LỰA CHỌN ĐÔ THỊ XANH (báo Quảng Nam xuân 2024)

 1.

 Cũng như nhiều khái niệm hiện đại khác đã xuất hiện và thâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam, gần đây khái niệm “đô thị xanh” luôn được đề cập đến trong quá trình quy hoạch phát triển và xây dựng đô thị ở nước ta. Hiện nay “đô thị xanh” được đặt trong bối cảnh phát triển đô thị bền vững, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, đô thị hoá trên quy mô toàn cầu.

Đô thị và đô thị hoá là một quá trình tất yếu, mang lại những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống xã hội đô thị và nhất là cho người dân ở vùng đô thị hóa. Nhưng cùng với tác động tích cực là hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực do nhiều vấn đề nảy sinh nhưng không được lường trước và giải quyết. Đó là các vấn đề về giao thông đô thị, nước sạch, vệ sinh, nhà ở, nước và rác thải, ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, môi trường cảnh quan, các vấn đề xã hội mới phát sinh từ đặc thù của cuộc sống đô thị... Những vấn đề này đòi hỏi cách thức quản lý đô thị, tổ chức quy hoạch và liên kết không gian cần được định hướng và giải quyết cụ thể ngay từ các bước quy hoạch đô thị.

Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất nhưng Đô thị xanh (Tiếng Anh: Green Cities) được coi là tổng thể quy hoạch xây dựng của 3 yếu tố gồm môi trường xanh – kinh tế xanh – xã hội xanh chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố có nhiều cây xanh. Một cách khái quát nhất, “đô thị xanh” vừa là mở rộng vừa là biểu hiện cụ thể của phát triển bền vững: đầu tiên là bền vững về môi trường sống của con người, lấy cuộc sống tốt đẹp con người là mục đích và động lực của các phương thức phát triển.

Một “đô thị xanh” mang những đặc điểm: sử dụng hiệu quả năng lượng; giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không thể tái tạo; có hệ thống giao thông hiệu quả với lượng carbon thấp; nền kinh tế tuần hoàn, hệ thống cơ sở hạ tầng xanh và thân thiện môi trường; rác thải được xử lý và giảm thiểu; diện tích không gian xanh được quy hoạch thống nhất và gia tăng. Đô thị xanh đầu tiên là đô thị phát triển bền vững về môi trường.

Nói cách khác, đặc tính “xanh” của một đô thị chính là mức độ bền vững về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong quá trình phát triển. Các đô thị sẽ đạt những mức độ “xanh” khác nhau và sự phát triển này là không đồng đều do phụ thuộc vào điều kiện cụ thể, vì vậy chiến lược hướng tới đô thị xanh cũng phải theo các giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia hay mỗi đô thị cụ thể.

2.

Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 đã nhấn mạnh việc phát triển đô thị “hướng tới nền kinh tế xanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa” đồng thời đặt ra nhiệm vụ “nghiên cứu phát triển đô thị xanh đảm bảo đô thị hóa nhanh, bền vững”, ban hành bộ chỉ số cạnh tranh đô thị (Chính phủ Việt nam, 2012). Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình này còn gặp nhiều khó khăn và việc triển khai chưa đồng bộ. Khái niệm “đô thị xanh” còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau, phần lớn theo nghĩa hẹp chỉ trong phạm vi không gian, cảnh quan xanh, chưa thực sự gắn với quan điểm phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Để định hướng quy hoạch và xây dựng “đô thị xanh”, nhiều bộ chỉ số đã được đề xuất ở những khu vực, những quốc gia khác nhau. Một số tiêu chí đô thị xanh được các nước châu Âu và nhiều nước phát triển áp dụng:

– Công trình xanh: sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối ưu tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường.

– Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm.

– Chất lượng môi trường đô thị xanh: không khí sạch, giảm rác thải, khói bụi và tiếng ồn.

– Giao thông xanh: tăng tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2.

– Công nghiệp xanh: công nghiệp công nghệ cao và sạch, hạn chế ô nhiễm.

Ngoài ra, đô thị xanh còn phải đảm bảo gìn giữ và bảo tồn các cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, các cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư văn minh, ứng xử thân thiện với môi trường.

            Tại nhiều địa phương, một số khu đô thị mới xây dựng đã hướng đến và thực hiện được các tiêu chí “đô thị xanh” về không gian và môi trường, nhưng còn tiêu chí công trình xanh và giao thông xanh thì chưa được quan tâm do đầu tư xây dựng công trình xanh tốn kém hơn, ảnh hưởng đến giá thành bất động sản; phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển còn phụ thuộc phương tiện cá nhân, sự thay đổi nhiên liệu xanh cũng đòi hỏi thời gian và nguồn kinh phí lớn. Mặt khác, không gian và môi trường xanh chỉ giới hạn trong khu đô thị đó, chưa có sự kết nối và đồng bộ với môi trường và cảnh quan của cả khu vực hay của thành phố lớn. Việc sử dụng điện, nước để “làm xanh đô thị” vẫn chưa phải là nguồn năng lượng tái tạo hay nguồn nước thu hồi và tái sử dụng nên vẫn gây tốn kém cho nguồn điện, nước chung. Vì vậy đã hạn chế tác dụng tốt của đô thị xanh với vùng xung quanh cũng như giảm hiệu quả đầu tư vào “đô thị xanh”.

3.

Trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn hướng đến năm 2050, Quảng Nam đang định hình một hệ thống đô thị ven biển, tạo ra các trung tâm dân cư mới kết hợp đô thị du lịch và đô thị công nghiệp... trở thành hạt nhân để phát triển toàn vùng. Chuỗi đô thị này đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh về đô thị hóa, hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản, bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển đảo. Có thể nói đây chính là một cơ hội để Quảng Nam xây dựng ngay từ đầu một chuỗi “đô thị xanh” ven biển, một sự kết hợp tuyệt vời giữa quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và môi trường sinh thái tự nhiên.

Căn cứ vào những tiêu chí cơ bản của “đô thị xanh” thì năng lượng cần được coi là vấn đề “then chốt” của các đô thị mới này. Việc đầu tiên là xây dựng một hệ thống nguồn năng lượng sạch cho chuỗi đô thị ven biển chứ không phải là nguồn năng lượng “tự cung tự cấp” của từng đô thị.  Với điều kiện tự nhiên của xứ Quảng (lượng nhiệt cao, số ngày nắng nhiều), đô thị nằm ở khu vực ven biển nên tiềm năng nguồn năng lượng sạch cần được ưu tiên sử dụng là năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Tiếp theo là phương thức khai thác và sử dụng, tái sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt, cho sản xuất và cho việc duy trì mảng xanh đô thị. Công nghệ thu hồi và tái chế nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp cho các hoạt động khác cũng là một cơ sở công nghiệp cần thiết ngay từ đầu, cùng với nhà máy phân loại và xử lý rác thải.

Phương thức giao thông: ưu tiên kết nối chuỗi đô thị với nhau và giao thông nội đô bằng phương tiện giao thông công cộng năng lượng sạch (điện), khuyến khích thậm chí quy định giao thông cá nhân cũng là xe hơi và xe máy điện, khuyến khích xe đạp bằng việc xây dựng những công trình dịch vụ và công ích với khoảng cách phù hợp. Thậm chí việc tính toán xây dựng các giao lộ và vỉa hè như thế nào để hạn chế kẹt xe, dừng xe và có thể tận dụng trong trường hợp cần thiết... cũng là một giải pháp của đô thị xanh.

Quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng và các công trình kiến trúc ưu tiên sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, có chính sách khuyến khích việc sử dụng loại vật liệu này, đồng thời với những phương thức tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước khi công trình vận hành.

Và cuối cùng, môi trường xanh (cây xanh, công viên, mặt nước...) là những yếu tố dễ nhận biết đầu tiên nhưng ít được quan tâm lâu dài. Nhận thức của dân cư đối với môi trường xanh được thể hiện thường xuyên, thông qua đó là sự ứng xử thân thiện với môi trường và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Xây dựng đô thị trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm, lợi thế của điều kiện tự nhiên chính là việc đặt nền móng cho sự tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Ý chí của chính quyền và cách thức vận hành của nhà quản lý đô thị là nhân tố quyết định trong việc xây dựng và phát triển “đô thị xanh”. Để chuỗi đô thị mới thật sự khác biệt vùng nông thôn xung quanh, sự khác biệt bền vững, tốt đẹp nhằm tạo động lực phát triển bền vững cho tỉnh Quảng Nam thì “đô thị xanh” là một sự lựa chọn tất yếu!  





 

 

 

 

 

“MỘT CÁI NHÌN ĐA CHIỀU VÀ NHẤT QUÁN VỀ HUẾ VÀ TRIỀU NGUYỄN”

  

Vài năm gần đây một hiện tượng tích cực xuất hiện và ngày càng phát triển trên thị trường sách, đó là sách nghiên cứu, khảo cứu về lịch sử - văn hóa ngày càng nhiều về số lượng và chủ đề, từ các nhà xuất bản các công ty sách… Những tác giả cả trong và ngoài nước, đủ các lứa tuổi, “hàn lâm” và “không chính thống” đã mang lại nhiều thông tin, tư liệu và nhận thức mới cho độc giả là người nghiên cứu hay người yêu thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa.

Trần Đức Anh Sơn hiện diện trong hiện tượng này với một nét riêng!

Là một nhà nghiên cứu thuộc thế hệ lớn lên sau 1975 và trưởng thành trong nghiên cứu khoa học từ sau Đổi mới 1986. Bối cảnh xã hội thời “mở cửa” về kinh tế nhưng chưa thật sự “mở” về học thuật cũng đã giúp cho thế hệ này tiếp nhận “truyền thống nghiên cứu” lịch sử - văn hóa với một tâm thức mới. Có thể nhận thấy điều này ở Trần Đức Anh Sơn. Anh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu phong phú về đề tài, đa dạng về cách tiếp cận và khá gần gũi với người đọc bởi cách diễn đạt chính xác, khoa học nhưng giản dị và nhiều khi hóm hỉnh.

Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn là một tác phẩm như vậy. Cuốn sách gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực, phân chia thành hai chủ đề Huế - di sản văn hóa (32 bài) và Triều Nguyễn - những vấn đề lịch sử (15 bài). So với lần tái bản thứ ba thì lần này tác giả đã rút bớt 2 bài ở chủ đề Huế - Di sản văn hóa (do đã in trong ấn phẩm Kiểu Huế, tái bản năm 2021), nhưng bổ sung thêm 3 bài cho chủ đề Triều Nguyễn - Những vấn đề lịch sử. Đây là những bài khảo cứu tác giả mới viết trong 3 năm gần đây, công bố nhiều tư liệu lịch sử mới, với nhiều kiến giải thú vị, giúp độc giả hiểu thêm những vấn đề lịch sử của Việt Nam vào thời Nguyễn, vốn đang bị khuất lấp bởi nhiều lý do khác nhau.

Đọc kỹ các bài thì có thể nhận ra cách phân chia thành hai chủ đề như trên cũng chỉ là “tạm chia”, bởi, văn hóa và lịch sử đâu thể nào tách bạch rạch ròi? Có sự kiện, nhân vật hay quá trình lịch sử nào có thể đứng ngoài và không chịu ảnh hưởng từ những yếu tố và truyền thống văn hóa một vùng đất, một quốc gia, một thời đại? Và ngược lại, văn hóa một vùng đất, một quốc gia hay của một thời đại thường được phản ánh và nhận diện qua lịch sử, nhất là ở/qua những trường hợp điển hình.

Sự đa chiều chính là điều thú vị của cuốn sách nói chung và từng bài nói riêng. Có thể nhận thấy sự đa chiều từ nhìn nhận về sinh thái nhân văn, để tìm hiểu, phân tích, đánh giá lịch sử - sự kiện, để liên kết các yếu tố, thành tố văn hóa. Đa chiều để đặt Huế Triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của đất nước. Nhưng đồng thời lại nhất quán trong tâm thế người nghiên cứu: tâm thế cởi mở và thẳng thắn trình bày suy nghĩ, nhận định, cởi mở tiếp nhận trao đổi với ý kiến đồng thuận hay trái chiều, cởi mở về sự đánh giá tư liệu điền dã hay sử liệu mới phát hiện...

Với riêng tôi thì Trần Đức Anh Sơn là một trong số ít học trò của GS. Trần Quốc Vượng đã thể hiện được trong các công trình của mình những gì mà Thầy Vượng khởi lập và truyền đạt cho nhiều thế hệ học trò. Chúng tôi tạm gọi đó là “Trường phái Trần Quốc Vượng”: phương pháp liên ngành đặt vấn đề/lĩnh vực trong “mạng/net” để có thể phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Vì nếu chỉ căn cứ vào “chính sử” hay “huyền sử ta khó có thể lý giải, hiểu được cặn kẽ những gì đã xảy ra. Nếu không từ góc nhìn văn hóa học (theo nghĩa rộng nhất) thì “lịch sử” còn lại rất ít do tầm nhìn hạn hẹp của người đời sau. Từ đó, việc đặt lại vấn đề với những điều tưởng chừng đã “an bài” trong lịch sử - văn hóa luôn là “thao tác tư duy” cần thiết.

Từ một góc nhìn khác, một chiều kích khác, một phương pháp khác… sẽ cho những nhận thức, hiểu biết mới. Không thể có nhận thức mới nếu thao tác tư duy cũ. Ngoài học thuật, nhiều học trò của Thầy Vượng còn học ở Thầy thái độ dấn thân với xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch sử - văn hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động sự bất ổn xã hội… Từ đó đã có tiếng nói cảnh báo, phản biện với cái Tâm của một người trí thức chân chính.

Giữa tôi và Trần Đức Anh Sơn, tuy chênh nhau về tuổi tác, khác nhau về nơi sinh trưởng, nhưng có nhiều điểm chung về nghề nghiệp: cùng học lịch sử, cùng làm công tác bảo tàng, rồi giảng dạy đại học không chỉ về lịch sử, khảo cổ mà còn về văn hóa, du lịch trên nền tảng kiến thức chuyên sâu được đào tạo bài bản và “học hành tử tế” như chúng tôi tự nhận. Và do “số phận” chúng tôi đều phải tạm rời lĩnh vực chuyên môn sâu để đảm nhận công việc liên quan đến văn hóa - xã hội hiện nay. Có lẽ nhờ vậy mà Trần Đức Anh Sơn và tôi, trong nhiều công trình nghiên cứu sau này, tính thực tiễn thể hiện rõ nét hơn, vừa là để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, vừa là “trả lại” cho xã hội những kiến thức khoa học để góp phần nâng cao tri thức cho cộng đồng.

Xin vui mừng và trân trọng giới thiệu với bạn đọc công trình vô cùng thú vị của Trần Đức Anh Sơn: Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn - in lần thứ và tôi tin rằng, Trần Đức Anh Sơn sẽ có những công trình tiếp theo về chủ đề này.

                                                                                   Sài Gòn, 20.10.2023

                                                                                 TS. NGUYỄN THỊ HẬU

Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam







“GIÁ TRỊ THÔNG MINH” KHÔNG THỂ THIẾU

 Doanh nhân Sài Gòn tết 2024

Nguyễn Thị Hậu

 

1.

Những năm gần đây, trên nền tảng tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), thế giới đã xuất hiện khái niệm “Đô thị thông minh – Smart City”. Tuy chưa có sự thống nhất hoàn toàn về nội hàm của khái niệm này, nhưng qua những diễn giải và một số thuật ngữ liên quan, có thể hiểu về cơ bản đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ cộng đồng của chính quyền thành phố, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

TP. Hồ Chí Minh cũng không đứng ngoài nhu cầu cấp thiết và xu thế phát triển tất yếu của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Vì vậy từ cuối năm 2017 Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã Phê duyệt Đề án “Xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”. Mục tiêu tổng quát là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Các nguyên tắc định hướng của xây dựng đô thị thông minh: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Huy động mọi nguồn lực.

Có thể nhận thấy, cả mục tiêu và nguyên tắc của Đề án xây dựng Đô thị thông minh ở TP. Hồ Chí Minh đều xoay quanh hai yếu tố Kinh tế và Con người. Trong đó thành phố lấy “Kinh tế tri thức, kinh tế số” làm “đòn bẩy”, Con người thành phố vừa là chủ thể tổ chức hoạt động kinh tế vừa là đối tượng phục vụ của nền kinh tế ấy. Thành phố thông minh được xây dựng là một đô thị hài hòa, ổn định, kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn, thân thiện với môi trường và đáng sống.

2.

Trải qua 5 năm thực hiện Đề án này, khái niệm “Thành phố thông minh” ngày càng đi vào thực tiễn, có tác động tích cực đến sự phát triển của của thành phố thông qua 4 phương diện: quản lý thành phố, phát triển của các ngành chiến lược để xây dựng “thành phố thông minh”, xu hướng đổi mới công nghệ, cung cấp các phương tiện hiện đại cho dân cư một cuộc sống tốt hơn. Đặc trưng “thành phố thông minh” là "thông minh + kết nối + cộng tác" trên nền tảng tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.

Từ góc độ văn hóa – xã hội, thành phố thông minh được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở cân bằng giữa các yếu tố: Bảo đảm phát triển đồng đều về Kinh tế và Văn hóa; Bảo đảm cân bằng lợi ích của cá nhân và cộng đồng; Bảo đảm lợi ích của con người và bảo vệ môi trường.

Để xây dựng và phát triển một “thành phố thông minh” mang đặc thù TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường khả năng hội nhập toàn cầu, thành phố cần phát huy các “giá trị thông minh” từ những truyền thống và tính chất đặc trưng của kinh tế và con người Sài Gòn. Đó là:

 Phát huy truyền thống “đa dạng của văn hóa Sài Gòn”, trên cơ sở đó con người thành phố luôn biết chọn lọc, tiếp thu những điểm ưu việt và chối từ những điều không phù hợp của của các nền văn hóa khác.  Sự đa dạng văn hóa thành phố đến từ nguồn gốc cư dân nhiều vùng miền trong nước, đến từ nước ngoài thông qua giao lưu kinh tế - văn hóa. không chỉ làm giàu có cho đời sống vật chất – tinh thần mà còn tạo ra sự thân thiện trong các mối quan hệ, trở thành động lực giúp các cộng đồng “an cư lạc nghiệp” và coi thành phố là “quê hương thứ hai”.

Phát huy truyền thống “kinh tế thị trường và dịch vụ” hình thành sớm nhất trong cả nước. Thông thương hàng hóa từ các cảng thị (cảng sông, cảng biển) đi đến khắp nơi trong và ngoài nước là biểu hiện tính chất thị trường phát triển của Sài Gòn. Tính chất thị trường giúp cho kinh tế thành phố năng động, sáng tạo, nhạy bén, hướng đến hiệu quả thực tiễn. Đặc biệt nó giúp thành phố hội nhập nhanh với thế giới khi biết chấp nhận và tuân  thủ những nguyên tắc chung của kinh tế thời đại toàn cầu hóa. 

Phát huy tính chất “nhạy bén tiếp thu nhanh chóng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới của thế giới, áp dụng thành công vào thực tiễn của thành phố”. Khoa học công nghệ không chỉ ứng dụng vào sản xuất, kinh tế mà còn vào quản lý xã hội, quản lý đô thị, xây dựng “thành phố đáng sống”, góp phần quan trọng cho sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hóa.

Phát huy tính chất “thành phố trung tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”. Những biện pháp thu hút nhân tài là tạo môi trường làm việc phù hợp và đãi ngộ tương xứng trình độ, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, ứng xử nghĩa tình với tất cả những người đến đây sinh sống và xây dựng thành phố.

Tất cả bắt đầu từ phương thức quản lý và chế độ chính sách đặc thù của thành phố. Do đó, Chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng nhất. Từ mô hình Chính quyền đô thị, bốn nhân tố “Chính quyền - Người dân - Doanh nghiệp - Các tổ chức xã hội” mới thực sự là những chủ thể của thành phố, có nghĩa vụ và vai trò khác nhau nhưng bình đẳng về trách nhiệm và gía trị đóng góp trong tiến trình phát triển thành phố.

3.

Với hơn ba trăm năm hình thành và phát triển, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đã tích lũy được nhiều truyền thống tốt đẹp. Xây dựng “thành phố thông minh” nhất thiết phải tiếp cận và tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới, đồng thời cũng cần đúc kết những “giá trị thông minh” mà ông cha để lại. Từ đó chọn lọc và kế thừa, duy trì và vận dụng để xây dựng TP. Hồ Chí Minh hiện đại, thông minh và giàu bản sắc văn hóa độc đáo.

Không thể phủ nhận vai trò trung tâm kinh tế là nổi bật nhất của đô thị Sài Gòn từ khi hình thành, vai trò “đầu tàu kinh tế của cả nước” của TP. Hồ Chí Minh là quan trọng và xuyên suốt từ sau 1975 tới nay. Để giữ vững vị thế ấy, chính quyền và người dân thành phố luôn phải vượt qua nhiều khó khăn, có giai đoạn phải vượt rào, xé rào, có trường hợp phải chấp nhận “đánh đổi” một phần di sản văn hóa để “đô thị hóa – hiện đại hóa” phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.

“Lịch sử của thành phố tự nó đã giới thiệu quá trình luôn luôn chọn cái mới, luôn đổi mới. Lịch sử của thành phố đồng thời tự nó đã giới thiệu con người Thành phố là tập thể cách mạng không mệt mỏi, không khoan nhượng trước những gì trì trệ. Những tư tưởng giáo điều, gia trưởng phải nhường chỗ cho sự năng động sáng tạo trên vùng đất có truyền thống cách mạng, dân chủ”[1]

Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là cánh cửa rộng mở, đã trao cho thành phố những cơ chế vượt trội trong sắp xếp lại bộ máy hành chính cho phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp. Từ đó tạo không gian phát triển mới cho “thành phố thông minh” như mục tiêu và định hướng phát triển. Vì vậy, những bài học, kinh nghiệm được chắt lọc từ lịch sử, từ thực tiễn sẽ góp phần đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển đồng đều các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội một cách bền vững.

 

TP. Hồ Chí Minh 8.12.2023

 

 








[1] Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1. NXB Tổng hợp, 1998.

Note nhân Talk của GS. Pascal Bourdeaux (5.1.2024)

 

[Nhìn lại hai thập kỷ nghiên cứu ĐBSCL từ lịch sử - văn hóa đến các nghiên cứu về môi trường và triển vọng mới trong ngành Nhân học số]

1. Vài suy nghĩ.

Nghiên cứu lịch sử (chung/các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo...) ĐBSCL cần thiết phải liên ngành, đa ngành, xuyên ngành. Lịch sử kể/lịch sử gia đình, dòng họ vô cùng quan trọng vì vẫn còn ký ức hồi cố lịch sử khoảng hơn 200 năm.

Từ góc tiếp cận “nhà sử học” thì lịch sử các thành tố văn hóa như tôn giáo, tín ngưỡng, kinh tế... các hiện tượng “văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn”... có gì khác góc tiếp cận của nhà nhân học, nhà văn hóa học? Sử liệu thành văn có vai trò như thế nào khi nghiên cứu “thời thuộc địa”? [Tư liệu từ chính quyền thuộc địa, báo chí, tác phẩm khảo cứu, văn học, gia phả, giấy tờ hành chính thể hiện hoạt động trong xã hội...]

Nhà sử học luôn cần đi thực địa và tiếp cận, tiếp xúc trực tiếp với đời sống xã hội, tìm hiểu quá khứ thông qua chiêm nghiệm thực tại, qua con người hiện đại. Ở giai đoạn này nhà sử học như một nhà nhân học: quan sát, tiếp xúc, trải nghiệm, trao đổi... vừa như “người ngoài” để khách quan vừa như “người thuộc cộng đồng” để hiểu nội tại. [Trường hợp của tôi cũng vậy, khi tiếp nhận và được tiếp nhận vào không gian văn hóa Nam bộ của gia đình, tôi vừa là chủ thể vừa là khách thể, trong tôi có sự biến đổi nhất định” trong gien văn hóa Nam bộ được di truyền và qua trải nghiệm]

2. Nghiên cứu về ĐBSCL đến nay có một số “nút thắt”:

- Nhìn ĐBSCL trong thiên kiến: vùng đất mới, thiên nhiên ưu đãi, làm chơi ăn thiệt! Không có “truyền thống 4000 năm” nên chưa có di sản văn hóa quý giá để /phải lưu giữ.

- Lịch sử vùng đất Nam bộ gắn liền với thời chúa Nguyễn và Triều Nguyễn; vai trò của người Hoa bên cạnh lưu dân người Việt. Định kiến về vị trí vai trò nhà Nguyễn trong lịch sử cận hiện đại VN; “ác cảm” với người Hoa do lịch sử chiến tranh trong quá khứ và tình hình hiện nay.

- Kinh tế ĐBSCL với các hiện tượng văn hóa như chợ nổi, văn minh miệt vườn, tập trung ruộng đất... mang yếu tố kinh tế thị trường rất sớm: sản xuất lớn, thông thương giữa các “miệt”, hình thành chợ đầu mối và thị tứ. Phương thức kinh tế thị trường thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến các hình thái kinh tế ở Nam bộ.

- Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến ĐBSCL, trong quá khứ đã từng có hiện tượng “nước biển dâng”. “Thuận thiên” và sống chung với BĐKH là tất yếu hiện nay, đòi hỏi cần có những cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu mới, theo điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của vùng này.

- Quan tâm đến BĐKH ở ĐBSCL đừng chỉ vì đây là vựa lúa của cả nước, vì “an ninh lương thực”, mà trước hết phải vì hàng chục triệu người dân ở đây, những người sẽ tiếp tục làm ra của cải trong điều kiện mới nếu họ thực sự được tôn trọng, quan tâm, được đối xử bình đẳng và có cơ chế chính sách “để [yên] cho họ [được] làm!”

- Vị thế chính trị của miền Nam/ĐBSCL sau 1975 không còn như trước, đây là yếu tố quan trọng tác động vào mọi mặt đời sống.Vai trò quan trọng của kinh tế ngày càng lớn nhưng vị thế chính trị và giá trị văn hóa Nam bộ chưa được coi trọng tương xứng với vai trò kinh tế.





LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...