VỤN VẶT ĐỜI THƯỜNG (345)

 

@ Đâu phải đến giờ mới có việc người đứng đầu TP lớn bị bắt giam? trước đây có trường hợp ĐLT ở TPHCM.

Điểm giống nhau giữa ĐLT và NĐC là "trường vốn", lại còn trong độ tuổi cơ cấu, có thể "tương lai" còn tiến xa hơn. (mà biết đâu "đi" sớm về sớm, làm lại sự nghiệp huy hoàng hơn thì sao :D )

Điểm khác nhau giữa NĐC và LTH, TTC là hai người sau đã hưu và chưa hưu thì cũng ko có cửa đi đâu. Vì vậy cứ từ từ, "cá trong chậu" đi đâu mà lo, chưa kể cũng "trường vốn"... Cho nên chưa "đi" chưa chắc là vì thế hay lực của cá nhân hay của TP.

Tất cả đều là những quân cờ trên bàn cờ. Mình chả biết chơi cờ, ngó nghiêng tí thôi, nghĩ thế :)

Hôm qua khời tố, bắt tạm giam, khám xét nhà nhưng không thấy báo chí đưa hình ảnh bắt ông NĐC tại nhà như khi đưa tin bắt người khác. Nói gì thì nói, chuyện bắt giam toàn vào cuối tuần là thời gian gia đình tụ tập nghỉ ngơi, dù là ai cũng thấy sao sao...

29.8.2020

@ Khi phong trào “dù vàng” ở Hồng Kông phát triển với các thủ lĩnh chỉ mới mười tám đôi mươi, nhiều người đã đặt vấn đề vì sao lớp trẻ Hồng Kông – thậm chí có người sinh ra sau khi nơi này “trở về” Trung quốc - có thể trưởng thành, vững vàng và kiên định đấu tranh cho lẽ phải như vậy?
Tôi cũng tự hỏi điều đó và tìm thấy cho mình một câu trả lời, đó là nhờ thế hệ cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội Hồng Kông đã thực hiện dân chủ và truyền cho lớp trẻ tinh thần dân chủ, đã ủng hộ và đứng bên cạnh lớp trẻ trong cuộc đấu tranh vì dân chủ. Mỗi người của thế hệ trước làm tốt phần việc của mình để thế hệ sau nối tiếp phần việc của họ là xây dựng tương lai.
Những người trẻ HK như Agnes Chou thật đáng kính phục! Họ không đổ thừa cho thế hệ trước về những gì đang xảy ra với HK, họ không trông chờ thế hệ sau đấu tranh cho một HK tự do và dân chủ, họ cũng không mong đợi bên ngoài bảo vệ nhân quyền cho HK. HỌ ĐANG THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA THẾ HỆ MÌNH VỚI ĐẤT NƯỚC!
(11.8.2020)

@ Chuyện cũ.

Ngày trước mình có người bạn cùng nghề, cùng tuổi nên khá thân nhau. Chuyên công việc chuyện riêng tư hai đứa thường kể cho nhau nghe... Khi bạn gặp một sự cố lớn trong cuộc sống mình cố gắng giúp bạn bằng mọi cách, kể cả chuyện tiền nong, không tính toán gì mà chỉ nghĩ bạn đang cần giúp, vậy thôi.
Bạn qua được cơn khó khăn, rồi khi công việc của bạn thuận lợi hơn thì tình bạn của hai đứa cũng mất luôn. Mình nhận ra một điều tình bạn là có thật, nhưng sau đó là sự lợi dụng, kiếm lợi xong rồi thì bạn không cần mình nữa. Không sao, tự nhủ, rút kinh nghiệm nhé!
Mình đi chỗ khác chơi, vẫn sống và nhẹ nhõm như không.

Sau đó, thỉnh thoảng (và gần đây) mình lại ngạc nhiên vì hóa ra người như “bạn cũ” không hiếm.

Để cho bạn bè thân thiết phải “đi chỗ khác chơi” vì lý do gì thì người ta cũng nhìn ra sự thật. Và từ lâu mình vẫn tin rằng, đối xử với bạn bè thân thiết, với người ơn nghĩa mà không tử tế có trước có sau thì khó có thể tin vào những “tuyên ngôn” cao cả.

Đường đi còn dài, bạn mang theo bên mình cái gì thì con đường của bạn sẽ như thế.

25.6.2020

 



KÝ ỨC HÀ NỘI TRONG NGÀY HÔM NAY

Trước 1975 gia đình tôi sống ở Hà Nội ngoài những lúc đi sơ tán về nhiều vùng nông thôn khác nhau. Đồng nghiệp của ba má, bạn bè của tôi hầu hết là người Hà Nội, có thể họ ở 36 phố phường cổ xưa “mái ngói xô nghiêng” hay khu phố Tây thoảng “mùi hoàng lan, mùi hoa sữa”, ở khu công nhân Thanh Nhàn – Lò Đúc hay xóm lao động “quân khu chợ Mơ”... Ngoài khác biệt (không dễ nhận ra ngay) của sự nền nã chỉn chu trong trang phục sang trọng kín đáo, hay giản dị gọn gàng sạch sẽ của bộ quần áo người lao động thì ở họ - những người Hà Nội thời ấy –  thường giống nhau ở giọng nói nhẹ nhàng, tốc độ và âm lượng vừa đủ nghe, chào hỏi lịch sự và thân thiện, tiếng vâng ạ của các cô gái Hà Nội dịu dàng như một ngọn lá non... Nhà cửa dù rộng rãi biệt thự hay chật hẹp nhà tập thể, nhà phố chia năm xẻ bảy cũng luôn ngăn nắp, mâm cỗ cầu kỳ bốn bát sáu đĩa ngày giỗ chạp hay bữa cơm đơn giản hàng ngày luôn cho thấy sự vén khéo của phụ nữ Hà Nội.

Tôi sống ở Hà Nội thời bao cấp trong chiến tranh, dù thiếu thốn khó khăn nhưng chưa khắc nghiệt bằng giai đoạn “bao cấp trong hòa bình” từ 1976 đến 1986. Hai giai đoạn này khác nhau về bối cảnh xã hội, về quy mô, mức độ và cả “đối tượng” chịu đựng sự bao cấp. Trước 1975 ở miền Bắc mọi thứ đều sản xuất theo kế hoạch hóa và phân phối qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh, ở Hà Nội là những “bách hóa tổng hợp” và cửa hàng trung và cao cấp như Vân Hồ, Nhà Thờ, Tôn Đản... Hàng hóa quy theo tiêu chuẩn “mức lương” tưởng như công bằng nhưng luôn phải “phân phối lại” qua các chợ và đội ngũ “con phe”. Tính chất bao cấp tác động và thể hiện rõ nhất trong đời sống đô thị Hà Nội, nơi tập trung cán bộ công chức ăn lương nhà nước, tất cả phụ thuộc vào tem phiếu, đến số phận con người cũng phụ thuộc vào sổ hộ khẩu! nông thôn thì đỡ hơn vì dù sao cũng có mảnh vườn, chuồng gà con lợn, thức ăn tự cung tự cấp trong phạm vi gia đình hay làng xóm. Tuy nhiên xã hội lúc ấy mức độ phân hóa giàu nghèo không quá lớn – nhất là sự thể hiện bên ngoài –  “ai cũng như ai” vì của cải sức lực từ nông thôn đến thành phố đều tập trung cho chiến tranh.

Hà Nội với tôi là những ký ức ấm áp tình người. Phần lớn các khu phố hay nhà tập thể đều chung bếp chung nhà tắm đến nhà vệ sinh cũng chung thì tránh sao khỏi dòm ngó thóc mách, nhưng trên hết vẫn là sự nhường nhịn, giúp đỡ nhau, coi như “người nhà” khi hữu sự, vì nhìn quanh mình chẳng bằng ai nhưng vẫn hơn nhiều người. Về Sài Gòn đã 45 năm mà má tôi còn giữ mãi chục bát sứ Hải Dương men trắng ngà có đường hoa văn ô trám ở vành miệng hơi méo. Đó là tiêu chuẩn lao động tiên tiến năm nào đó của bà. Bà giữ lại không chỉ vì còn dùng được mà vì nhớ chuyện khi đó bà được thưởng có 5 cái bát, một người bạn đã nhường thêm phần của cô để có đủ chục bát “phòng khi nhà có khách”. Còn tôi, cứ mỗi mùa trung thu là tôi lại nhớ cảm giác thòm thèm vị ngon của chiếc bánh dẻo nhân hạt sen bột khô cứng hay chiếc bánh nướng nhân thập cẩm thoáng mùi vị lạp xưởng... Mỗi nhà được mua 1,2 cái theo phiếu nhưng má tôi thường để dành gửi về quê biếu các gia đình chúng tôi ở nhờ hồi sơ tán, vì “mình ở Hà Nội thỉnh thoảng còn mua được chứ ở nông thôn không có đâu con ạ”.

Ngày nay muốn biết về cuộc sống Hà Nội thời bao cấp có thể đọc những câu thành ngữ, ca dao mới và có nhiều “dị bản”. Dòng văn học dân gian phản ánh hiện thực xã hội qua cái nhìn tinh tế, hài hước mà không kém phần sâu sắc, thậm chí còn châm biếm và đả phá mạnh mẽ. Đấy là những trang “lịch sử bình dân” của đời sống xã hội bên cạnh các bộ “chính sử” của cuộc chiến tranhsự kiện chính trị. Gần đây khá nhiều cuốn sách “hồi cố” về thời kỳ bao cấp ở Hà NỘi được xuất bản và rất nhiều người tìm đọc. Đọc để hồi tưởng một phần đời chịu khó chịu cực, “khổ lắm nhưng thương lắm” chẳng dễ mà quên! Nhưng điều chắc chắn không ai muốn cuộc sống bao cấp lặp lại để con cháu phải chịu đựng nghèo khó như chúng ta thời ấy.

***

Tôi vẫn thường trở về Hà Nội, vì công việc cả vì nỗi nhớ một thời ấu thơ. Mỗi lần về tôi chỉ loanh quanh “phố cũ” nơi có nhiều bạn bè. Đôi khi cảm giác quá quen thuộc nhàm chán như cần đi đâu đó để biết thêm điều mới mẻ hơn. Nhưng quán tính của ký ức vẫn đủ sức mạnh níu kéo bước chân... Tôi muốn lưu giữ một Hà Nội của ký ức nhưng thật khó! “Hà Nội mới” đã hình thành từ hơn mười năm trước, và trước nữa những thế hệ người Hà Nội đã bị mai một, đến nỗi giờ đây người ta hay nói về “người Hà Nội gốc” như hoài niệm một quá khứ vàng son. Thế mà chỉ mươi năm trước thôi, những người Hà Nội mà tôi quen biết luôn trìu mến khi nói đến gốc gác quê hương “người Hà Nội ai mà chẳng có một nhà quê” là xứ Đoài, Kinh Bắc hay miền đồng bằng chiêm trũng. Để rồi thủ đô “Hà Nội vẫn là một cái làng lớn” theo nghĩa tốt đẹp: những gì tinh hoa nhất của “tứ xứ” nhà quê ấy được thăng hoa và ngưng tụ ở đây.

Do nghề nghiệp nên tôi luôn quan tâm đến việc bảo tồn di sản đô thị. Hà Nội tiếp nối kinh thành Thăng Long nên tích lũy một nguồn vốn di sản vô cùng phong phú và đa dạng. Chỉ riêng di sản kiến trúc đã đủ loại: từ đình chùa đền miếu, nhà cổ, nhà thờ công giáo, các công trình kiến trúc thời Pháp... Ngoài khu phố cổ “36 phố phường” nổi danh “phố Phái’ trong hội họa, Hà Nội còn có một “khu phố Tây” – một bộ phận quan trọng làm nên diện mạo rất riêng của Hà Nội. Khu vực này (nằm phía tây, nam và đông nam của khu phố cổ) được người Pháp quy hoạch và xây dựng vào cuối thế kỷ 19 đến khoảng 1945, với ý tưởng thiết lập trung tâm chính trị - văn hóa của Đông Dương thuộc Pháp. Trong khu vực đó có nhiều loại hình kiến trúc Pháp và châu Âu: công sở,  biệt thự, dinh thự, công trình văn hóa, giáo dục, công trình công cộng... mang nhiều giá trị kiến trúc và nghệ thuật độc đáo. Trong nửa đầu thế kỷ 20 “khu phố Tây” Hà Nội được coi là đẹp nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

 Tuy nhiên trải qua chiến tranh và sự hạn chế của chính quyền, của cộng đồng trong nhận thức giá trị di sản của khu vực này, rồi quá trình “đổi mới” nhanh chóng và phức tạp đã có tác động tiêu cực đến sự hài hòa của quy hoạch, vẻ đẹp hoàn hảo của nhiều đường phố. Một số công trình cổ biến mất, các công trình còn lại hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng, hoặc sửa chữa làm mất đi nét yêu kiều mà thay vào đó vẻ ngoài hiện đại nhưng nhạt nhòa bản sắc. Rất may mắn và kịp thời, từ khoảng 2010 đến nay những di sản kiến trúc này được đánh giá đúng giá trị nhiều mặt của nó, Hà Nội đã bước đầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản gồm không gian đô thị, cảnh quan kiến trúc, cấu trúc đô thị trong đó các khu vực theo từng chức năng chủ yếu, phong cách kiến trúc riêng biệt, các công trình kiến trúc đặc thù... Những kinh nghiệm thực tiễn của Hà Nội trong việc đề ra chính sách và thực thi bảo tồn di sản đô thị được nhiều nơi vận dụng trong đó có TP. Hồ Chí Minh.

 Hà Nội còn có khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới. Quá trình khai quật đã phát lộ được quần thể nền móng của nhiều loại hình di tích kiến trúc: nền nhà của các cung điện, lầu gác, hệ thống giếng nước, đường cống tiêu thoát nước... cùng với số lượng lớn và phong phú khoảng vài triệu loại hình di vật đồ gốm sứ, đồ kim loại, di cốt mộ táng... có niên đại kéo dài từ “An Nam đô hộ phủ” thời Đường đến kinh đô Thăng Long thời Lý - Trần - Lê rồi thành Hà Nội thời Nguyễn, phản ánh lịch sử liên tục, lâu dài và độc đáo của Thăng Long - Hà Nội.

Kết quả nghiên cứu của khảo cổ học là những tài liệu đặc biệt quý giá, là bằng chứng toàn vẹn trung thực góp phần bổ sung vào khoảng trống trong kho tàng tư liệu lịch sử và di vật khảo cổ của "Thăng Long ngàn năm văn hiến" mà trước đó còn lại rất ít ỏi. Việc xây dựng và trưng bày thành công Bảo tàng Hoàng thành Thăng Long là một Dự án điển hình của Khảo cổ học đô thị ở Việt Nam: Bảo tồn và “khai thác” di tích trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch – một ngành có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế từ “công nghệ di sản” (heritage industry). Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước vì ý nghĩa di sản lịch sử - văn hóa quý giá đặc biệt đối với Hà Nội và cả nước.

Hà Nội đang lớn rộng từng ngày, mỗi lần gặp lại tôi không khỏi ngỡ ngàng dù đã quá quen thuộc. Khu đô thị mới mọc lên tứ phía, qua sông Hồng không chỉ có cầu Long Biên duyên dáng trăm năm mà có thêm những cây cầu hiện đại, vùng ngoại ô ngày nào giờ là quận nội thành đường phố thênh thang, phố cổ chen chúc xe máy xe hơi đắt tiền, người phố ngày càng trẻ hơn đẹp hơn nhưng cũng nhộn nhạo hơn... Tất cả điều đó đôi khi làm tôi cảm thấy lạc lõng giữa Hà Nội. Tôi hiểu đó là quy luật phát triển của cuộc sống. Nhưng chỉ cần ngồi quán cà phê nhìn theo gánh hàng hoa mỗi sáng trên phố cổ, dạo bước trên vỉa hè vàng lá rụng, uống cốc bia hơi trưa nắng hanh hao... bỗng lòng nao nao nhận ra vẻ đẹp một Hà Nội xưa cũ vẫn hiện diện đâu đó bạn bè nguyên vẹn sự tinh tế chân tình của người Hà Nội.

Chỉ thế thôi mà mỗi lần trở về là mỗi lần ngập ngừng khi nói lời từ biệt.

Nguyễn Thị Hậu

Hà Nội, đầu năm 1975 trước khi về Sài Gòn

Hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng

 Bài đăng trên báo Tinh Hoa Việt số ra ngày 25/8/2020

 Không có mô tả ảnh.

 

 

NHỮNG NGƯỜI HÀ NỘI TÔI VỪA GẶP LẠI


Tôi đọc những cuốn sách của nhà văn Vũ Ngọc Tiến từ lâu, rồi quen biết ông qua facebook, đôi lần được ngồi cà phê trò chuyện cùng ông và các nhà văn, nhà báo ở Hà Nội, Sài Gòn... Thật bất ngờ và cảm động được nhà văn gửi tặng cuốn sách mới của ông với lời nhắn “gửi em đọc những câu chuyện về Hà Nội của anh”.

“Hà Nội và Tôi” gồm 24 truyện ký phản ánh Hà Nội trải qua gần trăm năm, từ thời các nhà nho cuối mùa đến thời chiến tranh, thời bao cấp rồi đổi mới... Giọng văn điềm đạm mà thiết tha, đôi chỗ hóm hỉnh, nhà văn Vũ Ngọc Tiến như đã dựng một cuốn phim “nhân học xã hội” về Hà Nội. Những người Hà Nội hiện lên tự nhiên như chính họ là, không cố thể hiện hay phân biệt ai là “Hà Nội gốc” còn ai thì không. Hà Nội thời ấy đâu coi người phố người quê là ai hơn ai kém, làm ăn buôn bán ở 36 phố phường hay sinh sống ở khu phố Tây thì “ai mà chẳng có một nhà quê”, có khi ở ngay ngoại thành Hà Nội.

Thế kỷ 20 Hà Nội chịu nhiều biến động, những chân dung mà nhà văn Vũ Ngọc Tiến ký họa bằng ngôn từ đã cho thấy người “Hà Nội gốc” không phải là đã sinh sống bao lâu ở Hà Nội, mà quan trọng hơn là “nếp nhà” được gìn giữ thế nào. Xã hội thay đổi làm quan hệ gia đình, nhân cách và hành xử cũng biến đổi theo... Nhưng những “người Hà Nội” trong tập sách này dù có nghề nghiệp đàng hoàng hay phải làm những việc “bên lề xã hội”, có người chẳng may phạm tội vướng vòng lao tù... thì họ vẫn luôn tâm niệm “giấy rách phải giữ lấy lề”. Nếu lâm vào hoàn cảnh suy sụp về địa vị và kinh tế, không thể “thích nghi” với thời thế thì họ cũng cố gắng gìn giữ gia phong.

Nhờ được lắng đọng trong các dòng họ nổi tiếng hay những gia đình bình dị, khí chất Hà Nội càng tinh túy và bền chặt. Giàu hay nghèo, người Hà Nội xưa cần mẫn làm ăn, tính toán khéo léo nhưng không “cạn tàu ráo máng”, thương người cơ nhỡ khó khăn, cư xử lịch thiệp mà thân thiện, trên dưới rõ ràng mà vẫn tình nghĩa sau trước, gia cảnh thế nào cũng ăn ở nền nếp. Giàu mà sang là thế, nghèo nhưng không hèn là thế, người xưa trọng nhau vì nhân cách ấy. 

Trong “Hà Nội và Tôi” có vài chân dung “người nhà quê” nhưng với tôi, đó vẫn là người Hà Nội. Bởi vì, vào thời ấy khi lên thành phố họ đã mang theo những gì tốt đẹp của làng quê, rồi tiếp nhận và bồi đắp thêm “chất Hà Nội” được hình thành và lưu giữ qua ngàn năm Thăng Long. Sau này, dân cư Hà Nội biến động quá nhanh, cuộc sống hiện đại như một dòng chảy ồ ạt, cứ chưa hết một “kế hoạch năm năm” đã lại có một lớp người Hà Nội mới theo tiêu chí đầu tiên là cái hộ khẩu. Hà Nội ngày càng mở rộng và đông đúc thì “chất Hà Nội” ngày càng khó mà tìm thấy...

“Hà Nội và tôi” là những ký ức và chiêm nghiệm của tác giả cũng như thế hệ người Hà Nội trưởng thành vào nửa sau thế kỷ 20. Tôi cũng được trải qua một thời gian ngắn như vậy, vì vậy cuốn sách mới của nhà văn Vũ Ngọc Tiến như đã cho tôi được “gặp lại” những người Hà Nội mà tôi quen thuộc từ thời thơ ấu.

Sài Gòn, tháng 8.2020

  Nguyễn Thị Hậu


 

 

BAO GIỜ CẢI LƯƠNG LỘNG LẪY NHƯ XƯA?


Nguyễn Thị Hậu

Gần đây tôi được mời xem một chương trình cải lương. Đó không phải là một vở diễn hoàn chỉnh mà là một câu chuyện về loại hình nghệ thuật này. Buổi diễn giới thiệu khái quát nhưng sắc nét thế nào là cải lương: từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, từ bản dạ cổ hoài lang tới bản vọng cổ, từ vở diễn đề tài xã hội đến tích tuồng lịch sử... những đặc trưng cơ bản về loại hình, kịch bản, tính cách nhân vật và không thể thiếu tính hiện đại của một nghệ thuật truyền thống đặc biệt như cải lương. Qua đó phần nào lý giải vì sao cải lương được người Nam bộ yêu quý và hiện nay vẫn tồn tại trong đời sống người dân miền Tây Nam bộ.

Chương trình làm tôi nhớ những buổi đi nói chuyện có minh họa đờn ca, vũ đạo, trích đoạn vở diễn... về “Lịch sử và đặc điểm nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ” của ba tôi – đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch - hồi những năm 1975- 1980 ở Nhà văn hóa Thanh niên và nhiều trường đại học tại TP.HCM... Trước đó, vào năm 1969 trong đợt đưa đoàn Nghệ thuật của Việt Nam sang biểu diễn ở Paris (Pháp), ba tôi cũng tổ chức vài cuộc nói chuyện như vậy cho kiều bào ở Pháp, có cả những người nghiên cứu sân khấu truyền thống các nước châu Á tham dự và họ rất thích thú.

Cũng từ lâu rồi cải lương Sài Gòn đã lui về “ẩn dật” khi những rạp hát không còn sáng đèn hàng đêm, thế hệ nghệ sĩ tiền bối lần lượt khuất núi, thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng trước sau 1975 cũng lần lượt rời sân khấu... Bởi vậy khi nghe những bài bản cải lương vang lên trong nhà hát, cảm giác như sống lại những năm 1980, thời kỳ sân khấu cải lương Sài Gòn có một sức sống mới qua nhiều vở diễn từ kinh điển đến hiện đại, từ những nghệ sĩ khởi đầu tài hoa đến nhiều nghệ sĩ kế tiếp đầy tài năng, từ sự nhuần nhuyễn của năng khiếu bẩm sinh đến sự thể hiện bài bản của đào tạo, truyền nghề... Hơn hết cả là mỗi đêm diễn khán phòng rạp hát là một không gian giao hòa cảm xúc của nghệ sĩ và biết bao khán giả ở mọi lứa tuổi mọi thành phần.
***
Hồi tôi còn nhỏ gia đình tôi sống trong khu tập thể của Đoàn cải lương Nam bộ (tại Hà Nội), tối ngày ê a theo mấy cô chú và rồi tôi thuộc nhiều bài bản cải lương. Má tôi rất sợ tôi theo nghề của ba tôi vì ông đi diễn quanh năm suốt tháng, hiếm có năm nào ông ăn tết ở nhà. Sau này dẫu không đủ năng khiếu để theo nghề của ba nhưng trong tôi có “dòng máu cải lương”, nghe câu vọng cổ ở đâu tôi cũng nhớ cảm giác náo nức chờ ánh đèn sân khấu lộng lẫy bừng lên khi hai cánh màn mở ra, lại nao nao nhớ về miệt vườn miền Tây những trưa đứng nắng, giọng Lệ Thủy ngọt ngào giọng Thanh Kim Huệ trong vắt từ radio nhà ai văng vẳng, xóm làng bình yên quá đỗi...

Vậy mà bây giờ cải lương chỉ còn trên TV hay đài phát thanh một số tỉnh miền Tây. Vẫn những vở diễn cũ, bài ca cũ nhưng tài năng của các nghệ sĩ làm nhiều người trẻ thích thú. Về miền Tây không ít lần tôi dự đám giỗ chạp, đám cưới hay đơn giản là cuộc vui gặp bạn bè. Lần nào cũng có cuộc đờn ca, cùng một vài bài bản “truyền thống” còn phần lớn là “hát cương”, tức là các “nghệ sĩ vườn” kể một câu chuyện nào đó bằng một bài bản phù hợp nội dung câu chuyện hay tâm trạng vui buồn của mình. Chất “tài tử” chính là ở đó: sáng tác, ứng tác ngay và tàn cuộc thì quên đi, lần sau sẽ lại có sáng tác, ứng tác khác, cuộc đờn ca nào cũng sinh động tươi mới và bất ngờ. Chất “tài tử” còn ở chỗ bất cứ ai cũng là “nghệ sĩ” trong cuộc rượu, nhưng trong mỗi xóm làng sẽ có một số người nổi lên bởi ngón đờn, giọng ca hay sự ứng tác độc đáo. Họ - người bình dân giản dị luôn được sự mến mộ của cộng đồng, bởi tài năng đờn ca tài tử ở họ như loại rượu đế trong vắt, cay nồng mà ngọt êm có thể làm say lòng bất cứ ai dù chỉ một lần nhấp môi.

Qua hơn trăm năm, từ làng quê Nam bộ - “không gian cộng cảm” của những “nghệ sĩ chân đất” - đờn ca tài tử trở thành “dòng sữa mẹ” của sân khấu cải lương. Nhưng khi “Đờn ca tài tử Nam bộ” được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể” thì có nơi đã phát cho những “câu lạc bộ đờn ca tài tử” tập bài ca mà nội dung và ca từ thiếu hẳn sự chân chất, duyên dáng “tài tử” độc đáo, câu lạc bộ nào cũng đờn ca có nhiêu đó. Đờn ca tài tử lên sân khấu “biểu diễn”, trở thành “chuyên nghiệp” phục vụ du lịch, hội nghị... là đã rời xa môi trường và sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng từng sáng tạo và nuôi dưỡng nó.
***
Nhiều năm trước có lần tôi gặp nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, ông kể “Hồi chín năm kháng chiến ở khu 9, bản vọng cổ bị hạn chế vì “ảo não, làm nản lòng chiến sĩ”. Nhưng cha mày (ông gọi ba tôi một cách thân thiết như vậy) cứng đầu lắm, vẫn cho đoàn hát của nó ca vọng cổ. Nhờ vậy mà mang được vọng cổ tập kết ra Bắc, rồi từ Đoàn cải lương Nam bộ đã hình thành Nhà hát cải lương Việt Nam”. Qua mấy chục năm chiến tranh, nghệ thuật cải lương đã phát triển rực rỡ ở cả hai miền Nam – Bắc, vậy mà giờ đây ngay tại Sài Gòn cải lương chỉ còn được nhớ đến như một nhan sắc đã tàn phai.

Đã từ lâu, việc cần có một Viện nghiên cứu sân khấu cải lương, một Bảo tàng nghệ thuật cải lương để ghi ơn những thế hệ tiền bối và lưu giữ một tinh hoa văn hóa Nam bộ đã được những người tâm huyết đặt ra. Và hơn nữa, người Nam bộ vẫn yêu cải lương, vẫn ca cải lương, vẫn luôn mong muốn cải lương sống dậy lộng lẫy như xưa.

báo Phụ nữ TPHCM ngày 3.8. 2020

Cải lương thiếu kịch bản hay | Văn hóa | Thanh Niên

Những hình ảnh chấn động nhân tâm cuối cùng về nhà thờ Bùi Chu 135 tuổi

Báo Người Đô Thị.
Hai tháp chuông của nhà thờ Bùi Chu lần lượt sụp đổ trong buổi sáng 1.8, kèm tiếng rầm vang dội làng quê và gió bụi đầy trời là những hình ảnh chấn động nhân tâm cuối cùng mà người ta nhìn thấy về nhà thờ Bùi Chu 135 tuổi, từng ồn ào trên báo chí cả trong nước và quốc tế suốt hơn một năm qua.

Toàn cảnh phá dỡ hai tháp chuông nhà thờ Bùi Chu ngày 1.8


 
Ngôi thánh đường cổ kính kết hợp kiến trúc Baroque và Việt Nam độc nhất vô nhị được xây dựng từ năm 1885 bởi những linh mục phương Tây và những người thợ Việt Nam ở một trong những cái nôi đầu tiên của Công giáo Việt Nam, nay chỉ còn lại một bãi trống ngổn ngang gạch vữa.

Bức tường với tượng Chúa nằm trên nóc nhà thờ, giữa hai tháp chuông đã được cắt, hạ đặt dưới sân, vẫn đứng đó nhìn cuộc bể dâu mấy ngày qua.

Sáng 1.8, máy phá công trình tải trọng lớn được đưa về công trường phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để phá hạng mục cuối cùng còn lại của nhà thờ là hai tháp chuông cao chừng 35m. Công việc dự kiến kéo dài trong hai ngày, nhưng nó đã kết thúc nhanh chóng chỉ trong buổi sáng ngày 1.8.

Công trường được đóng kín, nhưng một số giáo dân xung quanh và nhiều trẻ em đã ngồi phía sau hàng rào công trình để xem phá dỡ trong suốt buổi sáng. Các giáo dân nói chuyện với nhau về lý do họ muốn xem khoảnh khắc hai tháp chuông nhà thờ sụp đổ: “Đó là cảnh tượng mà cả đời mình chỉ được xem một lần”.

Hai tháp lần lượt sụp đổ vào khoảng 9h30 phút và 11h30 ngày 1.8.2020.

Một cán bộ địa phương cho biết, các linh mục muốn hoàn thành việc phá dỡ nhà thờ Bùi Chu trước Lễ Cha thánh Đa Minh Quan thầy Giáo phận Bùi Chu sẽ diễn ra vào ngày 8.8, là một trong những thánh lễ lớn nhất trong năm của giáo phận Bùi Chu. Các linh mục muốn kết thúc hoàn toàn những bàn tán về việc phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để bước vào thánh lễ lớn được trọn vẹn.

Như vậy, những dấu tích còn lại của nhà thờ Bùi Chu hiện chỉ còn số ngói và gạch lát sàn lành lặn, hàng cột gỗ lim, những bệ đá chân cột với hoa văn tuyệt đẹp mà mỗi bệ đá mang một hoa văn khác nhau, bức tường với tượng Chúa từng được đặt trên nóc nhà thờ giữa hai tháp chuông.

Tượng Chúa sẽ được dựng ở quảng trường, những thứ khác được giữ trong kho “làm kỷ niệm”. Không có bất cứ vật liệu, chi tiết kiến trúc nào của nhà thờ cổ sẽ được đưa vào nhà thờ mới sắp được xây dựng trên nền nhà thờ cũ nhưng với kích thước lớn hơn.

Thông tin này cũng đã được Linh mục Tổng đại diện Tòa Giám mục Bùi Chu Giuse Nguyễn Đức Giang xác nhận. Và nó không giống với những thông tin mà các linh mục ở Bùi Chu trả lời trên một số tờ báo trước đó, rằng một số vật liệu của nhà thờ cũ sẽ được đưa vào nhà thờ mới, tượng Chúa sẽ được đặt lại trên nóc nhà thờ mới.

 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...