Khu vực trung
tâm thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều công trình và cảnh quan được xây dựng
từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là những công trình đẹp về kiến trúc và ẩn
chứa trong nó biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố. Từ khoảng
hai mươi năm nay “quá trình hiện đại hóa” đã làm mất đi và biến dạng quá nhiều
di sản ở khu vực này. Đấy là sự “lấy đi” nguồn vốn xã hội dưới dạng di sản văn
hóa. Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh
làm thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, chính nhờ các mối quan hệ
này mà trước đây, khu vực này có những không gian giao tiếp độc đáo và đặc
trưng của đô thị Sài Gòn.
Về
xã hội.
Mất
đi các di sản vật thể gắn với các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Dọc theo trục
Đồng Khởi và Lê Lợi có nhiều công trình di sản vật thể gắn với các sự kiện và
nhân vật lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Khi nhắc đến Sài Gòn của thế kỷ 20, người ta
nghĩ ngay đến trục Đồng Khởi với Café Givral, Café La Pagode, Nhà sách Xuân
Thu, Rạp hát Eden… hay trục Lê Lợi với Thương xá Tax, Rex…
Café Givral
hình thành trong thập niên 1950-1960, nằm tại tầng trệt Chung cư Eden. Trước
1975 nơi đây được coi là một “trung tâm tin tức” do các nhà báo thường tụ tập ở
đây vì nó nằm ngay trước trụ sở Hạ nghị viện (Nhà hát Thành phố ngày nay). Quán
cà phê Givral còn gắn liền với tên tuổi của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn - nhà tình
báo số 1 của Việt Nam.
Café La
Pagode có thiết kế nội thất giản dị, không rườm rà; từ bàn ghế, cột kèo đến cửa
sổ mở to và mang đường nét kỷ hà. La Pagode không dành cho khách Tây và giới
sành điệu cũng như người giàu có mà dành cho những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và
nhà thơ... những người có tâm hồn sáng tạo và cách tân lúc bấy giờ của Sài Gòn.
Quá trình biến
đổi cảnh quan và kiến trúc đã làm mất đi các công trình này, Sài Gòn mất đi một
phần lịch sử và nhiều nét đặc trưng độc đáo về kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Giờ đây những địa chỉ quen thuộc này đã thay bằng những cửa hiệu sang trọng, hiện
đại mà không chắc hơn vài chục năm sau có giá trị lịch sử hay văn hóa để trở
thành một dấu ấn trong ký ức của người Sài Gòn hay không? Mất mát lớn nhất
không chỉ là sự tiếc nuối của những thị dân Sài Gòn lớn tuổi, mà còn là mất đi
cơ hội trải nghiệm “hồn đô thị Sài Gòn” đặc sắc trong không gian xưa cũ ấy của
thế hệ trẻ ngày nay.
Mất đi các giá trị phi vật thể đặc trưng văn hóa Sài
Gòn
Giao tiếp và
dịch vụ vỉa hè là một hoạt động đặc trưng ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí
Minh. Đây là những hoạt động kiến tạo các không gian giao tiếp cộng đồng sinh động
và linh hoạt; khách bộ hành hay người đi đường cảm nhận được sự hấp dẫn từ việc
mua bán nhộn nhịp, các sản phẩm đa dạng và nhiều hoạt động khác. Trên các trục
Đồng Khởi và Lê Lợi trước đây có rất nhiều hoạt động giao tiếp vỉa hè phong phú
và đa dạng, từ lâu đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với người Việt Nam và khách
du lịch quốc tế; góp phần đa dạng hóa các không gian công cộng, tăng cường gắn
kết quan hệ giữa con người với con người.
Ngày nay những
hoạt động này đã mất dần. Trước đây, một phần dân cư sinh sống tại các chung cư
cũ trên hai trục đường trên tổ chức buôn bán ở tầng trệt chung cư và khu vực vỉa
hè xung quanh. Việc giải tỏa các chung cư cũ đồng thời xóa bỏ những hoạt động
kinh doanh này. Các cao ốc với các chức năng mới (văn phòng, trung tâm thương mại,
khách sạn, căn hộ…) với hình thức kiến trúc hiện đại, sang trọng được xây dựng
trên khu đất thay cho các công trình cũ. Khu vực vỉa hè xung quanh các công
trình mới không cho phép các hoạt động giao tiếp vỉa hè truyền thống; không
gian tầng trệt và vỉa hè chỉ dành cho các dịch vụ của công trình hiện đại và
cho đi bộ.
Giờ đây, qua
lại tại các trục Đồng Khởi và Lê Lợi sẽ thấy, hầu như không còn các hoạt động
giao tiếp vỉa hè; “văn minh đô thị hiện đại” không có chỗ cho các hoạt động phi
chính thức truyền thống.
Hạn chế các hoạt động ngoài trời của người dân
Trường hợp
công viên Chi Lăng trước đây là một khu
vực sinh hoạt ngoài trời của người dân. Ngày nay, công viên trước Trung tâm
thương mại Vincom Đồng không còn để phục vụ các hoạt động ngoài trời của người
dân mà có chức năng tạo cảnh quan phục vụ cho Vincom Đồng Khởi qua cách thiết kế
không gian: tập trung vào mục tiêu tạo giá trị thẩm mỹ chứ không hướng đến sự
tiện ích (mái che, đường dạo, ghế đá…) phục vụ người dân như một “chiếu nghỉ”
trên phố đi bộ Đồng Khởi. Cây xanh lâu năm trước đây nay đã được thay bằng cây
nhỏ, ít bóng mát mặc dù tạo được thảm cỏ xanh hiếm hoi tại khu vực trung tâm hiện
hữu của Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự biến đổi
kiến trúc và cảnh quan dọc trục Đồng Khởi và Lê Lợi làm hạn chế các hoạt động
ngoài trời dọc các trục này. Các hoạt động giao tiếp ngoài trời đang có xu hướng
chuyển dần vào các không gian tiện ích trong nhà của các tòa nhà mới được xây dựng,
làm giàm đi và dần triệt tiêu sự sống động và nhộn nhịp của không gian cảnh
quan đô thị. Tác động sâu xa hơn là sự phân tách giàu nghèo trong khu vực này bởi
người có thu nhập thấp không thể hoặc không lựa chọn việc sử dụng các dịch vụ
cao cấp bên trong các tòa nhà; trái lại phần lớn người có thu nhập cao hơn sẽ
có xu hướng tìm đến các dịch vụ cao cấp bên trong các tòa nhà, hơn là sử dụng
các dịch vụ (phi chính thức) bên ngoài.
Thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội gắn bó
với không gian của khu vực
Như đã phân
tích trên về việc thay đổi tính chất hoạt động dọc trục, chuyển đổi từ thương mại,
dịch vụ nhỏ sang thương mại lớn, hành chính, văn phòng đi kèm với tác động về
việc thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, cụ thể là từ mối quan hệ giữa
các tiểu thương nhỏ với nhau sang mối quan hệ giữa các doanh nghiệp; từ mối
quan hệ giữa người dân, khách du lịch với các tiểu thương sang mối quan hệ giữa
nhân viên làm việc trong khu vực cung cấp dịch vụ với các khách hàng có nhu cầu
cao.
Bên cạnh việc
chuyển đổi các mối quan hệ, tác động của sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại
khu vực trung tâm còn phá vỡ các mối quan hệ của người dân địa phương đã từng
sinh sống cùng nhau trong một tòa chung cư, một khu phố (quan hệ xóm giềng) hay
phá vỡ các mối quan hệ giữa các tiểu thương nhỏ đã từng cùng nhau chia sẻ lợi
ích từ hoạt động kinh doanh cùng tính chất, mất đi sự gắn kết giữa các tiểu
thương vốn đã cùng nhau hình thành nên những dãy phố thương mại đặc trưng tại
khu vực trung tâm thành phố.
Quá trình biến
đổi kiến trúc và cảnh quan trong khu vực còn tạo những căng thẳng xã hội trong
quá trình giải tỏa mặt bằng, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án đầu tư bất động
sản. Ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh truyền thống
và những thương hiệu của thành phố như việc thay đổi cảnh quan đường Nguyễn Huệ,
việc rào đường xây dựng các ga metro trong một thời gian dài...
Về kinh tế
Tạo thêm việc làm cho khu vực chính thức nhưng làm
mất đi việc làm của khu vực phi chính thức. Không thể phủ
nhận rằng việc đầu tư xây dựng và phát triển các công trình cao tầng mang lại rất
nhiều lợi ích kinh tế cho khu vực, đáng kể nhất là việc tạo ra nhiều việc làm ở
khu vực chính thức. Các công việc được tạo ra chủ yếu ở lĩnh vực thương mại và
dịch vụ. Khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh (930
ha) là khu vực tập trung các công trình có chức năng hành chính và dịch vụ
công, thương mại – dịch vụ, khách sạn.
Tuy nhiên, sự
biến đổi này lại tác động tiêu cực đến việc làm của khu vực phi chính thức, vốn
gắn liền với “kinh tế vỉa hè”; khi các hoạt động giao tiếp vỉa hè bị hạn chế
thì hoạt động kinh tế phi chính thức cũng giảm đi. Hệ quả là mất đi không gian
văn hóa cộng đồng có giá trị đặc trưng, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của
một bộ phận dân cư, đặc biệt là thành phần lao động nhập cư.
Phân bố nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào các
khu đô thị. Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan khu vực
trung tâm đã góp phần tạo thêm lực hấp dẫn cho khu vực này nói riêng và Thành
phố Hồ Chí Minh nói chung. Chính điều này góp phần tiếp tục hướng các nguồn lực
đầu tư phát triển bất động sản vào khu vực trung tâm hiện hữu, làm hạn chế nguồn
lực đầu tư phát triển đô thị cho các khu vực đô thị mới, nhất là Nam Sài Gòn,
Thủ Thiêm. Hậu quả là, trong khi kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của khu vực
trung tâm hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các hoạt động
phát triển kinh tế - xã hội thì các khu đô thị mới đang “đói” nguồn vốn đầu tư,
kể cả đầu tư vào kết cấu hạ tầng lẫn các dự án công trình xây dựng.
Về không gian, môi trường đô thị
Cảnh quan và kiến trúc ít thân thiện với môi trường.
Sự biến đổi cảnh quan và kiến trúc trong khu vực nghiên cứu
diễn ra theo xu hướng ít thân thiện với môi trường. Cây xanh tại các công viên
(công viên trước Nhà thờ Đức Bà, công viên Chi Lăng, công viên trước Nhà hát
Thành phố, công viên dọc bờ sông Sài Gòn) và tại các dải phân cách của trục Lê
Lợi trong giai đoạn vừa qua giảm nhiều về số lượng và kém hơn về chất lượng tạo
bóng mát.
Các tòa nhà mới
xây dựng, dưới áp lực hiệu quả kinh tế trong đầu tư, thường ít đạt được các
tiêu chí thân thiện với môi trường, đặc biệt thường sử dụng sử dụng kính làm vật
liệu bao che và ít thiết kế các kết cấu che nắng đặc thù của vùng nhiệt đới nên
rất tốn năng lượng.
Tạo không gian ít thân thiện với con người. Sự biến đổi cảnh
quan và kiến trúc trong khu vực nghiên cứu diễn ra theo xu hướng ít thân thiện
với con người, nhất là với cộng đồng cư dân lâu đời cũng như du khách từ những
quốc gia hiện đại, bởi tính chất đặc trưng không còn, thay vào đó là các công
trình “hoành tráng” tỷ lệ áp đảo kích thước vỉa hè, đường phố cũ, gây cảm giác chật
chội, đè nén hơn khi đi trên đường phố. Đồng thời, sự hiện đại mang tính phô
trương của các công trình mới ít quan tâm đến việc thiết kế các cấu trúc phục vụ
người đi bộ (hành lang/mái che bên ngoài công trình).
Những tổn hại
xã hội xảy ra khi di sản biến mất càng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn
di sản: trước hết vì “người sống” chứ không phải chỉ vì bản thân di sản, nếu di
sản còn mà cộng đồng không hiểu biết giá trị và được hưởng giá trị đó thì không
thể bảo vệ di sản. Bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô
thị chính là nhằm xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với
chiều sâu ký ức của nó. Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn
về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký
ức về vùng đất mà họ đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống
tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ
dù đẹp đến đâu.
Cầu Mống quận 1 - cây cầu cổ xưa của Sài Gòn
Hà Nội " bị" trước rồi , giờ đến SG. Quan trọng nhất là đã bỏ đi chức phận kiến trúc sư trưởng của một đô thị. Xây dựng lấy được vì mục đích kiếm được nhiều tiền nhất trên từng mét vuông đất vàng. Hồn vía của đô thành mất dần theo những elite , thế chỗ bằng "đại gia"thì khó giữ lắm.
Trả lờiXóa