Nguyễn
Thị Hậu
Tháng Tư vừa
qua đã có nhiều cuốn sách được xuất bản và bán chạy là những tác phẩm về Sài
Gòn, có thể nói hầu hết là những tập tản văn, tạp bút, tùy bút.
Tác giả viết về
Sài Gòn già có trẻ có mà trung niên cũng có, nội dung thì muôn hình vạn trạng
như cuộc sống Sài Gòn. Mỗi cuốn tản văn, tạp bút như một nồi lẩu phong phú những
“chất liệu” khác nhau, tuy nhiên vẫn có
thể nhận ra “lẩu” của người Sài Gòn “xịn”, lẩu của người nhập cư mươi năm trở
thành “người Sài Gòn” vì… có cuốn sổ hộ khẩu, hay lẩu của người mới vô Sài Gòn
vài năm còn ở nhà trọ việc làm chưa ổn định. Có tác giả là người viết không
chuyên, họ như từ trang facebook bước
ra mang theo những “ân oán giang hồ” với Sài Gòn mà nếu không tỏ bày, chia sẻ
thì họ cảm thấy mình như còn mắc nợ Sài Gòn, một món nợ nghĩa tình không dễ gì
đền đáp.
Mỗi người viết
nhìn Sài Gòn từ những góc khác nhau về thời gian, không gian, lứa tuổi, công việc
nghề nghiệp, sự trải nghiệm, các mối quan hệ… Ở góc độ nào thì “nồi lẩu” của họ
đều thể hiện được đặc trưng của nó, hệt như khi ta vào quán lẩu có thể thưởng
thức các món lẩu cá kèo, lẩu gà lá giang, lẩu chua cay Thái, lẩu cua đồng rau mồng
tơi, lẩu riêu cua thịt bò, lẩu canh chua cá lóc, lẩu mắm, lẩu cá thác lác khổ
qua bào… được nấu đúng như món lẩu đó cần phải như thế.
Thực ra Sài Gòn
không có một loại lẩu của riêng mình. Mỗi loại lẩu có “xuất xứ, niên đại” khác
nhau nhưng khi tụ hợp về Sài Gòn thì dường như tất cả đều trở thành “lẩu Sài
Gòn” bởi sự dung hòa, có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng, cho đúng “gu”,
do vậy ai cũng ăn được ai cũng thích, quan trọng là được ăn cùng bạn bè, người
thân trong không khí của một quán lẩu “rất Sài Gòn”.
Những cuốn tản văn, tạp bút về Sài Gòn
mang lại cho tôi cảm giác đó.
Tình cờ trên
giá sách của tôi các tập sách của ba tác giả sau đây đứng cạnh nhau, với tôi họ
là đại diện cho ba thế hệ người Sài Gòn. Đó là nhà văn Trần Tiến Dũng, “người lữ
hành kỳ dị” blogger Đàm Hà Phú và nhà văn “ngôn tình” trẻ Anh Khang.
Nhà văn Trần Tiến Dũng
là người “Sài Gòn xịn”, không chỉ theo nghĩa gần như cả đời ông sống ở Sài Gòn
mà còn vì các tác phẩm của ông thấm đẫm chất Sài Gòn: giản dị, tưng tửng, hóm
hỉnh mà sâu sắc, da diết… Đặc biệt khi ông viết về ẩm thực Sài Gòn trong tập Món ngon, gia vị và cảm xúc mới được xuất
bản. Từ món ăn đơn sơ nơi góc bếp của Mẹ thời thơ ấu đến thế giới ẩm thực muôn
màu muôn vị ở Sài Gòn, người đàn ông từng trải này đã “nấu lại” và nêm vào đó
thứ gia vị cảm xúc là những lời thủ thỉ tinh tế, nhẹ nhàng mà thấm đẫm yêu
thương. Chỉ qua những “món ngon” thôi ông đã vẽ nên một Sài Gòn “đậm đà bản sắc gia vị quê nhà và đô thị đa
văn hóa ẩm thực thân quen”. Và tôi hiểu nhà văn Trần Tiến Dũng không chỉ
nói về món ngon Sài Gòn mà ông còn dựng lại ký ức của cả một thế hệ đi qua thời
chiến tranh nhưng lại mất mát nhiều
trong hòa bình.
Đàm Hà Phú nói về mình: “Tôi sinh
ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ,
vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng
vì chẳng biết viết gì. Tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, tôi viết nhiều vậy mà chưa viết
về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.
Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn
nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người
ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một
thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình
nghĩa khác, không phải là quê hương.
Có
lẽ không cần nói thêm gì về những “Chuyện
nhỏ Sài Gòn” của blogger nổi tiếng này. Sài Gòn của Phú hồn nhiên, nhân
hậu, hào sảng… hệt như Phú, một người nhập cư như hàng triệu người khác nhưng
chất Sài Gòn - miền Tây đã thấm sâu vào anh. Có thể coi Phú là đại diện cho lứa
tuổi trưởng thành ở Sài Gòn vào thời hậu chiến, bình thản đón nhận cuộc sống
nhọc nhằn khó khăn nhưng chính họ đã luôn mang lại sức sống mới cho Sài Gòn.
Chính điều đó đã làm nên một tình yêu Sài Gòn khó nói thành lời nhưng vô cùng
sâu bền ở họ.
Anh
Khang gần đây nổi lên với những cuốn sách dành cho tuổi teen được phát hành đến hàng chục ngàn bản. Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em là tập tùy bút đầu tiên về Sài Gòn. Nếu
những tập truyện ngắn của Anh Khang có thể coi là “ngôn tình” nhẹ nhàng đầy cảm
xúc của tuổi mới lớn thì tập tùy bút này là những suy nghĩ lãng mạn, thậm chí
hơi “sến sủa” nhưng lại khá già dặn, chững chạc của cậu trai Sài Gòn thế hệ 8x.
"... hạnh phúc của mọi cuộc hành trình rốt cục
không nằm ở đoạn đường đã đi, mà chính ở khi quay về. Thấy vẫn có một bóng
hình đứng chờ lặng lẽ, những kỷ niệm be bé ban sơ vẫn mỉm cười đón mình trở
lại. Rưng rưng nhận ra, những thân thương xưa cũ hình như vẫn chưa một lần
bội bạc. Dẫu mình đã khác lắm sau ngần ấy tháng năm". Từ những
chuyến đi ngắn ngày qua nhiều nước nhiều địa danh nổi tiếng, cậu trai sinh ra
và lớn lên ở Sài Gòn đã để dành từng cảm xúc nhớ nhung từng câu chữ yêu thương
cho nơi có gia đình ấm áp, nơi có mối tình đầu đã chia xa, và là nơi, tôi tin,
Anh Khang sẽ luôn dành cho nó một tình yêu mãnh liệt!
Ba tác giả, ba thế hệ, ba văn phong. Từng
trải, trầm tĩnh hay “giang hồ”, hóm hỉnh hay lãng mạn “sên sến”… Với tôi, họ là
những người Sài Gòn và viết về Sài Gòn thật hay! Tình cảm từ trái tim được thể
hiện bằng thứ ngôn ngữ chân thật, không có những câu từ uốn éo “cao sang”,
không đánh đố người đọc, cũng không chao chat nghiệt ngã khi nói về những được
mất... Mỗi góc nhìn của họ đều lấp lánh vẻ đẹp của một Sài Gòn khoan dung giản
dị đời thường mà đa dạng và bền vững theo thời gian.
Đọc họ, tôi chợt nhận ra một điều, Sài Gòn không
cần cái danh “người Sài Gòn xịn” để chỉ những người ba bốn đời sống ở Sài Gòn
với những cảnh vẻ nền nếp xa xưa. Với Sài Gòn, người Sài Gòn xịn là những ai
hết lòng sống với Sài Gòn, hết lòng yêu Sài Gòn, hết lòng nhớ Sài Gòn, bất kể
họ ở Sài Gòn từ khi nào và họ từ đâu đến.
Và tôi biết, nhiều người
đang ở rất xa nhưng vẫn là người Sài Gòn dù trong họ, Sài Gòn chỉ còn là ký ức.
Sài Gòn 15/5/2015
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaChào Cô Hậu,
Trả lờiXóaTôi muốn tìm mua quyển sách "Món ngon, gia vị và cảm xúc" của "Trần Tiến Dũng" mà hỏi mấy nhà sách ở Sàigòn không có, Cô có biết mua ở đâu được mấy cuốn sách đã được có đề cập trong bài không ?
Lê văn Hưng
Chào anh Hung Levan, anh mua sách online trên nhà sách Tiki xem ạ, ở đó luôn có sách mới. :)
Trả lờiXóa