@ MỖI NGÀY…


Việc hacker trung quốc tấn công hệ thống hiển thị thông tin của sân bay và trang web của VNA đâu phải là chuyện không tiên đoán trước, cũng không phải là chuyện lạ, bởi vì…

-        Hàng ngày vẫn có những tin tức về ngư dân của chúng ta luôn bị tàu cá, tàu cảnh sát trung quốc tấn công, cướp bóc, đánh đập, giết hại

-        Hàng ngày vẫn có những tin tức về các công trình do nhà thầu trung quốc trúng thầu, những khu khai thác khoáng sản chủ đầu tư là trung quốc… luôn bị chậm trễ hàng năm trời, đội vốn hàng chục tỷ đồng, gây ra những tai nạn chết người thậm chí cả thảm họa môi trường khủng khiếp…

-        Mấy  ngày nay lại có tin một số Bộ ngành tiếp tục đề nghị vay tiền của trung quốc để làm đường cao tốc… những người dân bình thường dù biết nước ta nợ công cao nhưng cụ thể đã nợ trung quốc bao nhiêu tiền? và sẽ phải làm gì, còn gì để trả nợ?!

-        Hàng ngày vẫn có tin tức những công ty du lịch trung quốc đang “lũng đoạn” thị trường du lịch VN nhất là những khu du lịch ven biển…

-        Gần đây ở vài nơi kể cả sân bây còn bị “sóng lạ” chèn vào làm nhiễu loạn, thậm chí còn phát ra tiếng trung quốc!
-       
Hàng ngày những sự việc đó vẫn diễn ra trên đất nước, nhưng hình như còn xa, chưa trực tiếp tác động vào bản thân ta. Sự cố ở sân bay (và bao lâu nữa thì ngay trên vùng trời trên đầu chúng ta?) làm chúng ta phải giật mình: hóa ra nguy cơ không ở đâu xa mà đã ở ngay bên cạnh!


Đất nước ta “thiên thư định mệnh” nằm cạnh một láng giềng hành xử vô lối, lý lẽ bất chấp tất cả, thời nào triều đại nào cũng phải đối phó. Nhưng bây giờ thì sự vô lối bất chấp ấy ở ngay bên cạnh mỗi người chúng ta và bất cứ lúc nào cũng có thể hiện diện!

Vụn vặt đời thường (118)









Đọc đi đọc lại cuốn này, càng đọc càng thấm thía nỗi đau của tác giả khi viết về những điều tệ hại của dân tộc ông. Người đọc cũng đau vì những điều tương tự ở dân tộc mình! Thật là "Xem người... lại ngẫm đến ta! Bên thì Đại Hán bên là Đại Kinh" :(

@ Linh tinh lang tang (143). MỞ MIỆNG!


Thưa bà Chủ tịch quốc hội!

 Trong những tháng vừa qua khi người dân 4 tỉnh miền Trung điêu đứng vì thảm họa môi trường biển, người dân nhiều nơi khác, trong đó có những thành phố lớn, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Những thiệt hại cả vật chất và nhất là tinh thần của người dân là không thể đo đếm được.

 Những tiếng nói từ người dân về thảm họa này cũng chỉ phản ánh phần nào sự lo lắng, bức xúc và trách nhiệm đối với môi trường, đối với sinh mạng con người.

Những tháng vừa qua bà – người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, đại diện cho nhân dân - đã ở đâu mà không hề có một lời thăm hỏi động viên an ủi những người chịu tai họa – dù chỉ là một hành động của nhà chính trị?!

Nay, sao bà lại có thể đặt ra câu hỏi “đã làm gì cho đất nước” với những người đã có tiếng nói vì đồng bào mình? Cất lên tiếng nói, đó đã là việc làm vì đất nước, thưa bà!

Không có lời tuyên thệ nào chân thành và xác tín hơn hành động vì nhân dân, cụ thể, kịp thời và minh bạch! Thưa bà Chủ tịch quốc hội – người đã tuyên thệ đến lần thứ 2 trong cùng một vai trò.


Nhân chi sơ tính bản gì?




Thời báo kinh tế Sài Gòn 21.7.2016

Một lần gặp gỡ bạn bè cà phê, cuộc trò chuyện thế nào lại dẫn đến câu hỏi mang tính triết học “Nhân cho sơ tính bản gì?” – con người vốn “hiền” hay “ác”? Mọi người ngồi đó chẳng ai là “nhà triết học” nên những luận bàn chỉ như sự tự vấn.
- Con người ta “ác” thật, có thể ăn thịt bất kỳ con vật nào.
- Ừ, lại còn cách giết chúng nữa, dù để cúng tế thì cũng dã man quá!
- Mấy lễ hội đâm trâu chém lợn cần phải dẹp bỏ…
- Không chỉ đối với động vật, mà với cây cỏ cũng thế. “Rừng đã cháy và rừng đã hết…”, Tây Nguyên đấy!
- Chặn sông làm thủy điện có phải là giết chết dòng sông? có nhiều “dòng sông đã qua đời” vì không còn được chảy…
- Bây giờ sông biển ao hồ đầy chất độc do con người thải ra, rồi nguồn nước ấy giết hết cá tôm và cũng giết chính con người!
- …
Ta vẫn nói “nhân chi sơ tính bản thiện” vậy vì sao ngày nay trong xã hội cái ác giữa con người ngày một tinh vi hơn, con người ngày càng như “vô can” hơn đối với sự lụi tàn của thiên nhiên - môi trường sống của chính mình?
Hay là con người “nhân chi sơ tính bản… thú” với nghĩa là một động vật nhưng là loài cao cấp nhất. Bọn/bầy thú hành động theo bản năng sinh tồn (ăn uống, giao phối, sức mạnh bầy đàn, “cá lớn nuốt cá bé”…). Những tập tính “thú” mạnh mẽ được di truyền và trở thành bản chất bền vững. Quá trình tiến hóa của loài người chính là quá trình làm cho bản tính NGƯỜI ngày càng thắng thế bản tính THÚ. Chúng ta đều biết rằng, sự hình thành và lớn lên của trẻ em từ trong bụng mẹ cho đến khoảng 5,6 tuổi chính là sự lặp lại quá trình tiến hóa hàng triệu năm của loài người.
Hay là “nhân chi sơ tính bản… năng”, tức là trong con người phần CON luôn là đầu tiên và chiếm ưu thế so với phần NGƯỜI từ khi còn là một đứa trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Ở trẻ con chưa có/ chưa biết khái niệm “hiền” hay “ác”, chúng hành xử theo bản năng dù có thể gây đau đớn hay tổn hại cho người khác mà nếu xét hậu quả thì đó là một “việc ác”, nhưng đứa trẻ “hồn nhiên gây điều ác” do hoàn toàn không ý thức được.
Một đứa trẻ cứ vô tư làm điều xấu, điều ác, hay chỉ đơn giản là quậy phá, làm phiền người khác quá mức vì luôn được người lớn nuông chiều, cha mẹ không dạy bảo vì quan niệm: còn nhỏ biết gì; lỡ thôi mà; trăng đến rằm trăng tròn, lớn lên tự khắc nó sẽ không làm thế… Trong gia đình là không gian riêng tư nhưng bước ra đường, ở nơi công cộng thì đó là không gian xã hội, cần phải ứng xử theo chuẩn mực chung hay ít nhất không gây sự phiền phức khó chịu cho người xung quanh. Điều đó phải được giáo dục từ nhỏ ngay trong gia đình.
Hiền hay ác thường được hiểu như khái niệm đạo đức. Qua “di truyền” từ gia đình bằng hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của cha mẹ, bằng giáo dục về quy tắc, luật pháp của xã hội… Càng lớn con người càng hiểu biết và ý thức được thế nào là hiền/ ác nên biết cách ứng xử phù hợp, đồng thời xã hội có những định chế giúp con người điều chỉnh và hạn chế hành vi không phù hợp, đặc biệt là việc gây tội ác làm tổn hại đến thân thể và tinh thần người khác, tàn phá tự nhiên.
Thước đo sự trưởng thành của con người không chỉ bằng thể chất mà còn là hành vi có phù hợp hay không đạo đức và luật pháp xã hội, đo bằng sự tuân thủ luật pháp, sự bày tỏ quan điểm và hành xử cá nhân xuất phát từ sự hiểu biết và mang tính tự giác chứ không phải mù quáng “bầy đàn”. Nếu chưa đạt được mức độ này thì chưa thể gọi là trưởng thành. Khi đã hiểu biết mà vẫn bất chấp lẽ phải chỉ vì lợi ích (vật chất và tinh thần) của riêng mình thì không còn là “bản năng”. Người lớn, nước lớn hành động như vậy chứng tỏ chưa trưởng thành trong xã hội loài người văn minh.
Nếu trong một xã hội mà có nhiều người cứ “hồn nhiên” gây điều ác từ lời nói đến hành vi, không bị phản ứng hay ngăn chặn thì sẽ có lúc họ sẽ làm điều ác một cách có ý thức và toan tính sao cho có “hiệu quả” nhất! Đồng thời người ta sẽ biện minh, ngụy biện cho hành vi của mình; đánh tráo những sự việc thật giả đúng sai… Khi đó cần nhận thức rằng, mầm ác đang gieo rắc khắp nơi, trong mỗi gia đình mỗi con người nếu không có sức đề kháng sẽ sản sinh ra thế hệ “nhân chi sơ tính bản ác”. Vì vậy chống lại cái ác bằng giáo dục từ gia đình và xã hội rất quan trọng, giúp cho con người xây dựng và hoàn thiện tính “thiện”, tức là từ không có ý thức đến có ý thức về hành vi của mình.
Khi xã hội luôn bất an vì đầy rẫy hành vi, lời nói độc ác đối với con người và thiên nhiên, đừng tự lừa dối hay an ủi lẫn nhau rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”. Bởi vì người xưa đã nói, “hiền ác phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
TBKTSG 21.7.2016

CẢ NƯỚC CHUNG TAY TREO BẢN ĐỒ VIÊT NAM

20/7 : THỒNG BÁO CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH
CẢ NƯỚC CHUNG TAY TREO BẢN ĐỒ VIÊT NAM CÓ ĐẦY ĐỦ TRƯỜNG SA HOÀNG SA Ở KHẮP NƠI LÀ THỂ HIỆN LÒNG YÊU NƯỚC
Là người dân Việt Nam, ai ai cũng có lòng yêu nước và tự hào dân tộc mình, Tổ quốc mình và mỗi người đều có những suy nghĩ và hành động khác nhau nhưng tất cả đều là vì Tổ quốc vì dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta !
Với ý tưởng của TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử VN & Sự đồng hành ủng hộ của Thạc sỹ bản đồ Lưu Quang Tường - Nhà xuất bản Tài nguyên & Môi trường - Bản đồ Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Moi trường , CLB Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương chúng tôi chính thức phát động chương trình CẢ NƯỚC CHUNG TAY TREO BẢN ĐỒ VIỆT NAM cùng nhau hành động thể hiện lòng yêu nước từ những việc nhỏ nhất và dễ làm nhất.
Hãy cùng chúng tôi treo Bản đồ Việt Nam có đầy đủ vị trí địa lý Trường Sa Hoàng Sa ở những nơi các Bạn đang sống, làm việc học tập và ngay cả những nơi công cộng có sức thu hút chú ý của cộng đồng trong nước và Quốc tế để cùng lan tỏa mang tình yêu thương và niềm tự hào dân tộc Việt Nam , đồng thời khẳng đinh mạnh mẽ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt nam đến tất cả người dân Việt Nam và Bạn bè Quốc tế từ khắp nơi nơi
.
Nơi nhận Bản đồ Việt Nam và đăng ký cho Bản đồ xin gửi về BTC chương trình :
1/ CLB Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương
Người liên hệ : Phạm Ngọc Thập - PCN phụ trách Hoạt động cộng đồng
ĐT : 0988008000
2/ NXB Tài nguyên và Môi trường - Bản đồ Việt Nam - 85 Nguyễn Chí Thanh - Hà nội
Người liên hệ : Thạc sỹ bản đồ : Lưu Quang Tường
ĐT : 0913340145 - Trưởng phòng kế hoạch & Thị trường
Xin lưu ý :
Các cá nhân tổ chức tặng Bản đồ xin ghi rõ số lượng, kích cỡ và người liên hệ.
Các đơn vị, cá nhân, gđ, trường học, công sở cần bản đồ cũng đăng ký rõ kích thước, số lượng cụ thể và người liên hệ.
Địa chỉ trao và nhận Bản đồ sẽ được phân chia làm 3 miền : Bắc - Trung - nam và BTC cần sự chung tay và đăng ký của các Tình nguyện viên ở khắp vùng miền, Hiện nay BTC có hệ thống phát hành Bản đồ hành chính trên khắp cả nước do NXB Tài nguyên môi trường & Bản đồ Việt Nam chịu trách nhiệm. ( BTC sẽ thông báo chi tiết các địa chỉ cụ thể sau)
Nếu cơ quan, gia đình, nhà dân, khu công cộng mà đã có treo bản đò xin gửi ảnh chụp ghi rõ địa chỉ và vị trí. ( không bắt buộc)
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ và đồng hành của tất cả ACE & các Bạn.
Riêng các khối trường học, cần in sách bìa, bìa vở học sinh có bản đồ Việt Nam thì BTC sẽ phát động và kêu gọi trong chương trình. Nếu đơn vị nào đăng ký tài trợ số lượng và cụ thể cho Khối trường học cũng xin đc đăng ký về BTC.
Giai đoạn 1 chúng tôi sẽ ưu tiên tặng các khối Trường học ở khắp cả nước. Thời gian từ nay đến 10/10/2016. Bên cạnh đó khối nhà dân,các cơ quan trụ sở cũng được tiến hành thực hiện ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng cao ( Các nơi có nhu cầu là cá nhân, gia đình, đơn vị doanh nghiệp, sở ban ngành, khu vui chơi giải trí, điểm văn hóa công cộng, du lich, cửa khẩu.... muốn nhận quà tặng là Bản đồ Việt Nam cũng vui lòng đăng ký BTC )
Giai đoạn 2 : Triển khai sau khi tổng kết cụ thể các kết quả của các hoạt động của giai đoạn 1 và nhu cầu thực tế cần thực hiện cho thời gian tới ( Dự kiến sẽ thực hiện sau 10/10 đến 31/12/2016).
Trân trọng cảm ơn ,
Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương
Nguyễn Thị Thu Hương
Đt : 0914266688

ủng hộ phán quyết của Tòa án quốc tế về biển Đông

@ Mình nói nghe nè, nếu trong mỗi gia đình mỗi công sở mỗi lớp học, tại các cửa khẩu, khu du lịch... mà treo một BẢN ĐỒ VIỆT NAM ĐẦY ĐỦ LÃNH THỔ, LÃNH HẢI VÀ HOÀNG SA -TRƯỜNG SA thì đấy là cách không công nhận và phản đối đường lưỡi bò một cách lâu dài, thiết thực và dễ làm nhất, cũng là cách giáo dục về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền đất nước, phải không bạn bè?
Chúng ta cùng thực hiện nhé!
P/S 1. Có báo chí và cơ quan truyền thông nào có thể phát động rộng rãi việc này được không nhỉ?
P/S 2. Sắp tới năm học mới rồi, có nơi nào in tập vở cho học sinh có bìa là bản đồ Việt Nam thì hay quá!

Vụn vặt đới thường ( 118 ) CÁC CỤ NHÀ MÌNH ĐÃ NÓI NHƯ THẾ

Các đánh giá trước 1945 https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A1nh_gi%C3%A1_%C4%91%E1%BA%B7c_%C4%91i%E1%BB%83m_c%E1%BB%A7a_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t

Đánh giá của Phan Bội Châu
Phan Bội Châu trong Chương thứ năm trong Việt Nam quốc sử khảo mang tên Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta.[24]
Đánh giá của Phan Châu Trinh
Trong luận văn Pháp Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam Phan Châu Trinh viết:
Đánh giá của Trần Trọng Kim
Học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam Sử Lược đã viết: "Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi qủy quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.".
Đánh giá của các tác giả khác
Nguyễn Văn Vĩnh đã bàn đến nhiều thói hư tật xấu thường thấy ở người nước ta như tính ỷ lại, tính ăn gian nói dối, thói ăn uống thành nợ miệng, tính bán tín bán nghi, thói đồng bóng, tính vay mượn kém sáng tạo, tính cơ hội đục nước béo cò, thói "gì cũng cười", tệ cờ bạc...[4][26]
Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong cuốn Ðất Lề Quê Thói (Phong Tục Việt Nam) cũng nhận xét rằng: "Người mình phần đông thường ranh vặt, quỷ quyệt, bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi nhạo báng. Tâm địa nông nổi, khoác lác, hiếu danh...".[27]
Thi sĩ Tản Đà trong bài thơ Mậu Thìn xuân cảm viết năm 1932 đã nhận xét về xã hội Việt Nam:

GIÁ TRỊ TINH THẦN CỦA MỘT “THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG”

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/315664/thanh-pho-dang-song-la-so-voi-cai-gi.html

Nguyễn Thị Hậu
Thời gian còn làm việc tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tôi tham gia một số nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn phục vụ việc xây dựng “Đề án Tiêu chí xây dựng TPHCM xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại”.  

Đến nay, năm 2016 Viện vẫn tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí này với tên gọi Bộ tiêu chí TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Bộ tiêu chí được triển khai thực hiện vừa như một công trình khoa học vừa như một nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo thành phố giao cho Viện. Do đó Viện đã tham khảo khá nhiều bộ tiêu chí của các cá nhân, tổ chức quốc tế đã đánh giá xếp loại các thành phố, nhất là ở khu vực ĐNA và châu Á vì gần gũi với điều kiện Việt Nam, nhưng đồng thời cũng phải chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn nước ta và thành phố HCM.

Những tiêu chí “thành phố sống tốt” hay “thành phố đáng sống” là thước đo nhằm giúp cho chính quyền và cả người dân nhận biết kết quả, mức độ thụ hưởng các mặt vật chất và tinh thần của cư dân đô thị trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy nó được xây dựng một cách khoa học, khách quan, hướng đến chuẩn chung của khu vực và thế giới. “Đáng sống” hay “sống tốt” là so với khu vực nào, so với cái gì nên tiêu chí mang tính định lượng cụ thể về điều kiện vật chất như hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… Đồng thời luôn có những tiêu chí về lĩnh vực tinh thần đánh giá bằng “định tính” qua trải nghiệm, cảm nhận của cư dân.

Một thành phố văn minh hiện đại không chỉ cần những quy chuẩn kỹ thuật phục vụ và tạo ra tiện nghi cho cuộc sống mà còn là nơi có đời sống tinh thần phong phú ,đa dạng, nhân văn, thể hiện bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người (trong cộng đồng, chính quyền và cư dân), giữa con người và thiên nhiên, cụ thể như thái độ, ứng xử, sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm không chỉ ở hiện tại mà còn đối với quá khứ (di sản văn hóa), đối với tương lai (môi trường, khai thác tài nguyên, phát triển bền vững…). Vì vậy những tiêu chí hướng đến việc nâng cao tri thức, tính trách nhiệm, sự tự giác và tinh thần dân chủ là biểu hiện cơ bản và quan trọng của một xã hội văn minh, hiện đại.

Như trên đã nói, những bộ tiêu chí đánh giá mọi mặt đời sống của một thành phố thường do các tổ chức độc lập đánh giá trên những “bậc thang” được xây dựng từ quá trình nghiên cứu thực  tế và chuỗi số liệu khách quan, liên tục của các thành phố trong từng khu vực. Vì vậy, sự đánh giá này vừa cho biết mức độ “đáng sống” hay “sống tốt” của thành phố vừa phản ánh trình độ quản lý của chính quyền đô thị. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống còn là thước đo năng lực và trách nhiệm của chính quyền, của nhà quản lý.

Ví dụ trong lĩnh vực quản lý xã hội, vấn đề “hộ khẩu” ở các thành phố lớn thực sự là một ám ảnh không chỉ đối với người nhập cư mà cả người đã có hộ khẩu. Từ mục đích quản lý (số lượng, biến động) dân cư trên một địa bàn nhất định, nhằm đảm bảo an ninh xã hội (nhất là trong thời chiến trước đây ở miền Bắc), sổ hộ khẩu dần dần biến thành “cánh cửa” nặng nề kèm ổ khóa kiên cố đối với người muốn vào sống ở thành phố: không có hộ khẩu thì từ việc làm, nhà ở, giáo dục, y tế - bốn lĩnh vực quan trọng của an sinh xã hội - đều khó khăn, thậm chí tìm việc trong một cơ quan nhà nước tại thành phố phù hợp với chuyên môn được đào tạo mà không có hộ khẩu thì vô phương! Còn người thành phố thì bao nhiêu việc phải dùng đến hộ khẩu hoặc “sao y bản chính” hoặc phải có  công chứng. Lỡ mất hộ khẩu thì thật là một tai họa!

Từ một công cụ để chính quyền quản lý phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn (đảm bảo an ninh) thì hộ khẩu trở thành rào cản, thậm chí là công cụ gây phiền hà, làm nảy sinh tiêu cực trong bộ máy quản lý, đồng thời cũng gây nên sự bất bình đẳng trong dân cư đô thị, nhất là với người nhập cư luôn có những đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Như vậy, một “thành phố đáng sống, sống tốt ” là với “người có hộ khẩu” hay cả với những người chưa/không có hộ khẩu, nếu thành phố đó chưa có sự công bằng (tương đối) trong việc cung cấp dịch vụ xã hội và  chưa “bình đẳng” về thân phận (tinh thần) giữa những cư dân đang sống ở đó? Và như vậy, quản lý là để phục vụ hay để “làm khó” người dân? Chế độ hộ khẩu sẽ được cải tiến, thay đổi hay là vẫn duy trì như cũ là tùy thuộc vào câu trả lời của nhà quản lý!

Cùng với những tiêu chí của các lĩnh vực khác, cách thức và hiệu quả quản lý cũng là biểu hiện của một thành phố “văn minh, hiện đại” trên phương diện quản lý của chính quyền.

Còn về đặc điểm thứ ba là “thành phố nghĩa tình” thì từ góc độ văn hóa – xã hội có thể nhận thấy, Sài Gòn từ khi khởi lập (thế kỷ XVIII với thành Gia Định) đến nay luôn có ba điều cơ bản: 

1/ Làm ăn dễ dàng, kinh tế phát triển đa dạng, cởi mở, bất cứ trong điều kiện nào người Sài Gòn cũng có thể biến thành cơ hội để kiếm sống, để phát triển. 2/ Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”. Vùng đất của những người tứ xứ nhưng chính  họ lại trở thành người Sài Gòn, không phân biệt gốc gác xuất xứ nên có sự công bằng, chính trực trong làm ăn, trong quan hệ đối xử. Và 3/ Cũng từ nguồn gốc lịch sử của dân cư Nam bộ, Sài Gòn có  lối sống nghĩa tình, hào sảng, bao dung dựa trên sự tin cậy lẫn nhau trong các mối quan hệ.

Nếu hai điều trên là hệ quả của vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử thì điều thứ ba là sự kết tinh di sản tinh thần của người Nam bộ, người Sài Gòn mà hiện nay chính quyền đang thừa hưởng để đưa thành một “tiêu chí” của thành phố. Trên thực tế Sài Gòn – TP.HCM có thể đáp ứng nhu cầu của người dân từ bất cứ nơi nào hoàn cảnh nào đến đây tìm kiếm cơ hội sống và cả cơ hội làm giàu. Thậm chí đối với nhiều người, dù còn nhiều điều khó khăn và hạn chế nhưng Sài Gòn vẫn là một “thành phố đáng sống” hơn một số nơi khác trong nước.

Sài Gòn 26.6.2016


TẢN MẠN VỀ CÁI KÉO


Nguyễn Thị Hậu

Xưa có mấy nghề dụng cụ chủ yếu là chiếc kéo. Các bác thợ may cổ quàng cái thước dây, tay phấn vạch tay kéo cắt vải may quần áo. Kéo cho thợ may cũng nhiều loại nhưng phổ biến là kéo lớn cắt vải và kéo nhỏ xíu cắt chỉ. Trên vỉa hè phố dưới tán lá bàng bác thợ cắt tóc móc cái gương lên bức tường cũ loang lổ vôi vàng, hay treo gương lên thân cây xù xì mốc, tay cầm kéo đánh lách tách, tiếng kéo vang lên tóc rơi lả tả, đến khi tay cầm chiếc lược sừng chải cho mái tóc mới thì tiếng kéo mới ngừng.

Trong khu phố Tây nhà biệt thự, thi thoảng bác làm vườn cầm cây kéo vừa to vừa dài cắt hàng rào cho gọn gàng, công nhân dùng kéo này cắt tỉa vườn hoa công viên. Về sau. học sinh có thêm chiếc kéo nhỏ quai bằng nhựa xanh đỏ cắt giấy làm thủ công. Ai đi nước ngoài cũng mang mấy cái móc chìa khóa có cây kéo gấp nhỏ xíu cùng cái bấm móng tay về làm quà.

  Thời bao cấp ở các cơ quan thường có một người nào đó khéo tay chuyên cắt chữ dán khẩu hiệu, có khi còn kiếm thêm ít tiền thù lao nhờ trang trí phông đám cưới: chữ song hỷ, đôi trái tim lồng vào nhau hay đôi chim bồ câu mỏ ngậm sợi dây bay bay, tên cô dâu chú rể quấn quýt. Trong Thảo cầm viên Sài Gòn có mấy người thợ cắt tranh chân dung cho khách đi chơi, ai cũng hoan hỉ vì thấy mình thật đẹp: nữ thì tóc bồng bềnh mũi thanh tú lông mi cong vút, nam thì trán cao cằm cương nghị… nhìn một hồi thì ai cũng giống ai! Nhưng nghệ thuật cắt giấy thật sự là nghệ thuật sử dụng chiếc kéo.  Nghề cắt chữ dán phông màn đã “thất truyền” vì có máy vi tính và giấy decal thay thế vừa đẹp vừa tiện. Cũng không còn thấy ai cắt tranh giấy nữa, có lẽ vì máy chụp hình và điện thoại ngày càng nhiều, lại có chế độ chỉnh sửa hình ảnh nên “tự sướng” cũng có thể trở nên xinh đẹp khác thường.

Thời ấy ở Hà Nội thỉnh thoảng mậu dịch có bán kéo nhưng rất xấu, hai lưỡi kéo kết vào nhau bằng cái đinh ốc lỏng lẻo, mở ra vài lần thì không ăn với nhau nên không thể cắt được. Người ta thường lên chợ Bắc Qua mua dao kéo vì  nghe nói được rèn từ “nhíp” xe ô tô, dao kéo kiểu gì cũng sắc bén! Dao phay mua ở đó mà chặt thịt gà thì vừa tay, không quá nặng cũng không quá nhẹ, một nhát nhẹ nhàng là được miếng thịt vuông vắn gọn gàng xếp úp vào đĩa bên trên là lớp da vàng hườm liền lạc như chưa chặt, trông vừa đẹp vừa ngon.

Trong nhiều gia đình xưa con gái thường được mẹ dạy cách chặt miếng thịt gà sao cho ngon, nhưng ở Hà Nội đã có lúc người ta phải dùng kéo cắt thịt gà cho kín đáo, hàng xóm không biết vì không động dao thớt. Ăn xong xương gà còn phải gói kỹ bằng giấy báo, đạp xe mang ra vứt tận bãi rác ngoài chợ. Cái thủa xung quanh ai cũng nghèo, có miếng ăn ngon cũng sợ nhà mình khác người, miếng ăn hợp pháp cũng phải giấu diếm tránh sự tò mò thậm chí ghen tỵ.  Từ cái kéo bất đắc dĩ phải cắt thịt gà đến bây giờ đã có kéo chuyên cắt thịt gà “không thể thiếu cho các bà nội trợ”. Nhưng thời nào cũng vậy, miếng thịt gà cắt bằng kéo ăn cứ nhạt hoét, kể cả thịt gà ta, thật!

Bây giờ người ta hay dùng kéo vào việc cắt thức ăn ở hàng rong, trong hàng quán: cắt miến, cắt thịt gà, cắt đậu hũ, cắt chả, nem rán, bún… Người bán hàng tay cầm kéo thoăn thoắt cắt thức ăn xếp vào đĩa, thao tác nhanh hơn so với dùng dao thớt nhưng miếng ăn trông có vẻ tạm bợ, đúng là món ăn hàng quán. Ở chợ chỉ với cái kéo người bán hàng có thể đánh vẩy cắt vây mổ bụng cắt râu mọi loại cá tôm…

Nhắc đến dao kéo không thể quên những bác thợ “mài dao mài kéo ơ…” gánh một đầu là cái thùng gỗ nhỏ trong có mấy con dao đã mài lưỡi sáng lên, vài cục đá mài đã mòn vẹt, miếng giẻ lau; đầu kia là miếng đá mài và cái chậu nhựa nhỏ sứt vành. Có ai gọi “mài dao ơi” là bác ghé lại, xin miếng nước vào cái chậu và vẩy lên hòn đá mài, tay cầm dao kéo mài nhẹ nhàng mà dẻo như múa, chỉ thoáng sau mấy cái dao kéo đã sáng loáng, lấy giẻ lau sạch bột đá trên dao kéo rồi trả cho khách. Về sau này cái gánh thay bằng chiếc xe đạp cũ, tất cả để vào hòm gỗ buộc sau yên xe. Gần đây thì hòn đá mài thay bằng máy mài nhỏ quay bằng mô tơ điện, khi mài ma sát làm bắn ra những tia lửa. Nhưng nghề này cũng đang mất dần vì dao kéo bằng i- nox bền lâu nên ít người còn dùng dao kéo bằng sắt thép.

Dao kéo là dụng cụ nhưng có khi là “hung khí”. Người ta hay nói về sự nguy hiểm chết người của “nhát dao chí mạng”, nhưng còn nguy hiểm hơn khi con người có vẻ ngoài lành lặn và đẹp đẽ nhưng trong tâm hồn mỗi ngày những “nhát kéo” vô hình của sự vô cảm, nhỏ nhen, toan tính, tham lam và ích kỷ cứ cắt nát lương tâm và nhân tính…  Lúc đó thì sự bình an của toàn xã hội cũng không còn nữa.

Sài Gòn 16.6.2016

Vụn vặt đời thường (117)

@ Các ngôi sao TQ ủng hộ đường lưỡi bò, trong nhiều nguyên nhân có một nguyên nhân là họ không đọc (được) báo chí tiếng Anh.
Còn các ngôi sao Việt im lặng không ủng hộ phán quyết của tòa án quốc tế, trong nhiều nguyên nhân có lẽ vì họ không (biết) đọc báo chí tiếng Việt.

@ "Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi 'đường chín đoạn'," thông cáo báo chí của PCA viết.

Cám ơn Philippine! Nhưng là người VN mình không khỏi tự thấy mắc cỡ 
"Về mặt chính trị, Philippines giành thắng lợi, dư luận quốc tế có cơ sở để thể hiện lập trường ủng hộ Philippines và qua đó ủng hộ Việt Nam, lên án “đường lưỡi bò” và các yêu sách, các hành động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông".

http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/315293/pca-ra-phan-quyet-khong-cong-nhan-duong-chin-doan-cua-tq.html

@ Chức trách của nhà nước là phát triển kinh tế và quản lý xã hội tốt. Nếu làm ăn, quản lý minh bạch, công khai, có hiệu quả thì không cần phải nghĩ ra mọi cách "huy động" tiền, vàng và mọi nguồn lực khác từ dân, của dân. Người dân sẽ tự nguyện đóng góp vì yên tâm tài sản của mình không mất đi và còn sinh lợi. 
Đã không làm được điều đó thì người dân không thể tin tưởng để giao tài sản mồ hôi nước mắt cho kẻ đang trong tình trạng nghiện vã!
Hãy "huy động" tài sản của các quan trước đi, sao chỉ nhìn vào chút tiền còm của dân?!

@ Duyên phận như là sút một trái bóng: khung thành rộng thênh thang nhưng bóng lại trúng xà ngang hay cột dọc 
@ Hoa hậu ngủ trên máy bay trong tư thế hớ hênh, hoa hậu hút thuốc lá, ca sĩ cho con bú, ca sĩ cho con tè vào túi nôn... Những người phụ nữ này phải chịu bao nhiêu gạch đá từ những người xa lạ, chỉ vì một cái clip, một tấm hình cũng của một người (đàn ông) xa lạ nào đó tung lên mạng.

Tôi cứ chờ mãi xem có cô / bà nào kể lại rằng, khi họ vô ý như vậy thì có một người đàn ông đã đến nhắc nhở nhẹ nhàng... Nhưng chắc không bao giờ có câu chuyện cổ tích ấy.




Có những chiều Sài Gòn buồn muốn chết
Không nắng không mưa không ngọn gió đùa
Cây ngủ yên đường ngủ yên
Một nửa thế giới ngủ yên
Chiều nay tình đã hóa thiên thu rồi..
Những lúc như thế này
Cũng may
Còn có rượu...

@ Bây giờ người ta không hỏi nhau "bao giờ thì về hưu?" mà người ta sẽ hỏi "bao giờ đến tuổi làm thơ?"
Vậy nên, thi thoảng HKC tui có post những gì "gọi là thơ" thì bà con thông cảm, đã ở tuổi "mần thi" mấy năm rồi :D
(Câu hỏi này loại trừ những thi sĩ bẩm sinh và kinh niên)




TIỆM LÀM TÓC BÌNH DÂN


Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn có đến hàng ngàn tiệm bình dân cắt uốn tóc làm móng tay chân, phần lớn nằm trên những con đường nhỏ hay trong  hẻm.

Hồi những năm 1990 tôi hay đến một tiệm làm tóc trên đường Mạc Đĩnh Chi quận Một. Tiệm là một gian phòng nhỏ khoảng 6 mét vuông cơi nới từ tường rào của một công sở, cao hơn vỉa hè đến gần 1 mét nên có hai bậc thang gỗ gá tạm, khi nào mấy anh quản lý  đô thị của phường buồn buồn đi ngang thì vội vàng kéo vào, nếu không thì bị phạt vì “lấn chiếm vỉa hè”! Hai ghế ngồi cắt tóc làm móng, một ghế nằm gội đầu, vài dụng cụ uốn tóc… tất cả xếp đặt gọn gàng hợp lý trong không giản nhỏ xíu. Trên tường một tấm gương lớn và mấy tấm hình các kiểu tóc của phụ nữ. Tiệm chỉ có cô chủ cũng là thợ chính và một cô thợ phụ. Cô chủ từ Long Khánh lên Sài Gòn vài năm, tính tình vui vẻ, làm tóc kỹ càng nên tiệm lúc nào cũng đông khách là nhân viên các công sở xung quanh. Có bữa buổi trưa ghé ngồi chờ hết giờ nghỉ cũng chưa tới lượt vậy mà ai cũng vui vẻ nói “thôi mai chị ghé”, “chiều cuối giờ em ghé nha”. 

Sau hơn 20 năm bây giờ cô chủ đã có một tiệm lớn đàng hoàng ở mặt tiền một con đường gần đó, có dịch vụ matxa, chăm sóc da mặt, thợ làm công có đến hơn chục người. Khách đến tiệm nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu xe hơi đưa đón và cả khách quen cũ vẫn xe máy “cà tàng”, tất nhiên giá cả không còn bình dân nữa nhưng ai cũng hài lòng vì chất lượng và thái độ thân tình vui vẻ.

Trên đường Trần Quốc Thảo quận Ba bên cạnh quán cà phê có giàn bông giấy lớn che mát cả một khoảng vỉa hè, trước đây có tiệm làm tóc của một chị tuổi trung niên nói giọng Bắc ngọt ngào. Tiệm có hai cháu gái miền Tây phụ việc nói năng rổn rảng thiệt thà, xưng hô với khách một điều thưa dì hai điều thưa cô, khách khó tính cũng phải mềm lòng. Chị chủ mướn nhà mở tiệm đã lâu, tuy ở mặt tiền con đường nhiều biệt thự nhưng giá cả bình dân nên nhiều khách vãng lai ghé lại rồi trở thành khách quen. Chị chủ truyền nghề cho hai người con: cô con gái học nghề rồi lấy chồng và mở tiệm ở Gò Vấp, còn cậu con trai cắt tóc rất khéo dù tính thì tưng tưng như chị vẫn “than” với khách, có hứng thì cậu làm mà không thì bỏ đi bụi đời vài ngày có khi đến vài tháng! Có lúc cậu vướng vào ma túy phải đi cai nghiện, may sao cai được nhưng cái tật lang thang vẫn không bỏ.

 Ba năm trước chủ nhà đòi lại nhà để mở quán ăn (nhưng đã mấy lần thay đổi mà vẫn vắng teo!), chị phải chuyển về Gò Vấp mở tiệm tại nhà. Xa quá và trái đường  nên tôi chưa ghé quán mới của chị lần nào nhưng tôi luôn tin chị ăn nên làm ra bởi sự khéo léo và chỉn chu của chị. Không biết cậu con trai đã chí thú làm ăn chưa hay vẫn bụi đời như trước?

Gần nhà tôi trong một hẻm nhỏ ở Phú Nhuận có một tiệm làm tóc nhỏ xíu chỉ khoảng 4 mét vuông của hai chị em từ miền Tây lên. Hai cô bé chân dài thon thả da trắng bóc, giọng nói còn nguyên chất miền quê “con cá gô bỏ vô gổ nhảy gột goẹt” nghe thương gì đâu! Thỉnh thoảng tôi ghé tiệm vào buổi tối, có bữa thấy một câu trai dáng cao lớn chất phác nói giọng miền Trung khi sửa cái đèn, ổ điện, có bữa lại nấu ăn trong góc bếp giùm hai cô thợ đang có khách. Năm kia cô chị và cậu trai thành vợ chồng và đã có một bé gái thật xinh. Tiệm nhỏ vẫn những khách quen lui tới vừa gội đầu vừa nghe con nhỏ khóc gọi mẹ nhưng chẳng ai phiền mà còn phụ dỗ em bé.

Tính chất dịch vụ của đô thị Sài Gòn không chỉ là cửa tiệm sang trọng cho giới giàu có mà còn là tiệm nhỏ cho người bình dân. Tiệm nhỏ thợ “có nghề” và ngoan nên khách quen yên tâm “giao phó” mái tóc cho thợ, quen lạ gì thì khách cũng cho thợ thêm chút đỉnh ngoài tiền trả cho chủ. Người làm trong tiệm hầu hết là nhập cư từ miền Tây lên miền Trung miền Bắc vào, líu ríu giọng địa phương nghe lạ riết thành quen. Làm ăn khá thì mướn tiệm đàng hoàng hơn chứ không để xập xệ; thợ học nghề rồi thành thợ phụ, may mắn thành thợ chính nếu muốn thì mở tiệm riêng, khách có chia bớt chủ cũng chẳng phiền hà vì coi đó là chuyện giúp nhau bình thường.

Mỗi tiệm làm tóc bình dân như thế là một Sài Gòn thu nhỏ vì ở đó có những người “tứ xứ” nhưng chân tình giúp nhau trong mối quan hệ làm ăn đậm chất hào sảng của người Sài Gòn.

Sài Gòn 23.6.2016

NGƯỜI SÀI GÒN



Ở Sài Gòn/Nam bộ dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những cái khác, cái mới. Người Nam bộ khá dân chủ trong các mối quan hệ xã hội và cả trong gia đình, cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng.
Có thể nói tính cách người Sài Gòn bắt nguồn từ yếu tố, điều kiện thực tế nhất ở Sài Gòn là “LÀM”: “làm ăn”, “làm chơi ăn thiệt”, “làm đại”, “dám làm dám chịu”… thể hiện một cách giản dị, thiết thực nhưng cũng đầy trách nhiệm. Người Sài Gòn/Nam bộ cởi mở phóng khoáng trong giao lưu, nhạy bén với cái mới, thấm nhuần một tinh thần bình đẳng, nhân nghĩa, bao dung, đồng thời rạch ròi, quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu...
Người Sài Gòn không phân biệt ngườinhà quê” hay “thành phố”, người vùng miền nào, sống ít hay nhiều năm tại Sài Gòn, nhưng trong làm ăn, giao tiếp ứng xử mà:
- Năng động, sôi nổi nhưng không ồn ào, bon chen
- Bình thản, tôn trọng cá nhân nhưng nghĩa hiệp, luôn giúp người khi cần.
- Hào sảng, quan hệ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.
- Làm và chơi đều hết mình, nhiệt tình với bạn bè, ít khi tính đếm so đo
- Không định kiến dễ chấp nhận cái mới. Không hay chê bai những gì khác mình.
- Và cuối cùng, “đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”, về Sài Gòn như về nhà.
Chỉ vậy thôi, bất kể người tỉnh nào vùng miền nào,  miễn là sống ở Saigon, rồi có tính cách như vậy thì đó là Người Saigon.
Đấy là những điều tôi nhận biết sau hơn bốn mươi năm sống ở Sài Gòn


Nguyễn Thị Hậu

Vụn vặt đời thường (116)

"Làm cá chết hàng loạt, Formosa bồi thường 500 triệu USD"

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160630/hop-bao-cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-o-mien-trung/1127815.html

@ Đề nghị dành số tiền này làm sạch môi trường ven biển các tỉnh cá chết nhiều, đền bù và đầu tư cho ngư dân phương tiện hiện đại hơn để có thể tiếp tục ngư nghiệp. 
Nếu dùng tiền này hỗ trợ ngư dân học chuyển nghề khác thì biển của chúng ta sẽ để cho ai?! 
P/S. 500 triệu USD không thể coi là đủ so với tổn hại về môi trường sinh thái biển, về sức khỏe lâu dài của người dân VN. 


@ "...Việc nhận lỗi của Formosa Hà Tĩnh đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm, nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Hy vọng nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng, thể hiện sự cao thượng đối với Formosa."
Tôi chỉ là người bình thường không phải người "cao thượng" (thượng trên cao), nên tôi không thể khoan hồng độ lượng cho tội ác này và cả những người dung dưỡng cho nó nảy mầm trên đất nước tôi!
Có lẽ "người phát ngôn" của bộ ngoại giao cũng nên có nhời nhỉ, sao trường hợp ông BK thì có nhời nhanh và "thẳng thắn" thế ?!
(Mới sáng ra đọc được mấy chữ này, tuột hết cả cảm hứng với một ly cà phê ngon trong một buổi sáng đẹp trời)

@ Vội vã công bố ngay và luôn số tiền đền bù là ngần ấy mà ko công bố hình thức xử lý Formosa thế nào cho đúng với tội ác đã gây ra, coi chuyện lấy được tiền của nó là công lao lớn.
Thảo nào khi dân biểu tình đòi minh bạch vụ cá chết thì đều bảo là do ai xúi dục và cho tiền! Chả thấy thông tin bắt được đứa nào cho tiền đứa nào nhận tiền nhưng bây giờ chỉ thấy tiền từ FS.
Thế là dư lào? Ai vì tiền?!

@ Có một thực tế là người làm sai nói sai mãi... dần lại như là đúng! "Đúng" vì không ai muốn nói lại nữa, vì có khí nói không lại!
Người tử tế bị ai nói một lần thì lo sửa sai. Người không biết điều thì bất chấp tất cả, chỉ biết được việc của mình.
Tính mình, gặp người như vậy chỉ buông một câu "sao kỳ vậy!", nhưng từ đó thì "anh đi xa quá, anh đi xa em quá!" 
Lâu dần, mình thuần thục món "bò né"!

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...