Tôi đọc những cuốn sách của nhà văn Vũ Ngọc Tiến từ lâu, rồi quen biết ông qua facebook, đôi lần được ngồi cà phê trò chuyện cùng ông và các nhà văn, nhà báo ở Hà Nội, Sài Gòn... Thật bất ngờ và cảm động được nhà văn gửi tặng cuốn sách mới của ông với lời nhắn “gửi em đọc những câu chuyện về Hà Nội của anh”.
“Hà Nội và Tôi” gồm 24 truyện ký phản ánh Hà Nội trải qua gần trăm năm, từ thời các nhà nho cuối mùa đến thời chiến tranh, thời bao cấp rồi đổi mới... Giọng văn điềm đạm mà thiết tha, đôi chỗ hóm hỉnh, nhà văn Vũ Ngọc Tiến như đã dựng một cuốn phim “nhân học xã hội” về Hà Nội. Những người Hà Nội hiện lên tự nhiên như chính họ là, không cố thể hiện hay phân biệt ai là “Hà Nội gốc” còn ai thì không. Hà Nội thời ấy đâu coi người phố người quê là ai hơn ai kém, làm ăn buôn bán ở 36 phố phường hay sinh sống ở khu phố Tây thì “ai mà chẳng có một nhà quê”, có khi ở ngay ngoại thành Hà Nội.
Thế kỷ 20 Hà Nội chịu nhiều biến động, những chân dung mà nhà văn Vũ Ngọc Tiến ký họa bằng ngôn từ đã cho thấy người “Hà Nội gốc” không phải là đã sinh sống bao lâu ở Hà Nội, mà quan trọng hơn là “nếp nhà” được gìn giữ thế nào. Xã hội thay đổi làm quan hệ gia đình, nhân cách và hành xử cũng biến đổi theo... Nhưng những “người Hà Nội” trong tập sách này dù có nghề nghiệp đàng hoàng hay phải làm những việc “bên lề xã hội”, có người chẳng may phạm tội vướng vòng lao tù... thì họ vẫn luôn tâm niệm “giấy rách phải giữ lấy lề”. Nếu lâm vào hoàn cảnh suy sụp về địa vị và kinh tế, không thể “thích nghi” với thời thế thì họ cũng cố gắng gìn giữ gia phong.
Nhờ được lắng đọng trong các dòng họ nổi tiếng hay những gia đình bình dị, khí chất Hà Nội càng tinh túy và bền chặt. Giàu hay nghèo, người Hà Nội xưa cần mẫn làm ăn, tính toán khéo léo nhưng không “cạn tàu ráo máng”, thương người cơ nhỡ khó khăn, cư xử lịch thiệp mà thân thiện, trên dưới rõ ràng mà vẫn tình nghĩa sau trước, gia cảnh thế nào cũng ăn ở nền nếp. Giàu mà sang là thế, nghèo nhưng không hèn là thế, người xưa trọng nhau vì nhân cách ấy.
Trong “Hà Nội và Tôi” có vài chân dung “người nhà quê” nhưng với tôi, đó vẫn là người Hà Nội. Bởi vì, vào thời ấy khi lên thành phố họ đã mang theo những gì tốt đẹp của làng quê, rồi tiếp nhận và bồi đắp thêm “chất Hà Nội” được hình thành và lưu giữ qua ngàn năm Thăng Long. Sau này, dân cư Hà Nội biến động quá nhanh, cuộc sống hiện đại như một dòng chảy ồ ạt, cứ chưa hết một “kế hoạch năm năm” đã lại có một lớp người Hà Nội mới theo tiêu chí đầu tiên là cái hộ khẩu. Hà Nội ngày càng mở rộng và đông đúc thì “chất Hà Nội” ngày càng khó mà tìm thấy...
“Hà Nội và tôi” là những ký ức và chiêm nghiệm của tác giả cũng như thế hệ người Hà Nội trưởng thành vào nửa sau thế kỷ 20. Tôi cũng được trải qua một thời gian ngắn như vậy, vì vậy cuốn sách mới của nhà văn Vũ Ngọc Tiến như đã cho tôi được “gặp lại” những người Hà Nội mà tôi quen thuộc từ thời thơ ấu.
Sài Gòn, tháng 8.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét