CỘT CỜ THỦ NGỮ - MỘT DẤU CHỈ HIỆN ĐẠI CỦA ĐÔ THỊ SÀI GÒN CUỐI THẾ KỶ 19

NGƯỜI ĐÔ THỊ số ra ngày 18.8.2017
Nguyễn Thị Hậu

Theo tài liệu lịch sử, sau khi chiếm Sài Gòn (1859) Pháp xây dựng công xưởng hải quân (tức xưởng Ba Son) ngay sát Xưởng Thủy của triều Nguyễn, nơi được coi là vị trí rất tốt cho việc đặt các ụ sửa tàu, có khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu thuyền vào cập bến. Bên cạnh công xưởng hải quân chính quyền Pháp cũng thiết lập một hải cảng thương mại quốc tế mới ở sông Sài Gòn phía cửa rạch Bến Nghé. Chỉ một năm sau (1860) Pháp đã quyết định mở thương cảng cho tự do thông thương và khu vực cảng này hoàn tất vào năm 1863, đánh dấu bằng sự hiện diện của tòa nhà trụ sở Công ty vận tải đường biển Pháp (Messageries Maritimes) tức Bến Nhà Rồng. Khoảng từ 1870 bắt đầu có tàu thủy chạy bằng hơi nước từ nhiều nơi ghé bến Sài Gòn.
Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10 năm 1865 tại khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng, nay ở đầu đường Hàm Nghi. Cột cờ là một bộ phận kỹ thuật của cảng Sài Gòn, có chức năng gắn liền với việc điều hành những chuyến tàu ra vào cảng. Kiến trúc của Cột cờ Thủ Ngữ khá độc đáo gồm 3 tầng giật cấp, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác… Trên một tấm ảnh chụp ghi năm 1882 đã thấy cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng tạo nên một cảnh quan đẹp tại nơi “thoi loi đất” ngã ba sông rợp cây xanh và lộng gió.
Ở Sài Gòn và vùng phụ cận có vài địa danh mang chữ "Thủ", như Thủ Thiêm, Thủ Đức, xa hơn là Thủ Dầu Một ở Bình Dương, Thủ Thừa ở Long An... Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, "Thủ" có nghĩa là "giữ, giữ gìn". Cột cờ "Thủ ngữ" ở Sài Gòn với chữ “thủ” mang nghĩa là "điểm/vị trí giữ cửa/cảng biển”. "Gia Tân nền tạm thuở xưa, Ngày nay có dựng cột cờ gần bên" như Gia Định phong cảnh vịnh củaTrương Vĩnh Ký đã miêu tả. Vương Hồng Sển ghi trong Sài Gòn năm xưa về chức năng của cột cờ Thủ Ngữ: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.
Thời đó, lúc chưa có xe hơi, sang lắm mới đi xe ngựa, phần lớn dân chúng đi bộ… thì việc những chiếc tàu thủy từ phương xa theo sông Sài Gòn vô tận bến cảng là biểu hiện của quá trình “hiện đại hóa” vào nửa sau thế kỷ 19. Cột cờ Thủ Ngữ có vị trí ngay bến cảng, cấu tạo bằng sắt cao vút với nhiều bộ phận, chức năng báo hiệu cho tàu thuyền ra vào, khác biệt với cột cờ truyền thống trong thành quách cung điện xưa… đã trở thành một dấu chỉ hiện đại của đô thị Sài Gòn.  
Ngày nay Cột cờ Thủ Ngữ không còn thực hiện chức năng của nó. Các công trình ở gần như bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, cầu Mống cùng với cột cờ Thủ Ngữ tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, chứng nhân của quá trình phát triển cảng Sài Gòn và nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. Trải qua gần 150 năm, hiện nay khi hệ thống cảng Sài Gòn đã di dời gần hết ra khỏi thành phố, từ Tân Cảng đến Ba Son, kể cả khu vực Khánh Hội, thay vào đó là những dự án của một vài tập đoàn bất động sản đã “chuyển đổi công năng” toàn bộ khu vực có những di tích công nghiệp xưa nhất của thành phố và cả nước… thì có lẽ Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng là chứng tích cuối cùng của một thời thương cảng Sài Gòn sầm uất!
***
Một trong những đặc trưng của Sài Gòn – Bến Nghé từ khi khởi lập cho đến khi người Pháp xây dựng một đô thị, và cho đến TP. Hồ Chí Minh đầu thế kỷ 21, là đây là một thành phố - thương cảng. Từ “cảng Sài Gòn” nơi đây không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm tiếp nhận và giao lưu với nhiều nền văn hóa mới, yếu tố kỹ thuật  hiện đại trên thế giới. Có thể nói, nếu không có tính chất “cảng thị” thì Sài Gòn khó có thể là một thành phố đa dạng và cởi mở về kinh tế - văn hóa – xã hội như ngày nay.
Vào tháng 5.2016 Cột cờ Thủ Ngữ đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Gần đây chính quyền thành phố có chủ trương chỉnh trang Công viên Cảng Bạch Đằng mở rộng kết hợp với những chiếc cầu sẽ được xây dựng dẫn qua khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đó sẽ có các hoạt động giải trí dọc bờ sông kết hợp với thương mại một cách hài hòa nhất, đồng thời phải bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ. Riêng công trình điểm nhấn tại vị trí cột cờ Thủ Ngữ sẽ tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế, nhằm lựa chọn phương án kiến trúc tối ưu.
Với ý nghĩa lịch sử của Cột cờ Thủ Ngữ đối với thương cảng Sài Gòn nói riêng và thành phố nói chung, từ góc độ bảo tồn di sản đô thị, nên chăng ngôi nhà dưới chân cột cờ cần được trùng tu và xây dựng thành phòng trưng bày nhỏ về Cảng Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 - giai đoạn Pháp bắt đầu xây dựng và mở mang khu vực Cảng và phát triển thương mại đường biển. Đồng thời trùng tu, bảo quản toàn bộ cấu trúc kỹ thuật của cột cờ. Phục dựng và định kỳ “diễn lại” chức năng kéo cờ hiệu kết hợp với tàu du lịch ra vào phía bến Nhà Rồng. Hoạt động này sẽ làm cho Cột cờ Thủ Ngữ trở thành “điểm nhấn” thu hút du khách đến tham quan, như những trường hợp phục dựng sinh hoạt cổ xưa tại nhiều di tích lịch sử văn hóa trên thế giới.
Nhân đây tôi cho rằng không nên tiến hành nghi thức chào cờ và hạ cờ mỗi ngày ở Cột cờ Thủ Ngữ (như đã có phương án dự kiến) vì đó là “nghi thức mới” không phải chức năng vốn có của di tích này. Nghi thức chào cờ và hạ cờ cần được tiến hành ở một không gian trang trọng như tại quảng trường trước UBND thành phố thì phù hợp hơn.
Ngoài ra, khu vực Bến Nhà Rồng - cầu Mống - tòa nhà Ngân hàng quốc gia - tòa nhà Hải quan thành phố - bến Bạch Đằng - Cột cờ Thủ Ngữ cần được gìn giữ bảo vệ như “không gian di sản” của thành phố – giống như khu vực đường Nguyễn Huệ - UBNDTP – Nhà thờ Đức Bà – Bưu Điện - Dinh Thống Nhất, vì đây là những nơi tập trung các công trình được xây dựng vào thời kỳ sớm của đô thị Sài Gòn.
   

Sài Gòn 4.8.2017
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, đại dương, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...