Vài
năm gần đây một hiện tượng tích cực
xuất hiện và ngày càng phát triển trên thị trường sách, đó là sách nghiên cứu,
khảo cứu về lịch sử - văn hóa ngày càng nhiều về số lượng và chủ đề, từ các nhà xuất bản và
các công ty sách… Những tác giả cả trong và ngoài nước, đủ các lứa
tuổi, “hàn lâm” và “không chính thống” đã mang lại nhiều thông
tin,
tư liệu và nhận thức mới cho
độc giả là người nghiên cứu hay người yêu thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa.
Trần
Đức Anh Sơn hiện diện trong hiện tượng này với một nét riêng!
Là một nhà nghiên cứu thuộc
thế hệ lớn lên sau 1975 và
trưởng thành trong nghiên cứu khoa học từ sau Đổi mới 1986. Bối cảnh xã hội
thời “mở cửa” về kinh tế nhưng chưa thật sự “mở” về học thuật cũng đã giúp cho thế hệ này tiếp nhận
“truyền thống nghiên cứu” lịch sử - văn hóa với một tâm thức mới. Có thể nhận
thấy điều này ở Trần Đức Anh Sơn. Anh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu phong phú về đề tài, đa dạng về cách tiếp
cận và khá gần gũi với người
đọc bởi cách diễn đạt chính xác, khoa học nhưng giản dị và nhiều khi hóm hỉnh.
Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn là một tác phẩm như vậy. Cuốn sách gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực, phân chia thành hai chủ đề Huế - di sản văn hóa (32 bài) và Triều Nguyễn - những vấn đề lịch sử (15 bài). So với lần tái bản thứ ba thì lần này tác giả đã rút bớt 2 bài ở chủ đề Huế - Di sản văn hóa (do
đã in trong ấn phẩm Kiểu Huế, tái
bản năm 2021), nhưng bổ sung thêm 3
bài cho chủ đề Triều Nguyễn -
Những vấn đề lịch sử. Đây là những bài khảo cứu tác giả mới
viết trong 3 năm gần đây, công bố nhiều tư liệu lịch sử mới, với nhiều kiến
giải thú vị, giúp độc giả hiểu thêm những vấn đề lịch sử của Việt Nam vào thời
Nguyễn, vốn đang bị khuất lấp bởi nhiều lý do khác nhau.
Đọc kỹ các bài thì có thể nhận ra cách
phân chia thành hai chủ đề như trên cũng chỉ là “tạm chia”, bởi, văn hóa và
lịch sử đâu thể nào tách bạch rạch ròi? Có sự kiện, nhân vật hay quá trình lịch
sử nào có thể đứng ngoài và không chịu ảnh hưởng từ những yếu tố và truyền
thống văn hóa một vùng đất, một quốc gia, một thời đại? Và ngược lại, văn hóa
một vùng đất, một quốc gia hay của một thời đại thường được phản ánh và nhận
diện qua lịch sử, nhất là ở/qua những trường hợp điển hình.
Sự đa chiều chính là điều thú vị của cuốn
sách nói chung và từng bài nói riêng. Có thể nhận thấy
sự đa
chiều từ
nhìn nhận về sinh
thái nhân văn, để tìm hiểu, phân
tích, đánh giá lịch sử - sự kiện, để liên kết các yếu tố, thành tố văn hóa.
Đa chiều để đặt
Huế và
Triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của đất nước. Nhưng đồng thời lại nhất quán trong tâm thế người nghiên cứu:
tâm thế cởi mở và thẳng thắn trình
bày suy nghĩ, nhận định, cởi mở tiếp nhận trao đổi với ý kiến đồng thuận hay trái
chiều, cởi mở về sự đánh giá tư
liệu điền dã hay sử liệu mới phát hiện...
Với riêng tôi thì Trần Đức Anh Sơn là một
trong số ít học trò của GS. Trần Quốc Vượng đã thể hiện được trong các công trình của mình những gì mà
Thầy Vượng khởi lập và truyền đạt cho nhiều thế hệ học trò. Chúng tôi tạm gọi
đó là “Trường phái Trần Quốc Vượng”: phương pháp liên ngành đặt vấn đề/lĩnh vực trong
“mạng/net” để có thể phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự kiện, nhân vật
lịch sử. Vì nếu chỉ căn cứ vào “chính sử” hay “huyền sử” ta khó có thể lý giải, hiểu được cặn kẽ những gì đã xảy
ra. Nếu không từ góc nhìn văn hóa học (theo nghĩa rộng nhất) thì “lịch sử” còn
lại rất ít do tầm nhìn hạn hẹp của người đời sau.
Từ đó, việc đặt lại
vấn đề với những điều tưởng chừng đã “an bài” trong lịch sử - văn hóa luôn là
“thao tác tư duy” cần thiết.
Từ một góc nhìn khác, một chiều kích
khác, một phương pháp khác… sẽ cho những nhận thức, hiểu biết mới. Không thể có
nhận thức mới nếu thao tác tư duy cũ. Ngoài học thuật, nhiều học trò của Thầy
Vượng còn học ở Thầy thái độ dấn thân với xã hội: từ sự hiểu biết sâu sắc lịch
sử - văn hóa đến sự mẫn cảm trước những hiện tượng báo động sự bất ổn xã hội…
Từ đó đã có tiếng nói cảnh báo, phản biện với cái Tâm của một người trí thức
chân chính.
Giữa tôi và Trần Đức Anh Sơn, tuy chênh
nhau về tuổi tác, khác nhau về nơi sinh trưởng, nhưng có nhiều điểm chung về
nghề nghiệp: cùng học lịch sử, cùng làm công tác bảo tàng, rồi giảng dạy đại
học không chỉ về lịch sử, khảo cổ mà còn về văn hóa, du lịch trên nền tảng kiến
thức chuyên sâu được đào tạo bài bản và “học hành tử tế” như chúng tôi tự nhận.
Và do “số phận” chúng tôi đều phải tạm rời lĩnh vực chuyên môn sâu để đảm nhận
công việc liên quan đến văn hóa - xã hội hiện nay. Có lẽ nhờ vậy mà Trần Đức Anh
Sơn và tôi, trong nhiều công trình nghiên cứu sau này, tính thực tiễn thể hiện
rõ nét hơn, vừa là để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, vừa
là “trả lại” cho xã hội những kiến thức khoa học để góp phần nâng cao tri thức
cho cộng đồng.
Xin vui mừng và trân trọng giới thiệu với
bạn đọc công trình vô cùng thú vị của Trần Đức Anh Sơn: Huế - Triều Nguyễn một cái nhìn - in lần thứ tư và tôi tin rằng, Trần Đức Anh Sơn sẽ có những công trình tiếp theo về chủ
đề này.
Sài Gòn, 20.10.2023
TS. NGUYỄN THỊ HẬU
Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét