ĐỪNG ĐỂ DI SẢN BỊ BIẾN DẠNG

(Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 15/5/2014)

Cho đến nay Việt Nam đã có 8 di sản văn hoá được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Giang và Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và đền Sóc (2010) , Hát xoan (2011). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Phú Thọ) (2012) và mới đây là Đờn ca tài tử Nam Bộ (ngày 05/12/2013).

Trong khoảng vài chục năm nay, các chính sách văn hóa của UNESCO mang lại cho thế giới sự quan tâm đến việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là ở các quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương. Việc UNESCO công nhận nhiều loại hình di sản đã làm cho kho tàng văn hoá của nhân loại ngày càng phong phú, đa dạng, đồng thời tạo ra những nỗ lực liên tục trong việc bảo tồn di sản, và nâng cao thu nhập từ du lịch cho những nước đang phát triển.

Tuy nhiên, việc hàng loạt di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) được Unesco vinh danh nhưng không đi cùng thái độ cương quyết, mạnh mẽ trong việc đưa ra những khuyến cáo về việc khai thác tràn lan và không đúng hướng, những cảnh báo về tác hại của sự biến đổi môi trường văn hoá đối với việc bảo tồn di sản văn hoá, cùng với những biện pháp “chế tài” nếu như những khuyến cáo này không được lưu ý và thực hiện. Chính điều này đã làm nên tình trạng ở nhiều nước đang phát triển và chậm phát triển, Di sản văn hoá như những chiếc bong bóng nhiều màu sắc rực rỡ, nhanh chóng phồng to khi được bơm lên và có thể chúng bay lên, nhưng sẽ xẹp dần, chưa kể nếu lỡ chỉ một mũi kim chạm vào chiếc bong bóng ấy sẽ vỡ toang!

Giá trị của những di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được Unesco công nhận là điều không thể bàn cãi, nhất là đối với một quốc gia có 54 tộc người với những nền văn hoá dặc sắc như Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là, sau ồn ào của lễ hội đón tấm bằng công nhận “Di sản văn hoá thế giới” thì những di sản này được bảo tồn và bảo vệ như thế nào? Sau nhiều lễ hội khác mà trong đó những di sản văn hoá này được “sân khấu hoá” để trình diễn một cách xa lạ với ngay cộng đồng sáng tạo và lưu truyền nó… thì không gian văn hoá chứa đựng và lưu truyền “di sản văn hoá” đang hàng ngày bị biến đổi ra sao? Đó chính là những câu hỏi mà những người thực sự quan tâm không thể không đặt ra.

Ai cũng biết, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản, nếu chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản là một cộng đồng cư dân, thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể. Yếu tố quan trọng nhất đối với sự tồn tại và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể thể hiện ở ảnh hưởng, vai trò và tác động của nó trong đời sống cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể chỉ thực sự có giá trị khi nó được người dân tiếp nhận, nuôi dưỡng và trở thành một bộ phận không thể tách rời của bản lĩnh văn hóa và đời sống tinh thần của mỗi thành viên.

Đơn cử, gần đây có tin tỉnh Bạc Liêu đã chi một số tiền lớn cho việc tổ chức Lễ hội Đờn ca tài tử Nam bộ và xây dựng một số công trình văn hoá như Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật, Nhà hát “nón lá”… Không thể phủ nhận vai trò của những thiết chế văn hoá trên trong việc “bảo tồn và phát huy giá trị” di sản văn hoá, tuy nhiên, chức năng đó cũng là mục tiêu là lâu dài và chỉ thực hiện được nếu Đờn ca tài tử Nam bộ “sống khoẻ, sống đẹp” trong môi trường đã sản sinh ra nó: thiên nhiên, con người và văn hoá Nam bộ.

Thử hình dung, sau Lễ Đón nhận danh hiệu “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” một cách hoành tráng ở TPHCM, bằng festival cũng rầm rộ không kém ở Bạc Liêu, nhiều tỉnh Nam bộ đã xây dựng tour du lịch “về miệt vườn nghe đờn ca tài tử”, rồi việc “tận dụng” di sản văn hoá để phục vụ cho bất kỳ lễ/ hội, phong trào nào của địa phương… Đờn ca tài tử đang được bay lên bằng tất cả những động thái đó nhưng thực sự hiệu quả ra sao? Người dân được tạo điều kiện sống như thế nào để họ có thể lưu giữ, duy trì sinh hoạt văn hoá này? Đồng thời họ được hưởng lợi như thế nào từ việc lưu giữ và quảng bá cho di sản văn hoá của chính họ? Liệu di sản văn hoá có bị biến dạng không khi phải phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhiều đối tượng du khách khác nhau? Những cuộc biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu chứ không phải trong những sinh hoạt dân giã đám hiếu đám hỉ ở làng quê, những bài ca được sáng tác theo “phong trào” với những lời ca khô cứng, sáo rỗng chứ không phải những lời ca mộc mạc sinh động do những nghệ nhân “hát cương” quanh mâm cơm, trên bộ ván gõ với ly trà chén rượu, trên ghe xuồng thơm khói bếp cà ràng, lời hát kể lại câu chuyện sinh hoạt đời thường… Đừng để kiểu trình diễn sân khấu hoá “giết chết” cái hồn nhiên chân thật rất mực “Nam bộ” của đờn ca tài tử.

Vài năm trước đây vào ngày Hội Lim người ta còn tổ chức cho những 3500 người nam phụ lão ấu cùng “đồng ca” quan họ thì hỡi ôi, người yêu quan họ đến mấy cũng phải thốt lên quan họ ở chúng em ra về… và sau này nhiều người chua xót nói: muốn nghe quan họ đừng về Hội Lim. Bảo tồn quan họ đâu chỉ là việc nhiều người biết hát quan họ? Bảo tồn quan họ còn là bảo tồn không gian văn hóa quan họ, từ cảnh quan lễ hội làng quan họ đến phương cách trình diễn. Bảo tồn di sản văn hóa mà mang nặng tư duy hình thức như theo phong trào, kiểu như xác lập một “kỷ lục ghi net” không biết để làm gì hay những cuộc bầu chọn không thực chất, thì sẽ chỉ phát sinh những việc làm hủy hoại di sản văn hóa mà thôi.

Đó chính là những mũi kim tiềm ẩn trong môi trường văn hoá làm cho Di sản của chúng ta trở nên “mong manh”, dễ bị tổn thương và không thể bay cao, bay xa. Tiếc thay nhiều nhà “nghiên cứu” và quản lý văn hoá dường như không mấy quan tâm đến những “mũi kim” như thế đang hiện diện ngay trong công việc của chính họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...