LỰA CHỌN ĐÔ THỊ XANH (báo Quảng Nam xuân 2024)

 1.

 Cũng như nhiều khái niệm hiện đại khác đã xuất hiện và thâm nhập vào đời sống xã hội Việt Nam, gần đây khái niệm “đô thị xanh” luôn được đề cập đến trong quá trình quy hoạch phát triển và xây dựng đô thị ở nước ta. Hiện nay “đô thị xanh” được đặt trong bối cảnh phát triển đô thị bền vững, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, đô thị hoá trên quy mô toàn cầu.

Đô thị và đô thị hoá là một quá trình tất yếu, mang lại những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống xã hội đô thị và nhất là cho người dân ở vùng đô thị hóa. Nhưng cùng với tác động tích cực là hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực do nhiều vấn đề nảy sinh nhưng không được lường trước và giải quyết. Đó là các vấn đề về giao thông đô thị, nước sạch, vệ sinh, nhà ở, nước và rác thải, ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm, môi trường cảnh quan, các vấn đề xã hội mới phát sinh từ đặc thù của cuộc sống đô thị... Những vấn đề này đòi hỏi cách thức quản lý đô thị, tổ chức quy hoạch và liên kết không gian cần được định hướng và giải quyết cụ thể ngay từ các bước quy hoạch đô thị.

Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất nhưng Đô thị xanh (Tiếng Anh: Green Cities) được coi là tổng thể quy hoạch xây dựng của 3 yếu tố gồm môi trường xanh – kinh tế xanh – xã hội xanh chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố có nhiều cây xanh. Một cách khái quát nhất, “đô thị xanh” vừa là mở rộng vừa là biểu hiện cụ thể của phát triển bền vững: đầu tiên là bền vững về môi trường sống của con người, lấy cuộc sống tốt đẹp con người là mục đích và động lực của các phương thức phát triển.

Một “đô thị xanh” mang những đặc điểm: sử dụng hiệu quả năng lượng; giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không thể tái tạo; có hệ thống giao thông hiệu quả với lượng carbon thấp; nền kinh tế tuần hoàn, hệ thống cơ sở hạ tầng xanh và thân thiện môi trường; rác thải được xử lý và giảm thiểu; diện tích không gian xanh được quy hoạch thống nhất và gia tăng. Đô thị xanh đầu tiên là đô thị phát triển bền vững về môi trường.

Nói cách khác, đặc tính “xanh” của một đô thị chính là mức độ bền vững về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong quá trình phát triển. Các đô thị sẽ đạt những mức độ “xanh” khác nhau và sự phát triển này là không đồng đều do phụ thuộc vào điều kiện cụ thể, vì vậy chiến lược hướng tới đô thị xanh cũng phải theo các giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia hay mỗi đô thị cụ thể.

2.

Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 đã nhấn mạnh việc phát triển đô thị “hướng tới nền kinh tế xanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa” đồng thời đặt ra nhiệm vụ “nghiên cứu phát triển đô thị xanh đảm bảo đô thị hóa nhanh, bền vững”, ban hành bộ chỉ số cạnh tranh đô thị (Chính phủ Việt nam, 2012). Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình này còn gặp nhiều khó khăn và việc triển khai chưa đồng bộ. Khái niệm “đô thị xanh” còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau, phần lớn theo nghĩa hẹp chỉ trong phạm vi không gian, cảnh quan xanh, chưa thực sự gắn với quan điểm phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Để định hướng quy hoạch và xây dựng “đô thị xanh”, nhiều bộ chỉ số đã được đề xuất ở những khu vực, những quốc gia khác nhau. Một số tiêu chí đô thị xanh được các nước châu Âu và nhiều nước phát triển áp dụng:

– Công trình xanh: sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối ưu tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường.

– Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm.

– Chất lượng môi trường đô thị xanh: không khí sạch, giảm rác thải, khói bụi và tiếng ồn.

– Giao thông xanh: tăng tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2.

– Công nghiệp xanh: công nghiệp công nghệ cao và sạch, hạn chế ô nhiễm.

Ngoài ra, đô thị xanh còn phải đảm bảo gìn giữ và bảo tồn các cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, các cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư văn minh, ứng xử thân thiện với môi trường.

            Tại nhiều địa phương, một số khu đô thị mới xây dựng đã hướng đến và thực hiện được các tiêu chí “đô thị xanh” về không gian và môi trường, nhưng còn tiêu chí công trình xanh và giao thông xanh thì chưa được quan tâm do đầu tư xây dựng công trình xanh tốn kém hơn, ảnh hưởng đến giá thành bất động sản; phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển còn phụ thuộc phương tiện cá nhân, sự thay đổi nhiên liệu xanh cũng đòi hỏi thời gian và nguồn kinh phí lớn. Mặt khác, không gian và môi trường xanh chỉ giới hạn trong khu đô thị đó, chưa có sự kết nối và đồng bộ với môi trường và cảnh quan của cả khu vực hay của thành phố lớn. Việc sử dụng điện, nước để “làm xanh đô thị” vẫn chưa phải là nguồn năng lượng tái tạo hay nguồn nước thu hồi và tái sử dụng nên vẫn gây tốn kém cho nguồn điện, nước chung. Vì vậy đã hạn chế tác dụng tốt của đô thị xanh với vùng xung quanh cũng như giảm hiệu quả đầu tư vào “đô thị xanh”.

3.

Trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn hướng đến năm 2050, Quảng Nam đang định hình một hệ thống đô thị ven biển, tạo ra các trung tâm dân cư mới kết hợp đô thị du lịch và đô thị công nghiệp... trở thành hạt nhân để phát triển toàn vùng. Chuỗi đô thị này đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh về đô thị hóa, hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản, bảo vệ hệ sinh thái rừng, biển đảo. Có thể nói đây chính là một cơ hội để Quảng Nam xây dựng ngay từ đầu một chuỗi “đô thị xanh” ven biển, một sự kết hợp tuyệt vời giữa quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và môi trường sinh thái tự nhiên.

Căn cứ vào những tiêu chí cơ bản của “đô thị xanh” thì năng lượng cần được coi là vấn đề “then chốt” của các đô thị mới này. Việc đầu tiên là xây dựng một hệ thống nguồn năng lượng sạch cho chuỗi đô thị ven biển chứ không phải là nguồn năng lượng “tự cung tự cấp” của từng đô thị.  Với điều kiện tự nhiên của xứ Quảng (lượng nhiệt cao, số ngày nắng nhiều), đô thị nằm ở khu vực ven biển nên tiềm năng nguồn năng lượng sạch cần được ưu tiên sử dụng là năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Tiếp theo là phương thức khai thác và sử dụng, tái sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt, cho sản xuất và cho việc duy trì mảng xanh đô thị. Công nghệ thu hồi và tái chế nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp cho các hoạt động khác cũng là một cơ sở công nghiệp cần thiết ngay từ đầu, cùng với nhà máy phân loại và xử lý rác thải.

Phương thức giao thông: ưu tiên kết nối chuỗi đô thị với nhau và giao thông nội đô bằng phương tiện giao thông công cộng năng lượng sạch (điện), khuyến khích thậm chí quy định giao thông cá nhân cũng là xe hơi và xe máy điện, khuyến khích xe đạp bằng việc xây dựng những công trình dịch vụ và công ích với khoảng cách phù hợp. Thậm chí việc tính toán xây dựng các giao lộ và vỉa hè như thế nào để hạn chế kẹt xe, dừng xe và có thể tận dụng trong trường hợp cần thiết... cũng là một giải pháp của đô thị xanh.

Quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng và các công trình kiến trúc ưu tiên sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, có chính sách khuyến khích việc sử dụng loại vật liệu này, đồng thời với những phương thức tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước khi công trình vận hành.

Và cuối cùng, môi trường xanh (cây xanh, công viên, mặt nước...) là những yếu tố dễ nhận biết đầu tiên nhưng ít được quan tâm lâu dài. Nhận thức của dân cư đối với môi trường xanh được thể hiện thường xuyên, thông qua đó là sự ứng xử thân thiện với môi trường và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Xây dựng đô thị trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm, lợi thế của điều kiện tự nhiên chính là việc đặt nền móng cho sự tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Ý chí của chính quyền và cách thức vận hành của nhà quản lý đô thị là nhân tố quyết định trong việc xây dựng và phát triển “đô thị xanh”. Để chuỗi đô thị mới thật sự khác biệt vùng nông thôn xung quanh, sự khác biệt bền vững, tốt đẹp nhằm tạo động lực phát triển bền vững cho tỉnh Quảng Nam thì “đô thị xanh” là một sự lựa chọn tất yếu!  





 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...