TẢN MẠN VỀ CÁI KÉO


Nguyễn Thị Hậu

Xưa có mấy nghề dụng cụ chủ yếu là chiếc kéo. Các bác thợ may cổ quàng cái thước dây, tay phấn vạch tay kéo cắt vải may quần áo. Kéo cho thợ may cũng nhiều loại nhưng phổ biến là kéo lớn cắt vải và kéo nhỏ xíu cắt chỉ. Trên vỉa hè phố dưới tán lá bàng bác thợ cắt tóc móc cái gương lên bức tường cũ loang lổ vôi vàng, hay treo gương lên thân cây xù xì mốc, tay cầm kéo đánh lách tách, tiếng kéo vang lên tóc rơi lả tả, đến khi tay cầm chiếc lược sừng chải cho mái tóc mới thì tiếng kéo mới ngừng.

Trong khu phố Tây nhà biệt thự, thi thoảng bác làm vườn cầm cây kéo vừa to vừa dài cắt hàng rào cho gọn gàng, công nhân dùng kéo này cắt tỉa vườn hoa công viên. Về sau. học sinh có thêm chiếc kéo nhỏ quai bằng nhựa xanh đỏ cắt giấy làm thủ công. Ai đi nước ngoài cũng mang mấy cái móc chìa khóa có cây kéo gấp nhỏ xíu cùng cái bấm móng tay về làm quà.

  Thời bao cấp ở các cơ quan thường có một người nào đó khéo tay chuyên cắt chữ dán khẩu hiệu, có khi còn kiếm thêm ít tiền thù lao nhờ trang trí phông đám cưới: chữ song hỷ, đôi trái tim lồng vào nhau hay đôi chim bồ câu mỏ ngậm sợi dây bay bay, tên cô dâu chú rể quấn quýt. Trong Thảo cầm viên Sài Gòn có mấy người thợ cắt tranh chân dung cho khách đi chơi, ai cũng hoan hỉ vì thấy mình thật đẹp: nữ thì tóc bồng bềnh mũi thanh tú lông mi cong vút, nam thì trán cao cằm cương nghị… nhìn một hồi thì ai cũng giống ai! Nhưng nghệ thuật cắt giấy thật sự là nghệ thuật sử dụng chiếc kéo.  Nghề cắt chữ dán phông màn đã “thất truyền” vì có máy vi tính và giấy decal thay thế vừa đẹp vừa tiện. Cũng không còn thấy ai cắt tranh giấy nữa, có lẽ vì máy chụp hình và điện thoại ngày càng nhiều, lại có chế độ chỉnh sửa hình ảnh nên “tự sướng” cũng có thể trở nên xinh đẹp khác thường.

Thời ấy ở Hà Nội thỉnh thoảng mậu dịch có bán kéo nhưng rất xấu, hai lưỡi kéo kết vào nhau bằng cái đinh ốc lỏng lẻo, mở ra vài lần thì không ăn với nhau nên không thể cắt được. Người ta thường lên chợ Bắc Qua mua dao kéo vì  nghe nói được rèn từ “nhíp” xe ô tô, dao kéo kiểu gì cũng sắc bén! Dao phay mua ở đó mà chặt thịt gà thì vừa tay, không quá nặng cũng không quá nhẹ, một nhát nhẹ nhàng là được miếng thịt vuông vắn gọn gàng xếp úp vào đĩa bên trên là lớp da vàng hườm liền lạc như chưa chặt, trông vừa đẹp vừa ngon.

Trong nhiều gia đình xưa con gái thường được mẹ dạy cách chặt miếng thịt gà sao cho ngon, nhưng ở Hà Nội đã có lúc người ta phải dùng kéo cắt thịt gà cho kín đáo, hàng xóm không biết vì không động dao thớt. Ăn xong xương gà còn phải gói kỹ bằng giấy báo, đạp xe mang ra vứt tận bãi rác ngoài chợ. Cái thủa xung quanh ai cũng nghèo, có miếng ăn ngon cũng sợ nhà mình khác người, miếng ăn hợp pháp cũng phải giấu diếm tránh sự tò mò thậm chí ghen tỵ.  Từ cái kéo bất đắc dĩ phải cắt thịt gà đến bây giờ đã có kéo chuyên cắt thịt gà “không thể thiếu cho các bà nội trợ”. Nhưng thời nào cũng vậy, miếng thịt gà cắt bằng kéo ăn cứ nhạt hoét, kể cả thịt gà ta, thật!

Bây giờ người ta hay dùng kéo vào việc cắt thức ăn ở hàng rong, trong hàng quán: cắt miến, cắt thịt gà, cắt đậu hũ, cắt chả, nem rán, bún… Người bán hàng tay cầm kéo thoăn thoắt cắt thức ăn xếp vào đĩa, thao tác nhanh hơn so với dùng dao thớt nhưng miếng ăn trông có vẻ tạm bợ, đúng là món ăn hàng quán. Ở chợ chỉ với cái kéo người bán hàng có thể đánh vẩy cắt vây mổ bụng cắt râu mọi loại cá tôm…

Nhắc đến dao kéo không thể quên những bác thợ “mài dao mài kéo ơ…” gánh một đầu là cái thùng gỗ nhỏ trong có mấy con dao đã mài lưỡi sáng lên, vài cục đá mài đã mòn vẹt, miếng giẻ lau; đầu kia là miếng đá mài và cái chậu nhựa nhỏ sứt vành. Có ai gọi “mài dao ơi” là bác ghé lại, xin miếng nước vào cái chậu và vẩy lên hòn đá mài, tay cầm dao kéo mài nhẹ nhàng mà dẻo như múa, chỉ thoáng sau mấy cái dao kéo đã sáng loáng, lấy giẻ lau sạch bột đá trên dao kéo rồi trả cho khách. Về sau này cái gánh thay bằng chiếc xe đạp cũ, tất cả để vào hòm gỗ buộc sau yên xe. Gần đây thì hòn đá mài thay bằng máy mài nhỏ quay bằng mô tơ điện, khi mài ma sát làm bắn ra những tia lửa. Nhưng nghề này cũng đang mất dần vì dao kéo bằng i- nox bền lâu nên ít người còn dùng dao kéo bằng sắt thép.

Dao kéo là dụng cụ nhưng có khi là “hung khí”. Người ta hay nói về sự nguy hiểm chết người của “nhát dao chí mạng”, nhưng còn nguy hiểm hơn khi con người có vẻ ngoài lành lặn và đẹp đẽ nhưng trong tâm hồn mỗi ngày những “nhát kéo” vô hình của sự vô cảm, nhỏ nhen, toan tính, tham lam và ích kỷ cứ cắt nát lương tâm và nhân tính…  Lúc đó thì sự bình an của toàn xã hội cũng không còn nữa.

Sài Gòn 16.6.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...