm lý, lối sống, văn hoá… Đây chính là một trong những phương cách gìn giữ đặc trưng văn hoá đô thị. Như vậy thị dân mới có thể tích luỹ những hiểu biết về văn hoá, từ đó tự hào về văn hoá đô thị, tiến tới xây dựng thương hiệu cho từng đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến một thành phố “văn minh – hiện đại – nghĩa tình”, trong mục tiêu đó có sự tiếp nối truyền thống ứng xử tình nghĩa của người dân, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh về nếp sống. Lĩnh vực giao thông và truyền thông phản ánh phần quan trọng của điều kiên vật chất và tinh thần của thành phố. Hiện nay, nếu truyền thông khá phát triển (internet, báo chí online, mạng xã hội...) thì giao thông còn nhiều vấn nạn (đường xá không đáp ứng nhu cầu, thường xuyên kẹt xe tắc đường, ngập nước...). Tuy nhiên những hiện tượng ứng xử chưa văn minh trong tham gia giao thông (đặc biệt giao thông cá nhân), tham gia truyền thông (nhất là mạng xã hội) thì khá giống nhau. Có thể nhận thấy do “cung và cầu” chưa phù hợp: dân số tăng nhanh, mật độ ngày càng đông đúc, nhịp sống ngày càng hối hả nhưng đường xá không tăng tương ứng, lại thường xuyên hư hỏng xuống cấp...; internet phát triển nhanh “phủ sóng” rộng với nhiều hình thức nhưng một bộ phận người dân và nhà quản lý không biết sử dụng hoặc sử dụng chưa cho hiệu quả tốt.

Khi yếu tố khách quan (kỹ thuật hiện đại, phù hợp môi trường đô thị) và yếu tố chủ quan (nhận thức, trình độ của nhà quản lý và văn hóa của thị dân) phát triển đồng bộ, khi ấy sẽ tạo nên “diện mạo” một thành phố văn minh – hiện đại.

 *Từ điển online có tên urbandictionary.com

 Nguyễn Thị Hậu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...