QUY HOẠCH ĐÔ THỊ XANH TP.HCM (báo Pháp luật TPHCM, Xuân Giáp Thìn)

 https://plo.vn/quy-hoach-do-thi-xanh-tphcm-post775461.html

Nguyễn Thị Hậu

1.

Cư dân đô thị ngày nay thường có thói quen, mỗi ngày trước khi bước ra đường phố đi làm, đi học, chạy công chuyện... đều nhìn vào app ở điện thoại, xem chỉ số không khí, mức độ ô nhiễm khu vực mình sống, thành phố của mình hôm nay thế nào... Thấy trên app thường xuyên hiện lên màu tím sẫm thì cũng chỉ lắc đầu rồi vẫn phải ra đường trong bầu không khí mà ai cũng biết rằng, mức độ ô nhiễm như thế thì có hại cho sức khỏe.

Đấy là một trong muôn vàn sự lo lắng của cư dân thành phố mỗi ngày, bên cạnh nỗi lo “vi mô” là cơm áo gạo tiền trong thời buổi làm ăn khó khăn đến “vĩ mô” hơn là sự biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến cả thế giới... Nhưng sự đối mặt với ô nhiễm không khí hay vệ sinh thực phẩm khá vô hình cho đến khi tác hại của nó bộc lộ bằng bệnh tật. Công bằng mà nói, thực trạng này các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý đã cảnh báo từ lâu, đồng thời nhiều biện pháp được thực hiện nhằm giảm bớt các nguy cơ. Tuy nhiên hiện nay mức độ phát triển của các thành phố về quy mô, dân số và sự “hiện đại hóa” từ cơ sở hạ tầng đô thị đến tiện nghi sinh hoạt của từng gia đình, từng cá nhân... lại vượt quá sự đối phó và giải quyết ô nhiễm và nhiều vấn nạn khác.

TP HCMinh là một trong những thành phố trên thế giới bị tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Tính dễ bị tổn thương của thành phố là do có địa hình thấp trũng gần biển; dân số đông (hơn 10 triệu) và không ngừng gia tăng. Thời gian qua thành phố phải đối mặt với các loại thiên tai và nguy cơ như mưa lớn, triều cường, sạt lở, sụt lún, hạn hán, nắng nóng gay gắt, bão và áp thấp nhiệt đới thường xuyên hơn... Một nguyên nhân và nguy cơ nữa là tốc độ đô thị hóa ngoài kiểm soát, bê tông hóa tràn lan làm giảm độ thẩm thấu nước mưa, gia tăng dòng chảy mặt và giảm diện tích, nguồn nước ngầm dự trữ. Ảnh hương quan trọng đến các hoạt động kinh tế và đời sống người dân là ngập nước. Nguyên nhân thì người dân “thuộc lòng”: do mưa lớn, triều cường, xả lũ hoặc kết hợp cả 3 yếu tố trên. Còn nhà quản lý thì nhìn nhận: công tác quản lý nước và chống ngập không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Tất cả thực trạng và nguy cơ cấp thiết ấy đòi hỏi, trước mắt là công tác quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển của đô thị. Nhưng quan trọng hơn để đảm bảo phát triển bền vững, để ứng phó với một cách căn cơ, hiệu quả và lâu dài, công tác quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài xu hướng tất yếu hiện nay là xây dựng và phát triển một “thành phố xanh”.

2.

            Khái niệm  “Đô thị xanh” trong nhận thức của nhiều người gắn liền với cảnh quan màu xanh của những công viên, hồ nước... Nhưng nay khái niệm này được mở rộng toàn diện với nhiều chuẩn mực mới khắt khe hơn, chú trọng nhiều hơn đến bảo vệ và sử dụng tài nguyên tự nhiên. Quy hoạch và phát triển những “thành phố xanh” nhằm mục tiêu tránh lãng phí tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo mức sống tốt hơn cho con người.

Từ tiêu chí cơ bản là “không gian xanh”, quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cần bảo toàn diện tích không gian công cộng như công viên và số lượng cây xanh cổ thụ, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ. Hạn chế tối đa đi đến chấm dứt việc cắt đất công viên, hạ chặt cây xanh để xây dựng hạ tầng. Bởi vì có thể trước mắt giải tỏa về giao thông nhưng tác hại lâu dài về ô nhiêm môi trường, sống trong sự bức bối vì không gian dày đặc bê tông, kính, thép... sẽ tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của người dân. Chưa kể những cảnh quan tồn tại qua hàng trăm năm đã trở thành di sản đô thị. Nhiều thành phố trên thế giới, ở những tuyến đường dịch vụ thương mại, phố đi bộ, hai bên quảng trường rộng lớn... luôn có vỉa hè rộng rãi và có mái che từ cấu trúc của những dãy nhà cao tầng hay shophouse, không phải là “mái che” theo kiểu cơi nới ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.

Quy hoạch những đô thị mới cần có nhiều không gian xanh công cộng, có thể diện tích không lớn nhưng phân bố rộng khắp tại các khu chung cư, trường học, bệnh viên, quanh các công sở... Mật độ xây dựng các cụm công trình cao tầng càng thưa thoáng thì diện tích xanh càng nhiều. Không "đánh đổi" đất dành cho các công trình phúc lợi để xây dựng các khu thương mại, nhà ở, không vì lợi ích trước mắt mà xóa bỏ lợi ích môi trường của cộng đồng. Kiến trúc của từng tòa nhà cao tầng cũng cần thiết kế có không gian xanh trong từng căn hộ và tại khu vực sinh hoạt chung. Từ ý thức chăm sóc không gian xanh “của mình” người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ không gian xanh công cộng “của chúng ta”.

Thành phố Hồ Chí Minh là “đô thị sông nước”, nhưng hiện nay tài nguyên nước chưa được đánh giá đúng giá trị và tiềm năng, chưa sử dụng hợp lý, hiệu quả lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển. Tài nguyên nước không chỉ là mặt nước sông, kinh rạch mà còn là lượng nước mưa và nước ngầm. Vì vậy định hướng quy hoạch TP. Hồ Chí Minh theo xu hướng “thành phố xanh” là giữ gìn mặt nước sông, kinh rạch sạch sẽ, dòng chảy thông thoáng, chấm dứt xả rác và nước thải ra sông, kinh rạch. Đồng thời giảm thiểu xu hướng bê tông hóa vỉa hè và không gian công cộng, tăng cường mảng cỏ xanh, trồng cây tạo bóng mát và cảnh quan, để có thể tiếp nhận và thẩm thấu nước mưa tốt hơn, bổ sung cho lượng nước ngầm.

            Kết hợp không gian công cộng và không gian sông nước là một lợi thế của quy hoạch TP. Hồ Chí Minh. Phát triển không gian mở tại các công viên và tuyến cây xanh trong khu vực nội thành cũ dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, nhất là ven sông nước và kinh rạch của thành phố để thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước và cảnh quan. Đặc biệt là đầu tư xây dựng cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn với chủ đề Xanh, Sạch, Đẹp. Khu vực trung tâm cần trở thành cảnh quan mẫu mực của “thành phố xanh”, vì đây là nơi vui chơi giải trí quen thuộc của phần lớn cư dân thành phố nhất là trong các dịp lễ tết, là nơi du khách tiếp xúc đầu tiên và sẽ có ấn tượng lâu dài về thành phố.

