Người Thầy thuốc nhân dân thân thương của gia đình tôi


Đây là tấm hình chụp năm 1971 tại HN, lúc đó ba tôi chuẩn bị đi chiến trường lần thứ 3 - chuyến đi mà ba tôi tin chắc sẽ được về đến Nam bộ quê nhà.
Vì vậy trước khi đi ông nhờ người chụp một số tấm hình cho gia đình, tấm hình này chụp với bác Ba Nguyễn Văn Hưởng - lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế , bác gái Nguyễn Thị Hạnh - làm việc tại Viện Pasteur HN.
Bác Ba Hưởng không chỉ là một người anh lớn của ba tôi, mà như ông nội của chúng tôi. Gia đình ông nội tôi nghèo, bác Ba học rất giỏi, được học bổng của Pháp từ trung học đến cao đẳng, đại học bên Pháp. Về SG đi làm nuôi các em - trong đó có ba tôi ăn học thành thầy giáo. Rồi hai anh em cùng đi kháng chiến ở miền Tây Nam bộ, cùng tập kết ra Bắc...
Các anh chị em tôi hồi nhỏ đều trải qua những cơn bệnh thập tử nhất sinh mà không có bác Ba thì chúng tôi đã không còn hiện diện trên đời!
Khi Bác Ba mất gia đình thực hiện nguyện vọng của ông: dành số tiền các giải thưởng của ông lập ra học bổng Nguyễn Văn Hưởng tặng cho sinh viên y - dược nghèo, học giỏi.
Nhân ngày Thầy Thuốc VN, kính nhớ Bác Ba!
Trong hình: Hai bác ngồi giữa tui và ba má tui
Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà







KHI DI SẢN BIẾN MẤT



Khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều công trình và cảnh quan được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là những công trình đẹp về kiến trúc và ẩn chứa trong nó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố. Từ khoảng hai mươi năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều di sản ở khu vực này. Đấy là sự “lấy đi” nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn hóa. Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh làm thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, chính nhờ các mối quan hệ này mà trước đây, khu vực này có những không gian giao tiếp độc đáo và đặc trưng của đô thị Sài Gòn.
Về xã hội.
Mất đi các di sản vật thể gắn với các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Dọc theo trục Đồng Khởi và Lê Lợi có nhiều công trình di sản vật thể gắn với các sự kiện và nhân vật lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Khi nhắc đến Sài Gòn của thế kỷ 20, người ta nghĩ ngay đến trục Đồng Khởi với Café Givral, Café La Pagode, Nhà sách Xuân Thu, Rạp hát Eden… hay trục Lê Lợi với Thương xá Tax, Rex…
Café Givral hình thành trong thập niên 1950-1960, nằm tại tầng trệt Chung cư Eden. Trước 1975 nơi đây được coi là một “trung tâm tin tức” do các nhà báo thường tụ tập ở đây vì nó nằm ngay trước trụ sở Hạ nghị viện (Nhà hát Thành phố ngày nay). Quán cà phê Givral còn gắn liền với tên tuổi của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn - nhà tình báo số 1 của Việt Nam.
Café La Pagode có thiết kế nội thất giản dị, không rườm rà; từ bàn ghế, cột kèo đến cửa sổ mở to và mang đường nét kỷ hà. La Pagode không dành cho khách Tây và giới sành điệu cũng như người giàu có mà dành cho những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và nhà thơ... những người có tâm hồn sáng tạo và cách tân lúc bấy giờ của Sài Gòn.
Quá trình biến đổi cảnh quan và kiến trúc đã làm mất đi các công trình này, Sài Gòn mất đi một phần lịch sử và nhiều nét đặc trưng độc đáo về kiến trúc và cảnh quan đô thị. Giờ đây những địa chỉ quen thuộc này đã thay bằng những cửa hiệu sang trọng, hiện đại mà không chắc hơn vài chục năm sau có giá trị lịch sử hay văn hóa để trở thành một dấu ấn trong ký ức của người Sài Gòn hay không? Mất mát lớn nhất không chỉ là sự tiếc nuối của những thị dân Sài Gòn lớn tuổi, mà còn là mất đi cơ hội trải nghiệm “hồn đô thị Sài Gòn” đặc sắc trong không gian xưa cũ ấy của thế hệ trẻ ngày nay.
Mất đi các giá trị phi vật thể đặc trưng văn hóa Sài Gòn
Giao tiếp và dịch vụ vỉa hè là một hoạt động đặc trưng ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những hoạt động kiến tạo các không gian giao tiếp cộng đồng sinh động và linh hoạt; khách bộ hành hay người đi đường cảm nhận được sự hấp dẫn từ việc mua bán nhộn nhịp, các sản phẩm đa dạng và nhiều hoạt động khác. Trên các trục Đồng Khởi và Lê Lợi trước đây có rất nhiều hoạt động giao tiếp vỉa hè phong phú và đa dạng, từ lâu đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với người Việt Nam và khách du lịch quốc tế; góp phần đa dạng hóa các không gian công cộng, tăng cường gắn kết quan hệ giữa con người với con người.
Ngày nay những hoạt động này đã mất dần. Trước đây, một phần dân cư sinh sống tại các chung cư cũ trên hai trục đường trên tổ chức buôn bán ở tầng trệt chung cư và khu vực vỉa hè xung quanh. Việc giải tỏa các chung cư cũ đồng thời xóa bỏ những hoạt động kinh doanh này. Các cao ốc với các chức năng mới (văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ…) với hình thức kiến trúc hiện đại, sang trọng được xây dựng trên khu đất thay cho các công trình cũ. Khu vực vỉa hè xung quanh các công trình mới không cho phép các hoạt động giao tiếp vỉa hè truyền thống; không gian tầng trệt và vỉa hè chỉ dành cho các dịch vụ của công trình hiện đại và cho đi bộ.
Giờ đây, qua lại tại các trục Đồng Khởi và Lê Lợi sẽ thấy, hầu như không còn các hoạt động giao tiếp vỉa hè; “văn minh đô thị hiện đại” không có chỗ cho các hoạt động phi chính thức truyền thống.
Hạn chế các hoạt động ngoài trời của người dân
Trường hợp công viên Chi Lăng  trước đây là một khu vực sinh hoạt ngoài trời của người dân. Ngày nay, công viên trước Trung tâm thương mại Vincom Đồng không còn để phục vụ các hoạt động ngoài trời của người dân mà có chức năng tạo cảnh quan phục vụ cho Vincom Đồng Khởi qua cách thiết kế không gian: tập trung vào mục tiêu tạo giá trị thẩm mỹ chứ không hướng đến sự tiện ích (mái che, đường dạo, ghế đá…) phục vụ người dân như một “chiếu nghỉ” trên phố đi bộ Đồng Khởi. Cây xanh lâu năm trước đây nay đã được thay bằng cây nhỏ, ít bóng mát mặc dù tạo được thảm cỏ xanh hiếm hoi tại khu vực trung tâm hiện hữu của Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan dọc trục Đồng Khởi và Lê Lợi làm hạn chế các hoạt động ngoài trời dọc các trục này. Các hoạt động giao tiếp ngoài trời đang có xu hướng chuyển dần vào các không gian tiện ích trong nhà của các tòa nhà mới được xây dựng, làm giàm đi và dần triệt tiêu sự sống động và nhộn nhịp của không gian cảnh quan đô thị. Tác động sâu xa hơn là sự phân tách giàu nghèo trong khu vực này bởi người có thu nhập thấp không thể hoặc không lựa chọn việc sử dụng các dịch vụ cao cấp bên trong các tòa nhà; trái lại phần lớn người có thu nhập cao hơn sẽ có xu hướng tìm đến các dịch vụ cao cấp bên trong các tòa nhà, hơn là sử dụng các dịch vụ (phi chính thức) bên ngoài.
Thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội gắn bó với không gian của khu vực
Như đã phân tích trên về việc thay đổi tính chất hoạt động dọc trục, chuyển đổi từ thương mại, dịch vụ nhỏ sang thương mại lớn, hành chính, văn phòng đi kèm với tác động về việc thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, cụ thể là từ mối quan hệ giữa các tiểu thương nhỏ với nhau sang mối quan hệ giữa các doanh nghiệp; từ mối quan hệ giữa người dân, khách du lịch với các tiểu thương sang mối quan hệ giữa nhân viên làm việc trong khu vực cung cấp dịch vụ với các khách hàng có nhu cầu cao.
Bên cạnh việc chuyển đổi các mối quan hệ, tác động của sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại khu vực trung tâm còn phá vỡ các mối quan hệ của người dân địa phương đã từng sinh sống cùng nhau trong một tòa chung cư, một khu phố (quan hệ xóm giềng) hay phá vỡ các mối quan hệ giữa các tiểu thương nhỏ đã từng cùng nhau chia sẻ lợi ích từ hoạt động kinh doanh cùng tính chất, mất đi sự gắn kết giữa các tiểu thương vốn đã cùng nhau hình thành nên những dãy phố thương mại đặc trưng tại khu vực trung tâm thành phố.
Quá trình biến đổi kiến trúc và cảnh quan trong khu vực còn tạo những căng thẳng xã hội trong quá trình giải tỏa mặt bằng, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án đầu tư bất động sản. Ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh truyền thống và những thương hiệu của thành phố như việc thay đổi cảnh quan đường Nguyễn Huệ, việc rào đường xây dựng các ga metro trong một thời gian dài...
Về kinh tế
Tạo thêm việc làm cho khu vực chính thức nhưng làm mất đi việc làm của khu vực phi chính thức. Không thể phủ nhận rằng việc đầu tư xây dựng và phát triển các công trình cao tầng mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho khu vực, đáng kể nhất là việc tạo ra nhiều việc làm ở khu vực chính thức. Các công việc được tạo ra chủ yếu ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh (930 ha) là khu vực tập trung các công trình có chức năng hành chính và dịch vụ công, thương mại – dịch vụ, khách sạn.
Tuy nhiên, sự biến đổi này lại tác động tiêu cực đến việc làm của khu vực phi chính thức, vốn gắn liền với “kinh tế vỉa hè”; khi các hoạt động giao tiếp vỉa hè bị hạn chế thì hoạt động kinh tế phi chính thức cũng giảm đi. Hệ quả là mất đi không gian văn hóa cộng đồng có giá trị đặc trưng, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của một bộ phận dân cư, đặc biệt là thành phần lao động nhập cư.
Phân bố nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào các khu đô thị. Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan khu vực trung tâm đã góp phần tạo thêm lực hấp dẫn cho khu vực này nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Chính điều này góp phần tiếp tục hướng các nguồn lực đầu tư phát triển bất động sản vào khu vực trung tâm hiện hữu, làm hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển đô thị cho các khu vực đô thị mới, nhất là Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm. Hậu quả là, trong khi kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của khu vực trung tâm hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội thì các khu đô thị mới đang “đói” nguồn vốn đầu tư, kể cả đầu tư vào kết cấu hạ tầng lẫn các dự án công trình xây dựng.
Về không gian, môi trường đô thị
Cảnh quan và kiến trúc ít thân thiện với môi trường. Sự biến đổi cảnh quan và kiến trúc trong khu vực nghiên cứu diễn ra theo xu hướng ít thân thiện với môi trường. Cây xanh tại các công viên (công viên trước Nhà thờ Đức Bà, công viên Chi Lăng, công viên trước Nhà hát Thành phố, công viên dọc bờ sông Sài Gòn) và tại các dải phân cách của trục Lê Lợi trong giai đoạn vừa qua giảm nhiều về số lượng và kém hơn về chất lượng tạo bóng mát.
Các tòa nhà mới xây dựng, dưới áp lực hiệu quả kinh tế trong đầu tư, thường ít đạt được các tiêu chí thân thiện với môi trường, đặc biệt thường sử dụng sử dụng kính làm vật liệu bao che và ít thiết kế các kết cấu che nắng đặc thù của vùng nhiệt đới nên rất tốn năng lượng.
Tạo không gian ít thân thiện với con người. Sự biến đổi cảnh quan và kiến trúc trong khu vực nghiên cứu diễn ra theo xu hướng ít thân thiện với con người, nhất là với cộng đồng cư dân lâu đời cũng như du khách từ những quốc gia hiện đại, bởi tính chất đặc trưng không còn, thay vào đó là các công trình “hoành tráng” tỷ lệ áp đảo kích thước vỉa hè, đường phố cũ, gây cảm giác chật chội, đè nén hơn khi đi trên đường phố. Đồng thời, sự hiện đại mang tính phô trương của các công trình mới ít quan tâm đến việc thiết kế các cấu trúc phục vụ người đi bộ (hành lang/mái che bên ngoài công trình).

