Nguyễn Thị Hậu
Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của
Sài Gòn không chỉ ở chức năng hành chính – chính trị mà còn là trung tâm kinh tế
thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Tài liệu lịch sử cho biết, khoảng cuối thế
kỷ 18 ở Sài Gòn đã có tầng lớp thợ thủ công đông đảo nhiều ngành nghề, tập hợp
trong các “ty thợ” của nhà nước. Có đến 62 ty thợ sản xuất hầu hết những sản
phẩm phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của giới quan lại, người giàu
có đến thường dân...
Bên cạnh đó còn có hàng trăm “phường thợ” tập hợp những
người sản xuất tự do trong những làng nghề khắp vùng Bến Nghé – Sài Gòn. Hệ thống
địa danh ngành nghề được ghi lại trong sử sách phản ánh tính chuyên nghiệp
trong sản xuất và tính thị trường cao trong lưu thông sản phẩm. Có thể kể đến
những địa danh như Hàng Đinh, Xóm Chiếu, đường Thợ Tiện, cầu Muối, xóm Cốm, xóm
Lá (buông), xóm Lò rèn, xóm Câu, xóm Dầu, xóm Đệm buồm, xóm Bột, xóm Đường, xóm
Chỉ, xóm Lụa...
Quá trình đô thị hóa từ nửa
sau thế kỷ 19 đến nay đã làm mất đi nhiều xóm nghề trong đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn,
đồng thời lại làm hình thành và phát triển một số “làng nghề“ mới, do nhu cầu mới
của thị trường và do luôn tiếp nhận luồng di dân và những kỹ thuật mới.
***
Bắt đầu xóm Lò Gốm với sản phẩm “gốm Sài Gòn”, ngày nay đây
là loại cổ vật quý hiếm trong nhiều sưu tập tư nhân và các bảo tàng. Cho đến
nay vẫn còn những tên đường Lò Gốm, Lò Siêu, Xóm Đất, cầu Lò Chén, các chành
lu, chành chén dọc bến Lò Gốm, rạch Lò Gốm, kênh Lò Gốm... ở khu vực quận 6, quận
8. Quận 11 có khu lò gốm Cây Mai được người Pháp ghi nhận rất sớm, làm cho địa
danh này trở thành tên gọi của một dòng gốm mỹ nghệ và trang trí kiến trúc tinh
xảo và độc đáo. Dấu tích cuối cùng của “xóm Lò gốm” là lò gốm cổ Hưng Lợi ở quận
8. Kết quả khai quật cho biết mức độ sản xuất và các loại hình sản phẩm của lò
Hưng Lợi và nhu cầu tiêu dùng của xã hội thay đổi khá nhanh từ thế kỷ 18 đến giữa
thế kỷ 20.
Đến cuối thế kỷ 20, khu vực xung quanh lò gốm cổ Hưng Lợi
chỉ còn một xóm làm bếp lò ở gần đó. Thực ra chỉ có 7-8 gia đình làm nghề “nắn ông lò”, thợ
chính là người trong nhà và mướn thêm một số thợ phụ là bà con hàng xóm. Thợ
chính làm mọi khâu kỹ thuật cơ bản: xử lý nguyên liệu, tạo dáng và đốt lò nung.
Thợ phụ làm công đoạn tạo miếng chắn lò, vận chuyển sản phẩm vào, ra lò, bọc thân
lò bằng thiếc trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm có lúc bán ra tận Ninh Thuận,
Bình Thuận, từ tháng 10 nhà nào cũng tăng thêm thợ vì nhu cầu bếp lò tăng nhanh
vào dịp Tết.
Nhiều năm nay dân cư thành phố và nhiều vùng nông thôn hầu
như không còn sử dụng than, củi nữa nên nhu cầu bếp lò giảm nhiều. Cũng may vẫn
còn một tục lệ rất hay khi năm hết tết đến: ngày 23 cúng ông Táo xong, ông lò
cũ được cho ra vườn nghỉ ngơi bên gốc cây hay ven bờ kinh, gia đình mua ông lò
mới về và đốt bếp mới cầu mong mọi sự bình an trong năm mới. Nhờ vậy chắc con
cháu còn biết loại bếp “ông lò” và nghề gốm một thủa vang danh của đất Sài Gòn.
