QUY HOẠCH ĐÔ THỊ XANH TP.HCM (báo Pháp luật TPHCM, Xuân Giáp Thìn)

 https://plo.vn/quy-hoach-do-thi-xanh-tphcm-post775461.html

Nguyễn Thị Hậu

1.

Cư dân đô thị ngày nay thường có thói quen, mỗi ngày trước khi bước ra đường phố đi làm, đi học, chạy công chuyện... đều nhìn vào app ở điện thoại, xem chỉ số không khí, mức độ ô nhiễm khu vực mình sống, thành phố của mình hôm nay thế nào... Thấy trên app thường xuyên hiện lên màu tím sẫm thì cũng chỉ lắc đầu rồi vẫn phải ra đường trong bầu không khí mà ai cũng biết rằng, mức độ ô nhiễm như thế thì có hại cho sức khỏe.

Đấy là một trong muôn vàn sự lo lắng của cư dân thành phố mỗi ngày, bên cạnh nỗi lo “vi mô” là cơm áo gạo tiền trong thời buổi làm ăn khó khăn đến “vĩ mô” hơn là sự biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến cả thế giới... Nhưng sự đối mặt với ô nhiễm không khí hay vệ sinh thực phẩm khá vô hình cho đến khi tác hại của nó bộc lộ bằng bệnh tật. Công bằng mà nói, thực trạng này các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý đã cảnh báo từ lâu, đồng thời nhiều biện pháp được thực hiện nhằm giảm bớt các nguy cơ. Tuy nhiên hiện nay mức độ phát triển của các thành phố về quy mô, dân số và sự “hiện đại hóa” từ cơ sở hạ tầng đô thị đến tiện nghi sinh hoạt của từng gia đình, từng cá nhân... lại vượt quá sự đối phó và giải quyết ô nhiễm và nhiều vấn nạn khác.

TP HCMinh là một trong những thành phố trên thế giới bị tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Tính dễ bị tổn thương của thành phố là do có địa hình thấp trũng gần biển; dân số đông (hơn 10 triệu) và không ngừng gia tăng. Thời gian qua thành phố phải đối mặt với các loại thiên tai và nguy cơ như mưa lớn, triều cường, sạt lở, sụt lún, hạn hán, nắng nóng gay gắt, bão và áp thấp nhiệt đới thường xuyên hơn... Một nguyên nhân và nguy cơ nữa là tốc độ đô thị hóa ngoài kiểm soát, bê tông hóa tràn lan làm giảm độ thẩm thấu nước mưa, gia tăng dòng chảy mặt và giảm diện tích, nguồn nước ngầm dự trữ. Ảnh hương quan trọng đến các hoạt động kinh tế và đời sống người dân là ngập nước. Nguyên nhân thì người dân “thuộc lòng”: do mưa lớn, triều cường, xả lũ hoặc kết hợp cả 3 yếu tố trên. Còn nhà quản lý thì nhìn nhận: công tác quản lý nước và chống ngập không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Tất cả thực trạng và nguy cơ cấp thiết ấy đòi hỏi, trước mắt là công tác quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển của đô thị. Nhưng quan trọng hơn để đảm bảo phát triển bền vững, để ứng phó với một cách căn cơ, hiệu quả và lâu dài, công tác quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài xu hướng tất yếu hiện nay là xây dựng và phát triển một “thành phố xanh”.

2.

            Khái niệm  “Đô thị xanh” trong nhận thức của nhiều người gắn liền với cảnh quan màu xanh của những công viên, hồ nước... Nhưng nay khái niệm này được mở rộng toàn diện với nhiều chuẩn mực mới khắt khe hơn, chú trọng nhiều hơn đến bảo vệ và sử dụng tài nguyên tự nhiên. Quy hoạch và phát triển những “thành phố xanh” nhằm mục tiêu tránh lãng phí tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo mức sống tốt hơn cho con người.

Từ tiêu chí cơ bản là “không gian xanh”, quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cần bảo toàn diện tích không gian công cộng như công viên và số lượng cây xanh cổ thụ, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ. Hạn chế tối đa đi đến chấm dứt việc cắt đất công viên, hạ chặt cây xanh để xây dựng hạ tầng. Bởi vì có thể trước mắt giải tỏa về giao thông nhưng tác hại lâu dài về ô nhiêm môi trường, sống trong sự bức bối vì không gian dày đặc bê tông, kính, thép... sẽ tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của người dân. Chưa kể những cảnh quan tồn tại qua hàng trăm năm đã trở thành di sản đô thị. Nhiều thành phố trên thế giới, ở những tuyến đường dịch vụ thương mại, phố đi bộ, hai bên quảng trường rộng lớn... luôn có vỉa hè rộng rãi và có mái che từ cấu trúc của những dãy nhà cao tầng hay shophouse, không phải là “mái che” theo kiểu cơi nới ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.

Quy hoạch những đô thị mới cần có nhiều không gian xanh công cộng, có thể diện tích không lớn nhưng phân bố rộng khắp tại các khu chung cư, trường học, bệnh viên, quanh các công sở... Mật độ xây dựng các cụm công trình cao tầng càng thưa thoáng thì diện tích xanh càng nhiều. Không "đánh đổi" đất dành cho các công trình phúc lợi để xây dựng các khu thương mại, nhà ở, không vì lợi ích trước mắt mà xóa bỏ lợi ích môi trường của cộng đồng. Kiến trúc của từng tòa nhà cao tầng cũng cần thiết kế có không gian xanh trong từng căn hộ và tại khu vực sinh hoạt chung. Từ ý thức chăm sóc không gian xanh “của mình” người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ không gian xanh công cộng “của chúng ta”.

Thành phố Hồ Chí Minh là “đô thị sông nước”, nhưng hiện nay tài nguyên nước chưa được đánh giá đúng giá trị và tiềm năng, chưa sử dụng hợp lý, hiệu quả lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển. Tài nguyên nước không chỉ là mặt nước sông, kinh rạch mà còn là lượng nước mưa và nước ngầm. Vì vậy định hướng quy hoạch TP. Hồ Chí Minh theo xu hướng “thành phố xanh” là giữ gìn mặt nước sông, kinh rạch sạch sẽ, dòng chảy thông thoáng, chấm dứt xả rác và nước thải ra sông, kinh rạch. Đồng thời giảm thiểu xu hướng bê tông hóa vỉa hè và không gian công cộng, tăng cường mảng cỏ xanh, trồng cây tạo bóng mát và cảnh quan, để có thể tiếp nhận và thẩm thấu nước mưa tốt hơn, bổ sung cho lượng nước ngầm.

            Kết hợp không gian công cộng và không gian sông nước là một lợi thế của quy hoạch TP. Hồ Chí Minh. Phát triển không gian mở tại các công viên và tuyến cây xanh trong khu vực nội thành cũ dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, nhất là ven sông nước và kinh rạch của thành phố để thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước và cảnh quan. Đặc biệt là đầu tư xây dựng cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn với chủ đề Xanh, Sạch, Đẹp. Khu vực trung tâm cần trở thành cảnh quan mẫu mực của “thành phố xanh”, vì đây là nơi vui chơi giải trí quen thuộc của phần lớn cư dân thành phố nhất là trong các dịp lễ tết, là nơi du khách tiếp xúc đầu tiên và sẽ có ấn tượng lâu dài về thành phố.

Các khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh, đồng thời quan tâm đúng mức các khu bảo tồn đa dạng sinh học khác. Kiểm soát tốc độ và quy mô đô thị hóa trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của thành phố.

3.

Quá trình quy hoạch và phát triển đô thị dựa trên tầm nhìn dài hạn về thới gian và tổng thể về không gian, trong đó cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông và phúc lợi công cộng là những lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên.Thành phố xanh không chỉ là bảo toàn cảnh quan xanh và tài nguyên nước, mà còn là thành phố sạch về không khí, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ô nhiễm môi trường do khí thải hiện nay là một vấn nạn vì càng phát triển mức độ ô nhiễm không khí càng gia tăng. Vì vậy, giảm thiểu khí thải, hạn chế tối đa sử dụng năng lượng không thể tái tạo là quốc sách của nhiều quốc gia trong phát triển bền vững. Quy hoạch định hướng sản xuất nguồn năng lượng sạch (nguồn điện mặt trời, điện gió) từ nhiều nguồn lực, không nhất thiết phải từ nguồn vốn nhà nước, đầu tư chuyển đổi phương tiện giao thông và những trang thiết bị khác qua sử dụng năng lượng tái tạo... là một mục tiêu quan trọng của quy hoạch thành phố xanh

Phát triển nhanh giao thông công cộng bằng năng lượng tái tạo cần song song thậm chí phải đi trước việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải... Hiện nay việc xây dựng hạ tầng đường bộ cao tốc, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, thậm chí cả đường hàng không đang được ưu tiên phát triển, nhưng đường thủy (trên sông, ven biển) đang bị “bỏ quên” trong quy hoạch hệ thống giao thông chung. Đây là một lợi thế, tiềm năng lớn đồng thời cũng là một yếu tố văn hóa đặc trưng của đô thị Sài Gòn và vùng đất Nam bộ

Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại hóa thành phố hiện hữu và đô thị hóa các khu vực mới nhằm mục tiêu Thành phố xanh, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM tạo ra một “cơ hội vàng” cho thành phố xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho mọi người dân. 

 




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...