“Cây xanh - Một thành tố quan trọng của di sản đô thị - Báo Người đô thị 29/5/2021

 Như Người Đô Thị đã thông tin, trong số 178 cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng, có 146 cây bị đốn hạ và 32 cây bứng dưỡng. Dự án sẽ triển khai từ ngày 10.6 trên diện tích 1,6 ha, với kinh phí từ nguồn xã hội hóa khoảng 65 tỷ đồng.

Phản hồi đến tòa soạn mới đây, nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, nghiên cứu di sản, thị dân đã rất bức xúc cho rằng, quyết định đó không chỉ tiếp tục triệt hạ mảng xanh đang ngày càng hao hụt ở TP.HCM, mà còn đi ngược lại chủ trương “hạn chế ảnh hưởng, di dời, đốn hạ cây xanh…” của UBND TP.HCM tại văn bản số 3421/UBND - ĐT (tháng 9.2020) hướng dẫn xử lý cây xanh bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng công trình trên địa bàn thành phố.

Họ kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét lại quyết định này, để có một phương án chỉnh trang phù hợp với hiện trạng cây xanh ở bến Bạch Đằng, mà không làm ảnh hưởng đến 178 cây xanh.

Để có góc nhìn đa chiều về cây xanh đô thị và soi rọi rõ hơn những được mất của chủ trương đốn hạ, bứng dưỡng 178 cây xanh tại dự án chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng, Người Đô Thị giới thiệu bài viết “Cây xanh - Một thành tố quan trọng của di sản đô thị” của TS. Nguyễn Thị Hậu. Tựa bài do tòa soạn đặt.

Người Đô Thị

1.

Hệ sinh thái đô thị ngoài thành phần hữu cơ và vô cơ còn có thành phần thứ ba là những gì con người xây dựng nên. Đô thị càng hiện đại càng mở rộng thì các yếu tố tự nhiên càng mất dần vì không gian dành cho thiên nhiên bị thu hẹp. Môi trường khí hậu đô thị thay đổi do sự can thiệp của con người bằng vật liệu xây dựng và tiện nghi sinh hoạt hiện đại, do bị ô nhiễm từ nguồn nước, rác thải, khói bụi, tiếng ồn… chưa kể sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chính vì vậy, hệ thống cây xanh cần được nhận thức và đối xử xứng đáng với vai trò quan trọng của nó, vì đây là thành phần mang lại nguồn lợi cho sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống, giảm thiểu tác hại của khí thải độc hại và các nguồn ô nhiễm. Ở vùng nhiệt đới thì những nơi trồng cây không bị bê tông hoá còn như “nhà máy” lọc và tích trữ nước ngầm.  

TS. Nguyễn Thị Hậu

Cây xanh đô thị có thể hiểu là những loại cây xanh trồng ở đô thị, tạo nên và là một bộ phận cấu thành cảnh quan đô thị. Những tính chất của cây xanh như hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá...) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chung.

Ở nhiều đô thị, các bụi cây thấp, bờ dậu, đường viền cây xanh trang trí trong vườn hoa công viên còn có tác dụng định hướng cho người đi bộ. Hàng cây bên đường, nhất là vào ban đêm, các gốc cây có quét sơn phản quang là những tín hiệu chỉ dẫn cho người tham gia giao thông.

Đặc biệt những hàng cây luôn gắn bó với con đường, những ngôi nhà, với con người thành phố. Cảnh quan đô thị không thể thiếu hàng cây cao vút toả bóng mát tạo khoảng xanh bình yên. Mỗi thành phố, vô tình hay hữu ý, có loại cây đặc trưng riêng, như Hải Phòng “thành phố hoa phượng đỏ”, Hà Nội “mùa hoa sữa”, Sài Gòn “cánh hoa dầu xoay tít” hay “con đường có lá me bay”… Trải qua thời gian, môi trường biến đổi, quy hoạch đô thị thay đổi, cây xanh trong thành phố trở thành chứng nhân của sự thay đổi ấy.

TP.HCM có những tuyến đường ở trung tâm thành phố được coi là di sản cảnh quan đô thị. Ở đó cùng với những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử nghệ thuật là không gian xanh mang đặc trưng của đô thị Sài Gòn. Hồi ký của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương thời kỳ 1897-1902 đã miêu tả Sài Gòn cuối thế kỷ 19 như sau: “Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp, thành phố duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp, tất cả đều có kích thước lớn, nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây xanh, tất cả như bị ngập trong một đại dương xanh. Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn…”.

Màu xanh đó không chỉ từ những “rừng cây” mà còn từ những con đường với hai hàng cây cao rợp mát. Đô thị Sài Gòn ngay từ buổi đầu khởi lập đã quy hoạch nhiều loại cây trồng trên vỉa hè và trong công viên. Việc trồng và chăm sóc các khoảng xanh này giống như ở Paris và nhiều nước châu Âu: dù là cây trồng nhưng luôn được thiết kế sao cho tự nhiên như khoảng rừng còn sót lại, ngày này còn lại khu công viên hai bên đường Lê Duẩn là kiểu “rừng tự nhiên” này.

Cảnh quan Sài Gòn trước 1975 (ảnh trên) và năm 2018. Ảnh: Art Photo - CTV


2.

Theo Nghị định số 64/2010 ngày 11.6.2010 của Chính phủ về Quản lý cây xanh đô thị: Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thịCây xanh đô thị, nhất là cây xanh sử dụng công cộng, có những đặc điểm cơ bản cần được chú ý để có thể ứng xử phù hợp, nâng cao hiệu quả và hạn chế hậu quả của cây xanh đô thị:

- Cây xanh đô thị gắn liền với địa bàn đô thị. Môi trường đô thị khác với môi trường nông thôn, vì vậy đặc điểm cây xanh đô thị cũng khác đặc điểm cây xanh ở nông thôn. Ở đô thị, cây xanh chịu tác động bởi những quy luật khoa học và quy định chặt chẽ của nhà nước về chiều cao, độ rộng tán cây, thậm chí khu vực nào trồng loại cây gì... Việc trồng cây xanh độ thị phù hợp với quy hoạch tổng thể và chi tiết của cơ quan có thẩm quyền.

- Cây xanh đô thị gắn liền với cảnh quan đô thị: với vai trò quan trọng đối với môi trường, cảnh quan đô thị nên việc quy hoạch, thiết kế cây xanh luôn được chú ý đặc biệt kiến trúc công trình, trong quy hoạch và thiết kế không gian công cộng, giao thông, quy hoạch sử dụng đất...

- Cây xanh đô thị chủ yếu do nhà nước trồng ở các không gian công cộng như vỉa hè, công viên, trong khuôn viên công sở... do đó trách nhiệm nghiên cứu, quản lý, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị chủ yếu của cơ quan chức năng của nhà nước.

- Cây xanh đô thị chủ yếu là loại cây cao lớn, lâu năm, trở thành biểu trưng của môi trường tự nhiên đồng thời có vai trò quan trọng trong việc phát triển đa dạng sinh học ở đô thị.

Trong thời gian qua, cùng với việc đầu tư cải tạo, xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, TP.HCM đã quan tâm tới việc phát triển cây xanh đô thị nhằm làm cho thành phố xanh tươi, sạch đẹp và mỹ quan hơn. Thành phố đã tiến hành một số dự án cải tạo mở rộng phát triển cây xanh đô thị và công viên đô thị hiện hữu, xây dựng mới các công viên cây xanh bằng cách tận dụng quỹ đất từ việc chỉnh trang đô thị ở các khu nhà lụp xụp, ven và trên kênh rạch, giải tỏa các công trình không phù hợp, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời phát triển cây xanh đường phố, các mảng xanh dọc trục đường ở các khu xây dựng mới… hướng đến mục tiêu đa dạng về chủng loại, tạo cảnh quan đặc thù cho từng khu vực và trên từng tuyến đường, nhằm nâng dần chỉ tiêu đất cây xanh bình quân đầu người.

Hàng cây cổ thụ trên đường Phạm Ngọc Thạch gợi nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát...". Ảnh: Việt Nữ


Thống kê năm 2015 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các quận, huyện cập nhật đến tháng 12.2014 cho thấy, nhiều khu cây xanh sử dụng công cộng đô thị có chất lượng không cao, chủng loại cây trồng không phong phú, ít loài, ít họ thực vật. Bên cạnh đó, số loài không phù hợp còn chiếm tỷ lệ khá lớn như Keo lá tràm, Keo mỡ, Bạch đàn, Bã đậu... Diện tích công viên, cây xanh trên toàn địa bàn thành phố: 948,24 ha, Sở Giao thông vận tải quản lý 267,4 ha, các quận huyện và các đơn vị khác quản lý 682,7193 ha.

Như vậy, các quận mới và huyện ngoại thành tỷ lệ cây xanh công viên thấp hơn khu vực nội thành, trong khi đây là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh và khó kiểm soát. Vì vậy càng cần tăng cường quy hoạch quỹ đất dành cho công viện cây xanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dự án xây dựng mới để tuân thủ quy hoạch “không gian xanh” trong từng dự án.

Hiện nay, để thực hiện công tác quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó, cơ sở pháp lý quan trọng là Quyết định số 199/2004/QĐ-UBND ngày 18.8.2004 của UBND TP.HCM ban hành “Quy định về quản lý công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn TP.HCM”. Quyết định này đã quy định các nguyên tắc quản lý nhà nước về cây xanh đô thị, trách nhiệm, thẩm quyền của các sở, ban ngành và UBND các cấp trong quản lý nhà nước về cây xanh đô thị; quy định các nội dung quản lý nhà nước về cây đô thị.

Để phê duyệt các quy hoạch, đề án phát triển rừng và cây xanh đô thị, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18.3.2011 về việc phê duyệt “Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”Để quy định về chiều cao đối với các cây xanh đô thị, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM (nay là Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đã ban hành “Quyết định số 4220/QĐ-GT ngày 26.11.2004 về việc quy định khống chế chiều cao thân và chiều rộng tán cây xanh cao lớn lâu năm trên địa bàn TP.HCM”Văn bản này đã làm cơ sở quan trọng cho việc quản lý về chiều cao, chiều rộng đối với thân cây và tán cây. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra định kỳ đối với cây xanh đô thị. Ngoài ra còn nhiều văn bản khác cho những công việc cụ thể trong quản lý cây xanh đô thị.

Tuy đã có nhiều văn bản cụ thể, chặt chẽ như vậy nhưng trong vài năm vừa qua, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra việc chặt hạ hàng loạt cây xanh giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng ở khu trung tâm thành phố. Thực trạng này đã gây ra những phản ứng gay gắt của cộng đồng và để lại nhiều tiếc nuối trong du khách về hình ảnh một đô thị Sài Gòn xanh đẹp đang dần biến mất.

Hàng cây cổ thụ (khoảng 258 cây) có tuổi thọ gần 100 năm trên đường Tôn Đức Thắng trước và sau khi bị đốn hạ để làm cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Quỳnh Danh - Lê Quân


Đơn cử như: những hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Huệ bị chặt hết để phục vụ công trường ga metro; bùng binh Nguyễn Huệ với hàng liễu thướt tha xanh cũng không còn hiện diện; nhiều đợt đốn hạ và “di dời” gần 200 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Hữu Cảnh để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2... Gần đây nhất là từ việc một cây phượng bị đổ trong sân trường gây chết người, hàng loạt cây phượng và loại cây khác cũng bị chặt hạ vì tâm lý “cẩn thận”, hay như dự án chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng đang khiến dư luận bức xúc khi đốn hạ 146 cây và bứng dưỡng 32 cây…

Có thể coi một nhận xét của độc giả trên báo Thanh Niên là suy nghĩ của nhiều người dân thành phố: “Ôi thật sự rất đau buồn và thất vọng vô cùng cho cách phát triển đô thị hóa của mình. Trên thế giới này, người ta trồng cây xanh ngày càng nhiều để có không khí trong lành. Còn tại sao mình lại đốn cây đi trong khi cây rất khỏe, cây rất đẹp và cây rất lâu năm? Ở châu Âu là một nơi rất phát triển, người ta cũng đô thị hóa nhưng người ta trồng thêm cây trong thành phố. Tôi tự hỏi rằng, mình không còn cách nào khác ngoài đốn cây để xây dựng metro hay sao? Tôi tự hỏi rằng các nhà chức trách tại sao thờ ơ đến thế? Tôi sẽ không còn cơ hội để giới thiệu và tự hào nói về Sài Gòn với bạn bè của tôi”.

Đặc biệt, gần đây khi dư luận cộng đồng bức xúc vì tình trạng nhiều cây xanh, cổ thụ còn tươi tốt bất ngờ bị đốn hạ trên nhiều tuyến đường, ngày 8.9.2020 báo chí đưa tin UBND TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn các chủ đầu tư về trình tự thực hiện, phương án xử lý đối với các công trình, dự án có ảnh hưởng đến cây xanh hiện hữu trên địa bàn thành phố. Theo đó, tất cả các dự án, công trình ngay từ khi lập dự án phải được khảo sát hệ thống cây xanh xung quanh công trình, từ đó đề xuất giải pháp, phương án thiết kế phù hợp để hạn chế đốn hạ, di dời cây xanh. Đặc biệt là những cây cổ thụ, cây cần được bảo tồn, cây có giá trị về văn hóa lịch sử.

Hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Huệ, trong đó có nhiều cây đường kính 50-60 cm, cao hàng chục mét đã bị chặt hạ để phục vụ công trường ga metro. Ảnh chụp tháng 7.2014. Ảnh: Hữu Công


Trong khi tình trạng chặt hạ cây diễn ra “rầm rộ” như vậy thì “bù lại” nơi đô thị hiện nay thường trồng cây gì? Không chỉ ở TP.HCM mà tại các thành phố khác tình trạng chung là hầu như không trồng mới loại cây thân gỗ, cây lâu năm để sau này thành phố lại có những hàng cây cổ thụ toả bóng mát. Bởi vì trồng những loại cây này đầu tư một lần nhưng đòi hỏi sự chăm sóc trong thời gian dài, “đời cha trồng đời con có bóng mát”, nếu nóng vội hay chỉ cần thành tích trước mắt thì không thể thực hiện.

Tại vài khu “đô thị mới”, trong các bản vẽ quy hoạch luôn có mảng xanh, cây xanh và đất công cộng như công viên... Nhưng trên thực tế nếu có trồng cây thì là cây mang từ nơi khác về nhưng rễ bị cắt cụt cắt ngang, chưa kịp bén rễ nơi đất mới đã chịu giông bão nắng gắt nên rất khó có thể ra cành tỏa bóng mát.

Trên đường phố, những đoạn gầm cầu vượt, đường vòng tránh phần lớn là trồng cây tạo cảnh, cây cắt xén, cây dây leo… tốn công chăm sóc nhưng cây không lâu bền, chỉ một thời gian ngắn phải thay thế. Nhiều bùng binh vòng xoay trồng hoa theo kiểu xếp các giỏ hoa, vài bữa bốc lên xếp giỏ khác vào… rất tốn chi phí, công chăm sóc, tốn cả nước tưới trong khi nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt. Khá phổ biến kiểu trồng hoa, cây cảnh kiểu “chào mừng” hết lễ tết thì cây, hoa cũng “hết đời”.

Vài năm trước có những thành phố đua nhau trồng cây hoa sữa dù chẳng hợp thời tiết, làm cư dân nơi ấy khốn khổ vì mùi hoa sữa - mà ngay ở Hà Nội vào mùa thu, đoạn đường nhiều hoa sữa cư dân ở đó cũng khổ sở vì cái mùi hắc nồng của nó. Hay như Hà Nội trồng cây lá phong đỏ không phù hợp nên bị sâu bệnh, nhánh lá khô héo không có tác dụng “làm đẹp thành phố” như mong muốn, gần đây đã phải chặt bỏ để trồng loại cây khác. Cây ở đô thị trồng theo “phong trào” như thế sẽ chẳng bao giờ có được một đô thị xanh, mà kinh phí trồng mới và chăm sóc lại vô cùng tốn kém.

Với thực tế hiện nay của TP.HCM, nếu không trồng cây lâu năm thì hãy trồng loại cây có hoa, tạo ra “thương hiệu” như Nhật Bản với mùa hoa Sakura nổi tiếng. Từ khoảng mươi năm trước Hà Nội trồng nhiều bằng lăng, vào những ngày hè nhiều con đường hoa nở tím ngát rất đẹp. Còn Sài Gòn sẽ trồng cây gì cho những con đường, cho hai bên bờ những dòng kinh con sông trong thành phố? Hoa bò cạp “hoàng hậu bông vàng” từng chùm nở bung vàng tươi trong nắng, hoa kèn hồng dịu dàng làm cho những con đường đông đúc chật chội trở nên thoáng đãng hơn... sẽ là một sự lựa chọn khá phù hợp cho thành phố.

Ngay khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) có những con đường mang tên Hoa Lan, Hoa Đào... nhưng lại không có mặt các loại cây hoa đó trên đường phố cũng như trong các ngôi nhà. Còn nhiều loại cây xanh đường phố có hoa đẹp không kém như điệp vàng, phượng đỏ, bàng Đài Loan, hoa ban “móng bò”…

Cần tạo “thương hiệu xanh” cho từng thành phố, bởi vì một thành phố xanh và đẹp giúp con người yêu thiên nhiên và sống chậm hơn, tốt hơn cả sức khoẻ và tinh thần. Tuy nhiên đến nay chưa thành phố nào có thể xây dựng được thương hiệu từ hình ảnh thân thiện, xanh sạch và đẹp bắt đầu từ các loài cây, loài hoa đặc trưng.

Công viên bến Bạch Đằng những năm 1965-1966 (Ảnh trên: Dale Ellingson) và trước ngày đốn hạ 146 cây, bứng dưỡng 32 cây để chỉnh trang công viên. Ảnh: Hữu Kha


3.

Trong tình trạng điều kiện môi trường đô thị ngày càng xấu đi do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, cây xanh càng trở thành yêu cầu đặc biệt nhằm cải thiện môi trường sinh thái đô thị. Quá trình đô thị hóa ở TP.HCM diễn ra hết sức mạnh mẽ, một mặt góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nhưng mặt khác cũng gây ra ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng xấu, di sản đô thị bị hủy hoại… Để giải quyết những vấn đề trên thì phát triển cây xanh đô thị được coi là một trong những giải pháp tối ưu. Vậy nhưng cây xanh đô thị đã bị đối xử như thế nào?

Về phía quản lý nhà nước, bao nhiêu hàng cây cổ thụ bị chặt đi "giải tỏa” mở đường xây cầu, chỉnh trang đô thị… bao nhiêu cây xanh tươi tốt bị chặt ngọn tỉa cành "đề phòng gãy đổ" trong mùa giông bão, những đoạn vỉa hè lát đá kín không còn nơi cho đất thở, để thấm nước mưa nuôi cây... Về phía người dân thì không hiếm những hành vi “giết” cây như đào rễ, đổ axit, chặt cụt ngọn cây… chỉ để chiếm lấy vài mét vuông vỉa hè trước cửa nhà để buôn bán. Rồi bao nhiêu cây xanh không được chăm sóc thường xuyên, bị sâu mục mà không phát hiện kịp thời, gặp lúc gió to mưa lớn làm gãy đổ gây tai nạn cho người đi đường. Cứ vậy mỗi ngày những cây xanh, cổ thụ lâu năm cứ mất dần, đô thị phô phang những khối bê tông tường kính, con người lọt thỏm vào sắt thép, nguy cơ làm cho tâm lý con người ngày càng trơ trụi và khô cằn.

Đối với nhiều người, những hàng cây cổ thụ ở Hà Nội, Sài Gòn không chỉ là cây xanh, mà còn là kỷ niệm, ký ức, là nỗi nhớ là “hồn vía” của đô thị, nơi nhiều người từng sống, đang sống và đến đây kiếm sống! Sống lâu ở đô thị, mỗi hàng cây mỗi góc phố mỗi căn nhà đường phố trở nên thân quen, mang lại cảm giác bình yên của một đô thị “đáng sống”, dù cuộc sống vẫn còn quá nhiều bề bộn.

Trong ký ức của người Sài Gòn người Hà Nội luôn có bóng dáng hàng cây cổ thụ, “chứng nhân” của sự hình thành và phát triển, của những thăng trầm đô thị. Những hàng cây cao lớn được trồng bắt đầu từ khi đô thị chuyển mình quy hoạch theo kiểu Pháp, có đường phố vuông vắn bàn cờ, có vỉa hè rộng trồng “cây xanh đô thị” chứ không là vài loại cây vườn tạp như một hoài niệm quê nhà. Khi những hàng cây bị chặt hạ là một phần lịch sử của đô thị Sài Gòn, Hà Nội đã vĩnh viễn ra đi.

Con đường Tôn Đức Thắng ở Quận 1, TP.HCM là mảnh ký ức êm đềm của thị dân Sài Gòn. Là con đường lớn, vỉa hè rộng rãi, hai bên vỉa hè khuất sau bức tường cao là các Chủng viện, Tu viện xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Trên đường có bốn hàng cây xanh cao vút tuổi đời hơn trăm năm hình thành cảnh quan đặc trưng của đô thị Sài Gòn: sự hòa hợp tuyệt vời giữa đường phố, cây xanh và các công trình kiến trúc tôn giáo kiểu phương Tây, mang lại sự trầm mặc, bình yên, cổ kính giữa một thành phố sôi động đêm ngày. Cùng với những con đường trong khu vực như Nguyễn Du, Đồn Đất, Nguyễn Trung Ngạn, đoạn đầu của Lê Thánh Tôn và Lý Tự Trọng... được coi là không gian “di sản cảnh quan” đô thị Sài Gòn.

Khi hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt hạ để làm cây cầu mới, trên những cây xanh còn lại xuất hiện một chiếc nơ vàng xinh xắn, trên mỗi gốc cây đã bị chặt là một bông hồng đỏ thắm… Đó là lời từ biệt của nhóm bạn trẻ - những người đến đây từ nhiều nơi nhưng họ đã yêu Sài Gòn từ những điều bình dị nhất. Lời từ biệt cây xanh của các bạn trẻ còn là lời cám ơn những thế hệ người Sài Gòn đã lưu giữ một ký ức xanh tươi cho thế hệ hôm nay, dù “vật chứng” cho ký ức ấy chỉ hiện diện trong họ một thời gian ngắn ngủi.

Những bông hoa như một lời chia tay ngậm ngùi với hàng cổ thụ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Ảnh: Lê Quân - CTV


Đô thị là nơi tụ cư của người tứ xứ. “Đến đây rồi ở lại đây”, xưa phải tính đến ba đời nhưng nay chỉ cần một đời, thậm chí cư dân thời @ chỉ cần vài năm sống nơi đô thị đã là “người thành phố”. Nhưng “sống ở thành phố” mà chưa có ký ức đô thị thì chưa hẳn là một thị dân, theo ý nghĩa tinh thần. Ký ức làm cho đô thị trở nên thân thuộc, gần gũi, yêu thương hơn… Khi mỗi cảnh quan, công trình mất đi là cộng đồng mất dần một phần ký ức, đô thị mất đi một phần lịch sử. Di sản ký ức giúp cho những người trẻ được tham dự vào lịch sử đô thị, được thấy đô thị là nơi mà họ thuộc về.

Có phải cứ hiện đại là phải trả giá bằng cách triệt hạ thiên nhiên như thế này không? Sài Gòn đã gần như không còn gì của 300 năm, bây giờ những gì của 100 năm cũng sắp mất hết! Những bông hồng và những chiếc nơ vàng tạo nên ký ức của thế hệ trẻ thế kỷ 21, nhắc nhớ về một thời mà để “phát triển và hiện đại hóa” thành phố đã đánh đổi biết bao di sản văn hóa là công trình kiến trúc, cây xanh, không gian công cộng... tức là đánh đổi bằng cả những ký ức của thị dân Sài Gòn thế kỷ 20.

Đô thị khác nông thôn ở chỗ, mỗi cây xanh trên phố khi trồng khi chặt đều được tính toán cẩn thận, nhất là khi nó đã gần trăm năm tuổi và được coi là một phần lịch sử đô thị. Hàng cây trên đường phố đô thị không thể coi “cây chỉ là cây” như nhiều người quan niệm rằng, để có một thành phố hiện đại, để có giao thông hiện đại thì đánh đổi thế nào cũng được, kể cả di sản đô thị! Bởi vì, người xưa đã nói:Dụng nhân như dụng mộc, Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người...

Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”, "dạy con từ thủa còn thơ", trồng cây thì trồng từ bé để biết chăm sóc nâng niu cho cây lớn lên. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không, xưa nay luôn có sự tương đồng như thế.

TS. Nguyễn Thị Hậu

ĐƯỜNG VỀ QUÊ (tùy bút)

Quê nội tôi là làng Mỹ Hiệp trên Cù lao Giêng, Chợ Mới (An Giang), chỉ cách quê ngoại một nhánh sông Tiền, có bến đò Mỹ Hiệp qua làng Hòa An – Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Sau ngày hòa bình tôi thường về quê ngoại vì nơi đó còn bà ngoại và mấy cậu mấy dì, các anh chị em họ. Quê nội không còn ai ruột thịt, chỉ có bà con xa. Từ cách mạng 1945, bác tôi và ba tôi đi kháng chiến. Năm 1947 Tây bắn chết ông nội tôi, bác gái tôi đưa bà nội lên sinh sống ở Sài Gòn. Nhà cửa ở làng lâu dần hư hỏng hết... Hết chiến tranh gia đình tôi về quê chỉ còn thấy trơ trụi cái nền nhà của ông bà nội, ruộng đất của gia đình cũng đã chia năm sẻ bảy từ lâu... Vài năm sau chú tôi bán nốt cái nền nhà. Vậy là ở quê chỉ còn khu mộ ông bà nội nằm giữa ruộng đất của người ta, thỉnh thoảng được một người bà con chăm nom dọn dẹp.
Ba tôi từ khi lớn lên đi học ở Sài Gòn và làm thầy giáo ở trường huyện Chợ Mới. Rồi ông đi kháng chiến chín năm và tập kết ra Bắc... Ký ức về quê nội tôi có được đều từ má tôi truyền cho. Bà chỉ về làm dâu ông bà nội có vài năm rồi cũng đi kháng chiến, những năm đó ở nhà chỉ có ông bà nội với má tôi và anh Hai mới ra đời. Vì vậy ngôi nhà sàn tuy không lớn nhưng vắng vẻ lắm, cách sông một đỗi đường làng mà vẫn nghe lao xao người lên xuống đò ngoài bến. Ròng rã bao nhiều năm xa quê nội, má tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà sàn chiều chiều bà nội ngồi ở hàng hiên ngoáy trầu, ngó ra đường nghe tiếng xe thổ mộ lại ngóng xem có đứa con nào về ? Nhớ con rạch sáng chiều nước lớn nước ròng theo tiếng bìm bịp kêu, con rạch mà ông nội thường chặt tre nhà trồng để kè bờ, bắc cầu khỉ cho người trong xóm qua lại, nhớ đám ruộng chiều chiều nghe mùi khói đốt rạ má tôi lại nao nao nhớ ngoại... Gần vậy nhưng má tôi ít dịp về nhà ngoại, thời đó đàn bà lấy chồng rồi thì quê chồng là quê mình.
Tôi hay về quê nội vào tiết Thanh minh. Làng quê không giàu nhưng cũng không quá nghèo, ruộng vườn vén khéo nhà nào cũng đủ ăn, bà con lối xóm người theo đạo Phật người theo Hòa Hảo cũng chân chất như nhau. Từ nhiều năm nay trường học, trạm xá được xây dựng ngay tại xã, gần gũi cho trẻ nhỏ đi học, khám chữa bệnh của bà con cũng thuận tiện hơn nhiều. Nhà trệt mái ngói, mái tôn đã thay thế những ngôi nhà sàn mái lá xưa kia. Nhưng đường làng vẫn làm cho khách lạ đi xe lôi xe ôm “hồi hộp” lắm vì chưa được thẳng thớm, bằng phẳng.
Lần nào có dịp về quê ngoại mà không qua được quê nội, tôi cứ nhớ con đò ngang sông Tiền lộng gió mùa nước lớn, bến đò có con đường dốc cao mùa nước cạn, mấy chiếc xe lôi chờ khách ồn ào khi đò cập bến... Và khu mộ ông bà nội quét vôi trắng sạch sẽ giữa vườn cây xanh mát. Rưng rưng thấy có lỗi như đã để ông bà nội đợi chờ, dù ông bà đã khuất từ khi tôi chưa kịp ra đời...
***
Do công việc nên tôi thường về Long Xuyên, Châu Đốc hơn về Chợ Mới Cù lao Giêng. Vậy mà ông bạn thân ở Long Xuyên mỗi lần gặp là một lần hờn giận “Sao bà ít dìa quê quá vậy? lần sau bà dìa tới Vàm Cống là tui kêu... phà khỏi chở bà qua sông, cho biết!”. Lần này cũng vậy, ông bạn chưa kịp nói thì tôi đã cười “Có cầu Vàm Cống rồi nghe, khỏi dọa không cho tui qua phà dìa quê!”. À mà cầu Vàm Cống không nằm ngay bến phà mà xuôi về hạ lưu mấy cây số, nối hai bờ sông Hậu bên là Cao Lãnh bên thuộc Cần Thơ, đi vòng hơn mười cây số mới vào thành phố Long Xuyên. Tôi đã từng gợi ý cho ngành du lịch của tỉnh là hãy duy trì cái phà cho xe hơi nhỏ, xe máy qua lại, vừa tiện lợi cho dân sống ở hai bên bờ từ lâu đời, vừa giữ một cảnh quan sinh hoạt quen thuộc của đô thị Nam bộ, giữ một “di tích” cho du lịch sông nước. Nhưng cũng như nhiều di tích khác, những cái phà bến bắc ở miền Tây cứ mất dần, mai mốt con cháu sẽ không biết một phương tiện giao thông phổ biến gần trăm năm ở miền sông nước này. May ra chỉ còn nhìn thấy “bắc Mỹ Thuận” trong bộ phim Người tình nổi tiếng!
Đường về quê dù “độc đạo” từ mấy chục năm qua nhưng các bến phà/bắc đã thay thế bằng những cây cầu hiện đại. Ngày trước về quê ngoại phải qua bắc Mỹ Thuận, bắc Cao Lãnh, về quê nội thêm bắc Vàm Cống. Hai mươi mốt năm trước (5.2000) cầu Mỹ Thuận hoàn thành và cho đến nay, theo tôi, vẫn là cây cầu đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 2.2020 cầu Mỹ Thuận 2 đã được khởi công nhằm tăng lưu lượng giao thông cho khu vực “nút thắt” của tuyến đường quan trọng nhất miền Tây. Trên sông Cửu Long giờ có nhiều cây cầu dây văng đẹp như mơ đã trở thành hiện thực, nối liền các tỉnh của vùng sông nước như mong ước bao đời của người đồng bằng. Trên sông Tiền có cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên, trên sông Hậu có cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống. Cùng với cầu là những cung đường mới hiện đại qua cánh đồng rộng lớn chứ không còn chen chúc qua những thôn xóm và thị trấn ven đường. Tuy nhiên, thông cầu nhưng đường chưa thông vì quốc lộ 1A vẫn là “độc đạo”. Tình trạng kẹt xe tắc đường ngày càng trầm trọng nhất là vào dịp lễ tết.
Đường về quê nội, quê ngoại giờ có thể đi bằng tuyến đường N2 từ Đức Hòa (Long An) đến Mỹ An (Đồng Tháp). Tôi thích đi đường N2 này vì ngày thường khá vắng, tuy đường không tốt lắm và chỉ có hai làn xe. Nhưng đường này có nhiều cây cầu mới xây qua những con “kinh xáng” thẳng tắp, cầu có độ tĩnh không cao cho ghe xuồng, tàu chở hàng, xà lan tải trọng vừa qua lại thoải mái. Có đoạn dài con đường chạy song song kênh N2, ngày lễ tết trên đường xe máy xe hơi nối nhau chật cứng, gần bên là dòng kênh trong vắt, nước lên đầy ắp, vài chiếc ghe máy, tàu nhỏ thong thả xuôi ngược. Lúc đó tôi nghĩ, nếu có “đò dọc” thì chắc nhiều người đi xe máy sẽ xuống đi đò còn hơn phơi mình giữa nắng để nhích từng chút một. Dù đò đi chậm nhưng bù lại sẽ được “mãn nhãn” với cảnh làng quê bình yên và ruộng vườn xanh ngút ngát... Nhưng có lẽ đó chỉ là suy nghĩ của tôi - một người hay “hoài cổ” và thèm được sống chậm, chớ bây giờ ai cũng hối hả đi nhanh. Những con đò dọc đã biến mất từ lâu khi đường lộ nhỏ len lỏi vào vùng sâu cho xe máy chạy ào ào. Còn đò ngang, phà bắc đã có những chiếc cầu thay thế, xe hơi chạy không cần ngừng nghỉ. Tiếng rao hàng rong trên những chuyến phà, tiếng gọi “đò ơi...” chắc chỉ còn tồn tại trong vài tản văn, tạp bút về miền Tây.
Đường N2 băng ngang một phần Đồng Tháp Mười mới được khai thác vài chục năm nay. Đi đường này tha hồ ngắm những ao sen trắng hồng rực rỡ, rừng tràm mới trồng xanh ngắt chiều chiều cò bay đậu trắng ngọn cây. Vài năm nữa thôi nơi này sẽ có nhiều “sân chim” – một “đặc sản” của Nam bộ mà chiến tranh đã làm biến mất khá nhiều. Dọc đường N2 là “cánh đồng mẫu lớn” bên này lúa còn xanh mướt bên kia đã ngả một màu vàng quyến rũ, có nơi đã gặt xong, rơm được máy cuốn tròn thành từng bó xếp gọn ở bờ, bầy vịt nuôi đồng tung tặng lội ruộng sục mỏ kiếm hạt lúa rơi, con cá con ốc. Chỉ sau một mùa gặt bầy vịt sẽ mướt mượt, con nào con nấy chắc nịch chứ không mập ù như vịt nuôi siêu thịt. Trên cánh đồng có nhiều loại máy: máy cày, máy sục, máy gieo máy gặt... Như vậy lẽ ra người nông dân được an nhàn hơn vậy mà họ vẫn còn cơ cực lắm. Buông con trâu cái cày ra họ biết làm gì? Lên thành phố, đến khu công nghiệp cũng không thể trở thành công nhân đúng nghĩa, bởi vì ngoài nghề nông họ đâu đã biết thêm một nghề nào khác?
***
Lần nào về miền Tây khi trở lên thành phố cũng vào buổi chiều, nhưng vừa rời một nơi chốn nào đó đã lại nhớ da diết. Nỗi nhớ chẳng có gì cụ thể, chỉ là cảm giác bồi hồi khi xa những gì thân yêu mà không biết lần sau gặp lại có còn nguyên vẹn? Hôm rồi đi công tác ở Thoại Sơn – An Giang cũng vậy. Trên đường về Sài Gòn khi nghe tôi buông câu “sao cứ chiều là nhớ nhà ghê...”, anh bạn cùng đi như được chạm vào đúng mạch liền kể bao chuyện “hồi đó còn ở dưới quê...”. Quê anh ở Vĩnh Long nhưng chuyện quê anh không khác gì quê tôi. Những câu chuyện cho biết từ thời khẩn hoang đến sau này đất miền Tây vẫn phải đối mặt với bao khó khăn vất vả, bao thách đố từ sông từ biển, từ nắng từ gió, từ đất từ nước mà người nông dân phải thích nghi, phải quen thuộc để có thể sống được!
Người Nam bộ là vậy, khó khăn nào cũng tìm cách vượt qua nhưng không than thở vì “ai cũng như mình”. Sống được là khỏe rồi, nuôi được vợ con là vui rồi, cực nhọc qua rồi thì... “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”. Kể cả khi người khác luôn cho rằng “Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, làm chơi ăn thiệt” thì cũng nhẹ nhõm chấp nhận “ờ mà thiệt, ông trời không cho làm sao mình có?”, một thái độ chân thành thể hiện sự biết ơn trời đất, ơn người ơn đời.
Bởi vậy, người miền Tây sanh đẻ ở tỉnh nào cũng coi miền Tây là quê chung. Lên thành phố làm ăn nhưng ngày lễ tết thì chỉ tính chuyện về quê. Ở xa thì rủ nhau ra Bến xe miền Tây mua vé xe đò cùng chuyến mà người xuống trước người xuống sau. Gần hơn thì chạy xe máy, cứ đổ đầy bình xăng, khoác áo gió, đeo ba lô cùng nhau lên đường. Trên đường đi có khi còn ghé nhà bạn ăn bữa cơm ngủ lại một đêm rồi mai mới chạy tiếp về nhà mình.
“Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”. Mỗi lần về quê lại thấy thương quê mình hơn, lại được đón nhận những chân thành và tình nghĩa, được tiếp thêm sự lạc quan và năng động của người miền Tây. Quê hương đâu chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi ta biết rằng trái tim mình đã thuộc về nơi đó...
Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Báo Tiền Phong 23.5.2021
Hình: một đoạn đường và cầu trên tuyến N2



TRONG XÃ HỘI NGHỀ NÀO NGƯỜI NÀO CŨNG "CẦN CÓ NHAU".

Các ngành nghề trong xã hội đều có mối quan hệ qua lại với nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Nghề nào người nào có sản phẩm chất lượng cao, giữ chữ tín với người sử dụng thì được khách hàng "thương" và sử dụng hoài. Nghệ sĩ và sản phẩm nghệ thuật cũng vậy.

Chỉ có một điều khác biệt: khán giả tiếp xúc với sản phẩm của nghệ sĩ và thường yêu quý, tôn trọng người trực tiếp làm ra sản phẩm ấy vì mỗi nghệ sĩ sẽ tạo ra một sản phẩm độc đáo, riêng biệt nhờ TÀI NĂNG của mình, với nghệ thuật biểu diễn thì nghệ sĩ còn SỬ DỤNG CHÍNH CƠ THỂ mình. Vì vậy mối quan hệ khán giả - nghệ sĩ không thuần túy là mua - bán một sản phẩm, mà còn là sự khâm phục, trân quý CON NGƯỜI làm ra/chính là tác phẩm.
Khán giả khi "mua" sản phẩm của nghệ sĩ có lợi không? Có! Có nhiều! Đó là sự giải tỏa hay được đáp ứng cảm xúc CON NGƯỜI, là trải nghiệm được sống thêm nhiều khoảnh khắc qua những ca khúc, nhiều cuộc đời khác qua những vở cải lương, kịch hay bộ phim... và từ đó khán giả có thêm những bài học từ cuộc sống, hướng đến CÁI ĐẸP của con người, của cuộc đời.
Nếu khán giả bỏ tiền mua vé - một giá trị vật chất được định lượng thì cái mà khán giả nhận về là giá trị tinh thần không thể định lượng!
Chỉ có tâm thức đánh giá con người qua /bằng vật chất, bỏ tiền chỉ để đi xem “con đào thằng kép” thì mới hiểu từ "nuôi" trần trụi và tầm thường, sặc mùi mua bán kiểu "tiền tươi thóc thật".
Nghệ sĩ chân chính luôn coi "nghệ thuật là thánh đường" không phải vì nó hàn lâm cao siêu, mà vì nó mang lại cho khán giả những giây phút CON NGƯỜI tốt đẹp nhất. Bởi vậy, nghệ sĩ phải có trách nhiệm và luôn biết ơn người mua tác phẩm của mình (cho mình có cuộc sống vật chất đầy đủ, thậm chí giàu sang) để NUÔI DƯỠNG TÀI NĂNG của mình. Người mua tác phẩm cũng biết ơn nghệ sĩ đã NUÔI DƯỠNG đời sống tinh thần của mình ngày càng phong phú, tốt đẹp.
@Mấy ngày nay nghe bàn tán chuyện “nuôi” này thấy kỳ lạ! Nhớ lại những lời ba mình hồi xưa hay nói với mình.
Một tấm hình quý (năm 1955), ba mình đứng ngoài cùng bên phải, hàng thứ 3 từ trên xuống. Ngoài ra mình chỉ nhận ra nghệ sĩ Kim Xuân (mẹ của nghệ sĩ Như Quỳnh) ngoài cùng, nghệ sĩ Song Kim, nghệ sĩ Thúy Ngần, nghệ sĩ Trúc Quỳnh ở giữa hàng đầu. Nghệ sĩ Thế LỮ, Ba Du, Tám Danh, Can Trường, Trần Bảng, Hoàng Châu Ký...



Vụn vặt đời thường

 

@ Báo đưa tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM'

Nhiều lãnh đạo các bộ ngành cùng các chuyên gia nhận định như vậy sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố ủng hộ đề xuất về tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM, được giữ lại từ 18% lên 23%.”

Lúc này lại thấy ý kiến ủng hộ của một số nhà khoa học (hầu hết là người nghiên cứu kinh tế). Giá như trước đó các vị phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, tại các cuộc họp quan trọng mà các vị được mời dự để “tư vấn” thì có lẽ việc điều chỉnh tỷ lệ này đã sớm hơn, thậm chí có thể đã không xảy ra việc “tận thu” đến 18% kia!

Dân người ta thấy sự vô lý của tỷ lệ 18% từ lâu rồi, dân thấy cả những lý do cần tăng lên tỷ lệ 23% hoặc hơn nữa; hoàn toàn không vì “cục bộ” mà từ quan điểm công bằng: không cào bằng sự đóng góp cũng không cào bằng phân bổ ngân sách, nơi nào có điều kiện nguồn lực, biết phát triển thì phải ưu tiên.

@ TP Thủ Đức gồm quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2, trong đó có khu vực Thủ Thiêm còn nhiều sự việc đã kéo dài vẫn chưa được giải quyết.
Vậy, TP HCM hay TP Thủ Đức tiếp tục giải quyết? Địa danh Thủ Thiêm có thể mất đi nhưng những gì đã xảy ra ở Thủ Thiêm không thể là “cứt trâu để lâu hóa bùn” một cách dễ dàng!

@ Nhiều chuyện của người Việt làm tôi nghĩ rằng, đối với kẻ thù bên ngoài người Việt mình luôn có câu “con giun xéo mãi cũng phải quằn” để thể hiện sự nhẫn nhịn gìn giữ hòa bình, nhưng cũng sẽ cương quyết và đoàn kết đứng lên chống ngoại xâm nếu sự nhẫn nhịn ấy bị vượt qua giới hạn. Thế nhưng dường như chúng ta rất cực đoan trong cách ứng xử giữa người trong nước với nhau: hoặc nhẫn nhịn đến mức phải tự nhủ “tránh voi không xấu mặt nào” để rồi ấm ức mãi trong lòng, không bao giờ có thể “bình thường hóa” với “voi”, hoặc lập tức vung gạch đá gậy gộc hay ngôn từ “ném đá” tuôn ra, “sống mái” một trận rồi coi nhau như kẻ thù “ghét cả tông ti họ hàng”.

 https://tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tinh-than-la-ung-ho-toi-da-cho-tp-hcm-20210515075804907.htm


Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tinh thần là ủng hộ tối đa cho TP.HCM - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông của TP.HCM hiện nay đã quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe. Trong ảnh: kẹt xe trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp - Ảnh: TỰ TRUNG

PHAN VŨ - CHUYỆN KỂ VỀ MỘT KC

 

Nguyên vẹn em một cô gái

Với nụ cười

Trên bờ môi

Rạng rỡ

Trong đôi mắt long lanh

Những tia chớp sáng ngời

 

Cheo leo

En trèo lên dốc ngọn

Những dẫy núi ngất cao

Em lôi xuống chiều sâu

Vào trong hang động...

Kiếm tìm

Những mảnh vỡ

Tự một thời nào

Xa lắc lơ

Em gom góp rồi kết nối

Những gì tan hoang hôm qua

Bỗng trở thành cấu trúc

Vẹn toàn

 

Em rước quá khứ

Về danh vị hiện tại

Và tọa lạc an bài

Một định hướng tương  lai

Tôi tặng em mỗi buổi sáng

Một bài hát ngợi ca

Dòng chữ KC

Trên một lá cờ

Bởi những phát hiện lạ kì

Bất ngờ

Từ một tình yêu xôn xao từng ngày

Và lộng lẫy trong em….

 

25/06/2018

Đây là bài thơ (có lẽ) cuối cùng của nhà thơ Phan Vũ, ông tặng HKC – như một cô con gái và là bạn vong niên của ông. Bài thơ này ông đã đọc trong một cuộc phỏng vấn của VOH có vài từ khác với bản viết tay ông tặng tôi.

Hình chụp cùng ông ngày 5/5/2018.



LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...