Nguyễn Thị Hậu
1.
Từ hàng chục năm nay internet nói chung và các ứng dụng như mạng xã hội nói riêng, đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Mục đích tham gia và cách thức sử dụng internet của mỗi cá nhân tuy có sự khác nhau về mức độ nhưng đều coi đó là phương tiện để đáp ứng nhu cầu giao tiếp, giao lưu và nắm bắt thông tin. Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, sự tương tác linh hoạt, mạng xã hội đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. Nó giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức kết nối xoay quanh những mối quan tâm chung trong những nhóm và cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội .
Đấy là chức năng “vốn có” mà internet - thông qua một phương tiện là mạng xã hội - mang lại cho con người. Do đó, mỗi con người, mỗi nhóm xã hội, mỗi cộng đồng có sự quan tâm, nhu cầu thông tin như thế nào thì trong “trường tiếp xúc” của họ sẽ là những người có sở thích nhu cầu tương tự. Sự tương tác giữa họ nảy sinh và được duy trì, phát triển... cho đến khi những nhu cầu sở thích chung không còn tồn tại hoặc xuất hiện “mâu thuẫn” thì sự tương tác giảm dần và có khi chấm dứt, nhanh và gần như tuyệt đối (block).
Không gian giao tiếp trên internet không chỉ có các mạng xã hội có rất nhiều người tham gia và truy cập như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter, Reddit, Linkedin, Ask.fm, Pinterest, Tumblr, Flickr... mà còn có các diễn đàn theo nhiều chủ đề, báo chí online luôn có phần bình luận/tranh luận của độc giả, những cuộc thăm dò, lấy ý kiến về các vấn đề khác nhau... Tất cả trở thành những kênh truyền thông mà tại đó con người có được môi trường giao lưu trực tiếp và nhanh chóng nhưng lại có thể ẩn danh nhờ công cụ và sự hỗ trợ kĩ thuật từ phía nhà tổ chức và quản lý mạng.
Đặc điểm, chức năng của mạng xã hội là tính cá nhân, tính giải trí, tính tương tác và tính thể hiện mình. Từ đó dẫn đến sự “nhận dạng” và hiểu biết (phần nào) về một con người, sự nhận xét, đánh giá... của cộng đồng mạng mà không phải lúc nào cũng công tâm, khách quan mà có lúc đầy ác ý, cực đoan. Trong môi trường tương tác mới, nhanh hơn, trực diện hơn và rộng hơn (phi không gian – phi thời gian – vô danh) thì mức độ xác thực và lan truyền của thông tin sẽ được nhân lên nhiều lần, có khi khó phân biệt được giá trị thật và ảo qua/từ đánh giá của mạng xã hội, điều này làm cho tính “hai mặt’ của mạng xã hội được duy trì.
Do chức năng đa dạng và sự gia tăng ngày càng nhanh số lượng thành viên, mạng xã hội đã có tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới của tư duy, lối sống, văn hóa… ở một bộ phận khá lớn những người sử dụng, nhất là người trẻ. Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng và hiện đại, xu hướng mới của xã hội công nghệ thông tin, mạng xã hội không chỉ có những chức năng đã biết mà có thể còn “tiềm ẩn” nhiều lợi ích khác cho con người.
Cũng như nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật khác, mạng xã hội được sáng tạo và phát triển là nhằm phục vụ lợi ích của xã hội, tuy nhiên sử dụng nó như thế nào thì sẽ chịu tác động tích cực hay tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào mỗi con người. Đây là một đặc trưng quan trọng, một yếu tố khách quan của xã hội hiện đại– xã hội thông tin mà mạng xã hội chỉ là một trong những công cụ.
2.
Cũng từ nhiều năm nay, khái niệm “vốn xã hội” được sử dụng rộng rãi và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực cuộc sống vì ý nghĩa quan trọng của nó đối với sự phát triển của xã hội nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này, nhưng một cách cơ bản nhất, vốn xã hội được hiểu là những mối liên hệ ràng buộc giữa các cá nhân trong một tập thể, một cộng đồng, xã hội. Về cơ bản, vốn xã hội có ba yếu tố cấu thành: mạng lưới các quan hệ xã hội, sự tin cẩn và các chuẩn mực, quy tắc hành xử. Vốn xã hội cao dẫn đến hợp tác cao hơn, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng hơn.
Trong quản lý xã hội, tạo dựng uy tín bằng sự công chính thì nhà quản lý thu phục được đối tượng quản lý, việc thực hiện những chính sách sẽ thuận lợi và có hiệu quả cao. Trong kinh doanh, dựa vào sự tin cậy lẫn nhau mà các doanh nghiệp không tốn nhiều thời gian kiểm tra và giám sát nhau. Trong quản lý và bảo vệ tài nguyên di sản và môi trường, cộng đồng đoàn kết và tuân thủ chặt chẽ các luật lệ sẽ giúp hạn chế những hành động bất lợi cho môi trường và di sản. Ở cấp độ cá nhân, một người có vốn xã hội cao sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong hợp tác công việc, trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Thực tế, việc xây dựng được lòng tin từ những người xung quanh đối với chính mình không hề dễ dàng. Một người bán hàng muốn có nhiều khách đến mua hàng thì phải đảm bảo hàng tốt và giá cả không cao hơn những nơi khác. Một người giao báo chuyên nghiệp sẽ phải giao báo đúng giờ để người nhận báo có được thông tin kịp thời. Một lời hứa, một giao kèo, một kí kết dù bằng miệng hoặc bằng văn bản, đều phải được thực hiện đúng mới có thể gây dựng uy tín và niềm tin cho cả hai bên.
Trên mạng xã hội việc mua bán online rất cần sự tin tưởng từ khách hàng trên mạng. Nếu có được sự cảm tình dù chỉ của một khách hàng là đã thành công bước đầu. Lời khen ngợi từ một khách hàng trên mạng sẽ được nhiều khách hàng khác biết đến, đó là thuận lợi; ngược lại, sự phàn nàn dù lớn hay nhỏ cũng gây khó khăn cho những giao dịch mua bán tiếp theo. Lời khen hay sự phàn nàn sẽ làm tăng hay giảm vốn xã hội của người bán hàng, bởi vì nó làm tăng hay giảm số lượng, chất lượng các mối quan hệ và giao dịch, có khi còn tạo ra sức lan tỏa đến toàn thể cộng đồng mạng (tin lành đồn xa mà tin xấu còn đồn xa hơn).
Vốn xã hội không sẵn có mà phải được gây dựng qua một quá trình lâu dài, thông qua mạng lưới xã hội giữa cá nhân đó với những người xung quanh. Có nhiều cách thức để giúp mỗi cá nhân xây dựng và mở rộng mối quan hệ xã hội của mình. Trong môi trường giao tiếp của internet và mạng xã hội có thể thiết lập và tích lũy được một nguồn vốn xã hội hay không? Và nếu có, người tham gia vào đó cần lưu ý những gì để phát triển vốn xã hội một cách tích cực và có ý nghĩa?
3.
Thời đại thông tin tạo những điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
Có thể nhận thấy sự giao tiếp trên mạng xã hội ít nhiều hỗ trợ và tạo ra các mối quan hệ xã hội. Giá trị của các mối quan hệ xã hội đầu tiên và quan trọng nhất là giá trị tinh thần, từ đó và sau đó, giá trị tinh thần sẽ được « chuyển hóa » thành giá trị vật chất. Những lời khen ngợi, động viên hoặc chia sẻ từ người xung quanh là kết quả từ việc thiết lập mối quan hệ xã hội trước đó giữa bạn với những người xung quanh, và ngược lại. Do vậy, việc nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ xã hội mang lại cho bản thân cảm xúc tốt đẹp và thái độ tích cực đối với cuộc sống là việc rất cần thiết. Để làm được điều đó thì việc kết bạn, theo dõi, tương tác trên mạng xã hội không chỉ đòi hỏi về số lượng, tần suất... mà quan trọng hơn là sự hiểu biết, đồng cảm và chia sẻ thật sự những gì cùng quan tâm. Một cá nhân có vốn xã hội cao đồng nghĩa với mạng lưới xã hội sâu rộng, không chỉ đòi hỏi số lượng nhất định mà còn cần quan tâm đến yếu tố “chất lượng” của từng mối quan hệ.
