Quê nội tôi là làng Mỹ Hiệp trên Cù lao Giêng, Chợ Mới (An Giang), chỉ cách quê ngoại một nhánh sông Tiền, có bến đò Mỹ Hiệp qua làng Hòa An – Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Sau ngày hòa bình tôi thường về quê ngoại vì nơi đó còn bà ngoại và mấy cậu mấy dì, các anh chị em họ. Quê nội không còn ai ruột thịt, chỉ có bà con xa. Từ cách mạng 1945, bác tôi và ba tôi đi kháng chiến. Năm 1947 Tây bắn chết ông nội tôi, bác gái tôi đưa bà nội lên sinh sống ở Sài Gòn. Nhà cửa ở làng lâu dần hư hỏng hết... Hết chiến tranh gia đình tôi về quê chỉ còn thấy trơ trụi cái nền nhà của ông bà nội, ruộng đất của gia đình cũng đã chia năm sẻ bảy từ lâu... Vài năm sau chú tôi bán nốt cái nền nhà. Vậy là ở quê chỉ còn khu mộ ông bà nội nằm giữa ruộng đất của người ta, thỉnh thoảng được một người bà con chăm nom dọn dẹp.
Ba tôi từ khi lớn lên đi học ở Sài Gòn và làm thầy giáo ở trường huyện Chợ Mới. Rồi ông đi kháng chiến chín năm và tập kết ra Bắc... Ký ức về quê nội tôi có được đều từ má tôi truyền cho. Bà chỉ về làm dâu ông bà nội có vài năm rồi cũng đi kháng chiến, những năm đó ở nhà chỉ có ông bà nội với má tôi và anh Hai mới ra đời. Vì vậy ngôi nhà sàn tuy không lớn nhưng vắng vẻ lắm, cách sông một đỗi đường làng mà vẫn nghe lao xao người lên xuống đò ngoài bến. Ròng rã bao nhiều năm xa quê nội, má tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà sàn chiều chiều bà nội ngồi ở hàng hiên ngoáy trầu, ngó ra đường nghe tiếng xe thổ mộ lại ngóng xem có đứa con nào về ? Nhớ con rạch sáng chiều nước lớn nước ròng theo tiếng bìm bịp kêu, con rạch mà ông nội thường chặt tre nhà trồng để kè bờ, bắc cầu khỉ cho người trong xóm qua lại, nhớ đám ruộng chiều chiều nghe mùi khói đốt rạ má tôi lại nao nao nhớ ngoại... Gần vậy nhưng má tôi ít dịp về nhà ngoại, thời đó đàn bà lấy chồng rồi thì quê chồng là quê mình.
Tôi hay về quê nội vào tiết Thanh minh. Làng quê không giàu nhưng cũng không quá nghèo, ruộng vườn vén khéo nhà nào cũng đủ ăn, bà con lối xóm người theo đạo Phật người theo Hòa Hảo cũng chân chất như nhau. Từ nhiều năm nay trường học, trạm xá được xây dựng ngay tại xã, gần gũi cho trẻ nhỏ đi học, khám chữa bệnh của bà con cũng thuận tiện hơn nhiều. Nhà trệt mái ngói, mái tôn đã thay thế những ngôi nhà sàn mái lá xưa kia. Nhưng đường làng vẫn làm cho khách lạ đi xe lôi xe ôm “hồi hộp” lắm vì chưa được thẳng thớm, bằng phẳng.
Lần nào có dịp về quê ngoại mà không qua được quê nội, tôi cứ nhớ con đò ngang sông Tiền lộng gió mùa nước lớn, bến đò có con đường dốc cao mùa nước cạn, mấy chiếc xe lôi chờ khách ồn ào khi đò cập bến... Và khu mộ ông bà nội quét vôi trắng sạch sẽ giữa vườn cây xanh mát. Rưng rưng thấy có lỗi như đã để ông bà nội đợi chờ, dù ông bà đã khuất từ khi tôi chưa kịp ra đời...
***
Do công việc nên tôi thường về Long Xuyên, Châu Đốc hơn về Chợ Mới Cù lao Giêng. Vậy mà ông bạn thân ở Long Xuyên mỗi lần gặp là một lần hờn giận “Sao bà ít dìa quê quá vậy? lần sau bà dìa tới Vàm Cống là tui kêu... phà khỏi chở bà qua sông, cho biết!”. Lần này cũng vậy, ông bạn chưa kịp nói thì tôi đã cười “Có cầu Vàm Cống rồi nghe, khỏi dọa không cho tui qua phà dìa quê!”. À mà cầu Vàm Cống không nằm ngay bến phà mà xuôi về hạ lưu mấy cây số, nối hai bờ sông Hậu bên là Cao Lãnh bên thuộc Cần Thơ, đi vòng hơn mười cây số mới vào thành phố Long Xuyên. Tôi đã từng gợi ý cho ngành du lịch của tỉnh là hãy duy trì cái phà cho xe hơi nhỏ, xe máy qua lại, vừa tiện lợi cho dân sống ở hai bên bờ từ lâu đời, vừa giữ một cảnh quan sinh hoạt quen thuộc của đô thị Nam bộ, giữ một “di tích” cho du lịch sông nước. Nhưng cũng như nhiều di tích khác, những cái phà bến bắc ở miền Tây cứ mất dần, mai mốt con cháu sẽ không biết một phương tiện giao thông phổ biến gần trăm năm ở miền sông nước này. May ra chỉ còn nhìn thấy “bắc Mỹ Thuận” trong bộ phim Người tình nổi tiếng!
Đường về quê dù “độc đạo” từ mấy chục năm qua nhưng các bến phà/bắc đã thay thế bằng những cây cầu hiện đại. Ngày trước về quê ngoại phải qua bắc Mỹ Thuận, bắc Cao Lãnh, về quê nội thêm bắc Vàm Cống. Hai mươi mốt năm trước (5.2000) cầu Mỹ Thuận hoàn thành và cho đến nay, theo tôi, vẫn là cây cầu đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 2.2020 cầu Mỹ Thuận 2 đã được khởi công nhằm tăng lưu lượng giao thông cho khu vực “nút thắt” của tuyến đường quan trọng nhất miền Tây. Trên sông Cửu Long giờ có nhiều cây cầu dây văng đẹp như mơ đã trở thành hiện thực, nối liền các tỉnh của vùng sông nước như mong ước bao đời của người đồng bằng. Trên sông Tiền có cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên, trên sông Hậu có cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống. Cùng với cầu là những cung đường mới hiện đại qua cánh đồng rộng lớn chứ không còn chen chúc qua những thôn xóm và thị trấn ven đường. Tuy nhiên, thông cầu nhưng đường chưa thông vì quốc lộ 1A vẫn là “độc đạo”. Tình trạng kẹt xe tắc đường ngày càng trầm trọng nhất là vào dịp lễ tết.
Đường về quê nội, quê ngoại giờ có thể đi bằng tuyến đường N2 từ Đức Hòa (Long An) đến Mỹ An (Đồng Tháp). Tôi thích đi đường N2 này vì ngày thường khá vắng, tuy đường không tốt lắm và chỉ có hai làn xe. Nhưng đường này có nhiều cây cầu mới xây qua những con “kinh xáng” thẳng tắp, cầu có độ tĩnh không cao cho ghe xuồng, tàu chở hàng, xà lan tải trọng vừa qua lại thoải mái. Có đoạn dài con đường chạy song song kênh N2, ngày lễ tết trên đường xe máy xe hơi nối nhau chật cứng, gần bên là dòng kênh trong vắt, nước lên đầy ắp, vài chiếc ghe máy, tàu nhỏ thong thả xuôi ngược. Lúc đó tôi nghĩ, nếu có “đò dọc” thì chắc nhiều người đi xe máy sẽ xuống đi đò còn hơn phơi mình giữa nắng để nhích từng chút một. Dù đò đi chậm nhưng bù lại sẽ được “mãn nhãn” với cảnh làng quê bình yên và ruộng vườn xanh ngút ngát... Nhưng có lẽ đó chỉ là suy nghĩ của tôi - một người hay “hoài cổ” và thèm được sống chậm, chớ bây giờ ai cũng hối hả đi nhanh. Những con đò dọc đã biến mất từ lâu khi đường lộ nhỏ len lỏi vào vùng sâu cho xe máy chạy ào ào. Còn đò ngang, phà bắc đã có những chiếc cầu thay thế, xe hơi chạy không cần ngừng nghỉ. Tiếng rao hàng rong trên những chuyến phà, tiếng gọi “đò ơi...” chắc chỉ còn tồn tại trong vài tản văn, tạp bút về miền Tây.
Đường N2 băng ngang một phần Đồng Tháp Mười mới được khai thác vài chục năm nay. Đi đường này tha hồ ngắm những ao sen trắng hồng rực rỡ, rừng tràm mới trồng xanh ngắt chiều chiều cò bay đậu trắng ngọn cây. Vài năm nữa thôi nơi này sẽ có nhiều “sân chim” – một “đặc sản” của Nam bộ mà chiến tranh đã làm biến mất khá nhiều. Dọc đường N2 là “cánh đồng mẫu lớn” bên này lúa còn xanh mướt bên kia đã ngả một màu vàng quyến rũ, có nơi đã gặt xong, rơm được máy cuốn tròn thành từng bó xếp gọn ở bờ, bầy vịt nuôi đồng tung tặng lội ruộng sục mỏ kiếm hạt lúa rơi, con cá con ốc. Chỉ sau một mùa gặt bầy vịt sẽ mướt mượt, con nào con nấy chắc nịch chứ không mập ù như vịt nuôi siêu thịt. Trên cánh đồng có nhiều loại máy: máy cày, máy sục, máy gieo máy gặt... Như vậy lẽ ra người nông dân được an nhàn hơn vậy mà họ vẫn còn cơ cực lắm. Buông con trâu cái cày ra họ biết làm gì? Lên thành phố, đến khu công nghiệp cũng không thể trở thành công nhân đúng nghĩa, bởi vì ngoài nghề nông họ đâu đã biết thêm một nghề nào khác?
***
Lần nào về miền Tây khi trở lên thành phố cũng vào buổi chiều, nhưng vừa rời một nơi chốn nào đó đã lại nhớ da diết. Nỗi nhớ chẳng có gì cụ thể, chỉ là cảm giác bồi hồi khi xa những gì thân yêu mà không biết lần sau gặp lại có còn nguyên vẹn? Hôm rồi đi công tác ở Thoại Sơn – An Giang cũng vậy. Trên đường về Sài Gòn khi nghe tôi buông câu “sao cứ chiều là nhớ nhà ghê...”, anh bạn cùng đi như được chạm vào đúng mạch liền kể bao chuyện “hồi đó còn ở dưới quê...”. Quê anh ở Vĩnh Long nhưng chuyện quê anh không khác gì quê tôi. Những câu chuyện cho biết từ thời khẩn hoang đến sau này đất miền Tây vẫn phải đối mặt với bao khó khăn vất vả, bao thách đố từ sông từ biển, từ nắng từ gió, từ đất từ nước mà người nông dân phải thích nghi, phải quen thuộc để có thể sống được!
Người Nam bộ là vậy, khó khăn nào cũng tìm cách vượt qua nhưng không than thở vì “ai cũng như mình”. Sống được là khỏe rồi, nuôi được vợ con là vui rồi, cực nhọc qua rồi thì... “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”. Kể cả khi người khác luôn cho rằng “Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi, làm chơi ăn thiệt” thì cũng nhẹ nhõm chấp nhận “ờ mà thiệt, ông trời không cho làm sao mình có?”, một thái độ chân thành thể hiện sự biết ơn trời đất, ơn người ơn đời.
Bởi vậy, người miền Tây sanh đẻ ở tỉnh nào cũng coi miền Tây là quê chung. Lên thành phố làm ăn nhưng ngày lễ tết thì chỉ tính chuyện về quê. Ở xa thì rủ nhau ra Bến xe miền Tây mua vé xe đò cùng chuyến mà người xuống trước người xuống sau. Gần hơn thì chạy xe máy, cứ đổ đầy bình xăng, khoác áo gió, đeo ba lô cùng nhau lên đường. Trên đường đi có khi còn ghé nhà bạn ăn bữa cơm ngủ lại một đêm rồi mai mới chạy tiếp về nhà mình.
“Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”. Mỗi lần về quê lại thấy thương quê mình hơn, lại được đón nhận những chân thành và tình nghĩa, được tiếp thêm sự lạc quan và năng động của người miền Tây. Quê hương đâu chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi ta biết rằng trái tim mình đã thuộc về nơi đó...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét