ĐỪNG ĐỂ LẠI MỘT DI SẢN CHẮP VÁ

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/610074/xep-hang-nhieu-giu-duoc-bao-nhieu.html

TS Nguyễn Thị Hậu

Gần đây có nhiều sự việc phản ánh một thực trạng đáng báo động: nhiều di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh thành xuống cấp nghiêm trọng, có di tích đã trở thành phế tích hoặc có nguy cơ “biến mất” do hư hỏng nặng mà không có kinh phí sửa chữa, trùng tu. Thực trạng này làm nảy sinh một câu hỏi: Trong những năm gần đây, tốc độ và số lượng di tích được công nhận ở các cấp, nhất là Di tích cấp Quốc gia, tỷ lệ thuận hay tỷ lệ nghịch với số lượng các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị tốt?

Hỏi tức là đã trả lời. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên chính là việc ồ ạt công nhận di tích ở các cấp. Việc công nhận di tích LSVH các cấp đang trở thành "phong trào", số lượng quá nhiều, do đó nhiều di tích chưa thực sự có giá trị tiêu biểu. Hệ thống di tích được công nhận cấp quốc gia phải phản ánh đặc trưng lịch sử - văn hoá quốc gia, vì vậy cần nghiêm túc xem xét giá trị các mặt của di tích. Nếu quá “tham” về số lượng, tất cả đều trở thành đối tượng phải tôn thờ “bất khả xâm phạm” thì không một quốc gia nào có đủ nguồn lực để bảo tồn tất cả “di sản văn hoá”.

Di tích LSVH nếu có giá trị địa phương (làng, xã, liên làng), khi nâng lên tầm quốc gia, vùng miền thì để xứng với danh đó sẽ phải trùng tu tôn tạo, tổ chức quy mô “hoành tráng” hơn, vô hình chung gán cho di tích những giá trị ảo từ nội dung đến hình thứ kiến trúc, trang trí… Khi không đủ kinh phí nhà nước để bảo tồn hay trùng tu, thậm chí dưới danh nghĩa trùng tu để làm mới di tích, thì địa phương thường huy động các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên “chủ đầu tư” thường có vai trò quyết định chứ không phải là các nhà khoa học, trong việc bảo tồn trùng tu di tích như thế nào . Tình hình kéo dài như vậy làm cho các di tích dù cấp nào cũng dần dần trở nên giống nhau ở xu hướng ngày càng “hoành tráng” thậm chí không còn nhận ra yếu tố truyền thống nữa. Như vậy là đã làm cho di tích trở nên thật giả lẫn lộn về giá trị, về nội dung…

Thế nhưng, ở một góc độ khác thì những di tích thực sự có giá trị lại đang không được bảo tồn trùng tu một cách xứng đáng.TP Hồ Chí Minh có hai di tích di tích khảo cổ học cấp Quốc gia nổi tiếng là Di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (xã Long Hoà, huyện Cần Giờ) và Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi (P.16 quận 8). Đây là hai di tích đại diện cho hai thời kỳ lịch sử - văn hoá của thành phố. Di tích Giồng Cá Vồ khai quật năm 1994, là loại hình di tích mộ táng bằng chum gốm còn nguyên di cốt và nhiều đồ tuỳ táng quý giá, thuộc nền văn hoá khảo cổ Đồng Nai niên đại khoảng 2500 năm cách ngày nay. Từ nhiều năm nay di tích này đã được Sở VHTTDL lập phương án tiếp tục khai quật và lập bảo tàng tại chỗ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá – du lịch phối hợp với vùng du lịch sinh thái Cần Giờ. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa tiến triển được mặc dù Sở VHTTDL và huyện Cần Giờ rất tích cực bàn tính và tham khảo ý kiến các nhà khoa học để có thể đưa ra phương án phù hợp nhất. Điều đáng ghi nhận là Giồng Cá Vồ đã được huyện Cần Giờ đền bù đất để giải toả, bảo vệ di tích. Nhưng với đặc điểm là di tích mộ chum nằm dưới lòng đất nên nếu để càng lâu thì các chum này càng hư hỏng nặng hơn, không thể bảo tồn được di cốt và đồ tuỳ táng trong đó. Chúng ta có nguy cơ mất một di tích khảo cổ học có giá trị đặc biệt quý hiếm đối với khảo cổ học VN và ĐNA.

Với Lò gốm cổ Hưng Lợi – di tích hiếm hoi của “Xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, niên đại khoảng thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thì gặp khó khăn khác là việc đền bù đất đai cho người dân không được nên mặc dù được khai quật và công nhận là Di tích LSVH quốc gia từ 1998, tới nay di tích này trở thành “phế tích” đúng nghĩa. Giá trị của di tích đã giảm đi rất nhiều khi mà không được bảo tồn, trùng tu, bị lấn chiếm và hầu như rất khó khăn cho việc tham quan, tìm hiểu nghiên cứu… Do không được bảo vệ và bảo tồn trùng tu kịp thời nên giờ đây di tích bị hư hỏng rất nặng. Cứ thế này chỉ vài năm nữa di tích sẽ bị “xoá sổ” vì không còn ai biết đến.
Với một đô thị 300 năm và vùng đất 3000 năm như Sài Gòn – TPHCM thì những di tích khảo cổ học được phát hiện và khai quật ngày càng hiếm hoi do quá trình đô thị hoá rất nhanh và rộng khắp. Không bảo tồn tốt những di tích này thì chính chúng ta đang xoá bỏ một phần lịch sử quan trọng của thành phố.

Để bảo tồn di tích thực sự có hiệu quả cần bắt đầu lại từ việc rà soát hệ thống di tích cấp quốc gia, sau đó là di tích cấp tỉnh thành - với những tiêu chí thực sự khoa học và đặt trong bối cảnh của phát triển kinh tế - xã hội, của đời sống cộng đồng đang có nhiều biến đổi để có thể xem xét công nhận đúng với giá trị thực sự tiêu biểu của từng di tích. Nếu cứ công nhận tràn lan và bảo tồn không đến nơi đến chốn như hiện nay thì có lẽ thế hệ sau sẽ nhận lại từ chúng ta một di sản văn hoá chắp vá, loang lổ và mục nát.


Vụn vặt đời thường (41)

@ Bây giờ “suy nghĩ” là một thứ xa xỉ lắm, còn "niềm tin" là thứ chỉ có trong mơ! Nếu có ông Bụt thật, ta sẽ ngồi khóc ti tỉ (như cô Tấm) để ổng hiện lên và hỏi: ớ này bà già kia ui, tại sao bà khóc như bị hóc thế ? - Bụt ui, niềm tin của con đâu? ai cho con niềm tin? (giá mà ta hỏi được Bụt một cách sến như con hến thế này “Ai cho tui tình iu?”). Bụt có thể ban cho con được ko?
Ta nghĩ rằng (lại nghĩ!!!) Bụt sẽ, hoặc ngây thơ như Maika – cô pé trên trời rơi xuống – Bụt hỏi: Niềm - tin - là - gì - cơ? hoặc giả nhời: ta còn ko có có chi mà ban cho ngươi/ Hoặc buồn rầu bảo rằng: bà ui, ở đây tui ko biết phải tìm đâu ra thứ đó để ban cho bà/ hoặc sẽ hỏi: đứa nào ăn cướp/ trấn lột niềm tin của bà, chỉ ra để Bụt cho nó một trận... Cũng có thể một cách bạo lực hơn (do ảnh hưởng các thể loại báo cướp giết hiếp), Bụt sẽ nhốt ta vào phòng kín, vừa mở bình gas cho ta chết ngạt, vừa nói: Niềm tin của nhà ngươi đây!
Nhưng khả năng nhiều hơn cả là Bụt sẽ mỉm cười bao dung (là Bụt = Budda = Phật mà), và phán: ai bảo mày già rùi mà còn ngu, cho mày chít!
Nghĩ đến đây bèn yên tâm, vì nhìn quanh thấy ai cũng như mình
 :D

@"Ai bảo cậu tớ là khỉ thì phải thích ăn chuối, hử?" (nghe trong phim họat hình)
uh, cứ thay ngườikhác khẳng định cái điều mà bản thân người ta cũng chả biết có hay không là dư lào, nhỉ :)

Mình vẫn bị con bạn "ghê gớm" nó mắng "bà ngây thơ về chính trị lắm!". Ử thật, mình công nhận vì nói chung mình thấy chính trị nó rắc rối quá, vì vậy mình hay nghĩ và hỏi những câu "ngu nhiều", ví như: Tàu nó chiếm Hoàng Sa của mình năm 1974, nếu 50 năm trôi qua, tức là đến 2024, mình ko có ý kiến, phản ứng gì - quan trọng nhất là về mặt luật pháp quốc tế, thì từ lúc đó trở đi Hoàng Sa vĩnh viễn không còn là của mình à? 
Trái đất tất nhiên không phải là "sở hữu toàn dân" rồi, phải ko ạ?!

@Mình nghĩ đơn giản thế này: thằng hàng xóm xấu tính nó lấn sang đất vườn nhà mình. Sau đấy mình chả nói năng gì, hay là cứ nhẹ nhàng thủ thỉ với nó là anh ơi đấy là đất nhà em, ông bà em để lại từ xửa từ xưa, nhà em có đầy đủ giấy tờ sổ đỏ từ thời trước… Nhưng nó cứ mặc kệ và ngày càng lấn nhiều hơn. Nhiều năm trôi qua, một ngày nó xây hàng rào sâu trong đất nhà mình. Mình ko kiện nó ra xã ra huyện ra tỉnh mà nó thì cứ lu loa đây là đất nhà nó… Đến một thời gian nó trình ra xã ra huyện ra tỉnh là nó ở trên đất ấy 50 năm rồi. Thế là XONG!

“Nghịch lý” đô thị

http://nguoidothi.vn/nghich-l-o-thi.ndt 

22-05-2014 16:38:55

nghich-l-o-thi
Đô thị như là bức tranh tương phản hai mảng sáng - tối, giàu - nghèo
Một lần có việc qua Phú Mỹ Hưng. Quãng đường dài từ Gò Vấp đến quận 7 qua gần hết chiều dài thành phố, từ vùng ngoại ô cũ đến quận trung tâm qua khu đô thị mới… Thành phố mở rộng lên Tây Bắc xuống Đông Nam, xóm ngoại ô làng ngoại thành nay trở thành khu đô thị mới. Các quận nội thành cũ ngoài vài con đường trung tâm mặt tiền đã thay thế bằng những toà nhà cao tầng kiến trúc hiện đại nhưng khó có thể nói là đẹp, còn lại những con hẻm như bàn cờ phía sau sự thay đổi diễn ra chậm chạp hơn, vì cư dân ở đó phần đông vẫn là công chức, thợ làm công, buôn bán nhỏ…, những nghề nghiệp gắn bó với đô thị, tạo nên tầng lớp thị dân đông đảo nhất nhưng lại không làm nên cái “mặt tiền” hào nhoáng mà số ít các “đại gia” tạo nên ở khu trung tâm hay vùng đô thị mới.
 
Bây giờ các đại gia “nhà có điều kiện” thì ra ngoại ô tìm đất cất nhà vườn, villa, dinh thự sang trọng rộng rãi thoáng mát, trung lưu thì ra quận mới (tách ra từ huyện ngoại thành) mua căn hộ chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi dịch vụ, “như Tây”. Có xa xôi gì đâu khi đường quy hoạch mở rộng, hàng loạt cầu mới xây, từ khu đô thị mới đi vào trung tâm chỉ khoảng nửa giờ xe hơi. “Nhà giàu” ra ngoại thành “nhà nghèo” vẫn chen chúc nội thành, còn nhà nghèo hơn từ ngoại ô, từ khu giải toả lại dạt ra nông thôn, biến ven đô thành ngoại thành của đô thị mới. Đây là một sự thay đổi dễ nhận thấy của quá trình đô thị hoá. Sự thay đổi này làm cho bộ mặt đô thị hiện đại hơn, nhưng khoảng cách của sự phân hoá giàu nghèo cũng ngày càng xa hơn. Sự xáo trộn dân cư từng khu vực diễn ra nhanh hơn, tầng lớp dân cư mới hình thành nhưng thời gian chưa đủ để tạo những đặc tính của cộng đồng thị dân mới.
Sự thay đổi không chỉ có vậy!
 
Quán ăn, nhà hàng nơi đô thị ngày càng nhiều “đặc sản” vốn là những món dân dã hàng ngày: đậu hũ chiên, rau muống bông bí xào tỏi, rau luộc chấm kho quẹt, cá rô bí chiên giòn, canh chua cá kho tộ, lẩu cua rau mùng tơi, cháo cá rau đắng, lẩu mắm… Những món ăn “nhà quê” mà mới vài chục năm trước có ai nghĩ một ngày kia sẽ hiện diện trong nhà hàng khách sạn sang trọng với cái giá “cắt cổ”. Vậy mà giờ vô quán người ta toàn kêu đặc sản đồng quê vì “ăn thịt cá hoài ngán quá”, vì ăn nhậu lấy vui là chính chứ đâu cần lấy bổ lấy béo như một thời thiếu thốn. Tôi có anh bạn mở một quán nhậu trong hẻm nhỏ, cũng bán lai rai mỗi ngày sáng chiều khoảng chục bàn khách. Một lần khách kêu tính tiền thấy đĩa rau muống xào tỏi giá tới mấy chục ngàn, bèn nói vui: sao đắt thế, ngoài chợ năm ngàn một bó ăn mệt nghỉ. Ông chủ cũng đáp vui “ngoài chợ nó là rau muống, vào nhà hàng nó là nhân sâm”. Ngẫm ra, hình như ở đô thị bây giờ người có tiền ngày càng ăn nhiều rau ít thịt, mà phải tìm rau sạch, rau “nhà trồng” mới yên tâm. Thịt heo thịt gà giờ không phải là món ăn chỉ của nhà giàu mà nhà nghèo cũng thường ăn, vì chăn nuôi công nghiệp nên giá rẻ và tất nhiên chất lượng chẳng thể như heo gà “nhà nuôi”. Nhà giàu thì tìm ăn “gà quê lợn mán” còn công nhân ở khu công nghiệp, dân xóm lao động thì ăn cá thịt “sản xuất công nghiệp” bán ê hề ngoài chợ. Chuyện hàng ế hay hàng dạt, hàng ướp chất bảo quản hay độc hại đâu chưa biết còn nhỡn tiền nhìn cũng ngon mắt, lại vừa túi tiền, cũng là miếng cá miếng thịt cho chén cơm dễ nuốt. “Người giàu ăn rau người nghèo ăn thịt”, thêm một “nghịch lý” của đô thị ngày nay.
 
Thành phố mở rộng mà phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, phần lớn người dân vẫn dùng xe máy cho mọi hoạt động. Gần đây nhiều nhà máy, trường học có xe đưa rước, khu đô thị trường đại học ở các quận mới đã có các tuyến xe bus, mai này có metro nữa thì hy vọng xe máy sẽ giảm dần và… biến mất. Nhưng khi chưa giảm được xe máy thì xe hơi đang ngày một tăng, giờ cao điểm sáng chiều xe “nhà giàu” chen chúc trong rừng xe máy, kẹt xe đành ngồi im đó mà chờ cho đường thông, trong khi xe máy – nguyên nhân của phần lớn các vụ kẹt xe – thì nhanh chóng thoát được nhờ lách hẻm nọ ngõ kia. Chưa kể chợ lòng lề đường tụ tập tiện mua bán cho xe máy nhưng bất tiện với xe hơi, chưa kể nếu xảy ra va chạm thì thường xe hơi bị người ta gán lỗi khiến “nhà giàu cũng khóc”. Thêm một “nghịch lý” do hiện tượng “nông thôn hoá” của một bộ phận dân cư chưa có nếp sống “văn minh đô thị”.
Cuộc sống đô thị ngày nay còn ngổn ngang những “nghịch lý” có thể hiểu được về “lý” nhưng làm cách nào để nó không còn là “nghịch” thì thật là nan giải! 
 
NGUYỄN THỊ HẬU

TÌNH YÊU TỪNG TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN

[21.05.2014 20:56 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) “Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam, dù đang sinh sống bất cứ nơi đâu. Tình yêu đó không dành cho những gì giả trá đớn hèn”.

Cộng đồng Việt Nam tại Hungary biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc (Budapest, ngày 18-5-2014) - Ảnh: Nguyễn Anh Tú

Từ sau cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc năm 1979, những tưởng chúng ta sẽ được yên ổn xây dựng phát triển đất nước trong tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Vậy nhưng suốt từ đó, nhất là từ những năm 2007-2008 đến nay, hầu như năm nào cũng xảy ra những sự kiện Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên Biển Đông.

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, với Biển Đông đã được nhà nước ta nhiều lần khẳng định, các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác đưa ra nhiều bằng chứng lịch sử thuyết phục, ví dụ như trong hệ thống bản đồ của Trung Quốc từ thời cổ cho đến khoảng giữa thế kỷ XX chưa hề thể hiện chủ quyền hay sự “quản lý” của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và vùng biển này (mà họ gọi là biển Nam Trung Hoa – một địa danh thuần túa về vị trí địa lý).

Ngược lại, hàng loạt các bản đồ cổ và nhiều tư liệu lịch sử, tư liệu văn hóa đã ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Khi phân tích các tư liệu Việt Nam và các tư liệu nước ngoài cũng như của Trung Quốc, chúng ta thấy rất rõ hầu hết tư liệu Việt Nam đều là tư liệu của nhà nước, minh xác rất rõ việc xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam qua các hoạt động khai thác kinh tế, cụ thể hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải do nhà nước quản lý, các hoạt động của dân các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… cùng các hoạt động của thủy quân, giám thành như xây dựng miếu, trồng cây, dựng bia, đặt cột mốc, đo đạc thủy trình… ít nhất là từ thời nhà Nguyễn.

Không thể phản bội và bành trướng xâm lược một cách công khai như những năm 1974, 1979, 1988… việc Trung Quốc thường xuyên gây hấn, xâm phạm lãnh hải Việt Nam bằng những phương cách khác nhau đã làm cho nhân dân ta, ngay cả những người kiên nhẫn nhất cũng phải phẫn nộ, vì chính Trung Quốc chứ không ai khác, trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam luôn nhắc đến “4 tốt và 16 chữ vàng”! Là một nước lớn và có nền văn hóa lâu đời, vì sao Trung Quốc có thể hành xử như thế trong thế giới văn minh ngày nay?

Trong những ngày này, khi mà giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã lừng lững kéo vào lãnh hải Việt Nam với hàng chục tàu thuyền hộ tống và uy hiếp, thậm chí đã xảy ra xô xát với tàu hải giám của Việt Nam. Khắp nơi, từ công sở đến quán cà phê, từ trường học đến khu phố, trên nhiều trang báo in, báo mạng tràn ngập những ý kiến những hình ảnh người dân thể hiện sự phẫn nộ và tình yêu Tổ quốc. Họ tham gia biểu tình hay bày tỏ bằng những bài viết, ý kiến một cách cương quyết, có lý có lẽ nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Lòng yêu nước của người dân thật đẹp vì không toan tính vụ lợi, cũng không đao to búa lớn. Đó là những con người chân chính vì đã không thờ ơ trước sự nguy nan của Tổ quốc!

Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam, dù đang sinh sống bất cứ nơi đâu. Tình yêu đó không dành cho những gì giả trá đớn hèn. Nếu cần, chỉ một tiếng hô lập tức những “Hội nghị Diên Hồng” sẽ kết nối hàng triệu trái tim luôn sẵn sàng vì đất nước!

Một tấc đất của tiền nhân cũng không thể dâng cho giặc”, “Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”! Đừng bao giờ quên lời người xưa dặn đó! (*)

(*) Tác giả là Tiến sĩ Khảo cổ học, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Hậu

Từ ô cửa sổ máy bay



Đi máy bay tuyến ngắn hay dài tôi đều thích ngồi cạnh cửa sổ, vì suốt chuyến bay gần như không bao giờ tôi ra khỏi chỗ ngồi. Ngồi cạnh cửa sổ luôn được yên tĩnh, có thể quay mặt nhìn ra bên ngoài để tránh những câu chuy...ện nhạt nhẽo của người ngồi bên, hoặc giả vờ ngủ trong cái cảm giác rất thật là mình đang bay trong không gian, vì ngay bên cạnh, chỉ cách ô cửa nhỏ, luôn là bầu trời bao la.

Ngoài kia, khi là bầu trời xanh đến không thể xanh hơn, khi là những đám mây trắng bồng bềnh rong chơi, khi là những tia nắng ban mai nhẹ nhàng nhô lên từ đường chân trời xa thẳm, khi là hoàng hôn đỏ rực ngay dưới cánh máy bay...

Ngoài kia, khi là bầu trời đầy mây xám nặng nề, những ánh chớp loé lên giận dữ, những hạt mưa tạt vào ô cửa nghe như tiếng va chạm của những viên đá nhỏ khi khuấy ly cà phê đá.

Ngoài kia, có khi là bầu trời đầy sao. Dải ngân hà vắt ngang sáng rực, những ngôi sao xa lấp lánh tinh nghịch. Ngôi sao nào là bản mệnh của mình, tôi hay tự hỏi và hình như, mỗi chuyến bay đêm tôi lại tìm ra cho mình một ngôi sao mới. Ngoài kia, thi thoảng là chuyến bay trong ánh trăng mười sáu, tròn trặn, sáng rỡ, phô phang hết vẻ đẹp như gái một con khiến ai nhìn cũng khó mà đưa mắt đi nơi khác.

Ngoài kia, có khi phía dưới là biển mênh mông, có khi là sông dài uốn khúc, khi là rừng xanh núi cao, khi là thành phố lấp lánh ánh đèn như những vì sao đêm, khi là lô nhô nhà với đường với xe hiện ra ngày càng rõ... Khi ấy tôi biết mình đang kết thúc một chặng đường, tạm biệt không gian để trở về mặt đất.

Mặt đất, có khi là một nơi xa lạ bỗng trở nên thân quen vì có người đang chờ tôi ở đó; nhưng thường là tôi trở về nơi đã quá quen thuộc... Sài Gòn của 39 năm cuộc đời tôi. Thành phố hiện dần dưới ô cửa sổ. Từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó đến nay đã thay đổi quá nhiều. Những mảng xanh của đồng lúa, của vườn cây, của những xóm làng ngoại ô miệt Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi... đã biến mất. Thay vào đó là những ô phố lộn xộn cao thấp chen chúc nhau như hàm răng mọc lệch. Hơn một năm nay tuyến đường vành đai từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Thủ Đức như cái niềng răng khổng lồ đẩy những ngôi nhà ven đường mới xây ngay hàng thẳng lối. Hy vọng vài năm nữa trên máy bay nhìn xuống sẽ thấy những tuyến đường vào thành phố như vành môi mềm mại tươi cười khoe hàm răng đều đặn. Cuộc chỉnh răng nào mà không đau đớn, khi cần phải nhổ bớt đi hoặc trồng lại những cái răng quá xấu. Chỉnh trang một đô thị cũng vậy, quy hoạch giải toả đền bù xây mới... cần một bàn tay “nha sĩ” khéo léo và có y đức, để thành phố có thêm “những vành môi, những hàm răng” đẹp. Tiếc rằng ở thành phố này quy hoạch đô thị chưa tạo ra nhiều cảnh quan đẹp, thậm chí có những công trình như “chiếc răng giả” được trồng chưa đúng chỗ.

Thành phố của tôi. Ở dưới đó còn có một không gian khác nối liền những con người bất chấp khoảng cách xa vời đến đâu. Nhưng, mối quan hệ giữa những con người hoàn toàn không phụ thuộc vào không gian thật hay ảo, mà do những điều khác quyết định, đôi khi, chẳng liên quan gì đến khoảng cách địa lý. Những ngày tháng tư đã qua, khoảng cách giữa những con người “bên này bên kia” từ 39 năm trước đang dần thu hẹp, bởi những con người thế hệ sau 1975 đã khoan dung hơn khi nhìn về quá khứ nhưng cũng nghiêm khắc và đòi hỏi cao hơn khi hướng tới tương lai.

Đấy là điều mà tôi thường ngẫm ngợi, khi nhìn ra bên ngoài ô cửa sổ máy bay.

Nguyễn Thị Hậu

http://beta.nguoidothi.vn/tu-o-cua-so-may-bay.ndt

Vụn vặt đời thường (40)

@ Đọc lại NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU LẬU càng thấm thía hơn câu nói của tác giả Bách Dương "Chúng ta không thể trút gánh nặng cứu vớt dân tộc xuống đôi vai của các nhà chức trách, mà mỗi người dân đều phải chia sẻ. Quốc dân loại ba tuyệt nhiên không thể sản sinh ra chính phủ loại một, nhưng chính phủ loại ba lại có sẵn những quốc dân loại một".

@ “Những người cầm quyền cứ tưởng rằng: chỉ cần không ai chỉ ra sai lầm của họ, thì họ mãi mãi không có sai lầm”
“Dân chủ không phải là hình thức mà là một bộ phận của cuộc sống. Dân chủ của chúng ta là để “chứng tỏ dân chủ”, khi bỏ phiếu quan lớn còn ghi hình chụp ảnh, chứng tỏ họ sát dân, bình quyền. Dân chủ không phải là một bộ phận trong cuộc đời họ mà là bộ môn biểu diễn của họ”
– NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU LẬU, Bách Dương.


@ Cái loa, dù "nói" những lời thông thái cũng vẫn là cái loa.
Nghe mãi, quên mịa mất nó là cái loa. Phát mãi, lại tưởng mình ko phải là loa. Nói chung, Nhuc như con trùng trục!



@ Không một “nước lớn” nào tử tế với nước nhỏ nếu như họ không có lợi, hãy luôn nhớ điều đó. Cái lợi lớn nhất mà nước lớn muốn có được là sự phụ thuộc lâu dài về kinh tế dẫn đến sự lệ thuộc về chính trị của nước nhỏ chứ không chỉ là một vài cái mỏ khoáng sản hay vài hợp đồng kinh tế béo bở!


@ Nơi bình yên, công việc hiện nay là suốt ngày lo tắm cho cá J









ĐỪNG ĐỂ DI SẢN BỊ BIẾN DẠNG

(Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 15/5/2014)

Cho đến nay Việt Nam đã có 8 di sản văn hoá được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và đền Sóc (2010) , Hát xoan (2011). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Phú Thọ) (2012) và mới đây là Đờn ca tài tử Nam Bộ (ngày 05/12/2013).

Trong khoảng vài chục năm nay, các chính sách văn hóa của UNESCO mang lại cho thế giới sự quan tâm đến việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là ở các quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương. Việc UNESCO công nhận nhiều loại hình di sản đã làm cho kho tàng văn hoá của nhân loại ngày càng phong phú, đa dạng, đồng thời tạo ra những nỗ lực liên tục trong việc bảo tồn di sản, và nâng cao thu nhập từ du lịch cho những nước đang phát triển.

Tuy nhiên, việc hàng loạt di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) được Unesco vinh danh nhưng không đi cùng thái độ cương quyết, mạnh mẽ trong việc đưa ra những khuyến cáo về việc khai thác tràn lan và không đúng hướng, những cảnh báo về tác hại của sự biến đổi môi trường văn hoá đối với việc bảo tồn di sản văn hoá, cùng với những biện pháp “chế tài” nếu như những khuyến cáo này không được lưu ý và thực hiện. Chính điều này đã làm nên tình trạng ở nhiều nước đang phát triển và chậm phát triển, Di sản văn hoá như những chiếc bong bóng nhiều màu sắc rực rỡ, nhanh chóng phồng to khi được bơm lên và có thể chúng bay lên, nhưng sẽ xẹp dần, chưa kể nếu lỡ chỉ một mũi kim chạm vào chiếc bong bóng ấy sẽ vỡ toang!

Giá trị của những di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được Unesco công nhận là điều không thể bàn cãi, nhất là đối với một quốc gia có 54 tộc người với những nền văn hoá dặc sắc như Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là, sau ồn ào của lễ hội đón tấm bằng công nhận “Di sản văn hoá thế giới” thì những di sản này được bảo tồn và bảo vệ như thế nào? Sau nhiều lễ hội khác mà trong đó những di sản văn hoá này được “sân khấu hoá” để trình diễn một cách xa lạ với ngay cộng đồng sáng tạo và lưu truyền nó… thì không gian văn hoá chứa đựng và lưu truyền “di sản văn hoá” đang hàng ngày bị biến đổi ra sao? Đó chính là những câu hỏi mà những người thực sự quan tâm không thể không đặt ra.

Ai cũng biết, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản, nếu chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản là một cộng đồng cư dân, thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể. Yếu tố quan trọng nhất đối với sự tồn tại và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể thể hiện ở ảnh hưởng, vai trò và tác động của nó trong đời sống cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể chỉ thực sự có giá trị khi nó được người dân tiếp nhận, nuôi dưỡng và trở thành một bộ phận không thể tách rời của bản lĩnh văn hóa và đời sống tinh thần của mỗi thành viên.

Đơn cử, gần đây có tin tỉnh Bạc Liêu đã chi một số tiền lớn cho việc tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử Nam bộ và xây dựng một số công trình văn hoá như Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật, Nhà hát “nón lá”… Không thể phủ nhận vai trò của những thiết chế văn hoá trên trong việc “bảo tồn và phát huy giá trị” di sản văn hoá, tuy nhiên, chức năng đó cũng là mục tiêu là lâu dài và chỉ thực hiện được nếu Đờn ca tài tử Nam bộ “sống khoẻ, sống đẹp” trong môi trường đã sản sinh ra nó: thiên nhiên, con người và văn hoá Nam bộ.

Thử hình dung, sau Lễ Đón nhận danh hiệu “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” một cách hoành tráng ở TPHCM, bằng festival cũng rầm rộ không kém ở Bạc Liêu, nhiều tỉnh Nam bộ đã xây dựng tour du lịch “về miệt vườn nghe đờn ca tài tử”, rồi việc “tận dụng” di sản văn hoá để phục vụ cho bất kỳ lễ/ hội, phong trào nào của địa phương… Đờn ca tài tử đang được bay lên bằng tất cả những động thái đó nhưng thực sự hiệu quả ra sao? Người dân được tạo điều kiện sống như thế nào để họ có thể lưu giữ, duy trì sinh hoạt văn hoá này? Đồng thời họ được hưởng lợi như thế nào từ việc lưu giữ và quảng bá cho di sản văn hoá của chính họ? Liệu di sản văn hoá có bị biến dạng không khi phải phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhiều đối tượng du khách khác nhau? Những cuộc biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu chứ không phải trong những sinh hoạt dân giã đám hiếu đám hỉ ở làng quê, những bài ca được sáng tác theo “phong trào” với những lời ca khô cứng, sáo rỗng chứ không phải những lời ca mộc mạc sinh động do những nghệ nhân “hát cương” quanh mâm cơm, trên bộ ván gõ với ly trà chén rượu, trên ghe xuồng thơm khói bếp cà ràng, lời hát kể lại câu chuyện sinh hoạt đời thường… Đừng để kiểu trình diễn sân khấu hoá “giết chết” cái hồn nhiên chân thật rất mực “Nam bộ” của đờn ca tài tử.

Vài năm trước đây vào ngày Hội Lim người ta còn tổ chức cho những 3500 người nam phụ lão ấu cùng “đồng ca” quan họ thì hỡi ôi, người yêu quan họ đến mấy cũng phải thốt lên quan họ ở chúng em ra về… và sau này nhiều người chua xót nói: muốn nghe quan họ đừng về Hội Lim. Bảo tồn quan họ đâu chỉ là việc nhiều người biết hát quan họ? Bảo tồn quan họ còn là bảo tồn không gian văn hóa quan họ, từ cảnh quan lễ hội làng quan họ đến phương cách trình diễn. Bảo tồn di sản văn hóa mà mang nặng tư duy hình thức như theo phong trào, kiểu như xác lập một “kỷ lục ghi net” không biết để làm gì hay những cuộc bầu chọn không thực chất, thì sẽ chỉ phát sinh những việc làm hủy hoại di sản văn hóa mà thôi.

Đó chính là những mũi kim tiềm ẩn trong môi trường văn hoá làm cho Di sản của chúng ta trở nên “mong manh”, dễ bị tổn thương và không thể bay cao, bay xa. Tiếc thay nhiều nhà “nghiên cứu” và quản lý văn hoá dường như không mấy quan tâm đến những “mũi kim” như thế đang hiện diện ngay trong công việc của chính họ.

Linh tinh lang tang (83) SAU MỘT NGÀN NĂM ?



Nhiều khi lang thang trên đường phố Sài Gòn, ngó nghiêng những phố cũ nhà mới, ngắm những con người đang vội vã hay ung dung trên đường, thói quen nghề nghiệp khiến tôi tự hỏi: 1000 năm sau, nếu khai quật lại thời hiện tại, con cháu chúng ta sẽ tìm thấy những di sản gì? 

Ví dụ như ngày hôm nay chẳng hạn. Có việc chạy xe từ Phú Nhuận lên quận Một, những dãy phố một trệt một lầu mái ngói đỏ nâu có mái hiên rộng hầu như không còn nữa, thay vào đó là nhà đúc 4,5 tấm, tận dụng tối đa mặt tiền phố thị làm cửa tiệm hàng quán. Cầu Kiệu đang xây lại, theo mô hình mà tôi được tham gia góp ý thì cầu mới sẽ rộng hơn, hai bên có hành lang dành cho người đi bộ và dãy đèn trang trí, hai đầu cầu cũng được thiết kế đẹp hơn như một điểm nhấn của cả con đường. Cùng với những cây cầu khác cầu Kiệu sẽ tô điểm thêm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dòng kênh chảy theo sự mở mang của thành phố từ hàng trăm năm trước.

Chợ Tân Định sau đợt chỉnh trang lớn “bỗng dưng” có mặt tiền hao hao chợ Bến Thành. Nhà thờ Tân Định không còn khoác màu sơn vàng ấm áp mà vài năm nay được sơn lại màu hồng trẻ trung.
Qua công viên Lê Văn Tám. Mới vài chục năm trước còn là một khu nghĩa địa “thượng lưu”, vài năm sau có dự án bãi đỗ xe ngầm lớn nhất thành phố nhưng đến giờ vẫn chưa khởi động. Hiện nay đây là nơi được mọi người biết đến vì cứ hai năm một lần ở đây tổ chức Hội sách lớn nhất nước, thu hút hàng trăm ngàn người đến tham quan và mua sách.

Đi đến ngã tư Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ thì thấy trên vỉa hè có những rào chắn để sẵn, nếu có sự cố thì kéo ra hạn chế lưu thông qua khu vực Lãnh Sự quán Trung quốc. Hơn một tuần nay cả nước sôi sục khi báo chí đưa tin dàn khoan “khủng” 981 của Trung quốc đã ngang nhiên hiện diện trong lãnh hải Việt Nam, cùng với đó là hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ. Chúng đã có những hành vi gây hấn với tàu cảnh sát biển Việt Nam. Cuối tuần qua hàng ngàn người dân Sài Gòn đã xuống đường biểu tình phản đối hành động xâm lược này của phía Trung quốc.

Còn nhớ những ngày tháng 6/2011 cả thành phố cũng nóng bỏng tinh thần bảo vệ Tổ quốc. Khúc đường Phạm Ngọc Thạch - trước Nhà văn hoá Thanh niên và Lãnh sự quán Trung quốc (khi ấy còn ở đó) cũng dày đặc những rào chắn kẽm gai thế như thế này. Ở thời điểm nào thì những người cảnh sát cũng phải làm nhiệm vụ của họ, còn nhân dân thì làm nhiệm vụ của công dân một nước độc lập và có chủ quyền là biểu tình tuần hành một cách ôn hoà thể hiện thái độ cương quyết bảo vệ tổ quốc. Không ai muốn chiến tranh nhưng ai cũng hiểu, nếu để một tấc đất tấc biển bị xâm chiếm hôm nay thì ngày mai liệu có còn một dải non sông Việt Nam?!

Một ngàn năm nữa người đời sau khai quật nơi đây sẽ thấy những gì? Lúc đó những dãy phố cây cầu con đường công viên… đã trở thành di tích, cây xanh thành hoá thạch, hàng rào chắn có khi chỉ còn lại vài mảnh sắt vụn… Nhưng tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân thì chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn! Đó là di sản quý giá nhất chúng ta hôm nay đã được cha ông trao lại từ một ngàn năm chống đô hộ phương Bắc, từ một ngàn năm kháng chiến gìn giữ nền độc lập.

Sau một ngàn năm nữa, lòng dân sẽ ghi tạc tất cả những gì của ngày hôm nay, truyền đến muôn đời sau mà không cần phải khai quật lại!

13/5/2014

Vụn vặt đời thường (39)


@ Yêu nước không là độc quyền của một ai một lực lượng nào, không phải chỉ độc nhất một hình thức thể hiện, cũng không chỉ để độc tôn một người một thế lực.

@ Hoá ra nhiều bạn chỉ thích Một nửa sự thật, chắc đã quen nghe, biết như vậy nên khó chịu với một nửa còn lại J

@ Thông tin độc quyền và nhỏ giọt chỉ tạo nên sự sùng bái cá nhân và nghi kỵ trong cộng đồng

@ Triệu chứng nhìn thấy ai hành xử khác mình cũng kết luận “người đó vì tiền” cho thấy, mình bị bệnh mê tiền rất nặng, thật J



@ Khi ung thư đã đến giai đoạn cuối thì trong cơ thể đang chứa những bệnh nào đều phát ra cả. Có phải thế không ạ?

@ Người xưa nói chả bao giờ sai TRĂM NGHE KO BẰNG MỘT THẤY. người nay nói thêm cũng đúng luôn TRĂM THẤY KO BẰNG MỘT THỬ, TRĂM THỬ KO BẰNG MỘT THẬT. Mình hiểu sâu sắc hơn điều đó từ một việc mình làm lần đầu và cũng là lần cuối.

Ông bà mình đã cảnh báo về THÙ TRONG GIẶC NGOÀI, không phải chỉ là tình trạng nguy cấp, mà còn vì GIẶC NGOÀI thì rõ ràng nhưng THÙ TRONG thì khó thấy; GIẶC NGOÀI thì đối đầu nhưng THÙ TRONG thì len lỏi; GIẶC NGOÀI đánh một trận là xong nhưng THÙ TRONG mấy đời chưa hết!
Sao lại đến nông nỗi này?!

Sài Gòn sáng 11/5/2014 tại Nhà hát Lớn

Đây là cuộc mittinh do các nhân sĩ trí thức đã xin phép UBNDTP. Tuy nhiên tại NHL vẫn có cuộc biểu diễn nghệ thuật như bình thường, sau đó có nhiều thanh niên đi thành hàng dài đến xếp hàng trước NHL. Người đại diện Nhân sĩ đang phát biểu thì micro bị dẹp đi, các bác nhân sĩ liền lấy loa cầm tay (đã chuẩn bị) ra sử dụng. Thanh niên lập tức tràn lên dăng khẩu hiệu che khuất các bác nhân sị. Khi các bác hô khẩu hiệu chống TQ thì thanh niên phía dưới lặng im ko ai ủng hộ. Họ chỉ hô theo người "thủ lĩnh" của họ. yêu nước cũng phân biệt thế sao?!
Cuộc biểu tình của lực lượng thanh niên không hề có một lá cờ Tổ quốc! Họ còn tìm cách ngăn cản những người cầm cờ xuất hiện trên kha1v đài.






















Thế giới mạng dưới góc nhìn văn hóa

Mạng xã hội phổ biến đến nỗi nhiều người có xu hướng tiếp nhận tin tức từ mạng xã hội hơn là báo chí mỗi ngày. Tuy nhiên, mạng internet (gọi tắt là mạng) đang giúp kết nối con người hay đang “hủy diệt” thế giới thật? 
Dưới góc nhìn của một nhà văn hóa, TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, đã có những nhận định về thế giới “ảo mà thật” này qua cuốn sách Thế giới mạng và tôi.
Muôn mặt cuộc sống trên mạng
TS Nguyễn Thị Hậu đã “rong chơi” trên mạng xã hội gần mười năm nay. Chị cho biết: “Tôi đã từng rất giận khi thấy con gái viết những chữ “hiểu chết liền” trên trang blog cá nhân. Còn bây giờ, trang blog và Facebook đã trở thành thế giới quen thuộc của mẹ con tôi. Mạng xã hội là nơi các con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm bạn bè thân thiết, có lần con gái mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng…”.
Theo chị, những người chê bai, bác bỏ những giá trị tích cực của mạng xã hội khi chưa từng tham gia hoặc tìm hiểu nhiều mặt giá trị của mạng là điều khó chấp nhận.
“Trước khi muốn chê bai, bác bỏ điều gì, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan tất cả các mặt của sự việc, hiện tượng đó, mạng xã hội cũng không ngoại lệ”, TS Nguyễn Thị Hậu nói. “Trước đây, một số người từng cho rằng văn hóa Nam bộ không đặc sắc. Nhưng việc phát hiện nền văn hóa Óc Eo cho thấy nhận xét trước đó là chưa chính xác”.
Không thể chối cãi rằng mạng xã hội làm cho cuộc sống con người phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn và tiếp cận những thông tin chúng ta quan tâm nhanh nhất. Trong cuốn sách Thế giới mạng và tôi, TS Nguyễn Thị Hậu đã viết về “tính cách” của mạng xã hội như nó vốn có. Muôn mặt cuộc sống đời thường đều được phản ánh trọn vẹn trên mạng xã hội và có khi, chúng ta còn cảm thấy bất ngờ nhận ra khả năng biến hóa của chính mình.
“Trên thế giới mạng ảo mà thật (lúc này lúc khác) bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đoán… Ở đó bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ phản đối/ tranh luận/ đồng tình…”.
TS Nguyễn Thị Hậu cho biết từ những mối quan hệ tưởng như “ảo” ở trên mạng, chị đã tìm được những người bạn thật sự. Mạng xã hội đã đưa những bài viết, những tập sách của Nguyễn Thị Hậu đến với người Việt ở nước ngoài. Nhờ đó, những chuyến đi của chị đến Mỹ và châu Âu được những người bạn quen nhau qua mạng đón tiếp ân cần.
Cũng nhờ mạng xã hội, một cô sinh viên ở Hà Nội đã tìm được mẹ mình sau 20 năm xa cách hay một cô gái tìm được ân nhân của cha con cô cách đây hơn tám năm. Một hành động quả cảm hay một bài viết về tấm lòng nhân ái chia sẻ trên mạng dễ dàng tạo cảm xúc tích cực đối với hàng triệu người lướt qua.
Mạng cũng rất "tinh tướng"
Tham gia thường xuyên với mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rằng, dù mỗi cá nhân có thể biến hóa thường trực trên thế giới ảo thì “những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn”. Và mỗi khuôn mặt, mỗi con người ảo trên mạng đều có những tính cách nhất định và dễ dàng bị nhận diện.
Một số nhân vật luôn cố giữ hình tượng mẫu mực, nhã nhặn, lịch sự ngoài đời thực. Nhưng trong thế giới ảo, bản tính của họ khác hẳn, thậm chí có người sẵn sàng chia sẻ những thông tin không chính xác, làm lệch lạc cái nhìn của dư luận về các vấn đề trong đời thật. Vì vậy, “Sự tương tác tức thời và không biên giới của thế giới mạng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm đồng thời có sức mạnh có thể “hủy diệt” một cá nhân chỉ trong chốc lát” (trích Thế giới mạng và tôi).
Cũng vì “thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội” (trích Thế giới mạng và tôi), nên mạng xã hội thường bị chỉ trích là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cảm xúc tiêu cực ở người dùng.
Những hình ảnh về chuyện hôi của, cướp bóc, giết người… lan ra nhanh chóng làm cảm xúc tiêu cực cũng lan đi nhanh chóng. Theo đó, những người thích “ném đá”, “quăng gạch” (một thuật ngữ của mạng để chỉ việc đả kích, chà đạp người khác) có cơ hội để hạ uy tín, danh dự người khác.
Nhờ khả năng kết nối, người dùng mạng xã hội dễ dàng nhảy từ “nhà” này sang nhà khác, ngó nghiêng diện mạo, tâm trạng và các mối quan hệ của chủ nhà. Trong những lúc lang thang như vậy, chúng ta có dịp làm quen với người này đồng thời cắt đứt “không thương tiếc” mối quan hệ với người khác.
Và cũng trong khi lang thang, một số người có thể góp thêm lượt thích, bình luận để làm nghiêm trọng hơn những làn sóng tiêu cực. Thực tế, những hành động bôi nhọ trên mạng xã hội đã dẫn đến hành động tự tử không thành của một nữ sinh ở Đà Nẵng và cái chết của một cô gái ở Hà Nội.
Trong thế giới mạng, mà phổ biến là Facebook là điều kiện để nhiều người đã không đọc kỹ các thông tin đăng trên các trang báo không chính thống và bình luận thiếu trách nhiệm.
Mới đây nhất là thông tin về việc bán vé tham quan ở Hội An. Việc đưa thông tin một chiều khi chưa tìm hiểu sự việc đến nơi đến chốn đã tạo một làn sóng phản đối dữ dội trên mạng. Hoặc thông tin về bệnh sởi và những cách điều trị thiếu khoa học đã làm các bậc cha mẹ có con nhỏ hoang mang và làm giá của hạt ngò (một loại hạt được cho là chữa trị bệnh sởi) tăng chóng mặt.
Qua đó có thể thấy rằng tác động tích cực hay tiêu cực từ mạng xã hội rõ ràng là được phóng đại lên rất nhiều lần. Vì vậy, khi tham gia mạng, người chơi nên đưa thông tin một cách có trách nhiệm. Nếu chỉ góp nhặt những câu chuyện không chứng cứ rồi “buôn” từ nhà này sang nhà khác trên mạng thì không khác gì những người ngồi lê đôi mách ở thế giới thật.
Vì vậy, kết thúc tản văn Thế giới mạng và tôi, chị viết: “Mạng cho tôi cuộc sống phong phú đa dạng, luôn đặt tôi trước thử thách khi đối diện tấm gương phóng đại ấy: tỉnh táo để nhìn ra giá trị của mình, của người”.

THANH NHÃ/DNSGCT
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/van-hoa-nghe-thuat/ke-sach-rap-phim/2014/05/1081060/the-gioi-mang-duoi-goc-nhin-van-hoa/

Vụn vặt đời thường (38)


@ Họp BCH Hội KHLSVN trong ngày Biển Đông nóng bỏng!
Kết thúc hội nghị, BCH đã thông qua nghị quyết, trong đó có điều khoản: Hội KHLSVN "Phản đối việc Trung Quốc đưa dàn khoan vào vùng biển thuộc lãnh thổ VN!"
Đồng thời Hội KHLSVN cùng với Liên hiệp các hội KHKT sẽ có văn bản phản đối chính thức về việc này.

@Không ai muốn chiến tranh, nhưng nếu cần chúng ta sẽ sẵn sàng!
"Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa vẫn gọi tiếp thêm những bản hùng ca": nghe lại những bài ca thời chiến tranh biên giới 1979.

@Hãy bảo vệ Tổ quốc bằng tất cả, từ những khả năng nhỏ bé của mỗi chúng ta! Rất nhiều ý kiến của các bạn trẻ cho thấy, long yêu nước của nhân dân không bao giờ mất, họ tỉnh táo, cương quyết và cũng rất khôn khéo! Giá mà chính phủ biết tận dụng tất cả!

@Chiến tranh ko bao giờ là trò đùa, và máu nhân dân, máu chiến sĩ ta ko phải là nước lã! Ko chỉ mỗi người dân nhớ điều đó mà chính quyền cũng cần nhớ rõ như thế!

LINH TINH LANG TANG (81) QUA và QUÊN


Nhân một stt bên nhà một ông anh về QUA VÀ QUÊN, mình còm vài câu. Mang về đây viết lại, để NHỚ 
Quá khứ với nhiều người, giống như nhiều người đờn bà, có thể cho qua chuyện chồng ngoại tình nhưng không bao giờ quên. QUA và QUÊN hoàn toàn khác nhau.

Những chuyện đã qua chỉ nằm im trong đầu mình thôi. Chỉ cần chút gì đấy chạm vào là hiển hiện rõ ràng, không chỉ từng chi tiết mà cả cảm xúc nữa. Có điều là mình có nhắc/nói ra hay không. Không nói gì chưa chắc đã là quên, mà nói nhiều quá có khi cũng không phải là nhớ.
Bệnh mất trí nhớ thật là kinh khủng. Nhưng không chừng những người mắc bệnh đó lại đang gõ cửa thiên đang, vì mang gánh nặng quá khứ nào cũng rất mệt mỏi.


Mình nghĩ, quá khứ trì kéo nặng quá... khó đi xa đừng nói lên tới Thiên đàng. Gánh nặng quá khứ không phải như cục bứu trên lưng gắn liền với ta suốt đời, cũng không phải chỉ một mình ta cõng hay mang vác nó mà có thể dễ dàng vứt đi, mà quá khứ với ta giống như bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của danh hoạ Nga Repin. Càng coi quá khứ to lớn đẹp đẽ bao nhiêu, thì như chiếc thuyền kia... khi phải kéo nó trên một đoạn đường quá dài, nó chỉ còn là sức nặng. 


Trên đường thiên lý đi đến tương lai, dù chiếc thuyền từng có lúc sang trọng nhưng không còn phù hợp với một dòng sông khác, cần biết để nó dừng tại một bến bờ thì mới có thể cùng chiếc tàu mới tiếp tục cuộc hành trình.
Với một người cũng vậy, mà với một dân tộc hình như cũng vậy.


(Ngày mới, qua tháng năm rồi)

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...