Nhân chi sơ tính bản gì?




Thời báo kinh tế Sài Gòn 21.7.2016

Một lần gặp gỡ bạn bè cà phê, cuộc trò chuyện thế nào lại dẫn đến câu hỏi mang tính triết học “Nhân cho sơ tính bản gì?” – con người vốn “hiền” hay “ác”? Mọi người ngồi đó chẳng ai là “nhà triết học” nên những luận bàn chỉ như sự tự vấn.
- Con người ta “ác” thật, có thể ăn thịt bất kỳ con vật nào.
- Ừ, lại còn cách giết chúng nữa, dù để cúng tế thì cũng dã man quá!
- Mấy lễ hội đâm trâu chém lợn cần phải dẹp bỏ…
- Không chỉ đối với động vật, mà với cây cỏ cũng thế. “Rừng đã cháy và rừng đã hết…”, Tây Nguyên đấy!
- Chặn sông làm thủy điện có phải là giết chết dòng sông? có nhiều “dòng sông đã qua đời” vì không còn được chảy…
- Bây giờ sông biển ao hồ đầy chất độc do con người thải ra, rồi nguồn nước ấy giết hết cá tôm và cũng giết chính con người!
- …
Ta vẫn nói “nhân chi sơ tính bản thiện” vậy vì sao ngày nay trong xã hội cái ác giữa con người ngày một tinh vi hơn, con người ngày càng như “vô can” hơn đối với sự lụi tàn của thiên nhiên - môi trường sống của chính mình?
Hay là con người “nhân chi sơ tính bản… thú” với nghĩa là một động vật nhưng là loài cao cấp nhất. Bọn/bầy thú hành động theo bản năng sinh tồn (ăn uống, giao phối, sức mạnh bầy đàn, “cá lớn nuốt cá bé”…). Những tập tính “thú” mạnh mẽ được di truyền và trở thành bản chất bền vững. Quá trình tiến hóa của loài người chính là quá trình làm cho bản tính NGƯỜI ngày càng thắng thế bản tính THÚ. Chúng ta đều biết rằng, sự hình thành và lớn lên của trẻ em từ trong bụng mẹ cho đến khoảng 5,6 tuổi chính là sự lặp lại quá trình tiến hóa hàng triệu năm của loài người.
Hay là “nhân chi sơ tính bản… năng”, tức là trong con người phần CON luôn là đầu tiên và chiếm ưu thế so với phần NGƯỜI từ khi còn là một đứa trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Ở trẻ con chưa có/ chưa biết khái niệm “hiền” hay “ác”, chúng hành xử theo bản năng dù có thể gây đau đớn hay tổn hại cho người khác mà nếu xét hậu quả thì đó là một “việc ác”, nhưng đứa trẻ “hồn nhiên gây điều ác” do hoàn toàn không ý thức được.
Một đứa trẻ cứ vô tư làm điều xấu, điều ác, hay chỉ đơn giản là quậy phá, làm phiền người khác quá mức vì luôn được người lớn nuông chiều, cha mẹ không dạy bảo vì quan niệm: còn nhỏ biết gì; lỡ thôi mà; trăng đến rằm trăng tròn, lớn lên tự khắc nó sẽ không làm thế… Trong gia đình là không gian riêng tư nhưng bước ra đường, ở nơi công cộng thì đó là không gian xã hội, cần phải ứng xử theo chuẩn mực chung hay ít nhất không gây sự phiền phức khó chịu cho người xung quanh. Điều đó phải được giáo dục từ nhỏ ngay trong gia đình.
Hiền hay ác thường được hiểu như khái niệm đạo đức. Qua “di truyền” từ gia đình bằng hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của cha mẹ, bằng giáo dục về quy tắc, luật pháp của xã hội… Càng lớn con người càng hiểu biết và ý thức được thế nào là hiền/ ác nên biết cách ứng xử phù hợp, đồng thời xã hội có những định chế giúp con người điều chỉnh và hạn chế hành vi không phù hợp, đặc biệt là việc gây tội ác làm tổn hại đến thân thể và tinh thần người khác, tàn phá tự nhiên.
Thước đo sự trưởng thành của con người không chỉ bằng thể chất mà còn là hành vi có phù hợp hay không đạo đức và luật pháp xã hội, đo bằng sự tuân thủ luật pháp, sự bày tỏ quan điểm và hành xử cá nhân xuất phát từ sự hiểu biết và mang tính tự giác chứ không phải mù quáng “bầy đàn”. Nếu chưa đạt được mức độ này thì chưa thể gọi là trưởng thành. Khi đã hiểu biết mà vẫn bất chấp lẽ phải chỉ vì lợi ích (vật chất và tinh thần) của riêng mình thì không còn là “bản năng”. Người lớn, nước lớn hành động như vậy chứng tỏ chưa trưởng thành trong xã hội loài người văn minh.
Nếu trong một xã hội mà có nhiều người cứ “hồn nhiên” gây điều ác từ lời nói đến hành vi, không bị phản ứng hay ngăn chặn thì sẽ có lúc họ sẽ làm điều ác một cách có ý thức và toan tính sao cho có “hiệu quả” nhất! Đồng thời người ta sẽ biện minh, ngụy biện cho hành vi của mình; đánh tráo những sự việc thật giả đúng sai… Khi đó cần nhận thức rằng, mầm ác đang gieo rắc khắp nơi, trong mỗi gia đình mỗi con người nếu không có sức đề kháng sẽ sản sinh ra thế hệ “nhân chi sơ tính bản ác”. Vì vậy chống lại cái ác bằng giáo dục từ gia đình và xã hội rất quan trọng, giúp cho con người xây dựng và hoàn thiện tính “thiện”, tức là từ không có ý thức đến có ý thức về hành vi của mình.
Khi xã hội luôn bất an vì đầy rẫy hành vi, lời nói độc ác đối với con người và thiên nhiên, đừng tự lừa dối hay an ủi lẫn nhau rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”. Bởi vì người xưa đã nói, “hiền ác phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
TBKTSG 21.7.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...