Thưa bà bộ trưởng y tế.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản

Khi có những trẻ em chết vì "sốc vac xin" tôi không thấy bộ trưởng y tế có một lời xin lỗi hay ít nhất, đến chia sẻ an ủi với một trong số những gia đình không may mắn ấy. Tôi đã đặt câu hỏi, nếu những đứa trẻ ấy là con cháu của bà thì bà nghĩ gì?
Nay, một tội ác lớn như thế trong ngành dược liên qua đến biết bao sinh mạng người bịnh ung thư và gia đình họ, liên quan đến y đức của bao nhiêu bác sĩ... bà vẫn kiên trì im lặng!
Có người nói với tôi: bộ trưởng là chính khách nên cần giải quyết công việc trước khi thể hiện tình cảm, nếu cần. Nhưng, Chính khách cũng là con người, một người có chức trách nhiệm vụ cao (nhất) trong một lĩnh vực nào đó. Nhưng trước hết, có "chính trị" nào quan trọng hơn là làm an dân?
Khi bộ trưởng y tế là một phụ nữ, đó là điều cần thiết ở bà hơn những chính khách khác!
Thưa bà bộ trưởng, dịch sốt xuất huyết đang làm chết người khẩn cấp, nhưng mong bà hãy dừng chỉ một bước chân đi thị sát, dừng lại và cúi đầu tạ lỗi không chỉ với gia đình những bịnh nhân xấu số mà còn với bao người đang mất dần lòng tin với ngành y, dù còn đó nhiều bác sĩ có lương tâm.
Một phút dừng lại có thể sẽ làm cho bà tự đặt câu hỏi: nếu những người bịnh đó là thân nhân của mình? Tôi biết, chuyện từ chức của chính khách ở nước ta là một điều viển vông. Nhưng nếu có lòng tự trọng, là chính khách thì hãy biết tự đặt những câu hỏi trước khi để công luận lên tiếng.
Nguyễn Thị Hậu, 25.8.2017

LẠI NÓI VỀ BOLERO

@ Bolero phổ biến ở miền Nam trước 1975, nhưng phần lớn ở miền quê. Những năm mình mới về Sài Gòn (1975 – 1980) ở thành phố hầu như chỉ thấy nhạc Trịnh, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên (có người gọi là dòng nhạc đô thị)… Bạn mình lúc đó ai thích nghe bolero hay cải lương đều bị gọi “quê, lúa”. Nhưng chỉ cần bước chân lên xe đò về miền Tây ra miền Trung là bắt đầu nghe borero, giống như sau này những năm 1990 – 2000 phổ biến dòng nhạc quê hương mang âm điệu dân ca.
Cũng như mọi yếu tố văn hóa, mỗi thời có một dòng nhạc phù hợp tâm trạng phổ biến của con người thời ấy. Nó phản ánh một phần của xã hội đương thời. Gần đây Bolero quay lại đáp ứng nhu cầu “hoài niệm” của nhiều người, nó tràn lan trên truyền hình, trên sân khấu đến những phòng trà ca nhạc rồi ra vỉa hè nhạc “kẹo kéo” hay karaoke với giọng ca già trẻ lớn nhỏ… Nhưng xin đừng khoác cho nó cái áo “đại diện, biểu tượng” của thời đã qua. Bởi vì cái gì càng “quá” thì càng “qua” nhanh, chẳng việc gì phải ra sức chê bai hay ca ngợi.
Mình, vốn thích nghe cả dòng nhạc đô thị, lại cũng thích nghe bolero, và cả những dòng nhạc khác, miễn đó là bài hát hay và hợp với tâm trạng. Mình vốn thích những gì gần gũi chứ không thích a dua đám đông ngợi ca những gì sang cả. Và, âm nhạc cũng như mọi hiện tượng khác, đừng cố thổi phồng giá trị, sẽ nhanh vỡ như bong bóng xà phòng. Cứ để Bolero sống cuộc đời bình dị của nó, con người còn những tâm trạng cô đơn buồn bã nhớ nhung thậm chí sến súa… thì còn Bolero, có sao đâu nhỉ?
Linh tinh lang tang (118). BOLERO… “SAO ANH NỠ ĐÀNH QUÊN” (note cũ)
Chắc chắn cả kiếp trước tôi cũng là người miền Tây, vì tôi có thể nghe Bolero bất cứ lúc nào.
Bolero không làm tôi buồn mà đơn giản chỉ như có một người bạn chơn chất ở bên. Bạn không tò mò về nỗi buồn của tôi, không cật vấn tại sao tôi khó chịu, không tra hỏi vì sự dửng dưng của tôi… Bạn cứ lẳng lặng vang lên giai điệu của mình, để đến một lúc nào đấy tự tôi quên đi những buồn những bực những điên… chỉ còn trong tôi giọng điệu lời ca sến sến ân tình.
Từ những bài hát Bolero vang lên ở những quán cà phê võng dọc đường miền Tây, vang lên trong những đám cưới miệt vườn, vang lên trên ghe xuồng ngược xuôi kinh rạch, bolero giao duyên với sáu câu vọng cổ qua giọng ca Minh Vương Lệ Thủy, bolero trải dài theo những chuyến xe đò ngược xuôi ngày đêm… đến những bản nhạc bolero mỗi tối trong phòng trà, quán cà phê, quán nhậu ở Sài Gòn… Với Bolero người sang trọng hay bình dân đều bình đẳng vì những cảm xúc tuôn tràn từ trái tim làm cho người ta cảm thấy lòng mềm lại, muốn yêu thương nhiều hơn, mong được yêu thương nhiều hơn. Tôi đoan chắc rằng những giây phút thả mình cùng bolero không ai không là người thiện, không ai có thể nghĩ đến việc làm điều ác.
Bolero nói gì? Than thân trách phận nhưng không làm người ta tuyệt vọng. Giận người giận đời nhưng không gây sự căm thù. Bày tỏ thương yêu mà không làm người ta ngại ngùng. Thất tình mà vẫn tràn đầy bao dung nhân ái. Và niềm vui hạnh phúc thì thật đơn sơ như có thể chạm tay vào được… Vậy mới hiểu vì sao bolero lại đáng yêu đáng nhớ, lại quen thuộc với người miền Tây đến như vậy.
Bolero thương nhớ, lúc nào bạn cũng có thể tìm đến với bolero, cũng như bất kỳ hoàn cảnh nào nghiệt ngã nào người miền Tây cũng sẽ vượt qua một cách nhẹ nhàng… Chỉ còn nỗi buồn sẽ ẩn sâu trong trái tim, để khi gặp bolero thì tràn ra trên môi, trên mắt…
“Anh ơi nếu một mai có ai hỏi người tên ấy. Biết nói gì đây hỡi anh, mà sao nỡ đành quên?...”
Bolero của miền Tây… không ai nỡ đành quên…
(Sài Gòn 23.8.2015)

Hình ảnh có liên quan

THỜI CHƯA QUA VÀ SỰ CHÍNH DANH


Từ sau 75 cho đến nay trong gia đình mình tuyệt nhiên không bao giờ có hai từ “ngụy” và “cộng sản” kiểu gọi kỳ thị hay xếch mé. Đơn giản vì hai bên nội ngoại đều có người bên này bên kia trong cuộc chiến hơn hai mươi năm.
Những ngày có đám giỗ chạp hiếu hỉ, gặp nhau không thể tránh khỏi chuyện thời cuộc, nhất là trong những năm 1975 – 1980, người ở cả hai bên có thể tranh luận thậm chí cãi nhau, nhưng không bao giờ sỉ nhục hay miệt thị nhau là “bọn ngụy” hay “thằng cộng sản”, mà thường nói vui là nhà mình có hai phe “cách mạng” và “liều mạng”, vì một bên từ bỏ sung sướng đi kháng chiến còn một bên liều mình vượt biên.
Người hai bên thương nhau vì cùng một nhà, vì thương nội ngoại không muốn đàn con gặp nhau sau bao năm xa cách lại thù ghét nhau, và vì hiểu, mỗi người có sự lựa chọn, cả do thời thế, để đi con đường của mình. Và một điều quan trọng nữa, người “trở về” như nhà mình không coi tài sản ông bà nội ngoại là “tài sản” của mình, "ba má đi làm cách mạng không phải để về - vơ - vét", vì vậy tránh được mọi khó xử không đáng có.
Khi ba mình làm công việc phụ trách khối sân khấu của thành phố, trong tâm trong tâm tư tình cảm của ông chưa bao giờ ông phân biệt nghệ sĩ cách mạng hay nghệ sĩ Sài Gòn, ông cư xử thân ái như nhau, xử lý với người sai phạm như nhau không thiên vị. Nhưng ông thương những người chịu thiệt thòi như diễn viên thường, người làm công tác hậu đài, phục vụ... vì không ai biết đến, vì thu nhập thập, vì bị coi thường từ ngay mấy “nghệ sĩ lớn”... Ông vẫn nói, khi tấm màn nhung mở ra để sân khấu sáng đèn thì phải có bao người chịu đứng trong bóng tối.
Khi má mình làm việc ở ngân hàng, bà cùng nhiều đồng nghiệp đấu tranh chống lại ý định tịch thu toàn bộ tiền tiết kiệm gửi các ngân hàng Sài Gòn của người dân, công chức với lý do “làm việc cho chế độ cũ”. Không thể “thất nhân tâm như vậy, nếu khó khăn thì có kế hoạch trả dần cho người gửi, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt, trong chế độ nào cũng phải đi làm, nếu không thì họ sống bằng gì?”.
Những suy nghĩ và ứng xử của ba má mình gặp không ít sự phê phán từ cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí bị quy chụp "mất lập trường giai cấp", là “tả khuynh hữu khuynh” gì đó. Nhưng ông bà vẫn không thay đổi, vì điểm xuất phát của những suy nghĩ ứng xử đó là sự chính trực. Có sự chính trực người ta nhìn nhận và hành xử công bằng, và gọi tên sự vật đúng như nó chứ không cần phải dùng lời lẽ mệt thị khinh thường hay ngược lại, tâng bốc nịnh thối.
Mình, con của ba má, tthừa hưởng tính cách đó. Chưa bao giờ chơi với bạn mà có ý nghĩ bên này bên kia... Mình có nhiều bạn Sài Gòn từ lớp 12 Marie Curie năm học 75-76 và sau đó ở trường đại học, rồi đi làm, nhất là bạn “vỉa hè” thì hầu như toàn các anh chị văn nghệ sĩ Sài Gòn... Thân nhau như với các bạn Mở Miệng, Giấy Vụn, hay với nhiều anh chị hợp nhau thì gặp cà phê hay nhậu bờ kè trò chuyện... Cũng nói đủ thứ chuyện, có nhiều chuyện không “đồng thuận”, nhưng vẫn tôn trọng quý mến nhau... Nhưng nếu có ai đó thể hiện kỳ thị Bắc Nam hay bên thắng bên thua thì mình tránh không gặp nữa, vì đó là những định kiến rất khó thay đổi (nhưng không khó để nhận ra vài người vẫn ngấm ngầm “theo dõi” mình với định kiến ấy).
Thời đã qua của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia là sự tồn tại “như nó đã từng”. Muốn hiểu đúng gọi đúng tên sự việc thì cần sự chính trực và tình yêu thương như người một nhà, là “đồng bào”.
Chính quyền “Việt Nam cộng hòa” là một thực thể lịch sử. Khi các công trình sử học lưu lại sự tồn tại của chính thể này một cách chính danh như vậy sẽ làm rõ nhiều điều, cả thành tựu và sai lầm của nó, cũng như sử sách ghi ghép về tất cả những triều đại đã qua. Khi chưa được nhìn nhận một cách công bằng thì quá khứ mãi còn là MỘT THỜI CHƯA QUA. Sự công chính dành cho quá khứ chính là sự dọn dẹp phong quang cho con đường đi đến tương lai.
Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, lịch sử đánh giá về “thời đã qua” cũng là đánh giá ngay cả về thời hiện tại “đang qua”. Thái độ ứng xử với (di sản) quá khứ thế nào cho biết nhiều điều về chính thể hiện nay.
Điều cần thiết hơn là những sự việc hiện tượng của ngày hôm nay cần phải được gọi đích danh chứ không thể ve vuốt bằng những từ ngữ lươn lẹo và dối trá. Những từ ngữ xảo trá đầy rẫy hiện nay cho thấy sự bất chính của những người sử dụng nó.
Nguyễn thị Hậu. 21.8.2017

Hội trường Thống Nhất (trước 1975 có tên Dinh Độc Lập) do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế

CỘT CỜ THỦ NGỮ - MỘT DẤU CHỈ HIỆN ĐẠI CỦA ĐÔ THỊ SÀI GÒN CUỐI THẾ KỶ 19

NGƯỜI ĐÔ THỊ số ra ngày 18.8.2017
Nguyễn Thị Hậu

Theo tài liệu lịch sử, sau khi chiếm Sài Gòn (1859) Pháp xây dựng công xưởng hải quân (tức xưởng Ba Son) ngay sát Xưởng Thủy của triều Nguyễn, nơi được coi là vị trí rất tốt cho việc đặt các ụ sửa tàu, có khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu thuyền vào cập bến. Bên cạnh công xưởng hải quân chính quyền Pháp cũng thiết lập một hải cảng thương mại quốc tế mới ở sông Sài Gòn phía cửa rạch Bến Nghé. Chỉ một năm sau (1860) Pháp đã quyết định mở thương cảng cho tự do thông thương và khu vực cảng này hoàn tất vào năm 1863, đánh dấu bằng sự hiện diện của tòa nhà trụ sở Công ty vận tải đường biển Pháp (Messageries Maritimes) tức Bến Nhà Rồng. Khoảng từ 1870 bắt đầu có tàu thủy chạy bằng hơi nước từ nhiều nơi ghé bến Sài Gòn.
Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10 năm 1865 tại khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng, nay ở đầu đường Hàm Nghi. Cột cờ là một bộ phận kỹ thuật của cảng Sài Gòn, có chức năng gắn liền với việc điều hành những chuyến tàu ra vào cảng. Kiến trúc của Cột cờ Thủ Ngữ khá độc đáo gồm 3 tầng giật cấp, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác… Trên một tấm ảnh chụp ghi năm 1882 đã thấy cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng tạo nên một cảnh quan đẹp tại nơi “thoi loi đất” ngã ba sông rợp cây xanh và lộng gió.
Ở Sài Gòn và vùng phụ cận có vài địa danh mang chữ "Thủ", như Thủ Thiêm, Thủ Đức, xa hơn là Thủ Dầu Một ở Bình Dương, Thủ Thừa ở Long An... Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, "Thủ" có nghĩa là "giữ, giữ gìn". Cột cờ "Thủ ngữ" ở Sài Gòn với chữ “thủ” mang nghĩa là "điểm/vị trí giữ cửa/cảng biển”. "Gia Tân nền tạm thuở xưa, Ngày nay có dựng cột cờ gần bên" như Gia Định phong cảnh vịnh củaTrương Vĩnh Ký đã miêu tả. Vương Hồng Sển ghi trong Sài Gòn năm xưa về chức năng của cột cờ Thủ Ngữ: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.
Thời đó, lúc chưa có xe hơi, sang lắm mới đi xe ngựa, phần lớn dân chúng đi bộ… thì việc những chiếc tàu thủy từ phương xa theo sông Sài Gòn vô tận bến cảng là biểu hiện của quá trình “hiện đại hóa” vào nửa sau thế kỷ 19. Cột cờ Thủ Ngữ có vị trí ngay bến cảng, cấu tạo bằng sắt cao vút với nhiều bộ phận, chức năng báo hiệu cho tàu thuyền ra vào, khác biệt với cột cờ truyền thống trong thành quách cung điện xưa… đã trở thành một dấu chỉ hiện đại của đô thị Sài Gòn.  
Ngày nay Cột cờ Thủ Ngữ không còn thực hiện chức năng của nó. Các công trình ở gần như bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, cầu Mống cùng với cột cờ Thủ Ngữ tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, chứng nhân của quá trình phát triển cảng Sài Gòn và nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. Trải qua gần 150 năm, hiện nay khi hệ thống cảng Sài Gòn đã di dời gần hết ra khỏi thành phố, từ Tân Cảng đến Ba Son, kể cả khu vực Khánh Hội, thay vào đó là những dự án của một vài tập đoàn bất động sản đã “chuyển đổi công năng” toàn bộ khu vực có những di tích công nghiệp xưa nhất của thành phố và cả nước… thì có lẽ Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng là chứng tích cuối cùng của một thời thương cảng Sài Gòn sầm uất!
***
Một trong những đặc trưng của Sài Gòn – Bến Nghé từ khi khởi lập cho đến khi người Pháp xây dựng một đô thị, và cho đến TP. Hồ Chí Minh đầu thế kỷ 21, là đây là một thành phố - thương cảng. Từ “cảng Sài Gòn” nơi đây không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm tiếp nhận và giao lưu với nhiều nền văn hóa mới, yếu tố kỹ thuật  hiện đại trên thế giới. Có thể nói, nếu không có tính chất “cảng thị” thì Sài Gòn khó có thể là một thành phố đa dạng và cởi mở về kinh tế - văn hóa – xã hội như ngày nay.
Vào tháng 5.2016 Cột cờ Thủ Ngữ đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Gần đây chính quyền thành phố có chủ trương chỉnh trang Công viên Cảng Bạch Đằng mở rộng kết hợp với những chiếc cầu sẽ được xây dựng dẫn qua khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đó sẽ có các hoạt động giải trí dọc bờ sông kết hợp với thương mại một cách hài hòa nhất, đồng thời phải bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ. Riêng công trình điểm nhấn tại vị trí cột cờ Thủ Ngữ sẽ tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế, nhằm lựa chọn phương án kiến trúc tối ưu.
Với ý nghĩa lịch sử của Cột cờ Thủ Ngữ đối với thương cảng Sài Gòn nói riêng và thành phố nói chung, từ góc độ bảo tồn di sản đô thị, nên chăng ngôi nhà dưới chân cột cờ cần được trùng tu và xây dựng thành phòng trưng bày nhỏ về Cảng Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 - giai đoạn Pháp bắt đầu xây dựng và mở mang khu vực Cảng và phát triển thương mại đường biển. Đồng thời trùng tu, bảo quản toàn bộ cấu trúc kỹ thuật của cột cờ. Phục dựng và định kỳ “diễn lại” chức năng kéo cờ hiệu kết hợp với tàu du lịch ra vào phía bến Nhà Rồng. Hoạt động này sẽ làm cho Cột cờ Thủ Ngữ trở thành “điểm nhấn” thu hút du khách đến tham quan, như những trường hợp phục dựng sinh hoạt cổ xưa tại nhiều di tích lịch sử văn hóa trên thế giới.
Nhân đây tôi cho rằng không nên tiến hành nghi thức chào cờ và hạ cờ mỗi ngày ở Cột cờ Thủ Ngữ (như đã có phương án dự kiến) vì đó là “nghi thức mới” không phải chức năng vốn có của di tích này. Nghi thức chào cờ và hạ cờ cần được tiến hành ở một không gian trang trọng như tại quảng trường trước UBND thành phố thì phù hợp hơn.
Ngoài ra, khu vực Bến Nhà Rồng - cầu Mống - tòa nhà Ngân hàng quốc gia - tòa nhà Hải quan thành phố - bến Bạch Đằng - Cột cờ Thủ Ngữ cần được gìn giữ bảo vệ như “không gian di sản” của thành phố – giống như khu vực đường Nguyễn Huệ - UBNDTP – Nhà thờ Đức Bà – Bưu Điện - Dinh Thống Nhất, vì đây là những nơi tập trung các công trình được xây dựng vào thời kỳ sớm của đô thị Sài Gòn.
   

Sài Gòn 4.8.2017
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, đại dương, ngoài trời, nước và thiên nhiên

NHỮNG NGƯỜI HÓA GIẢI “LỜI NGUYỀN CHIẾN TRANH”


Nguyễn Thị Hậu

Bút ký Tôi chết bắt đầu một thế giới sống của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về hành trình “đi tìm đồng đội” của bác sĩ Trần Văn Bản, chứng nhân lịch sử đã có mặt tại chiến trường miền Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sau năm 1975, ngay khi cuộc sống còn vô cùng khó khăn, bác sĩ Bản (công tác tại Hội Chữ Thập đỏ quận Tân Bình) đã bắt đầu đi tìm mộ đồng đội ở những nơi anh từng chiến đấu, đã tự tay chôn cất và ghi nhớ sơ đồ, vị trí từng đồng đội nằm xuống. Bất chấp mọi gian khổ, anh đến đó, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân, tìm bằng được và đã đưa rất nhiều hài cốt liệt sĩ về với gia đình, quê hương.

Cuốn sách là những câu chuyện giản dị, chân thực và tràn đầy nhân ái nhưng đã tái hiện được sự ác liệt của chiến tranh cũng như nỗi đau không nguôi của bao nhiêu gia đình còn chưa tìm được tung tích thân nhân, còn bao người nằm dưới những ngôi mộ “chưa tìm được tên tuổi và quê quán”… Chuyện về những lọ thuốc penexiline chôn trong mộ mà bác sĩ Bản dùng để nhân dạng liệt sĩ bằng cách cho vào đó mảnh giấy ghi tên tuổi, ngày mất. Chiếc lọ nhỏ xíu mà chứa đựng trong đó lời hứa của người còn sống và niềm hy vọng lớn lao: một ngày nào đó người nằm đây sẽ được về với gia đình. So với chiếc “thẻ bài” của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh thì chiếc lọ penexiline không chỉ là vật tượng trưng cho trách nhiệm mà còn là nghĩa tình đồng đội, vì chỉ có những người sống chết bên nhau mới có thể làm cho nhau một việc tưởng chừng giản đơn nhưng vô cùng cần thiết như thế!

Đó là câu chuyện về những bà má Nam bộ thương những anh lính “Bắc kỳ” như con ruột vì họ đã phải “xa cha mẹ xa nhà vô đây chiến đấu”. Khi các anh hy sinh dù không thể làm mộ phần nhưng các má đã che chở, chăm nom nơi các anh nằm xuống không phân biệt quê quán vùng miền. Con nào cũng do người mẹ dứt ruột sinh ra, các má giữ gìn để có ngày những người mẹ đất Bắc được đón các anh về sau bao năm kiếm tìm, chờ đợi…

Đó là câu chuyện của những người “chia tay không hề rơi nước mắt, nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt” nhưng chỉ được gặp lại người thân trong hình hài khác. Có trường hợp không thể nói gì khác ngoài sự linh thiêng như có lần bác sĩ Bản tìm về một nơi để trao hài cốt thì gia đình liệt sĩ đã rời quê từ lâu. Chỉ nhờ sự may mắn gần như không tưởng đã cho anh gặp lại người cha của liệt sĩ ngay nơi anh tìm đến đầu tiên, và nước mắt người cha đã rơi khi nghe anh nói đến tên con trai mình…

Bác sĩ Trần Văn Bản từng tham gia đi tìm hài cốt những người lính Mỹ, có lần anh tìm thấy hài cốt một người lính quân đội Sài Gòn và mang về cho gia đình người lính ấy…  Nghĩa tử là nghĩa tận, khi chiến tranh là những người lính ở hai chiến tuyến nhưng hòa bình rồi gia đình nào cũng đau khổ khi chưa tìm được con em mình… Đó là suy nghĩ của bác sĩ Bản khi anh được hỏi về chuyện này trong buổi giao lưu với bạn đọc. Quá khứ thì không thay đổi được nhưng hiện tại hãy làm mọi việc có thể để hàn gắn vết thương chiến tranh mà cả hai phía cùng gánh chịu.

Trong cuộc trò chuyện giới thiệu cuốn sách, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã lý giải về tựa sách “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống là tiếng nói của những người đã hy sinh”, họ hy sinh vì cuộc sống hòa bình và một đất nước sẽ tốt đẹp hơn. “Đền ơn đáp nghĩa” cho những người đã khuất là đừng để sự hy sinh của họ là vô ích. Đọc cuốn sách này không thể không nhớ đến thông tin báo chí gần đây về những ngôi mộ tập thể của bộ đội trong sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa và bao nhiêu chiến trường khác… Hơn bốn mươi năm rồi vẫn chưa được đồng đội bây giờ làm tròn trách nhiệm.

Tác phẩm Tôi chết bắt đầu một thế giới sống của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Hai mươi năm sau, 2017, tái bản lần thứ 3 và tác phẩm vẫn được công chúng trân trọng đón nhận. Đọc cuốn sách này tôi nhận ra “hành trình đi tìm đồng đội” của những người như bác sĩ Trần Văn Bản không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với người sống mà còn như sự cố gắng hóa giải một “lời nguyền” trên đất nước còn hàng triệu vong linh qua hàng chục năm chiến tranh chưa tìm về được hơi ấm quê nhà.

Sài Gòn 30.7.2017

Không có văn bản thay thế tự động nào.


Linh tinh lang tang (147)

@ Ở cơ quan kia có chuyện như thế này.
 Công đoàn cơ quan bằng nhiều hoạt động nên có nguồn kinh phí để hàng năm tổ chức cho nhân viên đi nghỉ vào dịp hè, ai đi thì được “bao cấp” chi phí và có thêm ít tiền, ai không đi thì ở nhà làm việc và không được chi tiền. Nguyên tắc này là để khuyến khích anh em thay nhau đi nghỉ ngơi bồi dưỡng sức khỏe, tạo điều kiện để mọi người (đóng thêm tiền) đưa gia đình con cái cùng đi cho vui. Cơ quan vẫn thực hiện như thế nhiều năm cho đến khi có sếp mới.

Năm nào sếp đi nghỉ với anh em thì theo nguyên tắc trên, vì “không đi là không thể hiện tinh thần đoàn kết”. Còn năm nào vì lý do gì đấy sếp không đi thì… người ở nhà cũng được chi tiền như người đi, vì “chúng tôi ở nhà làm việc thay cho mọi người”. Từ đó người ở nhà nhiều hơn người đi… vài năm sau chẳng tổ chức nghỉ hè được nữa.

Sau đó nói chung là chuyện gì cũng thấy cái lợi của sếp dù lấy lý do “cho anh em”. Thực ra ngay cả người có lợi họ cũng vẫn thấy sự tính toán cá nhân của sếp. Người cơ hội thì nịnh: ôi sếp sáng suốt công bằng quá! chỉ có vài người lên tiếng bảo vệ nguyên tắc nhưng phần lớn mọi người im lặng, tội gì nói để sếp ghét dìm chết!

Thật ra nguyên tắc nào cũng có thể sửa đổi nhưng phải trên tinh thần công chính. Cho nên việc tư lợi của sếp không phải người ta không biết, chỉ là có nói ra hay không vì sợ nhưng nhiều người không còn coi trọng sếp nữa.
Làm gì thì làm, sự nhỏ mọn và tham lam rất khó dấu kín, nhất là tính tham vặt thù dai ở người có chức quyền.

8/8/2017
Không có văn bản thay thế tự động nào.

CÓ MỘT NỖI “ÁM ẢNH” MANG TÊN ẨM THỰC


Có thể nói như vậy về nhà báo Trần Công Khanh và hai tác phẩm mới của ông: Sài Gòn, ồ, bỗng ngon ghê! và Sài Gòn chở cơm đi ăn phở  mới được xuất bản dưới bút danh Ngữ Yên.

Tiếp tục những lang thang trải nghiệm của Người ăn rong trước đây, Ngữ Yên  mang đến cho người đọc nhiều món ăn LẠ và NGON trên nẻo đường ông đi tìm “bản sắc” ẩm thực Việt. LẠ, vì nhiều món chỉ có ở nơi xa “tí mút tí tè” lại được chế biến từ con cá cây rau chỉ nghe thì không hình dung được nó là gì và như thế nào. Sau mới là NGON, ngon qua miêu tả của người viết, cách miêu tả thấm đẫm hương, vị, màu, sắc, lại ngon hơn bởi sự nhẩn nha nhấn nhá kể cách chế biến, rồi “truy nguyên” nguồn gốc con cá cây rau hay cách nấu có từ đâu…

Phần nhiều những món ăn trong hai tập sách là cá và thủy hải sản khác. Không lạ, vì Ngữ Yên là người miền Trung, như ông nói, quê ông chỉ có cá. Và cũng vì nơi ông có nhiều trải nghiệm về ẩm thực là vùng đất phương Nam dày đặc sông rạch với mùa nước nổi phong phú các loài cá tôm, lại có nơi “giáp nước” thủy triều và nước sông hòa vào nhau tạo ra vùng nước lợ. Sinh học (nói riêng và văn hóa nói chung) ở những vùng “giao thoa” như vậy bao giờ cũng lạ lẫm và đa dạng. Để “cảm” được những vị lạ ấy cần có cái lưỡi “không bảo thủ”, hay nói cách khác, cần thoát khỏi sự định kiến “ẩm thực là thói quen” của tư duy quanh quẩn trong “lũy tre làng”. Có đi, đi nhiều, lang thang thậm chí bất định để bất chợt gặp món ăn lạ mà ồ lên: Ngon!

Sao lại là “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở”? Cơm Sài Gòn có gì lạ? Phở Sài Gòn có gì khác? Tôi tự trả lời: đặc sản Sài Gòn là “cơm tấm” có thể ăn sáng trưa chiều tối, và kèm với nó là trứng, chả, bì, sườn với chén canh súp nhỏ… nói chung là thịt heo chứ không phải thức ăn khác. Là cơm tấm nhưng có quán cơm nấu bằng gạo thường thì hạt cơm phải khô rời mà vẫn mềm, thấm mỡ hành, nước mắm và thấm cả mùi thịt nướng. “Tấm” là thứ phẩm của gạo nhưng lại được chế thành “đặc sản”, dường như cái gì đến tay người Sài Gòn cũng đều được “sáng tạo” như thế?

Còn Phở? Như Ngữ Yên “tiết lộ”, ông được biết phở vào miền Đông Nam bộ và sau đó là Sài Gòn từ những năm 1920 theo chân những người đi phu đồn điền cao su gốc từ Nam Định. Và Phở Sài Gòn là “đứa con” của ông bố Nam Định với bà mẹ Sài Gòn nên khác các anh em của nó ở ngoài Bắc, nhất là ở vị ngọt và có rau giá tương ăn kèm. Người Hà Nội vào Sài Gòn nếu có chê món gì đầu tiên thì đó là phở, nhưng với người Sài Gòn phở không còn là “món Bắc”, nó như hủ tíu Mỹ Tho, Sa Đéc hay Nam Vang, với bún bò Huế hay mỳ Quảng… tồn tại ở Sài Gòn như chính nó cần thiết phục vụ cho người Sài Gòn.

Cho nên sự đa dạng của ẩm thực Sài Gòn hay những “biến tấu” của nó bắt nguồn từ cộng đồng dân cư đa dạng ở thành phố này. Đa đạng và phần lớn họ trở thành “người Sài Gòn”, ít nhất trong ẩm thực: dễ tính khi chấp nhận sự ra đời và tồn tại mọi kiểu loại món ăn nhưng khó tính khi đánh giá ngon dở từ “cái lưỡi không định kiến” chứ không phải từ góc độ soi chiếu bảo thủ của “quê mình”.

Rất nhiều bài viết của Ngữ Yên là về các loại MẮM ở miền Trung và miền Nam. Nhiều món ăn từ mắm phổ biến trong mâm cơm của người bình dân dù có món chế biến cầu kỳ và tinh tế. Thủy hải sản trở nên tinh túy khi thành mắm và cũng trở thành “quốc túy” trong tâm thức nhiều người. Tôi bỗng nhớ ở chợ Tân Định có một quầy bán các loại mắm của hai người đàn ông trung niên, quần nhỏ thôi, mấy chiếc thau trắng sạch đựng mắm nâu vàng, thơm phức, trên kệ là những hũ mắm được “khằn kín” phục vụ cho vận chuyển đi xa… quầy hàng luôn đông người, mua từ 100, 200 gram đến nửa ký, một ký, mua cho bữa ăn hay gửi đi nước ngoài… ở đây đều bán đủ. Có chợ nào khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, miền Trung, miền Nam mà thiếu những hàng mắm? Tất nhiên đi cùng, kèm với mắm là rau, rau dại trên cạn dưới nước, rau trồng, rau ăn sống rau nhúng tái… Ôi thôi, nghe Ngữ Yên nói về mắm thì bao nhiêu vẫn thấy chưa đã, vậy mới biết cái tình của ông với mắm đậm đặc đến thế nào…

Mà thôi, dành cho các bạn đọc và khám phá ẩm thực “Sài Gòn” qua ngòi bút Ngữ Yên, Sài Gòn đấy nhưng không chỉ là/của Sài Gòn. Ai cũng thấy có mình một chút trong ẩm thực của đô thị này, nếu bạn rộng lòng đón nhận và chia sẻ, không chỉ là những món ăn.
Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn 5.8.2017


Tìm ADN của Sài Gòn qua di tích khảo cổ học

Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh vẫn được coi là một “vùng đất mới ba trăm năm”, một “thành phố trẻ” hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những dấu tích khảo cổ học đã tiết lộ nhiều hơn về những cộng đồng cư dân cổ cư trú trên vùng đất này từ khoảng 3.000 năm trước và cả về những biến đổi kinh tế - xã hội trong vòng vài trăm năm trở lại đây đã góp phần hình thành nên một đô thị như ngày nay.

Hàng chục di tích khảo cổ học được phát hiện trên các giồng đất đỏ ở huyện Cần Giờ với niên đại cách nay đến 2.500 năm, cho thấy, nơi đây từng là một cảng thị sơ khai từ khoảng 500 năm trước Công nguyên. Ảnh: Bản đồ vệ tinh khảo cổ học huyện Cần Giờ. Nguồn: Tác giả bài viết cung cấp.

Vị thế trong vương quốc Phù Nam

Cho đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện được hàng chục di tích khảo cổ học, trong đó có những di tích cấp Quốc gia như di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (thời tiền sử cách nay 2.500 năm) và Lò gốm cổ Hưng Lợi (thế kỷ 18- đầu thế kỷ 20).

Hệ thống di tích khảo cổ học này của thành phố tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn diễn ra quá trình chuyển biến từ văn hóa Đồng Nai thời tiền sử sang nền văn minh Óc Eo của quốc gia cổ Phù Nam. Nói cách khác, một trong những con đường nội tại hình thành nền văn minh Óc Eo là từ vùng đất Sài Gòn nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.

Từ khoảng 500 năm trước Công nguyên, địa bàn huyện Cần Giờ là trung tâm của lưu vực Vàm Cỏ – Đồng Nai, là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa. Các di tích “mộ chum” ở đây có nhiều di cốt và đồ tùy táng gồm trang sức, công cụ, đồ gốm… rất độc đáo, cho biết một táng thức khác biệt so với những di tích mộ chum khác ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nằm ở vị trí cửa sông Đồng Nai đổ ra vịnh Gành Rái nên cư dân cổ ở đây đã phát triển thương mại đường biển với các đảo và quần đảo Đông Nam Á và vịnh Ấn Độ, thể hiện qua nhiều di vật như trang sức vàng, mã não, nhiều loại hình đồ gốm… Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Cần Giờ nhường vai trò cảng thị cho khu vực Ba Thê (An Giang) để nơi này trở thành đô thị sầm uất nhất của vương quốc cổ Phù Nam.

Từ thế kỷ 1 – thế kỷ 7, khi trung tâm phát triển của văn hóa Óc Eo là miền Tây Nam Bộ thì vùng đất Sài Gòn ở vào phía Bắc, văn hóa Óc Eo hiện diện ở khu vực Cần Giờ là hàng chục di tích cư trú và sản xuất với nhiều vật dụng sinh hoạt của cư dân cổ cùng các loại gạch và chai gốm. Tượng đá, những viên gạch lớn, các loại đồ gốm Óc Eo… cũng được tìm thấy ở nội thành như ở chùa Phụng Sơn (quận 11) hay đường Trần Hưng Đạo (quận 5).

Từ sau thế kỷ 7, vùng đất Nam Bộ có nhiều biến động về chính trị – văn hóa – tộc người. Vương quốc Phù Nam suy tàn nhưng những cộng đồng cư dân nơi đây vẫn tiếp tục truyền thống văn hóa Óc Eo trên nền cảnh điều kiện lịch sử xã hội có nhiều thay đổi. Mặt khác, sự cộng cư giữa các tộc người bản địa lưu vực Đồng Nai - Đông Nam Bộ (Mạ, Stiêng…) và người Chăm, người Khmer đã làm cho sắc thái văn hóa nơi đây ngày càng đa dạng. Giai đoạn này, vùng đất Sài Gòn (giữa sông Vàm Cỏ và sông Đồng Nai) khá “biệt lập” với trung tâm hai quốc gia cổ Chân Lạp và Champa trong thời gian khá dài từ thế kỷ 8 – thế kỷ 16, 17 khi lưu dân người Việt, người Hoa đến đây mở mang khai phá.

Từ cảng sông – phố chợ đến đô thị – thương cảng

Từ đầu thế kỷ 17, Sài Gòn – Bến Nghé lần lượt trở thành cảng sông – phố chợ, nơi thu thuế (1623); trung tâm chính trị – hành chính (1689); trung tâm thương nghiệp của “xứ Đàng Trong”, “Gia Định kinh” của các chúa Nguyễn rồi vương triều Nguyễn. Vị thế quân sự – chính trị – kinh tế – văn hóa của Sài Gòn đối với đồng bằng sông Cửu Long được khẳng định. Trải qua các biến cố quân sự – chính trị trong suốt gần 300 năm, tình trạng phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ của đô thị cổ Sài Gòn phản ánh qua hệ thống di tích gồm cảng thị Bến Nghé, Xóm Lò Gốm, các khu mộ táng, kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, thành lũy…

Khu vực đường Tôn Đức Thắng, rạch Thị Nghè, đoạn sông Bến Nghé gần Ba Son đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật gốm gia dụng bằng đất nung của người Việt, người Hoa, người Chăm; đồ gốm Bát Tràng, Phúc Kiến, Quảng Đông…; cũng có cả loại gốm sứ triều Nguyễn đặt Trung Quốc làm. Khu vực này chỉ là một phần của cảng Bến Nghé xưa gồm một hệ thống các bến – chợ dọc rạch Thị Nghè, từ đoạn sông Sài Gòn (quãng công xưởng Ba Son) kéo dài theo rạch Bến Nghé vào tận Chợ Lớn.

Là trung tâm thương mại, giao lưu của một vùng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, hàng hóa của hệ thống thương cảng Sài Gòn gồm sản phẩm của các ngành nghề thủ công được tổ chức thành phường hội tập trung ở các khu vực nhất định. Một phần “Xóm Lò Gốm” của Sài Gòn xưa đã được tìm thấy tại làng Hòa Lục – Phú Định (quận 8). Đó là khu lò Hưng Lợi sản xuất từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Cùng với khu lò Cây Mai (quận 11), vùng Gốm Sài Gòn sản xuất nhiều loại gốm kiến trúc trang trí và gia dụng độc đáo, rất được ưa chuộng không những ở Nam Bộ mà còn ở nhiều vùng miền khác trong cả nước. Nửa đầu thế kỷ XX, do quá trình đô thị hóa, vùng gốm Sài Gòn không còn điều kiện để phát triển sản xuất, truyền thống và kỹ thuật sản xuất “gốm Sài Gòn” sau đó hiện diện ở gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương)…

Những khu mộ cổ đã được khai quật có thể kể đến các khu mộ ở Vườn Chuối, Phú Thọ, Gò Cát, Bình Trưng, Nguyễn Tri Phương, Pasteur, trong khuôn viên Dinh Thống Nhất (Vườn Ông Thượng) hay mộ cổ vùng Phú Nhuận, Xuân Thới Thượng…  Đáng lưu ý là một ngôi mộ song táng (nam tả nữ hữu) đã được phát hiện khi giải tỏa nghĩa địa Xóm Cải (quận 5), cùng kiểu “trong quan ngoài quách” nhưng mộ người nữ thi hài khô lại và còn nguyên vẹn, chứa đựng bí mật của một phương thức “ướp xác” độc đáo. Hai ngôi mộ này có niên đại giữa thế kỷ 19. Nằm ven rạch Giồng Ông Tố chảy ra sông Sài Gòn có khu mộ cổ Gò Cát (quận 2) hiện còn hàng chục mộ xây đá ong – loại vật liệu xây dựng phổ biến ở đất Gia Định trước thế kỷ 20. Ngoài ra, một số khu lăng mộ của những nhân vật lịch sử thời Nguyễn vẫn được bảo tồn khá tốt.

Giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn từ cuối thế kỷ 18 cũng là giai đoạn lưu dân người Việt, người Hoa khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… Cộng đồng người Việt, người Hoa đã duy trì phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán… xây dựng trong khoảng hơn 200 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân và những sinh hoạt tinh thần của họ.

Giữa thế kỷ 19, ngay sau khi đánh chiếm Bến Nghé – Sài Gòn (1861), để phục vụ việc chiếm đóng và cai trị lâu dài xứ Nam Kỳ, giới chức quân sự Pháp đã chủ trương cải tạo, xây dựng khu vực Bến Nghé từ trung tâm chính trị – quân sự của triều Nguyễn thành “thủ phủ” của chính quyền thực dân ở Đông Dương. Sài Gòn bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị Tây phương bằng chương trình quy hoạch khoa học và chi tiết. Từ cuối thế kỷ 19, các dự án thiết kế và xây dựng công nghiệp Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, vùng đất cao của Thành Gia Định mọc lên các công trình hành chính và trở thành trung tâm trong tam giác ba đỉnh là nhà thờ Tân Định (quận 3) – Nhà thờ Đức Bà (quận 1) và nhà thờ Huyện Sĩ (quận 1). Chợ Lớn khi đó là khu vực thủ công nghiệp của người Hoa. Khoảng đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn được quy hoạch đô thị hóa nhưng vẫn mang tính chất thương mại buôn bán của “khu phố Tàu”. Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền với nhau bằng đường bộ và đường thủy song vẫn có hai chức năng: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm chính trị – văn hóa còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa nông sản từ miền Tây lên hoặc đưa về miền Tây.

Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ khi hình thành và trong quá trình phát triển luôn gắn liền với khu công nghiệp (gốm, gạch ngói…), nông lâm sản miền Đông Nam bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài, Sài Gòn – Chợ Lớn đã trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ quy hoạch kiến trúc đến hạ tầng, từ phát triển những ngành nghề dịch vụ đến việc hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị…

Trong tiến trình lịch sử, không thể phủ nhận một điều, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài, Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đoạn khác nhau.
***
Nếu coi đô thị là một cơ thể sống, được sinh ra, nuôi dưỡng và luôn phát triển thì những đặc trưng văn hóa hay “bản sắc văn hóa” của đô thị có thể coi là những ADN của cơ thể đó. Bản sắc văn hóa của đô thị hình thành từ cấu trúc, tính chất và chức năng của nó, và trên hết, từ cộng đồng dân cư đã duy trì và (làm/góp phần) biến đổi nó. Vậy ADN của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hàm chứa những thông tin gì về bản sắc của đô thị này? Từ những gì đã nêu ở trên, có thể nhận biết bốn đặc trưng cơ bản của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh: là đô thị sông nước, là trung tâm kinh tế, là đô thị của sự đa dạng văn hóa, là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây.

Lịch sử của mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự “phát triển” kinh tế là sức sống mới từ những tế bào nhân đôi nhưng công cuộc “bảo tồn” văn hóa lại giữ vai trò ổn định cấu trúc của chuỗi vòng xoắn. Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng. Quá trình “hiện đại hóa” đã tác động mạnh vào cấu trúc và gây nên những tổn thương khó bù đắp đối với bản sắc văn hóa đô thị. Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi.
Kỳ tới: Bảo tồn di sản văn hóa đô thị từ tiếp cận liên ngành.

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT ỨNG DỤNG SẢN PHẨM GỐM NAM BỘ


(Từ ngày 3.8 đến 9.8.2017 tại 92 Lê Thánh Tôn quận 1 TP. Hồ Chí Minh)
Sau lần đầu tiên triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội vào năm 2015, đây là lần thứ hai các nhà sưu tập ở cả hai miền tham gia triển lãm về GỐM NAM BỘ với số lượng lên đến gần 500 hiện vật của hơn 90 nhà sưu tập phần lớn ở phía Nam và có một số ở các tỉnh thành phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Cuộc hội tụ lần này ở chính nơi mà dòng Gốm Nam bộ đã sinh ra, phát triển và tạo dựng được tiếng tăm từ thế kỷ trước. Điều đó cho thấy giá trị của dòng gốm này tuy được các nhà nghiên cứu phát hiện và quảng bá từ những năm 1990 nhưng cho đến gần đây càng được khẳng định và được cộng đồng nói chung và giới sưu tầm nói riêng đánh giá cao.
Gốm Nam bộ là tên gọi chung cho các vùng gốm phát triển ở khu vực Đông Nam bộ từ cuối thế kỷ 18 đến nay, trong đó giai đoạn cực thịnh là giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đó là vùng gốm Sài Gòn (Đề NGạn) với khu lò Cây Mai nổi tiếng sản phẩm gốm trang trí và kiến trúc, vùng gốm Biên Hòa với những khu lò lu, lò sành và nổi tiếng với sản phẩm gốm của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa và gốm Thành Lễ, vùng gốm Lái Thiêu nổi tiếng đồ gốm gia dụng mang dấu ấn truyền thống kỹ thuật làm gốm Quảng Đông, Triều Châu… Mỗi vùng gốm có đặc trưng riêng và thịnh đạt vào những thời điểm khác nhau, song như những chi lưu tất cả cùng hòa vào và tạo nên dòng chảy chính “Gốm Nam Bộ”, có thể đối sánh với những nơi sản xuất gốm nổi tiếng khác trong nước.
Từ những vùng gốm đó cuộc triển lãm này quy tụ nhiều loại hình sản phẩm của gốm Nam bộ: Trong ba nhóm sản phẩm cơ bản: Gốm dùng để xây dựng và trang trí kiến trúc; gốm trang trí nội ngoại thất; gốm dùng trong sinh hoạt hàng ngày… cho thấy màu sắc, hoa văn, kiểu dáng khá phong phú, đa dạng và có xu hướng “hiện đại”. Hầu hết những sản phẩm nhìn rất đẹp nhưng đều có dấu vết đã qua sử dụng. Tức là, sản phẩm từ lúc làm ra cho đến khi người ta chứng minh được giá trị của nó xứng đáng để sưu tập đồ cổ thì luôn luôn được “tham gia vào cuộc sống” chứ không tách ra riêng biệt. Điều này thể hiện tính cách, cá tính của người Nam Bộ là làm bất cứ một vật gì cũng hướng đến tính ứng dụng thực tế, chứ không chỉ mang tính trưng bày, trang trí thuần túy.
Tuy vậy thì ngoài việc thỏa mãn nhu cầu hữu dụng, nghệ nhân gốm Nam bộ cũng tìm cách thể hiện nhu cầu thẩm mĩ của sản phẩm bằng cách phối màu sắc bắt mắt, tạo ra màu men mới lạ, dùng nhiều thủ pháp trang trí khác lạ… ít có sản phẩm nào màu men trơn mà hầu hết được trang trí phủ kín, buộc người xem phải chú ý ngắm nhìn để rồi tìm ra, nhìn ra những đồ án hoa văn hay “câu chuyện” từ sản phẩm gốm Nam Bộ. Có thể nói đây là một đặc trưng của dòng gốm này.
Vẻ đẹp của gốm cổ Nam Bộ là vẻ đẹp giản dị, bình dân, gần gũi với cuộc sống hằng ngày chứ không phải là vẻ đẹp xa vời, cách biệt. Đất nào, nước nào phong thổ nào thì con người đó, mà con người nào thì sản phẩm đó. Người Nam Bộ làm ra gốm Nam Bộ, cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có của mình. Các nhà sưu tập đã dày công sức sưu tầm và hội tụ trong cuộc triển lãm để giới thiệu cho công chúng những cổ vật mang giá trị lịch sử - văn hóa – nghệ thuật – kinh tế của Gốm Nam Bộ.
Cùng với việc sưu tầm thì các nhà sưu tập cần luôn là tác nhân quan trọng góp phần gìn giữ di sản văn hóa gốm, không chỉ là những hiện vật đơn lẻ lưu lạc trong dân gian, mà còn là tác phẩm điêu khắc, kiến trúc tại các công trình tín ngưỡng – tôn giáo hay công trình dân dụng. Vì hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng, di sản có giá trị cao nhất là ở nơi nó được sinh ra và đảm nhận chức năng trang trí hay nghi lễ, là nơi nó được “sống cùng” với di tích và tham gia vào đời sống của người dân. Nhất là với Gốm Nam bộ mang tính ứng dụng rất cao - khi bị tách ra khỏi đời sống thì vô tình chúng ta đã làm mất đi giá trị đặc biệt của nó!
Nguyễn Thị Hậu

 Không có văn bản thay thế tự động nào.

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...