***
Trên đường Cách mạng tháng Tám – một trong hai con đường
thiên lý xưa nhất của thành phố - có hai làng nghề nổi tiếng trong hai giai đoạn
lịch sử. Từ quận 1 qua khỏi bùng binh ngã sáu Dân Chủ là đến khu vực Hòa Hưng. Nơi
này có một làng nghề đúc đồng hình thành từ nửa sau thế kỷ 20. Khoảng năm 1954,
một số người dân làng đúc đồng Ngũ Xá (Hà Nội) vào sinh sống ở khu vực này, họ
cùng nhau mưu sinh bằng nghề truyền thống mang theo từ quê hương, dần dần hình
thành làng nghề đúc đồng Hòa Hưng với sản phẩm chủ yếu là đồ đồng tam khí nổi
tiếng và phổ biến ở phía Nam. Gần 70 năm qua làng nghề đúc đồng Hòa Hưng một thời
hưng thịnh nay chỉ những người hoài cổ biết đến.
Đây cũng là tình trạng của làng đúc đồng An Hội (Gò Vấp).
Thời kỳ phát đạt, làng có đến hơn 40 lò đúc đồng. Những ngày cận Tết trong làng
lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán xe chở hàng đi khắp nơi. Sản phẩm nhiều loại nhưng nhiều
nhất vẫn là đồ thờ cúng: lư hương, chân đèn, bát nhang... nhiều kiểu dáng truyền
thống và độc đáo. Đến nay đồ thờ cúng đúc đồng thủ công với độ tinh xảo, “độc bản”
thì giá thành cao nên khó cạnh tranh với đồ đồng sản xuất hàng loạt. Những nghệ
nhân sống và gắn bó với làng đúc An Hội cả trăm năm đều rất trăn trở với việc
giữ và truyền nghề, vì không còn thợ trẻ và con cái cũng không theo nghề nữa.
Cuối đường Cách mạng tháng Tám, qua khỏi bệnh viện Thống
nhất là đến vùng Bảy Hiền, nơi người Quảng vô Sài Gòn đã lập ra làng dệt Bảy Hiền
nổi tiếng, nơi những người sành ăn thường xuống chợ Bà Hoa ở đây để thưởng thức
mì Quảng và nghe giọng Quảng đậm đặc như chưa hề có vài chục năm xa quê. Vào thời
hưng thịnh làng dệt Bảy Hiền như một khu công nghiệp thật sự. Cả khu vực vang động
tiếng máy dệt, mỗi năm sản xuất hàng triệu mét vải, có sức cạnh tranh rất mạnh
so với vải của người Hoa ở Chợ Lớn hay vải nhập khẩu.
Nhưng từ đầu những năm 2000, sản phẩm của làng dệt Bảy Hiền
mất dần chỗ đứng trên thị trường do hàng ngoại tràn ngập lấn át về giá thành và
mẫu mã. Làng dệt có “thương hiệu mạnh” một thời nay chỉ còn một số nghệ nhân duy
trì vài máy dệt sản xuất nhỏ lẻ để giữ nghề truyền thống như giữ một giá trị
văn hóa của đô thị Sài Gòn.
***
Trong vùng Chợ Lớn có một Hội quán đặc biệt: Lệ Châu hội
quán, nhà thờ tổ nghề thợ bạc tại Sài Gòn và cả Nam Bộ. Hội quán ra đời sớm nhất
và gắn liền với ngành sản xuất và kinh doanh kim hoàn của người Hoa tại đây,
sau này phát triển ra nhiều tỉnh thành Nam bộ. Qua bao thăng trầm, ngày nay địa điểm này đã trở thành một
trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi hội ngộ và giao lưu kinh nghiệm của nhiều hội
nhóm, nghiệp đoàn trong lĩnh vực kim hoàn.
Vào cuối thế kỷ 19, tại khu vực Chợ Lớn nghề kim hoàn và
chế tác nữ trang rất phát triển, lúc bấy giờ đã có hơn 30 lò thợ bạc hành nghề.
Đến giữa thế kỷ 20 Chợ Lớn là một trung tâm thủ công nghiệp nói chung và nghề
kim hoàn nói riêng. Chợ Thiếc là ngôi chợ truyền thống lâu đời chuyên mua
bán các mặt hàng vàng bạc. Đặc biệt đây là chợ kim hoàn lớn nhất của
thành phố, vừa là “công xưởng” chuyên chế tác, gia công, sửa chữa đồ trang sức,
vừa là chợ mua bán vàng, bạc, đá quý, đồ trang sức với mức độ lớn. Đặc biệt
ngay trên tầng 1 của chợ là một "trường học nghề" chuyên về mỹ nghệ -
kim hoàn. Sự gắn bó, liên kết chặt chẽ từ nơi sản xuất, thị trường mua bán đến
truyền nghề kim hoàn trong trường hợp Chợ Thiếc thể hiện một hình thái kinh tế
khá độc đáo của đô thị Sài Gòn: nơi sản xuất và phố buôn bán sản phẩm đặc trưng
liên kết thành một thể thống nhất.
Khái niệm “làng nghề truyền thống” gắn sản xuất thủ công
với làng cổ - hình thức cư trú truyền thống. Nhưng quá trình đô thị hóa đã biến
các làng cổ thành phố phường, thợ sản xuất là thị dân. Vì vậy sự hình thành và
phát triển những “phố chuyên doanh” ở TP. Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối
“làng nghề” ở một hình thức mới để thích ứng và đáp ứng nhanh nhu cầu xã hội. Mối
liên hệ này thúc đẩy và điều chỉnh quy mô sản xuất của làng nghề, mức độ nào đó
góp phần bảo tồn nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt với nghề gốm,
nghề đúc đồng, nghề mộc... các sản phẩm
dễ bị thay thế bởi chất liệu hiện đại, sản xuất hàng loạt nên khó tồn tại và
phát triển.
***
Cuối năm nhu cầu mua sắm tăng hơn, nhất là những mặt hàng
truyền thống phục vụ Tết âm lịch. Vào dịp này tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp)
thường tổ chức hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Những năm trước các
gian hàng nổi bật là nghề mộc truyền thống với sản phẩm đồ gỗ gia dụng nhiều kiểu
dáng. Năm nay hội chợ có gần 300 gian hàng trưng bày đa dạng các mặt hàng từ đặc
sản ẩm thực tới hàng gia dụng, trang sức, quần áo… của TP.HCM và các tỉnh
thành, vùng miền khác. Tuy nhiên các gian hàng “làng nghề” của TP. Hồ Chí Minh
khá khiêm tốn nếu không chú tâm tìm kiếm.
Hiện nay TPHCM còn nhiều “làng nghề” truyền thống khác: làng
nghề bánh tráng, làng nghề đan lát, làng nghề mành trúc, làng làm lồng đèn, làng
nghề đan giỏ trạc, làng nghề se nhang, làng nghề làm muối; nhiều cơ sở chế biến
khô thủy sản... cả “phố đông y” Hải Thượng Lãn Ông cũng có thể coi là làng nghề
sản xuất nhiều loại thuốc Bắc. Những “làng nghề” này đã có thị trường nhất định,
nhưng TP. Hồ Chí Minh là nơi nhiều nguồn hàng hóa đổ về, nếu “làng nghề truyền
thống” không gắn liền với một khu vực “chuyên doanh” như đầu mối lớn nhất, các
cơ sở sản xuất và ngành quản lý không tổ chức hình thức chuyên doanh và quảng
bá mới, thì tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh
chóng về mọi mặt, nhất là nhu cầu tiêu dùng cả về loại hình và chất liệu hàng
tiêu dùng. Nguy cơ các làng nghề thu hẹp sản xuất và mất dần nghề truyền thống, cũng
là mất đi một loại hình di sản phi vật thể gắn liền và phản ánh quá trình lịch
sử vùng đất Sài Gòn.
Sài Gòn, 22.12.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét