SÀI GÒN của những ngăn ngắn yêu thương.


Nguyễn Thị Hậu

Tháng Tư vừa qua đã có nhiều cuốn sách được xuất bản và bán chạy là những tác phẩm về Sài Gòn, có thể nói hầu hết là những tập tản văn, tạp bút, tùy bút.
Tác giả viết về Sài Gòn già có trẻ có mà trung niên cũng có, nội dung thì muôn hình vạn trạng như cuộc sống Sài Gòn. Mỗi cuốn tản văn, tạp bút như một nồi lẩu phong phú những “chất liệu” khác nhau, tuy  nhiên vẫn có thể nhận ra “lẩu” của người Sài Gòn “xịn”, lẩu của người nhập cư mươi năm trở thành “người Sài Gòn” vì… có cuốn sổ hộ khẩu, hay lẩu của người mới vô Sài Gòn vài năm còn ở nhà trọ việc làm chưa ổn định. Có tác giả là người viết không chuyên, họ như từ trang facebook bước ra mang theo những “ân oán giang hồ” với Sài Gòn mà nếu không tỏ bày, chia sẻ thì họ cảm thấy mình như còn mắc nợ Sài Gòn, một món nợ nghĩa tình không dễ gì đền đáp.
Mỗi người viết nhìn Sài Gòn từ những góc khác nhau về thời gian, không gian, lứa tuổi, công việc nghề nghiệp, sự trải nghiệm, các mối quan hệ… Ở góc độ nào thì “nồi lẩu” của họ đều thể hiện được đặc trưng của nó, hệt như khi ta vào quán lẩu có thể thưởng thức các món lẩu cá kèo, lẩu gà lá giang, lẩu chua cay Thái, lẩu cua đồng rau mồng tơi, lẩu riêu cua thịt bò, lẩu canh chua cá lóc, lẩu mắm, lẩu cá thác lác khổ qua bào… được nấu đúng như món lẩu đó cần phải như thế.
Thực ra Sài Gòn không có một loại lẩu của riêng mình. Mỗi loại lẩu có “xuất xứ, niên đại” khác nhau nhưng khi tụ hợp về Sài Gòn thì dường như tất cả đều trở thành “lẩu Sài Gòn” bởi sự dung hòa, có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng, cho đúng “gu”, do vậy ai cũng ăn được ai cũng thích, quan trọng là được ăn cùng bạn bè, người thân trong không khí của một quán lẩu “rất Sài Gòn”.
Những cuốn tản văn, tạp bút về Sài Gòn mang lại cho tôi cảm giác đó.
Tình cờ trên giá sách của tôi các tập sách của ba tác giả sau đây đứng cạnh nhau, với tôi họ là đại diện cho ba thế hệ người Sài Gòn. Đó là nhà văn Trần Tiến Dũng, “người lữ hành kỳ dị” blogger Đàm Hà Phú và nhà văn “ngôn tình” trẻ Anh Khang.
Nhà văn Trần Tiến Dũng là người “Sài Gòn xịn”, không chỉ theo nghĩa gần như cả đời ông sống ở Sài Gòn mà còn vì các tác phẩm của ông thấm đẫm chất Sài Gòn: giản dị, tưng tửng, hóm hỉnh mà sâu sắc, da diết… Đặc biệt khi ông viết về ẩm thực Sài Gòn trong tập Món ngon, gia vị và cảm xúc mới được xuất bản. Từ món ăn đơn sơ nơi góc bếp của Mẹ thời thơ ấu đến thế giới ẩm thực muôn màu muôn vị ở Sài Gòn, người đàn ông từng trải này đã “nấu lại” và nêm vào đó thứ gia vị cảm xúc là những lời thủ thỉ tinh tế, nhẹ nhàng mà thấm đẫm yêu thương. Chỉ qua những “món ngon” thôi ông đã vẽ nên một Sài Gòn “đậm đà bản sắc gia vị quê nhà và đô thị đa văn hóa ẩm thực thân quen”. Và tôi hiểu nhà văn Trần Tiến Dũng không chỉ nói về món ngon Sài Gòn mà ông còn dựng lại ký ức của cả một thế hệ đi qua thời chiến tranh nhưng lại mất mát nhiều  trong hòa bình.
Đàm Hà Phú nói về mình: “Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ, vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì. Tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.
Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.
 
Có lẽ không cần nói thêm gì về những “Chuyện nhỏ Sài Gòn” của blogger nổi tiếng này. Sài Gòn của Phú hồn nhiên, nhân hậu, hào sảng… hệt như Phú, một người nhập cư như hàng triệu người khác nhưng chất Sài Gòn - miền Tây đã thấm sâu vào anh. Có thể coi Phú là đại diện cho lứa tuổi trưởng thành ở Sài Gòn vào thời hậu chiến, bình thản đón nhận cuộc sống nhọc nhằn khó khăn nhưng chính họ đã luôn mang lại sức sống mới cho Sài Gòn. Chính điều đó đã làm nên một tình yêu Sài Gòn khó nói thành lời nhưng vô cùng sâu bền ở họ.

Anh Khang gần đây nổi lên với những cuốn sách dành cho tuổi teen được phát hành đến hàng chục ngàn bản. Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em là tập tùy bút đầu tiên về Sài Gòn. Nếu những tập truyện ngắn của Anh Khang có thể coi là “ngôn tình” nhẹ nhàng đầy cảm xúc của tuổi mới lớn thì tập tùy bút này là những suy nghĩ lãng mạn, thậm chí hơi “sến sủa” nhưng lại khá già dặn, chững chạc của cậu trai Sài Gòn thế hệ 8x.  "... hạnh phúc của mọi cuộc hành trình rốt cục không nằm ở đoạn đường đã đi, mà chính ở khi quay về. Thấy vẫn có một bóng hình đứng chờ lặng lẽ, những kỷ niệm be bé ban sơ vẫn mỉm cười đón mình trở lại. Rưng rưng nhận ra, những thân thương xưa cũ hình như vẫn chưa một lần bội bạc. Dẫu mình đã khác lắm sau ngần ấy tháng năm".  Từ những chuyến đi ngắn ngày qua nhiều nước nhiều địa danh nổi tiếng, cậu trai sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn đã để dành từng cảm xúc nhớ nhung từng câu chữ yêu thương cho nơi có gia đình ấm áp, nơi có mối tình đầu đã chia xa, và là nơi, tôi tin, Anh Khang sẽ luôn dành cho nó một tình yêu mãnh liệt!

Ba tác giả, ba thế hệ, ba văn phong. Từng trải, trầm tĩnh hay “giang hồ”, hóm hỉnh hay lãng mạn “sên sến”… Với tôi, họ là những người Sài Gòn và viết về Sài Gòn thật hay! Tình cảm từ trái tim được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ chân thật, không có những câu từ uốn éo “cao sang”, không đánh đố người đọc, cũng không chao chat nghiệt ngã khi nói về những được mất... Mỗi góc nhìn của họ đều lấp lánh vẻ đẹp của một Sài Gòn khoan dung giản dị đời thường mà đa dạng và bền vững theo thời gian.
Đọc họ, tôi chợt nhận ra một điều, Sài Gòn không cần cái danh “người Sài Gòn xịn” để chỉ những người ba bốn đời sống ở Sài Gòn với những cảnh vẻ nền nếp xa xưa. Với Sài Gòn, người Sài Gòn xịn là những ai hết lòng sống với Sài Gòn, hết lòng yêu Sài Gòn, hết lòng nhớ Sài Gòn, bất kể họ ở Sài Gòn từ khi nào và họ từ đâu đến.
Và tôi biết, nhiều người đang ở rất xa nhưng vẫn là người Sài Gòn dù trong họ, Sài Gòn chỉ còn là ký ức.

Sài Gòn 15/5/2015



THỜI CỦA “HIỆP SĨ”


Nguyễn Thị Hậu
Nói đến “hiệp sĩ” chắc ai cũng nhớ tới thời đại trung cổ của những chàng hiệp sĩ “về cơ bản không có địa vị xã hội cụ thể và không có tính chất thừa kế”. Cho đến gần đây ở nước Anh, “hiệp sĩ” mới trở thành một tước hiệu cho một số người nổi tiếng vì những đóng góp của họ cho xã hội.
Ở thời trung cổ tinh thần hiệp sĩ rất thịnh hành, theo nghĩa đó là những người cưỡi ngựa giỏi, “thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, trọng danh dự… Tác phẩm Don Quixote của Miguel de Cervantes đã dựng lại chân dung một “chàng quý tộc xứ Mancha” hào hiệp, mộng tưởng và phiêu lưu trong lý tưởng không hợp thời. Có thể coi tác phẩm này đặt dấu chấm hết cho “thời đại hiệp sĩ”.
Vậy nhưng gần đây ở nước ta “thời đại hiệp sĩ’ lại sống dậy. Bắt đầu từ những hiệp sĩ bắt cướp trên đường phố Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… rồi gần đây là những hiệp sĩ “giải cứu” dưa hấu, hành tím cho nông dân. Tất cả việc làm của những con người này đều xuất phát từ lòng tốt, giúp đỡ người khác một cách vô tư, nghĩa hiệp. Không thể không tôn trọng và kính phục họ, vì họ bỏ công sức tiền bạc, vì biết bao khó khăn, thậm chí cả sự an nguy của tính mạng mà họ đã phải vượt qua khi thực hiện trách nhiệm “hiệp sĩ”.
Nhưng cũng không thể không tự hỏi, vậy những nơi có trách nhiệm sẽ “nhận trách nhiệm” như thế nào về việc đã không hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình là bảo vệ an ninh cho xã hội, là hướng dẫn sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của nông dân?
Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!
Tinh thần “hiệp sĩ” sống lại trong thời đại ngày nay với mỗi cá nhân là một điều thiện, nhưng với xã hội là một sự cảnh báo: Bộ máy công quyền được nuôi từ tiền thuế mỗi cân hành cân dưa người nông dân bán ra, từ tiền thuế của mỗi dân đang đóng góp công sức cho xã hội… nhưng bộ máy ấy đã không làm (tròn) công việc mà họ đã ăn lương để làm. Công việc đó lại được “trút” lên những con người bình thường, những con người đang làm những công việc khác trong guồng máy xã hội.
Thử hình dung, trong một nhà máy với dây chuyền sản xuất liên hoàn, mỗi công nhân có vị trí của mình trong dây chuyền ấy. Nếu mỗi công nhân không làm việc của mình mà nhảy sang chỗ khác, thì sản phẩm sẽ ra sao? nhà máy sẽ hỗn loạn thế nào? Thử hình dung trong một công sở, bệnh viện, trường học… cũng vậy. Một nhà máy, công sở mà “người nào” không vào “việc nấy” tất nhiên hiệu quả công việc sẽ thấp kém, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Vậy nhưng vì sao vẫn cứ xuất hiện những “hiệp sĩ” trong bất cứ lĩnh vực nào của xã hội hiện nay? Có thể nói ngay đó là do sự vô trách nhiệm của cơ quan công quyền. Vô trách nhiệm vì chuyên môn kém, vì lười biếng, vì sợ trách nhiệm, và bởi vì không bị mất chức khi vô trách nhiệm! Cho nên họ mới để người dân tự giải quyết việc của mình và việc của người khác!
Tinh thần hiệp sĩ là đáng quý trọng, nó biểu hiện tình người trong xã hội nhiều vô cảm hiện nay. Nhưng không thể bám víu vào đó để từ chối, buông bỏ trách nhiệm của nhà nước. Nếu sau khi những hiệp sĩ đã “giải cứu” được dưa hấu, hành tím, hay bắt được tên cướp cạn giao nộp cho công an… mà xã hội vẫn chỉ luôn trông chờ vào sự xuất hiện những hiệp sĩ khác cho những việc khác, không sớm thì muộn, người dân sẽ tự xử tất cả mọi chuyện.
Có lẽ nào chúng ta mong muốn một “thời đại hiệp sĩ” như thế sống lại?!
Sài Gòn, 26/5/2015
(NCTG) “Tinh thần hiệp sĩ là đáng quý trọng, nó biểu hiện tình người trong xã hội nhiều vô cảm hiện nay. Nhưng không thể bám víu vào đó để từ chối, buông bỏ trách nhiệm...
NHIPCAUTHEGIOI.HU|BỞI NHỊP CẦU THẾ GIỚI ONLINE

Linh tinh lang tang (118). BOLERO… “SAO ANH NỠ ĐÀNH QUÊN”




Chắc chắn cả kiếp trước tôi cũng là người miền Tây, vì tôi có thể nghe Bolero bất cứ lúc nào.
Bolero không làm tôi buồn mà đơn giản chỉ như có một người bạn chơn chất ở bên. Bạn không tò mò về nỗi buồn của tôi, không cật vấn tại sao tôi khó chịu, không tra hỏi vì sự dửng dưng của tôi… Bạn cứ lẳng lặng vang lên giai điệu của mình, để đến một lúc nào đấy tự tôi quên đi những buồn những bực những điên… chỉ còn trong tôi giọng điệu lời ca sến sến ân tình.
Từ những bài hát Bolero vang lên ở những quán cà phê võng dọc đường miền Tây, vang lên trong những đám cưới miệt vườn, vang lên trên ghe xuồng ngược xuôi kinh rạch, bolero giao duyên với sáu câu vọng cổ qua giọng ca Minh Vương Lệ Thủy, bolero trải dài theo những chuyến xe đò ngược xuôi ngày đêm… đến những bản nhạc bolero mỗi tối trong phòng trà, quán cà phê, quán nhậu ở Sài Gòn… Với Bolero người sang trọng hay bình dân đều bình đẳng vì những cảm xúc tuôn tràn từ trái tim làm cho người ta cảm thấy lòng mềm lại, muốn yêu thương nhiều hơn, mong được yêu thương nhiều hơn. Tôi đoan chắc rằng những giây phút thả mình cùng bolero không ai không là người thiện, không ai có thể nghĩ đến việc làm điều ác.
Bolero nói gì? Than thân trách phận nhưng không làm người ta tuyệt vọng. Giận người giận đời nhưng không gây sự căm thù. Bày tỏ thương yêu mà không làm người ta ngại ngùng. Thất tình mà vẫn tràn đầy bao dung nhân ái. Và niềm vui hạnh phúc thì thật đơn sơ như có thể chạm tay vào được… Vậy mới hiểu vì sao bolero lại đáng yêu đáng nhớ, lại quen thuộc với người miền Tây đến như vậy.
Bolero thương nhớ, lúc nào bạn cũng có thể tìm đến với bolero, cũng như bất kỳ hoàn cảnh nào nghiệt ngã nào người miền Tây cũng sẽ vượt qua một cách nhẹ nhàng… Chỉ còn nỗi buồn sẽ ẩn sâu trong trái tim, để khi gặp bolero thì tràn ra trên môi, trên mắt…
“Anh ơi nếu một mai có ai hỏi người tên ấy. Biết nói gì đây hỡi anh, mà sao nỡ đành quên?...”

Bolero của miền Tây… không ai nỡ đành quên…

TÌM "VÀNG" TRONG DI SẢN



 NHÂN DÂN CUỐI TUẦN phỏng vấn, số ngày 24/5/2015

Dù đã nghỉ hưu tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhưng dường như với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu hay còn gọi là “Hậu khảo cổ”, tơ lòng dành cho di sản và phát triển đô thị còn vương vấn đâu đây. Chị dành cho NDCT cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề bảo tồn di sản tại các đô thị hiện nay.

Giá trị “vàng” của văn hóa
- Là một người làm trong nghề lâu năm, cộng thêm những quan sát từ thực tế, xin hỏi, chị đã hài lòng với công tác bảo tồn di sản hiện nay?
- Tôi chưa bao giờ thấy hài lòng cả. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa tôi là một người vô can vì mình cũng làm trong ngành này, nhưng mà công tác bảo tồn như hiện nay rõ ràng là chưa thể hài lòng.

- Có phải vì những chuyện như tòa nhà Bưu điện TP.HCM bị phủ bởi màu vàng chói; tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang phải di dời rồi cây xanh ở Hà Nội bị triệt hạ hàng loạt? Hay còn lý do sâu xa hơn khiến chị chưa hài lòng?
- Việc những tượng đài phải dời đi hay cây xanh phải chặt ở Sài Gòn để phục vụ cho việc xây dựng Metro, mới nghe thì không ai cãi được. Bởi lẽ, để có một thành thành phố hiện đại đương nhiên phải đánh đổi, chấp nhận hy sinh. Thế nhưng tôi không hài lòng ở chỗ, đã có rất nhiều nước từng vấp phải bài học đánh đổi di sản để lấy sự hiện đại và người ta ân hận bởi vì di sản mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được. Bài học này chắc chắn mình đã nhìn thấy nhưng không hiểu sao chúng ta vẫn không có lấy một chút kinh nghiệm gì cho mình.  
Bên cạnh đó, với phương tiện khoa học kĩ thuật bây giờ có thể có những biện pháp giữ gìn, hoặc là mình nghiên cứu cách nào đó để cố gắng bảo tồn các di sản, giữ lại những hàng cây xanh mà vẫn xây được nhà ga Metro. Ngoài ra, một điều khiến tôi không hài lòng là cách truyền thông đến công chúng. Tôi thấy cách truyền thông của những nhà quản lí đến với công chúng quá đơn giản. Họ thông báo và làm luôn, người dân chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra!

- Trong xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, công tác bảo tồn di sản sẽ phải đối diện với những thách thức gì?
- Hiện nay mình đang đối diện rồi. Tốc độ phát triển kinh tế của đất nước mình quá nhanh nhưng hoàn toàn không có nghĩa là tốt. Sự phát triển này nó đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực. Nông thôn giờ đây không còn, và việc bảo tồn truyền thống văn hóa nông thôn cũng không được nữa. Ở đô thị còn khủng khiếp hơn khi những cơn lốc xây nhà cao tầng, người ta đưa hết vào khu trung tâm với một quan niệm hết sức thực dụng là “đất vàng”. Người ta chỉ hiểu là đất ở đấy dễ làm ăn, là “vàng” về kinh tế mà không thấy được “vàng” về văn hóa. Nếu chúng ta giữ gìn và bảo tồn được những giá trị văn hóa, có thể nó vô hình nhưng mà tất cả đều được hưởng. Đặc biệt, giá trị văn hóa ấy sẽ là thành tố để chúng ta phát triển du lịch. Và đó chính là “vàng” - phần thưởng cho chúng ta.

- Một bên cần phát triển, một bên kêu gọi bảo tồn. Dường như hai vấn đề này rất khó để dung hòa?
- Tôi nghĩ là vẫn có thể dung hòa được. Cụ thể là bảo tồn phải thỏa hiệp với phát triển và phát triển phải thỏa hiệp với bảo tồn, sao cho lợi ích của mỗi bên bị xâm phạm một cách ít nhất, không gây khó khăn hay thiệt thòi cho bên nào. Bằng cách này, chúng ta đã bảo tồn được khách sạn Continental (một khách sạn lịch sử nổi tiếng ở TP.HCM, được khánh thành vào năm 1880). Đây được xem là trường hợp điển hình của việc bảo tồn dù so với hình ảnh trước đây, nó chỉ giống được 60-70%. Nhưng rõ ràng, khách sạn đã được làm mới nhưng không quá xa lạ so với nguyên gốc. Nó nâng cấp lên để trở nên hiện đại hơn, nhưng tôi quý nhất là họ không xây lên cao như khách sạn Caravelle gần đó. Người ta chỉ giữ ngần ấy cao độ, còn bên trong được trang trí để sang trọng lên. Những căn phòng có những nhân vật nổi tiếng từng ở, người ta vẫn giữ và xem đó là một phần giá trị của khách sạn và giá trị đấy có thể qui ra tiền.

- Theo chị, chúng ta cần một lộ trình bảo tồn như thế nào để thích hợp với sự phát triển của đô thị?
- Về đường lối tôi nghĩ chúng ta không thiếu. Bởi luật Di sản Văn hóa đã quy định rất rõ ràng. Chỉ có điều là không ai chịu tìm hiểu cả. Từ những nhà quản lí, những người xây dựng đều không nắm luật, người dân lại càng không biết luật. Bởi vậy theo tôi, lộ trình đầu tiên là nhà nước ta phải trở thành nhà nước pháp quyền thực sự. Đặc biệt, người dân cũng phải hiểu biết về mặt pháp quyền. Khi đó, mọi người sẽ biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình như thế nào đối với di sản.

Hướng tới khảo cổ học cộng đồng
- Hiện tại, trong công tác bảo tồn di sản đang có xu hướng mới là khảo cổ học cộng đồng. Chị đánh giá thế nào về xu hướng này?
- Khảo cổ học cộng đồng đã phát triển trên thế giới và tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ xu hướng này. Bởi vì mục đích của việc khảo cổ học cộng đồng là những nhà khoa học dùng tiếng nói của cộng đồng nhằm giữ gìn và bảo tồn di sản. Muốn cộng đồng có tiếng nói với mình thì các nhà khoa học đưa những kiến thức, những hiểu biết đến cộng đồng, giúp cộng đồng cùng hiểu và cùng lên tiếng bảo tồn với mình. Tất nhiên không thể thiếu vai trò của chính quyền. Để làm được thì ba bên: nhà khoa học, chính quyền và cộng đồng phải ngồi lại với nhau, cùng phân tích những cái lợi cái hại và cuối cùng đưa ra một giải pháp có lợi nhất cho cộng đồng.

- Theo chị, chúng ta cần làm gì để xu hướng này được phổ biến rộng rãi trong đời sống?
- Đầu tiên tôi nghĩ là phải thay đổi cách dạy Sử, đừng coi Lịch sử là Lịch sử chính trị mà nên coi đó là Lịch sử văn hóa gắn liền với các di tích. Tôi tin, dạy Sử dưới góc độ những câu chuyện văn hóa giúp các em thích thú với việc học Sử, từ đó bắt đầu quan tâm đến vấn đề văn hóa. Thứ hai là nên có những công trình, những bộ sách về những thành tựu văn hóa được viết đơn giản, dễ hiểu để cộng đồng người ta đọc và nâng cao hiểu biết của mình về di sản. Ngoài ra, chúng ta có thể thông qua hệ thống bảo tàng để thu hút công chúng, từ đó có thể phổ biến kiến thức về bảo tồn di sản.
Ý thức người dân phải có một quá trình lâu dài, không thể nóng vội nhưng như vậy không có nghĩa là muốn bắt đầu lúc nào cũng được. Bây giờ đã là muộn rồi, nhưng tôi thấy người dân bắt đầu có ý thức trong việc bảo tồn di sản. Ví dụ như câu chuyện chặt cây xanh hàng loạt vừa rồi ở Hà Nội, người dân đã có những phản ứng nhất định. Điều tôi mong muốn bây giờ là làm sao để người dân hiểu rằng những di sản, ngôi nhà mà họ đi qua một cách thờ ơ hàng ngày cũng mang một giá trị như họ đã thấy ở cây xanh. Làm sao để người dân hiểu được giá trị của di sản và coi đó là di sản thực sự của họ.

- Chị vừa nói đến những bộ sách, những công trình về di sản để phổ cập đến người dân. Bản thân chị cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, hiện chị có đang ấp ủ một dự án, một cuốn sách nào tương tự thế không?
- Nói ấp ủ thì chắc là không. Từ trước tới nay, tôi vẫn thường xuyên viết những bài tạp bút, hoặc những buổi trao đổi kiến thức về khảo cổ, về di sản với các bạn nhà báo hay bạn đọc thông thường. Tôi chỉ có mong muốn là chia sẻ những hiểu biết của mình hay những trăn trở của mình trước việc di sản văn hóa đang bị xâm phạm; qua đó nhận được sự đồng tình của bạn đọc, thì đấy cũng là một cách làm.
Nếu nói về những công trình nghiêm túc thì thực sự tôi mơ có một bộ sách kiểu như văn hóa giản lược, mỗi lĩnh vực là một cuốn sách trên dưới 200 trang và trình bày một cách đơn giản dễ hiểu nhưng mà đầy đủ những kiến thức quan trọng nhất của một ngành. Làm sao mà mình viết một cách đơn giản, dễ hiểu, lấy ví dụ cụ thể sinh động, có hình vẽ đẹp, bất cứ ai cũng có thể xem được. Cho nên, nếu có một nhà xuất bản tổ chức được một tủ sách như thế, mình cứ thực hiện dần dần, không cần phải làm quá hoành tráng.

- Trước khi chờ một NXB nào đó, chị có nghĩ mình sẽ là người tiên phong không, vì rõ ràng là chị là người có nghề, có chuyên môn và khả năng viết.
- Một mình tôi không thể làm được, trong phạm vi khả năng của mình thì tôi cũng đã cố gắng làm. Nó cũng chỉ là muối bỏ biển thôi, chưa phải cái gì ghê gớm lắm.
- Cảm ơn chị rất nhiều.

HỒ HUY SƠN (thực hiện)

Linh tinh lang tang (116). RƯỢU


Không ngủ được, nghĩ ngợi lan man. Bỗng nhớ những lần uống với bạn.
Thật ra chỉ ngồi ngó bạn uống là chính, tuy cũng cụng ly, nhiều lần cụng xong bạn tới đâu thì mình tới đó. Wine thì ngang ngửa, uống khi ăn cũng vậy mà uống suông cũng rứa. Những câu chuyện làm wine thêm hương vị. Khi bạn bắt đầu nói một cách hứng khởi và say sưa về một câu chuyện nào đó là lúc mình bắt đầu im lặng lắng nghe, không chỉ nghe “lời” mà mình còn đọc ra sau nhưng ngôn từ kia là con người lãng mạn “ngọt ngào” của bạn bình thường ẩn sau vẻ bận rộn của một người luôn… bận rộn.
 Bạn thích wine đỏ, dù ăn thịt hay cá, vì nó đậm đà hơn, và hình như, vì bạn còn thích cái màu đỏ “thấu quang” dưới ánh đèn khi mình, theo thói quen hay giơ ly rượu lên ngang tầm mắt và nhìn bạn qua đó. (Lần sau không cần phải nói là nhớ bàn tay mình mỗi khi uống rượu J )
Haha, thích wine đỏ còn vì màu son môi của người xưa nữa, bạn nhỉ J
Bình thường hai đứa mình hết một chai, cũng có khi hơn… Nhẹ nhàng và trống rỗng là khi mềm môi, chuyện thì không cần nói nữa vì… nửa câu đã hiểu hết. Thật ra, hiểu nhau quá cũng là một “nguy cơ” nếu như chúng ta không có/còn gì mới hơn để chia sẻ. Mà nhu cầu “chia sẻ” thì vẫn có, mà cuộc sống đâu phải lúc nào cũng “mới”?
Vậy là chúng ta, rất có thể, sẽ sẻ chia với một đối tượng khác vì những chuyện tuy “cũ ta” nhưng lại là “mới người” J
Đôi lần cũng uống whisky, không hẳn vì bạn không thích, mà vì chẳng lần nào đủ thời gian để uống cho vừa.
Whisky, hoặc là để ồn ào đám đông nhậu nhẹt. Hoặc, như thói quen của mình, chỉ để im lặng, nói ra điều gì cũng là vô nghĩa, và… phí rượu J
Ba mình dạy: nhìn đàn ông trong đám/bữa rượu có thể biết họ là người thế nào, nhìn cách họ uống ly rượu thì biết, có thể chơi với họ được hay không.
Quên, đấy là ba dạy anh Hai chứ ba chưa kịp dạy con gái như vậy, là mình chỉ học lóm thôi. Nhưng ngẫm, hình như đàn bà cũng có thể “biết” đàn ông, qua rượu.


Linh tinh lang tang (114)


@ Taxi Hà Nội dễ gọi, rẻ hơn SG, thân thiện. Tất nhiên trừ trường hợp chả may bắt nhầm taxi dù, lái xe thì không biết đường và đồng hồ tính tiền thì dỏm J.
Taxi SG thì chuyên nghiệp hơn, nhưng ít hãng nên không có sự cạnh tranh. Và thật khổ khi đi từ sân bay TSN về chỉ một đoạn đường không xa lắm. Lúc ấy bạn thường xuyên phải ‘đối phó” với thái độ khó chịu của bác tài, hoặc bạn phải mặc kệ cho bác tài đi vòng xa hơn một đoạn J

                                                                                                                                  @ Người luôn có nhu cầu “say mê” một cái gì đó một ai đó thì tình cảm của họ thường không bền, nếu đối tượng được say mê không còn trong “vòng cương tỏa” nữa thì họ sẽ nhanh chóng tìm một người khác để trút sự say mê của mình.

@ Sự đố kỵ không có điểm dừng và có muôn vàn diện mạo, nhưng                                                             dù dấu nó dưới khuôn mặt nào thì vẫn có thể nhận ra chính xác. Khi đã biết sự đố kỵ là nguyên nhân thì còn băn khoăn làm gì cho mệt J

@  Bạn có bao giờ nhận biết được những người "yêu / quý" bạn là vì bản thân bạn hay vì vị trí nào đó mà bạn đang có? Vì những giây phút ngoài công việc, những lúc đời thường của bạn hay vì những hào quang của công việc bạn đang làm? Nhờ/ vì công việc bạn có thể quen biết nhiều người thì ngược lại, nhiều người biết đến bạn cũng vì công việc đó.
Nếu bạn không nhận ra điều đó thì bạn sẽ đánh mất (những) người đã yêu quý con – người – thật – của - bạn, (những) người chấp nhận bạn như một người bình thường không ánh hào quanh không có một vị thế nào, (những) người sẽ ở bên bạn khi bạn không còn ở vị trí của “người nổi tiếng” nữa.
(Nhân câu chuyện của một người nổi tiếng)


Vụn vặt đời thường (81)



Căn nhà ngoại ô :)





Bạn học lớp 12 ở Marie Curie :)




Bạn học phổ thông ở Hà Nội




40 năm sau, gặp lại bạn đã vượt biên cuối 1975 :)

Linh tinh lang tang (113).


 Ở phòng chờ sân bay, một chị ngồi cho cả hai chân gác lên ghế bên cạnh, 2 giỏ đồ đựng trong bao xốp lớn để ở hai ghế kế tiếp. Khách rất đông vì có chuyến bị delay, mấy người đến ngồi ghé vào thì chị ta xua tay lia lịa, tay kia vẫn cầm điện thoại nói liên hồi… Có người bực quá cứ ngồi xuống, thế là chị ta quát lên: “Đã bảo có người ngồi rồi!” xong lại tiếp tục hồn nhiên “tám” qua điện thoại.

Không muốn nghe vẫn bị lọt vào tai. Chuyện thế này: Ừ tao mới đến tổng lãnh sự làm giấy visa rồi, bọn nó dell giả lời là được hay không, cứ bảo về chờ.  Tao đoán là nó thấy tao chưa làm đơn xin ra đảng. Mày bảo không quan trọng à? Quan trọng đấy, mẹ, mày bảo, mình cho con đi du học bây giờ nó ở lại làm việc, bảo lãnh cho mình sang nên phải khai đầy đủ. Tao đã định không khai là đảng viên nhưng chúng nó bảo bọn lãnh sự cái dell gì cũng biết, nói dối nó biết là dell được cấp visa. Bây giờ tao về ngoài ấy làm giấy tờ, bỏ sinh hoạt mấy năm nhưng không có giấy xác nhận thì coi như chưa ra khỏi đảng mày ạ. Mày mà không làm giấy tờ như tao thì mày cũng khó đấy con ạ, haha… Thế con gái mày học đến đâu rồi, nó định lấy chồng Mỹ à, ừ hay đấy, con rể Mỹ hơn chán vạn thằng rể  Việt, mẹ, rể Việt nó coi mình đếk ra gì, rể Mỹ nó chỉ biết he lô he lô, không nghe được mình nói gì, mình dễ sai bảo con gái mày ạ, hehe…

Thôi thôi tao đi đã nhé, tuần sau tao vào sẽ gọi mày. Mà mày bận dell gì bận lắm thế, làm ăn vừa thôi, sắp có rể Mỹ làm dell gì cho lắm, haha…

Quay qua quay lại lẩm bẩm, ơ cái thằng kia đi đái gì mà lâu thế? Ơ, sao mày ngồi đây không gọi mẹ? Cậu thanh niên ngồi ghế phía sau uể oải đứng lên lầu bầu “nói đek gì mà nói lắm thế không biết, điếc cả tai…”

Hai mẹ con lững thững đi ra cửa kiểm tra vé đã vắng người. Hình như loa đã nhắc tên họ đến lần thứ 3.


7/5/2015

Linh tinh lang tang (112) Về lại phố xưa…



Tôi trở về Hà Nội. Một chuyến đi vì công việc như mọi lần, và cũng như mọi lần, không chỉ là vì công việc. Những ngày nóng bức đã qua, ngày tôi đi HN dịu mát như một ngày thu...
Trưa hanh hao, uống bia hơi Hà Nội thật thích. Bạn về Sài Gòn rồi còn nhớ cái mát lạnh của cốc bia như có cả hơi gió từ hồ Ngọc Khánh? Chiều sụp tối, gió len lỏi trên đường phố vẫn nườm nượp người và xe…
Ư thôi, vài ngày sẽ qua, lại về với Sài Gòn nắng gió, về với cà phê bông giấy mỗi chiều tư lự ngắm xe qua và người đi mất. Và sẽ nhớ, một tối nào đó, bạn bên tôi, tưởng như có thể đi mãi như thế, không có nơi đến không có điểm dừng không có cả đèn đỏ ngăn bước chân ngập ngừng trong chốc lát…
Lần này tiễn tôi đi Hà Nội ngập tràn màu tím: hòang hôn ngày đầu hè tím nhạt bãi ven sông, những con đường rợp bằng lăng tím biếc, tiếng ve ran tím sẫm trên những vòm cao… Cảm giác một mình khi ra đi cũng là một sắc tím, trong veo, như nước. Sắc tím ấy pha vào đâu thì làm độ tím nơi ấy nhạt nhòa đi, nhưng với thời gian sẽ bền màu hơn.
Ngày tôi chia xa 40 năm trước Hà Nội không nhiều sắc tím như bây giờ…


Vụn vặt đời thường (80)












Sáng đi Cao Lãnh, trên đường đi ghé qua khu Tân kỳ Tân quý để đón một người đi cùng. Lúc ấy mới khoảng 4g30, trời còn tối, ngoài đường thì đã đông vì Sài Gòn thức khuya dậy sớm. Qua khu Bình Hưng Hòa, quẹo vô một khu dân cư mới thì còn vắng lắm, vài người đi bộ thể dục, mấy hàng cà phê dọn sớm…

Tìm hoài không ra hẻm nhà người bạn, đang dừng xe gọi điện cho bạn thì một anh mặc quần cụt cời trần chạy chiếc xe máy chỉ còn khung và hai bánh xe, chở những bao nước đá cồng kềnh phía sau chạy ngang. Thấy bác tài hỏi đi hỏi lại đường đi, anh nước đá vòng xe lại nói: chạy theo tui nè tui chỉ cho, số nhà đó khó tìm lắm. Rồi ảnh chạy trước, qua mấy lần quẹo ảnh dừng xe vì thấy người cần đón đang đứng đầu hẻm vẫy tay. Chưa kịp cám ơn thì ảnh rồ ga quay đầu xe chạy mất.

Trên đường, qua đoạn cao tốc, ghé quán nhỏ uống cà phê. Bản bên cạnh có gia đình ghé ăn sáng. Cô nhỏ phục vụ nhanh nhẹn hỏi món ăn, bà già kêu tô hủ tíu, cô nhỏ nói: hủ tíu cho ngoại lấy tôm thịt bằm thôi hén ngoại, con trụng bánh mềm nhen ngoại? Bà già cười móm mém, ờ, cám ơn con gái.

Chỉ có vậy mà thấy vui vui cho một ngày đi xa làm việc.

CÓ MỘT SÀI GÒN CỞI MỞ, BAO DUNG...

ThoiNay số ra ngày 1/5/2015

 Một đô thị năng động về kinh tế, dễ dàng dung nạp người tứ xứ đã trở thành một tính cách văn hóa rất đặc trưng của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.  Những câu chuyện về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 40 năm sau ngày đất nước thống nhất được Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Thời Nay.

Thưa bà, từ góc độ của một nhà nghiên cứu, bà đánh giá như thế nào về sự thay đổi của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh sau 40 năm đất nước thống nhất?

Nhìn một cách cảm quan, thành phố có những sự thay đổi đáng kể. TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có tốc độ hiện đại hóa nhanh nhất, từ cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện sinh hoạt, và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực đến đời sống dân cư. TP đã có sự chăm lo cho các vấn đề an sinh xã hội như là nhà ở, trường học, bệnh viện…cho tầng lớp trung bình trở xuống. Những khu nhà lá hay xóm ổ chuột giữa trung tâm quận 1, quận 3 xưa kia, xóm nước đen trên kênh rạch, vùng ngoại thành bây giờ đã được cải thiện.

Việc cải tạo hai hệ thống kênh lớn là Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tân Hóa – Lò Gốm, cải tạo sông Bến Nghé - song song với đại lộ Võ Văn Kiệt - là một thành tựu rất lớn. Điều đó thay đổi môi trường sống cho hàng triệu cư dân sống ven kênh rạch, làm cho TP Hồ Chí Minh trở lại một đặc điểm văn hóa cực kỳ quan trọng là văn hóa sông nước. Tất nhiên, sông nước bây giờ mang yếu tố hiện đại theo kiểu một thành phố có sông như các đô thị rất đẹp trên thế giới. Môi trường văn hóa sông nước này là nơi để người ta giải trí và hưởng thụ chứ không còn là văn hóa sông nước theo tính chất giao thông.

Trong 40 năm qua, bên cạnh chính sách của nhà nước thì không thể phủ nhận vai trò cực kỳ năng động của người Sài Gòn. Họ rất ít tuyên ngôn, rất chịu khó mày mò, cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Sài Gòn cũng tìm thấy con đường thoát.

Nói đến người Sài Gòn rất năng động trong làm ăn kinh tế, nhưng cũng không thể không nói đến tính dung nạp, bao dung của thành phố này đối với những người đến từ mọi vùng miền?

Đặc điểm làm nên sự khác biệt của Sài Gòn so với những đô thị lớn là tính dung nạp. Không chỉ Sài Gòn mà các đô thị ở vùng Nam Bộ đều có đặc tính đó, mở lòng và đón nhận người nhập cư. Điều này xuất phát từ đặc điểm lịch sử của vùng đất này. Những cư dân đầu tiên đến đây là lưu dân Ngũ Quãng mà nguồn gốc phần lớn từ Thanh Nghệ Tĩnh theo vua Lê, chúa Nguyễn đi về phương Nam. Nhiều người với nhiều gốc gác khác nhau vào đây tìm đường sống. Họ không có cách nào khác là phải đùm bọc lẫn nhau, phải ứng xử tử tế với người cũ. Nếu họ tạo ra chiến tranh để tranh giành đất đai thì không bao giờ tồn tại lâu dài và bình yên đến  nay.

Với tư cách là một đô thị kinh tế, TP Hồ Chí Minh cởi mở, dễ chấp nhận vì đó là điều kiện sống còn để phát triển. Nó khác với những trung tâm chính trị khác, lúc nào cũng phải bảo thủ một chút. Người Sài Gòn ít khi kỳ thị những cái khác mình. Tất cả những cái mới vào đây đều được đón nhận và tự do phát triển một cách công bằng. Ở Sài Gòn, ta có thể ăn những món ăn của nhiều vùng miền, từ cao cấp đến bình dân. Ngôn ngữ cũng rất đa dạng và không nhất thiết là phải nói giọng Sài Gòn. Một nguyên nhân nữa là vùng đất này được tiếp xúc với những giá trị dân chủ từ sớm. Mặt khác, cơ tầng văn hóa chưa sâu để có thể “đồng hóa” những người đến sau và Sài Gòn cũng không đặt ra nhiệm vụ phải “đồng hóa” những văn hóa khác.

Người Sài Gòn mua vé số nhiều khi để giúp những người khó khăn hơn chứ không hẳn là mua cái lợi cho mình. Những quán cơm 2000, trà đá miễn phí dọc vỉa hè cũng là những nghĩa cử như thế. Cô bán vé số, anh xe ôm dừng lại uống nước cũng rất chừng mực, biết để dành cho người đến sau chứ không đổ bừa bãi, tràn lan. Những người bình thường, chứ chưa cần giàu, cũng có thể giúp đỡ người khác bằng việc làm nho nhỏ, giản dị. Nếu mất đi những đặc điểm này thì rất đáng tiếc, bởi vì có thể coi đó là một di sản văn hóa về tính cách con người, một tính cách văn hóa rất Nam Bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh một đô thị năng động, hiện đại và cởi mở, theo bà, TP Hồ Chí Minh còn giữ được những đặc điểm nhận dạng văn hóa nào sau 40 năm phát triển?

Cá tính văn hóa sẽ còn di truyền. Tuy nhiên, nếu xã hội không loại bỏ được những yếu tố tiêu cực thì nó sẽ biến mất vì không có môi trường để tồn tại. Hiện nay, chúng ta không có một không gian văn hóa của một “Sài Gòn xưa” nào. Chỉ có các công trình văn hóa nằm rải rác chỗ nọ, chỗ kia. Đường Đồng Khởi là con đường đầu tiên của đô thị Sài Gòn với cảnh quan cây xanh, vỉa hè, biệt thự, khách sạn... Giờ đây, nó đã không còn giữ được cảnh quan ấy nữa vì hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay đã thực sự hiểu biết trong việc bảo vệ di sản của mình. Chính quyền thành phố cũng đã có sự ghi nhận những phản ánh của cộng đồng thông qua điều chỉnh việc bảo tồn Bưu điện Thành phố, Thương xá Tax, việc chặt cây ở đường Tôn Đức Thắng. Cây cầu ở con đường này vẫn sẽ được xây, nhưng trên cơ sở tính toán sao cho bảo tồn được hàng cây trăm năm của thành phố.

Nếu nghĩ về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh trong khoảng 10-20 năm nữa, bà có mong ước gì?

Tôi nghĩ, một thành phố dù hiện đại đến đâu cũng không nên đánh mất ký ức của nó. Do đó, tôi mong chúng ta giữ được những gì đang có, đừng để nó biến dạng. Chúng ta cũng sẽ phải giải bài toàn về mặt bảo tồn, không chỉ bảo tồn các di sản văn hóa mà còn bảo tồn lối sống dân cư đô thị. Bản sắc văn hóa là điều rất khó giữ nếu chúng ta không giữ được sự ổn định cộng đồng dân cư ở vùng lõi thành phố. TP Hồ Chí Minh nên cố gắng giữ lại những tính cách văn hóa trước đó, song song với việc nâng cao ý thức của thị dân để họ chủ động trong việc điều chỉnh lối sống, cư xử cho phù hợp với thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”…

Hà Hương thực hiện

Vụn vặt đời thường ( 79 )

@ Hồi năm 75 – 76 thú thật mình rất “sợ” các anh chị, các bạn mà chính người SG gọi là “cách mạng 30/4”. Mình cũng từng bị vài bạn ấy phê bình, kiểm điểm vì “mặc áo thun quần loe là không giữ vững phẩm chất học sinh miền Bắc XHCN” và vài lý do linh tinh khác…
Về sau nhiều người trong số họ khá thành đạt.

Tuy nhiên, cũng từ bấy đến giờ thấy ai có vẻ “CM 30/4” thì mình vẫn tránh.
Ngại lắm
J

@ Hôm qua lúc mình đang make up để quay chương trình “Giai điệu tự hào”, TSKH Đoàn Hương nhìn mình và nói: Đừng tuyệt vọng trang điểm làm gì, cũng chả đẹp ra được tí nào J Mình giả nhời, vâng, em biết em như hoàng hôn rồi ạ. Nhưng “nắng được thì cứ nắng”, tại sao không J
Trang điểm vừa phải khi cần thiết sẽ làm mình tự tin hơn, đấy cũng là sự tôn trọng người khác và tôn trọng mình. Phụ nữ mà, tại sao không làm mình đẹp lên một chút J

@ Cái vụ tượng các vua Hùng to nhất được dựng ở Gia Lai cho mình biết một điều: người Kinh đang là dân tộc chủ đạo ở Tây Nguyên. 
VN là quốc gia có 54 dân tộc, đừng quên điều đó, các nhà "làm" văn hóa!

@ Những năm trước mà khẩn trương tiến hành xây dựng theo quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có quảng trường ven sông rất hoành tráng (đối diện tượng Đức Thánh Trần Q1), cùng với đó là cây cầu và con đường rất đẹp... Thì đâu xảy ra việc ngăn đường kẹt xe náo loạn cả thành phố để chuẩn bị cho lễ lạc?! Đâu xảy ra chuyện làm biến đổi cả khu trung tâm đô thị chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa?!
"Tầm nhìn" là ở đấy! Như người ta vẫn nói, "tâm" và "tầm" cùng vần chỉ cần thêm một "dấu nằm"!


160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...