ThoiNay số ra ngày 1/5/2015
Một đô thị năng động về kinh tế, dễ dàng dung nạp người tứ xứ đã trở thành một tính cách văn hóa rất đặc trưng của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 40 năm sau ngày đất nước thống nhất được Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Thời Nay.
Thưa bà, từ góc độ của một nhà nghiên cứu, bà đánh giá như thế nào về sự thay đổi của Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh sau 40 năm đất nước thống nhất?
Nhìn một cách cảm quan, thành phố có những sự thay đổi đáng kể. TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có tốc độ hiện đại hóa nhanh nhất, từ cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện sinh hoạt, và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực đến đời sống dân cư. TP đã có sự chăm lo cho các vấn đề an sinh xã hội như là nhà ở, trường học, bệnh viện…cho tầng lớp trung bình trở xuống. Những khu nhà lá hay xóm ổ chuột giữa trung tâm quận 1, quận 3 xưa kia, xóm nước đen trên kênh rạch, vùng ngoại thành bây giờ đã được cải thiện.
Việc cải tạo hai hệ thống kênh lớn là Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tân Hóa – Lò Gốm, cải tạo sông Bến Nghé - song song với đại lộ Võ Văn Kiệt - là một thành tựu rất lớn. Điều đó thay đổi môi trường sống cho hàng triệu cư dân sống ven kênh rạch, làm cho TP Hồ Chí Minh trở lại một đặc điểm văn hóa cực kỳ quan trọng là văn hóa sông nước. Tất nhiên, sông nước bây giờ mang yếu tố hiện đại theo kiểu một thành phố có sông như các đô thị rất đẹp trên thế giới. Môi trường văn hóa sông nước này là nơi để người ta giải trí và hưởng thụ chứ không còn là văn hóa sông nước theo tính chất giao thông.
Trong 40 năm qua, bên cạnh chính sách của nhà nước thì không thể phủ nhận vai trò cực kỳ năng động của người Sài Gòn. Họ rất ít tuyên ngôn, rất chịu khó mày mò, cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Sài Gòn cũng tìm thấy con đường thoát.
Nói đến người Sài Gòn rất năng động trong làm ăn kinh tế, nhưng cũng không thể không nói đến tính dung nạp, bao dung của thành phố này đối với những người đến từ mọi vùng miền?
Đặc điểm làm nên sự khác biệt của Sài Gòn so với những đô thị lớn là tính dung nạp. Không chỉ Sài Gòn mà các đô thị ở vùng Nam Bộ đều có đặc tính đó, mở lòng và đón nhận người nhập cư. Điều này xuất phát từ đặc điểm lịch sử của vùng đất này. Những cư dân đầu tiên đến đây là lưu dân Ngũ Quãng mà nguồn gốc phần lớn từ Thanh Nghệ Tĩnh theo vua Lê, chúa Nguyễn đi về phương Nam. Nhiều người với nhiều gốc gác khác nhau vào đây tìm đường sống. Họ không có cách nào khác là phải đùm bọc lẫn nhau, phải ứng xử tử tế với người cũ. Nếu họ tạo ra chiến tranh để tranh giành đất đai thì không bao giờ tồn tại lâu dài và bình yên đến nay.
Với tư cách là một đô thị kinh tế, TP Hồ Chí Minh cởi mở, dễ chấp nhận vì đó là điều kiện sống còn để phát triển. Nó khác với những trung tâm chính trị khác, lúc nào cũng phải bảo thủ một chút. Người Sài Gòn ít khi kỳ thị những cái khác mình. Tất cả những cái mới vào đây đều được đón nhận và tự do phát triển một cách công bằng. Ở Sài Gòn, ta có thể ăn những món ăn của nhiều vùng miền, từ cao cấp đến bình dân. Ngôn ngữ cũng rất đa dạng và không nhất thiết là phải nói giọng Sài Gòn. Một nguyên nhân nữa là vùng đất này được tiếp xúc với những giá trị dân chủ từ sớm. Mặt khác, cơ tầng văn hóa chưa sâu để có thể “đồng hóa” những người đến sau và Sài Gòn cũng không đặt ra nhiệm vụ phải “đồng hóa” những văn hóa khác.
Người Sài Gòn mua vé số nhiều khi để giúp những người khó khăn hơn chứ không hẳn là mua cái lợi cho mình. Những quán cơm 2000, trà đá miễn phí dọc vỉa hè cũng là những nghĩa cử như thế. Cô bán vé số, anh xe ôm dừng lại uống nước cũng rất chừng mực, biết để dành cho người đến sau chứ không đổ bừa bãi, tràn lan. Những người bình thường, chứ chưa cần giàu, cũng có thể giúp đỡ người khác bằng việc làm nho nhỏ, giản dị. Nếu mất đi những đặc điểm này thì rất đáng tiếc, bởi vì có thể coi đó là một di sản văn hóa về tính cách con người, một tính cách văn hóa rất Nam Bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh một đô thị năng động, hiện đại và cởi mở, theo bà, TP Hồ Chí Minh còn giữ được những đặc điểm nhận dạng văn hóa nào sau 40 năm phát triển?
Cá tính văn hóa sẽ còn di truyền. Tuy nhiên, nếu xã hội không loại bỏ được những yếu tố tiêu cực thì nó sẽ biến mất vì không có môi trường để tồn tại. Hiện nay, chúng ta không có một không gian văn hóa của một “Sài Gòn xưa” nào. Chỉ có các công trình văn hóa nằm rải rác chỗ nọ, chỗ kia. Đường Đồng Khởi là con đường đầu tiên của đô thị Sài Gòn với cảnh quan cây xanh, vỉa hè, biệt thự, khách sạn... Giờ đây, nó đã không còn giữ được cảnh quan ấy nữa vì hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay đã thực sự hiểu biết trong việc bảo vệ di sản của mình. Chính quyền thành phố cũng đã có sự ghi nhận những phản ánh của cộng đồng thông qua điều chỉnh việc bảo tồn Bưu điện Thành phố, Thương xá Tax, việc chặt cây ở đường Tôn Đức Thắng. Cây cầu ở con đường này vẫn sẽ được xây, nhưng trên cơ sở tính toán sao cho bảo tồn được hàng cây trăm năm của thành phố.
Nếu nghĩ về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh trong khoảng 10-20 năm nữa, bà có mong ước gì?
Tôi nghĩ, một thành phố dù hiện đại đến đâu cũng không nên đánh mất ký ức của nó. Do đó, tôi mong chúng ta giữ được những gì đang có, đừng để nó biến dạng. Chúng ta cũng sẽ phải giải bài toàn về mặt bảo tồn, không chỉ bảo tồn các di sản văn hóa mà còn bảo tồn lối sống dân cư đô thị. Bản sắc văn hóa là điều rất khó giữ nếu chúng ta không giữ được sự ổn định cộng đồng dân cư ở vùng lõi thành phố. TP Hồ Chí Minh nên cố gắng giữ lại những tính cách văn hóa trước đó, song song với việc nâng cao ý thức của thị dân để họ chủ động trong việc điều chỉnh lối sống, cư xử cho phù hợp với thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”…
Hà Hương thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét