Linh tinh lang tang về dịch cúm virut corona


Từ hôm bùng phát dịch cúm corona đến nay, thật tình tôi không thể viết cái gì. Buồn, bực, bức bối... toàn năng lượng tiêu cực mà tôi chỉ xả ra bằng lời nói... khi chỉ có một mình. Tất nhiên không phải vì sợ ai sợ điều gì, mà vì khắp nơi đã là những thông tin không vui, thậm chí bi quan... thêm một tiếng nói nữa cũng không làm tình hình khá hơn mà chỉ làm cho mình, người đọc thêm lo lắng, có khi bị cuốn theo cơn lốc tin tức thật có giả mà mất hết sự tỉnh táo cần thiết vào lúc này.
Tôi chỉ tìm đọc những người mà mình tin cậy, những nguồn tin khá minh bạch và khách quan (tất nhiên, là theo đánh giá của tôi). Những nguồn tin khác tham khảo để có thêm cơ sở cho sự nhận định, đánh giá tình hình... Tuy nhiên, không nói không có nghĩa là không nghĩ ngợi.
Việc bưng bít thông tin của chính quyền Vũ Hán (và không chỉ do chính quyền thành phố này bưng bít) đã làm cho tai họa trở nên khủng khiếp hơn. Nạn dịch lan nhanh hơn, mức độ nặng hơn và sự chống trả trở nên bị động thậm chí có lúc tưởng như “vỡ trận”. Cho đến hôm nay nhiều người – trong đó có tôi – chưa tin những con số do truyền thông TQ đưa ra, bởi vì như một căn bệnh cố hữu ở những nước như TQ, những tai họa xảy ra vì trách nhiệm của chính quyền càng lớn thì sự thật được công bố càng nhỏ bé!
Việc bác sĩ Lý Văn Lượng – người đầu tiên phát hiện và thông tin với đồng nghiệp về loại virut mới nhưng bị chính quyền đe dọa và bịt miệng – vừa mới mất chính vì virut này gần như cả gia đình bác sĩ cũng bị lây nhiễm - đã gây nên làn sóng “chúng tôi đòi hỏi tự do ngôn luận” trên mạng xã hội của TQ. Cái chết của một bác sĩ làm đúng chức trách và tận tâm vì công việc đã “bất đắc dĩ” trở thành sự hy sinh của một người anh hùng, đó là vì ông đánh thức ý thức đòi hỏi sự thật ở những người xưa nay phải im lặng vì sợ hãi chính quyền. Ông trở thành anh hùng vì cho thấy một điều đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng: có thể tránh được tổn thất to lớn là sinh mạng bao nhiêu người nếu chính quyền thực sự coi trọng con người – nhất là những người bình thường trong xã hội.
Sự kiện Thiên An Môn đẫm máu (4.6.1989) tại Bắc Kinh 30 năm sau cuộc phong tỏa Vũ Hán vì dịch bệnh (1.2020) có lẽ là hai sự kiện cực kỳ quan trọng gây ra những tổn thất khủng khiếp xảy ra tại hai trong số các thành phố lớn nhất của TQ. Và người thiệt hại nhất đau đớn nhất chính là nhân dân TQ. Nhìn vào cách đối xử với nhân dân nước mình có thể biết chính thể đó nước đó như thế nào!

 Tiếp sau Vũ Hán một số thành phố khác đã bị phong tỏa hoặc hạn chế tối đa những sinh hoạt bình thường.
Với kỹ thuật và công nghệ thời hiện đại, với mức độ tập trung và mật độ rất cao, với những mối quan hệ liên hệ chằng chịt và tốc độ “va chạm” lớn, các đô thị đều tiềm ẩn một “lò phản ứng hạt nhân” mà sự vận hành bộ máy của “lò phản ứng” này không hề đơn giản, nếu vận hành duy ý chí (chính trị) sẽ gây hậu quả khôn lường. Bất cứ một sự kiện nào tác động đến toàn xã hội đều có khả năng trở thành nguyên cớ của sự bất ổn – dù muốn hay không muốn / không cho bộc lộ ra. Như một quá trình “tự diễn biến tự chuyển hóa”, khi ấy từ đô thị các cuộc cách mạng sẽ xảy ra trong một hình thức và phương thức khác thời của các cuộc khởi nghĩa nông dân.
Hôm qua thấy trên FB tin về nhóm phóng viên VTV đi vào nơi cách ly dịch bệnh ở Thanh Hóa để “dũng cảm đưa tin”. Rất tốt nếu họ được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và được ngành y tế hướng dẫn đầy đủ, an toàn, chỉ mong họ không “bất đắc dĩ” trở thành “anh hùng” vì chủ quan và liều mạng!
Ờ, giá mà VTV cũng dũng cảm như vậy để về Đông Tâm đưa tin một sự kiện bi thảm cũng tác động đến toàn xã hội không khác gì dịch cúm corona,   mới xảy ra ngay trước tết tại Hà Nội!
 Ngày rằm tháng giêng Canh Tý 8/2/2020

Kết quả hình ảnh cho dịch cúm virus corona ở trung quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...