Vụn vặt đời thường

 @ "NGÀY DI SẢN"

Sáng có việc mới nhớ ra hôm nay là Ngày Di sản văn hóa VN (vì sao là ngày này thì hỏi bác Guc).

Bữa trước khi công bố thành lập Hội đồng di sản quốc gia, mình chúc mừng một người bạn có tên trong HĐ ấy và "nhờ vả": mong rằng HĐDSQG quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn đến di sản đô thị, nhất là phía Nam vì trong HĐ ấy chỉ có 1 người ở Huế và 1 người ở TPHCM, khó có thể nắm hết tình hình bảo tồn di sản phía Nam, nơi đang phát triển đô thị hóa rất nhanh, quỹ di sản lâu nay đã hư hao nhiều.

Ngẫm ra, các cơ quan, ban ngành, hội đoàn... liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa không ít, trong đó nhiều người từng là quan chức, là nhà nghiên cứu... Nhưng những tiếng nói bảo vệ di sản trên công luận và với chính quyền vẫn còn ít ỏi.

Với mình, cứ cái gì hay nghề nào có một "ngày" là cái ấy nghề ấy... rất có vấn đề! Đặc biệt từ 10 năm nay mình "xông vào" lĩnh vực bảo tồn di sản đô thị thì ngày nào cũng phải nói đến chuyện di sản!

 Vài năm rồi, cứ vào dịp này hân là có mấy bạn nhà báo muốn phỏng vấn hay làm talkshow, mình từ chối, vì "nói mãi vẫn là thực trạng ấy, đề xuất giải pháp ấy, vẫn những mong muốn hy vọng như thế. Nói mãi, không khéo người ta bảo mình ham hố lên TV, rằng về hưu rồi nói ai nghe!"

Thôi cứ làm được gì thì làm, thỉnh thoảng có một ngày không phải để cờ quạt họp hành kỷ niệm mà để nhìn lại công việc và tâm huyết của mình, cũng hay 🙂

23.11.2020

@ HỌC TRÒ CŨ
Mỗi lần lên dạy ở đại học Đà Lạt lại gặp nhiều học trò cũ bây giờ là giảng viên của trường, có cậu còn làm chức gì to lắm, có xe hơi riêng (điều mà cô đang mơ nhưng chưa có 🙂 . Học trò hay mời cô đi ăn hút, à quên, ăn hát (đi ăn nhà hàng xong đi hát karaoke), nhưng cô thì dạy cả ngày hết cả hơi, vả lại cũng ko muốn học trò cứ vất vả vì tiếp đón mình nên thi thoảng mới cùng đi. Học trò cứ trách, còn cô rất hiểu tình cảm trò nên cũng thân tình "mắng mỏ": cứ lo đón tiếp các thầy cô thỉnh giảng thì có mà quanh năm suốt tháng... (nói vậy chứ cô biết, học trò nào mời mình thật tình, học trò nào… mời lơi thế thôi...)
Có lần đi ăn cơm bụi với một cậu học trò mà cô làm giáo viên chủ nhiệm từ cách đây... lâu lắm rồi. Nhớ lại hồi xưa cậu này là lớp trưởng, rất nhanh nhẹn. Học môn khảo cổ xong cô đưa cả lớp đi thực tập, lớp trưởng giúp cô được bao nhiêu việc. Từ việc lo nơi ăn ở đến việc phân công từng nhóm người nào việc nấy. Lúc ấy cô mới ra trường còn trẻ măng tre nứa luôn... hay bị mấy sinh viên già trong lớp (là cán bộ, bộ đội đi học) suốt ngày hát trêu: cô giáo em tre trẻ... cô ơi cô chúng cháu yêu cô lắm... Cậu lớp trưởng này oai phết, lừ mắt là mấy sinh viên già im phắt, hehe...
Cái lớp này có nhiều kỷ niệm với cô. Có một chuyện vui miệng kể với mẹ cu Măng mà lần nào gặp nhau bạn í cũng nhắc lại “…Tớ nhớ đến đám học trò của chị Hậu. Chúng nó cắc cớ hỏi cô là sao Trọng Thuỷ không chọn cách chết nào khác mà lại đâm đầu xuống giếng. Cô Hậu rất chi là đứng đắn và khoa học mới bẩu rằng thế nó mới là Trọng Thuỷ, chứ nhảy vào lửa mà chết thì đã tên là Trọng Hoả, hay đâm đầu vào tường mà chết thì thành Trọng Thổ rồi còn đâu!" 😃
Còn chưa kể cho bạn Măng nghe hết, ngày ấy cô Hậu còn bảo: Nếu nó đâm đầu vào đường xe lửa (bây giờ chạy qua Cổ Loa) thì nó sẽ tên là Trọng Kim, sau này hóa kiếp thành Kim Trọng trong truyện Kiều 😃 Tất nhiên là đùa thôi nhưng chuyện này học trò cứ nhớ mãi, gặp cô lần nào cũng nhắc, vui ghê...
Năm nay lên Đà Lạt vào cuối năm, học trò tổ chức sinh nhật cho cô bằng một bữa karaoke hoành tráng có hoa có nến và có cả một chiếc bánh kem to đùng với hình chó Đốm (Hi, đúng ra là phải chó Mực thì mới đúng vía cô!!!). Cô làm “người mẫu tạo dáng” đủ kiểu, chụp hình lia lịa. Sau đó cô ra HN họp thì nhận được tin nhắn: Em đi nhậu về xỉn quá làm mất máy ảnh rồi cô ơi, mất cả hình “tư liệu” sinh nhật cô nữa, huhuhu...
Huhuhu thật, may là máy chụp hình bằng thẻ chứ máy chụp bằng phim không khéo cô lại nghĩ: cậu này xạo, hay là nó chụp cho mình bằng máy không có phim 🙂
Nhớ mãi dãy nhà khách cho giảng viên thỉnh giảng ở bên trái ngay cổng vào. Mỗi khi lên dạy mình hay ở đây. Có khi cả khu nhà chỉ có mỗi mình. Đêm vắng, lạnh, trùm chăn ngủ mà vẫn sợ vì xung quanh... im lặng quá 😃

(20.11)
Trên thành cổ BUDA - thủ đô BUDAPEST - HUNGARY, 2010 - mười năm trước!


 

NGỌN LỬA HOANG DÃ của tác giả LONG ỨNG ĐÀI

 

Nhiều bạn đọc đã biết đến cuốn sách “Người Trung quốc xấu xí” của Bá Dương – cũng một tác giả từ Đài Loan -  phê phán những thói hư tật xấu có tính “truyền thống” trong sinh hoạt, những “cố tật” của người TQ trong đời sống, ứng xử... ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Cuốn sách “Ngọn lửa hoang dã” ra đời sau Người TQ xấu xí, nó tập trung phê phán thái độ của người TQ trước các hiện tượng tiêu cực của xã hội Đài Loan thập niên 1980, nhấn mạnh vai trò của những người trí thức và thị dân nơi đô thị.

Tôi đã đi Đài Loan, đọc cuốn sách này và thấy rằng lúc đó Đài Loan cũng giống như VN bây giờ. Nhưng chỉ ba mươi năm thôi mà Đài Loan đã thay đổi vượt bậc!  Những tiếng nói như cuốn sách này chắc chắn góp phần không nhỏ vào cuộc đổi thay ấy!

Một sự thú vị: Từ 1985 tác giả - trong “tự bạch” – đã nói về thân phận của mình khi mọi người phát hiện ra tác giả “không phải là con người mà là một phụ nữ”. Nhưng đến 2016 – hơn 30 năm sau – Đài Loan có nữ Tổng thống đầu tiên là bà Thái Anh Văn, và bà cũng vừa tái đắc cử năm 2020.

Đọc cuốn sách này cũng như đọc Người TQ xấu xí, nếu thay tất cả các từ TQ/Đài Loan bằng VN thì rất thích hợp! Khi đọc chắc ai cũng nghĩ sách nói về VN hiện nay. Nhưng ba mươi năm nữa VN có như Đài Loan bây giờ không thì... tôi không dám chắc!

Sau đây là Lời giới thiệu ở bìa 4 cuốn sách NGỌN LỬA HOANG DÃ. Một số đoạn thú vị mình post ở comts. 

***

Tháng 11.1984, với cảm hứng từ lời nói của một Ủy viên Lập pháp viện Trung Hoa dân quốc, Long Ứng Đài đã viết bài bình luận “Người Trung quốc! Anh không biết tức giận ư?”Trên tờ Trung quốc thời báo, tạo ra một hiện tượng dư luận. Tiếp đó Trung quốc thời báo với một chuyên mục mang tên Dã Hóa tập chuyên đăng những bài bình luận mang tính phê phán của Long Ứng Đài về các vấn đề môi trường, trị an, giáo dục... tạo nên một cuộc lật đổ về nhận thức đối với giới truyền thông Đài Loan thời điểm đó. Tuyển tập Ngọn Lửa Hoang Dã được ra đời từ tập hợp những bài viết trong giai đoạn 1984 – 1985.

Cuốn sách này đã nghiêm khắc phê phán những vấn đề của xã hội Đài Loan trong thập niên 1980. Vào thời điểm đó Đài Loan đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trật tự trị an đô thị không được thực thi tốt, nhưng người Đài Loan vẫn tiếp tục bỏ mặc những vấn đề bất hợp lý của xã hội, dùng một tâm thái “nhẫn nại” để sinh tồn. Long Ứng Đài đả cố gắng khích lệ độc giả “tức giận” với những thực tế đó, đưa ra những câu hỏi cũng như sự phẫn nộ của họ đối với trách nhiệm của chính quyền.

Khi được xuất bản thành sách vào năm 1985, nó đã trở thành một hiện tượng xã hội với ảnh hưởng sâu rộng khắp các tầng lớp xã hội, nhất là đối với tầng lớp sinh viên. Học sinh. Cuốn sách không chỉ có ảnh hưởng ở Đài Loan, nó còn có ảnh hưởng sâu rộng đấn xã hội TQ đại lục. Cuốn sách cho họ có thêm một lựa chọn là trở thành trí thức xã hội trong không gian công cộng , trở thành con người với nền tảng về lương tri cá nhân cùng trách nhiệm xã hội , có thể dùng sức mạnh ngôn ngữ để sửa đổi những thói tật của xã hội.

P/S. Sách do NXB Hội nhà văn và DOMINOBOOK xuất bản. DOMINOBOOK từng hai lần đạt giải thưởng SÁCH HAY.





NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA TÔI


1  1. Hơn bảy mươi năm trước, vào năm 1942, ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm Lasan Taberd ở Sài Gòn và được phân về dạy tại Cái Răng, Cần Thơ. Sau đó ông xin về dạy trường tiểu học huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) - quê nhà - để tiện chăm sóc ông bà nội tôi.

Ông dạy lớp Nhứt nhưng được nhiều học trò các lớp khác biết và quý mến, vì là thầy giáo nhưng ông “có máu đờn ca hát xướng” – như một người học trò của ông là nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau này nhớ lại. Thầy giáo mà biết đờn ca là một điều rất lạ đối với đám học trò ở một trường huyện xa xôi. Sau giờ học vào buổi chiều, ba tôi dạy hát cho học trò bằng cây đờn Banjo tiếng nghe giòn tan, vui tươi. Rồi ông thành lập nhóm “văn nghệ” vào ngày hè đi biểu diễn gây quỹ giúp học sinh nghèo trong trường. Tiếng hát của học trò đã mang lại sức sống cho phố huyện, ban hát của thầy trò đi đến đâu cũng được bà con ủng hộ.

Từ cách mạng tháng Tám 1945 ba tôi đi kháng chiến, ông từ giã bục giảng để “đi hát”: lập đoàn hát biểu diễn suốt chín năm rồi tập kết ra miền Bắc năm 1954. Thời gian chiến tranh ông thường dẫn Đoàn cải lương Nam bộ, Kịch nói Nam bộ đi chiến trường phục vụ bộ đội. Trong chuyến đi, có lần ông đến biểu diễn tại một binh trạm trên cung đường Trường Sơn. Ở đó trong cuộc trò chuyện một bác sĩ đã nhận ra ông là thầy giáo của mình hồi lớp Nhứt. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ, bác sĩ quân y vẫn cung kính gọi ông là thầy xưng con như thủa ấu thơ.

Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết về ông qua nhân vật thầy giáo trong tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu. Ông và nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng là hai người bạn thân thiết.

2. Ba tôi là người Thầy đầu tiên của tôi, không chỉ dạy chữ mà Ba dạy tôi làm Người. Một đoạn tôi viết về Ba vào ngày giỗ lần thứ 10 của ông  (1995):

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trong không khí náo nức chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu năm. Đó là việc tôi thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:

- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, mà đã là diễn viên phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình.

Với ba tôi, danh hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý… Lần đầu tiên ba tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, khi hiểu được điều đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn” nhỏ của ba.

Khi tôi tốt nghiệp đại học và được trường giữ lại làm giảng viên, ba tôi rất vui vì trước đây ông cũng là một thầy giáo. Ông hay nói với tôi: “Người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ. Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thầy giáo hay nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”, nhưng tiếc rằng giữa hai nghề này luôn có một khoảng cách khá xa… Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!”

3. Gần như cả cuộc đời ba tôi đi theo “nghiệp hát”, là người nghệ sĩ nhưng ông giữ được nhiều thói quen sinh hoạt của nghề giáo. Đó là sự ngăn nắp, sạch sẽ; thói quen ghi chép những điều nhìn thấy, cảm nhận, đặc biệt là tình yêu sách vở. Anh chị em tôi thừa hưởng được tình yêu với văn học nghệ thuật và thói quen đọc sách từ ba, biết dành dụm tiền mua sách, biết chọn sách để đọc, và biết chia sẻ cảm xúc sau khi đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hay vở kịch... cũng là nhờ ba tôi!

Là thầy giáo của một thời còn phong kiến nhưng ông rất dân chủ trong nuôi dạy con cái: không áp đặt trong mọi suy nghĩ, hành xử, chỉ phân tích đúng sai; luôn trao đổi và lắng nghe nhất là khi con cái có khuyết điểm, và ông cũng thường xuyên nói chuyện về công việc của mình cho con nghe, hỏi nhận xét của các con về những “chuyện đời” mà ông chứng kiến, ông còn nói với các con những lỗi lầm của mình để các con biết mà tránh... Ba tôi luôn nói rằng, điều này ông được thừa hưởng từ người Cha, tức là ông nội của tôi, chứ không phải từ giáo dục trong trường học, vì thời đó thầy giáo Việt thì còn phong kiến lắm, thầy giáo Pháp thì rất coi thường người Việt.

Sự dân chủ, công bằng này còn là phương châm hành xử của ông trong nhiều cương vị lãnh đạo, trong đối nhân xử thế với bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Sau này đọc những gì ông nội tôi viết để lại cho con cháu tôi càng thấy rõ "truyền thống" này của gia đình tôi.

Đấy là những điều tôi học được từ Ba tôi - người Thầy đầu tiên của tôi!

Nguyễn Thị Hậu

 


Văn hoá thị dân xây dựng đô thị văn minh

 https://nld.com.vn/van-nghe/xay-ban-sac-van-hoa-do-thi-tp-hcm-van-hoa-thi-dan-lam-nen-van-minh-do-thi-20201116213028542.htm

Thị dân là gì? Câu hỏi tưởng chừng có câu trả lời đơn giản nhưng hóa ra lại khá phức tạp, bởi vì văn hóa của thị dân góp phần quan trọng tạo nên diện mạo một đô thị. Từ đó “thương hiệu” của đô thị được hình thành và củng cố, nhìn từ góc độ văn hoá.

Trước đây người ta hiểu “thị dân” là người sống ở đô thị. Nhưng giờ đây với sự phát triển đa dạng của đô thị và sự phức tạp của quá trình đô thị hoá, cách hiểu này chưa đầy đủ. Không thể định nghĩa “thị dân” bằng cách xác định nơi sinh sống mà phải từ khía cạnh văn hóa của người sống ở đô thị. Một vài đặc điểm nhận dạng thị dân và văn hoá thị dân như sau:

“Thị dân” là người sinh sống ở một trong những thành phố lớn trên thế giới. Là người tiêu dùng khá giả, có quan điểm sống lạc quan và rất khác những người sống ở "thị trấn nhỏ" hoặc khu vực nông thôn... Văn hóa thị dân vừa là một tiểu văn hóa (subculture), vừa là một lối sống hiện đại. Thị dân có 6 đặc điểm chính: Thiếu thời gian, tự hào về văn hóa đô thị, có hiểu biết về truyền thông (media-literate), có ý thức về thương hiệu hàng hóa, tiêu dùng theo thị hiếu (trend-sensitive) và có ý thức về văn hóa” (*)

Hiện nay ở nước ta sự hình thành nhiều đô thị gắn liền với quá trình hiện đại hóa. Lối sống, nhịp sống thời công nghiệp tạo nên văn hoá đô thị thay đổi nhanh chóng, nhất là dưới tác động của “gia tăng dân số cơ học” là quá trình nhập cư với tốc độ và mật độ cao. Đô thị hiện nay thực hiện vai trò là trung tâm đa chức năng của một khu vực rộng lớn, do đó văn hoá đô thị phản ánh ứng xử của cộng đồng người nhiều nguồn gốc cùng sống trong môi trường xã hội giới hạn về không gian, điều kiện vật chất không theo kịp dân cư luôn có xu hướng tăng nhanh và mang tính bất thường.

Nhìn từ sự phát triển kỹ thuật, tại đô thị luôn xuất hiện nhiều phương tiện vật chất mới nhằm phục vụ và giải quyết những nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới phản ánh khá chính xác lối sống thị dân và văn hoá đô thị, tiêu biểu và quan trọng nhất là ứng xử với giao thông và truyền thông – hai đặc trưng quan trọng của đô thị hiện đại.

Về giao thông. Không đâu tập trung nhiều phương tiện và đầu mối giao thông như ở đô thị, đô thị càng lớn phương tiện giao thông càng nhiều, kéo theo hệ thống đường xá cầu cống phát triển và hoàn thiện. Nhu cầu giao thông trong đô thị/ giữa các đô thị với nhau là yếu tố tác động để những phát minh mới về phương tiện và kỹ thuật giao thông, trong đó có phương tiện công cộng. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một đặc điểm của thị dân. Nó tạo nên và củng cố thói quen đúng giờ, xếp hàng, tuân thủ quy định về an toàn giao thông, khuyến khích hoạt động cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, lướt web, hạn chế thói quen gây ảnh hưởng đến người xung quanh như nói to, xả rác… trong không gian hẹp và đông người như xe bus hay metro.

 Ngay cả việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cũng đòi hỏi sự tôn trọng không gian công cộng: dừng xe đúng đèn tín hiệu, đúng vạch, đi đúng làn đường… để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Tiến tới ứng xử một cách văn minh như ở giao lộ sẵn sàng nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật… Sự tuân thủ luật pháp trở thành quy tắc đạo đức trong hành xử hàng ngày. Khi ấy văn hoá giao thông ở đô thị là chuẩn mực cho nhiều tiểu vùng văn hoá khác.

Về truyền thông. Ngày nay đô thị là nơi tập trung dày đặc những con người làm việc không thể thiếu máy tính và mạng Internet. Đây cũng là nơi thu nhận và lan toả tất cả các loại thông tin “nóng” hay “nguội” bằng nhiều hình thức truyền thông: báo chí in, TV, đài phát thanh, Internet (báo mạng, các mạng xã hội…). Sự hiểu biết về truyền thông trong xã hội hiện đại chính là sự đòi hỏi người tiếp nhận thông tin phải có trách nhiệm chọn lọc cho mình và cho người khác. Vậy nhưng nhiều người đã sử dụng mạng xã hội tiếp tay cho những tin tức, hình ảnh “giật gân” mà thực sự không biết nguồn tin ấy thật giả thế nào.

ng xử với thông tin thời hiện đại không thể bằng kiểu “dư luận” đồn thổi của làng xã như xưa kia. Truyền thông nào xã hội ấy, và ngược lại. Nhìn vào văn hoá đô thị qua truyền thông có thể nhận biết văn hoá của thị dân. Bên cạnh sự điều hành của chính quyền đô thị với những quy tắc, luật lệ phù hợp sinh hoạt và vận hành của đô thị, các tổ chức cộng đồng xã hội cần được tạo điều kiện để phát huy trách nhiệm của mình với sự phát triển của đô thị. Đây là điều kiện quan trọng để đô thị phát triển bền vững.

Qua hàng chục hàng trăm năm, lối sống, văn hóa đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân.Tuy nhiên, khi đô thị chịu nhiều biến động, có những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư trong một thời gian ngắn thì không kịp di truyền và củng cố lối sống thị dân và văn hóa đô thị. Vì vậy, giữ cho đô thị ổn định về dân cư, nhất là trung tâm hay khu vực có lịch sử dân cư lâu đời, tránh gây ra xáo trộn lớn gây bất ổn về tâm lý, lối sống, văn hoá… Đây chính là một trong những phương cách gìn giữ đặc trưng văn hoá đô thị. Như vậy thị dân mới có thể tích luỹ những hiểu biết về văn hoá, từ đó tự hào về văn hoá đô thị, tiến tới xây dựng thương hiệu cho từng đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến một thành phố “văn minh – hiện đại – nghĩa tình”, trong mục tiêu đó có sự tiếp nối truyền thống ứng xử tình nghĩa của người dân, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh về nếp sống. Lĩnh vực giao thông và truyền thông phản ánh phần quan trọng của điều kiên vật chất và tinh thần của thành phố. Hiện nay, nếu truyền thông khá phát triển (internet, báo chí online, mạng xã hội...) thì giao thông còn nhiều vấn nạn (đường xá không đáp ứng nhu cầu, thường xuyên kẹt xe tắc đường, ngập nước...). Tuy nhiên những hiện tượng ứng xử chưa văn minh trong tham gia giao thông (đặc biệt giao thông cá nhân), tham gia truyền thông (nhất là mạng xã hội) thì khá giống nhau. Có thể nhận thấy do “cung và cầu” chưa phù hợp: dân số tăng nhanh, mật độ ngày càng đông đúc, nhịp sống ngày càng hối hả nhưng đường xá không tăng tương ứng, lại thường xuyên hư hỏng xuống cấp...; internet phát triển nhanh “phủ sóng” rộng với nhiều hình thức nhưng một bộ phận người dân và nhà quản lý không biết sử dụng hoặc sử dụng chưa cho hiệu quả tốt.

Khi yếu tố khách quan (kỹ thuật hiện đại, phù hợp môi trường đô thị) và yếu tố chủ quan (nhận thức, trình độ của nhà quản lý và văn hóa của thị dân) phát triển đồng bộ, khi ấy sẽ tạo nên “diện mạo” một thành phố văn minh – hiện đại.

 *Từ điển online có tên urbandictionary.com

 Nguyễn Thị Hậu



Bộ phim CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ

 

Khi mới làm quen với FB Lặng lẽ nước Nga, tôi đã mạo muội đề nghị được xem lại bộ phim “Con đường đau khổ” – phim truyền hình 13 tập dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn A. Tolxtoi. Chủ trang đã nhiệt tình nhận lời nhưng cũng nói rõ, chắc phải chờ một thời gian vì phim nhiều tập nên phải mất khá nhiều thời gian và công sức mới có thể post được. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, lúc rảnh rỗi thì đọc lại tiểu thuyết này – một trong những tác phẩm văn học Nga – Xô viết yêu thích nhất của tôi.

Tiểu thuyết “Con đường đau khổ” là bộ “sử thi” về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở Nga và cách mạng tháng Mười 1917, từ góc nhìn của tầng lớp trí thức, phản ánh số phận các nhân vật chính cũng là trí thức – tiểu tư sản thành thị. Nó dựng nên bao nhiêu nhân vật bao nhiêu tính cách, từ trí thức salon đến trí thức dấn thân, từ tư sản, sinh viên đến dân nghèo thành thị, từ quân nhân đến vô chính phủ, từ nông dân mugic đến quan chức cao cấp trong chính quyền Nga Hoàng hay chính phủ lâm thời, từ  công nhân binh lính đến các lãnh tụ cách mạng... Đến nay sau hơn một trăm năm, dù cuộc cách mạng tháng Mười có thể được nhìn nhận đa chiều, khách quan và thực chất hơn... thì cũng không thể phủ nhận những tác động to lớn của nó đến xã hội Nga già cỗi, bảo thủ và gần như tê liệt vào cuối Thế chiến 1, đã làm thay đổi xã hội và đất nước Nga, cũng là làm cho thế giới chuyển sang một thời kỳ mới (và hơn 70 năm sau sự tan rã của Liên bang Xô viết cũng gây ra tác động tương tự).

Từ lần đầu xem phim Con đường đau khổ, tôi đã rất ấn tượng với hai nhận vật nữ, “hai chị em” (tập 1 của tiểu thuyết) là Đasa (em) và Kachia (chị). Hai các tên rất Nga, hai vẻ đẹp một trong sáng một kiêu sa, hai tính cách một rất cương nghị một quá đỗi dịu dàng... Tưởng như mâu thuẫn trong mỗi người nhưng lại hòa hợp và tạo nên số phận kỳ lạ của hai chị em. Họ không phải chỉ là những bông hoa cắm trong bình và im lặng phô vẻ đẹp của mình, họ đã vượt lên chính mình từ nhận thức nội tâm, sự thay đổi ở họ bắt đầu từ “cảm tính” nhưng ngày càng được củng cố vững chắc, vì nó dựa trên sự nhân hậu, lòng thương người, luôn công tâm với mọi người và nghiêm khắc với chính mình. Thoát ra khỏi cái bình hoa chật chội, hai chị em Kachia và Đasa như hai bông hoa trên cánh đồng Nga bạt ngàn hoa dưới bầu trời xanh đầy nắng gió.

Cùng với “hai chị em” là hai người đàn ông đã gặp họ đúng vào thời gian của những thay đổi, loạn lạc và chiến tranh... để rồi số phận của hai người đàn ông này gắn chặt với hai chị em, bất chấp chết chóc, phản bội và chia ly... Đó là kỹ sư Teleghin và sĩ quan Rosin. Cả hai đều thông minh, nhân hậu, là những trí thức Nga luôn day dứt trước thời cuộc, cố gắng đi tìm cho mình một vị trí để “phụng sự nước Nga”. Hai người đàn ông đã trải qua những thử thách, nghi ngờ, tuyệt vọng, cả cái chết... Nhưng hình bóng hai chị em – hay chính là khát vọng về sự chính trực, vẻ đẹp của tâm hồn Nga và lòng yêu thương con người – đã giúp họ thoát khỏi sự tàn khốc của chiến tranh, tìm được về bên người yêu dấu.

Cuộc đấu tranh nội tâm của các nhân vật chính thật ra là đi từ sự phức tạp, chênh vênh, vị kỷ... của đời sống thị dân tù túng “quẩn quanh trong tổ” đến sự chân thành, giản dị, hết mình, vì người khác... trong đời sống chiến tranh và được tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau.  Những đòi hỏi, thử thách của cuộc sống khiến người ta phải nhìn lại và thay đổi mình, khát vọng “sống tốt hơn” mạnh hơn khát vọng “được sống”, bởi vì họ đã từng “sống mòn”. Quan trọng là họ thoát khỏi những định kiến sinh ra từ vị thế xã hội, từ lối sống, từ hoàn cảnh của mình để có cái nhìn khác đi, cởi mở hơn với con người và cũng vị tha hơn với lỗi lầm của chính mình.

Một câu nói của Rosin được nhiều người thế hệ của tôi nhớ đến, có lẽ cũng vì khát vọng bình yên, hạnh phúc của một thời chiến tranh “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương.” Tôi cứ nghĩ đây mới chính là “thông điệp” mà tác giả gửi đến cho người đọc, khi đã trải qua “con đường đau khổ” cùng ông, dẫu rằng thời kỳ ông viết tiểu thuyết này và cho đến nay, “đấu tranh này là trận cuối cùng” vẫn là câu cửa miệng của chính thể XHCN không chỉ ở nước Nga.

Cả bốn nhân vật chính đều mang vẻ đẹp Nga rất giống hình dung của tôi khi đọc tiểu thuyết. Còn phải nói, ánh mắt luôn là câu hỏi lặng thầm của Đasa đúng là như vậy, nỗi buồn như tuyệt vọng của Kachia phải như thế, sự cương nghị Teleghin, sự dằn vặt của Rosin thì không thể có gương mặt khác được... ngoại hình các nghệ sĩ rất phù hợp với các nhân vật! Xem những phân đoạn của Kachia và Rosin tôi lại hình dung ra những nhân vật trong các truyện ngắn của Pauxtopxki: Tuyết, Bình minh mưa... Cả Anna Karenina nữa, giá mà Svetlana Penkin (người đóng Kachia) vào vai này nhỉ! Còn nàng Đasa kiều diễm (diễn viên Irina Alferova) với gương mặt trong sáng dưới chiếc mũ trắng lướt đi trên đường phố... giống như “Người đàn bà xa lạ” của Kramxkoi, mà trong lần ngắn ngủi đến Moskva tôi đã cố gắng đến bảo tàng xem trực tiếp, vì bức tranh đã để lại một ấn tượng rất mạnh từ khi tôi nhỏ xíu lần đầu nhìn thấy trên một tờ họa báo Liên xô.

Có lẽ ít có phim Liên xô nào mà lời thoại mang tính tự sự nhưng tư nhiên, không bị “kịch hóa” - như lời thoại và lời dẫn trong phim Con đường đau khổ. Tất nhiên là do phim dựa vào tiểu thuyết, nhưng khá nhiều phim LX (và dòng phim XHCN) nghe lời thoại của các nhân vật đôi khi như nhai phải sạn, hoặc cứ phải “trân mình” theo ngôn và ngữ của diễn viên. Nhiều câu nói của các nhân vật tưởng như nói về chính VN sau 1975, thậm chí như tiên đoán số phận của nước Nga trong thế kỷ 20. Và không khỏi chút tiếc nuối, giá mà chúng ta cũng có được những bộ sử thi chân thực bằng tiểu thuyết, bằng phim như vậy!

Nhân đây xin cám ơn người biên dịch, chị Phan Bạch Yến – chủ trang “Lặng lẽ nước Nga”, chị đã biên dịch rất nhiều phim Nga - LX bằng ngôn ngữ uyển chuyển, tinh tế, giàu nhạc điệu, và cho người xem/nghe một cảm giác “Nga” thật tròn đầy!

8.11.2020

Đây là bản tiếng Việt tiểu thuyết Con đường đau khổ do Cao Xuân Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Nga, nxb Văn nghệ TPHCM năm 2000, in lần thứ tư. Mình thích bản này vì khổ nhỏ tiện mang theo người để xem, và có bìa do họa sĩ Trịnh Cung vẽ rất đẹp :)



 

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...