LẠI NÓI VỀ BOLERO

@ Bolero phổ biến ở miền Nam trước 1975, nhưng phần lớn ở miền quê. Những năm mình mới về Sài Gòn (1975 – 1980) ở thành phố hầu như chỉ thấy nhạc Trịnh, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên (có người gọi là dòng nhạc đô thị)… Bạn mình lúc đó ai thích nghe bolero hay cải lương đều bị gọi “quê, lúa”. Nhưng chỉ cần bước chân lên xe đò về miền Tây ra miền Trung là bắt đầu nghe borero, giống như sau này những năm 1990 – 2000 phổ biến dòng nhạc quê hương mang âm điệu dân ca.
Cũng như mọi yếu tố văn hóa, mỗi thời có một dòng nhạc phù hợp tâm trạng phổ biến của con người thời ấy. Nó phản ánh một phần của xã hội đương thời. Gần đây Bolero quay lại đáp ứng nhu cầu “hoài niệm” của nhiều người, nó tràn lan trên truyền hình, trên sân khấu đến những phòng trà ca nhạc rồi ra vỉa hè nhạc “kẹo kéo” hay karaoke với giọng ca già trẻ lớn nhỏ… Nhưng xin đừng khoác cho nó cái áo “đại diện, biểu tượng” của thời đã qua. Bởi vì cái gì càng “quá” thì càng “qua” nhanh, chẳng việc gì phải ra sức chê bai hay ca ngợi.
Mình, vốn thích nghe cả dòng nhạc đô thị, lại cũng thích nghe bolero, và cả những dòng nhạc khác, miễn đó là bài hát hay và hợp với tâm trạng. Mình vốn thích những gì gần gũi chứ không thích a dua đám đông ngợi ca những gì sang cả. Và, âm nhạc cũng như mọi hiện tượng khác, đừng cố thổi phồng giá trị, sẽ nhanh vỡ như bong bóng xà phòng. Cứ để Bolero sống cuộc đời bình dị của nó, con người còn những tâm trạng cô đơn buồn bã nhớ nhung thậm chí sến súa… thì còn Bolero, có sao đâu nhỉ?
Linh tinh lang tang (118). BOLERO… “SAO ANH NỠ ĐÀNH QUÊN” (note cũ)
Chắc chắn cả kiếp trước tôi cũng là người miền Tây, vì tôi có thể nghe Bolero bất cứ lúc nào.
Bolero không làm tôi buồn mà đơn giản chỉ như có một người bạn chơn chất ở bên. Bạn không tò mò về nỗi buồn của tôi, không cật vấn tại sao tôi khó chịu, không tra hỏi vì sự dửng dưng của tôi… Bạn cứ lẳng lặng vang lên giai điệu của mình, để đến một lúc nào đấy tự tôi quên đi những buồn những bực những điên… chỉ còn trong tôi giọng điệu lời ca sến sến ân tình.
Từ những bài hát Bolero vang lên ở những quán cà phê võng dọc đường miền Tây, vang lên trong những đám cưới miệt vườn, vang lên trên ghe xuồng ngược xuôi kinh rạch, bolero giao duyên với sáu câu vọng cổ qua giọng ca Minh Vương Lệ Thủy, bolero trải dài theo những chuyến xe đò ngược xuôi ngày đêm… đến những bản nhạc bolero mỗi tối trong phòng trà, quán cà phê, quán nhậu ở Sài Gòn… Với Bolero người sang trọng hay bình dân đều bình đẳng vì những cảm xúc tuôn tràn từ trái tim làm cho người ta cảm thấy lòng mềm lại, muốn yêu thương nhiều hơn, mong được yêu thương nhiều hơn. Tôi đoan chắc rằng những giây phút thả mình cùng bolero không ai không là người thiện, không ai có thể nghĩ đến việc làm điều ác.
Bolero nói gì? Than thân trách phận nhưng không làm người ta tuyệt vọng. Giận người giận đời nhưng không gây sự căm thù. Bày tỏ thương yêu mà không làm người ta ngại ngùng. Thất tình mà vẫn tràn đầy bao dung nhân ái. Và niềm vui hạnh phúc thì thật đơn sơ như có thể chạm tay vào được… Vậy mới hiểu vì sao bolero lại đáng yêu đáng nhớ, lại quen thuộc với người miền Tây đến như vậy.
Bolero thương nhớ, lúc nào bạn cũng có thể tìm đến với bolero, cũng như bất kỳ hoàn cảnh nào nghiệt ngã nào người miền Tây cũng sẽ vượt qua một cách nhẹ nhàng… Chỉ còn nỗi buồn sẽ ẩn sâu trong trái tim, để khi gặp bolero thì tràn ra trên môi, trên mắt…
“Anh ơi nếu một mai có ai hỏi người tên ấy. Biết nói gì đây hỡi anh, mà sao nỡ đành quên?...”
Bolero của miền Tây… không ai nỡ đành quên…
(Sài Gòn 23.8.2015)

Hình ảnh có liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...