Những tổn hại xã hội xảy ra khi di sản biến mất càng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn di sản: trước hết vì “người sống” chứ không phải chỉ vì bản thân di sản, nếu di sản còn mà cộng đồng không hiểu biết giá trị và được hưởng giá trị đó thì không thể bảo vệ di sản. Bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là nhằm xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó. Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu.

Nguyễn Thị Hậu
Cầu Mống quận 1 - cây cầu cổ xưa của Sài Gòn


VỐN XÃ HỘI TỪ “MẠNG ẢO”


Nguyễn Thị Hậu
                                                             
1.
Từ hàng chục năm nay internet nói chung và các ứng dụng như mạng xã hội nói riêng, đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Mục đích tham gia và cách thức sử dụng internet của mỗi cá nhân tuy có sự khác nhau về mức độ nhưng đều coi đó là phương tiện để đáp ứng nhu cầu giao tiếp, giao lưu và nắm bắt thông tin. Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, sự tương tác linh hoạt, mạng xã hội đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. Nó giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức kết nối xoay quanh những mối quan tâm chung trong những nhóm và cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội .

Đấy là chức năng “vốn có” mà internet - thông qua một phương tiện là mạng xã hội - mang lại cho con người. Do đó, mỗi con người, mỗi nhóm xã hội, mỗi cộng đồng có sự quan tâm, nhu cầu thông tin như thế nào thì trong “trường tiếp xúc” của họ sẽ là những người có sở thích nhu cầu tương tự. Sự tương tác giữa họ nảy sinh và được duy trì, phát triển... cho đến khi những nhu cầu sở thích chung không còn tồn tại hoặc xuất hiện “mâu thuẫn” thì sự tương tác giảm dần và có khi chấm dứt, nhanh và gần như tuyệt đối (block).
Không gian giao tiếp trên internet không chỉ có các mạng xã hội có rất nhiều người tham gia và truy cập như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter, Reddit, Linkedin, Ask.fm, Pinterest, Tumblr, Flickr... mà còn có các diễn đàn theo nhiều chủ đề, báo chí online luôn có phần bình luận/tranh luận của độc giả, những cuộc thăm dò, lấy ý kiến về các vấn đề khác nhau... Tất cả trở thành những kênh truyền thông mà tại đó con người có được môi trường giao lưu trực tiếp và nhanh chóng nhưng lại có thể ẩn danh nhờ công cụ và sự hỗ trợ kĩ thuật từ phía nhà tổ chức và quản lý mạng.

Đặc điểm, chức năng của mạng xã hội là tính cá nhân, tính giải trí, tính tương tác và tính thể hiện mình. Từ đó dẫn đến sự “nhận dạng” và hiểu biết (phần nào) về một con người, sự nhận xét, đánh giá... của cộng đồng mạng mà không phải lúc nào cũng công tâm, khách quan mà có lúc đầy ác ý, cực đoan. Trong môi trường tương tác mới, nhanh hơn, trực diện hơn và rộng hơn (phi không gian – phi thời gian – vô danh) thì mức độ xác thực và lan truyền của thông tin sẽ được nhân lên nhiều lần, có khi khó phân biệt được giá trị thật và ảo qua/từ đánh giá của mạng xã hội, điều này làm cho tính “hai mặt’ của mạng xã hội được duy trì.

Do chức năng đa dạng và sự gia tăng ngày càng nhanh số lượng thành viên, mạng xã hội đã có tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới của tư duy, lối sống, văn hóa… ở một bộ phận khá lớn những người sử dụng, nhất là người trẻ. Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng và hiện đại, xu hướng mới của xã hội công nghệ thông tin, mạng xã hội không chỉ có những chức năng đã biết mà có thể còn “tiềm ẩn” nhiều lợi ích khác cho con người.
Cũng như nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật khác, mạng xã hội được sáng tạo và phát triển là nhằm phục vụ lợi ích của xã hội, tuy nhiên sử dụng nó như thế nào thì sẽ chịu tác động tích cực hay tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào mỗi con người. Đây là một đặc trưng quan trọng, một yếu tố khách quan của xã hội hiện đại– xã hội thông tin mà mạng xã hội chỉ là một trong những công cụ.
2.
Cũng từ nhiều năm nay, khái niệm “vốn xã hội” được sử dụng rộng rãi và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực cuộc sống vì ý nghĩa quan trọng của nó đối với sự phát triển của xã hội nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này, nhưng một cách cơ bản nhất, vốn xã hội được hiểu là những mối liên hệ ràng buộc giữa các cá nhân trong một tập thể, một cộng đồng, xã hội. Về cơ bản, vốn xã hội có ba yếu tố cấu thành: mạng lưới các quan hệ xã hội, sự tin cẩn và các chuẩn mực, quy tắc hành xử. Vốn xã hội cao dẫn đến hợp tác cao hơn, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn.
Trong quản lý xã hội, tạo dựng uy tín bằng sự công chính thì nhà quản lý thu phục được đối tượng quản lý, việc thực hiện những chính sách sẽ thuận lợi và có hiệu quả cao. Trong kinh doanh, dựa vào sự tin cậy lẫn nhau mà các doanh nghiệp không tốn nhiều thời gian kiểm tra và giám sát nhau. Trong quản lý và bảo vệ tài nguyên di sản và môi trường, cộng đồng đoàn kết và tuân thủ chặt chẽ các luật lệ sẽ giúp hạn chế những hành động bất lợi cho môi trường và di sản. Ở cấp độ cá nhân, một người có vốn xã hội cao sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong hợp tác công việc, trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Thực tế, việc xây dựng được lòng tin từ những người xung quanh đối với chính mình không hề dễ dàng. Một người bán hàng muốn có nhiều khách đến mua hàng thì phải đảm bảo hàng tốt và giá cả không cao hơn những nơi khác. Một người giao báo chuyên nghiệp sẽ phải giao báo đúng giờ để người nhận báo có được thông tin kịp thời. Một lời hứa, một giao kèo, một kí kết dù bằng miệng hoặc bằng văn bản, đều phải được thực hiện đúng mới có thể gây dựng uy tín và niềm tin cho cả hai bên.
Trên mạng xã hội việc mua bán online rất cần sự tin tưởng từ khách hàng trên mạng. Nếu có được sự cảm tình dù chỉ của một khách hàng là đã thành công bước đầu. Lời khen ngợi từ một khách hàng trên mạng sẽ được nhiều khách hàng khác biết đến, đó là thuận lợi; ngược lại, sự phàn nàn dù lớn hay nhỏ cũng gây khó khăn cho những giao dịch mua bán tiếp theo. Lời khen hay sự phàn nàn sẽ làm tăng hay giảm vốn xã hội của người bán hàng, bởi vì nó làm tăng hay giảm số lượng, chất lượng các mối quan hệ và giao dịch, có khi còn tạo ra sức lan tỏa đến toàn thể cộng đồng mạng (tin lành đồn xa mà tin xấu còn đồn xa hơn).

Vốn xã hội không sẵn có mà phải được gây dựng qua một quá trình lâu dài, thông qua mạng lưới xã hội giữa cá nhân đó với những người xung quanh. Có nhiều cách thức để giúp mỗi cá nhân xây dựng và mở rộng mối quan hệ xã hội của mình. Trong môi trường giao tiếp của internet và mạng xã hội có thể thiết lập và tích lũy được một nguồn vốn xã hội hay không? Và nếu có, người tham gia vào đó cần lưu ý những gì để phát triển vốn xã hội một cách tích cực và có ý nghĩa?
3.
Thời đại thông tin tạo những điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
Có thể nhận thấy sự giao tiếp trên mạng xã hội ít nhiều hỗ trợ và tạo ra các mối quan hệ xã hội. Giá trị của các mối quan hệ xã hội đầu tiên và quan trọng nhất là giá trị tinh thần, từ đó và sau đó, giá trị tinh thần sẽ được « chuyển hóa » thành giá trị vật chất. Những lời khen ngợi, động viên hoặc chia sẻ từ người xung quanh là kết quả từ việc thiết lập mối quan hệ xã hội trước đó giữa bạn với những người xung quanh, và ngược lại. Do vậy, việc nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ xã hội mang lại cho bản thân cảm xúc tốt đẹp và thái độ tích cực đối với cuộc sống là việc rất cần thiết. Để làm được điều đó thì việc kết bạn, theo dõi, tương tác trên mạng xã hội không chỉ đòi hỏi về số lượng, tần suất... mà quan trọng hơn là sự hiểu biết, đồng cảm và chia sẻ thật sự những gì cùng quan tâm. Một cá nhân có vốn xã hội cao đồng nghĩa với mạng lưới xã hội sâu rộng, không chỉ đòi hỏi số lượng nhất định mà còn cần quan tâm đến yếu tố “chất lượng” của từng mối quan hệ.

Với các quan hệ cá nhân (không hướng đến mục tiêu kinh tế) thì những gì thể hiện qua thông tin cá nhân, ý kiến, quan điểm, sự khen ngợi hay chê bai, phán xét hay chia sẻ đồng cảm... đối với sự việc, hiện tượng, cá nhân khác... của mỗi người sẽ được cộng đồng mạng theo dõi, tiếp nhận đánh giá xem có theo các giá trị chuẩn mực và phù hợp quy tắc hành xử chung hay không. Thông qua đó có được sự tin tưởng hay hoài nghi, quý mến thường xuyên tương tác hay ngại ngần giảm sự tương tác, thậm chí không còn giữ quan hệ trên mạng nữa.
Con người tiếp xúc trực tiếp sẽ thuận lợi hơn khi gây dựng niềm tin, con người tiếp xúc trên mạng xã hội thì việc gây dựng và tích lũy niềm tin là một thách thức lớn. Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội phần lớn liên quan đến tình trạng, sự kiện xã hội, nhân phẩm các các nhân... Vì vậy, việc lan truyền những thông tin này như thế nào thể hiện trách nhiệm và sự hiểu biết. Có vậy mới tạo dựng được sự đồng cảm, chia sẻ và cao hơn là sự tin tưởng.

Tuy nhiên, việc mạng xã hội của ai đó thường xuyên thu hút hàng ngàn « bạn » hàng chục ngàn người « theo dõi » và thường xuyên có hàng trăm người tương tác (like, comment...), tức là khi người đó sở hữu rất nhiều mối quan hệ trên mạng xã hội thì chưa hẳn là một người có vốn xã hội cao. Việc tạo dựng lòng tin trong cộng đồng mạng xã hội hoàn toàn không dễ dàng mà có khi phải trải qua một thời gian dài, khi mà sự trung thực, chân tình trong các mối quan hệ, có trách nhiệm trong việc góp phần đưa tin và đánh giá thông tin các thông tin... được kiểm chứng. Từ đó sự tiếp xúc, tương tác của cá nhân này sẽ truyền năng lượng tích cực đến những mối quan hệ của họ. Lúc đó, uy tín của người đó sẽ trở thành vốn xã hội có giá trị cao.
Internet và mạng xã hội cung cấp cho người sử dụng rất nhiều ứng dụng thông minh để hỗ trợ tối đa việc thiết lập các quan hệ xã hội. Nhưng để tạo dựng và phát triển vốn xã hội, yêu cầu quan trọng là ý thức nuôi dưỡng, phát triển các mối quan hệ và niềm tin từ mạng xã hội như những mối quan hệ xã hội và uy tín thực ngoài đời. Khi cá nhân có thái độ, ứng xử, cao hơn là quan điểm, sự nhìn nhận phù hợp những giá trị văn hóa và chuẩn mực xã hội thì vốn xã hội của họ sẽ cao hơn, dẫn đến hợp tác cao hơn, từ đó đóng góp nhiều và có lợi ích hơn cho cộng đồng.

Mạng xã hội đúng nghĩa không chỉ có độ bao phủ rộng mà những mối liên kết tạo nên mạng ấy phải bền chặt. Việc chuyển hóa quan hệ trên mạng xã hội thành vốn xã hội để có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, thực chất là tạo dựng niềm tin từ thái độ và hành xử đối với xã hội thật mà chúng ta đang sống.

Bài trên báo Lao động cuối tuần tết Canh tý 2020





TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI


Gần đây mỗi dịp xuân về khi mọi người chờ đón tết truyền thống thì có không ít ý kiến về việc cần thay đổi, thậm chí bỏ tết âm lịch vì thời gian nghỉ tết kéo dài, chi phí sinh hoạt tăng cao đột biến nhưng lãng phí, đặc biệt không phù hợp với các thành phố và trung tâm kinh tế - nơi cuộc sống vận hành theo mô hình “đô thị - công nghiệp – văn minh - hiện đại”.
Cũng dịp này, phương tiện giao thông Nam – Bắc trở nên căng thẳng vì hàng triệu lượt người về quê ăn tết sau một năm hay vài năm làm ăn ở “đất khách quê người”. Sau tết sự căng thẳng theo chiều ngược lại, nhiều nhà máy, khu công nghiệp phải qua rằm tháng giêng mới có thể hoạt động bình thường.
Qua Tết lễ hội dày đặc nhất là các tỉnh phía Bắc, thu hút rất đông người trong đó có nhiều công chức và quan chức. “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên kể cả công ty, cơ quan nước ngoài cũng phải “nhập gia tùy tục”.
Có thể coi đây là trường hợp tiêu biểu thể hiện “mâu thuẫn” giữa “văn hóa truyền thống” với sự thay đổi và phát triển kinh tế ngày càng nhanh trong xu hướng hội nhập quốc tế. Những ý kiến tranh luận quanh mâu thuẫn này có thể dẫn đến sự loại trừ lẫn nhau không: đã hội nhập thì phải xóa bỏ truyền thống hay bảo tồn truyền thống thì không thể hội nhập?
Mọi nền văn hóa đều có sự tiếp nhận, thay đổi và sáng tạo trên nền tảng bảo tồn giá trị cốt lõi của truyền thống. Những giá trị mới qua sự chọn lọc của thời gian và tiêu chí từng thời đại, sẽ trở thành truyền thống trong một thời đại mới. Vì vậy truyền thống và hội nhập không đối lập mà là hòa hợp, văn hóa và kinh tế không kìm hãm nhau mà cùng phát triển...
Những hiện tượng văn hóa trên đây có phần cản trở sự phát triển của xã hội là do chưa thoát khỏi “cái bóng của quá khứ”. Tính truyền thống mang lại sự an toàn, yên ổn nhưng lâu dài gây ra sự trì trệ, lạc hậu. Văn hóa truyền thống cần được thực hành với tâm thức hiện đại, chọn lọc và bảo tồn những giá trị cốt lõi chứ không bảo thủ những hình thức và ý nghĩa không còn phù hợp.
Một xã hội mà mục tiêu của truyền thống hay hiện đại, của kinh tế hay văn hóa đều nhằm mang lại cho con người một cuộc sống đầy đủ, tinh thần phong phú, tri thức đa dạng, ý thức cộng đồng cao. Mục tiêu này sẽ đảm bảo cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế hiện đại không loại trừ lẫn nhau.

Nguyễn Thị HậuKết quả hình ảnh cho chợ hoa ngày tết

Linh tinh lang tang về dịch cúm virut corona


Từ hôm bùng phát dịch cúm corona đến nay, thật tình tôi không thể viết cái gì. Buồn, bực, bức bối... toàn năng lượng tiêu cực mà tôi chỉ xả ra bằng lời nói... khi chỉ có một mình. Tất nhiên không phải vì sợ ai sợ điều gì, mà vì khắp nơi đã là những thông tin không vui, thậm chí bi quan... thêm một tiếng nói nữa cũng không làm tình hình khá hơn mà chỉ làm cho mình, người đọc thêm lo lắng, có khi bị cuốn theo cơn lốc tin tức thật có giả mà mất hết sự tỉnh táo cần thiết vào lúc này.
Tôi chỉ tìm đọc những người mà mình tin cậy, những nguồn tin khá minh bạch và khách quan (tất nhiên, là theo đánh giá của tôi). Những nguồn tin khác tham khảo để có thêm cơ sở cho sự nhận định, đánh giá tình hình... Tuy nhiên, không nói không có nghĩa là không nghĩ ngợi.
Việc bưng bít thông tin của chính quyền Vũ Hán (và không chỉ do chính quyền thành phố này bưng bít) đã làm cho tai họa trở nên khủng khiếp hơn. Nạn dịch lan nhanh hơn, mức độ nặng hơn và sự chống trả trở nên bị động thậm chí có lúc tưởng như “vỡ trận”. Cho đến hôm nay nhiều người – trong đó có tôi – chưa tin những con số do truyền thông TQ đưa ra, bởi vì như một căn bệnh cố hữu ở những nước như TQ, những tai họa xảy ra vì trách nhiệm của chính quyền càng lớn thì sự thật được công bố càng nhỏ bé!
Việc bác sĩ Lý Văn Lượng – người đầu tiên phát hiện và thông tin với đồng nghiệp về loại virut mới nhưng bị chính quyền đe dọa và bịt miệng – vừa mới mất chính vì virut này gần như cả gia đình bác sĩ cũng bị lây nhiễm - đã gây nên làn sóng “chúng tôi đòi hỏi tự do ngôn luận” trên mạng xã hội của TQ. Cái chết của một bác sĩ làm đúng chức trách và tận tâm vì công việc đã “bất đắc dĩ” trở thành sự hy sinh của một người anh hùng, đó là vì ông đánh thức ý thức đòi hỏi sự thật ở những người xưa nay phải im lặng vì sợ hãi chính quyền. Ông trở thành anh hùng vì cho thấy một điều đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng: có thể tránh được tổn thất to lớn là sinh mạng bao nhiêu người nếu chính quyền thực sự coi trọng con người – nhất là những người bình thường trong xã hội.
Sự kiện Thiên An Môn đẫm máu (4.6.1989) tại Bắc Kinh 30 năm sau cuộc phong tỏa Vũ Hán vì dịch bệnh (1.2020) có lẽ là hai sự kiện cực kỳ quan trọng gây ra những tổn thất khủng khiếp xảy ra tại hai trong số các thành phố lớn nhất của TQ. Và người thiệt hại nhất đau đớn nhất chính là nhân dân TQ. Nhìn vào cách đối xử với nhân dân nước mình có thể biết chính thể đó nước đó như thế nào!

 Tiếp sau Vũ Hán một số thành phố khác đã bị phong tỏa hoặc hạn chế tối đa những sinh hoạt bình thường.
Với kỹ thuật và công nghệ thời hiện đại, với mức độ tập trung và mật độ rất cao, với những mối quan hệ liên hệ chằng chịt và tốc độ “va chạm” lớn, các đô thị đều tiềm ẩn một “lò phản ứng hạt nhân” mà sự vận hành bộ máy của “lò phản ứng” này không hề đơn giản, nếu vận hành duy ý chí (chính trị) sẽ gây hậu quả khôn lường. Bất cứ một sự kiện nào tác động đến toàn xã hội đều có khả năng trở thành nguyên cớ của sự bất ổn – dù muốn hay không muốn / không cho bộc lộ ra. Như một quá trình “tự diễn biến tự chuyển hóa”, khi ấy từ đô thị các cuộc cách mạng sẽ xảy ra trong một hình thức và phương thức khác thời của các cuộc khởi nghĩa nông dân.
Hôm qua thấy trên FB tin về nhóm phóng viên VTV đi vào nơi cách ly dịch bệnh ở Thanh Hóa để “dũng cảm đưa tin”. Rất tốt nếu họ được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và được ngành y tế hướng dẫn đầy đủ, an toàn, chỉ mong họ không “bất đắc dĩ” trở thành “anh hùng” vì chủ quan và liều mạng!
Ờ, giá mà VTV cũng dũng cảm như vậy để về Đông Tâm đưa tin một sự kiện bi thảm cũng tác động đến toàn xã hội không khác gì dịch cúm corona,   mới xảy ra ngay trước tết tại Hà Nội!
 Ngày rằm tháng giêng Canh Tý 8/2/2020

Kết quả hình ảnh cho dịch cúm virus corona ở trung quốc

GIỮ BỀN VỮNG “VĂN HÓA SÔNG NƯỚC” ĐBSCL


Nguyễn Thị Hậu

1. Trong không gian sông nước miền Tây Nam bộ cảnh quan làng xóm Nam bộ rất độc đáo: phân bố trải dài theo sông rạch, nhà cửa quay mặt ra sông rạch đón gió mát ngày hai lần “nước lớn” do chế độ bán nhật triều. Lối cư trú nhà sàn ven sông, ven kênh rạch thích hợp với vùng ngập nước, khí hậu ẩm thấp và thuận tiện cho giao thông đường thủy.
 Lưu trông theo sông rạch, phương tiện chủ yếu là ghe xuồng xuôi ngược nhờ nước lớn nước ròng. Các bến neo đậu ghe xuồng “chờ con nước”, nơi ngã ba ngã tư các con sông dần hình thành thị tứ, chợ búa. Tính chất cởi mở, giao lưu rộng rãi là đặc điểm xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế – văn hóa Nam bộ qua nhiều giai đoạn lịch sử.  
Thời kỳ khai phá vùng đất Nam bộ lưu dân Ngũ Quảng vào Nam một cách tự phát, họ tập hợp thành từng nhóm một vài gia đình hoặc cử những người khỏe mạnh đi trước đến vùng đất mới, tạo dựng cơ sở rồi đón gia đình vào sau. Phương tiện chính là ghe thuyền bởi lúc bấy giờ việc đi lại giữa các phủ miền Trung với vùng Gia Định chủ yếu bằng đường biển. Cũng có những người chấp nhận mạo hiểm trèo đèo lội suối đi bằng đường bộ, có khi ở lại một địa phương nào đó một thời gian rồi lại tiếp tục tìm đến vùng đất mới Đồng Nai. Số này có lẽ ít hơn bởi đường đi quá gian nan và mất nhiều thời gian.
Tiến trình Nam tiến ngày càng mạnh mẽ và qui mô hơn, nhất là sau khi các chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở đất Gia Định (1698). Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về” đã cho biết một con đường đi đến vùng đất mới là từ cửa Cần Giờ ngược sông Đồng Nai đến ngã ba Nhà Bè, từ đó dừng chân ở Bến Nghé - Sài Gòn, rồi từ đó theo sông, biển đi về đồng bằng sông Cửu Long, hoặc theo sông Đồng Nai đi sâu vào vùng bán sơn địa miền Đông Nam bộ.
Từ cuối thời Nguyễn ở Nam bộ hình thành các thị tứ. Vị trí của các đô thị Nam bộ thường ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển… và những bến – chợ trước đó để hình thành các bến cảng trong đó có những cảng thị quan trọng như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này như Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là những “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị ở đây đó là những bến - chợ nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc đa dạng của cư dân.
          2. Nhìn lại lịch sử khai thác đồng bằng sông Cửu Long từ khi lưu dân người Việt vào khẩn hoang lập ấp, đến thời kỳ triều Nguyễn đẩy mạnh di dân, thời Pháp thuộc lập đồn điền tích tụ ruộng đất… Có thể nhận thấy một đặc điểm là toàn vùng chưa bao giờ chỉ độc canh cây lúa dù trồng lúa là kinh tế chính. Dân cư chọn phương thức sống thích ứng với những “tiểu vùng” sinh thái ở đây (mà ở Nam bộ có một từ rất hay là “miệt”): miệt ruộng (tứ giác Long Xuyên), miệt bưng biền (Đồng Tháp Mười), miệt U Minh (rừng ngập mặn, Cà Mau) và miệt vườn (hạ lưu sông Tiền), miệt rẫy (Đông nam bộ). Phương thức kinh tế đa dạng: trồng lúa, trồng các loại cây phù hợp từng tiểu vùng, khai thác thủy hải sản, khai thác tự nhiên...
          Nam bộ có hai mùa mưa nắng, ở miền Tây nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt chủ yếu nước mưa và từ sông Cửu Long. Trước đây khi diện tích trồng lúa có hạn thì lượng nước ngọt vừa đủ cung cấp cho những cánh đồng trồng lúa, phần khác cho miệt vườn trồng cây ăn trái. Nay dân số và diện tích trồng lúa đều tăng nhiều lần, mùa vụ cũng tăng trong điều kiện nguồn nước đang cạn kiệt, nước mặn xâm lấn, vì vậy phương thức trồng trọt “độc canh cây lúa” nhằm mục đích tăng sản lượng (để xuất khẩu) cần phải được thay đổi ngay.
Với tư duy thực tiễn, linh hoạt, tính cách thực tiễn, dám nghĩ dám làm… người dân Nam bộ có thể “tự cứu”trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng nhiều giải pháp chỉ là trước mắt hoặc mang tính tạm bợ (sự xuất hiện của loại xuồng “(một) năm quăng (bỏ)” hay thực trạng nhà cửa sơ sài như hàng trăm năm qua, kể cả việc xây dựng các “khu dân cư vượt lũ” không gắn liền với môi trường sống của người dân…). Do đó, để Nam bộ có thể phát triển bền vững từ thực tiễn đời sống, cần bắt đầu từ sự thay đổi một quan niệm: không thể coi Nam bộ là vùng đất luôn được thiên nhiên ưu đãi, con người làm chơi ăn thiệt…”, vì hiện nay dân số, mật độ dân số đã tăng lên rất nhiều. Tình trạng này có ảnh hưởng lớn đến tư duy và làm thay đổi lối canh tác nông nghiệp truyền thống ở Nam bộ theo hướng khai thác cạn kiệt tài nguyên đất và nước, từ đó tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Trên đất nước Campuchia ngày nay lối cư trú nhà sàn của người dân vẫn còn được bảo lưu và phổ biến, đặc biệt vùng ven sông, kênh rạch và vùng chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi. Đặc trưng là kiểu nhà trên những cây cột nhỏ và sàn khá cao, cách mặt đất đến 3 – 4m, cầu thang gỗ dốc đứng bên ngoài ngôi nhà. Những ngôi nhà sàn xây bằng vật liệu kiên cố như cột bê tông, tường gạch thay thế cho cột gỗ, nhằm đảm bảo sự bền vững đồng thời hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu bền vững. Với sàn nhà cao, cầu thang xây có thêm “chiếu nghỉ” để giảm độ dốc, ngôi nhà là sự thích nghi một cách “tối ưu” với điều kiện tự nhiên: mùa nắng thì  tránh được hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đất nứt nẻ, đồng thời đón gió mát cho trên nhà dưới sàn, mùa nước ngập thì nhà luôn cao vượt mặt nước nên không phải “chạy lũ”, lại còn tránh được hơi ẩm, chuột bọ, rắn rít. Dưới sàn nhà vẫn là không gian có thể sinh hoạt và để đồ đạc (ghe xuồng, nông cụ, có khi là bộ ván hay bộ bàn ghế, chiếc võng mắc toòng teng…). Khi cần thiết có thể dng vách là tầng dưới trở thành ngôi nhà một trệt một lầu khá tiện nghi.  Đây là một sự thích nghi từ việc duy trì yếu tố truyền thống trong lối sống.
Gần đây, câu chuyện xuất khẩu lúa gạo của Campuchia cũng không khỏi làm “giật mình” nhiều người Việt Nam. Có những nơi đã cử người sang tìm hiểu cách làm, kinh nghiệm từ giống, phân bón, cách xây dựng thương hiệu… của gạo Campuchia. Nhưng có một điều quan trọng: Campuchia không “tham” tăng vụ và không trồng giống lúa “năng xuất” cao, họ chú trọng quy trình phát triển tự nhiên của cây lúa và chất lượng lúa gạo. Đây chính là kinh nghiệm “thích nghi” và “duy trì” điều kiện tự nhiên qua canh tác.
Giá lúa gạo xuất khẩu của Thái Lan hay Campuchia ngày càng cao hơn vì chất lượng chính là nông nghiệp phát triển bền vững, đồng thời qua đó còn tạo dựng uy tín ngành nông nghiêp, khoa học nông nghiêp nói riêng và trình độ quản lý nhà nước nói chung của hai quốc gia này.
4. Singapore là thành phố của nhà cao tầng với kính màu và bê tông nhưng hầu như không kiến trúc nào giống nhau, rất đa dạng và đẹp mắt. Là một quốc đảo không có nguồn nước ngọt nên phải mua và dẫn từ Malaysia qua, do đó Singapore không chỉ quan tâm đến môi trường trong sạch mà còn phải tiết kiệm nước bằng việc tận dụng nước mưa cho thấm xuống mạch nước ngầm qua hệ thống thu gom nước mưa từ vỉa hè trồng cỏ đến những biên pháp kỹ thuật khác, đồng thời đẩy mạnh kỹ nghệ lọc nước biển cung cấp cho sinh hoạt.
             Những khu nhà hiện đại mới xây dựng từ đầu thế kỷ 21 đến nay hầu hết là nhà cao hai ba mươi tầng, đều có chung đặc điểm: tầng trệt khá cao và để trống làm gare xe cho cả khu nhà, lầu 1 hoặc lầu 2 là không gian công cộng: siêu thị, bể bơi, vườn cây nhỏ, khu cho trẻ em vui chơi… Cấu trúc tiện dụng như vậy nhằm tiết kiệm không gian, đồng thời chuẩn bị thích nghi với sự biến đổi khí hậu: khi có thảm họa nước biển dâng hay sóng thần sẽ giảm thiểu được tác hại cho con người.
            Sự ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đến từng dự án xây dựng một cách cụ thể như vậy, qua đó người dân có sự hiểu biết và ý thức với tình trạng này trong tương lai không xa. Nhìn những tòa nhà xây dựng vững chãi trên những dãy cột cao có thể thấy kiến trúc này đã tận dụng đặc tính “nhà sàn truyền thống” của Đông Nam Á là thích ứng với sự thách thức của thiên nhiên. Đây là sự thích nghi của quốc gia hiện đại: “Sống chung với lũ” bắt đầu từ ý tưởng “phải thích nghi” và thực hiện bằng biện pháp kỹ thuật hiện đại chứ không phải tư duy đối phó di dờiđến vùng cao.
5. Trong thời đại “toàn cầu hóa”bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực, sự tồn tại của một dòng sông dù lớn như Mekông, chế độ chất lượng nước của các con sông lớn ngày nay không còn là vấn đề chỉ của Nam bộ hay Việt Nam mà là vấn đề của khu vực, thậm chí của thế giới. Nguy cơ sông Mê kong cạn kiệt và đồng bằng Nam bộ biến mất do nước biển dâng sẽ thành hiện thực trong một thời gian không xa.
Địa hình sông nước ở Nam bộ là điều kiện tự nhiên vốn có và đã bền vững qua hàng ngàn năm. Tuy nhiên miền Tây Nam bộ cần được thích ứng với hoàn cảnh mới từ kinh nghim truyền thống và bài học thời hiện đại của các công đồng cư dân và quốc gia có nền “văn hóa sông nước”: Sống tại chỗ, không bi quan, bi thảm hóa những khó khăn, tận dụng điều kiện tư nhiên để có lối sống thích ứng và phương thức sản xuất phù hợp với môi trường tự nhiên, bắt đầu tự sự thay đổi và hiện đại hóa kỹ thuật, công nghệ chứ không thể chống lại tự nhiên một cách duy ý chí. Thiên nhiên, dù bất lợi đến đâu, nếu con người biết thích nghi và tận dụng thì thiên nhiên sẽ trở thành “tài nguyên” có lợi cho cuộc sống con người.
Điều cần thiết và quan trọng nhất hiện nay là tăng cường việc đầu tư lại, đầu tư thêm cho đồng bằng sông Cửu Long về mọi mặt, nhất là cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, đảm bảo “an cư lạc nghiệp” để phục hồi nguồn lực con người. Từ đó mới có thể khai thác một cách tích cực những tiềm năng của vùng và thể hiện sự trân trọng những đóng góp to lớn của miền tây Nam bộ cho cả nước.

 

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...