Các khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh, đồng thời quan tâm đúng mức các khu bảo tồn đa dạng sinh học khác. Kiểm soát tốc độ và quy mô đô thị hóa trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của thành phố.

3.

Quá trình quy hoạch và phát triển đô thị dựa trên tầm nhìn dài hạn về thới gian và tổng thể về không gian, trong đó cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông và phúc lợi công cộng là những lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.Thành phố xanh không chỉ là bảo toàn cảnh quan xanh và tài nguyên nước, mà còn là thành phố sạch về không khí, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ô nhiễm môi trường do khí thải hiện nay là một vấn nạn vì càng phát triển mức độ ô nhiễm không khí càng gia tăng. Vì vậy, giảm thiểu khí thải, hạn chế tối đa sử dụng năng lượng không thể tái tạo là quốc sách của nhiều quốc gia trong phát triển bền vững. Quy hoạch định hướng sản xuất nguồn năng lượng sạch (nguồn điện mặt trời, điện gió) từ nhiều nguồn lực, không nhất thiết phải từ nguồn vốn nhà nước, đầu tư chuyển đổi phương tiện giao thông và những trang thiết bị khác qua sử dụng năng lượng tái tạo... là một mục tiêu quan trọng của quy hoạch thành phố xanh

Phát triển nhanh giao thông công cộng bằng năng lượng tái tạo cần song song thậm chí phải đi trước việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải... Hiện nay việc xây dựng hạ tầng đường bộ cao tốc, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, thậm chí cả đường hàng không đang được ưu tiên phát triển, nhưng đường thủy (trên sông, ven biển) đang bị “bỏ quên” trong quy hoạch hệ thống giao thông chung. Đây là một lợi thế, tiềm năng lớn đồng thời cũng là một yếu tố văn hóa đặc trưng của đô thị Sài Gòn và vùng đất Nam bộ

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại hóa thành phố hiện hữu và đô thị hóa các khu vực mới nhằm mục tiêu Thành phố xanh, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM tạo ra một “cơ hội vàng” cho thành phố xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân. 

 




 

VỤN VẶT CHO NGÀY VALENTINE

 


#truyen100chu for Valentine's day 🙂

(1)

Bây gi cái gì cũng cn mt khu: th tín dng, máy tính, đin thoi, tài khon ngân hàng, email, mng xã hi... Dùng nhiu thì mt khu thuc lòng. Ít dùng s quên mt khu, có khi phi phi đổi mt khu để bo mt.

Mt ngày cô đột ngt ra đi. Nhìn căn nhà trng vng anh cht nhn ra t lâu mình đã quên “mt khu” đăng nhp vào trái tim cô.

Đơn gin ch là “anh yêu em”.

 (2)

Rt lâu ri v chng hình như chng còn nói li ngt ngào vi nhau. Mt ngày kia theo trò chơi ca bn bè, cô ly đin thoi nhn cho chng “Em yêu anh!”. Nh li "mt khu" ngày xưa ca hai người cô bng bi hi...

Chng tr li ngay “Làm sao thế, điên à? Hay nhn nhm cho thng nào?!”

Cô git mình, tưởng va đăng nhp sai tài khon.

(3)

Ca hàng bán nhng chiếc bình đẹp bng pha lê và thy tinh. Bình thy tinh bán chy hơn vì nhìn cũng ging pha lê, nhưng giá r, v cũng không tiếc.

Ít người mua bình pha lê, nhưng đã mua thì gi gìn cn thn, không chđắt tin mà vì hiu giá tr hoàn m ca bình pha lê như mt tác phm ngh thut.

Tình yêu như pha lê còn nhng gì ging như tình yêu ch là thy tinh.

@ BÀI HÁT CỦA MỘT THỜI

Có một bài hát nhiều năm trước đã luôn bên tôi trong những khoảnh khắc không thể chia sẻ cùng ai…

Đó là khoảng thời gian rất khó khăn của tôi vì công việc luôn bị những áp lực quá nặng nề, không phải từ những việc phải làm mà từ mối quan hệ trong công sở. Làm công chức nhà nước đã rất nhiều năm nhưng quả thật chỉ đến lúc đó tôi mới nhận thấy sự đố kỵ, hèn nhát và cơ hội là… vô hạn, ở người càng “có học” thì những điều đó càng trở nên kinh khủng vì không thể biết trước nó sẽ hiện ra như thế nào và vào lúc nào, chưa kể một số người luôn tự cho mình quyền phán xét, dạy dỗ, thậm chí mạt sát người khác mà chẳng cần lý do nào cả!

Đó cũng là khoảng thời gian một người bạn thân thiết lẳng lặng biến mất sau một lý do nào đó… Nhiều lúc lo lắng tự hỏi, không biết bạn có chuyện gì nhưng tôi không tìm bạn, vì hiểu, bạn đã không muốn liên lạc có nghĩa là không nên tìm kiếm. Dù lúc chông chênh nhất là lúc cần nhất bạn bè bên cạnh.

Rồi thời gian cũng trôi qua. Tôi chai sạn hơn, không còn quá dằn vặt vì sao con người lại có thể ác nghiệt với nhau như thế… Nhưng câu hỏi đó thì lúc nào cũng còn đó, như một vết thương sâu hoắm mà sự từng trải chỉ như lớp bông băng bên ngoài còn bên trong vẫn nhức nhối không thể kéo da non.

Rồi thời gian lại trôi qua, tôi đã bớt thảng thốt khi có gì đó gợi nhớ đến bạn, không còn day dứt tự hỏi, mình sai hay đúng khi cũng im lặng rời khỏi con đường đi chung… “Và nếu thuộc về nhau ta sẽ trở lại”, tôi luôn tin như thế, vì còn đó những ký ức chung…

Rồi thời gian mải miết trôi, lớp da non dần phủ lên vết thương sẽ thành sẹo. Nhưng mỗi khi có gì gợi nhớ đến bạn thì trái tim vẫn nhói đau... tôi đã luôn cẩn thận mà vẫn không tránh được… Chỉ có điều, bạn biết không, dù sự vô tâm làm cạn kiệt cảm xúc nhưng chúng ta đã sai lầm khi buông tay vì tưởng rằng mọi việc sẽ qua... “Và rồi ta hứa sẽ quay trở lại, vào một ngày mai như hai người bạn...”. Có thể như thế được không?

“Cuộc đời này dù ngắn nỗi nhớ quá dài…”. Bạn và tôi, chúng ta đã từng trải vậy mà lòng vẫn rưng rưng, như là những lời này được viết ra dành cho ngày Valentine của những người tuổi không còn trẻ nữa…

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024)

 Nguyễn Thị Hậu

Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chức năng hành chính – chính trị mà còn là trung tâm kinh tế thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Tài liệu lịch sử cho biết, khoảng cuối thế kỷ 18 ở Sài Gòn đã có tầng lớp thợ thủ công đông đảo nhiều ngành nghề, tập hợp trong các “ty thợ” của nhà nước. Có đến 62 ty thợ sản xuất hầu hết những sản phẩm phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của giới quan lại, người giàu có đến thường dân...  

Bên cạnh đó còn có hàng trăm “phường thợ” tập hợp những người sản xuất tự do trong những làng nghề khắp vùng Bến Nghé – Sài Gòn. Hệ thống địa danh ngành nghề được ghi lại trong sử sách phản ánh tính chuyên nghiệp trong sản xuất và tính thị trường cao trong lưu thông sản phẩm. Có thể kể đến những địa danh như Hàng Đinh, Xóm Chiếu, đường Thợ Tiện, cầu Muối, xóm Cốm, xóm Lá (buông), xóm Lò rèn, xóm Câu, xóm Dầu, xóm Đệm buồm, xóm Bột, xóm Đường, xóm Chỉ, xóm Lụa...

Quá trình đô thị hóa từ nửa sau thế kỷ 19 đến nay đã làm mất đi nhiều xóm nghề trong đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn, đồng thời lại làm hình thành và phát triển một số “làng nghề“ mới, do nhu cầu mới của thị trường và do luôn tiếp nhận luồng di dân và những kỹ thuật mới.

***

Bắt đầu xóm Lò Gốm với sản phẩm “gốm Sài Gòn”, ngày nay đây là loại cổ vật quý hiếm trong nhiều sưu tập tư nhân và các bảo tàng. Cho đến nay vẫn còn những tên đường Lò Gốm, Lò Siêu, Xóm Đất, cầu Lò Chén, các chành lu, chành chén dọc bến Lò Gốm, rạch Lò Gốm, kênh Lò Gốm... ở khu vực quận 6, quận 8. Quận 11 có khu lò gốm Cây Mai được người Pháp ghi nhận rất sớm, làm cho địa danh này trở thành tên gọi của một dòng gốm mỹ nghệ và trang trí kiến trúc tinh xảo và độc đáo. Dấu tích cuối cùng của “xóm Lò gốm” là lò gốm cổ Hưng Lợi ở quận 8. Kết quả khai quật cho biết mức độ sản xuất và các loại hình sản phẩm của lò Hưng Lợi và nhu cầu tiêu dùng của xã hội thay đổi khá nhanh từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20.

Đến cuối thế kỷ 20, khu vực xung quanh lò gốm cổ Hưng Lợi chỉ còn một xóm làm bếp lò ở gần đó. Thực ra chỉ có 7-8 gia đình làm nghề “nắn ông lò”, thợ chính là người trong nhà và mướn thêm một số thợ phụ là bà con hàng xóm. Thợ chính làm mọi khâu kỹ thuật cơ bản: xử lý nguyên liệu, tạo dáng và đốt lò nung. Thợ phụ làm công đoạn tạo miếng chắn lò, vận chuyển sản phẩm vào, ra lò, bọc thân lò bằng thiếc trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm có lúc bán ra tận Ninh Thuận, Bình Thuận, từ tháng 10 nhà nào cũng tăng thêm thợ vì nhu cầu bếp lò tăng nhanh vào dịp Tết.

Nhiều năm nay dân cư thành phố và nhiều vùng nông thôn hầu như không còn sử dụng than, củi nữa nên nhu cầu bếp lò giảm nhiều. Cũng may vẫn còn một tục lệ rất hay khi năm hết tết đến: ngày 23 cúng ông Táo xong, ông lò cũ được cho ra vườn nghỉ ngơi bên gốc cây hay ven bờ kinh, gia đình mua ông lò mới về và đốt bếp mới cầu mong mọi sự bình an trong năm mới. Nhờ vậy chắc con cháu còn biết loại bếp “ông lò” và nghề gốm một thủa vang danh của đất Sài Gòn.

***

Trên đường Cách mạng tháng Tám – một trong hai con đường thiên lý xưa nhất của thành phố - có hai làng nghề nổi tiếng trong hai giai đoạn lịch sử. Từ quận 1 qua khỏi bùng binh ngã sáu Dân Chủ là đến khu vực Hòa Hưng. Nơi này có một làng nghề đúc đồng hình thành từ nửa sau thế kỷ 20. Khoảng năm 1954, một số người dân làng đúc đồng Ngũ Xá (Hà Nội) vào sinh sống ở khu vực này, họ cùng nhau mưu sinh bằng nghề truyền thống mang theo từ quê hương, dần dần hình thành làng nghề đúc đồng Hòa Hưng với sản phẩm chủ yếu là đồ đồng tam khí nổi tiếng và phổ biến ở phía Nam. Gần 70 năm qua làng nghề đúc đồng Hòa Hưng một thời hưng thịnh nay chỉ những người hoài cổ biết đến.  

Đây cũng là tình trạng của làng đúc đồng An Hội (Gò Vấp). Thời kỳ phát đạt, làng có đến hơn 40 lò đúc đồng. Những ngày cận Tết trong làng lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán xe chở hàng đi khắp nơi. Sản phẩm nhiều loại nhưng nhiều nhất vẫn là đồ thờ cúng: lư hương, chân đèn, bát nhang... nhiều kiểu dáng truyền thống và độc đáo. Đến nay đồ thờ cúng đúc đồng thủ công với độ tinh xảo, “độc bản” thì giá thành cao nên khó cạnh tranh với đồ đồng sản xuất hàng loạt. Những nghệ nhân sống và gắn bó với làng đúc An Hội cả trăm năm đều rất trăn trở với việc giữ và truyền nghề, vì không còn thợ trẻ và con cái cũng không theo nghề nữa.

Cuối đường Cách mạng tháng Tám, qua khỏi bệnh viện Thống nhất là đến vùng Bảy Hiền, nơi người Quảng vô Sài Gòn đã lập ra làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, nơi những người sành ăn thường xuống chợ Bà Hoa ở đây để thưởng thức mì Quảng và nghe giọng Quảng đậm đặc như chưa hề có vài chục năm xa quê. Vào thời hưng thịnh làng dệt Bảy Hiền như một khu công nghiệp thật sự. Cả khu vực vang động tiếng máy dệt, mỗi năm sản xuất hàng triệu mét vải, có sức cạnh tranh rất mạnh so với vải của người Hoa ở Chợ Lớn hay vải nhập khẩu.

Nhưng từ đầu những năm 2000, sản phẩm của làng dệt Bảy Hiền mất dần chỗ đứng trên thị trường do hàng ngoại tràn ngập lấn át về giá thành và mẫu mã. Làng dệt có “thương hiệu mạnh” một thời nay chỉ còn một số nghệ nhân duy trì vài máy dệt sản xuất nhỏ lẻ để giữ nghề truyền thống như giữ một giá trị văn hóa của đô thị Sài Gòn.

***

Trong vùng Chợ Lớn có một Hội quán đặc biệt: Lệ Châu hội quán, nhà thờ tổ nghề thợ bạc tại Sài Gòn và cả Nam Bộ. Hội quán ra đời sớm nhất và gắn liền với ngành sản xuất và kinh doanh kim hoàn của người Hoa tại đây, sau này phát triển ra nhiều tỉnh thành Nam bộ. Qua bao thăng trầm, ngày nay địa điểm này đã trở thành một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi hội ngộ và giao lưu kinh nghiệm của nhiều hội nhóm, nghiệp đoàn trong lĩnh vực kim hoàn.

Vào cuối thế kỷ 19, tại khu vực Chợ Lớn nghề kim hoàn và chế tác nữ trang rất phát triển, lúc bấy giờ đã có hơn 30 lò thợ bạc hành nghề. Đến giữa thế kỷ 20 Chợ Lớn là một trung tâm thủ công nghiệp nói chung và nghề kim hoàn nói riêng. Chợ Thiếc là ngôi chợ truyền thống lâu đời chuyên mua bán các mặt hàng vàng bạc. Đặc biệt đây là chợ kim hoàn lớn nhất của thành phố, vừa là “công xưởng” chuyên chế tác, gia công, sửa chữa đồ trang sức, vừa là chợ mua bán vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức với mức độ lớn. Đặc biệt ngay trên tầng 1 của chợ là một "trường học nghề" chuyên về mỹ nghệ - kim hoàn. Sự gắn bó, liên kết chặt chẽ từ nơi sản xuất, thị trường mua bán đến truyền nghề kim hoàn trong trường hợp Chợ Thiếc thể hiện một hình thái kinh tế khá độc đáo của đô thị Sài Gòn: nơi sản xuất và phố buôn bán sản phẩm đặc trưng liên kết thành một thể thống nhất.

Khái niệm “làng nghề truyền thống” gắn sản xuất thủ công với làng cổ - hình thức cư trú truyền thống. Nhưng quá trình đô thị hóa đã biến các làng cổ thành phố phường, thợ sản xuất là thị dân. Vì vậy sự hình thành và phát triển những “phố chuyên doanh” ở TP. Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối “làng nghề” ở một hình thức mới để thích ứng và đáp ứng nhanh nhu cầu xã hội. Mối liên hệ này thúc đẩy và điều chỉnh quy mô sản xuất của làng nghề, mức độ nào đó góp phần bảo tồn nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt với nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề mộc...  các sản phẩm dễ bị thay thế bởi chất liệu hiện đại, sản xuất hàng loạt nên khó tồn tại và phát triển.

***

Cuối năm nhu cầu mua sắm tăng hơn, nhất là những mặt hàng truyền thống phục vụ Tết âm lịch. Vào dịp này tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp) thường tổ chức hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Những năm trước các gian hàng nổi bật là nghề mộc truyền thống với sản phẩm đồ gỗ gia dụng nhiều kiểu dáng. Năm nay hội chợ có gần 300 gian hàng trưng bày đa dạng các mặt hàng từ đặc sản ẩm thực tới hàng gia dụng, trang sức, quần áo… của TP.HCM và các tỉnh thành, vùng miền khác. Tuy nhiên các gian hàng “làng nghề” của TP. Hồ Chí Minh khá khiêm tốn nếu không chú tâm tìm kiếm.

Hiện nay TPHCM còn nhiều “làng nghề” truyền thống khác: làng nghề bánh tráng, làng nghề đan lát, làng nghề mành trúc, làng làm lồng đèn, làng nghề đan giỏ trạc, làng nghề se nhang, làng nghề làm muối; nhiều cơ sở chế biến khô thủy sản... cả “phố đông y” Hải Thượng Lãn Ông cũng có thể coi là làng nghề sản xuất nhiều loại thuốc Bắc. Những “làng nghề” này đã có thị trường nhất định, nhưng TP. Hồ Chí Minh là nơi nhiều nguồn hàng hóa đổ về, nếu “làng nghề truyền thống” không gắn liền với một khu vực “chuyên doanh” như đầu mối lớn nhất, các cơ sở sản xuất và ngành quản lý không tổ chức hình thức chuyên doanh và quảng bá mới, thì tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng về mọi mặt, nhất là nhu cầu tiêu dùng cả về loại hình và chất liệu hàng tiêu dùng. Nguy cơ các làng nghề thu hẹp sản xuất và mất dần nghề truyền thống, cũng là mất đi một loại hình di sản phi vật thể gắn liền và phản ánh quá trình lịch sử vùng đất Sài Gòn.





 

Sài Gòn, 22.12.2023

LÀ CÂY MỘT GỐC LÀ CON MỘT NHÀ (báo NGƯỜI LAO ĐỘNG XUÂN 2024)


Nguyễn Thị Hậu
1.
Trong suốt thế kỷ 20, Việt Nam được thế giới biết đến như biểu tượng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ năm 1975, đất nước ta đã chấm dứt chiến tranh sau nhiều năm dài đau thương chia cắt. Tuy bước vào kỷ nguyên hòa bình – thống nhất nhưng chúng ta phải đối mặt với hai cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, phần nào làm gián đoạn và trở ngại lớn cho tiến trình xây dựng đất nước. Có lẽ vì vậy mà cho đến những năm đầu thế kỷ 21, Việt Nam – đất nước của chiến tranh - vẫn là suy nghĩ ở nhiều nơi, nhiều người trên thế giới, thậm chí ấn tượng này không phải chỉ ở những nơi xa xôi hẻo lánh hay thiếu thốn thông tin.
Không thể phủ nhận, quá trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam là quá trình chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập, và tuy ít hơn nhưng vẫn có xung đột, nội chiến giữa các thế lực phong kiến nhằm bảo vệ ngai vàng cho vương triều dòng họ mình. Cho nên, dòng “chính sử” của nước ta nổi bật những anh hùng chống ngoại xâm và bao chiến công hiển hách, mà hầu như thiếu vắng trang sử ghi lại thành tựu văn hóa trong những thời kỳ hòa bình ngắn ngủi. Đặc biệt, chiến tranh không chỉ tàn phá đất nước về vật chất mà hậu quả về tinh thần của nó còn lâu dài hơn trong thời “hậu chiến”.
Thử nhìn lại lịch sử quốc gia Đại Việt – Đại Nam (dòng chính yếu của lịch sử nước ta). Tình từ nhà nước độc lập đầu tiên của Ngô Vương (Ngô Quyền 939 – 965) đến vương triều Nguyễn (1802 – 1945), có thể nhận thấy các vương triều được thành lập từ những chiến thắng quân sự trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hoặc các cuộc xung đột, chính biến “cướp ngôi”.
Trong hơn 10 thế kỷ (thế kỷ 10 – giữa thế kỷ 20) liên tiếp diễn ra các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc, rồi phương Tây. Chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc là một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam.
Trong thời kỳ hòa bình các vương triều cố gắng xây dựng quốc gia tự chủ. Mặt khác, sự thay thế các triều đại là theo quy luật lịch sử: 1/Từ thắng lợi của kháng chiến chống ngoại xâm, hoặc “chính biến” trong triều cũ dẫn đến việc lập ra vương triều mới; 2/ Vào giai đoạn cuối của các triều đại thường xảy ra tranh chấp xung đột trong triều chính dẫn đến xã hội biến loạn. Đất nước rối loạn về tinh thần và suy sụp về kinh tế, không đủ sức mạnh chống lại sự “nhòm ngó, can thiệp” từ bên ngoài. Đó là nguyên nhân sâu xa nhưng quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của triều đại phong kiến.
Từ thế kỷ 13 đất nước mở rộng dần về phía Nam, đến thế kỷ 18 lãnh thổ Việt Nam về cơ bản như ngày nay. Núi sông thống nhất nhưng đất nước ta rất đa dạng về văn hóa, lối sống của các tộc người, ở mỗi vùng miền. Trong hơn hai trăm năm Trịnh – Nguyễn phân tranh, tâm thức phân biệt Nam Hà / Bắc Hà về lãnh thổ, chính quyền, lối sống (văn hóa) tồn tại dai dẳng… Từ 1802 quốc gia Đại Nam có một lãnh thổ, lãnh hải tròn vẹn và tổ chức chính quyền thống nhất từ Cà Mau đến Lạng Sơn, nhưng thời Pháp thuộc lại bị chia thành “ba kỳ” để cai trị, càng làm tâm thức định kiến, phân biệt vùng miền, mầm mống chia rẽ dân tộc tồn tại dai dẳng.
2.
Sau khi kết thúc chiến tranh chống ngoại xâm, việc đối ngoại của các triều đại là thả tù binh, cấp tàu thuyền lương ăn cho về nước, bố cáo chiến thắng và sau đó là “hòa hiếu” với kẻ thù cũ. Kẻ thù của Đại Việt thường là những quốc gia lớn mạnh hơn nhiều lần, xâm lược Đại Việt dù có thể chiếm đóng lâu hay mau cuối cùng cũng bị đánh đuổi. Việc “hòa hiếu” với kẻ thù cũng nhằm giữ quan hệ ngoại giao đảm bảo cho nền hòa bình vừa giành được.
Việc đối nội của các triều đại là “an dân”: có chính sách miễn thuế khóa cho nông dân, tha tội cho những người lỡ theo giặc, đồng thời trừng trị những kẻ cầm đầu phản bội đất nước. Tuy nhiên sau những cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến, các cuộc khởi loạn cát cứ, âm mưu đảo chính, hay có khi chỉ vì lời nói ngay thẳng trung thực của bậc trí giả… thì sự trả thù của chế độ phong kiến rất “triệt để”: tru di tam tộc cửu tộc, đào mồ cuốc mả, anh em ruột thịt cũng không tha thứ… Tất cả là nhằm bảo vệ vương triều mới giành được. Lúc này quyền lợi chính trị của vương triều đặt trên tất cả.
Có lẽ chỉ một lần hiếm hoi các vua chúa có hành xử một cách hợp đạo lý và thấu hiểu những đau đớn mất mát của cuộc nội chiến kéo dài gần trăm năm. Đó là vào năm 1672 trong một trận chiến quyết liệt không phân thắng bại giữa hai phe Trịnh – Nguyễn tại cửa Nhật Lệ, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui thì tất cả tù binh được chúa Trịnh Căn ra lệnh cho quần áo, phóng thích tại chỗ, ai muốn đi đâu thì đi. Đó là những người bị bắt đi lính, là người địa phương không theo bên này thì theo phía kia, gần như ngoài ý muốn.
Phía chúa Nguyễn thì Hoàng tử Hiệp (Nguyễn Phúc Thuần – con thứ tư của chúa Nguyễn Hiền Vương) cũng có hành xử nhân bản không kém: “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Thuần (Hoàng tử Hiệp) đều sai cấp cho tiền gạo quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận”. Người chết bên này hay bên kia lũy Trấn Ninh đều là dân nước Việt, Hoàng tử Hiệp hiểu sâu sắc như vậy, tất cả đều xứng đáng giải oan trong tình thế lịch sử đau xót.
Có thể nhận thấy nhiều câu truyện lịch sử và chuyện cổ tích Việt Nam đều có hai mặt, hai bài học. Một mặt sáng, dễ nhìn thấy là bài học “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Nhưng còn một mặt khuất mà chỉ khi ta bình tâm lắng lòng mới có thể nhận ra, nhưng đó chính là bài học sâu sắc hơn mà tiền nhân muốn đời sau thấu hiểu: chừng nào con người còn coi sự trả thù bằng hành động, bằng lời nói là cách triệt hạ đối thủ (trong cùng đất nước hay giữa các quốc gia) thì chừng đó cái ác còn tiếp tục. Bởi vì sự nhân văn sẽ làm thay đổi con người, làm cho xã hội tốt đẹp hơn chứ không phải là sự trả thù. Cái ác có thể là phương thức nhanh chóng để giành được “chiến thắng” nhưng không không thu phục được nhân tâm, tạo ra và nuôi dưỡng tâm thức “ác giả ác báo” lâu dài trong thế hệ tương lai.
Một đất nước trải qua hàng ngàn năm chiến tranh và xung đột, chấm dứt tiếng súng nhưng nếu không thực tâm và thực hành hòa hợp hòa giải thì chưa thực sự có hòa bình. Lòng người chưa bình, tâm người chưa yên thì hành trình phát triển đất nước sẽ còn rất nhiều khó khăn!
3.
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến gian khổ, mất mát, đau thương, để kiên trì, kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình, xây dựng và phát triển quốc gia.
Với truyền thống hoà hiếu của dân tộc, mỗi người đều hiểu sâu sắc rằng, hòa bình bắt đầu từ lòng khoan dung và nhân ái. Bắt đầu từ hành xử của mỗi người “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, từ “chị ngã em nâng”, từ “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”... Đến đạo lý cao cả của dân tộc “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Chúng ta không lãng quên lịch sử, nhưng cũng hiểu rằng cần phải vượt qua nỗi đau chia cắt mấy trăm năm, khép lại quá khứ từng thù hận để hướng tới tương lai, cổ súy cho lòng vị tha bằng tình nghĩa người Việt ở đâu cũng “là cây một gốc là con một nhà”.
Từ cuối những năm 1990, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Mai đã nói một câu mang tính thức tỉnh “Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh, Việt Nam là một đất nước” (Vietnam is not a war, Vietnam is a country). Một đất nước, một quốc gia thì cuộc chiến nào cũng chỉ là hiện tượng bất thường và nhất thời, hòa bình là giá trị đầu tiên và vĩnh viễn. Đoàn kết mọi sức mạnh của dân tộc, kết nối nhiệt huyết từ tất cả trái tim con dân Việt, đó là “sự đảm bảo bằng vàng” cho nền hòa bình và phát triển của Việt Nam.
#tet2024 Báo NGƯỜI LAO ĐỘNG xuân 2024





CHÚC MỪNG NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024

Xin chúc Năm mới tốt lành đến với mọi người mọi nhà 🙂 Chúc các anh chị em một năm mới may mắn và hạnh phúc!





Ngày cuối cùng của năm cũ

Ngày này mình thường thay những cuốn lịch mới: lịch treo tường và lịch để bàn. Nhìn lại lịch bàn và cuốn sổ tay ghi chép chi chít việc cần làm, những cuộc họp, những chuyến đi... Năm nay hơi ít những cuộc hò hẹn cà phê, chắc vì ai cũng như mình, làm nhiều hơn để bù lại hai năm covid công việc đình trệ, rồi kinh tế chung khó khăn, người về hưu như mình ráng thêm chút nào cũng tốt, sau đỡ phải nhờ con cháu 😊

Năm nay viết lách vẫn OK. Giữa năm ra cuốn tản văn – tùy bút THƯƠNG NHỮNG MIỀN QUA qua được nhiều bạn đọc thích thú. Giáo trình KHẢO CỔ HỌC ĐẠI CƯƠNG được phát hành trong đó mình viết một phần nội dung chính yếu. Bài viết cho báo không nhiều như các năm trước nhưng trung bình cũng 2 bài /tháng. Báo Tết cũng tạm ổn hy vọng không bị “đổ” bài nào 😊... Nói chung vẫn miệt mài luyện phím khi có anh em bạn bè nhắn nhe: chị ơi cho em bài.. chữ vào ngày này nhé, về a,b,c... Có một số lần từ chối viết và trả lời phỏng vấn vì không thuộc phạm vi hiểu biết của mình, không dám nói đại.

Những chuyến đi khá dày, và hậu quả là 2 lần vào bịnh viện vì... đuối sức. Hoàng a mã và hai công chúa nhắc nhẹ: 65 rồi nha bà ngoại, không phải 45 đâu nha! Ơ thế mình tưởng mình mới 35 😊 Nói vậy thôi chứ tự biết “bây giờ không như hồi xưa”, chỉ là vẫn ham việc, ham đi, ham vui mà quên mất. Chủ yếu là tham gia đi khảo sát, hội thảo và viết một số báo cáo khoa học, về chủ đề quen thuộc là khảo cổ, di sản văn hóa, du lịch... Kết nối và quen biết thêm nhiều đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ, học được nhiều điều mới và thú vị. Giảng dạy và nghiên cứu nhờ đó cũng tốt hơn và khác hơn năm trước.

Tham gia một số công việc của thành phố (như thành viên hội đồng tư vấn thực hiện NQ 98), thấy vui những kiến thức của mình có ích cho việc chung, và mình không đến nỗi lạc hậu với nhiều lĩnh vực khác trong sự phát triển của thành phố. Mong sao thành phố qua được những khó khăn cả vật chất và tinh thần, phát triển thực sự bền vững, mau chóng trở thành một “thành phố đáng sống” như nhiều người mong đợi!

Má mất hồi tháng 8, cảm giác trống trải đến nay chưa bớt mà ngày càng nhiều hơn... Ở tuổi nào mất mẹ thì ta cũng vẫn là một đứa trẻ. Hàng ngày về thắp nhang cho má, nhìn căn phòng trống lại rưng rưng... Biết má được gặp lại ba, anh chị Hai sẽ vui nên mình cũng... bớt buồn.

Vậy thôi, hy vọng sang năm có đủ sức khỏe và những cơ hội, điều kiện làm việc như năm nay. Như vậy có là nhiều quá không nhỉ 😊


SÔNG GỐM (Văn hóa Quảng Nam xuân 2024)


Tản văn, Nguyễn Thị Hậu
Hà Nội một chiều cuối năm, tôi rủ bạn: ra sông gốm chơi đi. Bạn ngạc nhiên, sông gốm? ở đâu? Ừ, cứ đi đi đã…
Theo con đê nay gọi là “con đường gốm sứ”, bạn và tôi rẽ xuống làng Tứ Liên. Dọc đường làng đã bê tông hóa không còn thấy những gian nhà lá êm đềm giữa những vườn rau mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, vài biệt thự kín cổng cao tường, thi thoảng một ngôi nhà cổ (giả cổ) hiện ra thấp thoáng sau mảnh vườn có vẻ hoang sơ… Chiều nắng hanh khô, có chiếc xe bò lọc cọc trên đoạn đường đất mấp mô dẫn ra bến sông… A, bạn thốt lên, sông gốm là đây…
Mùa này bãi sông Hồng nước cạn, hai bên bờ bãi ngô xanh mướt trổ bắp xen lẫn những mảnh ruộng ngô cây đã khô vàng. Khi tôi còn nhỏ nơi này hoang vắng lắm, nhưng khoảng hai chục năm nay bãi sông Hồng dọc theo các làng Phú Thượng, Tứ Liên, An Dương đã hình thành một bến tập kết hàng gốm, sứ từ các vùng gốm Đông Triều, Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh... tạo nên một làng gốm trên sông nhộn nhịp, nhất là vào dịp cuối năm. Những chiếc thuyền lớn chất đầy gốm sứ, đủ màu đủ kiểu san sát dọc bến sông. Đứng trên bờ nhìn xuống tưởng như cả dòng sông lấp lánh ánh men sứ sang trọng, đằm thắm màu men gốm ấm áp. Làng gốm ven sông như tách biệt khỏi nhịp sống vội vã xô bồ của thành phố, ở đây dòng sông gốm chảy lặng lẽ mang lại cho đời những vẻ đẹp sản sinh từ lòng đất mẹ.
Đi dọc sông Hồng và nhiều con sông khác ta dễ dàng nhìn thấy những lò gốm, lò gạch ngói nhô lên trên bãi, dưới bến. Các làng gốm cổ bao giờ cũng nằm ven sông, con sông dù lớn hay nhỏ đều là nguồn sữa không chỉ nuôi sống những đồng lúa mà còn nuôi sống những làng gốm sứ, làng sành đất nung. Nguồn đất sét mỗi nơi tạo ra những loại gốm khác nhau từ chất liệu đến hình thức, từ sản phẩm cao cấp đến bình dân, từ đồ gốm sứ gia dụng đến đồ mỹ nghệ trang trí, cần thiết cho con người từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay… Dòng sông mang nguyên liệu, chất đốt về làng rồi lại chuyên chở sản phẩm đi các nơi. Đồ gốm cứng cáp qua lửa nung nhưng vẫn nhờ dòng sông nương nhẹ sự mỏng manh của mình, để có thể mang đến cho con người vẻ đẹp hoàn thiện do những người thợ gốm tài năng mà bình dị sáng tạo ra.
Vào những ngày gần Tết đoạn sông gốm này tấp nập từ sáng đến tối, hàng về la liệt xếp trên bãi đủ sắc màu: màu men xanh thẫm của những chiếc độc bình cao ngang đầu người, màu trắng màu hồng mịn màng của bình hoa, màu nâu của hàng chồng chậu cây lớn nhỏ, màu xanh ngọc của bát, đĩa, ấm, chén, màu xanh vàng đỏ tía của những con giống ngộ nghĩnh, ấm chén bình lọ hoa văn cúc dây, sen vịt, song ngư giả đồ gốm Chu Đậu nổi tiếng hồi thế kỷ XV-XVI... Trên bãi dưới thuyền thoăn thoắt bước chân của những thanh niên chuyển hàng, tiếng nói cười râm ran của mấy chị quang gánh lấy hàng đem về bán lẻ, người lau chuốt cho hàng sạch sẽ, người chằng buộc chậu cây, độc bình... cẩn thận lên xe thồ để chở vào phố.
Trải dài bến sông là dãy hàng chưa bán được phủ những tấm bạt tránh nắng che mưa. Có thể tìm thấy bất kỳ một sản phẩm gốm, sứ từ các làng gốm nổi tiếng trong các khoang thuyền ngay trên bến sông này, kể cả gốm Biên Hòa, Lái Thiêu từ phía Nam... Đi dọc bến sông thỉnh thoảng bắt gặp những đống hàng đủ loại đủ màu, còn mới nguyên chỉ vì một chút sứt mẻ mà phải nằm lại đây… Vẫn biết đồ gốm sứ sẽ hư hỏng rồi cũng bị vứt bỏ, nhưng chợt thấy ngậm ngùi cho những sản phẩm chưa kịp bước vào cuộc sống đã vội trở thành phế phẩm do một giây bất cẩn của con người.
Đứng từ bãi sông nhìn lên, tầm mắt bị những ngôi nhà hình hộp lô nhô che chắn. Giá mà những ngôi nhà ấy đừng xấu như thế! Cái xấu từ việc xây dựng lộn xộn, kiểu dáng màu sắc phô trương đã phá vỡ không gian hài hòa vốn có ở làng quê này. Tự nhủ, thôi thì hãy đắm mình vào màu xanh bãi ngô, hương thơm của vườn rau thì là để già lấy hạt, luống cây mùi tàu cho nồi nước tắm gội chiều 30 Tết, thôi thì hãy nhắm mắt lại mà tận hưởng sự bình yên của những vườn quất, vườn đào phai còn sót lại trong cơn lốc đô thị hóa làng quê chưa biết bao giờ mới ngừng lặng.
Chiều loang trên sông, thoảng khói bếp tím trên những chiếc thuyền. Triền bãi vắng dần, hàng chồng gốm nằm im yên ngủ để ngày mai lại tiếp tục theo người vào phố. Chỉ còn tiếng lọc cọc chiếc xe bò vội vã chở ngô về làng… Ô này, mùi ngô nếp ngậm sữa đang trở mình trên bếp than hồng… Chợt bạn hỏi khẽ như một tiếng thở dài, mai này làng Tứ Liên có còn sông gốm…?
Báo Văn hóa Quảng Nam #tet2024







Trò chuyện cuối năm

 Theo chiều dài lịch sử và chiều rộng của lãnh thổ, đất nước ta như một “cơ thể sống” mà văn hoá của những tộc người, những vùng miền, qua nhiều giai đoạn lịch sử đã trở thành hệ thống mạch máu nuôi dưỡng nền văn hoá Việt Nam một cách mạnh khoẻ.

Để duy trì sức mạnh văn hoá dân tộc cần thiết phải “giữ gìn và phát huy bản sắc” đa dạng vốn có của các tộc người, các vùng miền, sự phong phú của từng cộng đồng từng cá nhân. Thừa nhận tính đa dạng của văn hoá truyền thống cũng như sự đa dạng của văn hoá thời đại toàn cầu để tiếp nhận thêm nhiều hình mẫu chuẩn mực mới.
Có như vậy văn hoá mới luôn được sáng tạo và phát triển, hành trang mang tới tương lai là những di sản văn hoá thực sự quý giá chứ không chỉ là những mảnh vụn bộn bề của quá khứ.
{bài đang viết] #vunvatdoithuong

Nhân tiện, xin mời các anh chị và các bạn tham gia buổi trò chuyện cuối năm (quét mã QR và đăng ký tham dự theo mẫu để Ban tổ chức sẽ gửi đường link tham gia)


VỀ QUÊ ĐÁM GIỖ (tạp chí PHỤ NỮ MỚI XUÂN GIÁP THÌN)

 Nguyễn Thị Hậu

Năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng mười một âm lịch thế nào cậu Út tôi từ Cao Lãnh cũng nhắn lên: Mấy bữa nữa là ngày giỗ ông Tổ, mấy con năm nay có về Bến Tre không? Là cậu hỏi vậy nhưng năm nào chị em tôi cũng thu xếp về thành phố Bến Tre, nơi có ngôi mộ Tổ của gia đình tôi.

Bến Tre nằm ở hạ lưu Tiền  Giang, con sông ta gặp “trước” khi đi từ miền Đông về đồng bằng miền Tây Nam bộ. Quang cảnh Bến Tre cũng là quang cảnh chung của vùng hạ châu thổ Cửu Long, nơi có nhiều giồng, cồn do phù sa bồi đắp mà thành, được bao bọc bởi các sông chia nhánh ngày càng tỏa rộng về phía biển. Vì vậy, đồng bằng sông Cửu Long nói chung và khu vực Bến Tre nói riêng thường được quan niệm là “vùng đất mới”, từ khi có mặt những đoàn lưu dân người Việt, người Hoa khai phá từ khoảng thế kỷ 17, 18 về sau.

Lịch sử ghi nhận những đợt chuyển cư từ vùng Ngũ Quảng vào đất Đồng Nai - Gia Định diễn ra không ồ ạt nhưng tương đối đều đặn và liên tục. Những đoàn lưu dân tự phát gồm người cùng quê hương bản quán, cùng dòng họ, theo quy luật “người đi trước rước người đi sau”, đến những đợt di dân quy mô lớn do triều Nguyễn tổ chức, “những người dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn mộ vào Nam khai phá” như Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục... Nương theo bờ biển bằng những chiếc ghe bầu lưu dân vào miền đất mới theo hai con đường chính: từ cửa Cần Giờ ngược dòng Đồng Nai đến ngã ba Nhà Bè “ai về Gia Định Đồng Nai thì về”, xây dựng nên Cù lao Đại Phố và Bến chợ Sài Gòn nổi tiếng sầm uất một thời. Từ đó có thể dần dần theo sông rạch đổ về miền Tây mà nơi dừng chân đầu tiên là khu vực tỉnh Long An ngày nay.

Một con đường khác là đi vào các cửa của sông Tiền như cửa Tiểu, cửa Đại nay thuộc Bến Tre, rồi ngược các dòng sông lớn tiến sâu vào nội địa. Như gia đình nội, ngoại của tôi chẳng hạn. Theo lời ông bà truyền lại nhiều thế hệ (đến tôi là đời thứ tám), thì tổ đời thứ nhất của bên ngoại tôi gốc từ miền Trung, vùng Quảng Ngãi hay Bình Định không rõ, nhưng gốc gác từ vùng Thanh – Nghệ theo vua Lê chúa Nguyễn vào miền Trung từ hồi nào không ai biết. Rồi cuối thế kỷ 18 vì “lánh nạn giặt giã” nên chạy vào Nam. Đến vùng cửa sông màu mỡ phù sa dừng chân, ở lại trên những giồng, gò còn hoang sơ nhưng rộng rãi bằng phẳng, gian nan khai khẩn trồng trọt, đánh bắt cá tôm... bắt đầu cuộc sống trên “vùng đất mới”.

Tuy nhiên, Bến Tre chưa phải là nơi định cư lâu đời của nhiều dòng họ, mà vì kế sinh nhai, vì chiến tranh hay những lý do khác, họ đã di chuyển và phân tán đi nhiều nơi. Từ Bến Tre lần hồi ngược dòng Tiền Giang, dòng họ bên ngoại tôi lập nghiệp ở Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, còn bên nội tôi thì đến định cư ở vùng Cù Lao Giêng, Chợ Mới, An Giang.

***

Mộ ông tổ bên ngoại của tôi nằm phía sau ngôi miếu thờ Bà Thiên Y A Na. Ngôi miếu khá lớn trên khu đất rộng 5 mẫu do ông tổ hiến cho làng từ hồi xa xưa. Đến giữa thế kỷ 19 miếu được ban sắc phong của vua Tự Đức, từ đó miếu được xây dựng nhiều lần. Ngôi miếu khang trang hiện nay được trùng tu cách đây khoảng hai chục năm nay, cấu trúc khá giống một ngôi đình làng Nam bộ. Phía trước thờ Bà Thiên Y A Na, phía sau có bàn thờ các vị tiên hiền trên đó có bài vị của ông Tổ của tôi. Hình thức thờ cúng này cũng tương tự ở nhiều đình làng Nam bộ, ngoài thờ Thần, thờ các vị tiên hiền hậu hiền còn thờ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn... Thờ cúng các vị thần bảo hộ cho công cuộc khai khẩn, cho cuộc sống còn nhiều gian nan, nhắc nhớ công lao tiền nhân để lại ruộng vườn trù phú, ghi ơn những người đã hy sinh bảo vệ đất nước.

Qua hơn 200 năm nhưng ngôi mộ Tổ vẫn còn nguyên dấu tích, mặc dù không có nấm mộ mà chỉ là một khoảnh đất khá bằng phẳng. Có một điều lạ là khu đất xung quanh thường ngập mỗi mùa nước lớn nhưng ngôi mộ không bao giờ bị ngập, mà luôn được “mối đùn” cao hơn. Nhiều năm trước các cậu các dì đã xây nhà mộ lợp mái và hàng rào khang trang, dựng tấm bia để con cháu biết gốc tích, nhớ ngày giỗ Tổ mà về tụ họp. Năm nào chúng tôi về đây bà con quanh đó cũng đón tiếp nồng nhiệt, tuy chúng tôi không phải họ hàng nhưng là “con cháu ông chủ đất”. Đã bao nhiêu đời mọi người ở đây vẫn nhắc nhớ!

Chiều mát, con cháu đông đủ, cậu Út – là đích tôn của dòng họ - phân công người quét tước, người xách nước rửa nền mộ và hàng rào cho sạch sẽ, người chưng bông hoa xếp trái cây, đốt nhang đèn chuẩn bị cúng mộ... Cậu Út thay bộ áo dài khăn đóng, nghiêm trang thắp nhang khấn rồi lạy ba lạy, sau đó lần lượt các con cháu từ lớn tới nhỏ. Trong khói nhang ấm áp như có ông Tổ về chứng kiến, mọi người trò chuyện, người chưa biết thì hỏi về gốc gác, người biết kể lại cho con cháu nghe chuyện “hồi đó...”

Hồi đó ông bà ở đây làm ăn được lắm vì có nhiều ruộng vườn. Nhưng hai ông bà hiếm hoi chỉ có một người con trai. Năm đó giặc tràn tới xứ này, lệnh trên ban ra bắt đàn ông ra trận, nhà có nhiều con trai thì bị bắt lính đã đành, nhà nào có nhiều ruộng vườn càng phải cho con đi lính “đặng mà giữ đất”. Ông bà thấy vậy lo quá, bàn nhau để bà mang con trai chạy về Cao Lãnh ở nhờ bà con cho qua cơn binh lửa, còn ông ở lại lo coi sóc vườn ruộng... Nhưng rồi ông bị bệnh và mất đột ngột, mẹ con bà đành ở lại Cao Lãnh và dần dần nơi này trở thành quê quán. Chính vì ông mất lúc giặc giã nên chôn tạm không xây mộ được, sau này thấy đất cao lại thường được “mối đùn” rất tốt nên để vậy đến giờ. Buồn là con cháu không tường năm sinh năm mất của ông bà, chỉ biết nay dòng họ đã được đến đời thứ chín thứ mười...

Năm nay ngày giỗ Tổ gia đình tôi lại trùng ngày Vía Bà tại miếu. Giỗ Tổ cũng như những ngày giỗ khác, ở làng quê Nam bộ thường duy trì hai ngày “tiên thường” và “chánh giỗ”. Ngày “tiên thường” là ngày bà con họ hàng tụ họp, con cháu ở xa về quê, nhộn nhịp thăm hỏi. Đàn ông thì dọn dẹp lau chùi các ban thờ, lư hương, bát nhang, chân đèn, bày bông hoa trái cây, các loại bánh và trà rượu, nhang đèn. Ngày Vía Bà tại miếu còn có việc đặc biệt là mở chiếc hộp cất sắc phong, kiểm tra lại xem tình trạng sắc phong thế nào, chuẩn bị mai rước lên cúng...

Đến chiều ở miếu nấu mâm cơm cúng như bữa ăn bình thường, nhưng để tàn nhang thì mọi người mới vô bàn và xong bữa vẫn trò chuyện tới khuya. Mọi năm mấy ông hay lai rai ba xị đế hoặc vài lon bia, nhưng năm nay “công an canh thổi kiểm tra gắt lắm” nên chỉ uống trà. Dưới bếp suốt ngày này các bà chuẩn bị lo thức ăn cho ngày “chánh giỗ”: gói bánh tét bánh ít, làm các loại bánh trái... đến chiều tối làm heo làm gà vịt, các loại rau củ... Bếp lửa nấu nướng suốt đêm để sáng hôm sau khoảng 7,8 giờ đã sẵn sàng các mâm đưa lên cúng kiếng. Không khí trong miếu nhộn nhịp khác hẳn xung quanh yên tĩnh như một vùng quê, dù Bến Tre đã là một thành phố từ nhiều năm trước.

Tối ngày “tiên thường” ở miếu có lễ cúng “chiến sĩ trận vong” và sau đó là múa bóng rỗi cúng Bà. Đây là nghi thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ hành nương nương…). Hát múa bóng rỗi “hầu Bà” nhưng người dân được “coi ké”, cũng như lễ Kỳ Yên ở đình làng có hát bội cúng Thần nhưng đối với dân làng đây là một dịp được “coi hát”. Lâu lắm tôi mới có dịp coi “múa bóng rỗi” với giọng ca điệu múa thật sự dân dã nhưng mang lại cảm xúc tâm linh sâu đậm, cảm giác mình được “thuộc về” một không gian thiêng liêng nhưng thân thuộc.

Hôm sau là ngày chánh giỗ và là ngày cúng chính của lễ Vía Bà, sau khi thắp nhang các ban thờ, tôi xin phép trở về thành phố Hồ Chí Minh trước vì công việc. Mỗi lần về quê tôi luôn nhận được biết bao tình cảm của bà con họ hàng, nhận biết rõ hơn tình yêu quê hương trong tim mình. Lần này ra đi tôi bỗng rưng rưng... từ khi má tôi mất tôi biết rằng mình chỉ còn được nhìn thấy Má ở hình bóng quê hương... 

Sài Gòn 29.12.2023






LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...