Linh tinh lang tang (83) SAU MỘT NGÀN NĂM ?



Nhiều khi lang thang trên đường phố Sài Gòn, ngó nghiêng những phố cũ nhà mới, ngắm những con người đang vội vã hay ung dung trên đường, thói quen nghề nghiệp khiến tôi tự hỏi: 1000 năm sau, nếu khai quật lại thời hiện tại, con cháu chúng ta sẽ tìm thấy những di sản gì? 

Ví dụ như ngày hôm nay chẳng hạn. Có việc chạy xe từ Phú Nhuận lên quận Một, những dãy phố một trệt một lầu mái ngói đỏ nâu có mái hiên rộng hầu như không còn nữa, thay vào đó là nhà đúc 4,5 tấm, tận dụng tối đa mặt tiền phố thị làm cửa tiệm hàng quán. Cầu Kiệu đang xây lại, theo mô hình mà tôi được tham gia góp ý thì cầu mới sẽ rộng hơn, hai bên có hành lang dành cho người đi bộ và dãy đèn trang trí, hai đầu cầu cũng được thiết kế đẹp hơn như một điểm nhấn của cả con đường. Cùng với những cây cầu khác cầu Kiệu sẽ tô điểm thêm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dòng kênh chảy theo sự mở mang của thành phố từ hàng trăm năm trước.

Chợ Tân Định sau đợt chỉnh trang lớn “bỗng dưng” có mặt tiền hao hao chợ Bến Thành. Nhà thờ Tân Định không còn khoác màu sơn vàng ấm áp mà vài năm nay được sơn lại màu hồng trẻ trung.
Qua công viên Lê Văn Tám. Mới vài chục năm trước còn là một khu nghĩa địa “thượng lưu”, vài năm sau có dự án bãi đỗ xe ngầm lớn nhất thành phố nhưng đến giờ vẫn chưa khởi động. Hiện nay đây là nơi được mọi người biết đến vì cứ hai năm một lần ở đây tổ chức Hội sách lớn nhất nước, thu hút hàng trăm ngàn người đến tham quan và mua sách.

Đi đến ngã tư Hai Bà Trưng – Điện Biên Phủ thì thấy trên vỉa hè có những rào chắn để sẵn, nếu có sự cố thì kéo ra hạn chế lưu thông qua khu vực Lãnh Sự quán Trung quốc. Hơn một tuần nay cả nước sôi sục khi báo chí đưa tin dàn khoan “khủng” 981 của Trung quốc đã ngang nhiên hiện diện trong lãnh hải Việt Nam, cùng với đó là hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ. Chúng đã có những hành vi gây hấn với tàu cảnh sát biển Việt Nam. Cuối tuần qua hàng ngàn người dân Sài Gòn đã xuống đường biểu tình phản đối hành động xâm lược này của phía Trung quốc.

Còn nhớ những ngày tháng 6/2011 cả thành phố cũng nóng bỏng tinh thần bảo vệ Tổ quốc. Khúc đường Phạm Ngọc Thạch - trước Nhà văn hoá Thanh niên và Lãnh sự quán Trung quốc (khi ấy còn ở đó) cũng dày đặc những rào chắn kẽm gai thế như thế này. Ở thời điểm nào thì những người cảnh sát cũng phải làm nhiệm vụ của họ, còn nhân dân thì làm nhiệm vụ của công dân một nước độc lập và có chủ quyền là biểu tình tuần hành một cách ôn hoà thể hiện thái độ cương quyết bảo vệ tổ quốc. Không ai muốn chiến tranh nhưng ai cũng hiểu, nếu để một tấc đất tấc biển bị xâm chiếm hôm nay thì ngày mai liệu có còn một dải non sông Việt Nam?!

Một ngàn năm nữa người đời sau khai quật nơi đây sẽ thấy những gì? Lúc đó những dãy phố cây cầu con đường công viên… đã trở thành di tích, cây xanh thành hoá thạch, hàng rào chắn có khi chỉ còn lại vài mảnh sắt vụn… Nhưng tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân thì chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn! Đó là di sản quý giá nhất chúng ta hôm nay đã được cha ông trao lại từ một ngàn năm chống đô hộ phương Bắc, từ một ngàn năm kháng chiến gìn giữ nền độc lập.

Sau một ngàn năm nữa, lòng dân sẽ ghi tạc tất cả những gì của ngày hôm nay, truyền đến muôn đời sau mà không cần phải khai quật lại!

13/5/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...