Với các quan hệ cá nhân (không hướng đến mục tiêu kinh tế) thì những gì thể hiện qua thông tin cá nhân, ý kiến, quan điểm, sự khen ngợi hay chê bai, phán xét hay chia sẻ đồng cảm... đối với sự việc, hiện tượng, cá nhân khác... của mỗi người sẽ được cộng đồng mạng theo dõi, tiếp nhận đánh giá xem có theo các giá trị chuẩn mực và phù hợp quy tắc hành xử chung hay không. Thông qua đó có được sự tin tưởng hay hoài nghi, quý mến thường xuyên tương tác hay ngại ngần giảm sự tương tác, thậm chí không còn giữ quan hệ trên mạng nữa.
Con người tiếp xúc trực tiếp sẽ thuận lợi hơn khi gây dựng niềm tin, con người tiếp xúc trên mạng xã hội thì việc gây dựng và tích lũy niềm tin là một thách thức lớn. Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội phần lớn liên quan đến tình trạng, sự kiện xã hội, nhân phẩm các các nhân... Vì vậy, việc lan truyền những thông tin này như thế nào thể hiện trách nhiệm và sự hiểu biết. Có vậy mới tạo dựng được sự đồng cảm, chia sẻ và cao hơn là sự tin tưởng.
Tuy nhiên, việc mạng xã hội của ai đó thường xuyên thu hút hàng ngàn « bạn » hàng chục ngàn người « theo dõi » và thường xuyên có hàng trăm người tương tác (like, comment...), tức là khi người đó sở hữu rất nhiều mối quan hệ trên mạng xã hội thì chưa hẳn là một người có vốn xã hội cao. Việc tạo dựng lòng tin trong cộng đồng mạng xã hội hoàn toàn không dễ dàng mà có khi phải trải qua một thời gian dài, khi mà sự trung thực, chân tình trong các mối quan hệ, có trách nhiệm trong việc góp phần đưa tin và đánh giá thông tin các thông tin... được kiểm chứng. Từ đó sự tiếp xúc, tương tác của cá nhân này sẽ truyền năng lượng tích cực đến những mối quan hệ của họ. Lúc đó, uy tín của người đó sẽ trở thành vốn xã hội có giá trị cao.
Internet và mạng xã hội cung cấp cho người sử dụng rất nhiều ứng dụng thông minh để hỗ trợ tối đa việc thiết lập các quan hệ xã hội. Nhưng để tạo dựng và phát triển vốn xã hội, yêu cầu quan trọng là ý thức nuôi dưỡng, phát triển các mối quan hệ và niềm tin từ mạng xã hội như những mối quan hệ xã hội và uy tín thực ngoài đời. Khi cá nhân có thái độ, ứng xử, cao hơn là quan điểm, sự nhìn nhận phù hợp những giá trị văn hóa và chuẩn mực xã hội thì vốn xã hội của họ sẽ cao hơn, dẫn đến hợp tác cao hơn, từ đó đóng góp nhiều và có lợi ích hơn cho cộng đồng.
Mạng xã hội đúng nghĩa không chỉ có độ bao phủ rộng mà những mối liên kết tạo nên mạng ấy phải bền chặt. Việc chuyển hóa quan hệ trên mạng xã hội thành vốn xã hội để có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, thực chất là tạo dựng niềm tin từ thái độ và hành xử đối với xã hội thật mà chúng ta đang sống.
Bài trên báo Lao động cuối tuần tết Canh tý 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét