(Từ ngày 3.8 đến 9.8.2017 tại 92 Lê Thánh Tôn quận 1 TP. Hồ Chí Minh)
Sau lần đầu tiên triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội vào năm 2015, đây là lần thứ hai các nhà sưu tập ở cả hai miền tham gia triển lãm về GỐM NAM BỘ với số lượng lên đến gần 500 hiện vật của hơn 90 nhà sưu tập phần lớn ở phía Nam và có một số ở các tỉnh thành phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Cuộc hội tụ lần này ở chính nơi mà dòng Gốm Nam bộ đã sinh ra, phát triển và tạo dựng được tiếng tăm từ thế kỷ trước. Điều đó cho thấy giá trị của dòng gốm này tuy được các nhà nghiên cứu phát hiện và quảng bá từ những năm 1990 nhưng cho đến gần đây càng được khẳng định và được cộng đồng nói chung và giới sưu tầm nói riêng đánh giá cao.
Gốm Nam bộ là tên gọi chung cho các vùng gốm phát triển ở khu vực Đông Nam bộ từ cuối thế kỷ 18 đến nay, trong đó giai đoạn cực thịnh là giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Đó là vùng gốm Sài Gòn (Đề NGạn) với khu lò Cây Mai nổi tiếng sản phẩm gốm trang trí và kiến trúc, vùng gốm Biên Hòa với những khu lò lu, lò sành và nổi tiếng với sản phẩm gốm của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa và gốm Thành Lễ, vùng gốm Lái Thiêu nổi tiếng đồ gốm gia dụng mang dấu ấn truyền thống kỹ thuật làm gốm Quảng Đông, Triều Châu… Mỗi vùng gốm có đặc trưng riêng và thịnh đạt vào những thời điểm khác nhau, song như những chi lưu tất cả cùng hòa vào và tạo nên dòng chảy chính “Gốm Nam Bộ”, có thể đối sánh với những nơi sản xuất gốm nổi tiếng khác trong nước.
Từ những vùng gốm đó cuộc triển lãm này quy tụ nhiều loại hình sản phẩm của gốm Nam bộ: Trong ba nhóm sản phẩm cơ bản: Gốm dùng để xây dựng và trang trí kiến trúc; gốm trang trí nội ngoại thất; gốm dùng trong sinh hoạt hàng ngày… cho thấy màu sắc, hoa văn, kiểu dáng khá phong phú, đa dạng và có xu hướng “hiện đại”. Hầu hết những sản phẩm nhìn rất đẹp nhưng đều có dấu vết đã qua sử dụng. Tức là, sản phẩm từ lúc làm ra cho đến khi người ta chứng minh được giá trị của nó xứng đáng để sưu tập đồ cổ thì luôn luôn được “tham gia vào cuộc sống” chứ không tách ra riêng biệt. Điều này thể hiện tính cách, cá tính của người Nam Bộ là làm bất cứ một vật gì cũng hướng đến tính ứng dụng thực tế, chứ không chỉ mang tính trưng bày, trang trí thuần túy.
Tuy vậy thì ngoài việc thỏa mãn nhu cầu hữu dụng, nghệ nhân gốm Nam bộ cũng tìm cách thể hiện nhu cầu thẩm mĩ của sản phẩm bằng cách phối màu sắc bắt mắt, tạo ra màu men mới lạ, dùng nhiều thủ pháp trang trí khác lạ… ít có sản phẩm nào màu men trơn mà hầu hết được trang trí phủ kín, buộc người xem phải chú ý ngắm nhìn để rồi tìm ra, nhìn ra những đồ án hoa văn hay “câu chuyện” từ sản phẩm gốm Nam Bộ. Có thể nói đây là một đặc trưng của dòng gốm này.
Vẻ đẹp của gốm cổ Nam Bộ là vẻ đẹp giản dị, bình dân, gần gũi với cuộc sống hằng ngày chứ không phải là vẻ đẹp xa vời, cách biệt. Đất nào, nước nào phong thổ nào thì con người đó, mà con người nào thì sản phẩm đó. Người Nam Bộ làm ra gốm Nam Bộ, cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có của mình. Các nhà sưu tập đã dày công sức sưu tầm và hội tụ trong cuộc triển lãm để giới thiệu cho công chúng những cổ vật mang giá trị lịch sử - văn hóa – nghệ thuật – kinh tế của Gốm Nam Bộ.
Cùng với việc sưu tầm thì các nhà sưu tập cần luôn là tác nhân quan trọng góp phần gìn giữ di sản văn hóa gốm, không chỉ là những hiện vật đơn lẻ lưu lạc trong dân gian, mà còn là tác phẩm điêu khắc, kiến trúc tại các công trình tín ngưỡng – tôn giáo hay công trình dân dụng. Vì hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng, di sản có giá trị cao nhất là ở nơi nó được sinh ra và đảm nhận chức năng trang trí hay nghi lễ, là nơi nó được “sống cùng” với di tích và tham gia vào đời sống của người dân. Nhất là với Gốm Nam bộ mang tính ứng dụng rất cao - khi bị tách ra khỏi đời sống thì vô tình chúng ta đã làm mất đi giá trị đặc biệt của nó!
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét