TÌM "VÀNG" TRONG DI SẢN



 NHÂN DÂN CUỐI TUẦN phỏng vấn, số ngày 24/5/2015

Dù đã nghỉ hưu tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhưng dường như với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu hay còn gọi là “Hậu khảo cổ”, tơ lòng dành cho di sản và phát triển đô thị còn vương vấn đâu đây. Chị dành cho NDCT cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề bảo tồn di sản tại các đô thị hiện nay.

Giá trị “vàng” của văn hóa
- Là một người làm trong nghề lâu năm, cộng thêm những quan sát từ thực tế, xin hỏi, chị đã hài lòng với công tác bảo tồn di sản hiện nay?
- Tôi chưa bao giờ thấy hài lòng cả. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa tôi là một người vô can vì mình cũng làm trong ngành này, nhưng mà công tác bảo tồn như hiện nay rõ ràng là chưa thể hài lòng.

- Có phải vì những chuyện như tòa nhà Bưu điện TP.HCM bị phủ bởi màu vàng chói; tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang phải di dời rồi cây xanh ở Hà Nội bị triệt hạ hàng loạt? Hay còn lý do sâu xa hơn khiến chị chưa hài lòng?
- Việc những tượng đài phải dời đi hay cây xanh phải chặt ở Sài Gòn để phục vụ cho việc xây dựng Metro, mới nghe thì không ai cãi được. Bởi lẽ, để có một thành thành phố hiện đại đương nhiên phải đánh đổi, chấp nhận hy sinh. Thế nhưng tôi không hài lòng ở chỗ, đã có rất nhiều nước từng vấp phải bài học đánh đổi di sản để lấy sự hiện đại và người ta ân hận bởi vì di sản mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được. Bài học này chắc chắn mình đã nhìn thấy nhưng không hiểu sao chúng ta vẫn không có lấy một chút kinh nghiệm gì cho mình.  
Bên cạnh đó, với phương tiện khoa học kĩ thuật bây giờ có thể có những biện pháp giữ gìn, hoặc là mình nghiên cứu cách nào đó để cố gắng bảo tồn các di sản, giữ lại những hàng cây xanh mà vẫn xây được nhà ga Metro. Ngoài ra, một điều khiến tôi không hài lòng là cách truyền thông đến công chúng. Tôi thấy cách truyền thông của những nhà quản lí đến với công chúng quá đơn giản. Họ thông báo và làm luôn, người dân chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra!

- Trong xu thế đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, công tác bảo tồn di sản sẽ phải đối diện với những thách thức gì?
- Hiện nay mình đang đối diện rồi. Tốc độ phát triển kinh tế của đất nước mình quá nhanh nhưng hoàn toàn không có nghĩa là tốt. Sự phát triển này nó đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực. Nông thôn giờ đây không còn, và việc bảo tồn truyền thống văn hóa nông thôn cũng không được nữa. Ở đô thị còn khủng khiếp hơn khi những cơn lốc xây nhà cao tầng, người ta đưa hết vào khu trung tâm với một quan niệm hết sức thực dụng là “đất vàng”. Người ta chỉ hiểu là đất ở đấy dễ làm ăn, là “vàng” về kinh tế mà không thấy được “vàng” về văn hóa. Nếu chúng ta giữ gìn và bảo tồn được những giá trị văn hóa, có thể nó vô hình nhưng mà tất cả đều được hưởng. Đặc biệt, giá trị văn hóa ấy sẽ là thành tố để chúng ta phát triển du lịch. Và đó chính là “vàng” - phần thưởng cho chúng ta.

- Một bên cần phát triển, một bên kêu gọi bảo tồn. Dường như hai vấn đề này rất khó để dung hòa?
- Tôi nghĩ là vẫn có thể dung hòa được. Cụ thể là bảo tồn phải thỏa hiệp với phát triển và phát triển phải thỏa hiệp với bảo tồn, sao cho lợi ích của mỗi bên bị xâm phạm một cách ít nhất, không gây khó khăn hay thiệt thòi cho bên nào. Bằng cách này, chúng ta đã bảo tồn được khách sạn Continental (một khách sạn lịch sử nổi tiếng ở TP.HCM, được khánh thành vào năm 1880). Đây được xem là trường hợp điển hình của việc bảo tồn dù so với hình ảnh trước đây, nó chỉ giống được 60-70%. Nhưng rõ ràng, khách sạn đã được làm mới nhưng không quá xa lạ so với nguyên gốc. Nó nâng cấp lên để trở nên hiện đại hơn, nhưng tôi quý nhất là họ không xây lên cao như khách sạn Caravelle gần đó. Người ta chỉ giữ ngần ấy cao độ, còn bên trong được trang trí để sang trọng lên. Những căn phòng có những nhân vật nổi tiếng từng ở, người ta vẫn giữ và xem đó là một phần giá trị của khách sạn và giá trị đấy có thể qui ra tiền.

- Theo chị, chúng ta cần một lộ trình bảo tồn như thế nào để thích hợp với sự phát triển của đô thị?
- Về đường lối tôi nghĩ chúng ta không thiếu. Bởi luật Di sản Văn hóa đã quy định rất rõ ràng. Chỉ có điều là không ai chịu tìm hiểu cả. Từ những nhà quản lí, những người xây dựng đều không nắm luật, người dân lại càng không biết luật. Bởi vậy theo tôi, lộ trình đầu tiên là nhà nước ta phải trở thành nhà nước pháp quyền thực sự. Đặc biệt, người dân cũng phải hiểu biết về mặt pháp quyền. Khi đó, mọi người sẽ biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình như thế nào đối với di sản.

Hướng tới khảo cổ học cộng đồng
- Hiện tại, trong công tác bảo tồn di sản đang có xu hướng mới là khảo cổ học cộng đồng. Chị đánh giá thế nào về xu hướng này?
- Khảo cổ học cộng đồng đã phát triển trên thế giới và tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ xu hướng này. Bởi vì mục đích của việc khảo cổ học cộng đồng là những nhà khoa học dùng tiếng nói của cộng đồng nhằm giữ gìn và bảo tồn di sản. Muốn cộng đồng có tiếng nói với mình thì các nhà khoa học đưa những kiến thức, những hiểu biết đến cộng đồng, giúp cộng đồng cùng hiểu và cùng lên tiếng bảo tồn với mình. Tất nhiên không thể thiếu vai trò của chính quyền. Để làm được thì ba bên: nhà khoa học, chính quyền và cộng đồng phải ngồi lại với nhau, cùng phân tích những cái lợi cái hại và cuối cùng đưa ra một giải pháp có lợi nhất cho cộng đồng.

- Theo chị, chúng ta cần làm gì để xu hướng này được phổ biến rộng rãi trong đời sống?
- Đầu tiên tôi nghĩ là phải thay đổi cách dạy Sử, đừng coi Lịch sử là Lịch sử chính trị mà nên coi đó là Lịch sử văn hóa gắn liền với các di tích. Tôi tin, dạy Sử dưới góc độ những câu chuyện văn hóa giúp các em thích thú với việc học Sử, từ đó bắt đầu quan tâm đến vấn đề văn hóa. Thứ hai là nên có những công trình, những bộ sách về những thành tựu văn hóa được viết đơn giản, dễ hiểu để cộng đồng người ta đọc và nâng cao hiểu biết của mình về di sản. Ngoài ra, chúng ta có thể thông qua hệ thống bảo tàng để thu hút công chúng, từ đó có thể phổ biến kiến thức về bảo tồn di sản.
Ý thức người dân phải có một quá trình lâu dài, không thể nóng vội nhưng như vậy không có nghĩa là muốn bắt đầu lúc nào cũng được. Bây giờ đã là muộn rồi, nhưng tôi thấy người dân bắt đầu có ý thức trong việc bảo tồn di sản. Ví dụ như câu chuyện chặt cây xanh hàng loạt vừa rồi ở Hà Nội, người dân đã có những phản ứng nhất định. Điều tôi mong muốn bây giờ là làm sao để người dân hiểu rằng những di sản, ngôi nhà mà họ đi qua một cách thờ ơ hàng ngày cũng mang một giá trị như họ đã thấy ở cây xanh. Làm sao để người dân hiểu được giá trị của di sản và coi đó là di sản thực sự của họ.

- Chị vừa nói đến những bộ sách, những công trình về di sản để phổ cập đến người dân. Bản thân chị cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, hiện chị có đang ấp ủ một dự án, một cuốn sách nào tương tự thế không?
- Nói ấp ủ thì chắc là không. Từ trước tới nay, tôi vẫn thường xuyên viết những bài tạp bút, hoặc những buổi trao đổi kiến thức về khảo cổ, về di sản với các bạn nhà báo hay bạn đọc thông thường. Tôi chỉ có mong muốn là chia sẻ những hiểu biết của mình hay những trăn trở của mình trước việc di sản văn hóa đang bị xâm phạm; qua đó nhận được sự đồng tình của bạn đọc, thì đấy cũng là một cách làm.
Nếu nói về những công trình nghiêm túc thì thực sự tôi mơ có một bộ sách kiểu như văn hóa giản lược, mỗi lĩnh vực là một cuốn sách trên dưới 200 trang và trình bày một cách đơn giản dễ hiểu nhưng mà đầy đủ những kiến thức quan trọng nhất của một ngành. Làm sao mà mình viết một cách đơn giản, dễ hiểu, lấy ví dụ cụ thể sinh động, có hình vẽ đẹp, bất cứ ai cũng có thể xem được. Cho nên, nếu có một nhà xuất bản tổ chức được một tủ sách như thế, mình cứ thực hiện dần dần, không cần phải làm quá hoành tráng.

- Trước khi chờ một NXB nào đó, chị có nghĩ mình sẽ là người tiên phong không, vì rõ ràng là chị là người có nghề, có chuyên môn và khả năng viết.
- Một mình tôi không thể làm được, trong phạm vi khả năng của mình thì tôi cũng đã cố gắng làm. Nó cũng chỉ là muối bỏ biển thôi, chưa phải cái gì ghê gớm lắm.
- Cảm ơn chị rất nhiều.

HỒ HUY SƠN (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...