VỀ HIỆN TƯỢNG "PHÁT TRIỂN, HIỆN ĐẠI HÓA" KHU TRUNG TÂM VÀ VÙNG DI SẢN ĐÔ THỊ.

 Di sản văn hóa, đặc biệt là cảnh quan đặc trưng và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có một vị trí đặc biệt vì đó là “dấu chỉ” để nhận diện đô thị và là những “cột mốc” phản ánh quá trình lịch sử - văn hóa của đô thị. Trung tâm đô thị có vị trí đắc địa, nơi các công trình quan trọng về chính trị, xã hội, văn hóa, không gian công cộng... được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Khu trung tâm luôn là “vùng lõi di sản” của đô thị, ký ức quen thuộc của nhiều thế hệ cư dân, tạo ấn tượng khó quên với du khách.

Từ đầu thế kỷ 20 người Pháp quy hoạch và xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam theo kiểu phương Tây. “Dinh tỉnh trưởng” là công trình công sở quan trọng nhất tại đô thị - tỉnh lỵ của một tỉnh, đánh dấu kiểu tổ chức chính quyền khác với chính quyền thời nhà Nguyễn. Khảo sát một số công trình Dinh tỉnh trưởng còn lại ở phía Nam như Dinh xã tây (UBND. TPHCM hiện nay), Dinh tỉnh trưởng ở Bến Tre, Gò Công, Quảng Trị hay Đà Lạt... có thể nhận thấy đây là công trình quan trọng nhất nằm ở trung tâm đô thị, nơi thường xuyện diễn ra hoạt động chính trị - xã hội, xung quanh có các cơ quan hành chính và công trình công cộng, dịch vụ.

Có thể nhận biết “vùng lõi” của trung tâm các đô thị này trong phạm vi không gian giữa các công trình: Dinh tỉnh trưởng - Nhà thờ chính tòa – Bưu điện – Chợ trung tâm. Đường phố, nhà cửa ở khu vực này cũng được chỉnh trang hoặc xây dựng mới theo quy hoạch chung về không gian và kiến trúc. Do mỗi đô thị có cảnh quan tự nhiên, địa hình và yếu tố văn hóa khác nhau nên khu trung tâm thường mang những đặc trưng riêng... Trải qua quá trình lịch sử những đặc trưng ấy trở thành một “bản sắc” riêng có của từng đô thị.

Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm cũng trở thành tiêu biểu của quy hoạch đô thị, bởi sự hài hòa giữa các công trình với cảnh quan tự nhiên (sông, hồ) và cảnh quan nhân tạo (đường phố, cây xanh, bùng binh...). Nhắc đến Hà Nội là nhớ khu vực Hồ Gươm, nhắc đến SG - TP. HCM là nhớ đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Ngoài khu trung tâm, những cảnh quan độc đáo của mỗi đô thị cũng trở thành "dấu chỉ" nhận diện văn hóa: Hồ Tây và cảnh quan các "làng cổ" xung quanh ở Thăng Long - Hà Nội, kênh rạch Bến Nghé và cảnh quan "trên bến dưới thuyền" ở Sài Gòn - TPHCM. Đó là những di sản đô thị!

Ngày nay, những khu vực di sản đô thị luôn được coi là tài nguyên quý giá vì đã tích lũy trong nó các giá trị quan trọng. Đó là 1/Giá trị lịch sử (bằng chứng giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn phát triển mới của đô thị, có thể là “chứng tích” của nhiều sự kiện lịch sử), trở thành “ký ức đô thị”, mang tính chất “không gian thiêng” của cộng đồng dân cư; 2/Giá trị văn hóa – xã hội vì là “không gian cộng đồng” đặc trưng và quen thuộc nhất của đô thị, có những công trình tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật... 3/Giá trị khoa học, là “không gian sáng tạo” vì các công trình kiến trúc hay quy hoạch cảnh quan khu vực mang dấu ấn của một thời đại.

Việc tích lũy giá trị lịch sử văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng là tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương nghiệp, dịch vụ). Không có ba giá trị kể trên thì khu vực này không có chức năng “trung tâm” để có giá trị kinh tế cao.

“Hiện đại hóa” đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại khu vực di sản và các công trình di sản chính là sự phá hủy “nguồn vốn xã hội” của đô thị đã được tích lũy lâu dài. Đồng thời, công trình mới xây dựng ở đây là sự lợi dụng, sử dụng “nguồn vốn công” (bao gồm đất đai và không gian văn hóa, tinh thần công cộng) và biến thành lợi ích tư nhân. Chính vì vậy hầu hết các quốc gia đều coi trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị.

Ở trên đã trình bày về cảnh quan khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Hiện tượng “hiện đại hóa” khu trung tâm các đô thị có thể nhìn thấy ở rất nhiều thành phố trong cả nước, làm nên một hiện tượng “nhân bản” về quy hoạch và kiến trúc đô thị từ Bắc qua Trung vào Nam. Một trường hợp gần đây là việc quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) – còn gọi là khu Hòa Bình – được dư luận rất quan tâm . Bên cạnh những tiếng nói của cộng đồng bảo vệ cảnh quan đặc sắc của Đà Lạt là những ý kiến tâm huyết của giới chuyên môn, đặc biệt là các nhà quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư và một số nhà nghiên cứu bảo tồn di sản. Vào tháng 11/2021 một lần nữa Đà Lạt lại được sự chú ý của công luận quanh “phương án quy hoạch không gian đồi Dinh”– hay còn gọi là công trình Dinh tỉnh trưởng.

Với nhiều nhà đầu tư thì “lợi nhuận kinh tế” là yếu tố hàng đầu, họ hầu như không quan tâm đến việc bảo toàn giá trị lịch sử - văn hóa mà chỉ tận dụng nó dưới góc độ giá trị đất đai. Khu vực di sản được các nhà đầu tư coi là “đất vàng, đất kim cương”. Lợi ích của nhà đầu tư là “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị vật chất kinh tế cùng với giá trị văn hóa tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền, thể hiện quan điểm quản lý và phát triển đô thị hướng đến mục tiêu nào? Từ đó chính quyền và nhà quản lý “ra đề bài” cho nhà đầu tư thực hiện. Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế từ “đất vàng”, tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư sẽ “quy hoạch, thiết kế” tận dụng từng mét đất và hủy hoại di sản và giá trị di sản.

(Trích đăng một tham luận khoa học, nhân vấn đề quy hoạch vùng bán đảo Quảng An - Hồ Tây, HN đang được xã hội quan tâm)



 

HỆ THỐNG DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC HUYỆN CẦN GIỜ NHỮNG GIÁ TRỊ CỰC KỲ QUAN TRỌNG

TS. Nguyễn Thị Hậu 

Huyện Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam TP.HCM, là vùng đồng bằng cửa sông – vịnh biển. Bề mặt đồng bằng thấp trũng bao phủ rừng ngập mặn và bị chia cắt do hệ thống sông rạch chằng chịt. Trên vùng địa hình phức tạp này các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một hệ thống hơn 30 di tích khảo cổ trên các giồng đất đỏ. Dấu tích cư trú của con người từ rất sớm ở nơi đây đã làm cho môi trường sinh thái - nhân văn của Cần Giờ khác hẳn những khu vực rừng ngập mặn khác, nơi đơn thuần chỉ có dấu vết quá trình lấn biển của tự nhiên.

DI VẬT PHONG PHÚ VÀ ĐỘC ĐÁO
Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 – 1978, qua nhiều lần khảo sát và 3 lần khai quật liên tục (1992, 1993 và 1994) và mới đây vào năm 2021 – 2022, các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, qua việc nhận diện các đặc trưng văn hoá khảo cổ nơi đây.
Các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ phần lớn là di tích cư trú. Quá trình sinh sống và sản xuất gốm của cư dân cổ bắt đầu từ rất sớm, ngay trên nền sét biển và để lại tích tụ “giồng đất đỏ” khá dày.
Một số di tích từ nơi cư trú dần trở thành khu mộ táng, như tại di tích Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt. Phần lớn di cốt được chôn trong chum gốm lớn với tư thế ngồi bó gối – tư thế của đứa trẻ trong bụng mẹ. Đây là điểm khác biệt nhất so với những di tích mộ chum khác ở ĐNA.
Di vật và đồ tuỳ táng của các di tích mộ chum Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là loại gốm sản xuất tại chỗ có đặc điểm riêng về chất liệu và loại hình, được dùng để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những khu vực khác. Đồ gốm tùy táng trong mộ chum rất đa dạng, cho biết mối liên hệ của chủ nhân di tích với các nền văn hoá Đồng Nai, Sa Huỳnh cùng thời và văn hóa Óc Eo ở giai đoạn sau… Đặc biệt nhiều đồ trang sức (vòng, hạt chuỗi, khuyên tai) bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh, vàng… được sản xuất tại chỗ, nhờ việc nhập nguyên liệu và tiếp thu kỹ thuật chế tác từ những khu vực khác qua con đường thương mại trên biển Đông.
Tại các di tích này không có nhiều công cụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ có một số ít vũ khí tượng trưng cho quyền lực như giáo sắt và rìu đồng. Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy khu vực Cần Giờ thời cổ không phải là một vùng phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác trong thời đại kim khí. Cư dân cổ nơi này có đời sống kinh tế khá đặc biệt là phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực ĐNA hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào ĐNA lục địa, kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên tại chỗ.
Chính vì vậy, có thể cho rằng Cần Giờ hai ngàn năm trước đây là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hoá bản địa.

YẾU TỐ BIỂN TRONG CÁC NỀN VĂN HÓA
Vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực Đồng Nai rộng lớn, là “trạm trung chuyển” giữa lưu vực Vàm Cỏ – Đồng Nai hay là hai miền Tây – Đông Nam Bộ. Tại nhiều giồng đất ở Cần Giờ còn tìm thấy di tích của cư dân cổ thời văn hóa Óc Eo (như Giồng Am) và muộn hơn trong giai đoạn khai phá vùng lưu vực Đồng Nai (như Giồng Cá Trăng). Câu ca dao “Nhà Bè nước chảy chia hai – Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” tuy xuất hiện khá muộn nhưng đã phản ánh tâm trạng của những đoàn lưu dân lênh đênh trên sông nước, từ vịnh biển Gành Rái - Cần Giờ hay từ vịnh Đồng Tranh - Vàm Cỏ đi sâu hơn vào lưu vực Đồng Nai – Cửu Long.
Chọn vị trí “cửa sông – vịnh biển” để cư trú và phát triển đời sống kinh tế giao thương, khai thác tự nhiên… có lẽ cư dân cổ Cần Giờ đã góp phần hình thành một trong những quy luật của “làng Nam Bộ”: định cư trên giồng cao nơi “giáp nước”, làng mạc mọc lên, trên bờ là thị tứ, chợ búa, dưới sông ghe xuồng ngược xuôi buôn bán. Ghe “thương hồ” thường nghỉ lại ở nơi “giáp nước”, đặng chờ nước lớn ngược vào đồng bằng hay nước ròng thì xuôi ra biển.
Hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ phản ánh mối quan hệ giao lưu rộng rãi của “cảng thị” Cần Giờ, đã có vai trò thúc đẩy sự phát triển của lưu vực Đồng Nai thời tiền sử. Đồng thời góp phần quan trọng vào quá trình hình thành văn minh Óc Eo của vương quốc cổ Phù Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Từ các di tích khảo cổ học ở Cần Giờ, có thể nhận thấy yếu tố biển – đặc biệt là con đường giao thương/di cư trên biển Đông - là nguyên nhân của hiện tượng “đồng quy văn hóa” của nhiều nền văn hóa khảo cổ ở ĐNA, mà mộ chum ở hai di tích Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt là điển hình. Còn yếu tố ở từng khu vực lục địa làm nên nét khác biệt giữa các nền văn hóa, như giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Cần Giờ.
Giao thương đường biển là một trong những yếu tố quan trọng tham gia ngay từ đầu vào tiến trình phát triển từ văn hóa Sa Hùynh đến văn minh Chămpa ở miền Trung, và từ văn hóa Cần giờ (trong bối cảnh lưu vực Đồng Nai) phát triển lên văn minh Óc Eo ở Nam bộ.
Các nền văn hoá khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử ở ĐNA đã cho thấy Biển Đông không phải là yếu tố ngăn cách và cô lập các tộc người ở khu vực này, mà trái lại, đã là một “chiếc cầu” nối liền các tộc người ven biển với nhau, liên kết giữa ĐNA hải đảo và ĐNA lục địa, giữa ĐNA với những vùng xa hơn trong Thái Bình Dương bao la. Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Á.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN
Huyện Cần Giờ có một hệ thống nhiều loại hình di tích lịch sử văn hóa như di tích khảo cổ học, đình, chùa, lăng mộ, di tích cách mạng, các di sản văn hóa phi vật thể như Lễ Nghinh Ông... Bên cạnh đó, Cần Giờ còn có một không gian cảnh quan độc đáo là rừng ngập mặn. Các di tích khảo cổ phân bố tập trung ở khu vực Cần Thạnh, Long Hòa và Lý Nhơn, ở đó hàng ngày diễn ra mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá của dân cư với mức độ ngày càng nhanh, phong phú và đa dạng.
Điều này có nghĩa là cùng một lúc phải bảo lưu cho được những giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ những di tích lịch sử, không gian, cảnh quan thiên nhiên vốn có, nhưng đồng thời phải đảm bảo phát triển một cách hài hoà có định hướng (bảo tồn thích nghi). Do vậy, đòi hỏi các phương án, giải pháp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và hệ thống di tích khảo cổ học nói riêng ở Cần Giờ phải được đặt ra khẩn trương. Bởi vì, hệ thống di tích khảo cổ học Cần Giờ có giá trị cao không chỉ về nghiên cứu khoa học mà còn trong phục vụ phát triển dân sinh và du lịch bền vững.
Theo quy hoạch “đô thị lấn biển Cần Giờ” thì hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ chưa bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, triển khai cụ thể quy hoạch “lấn biển” và đặc biệt là việc kiểm soát tốc độ phát triển đô thị hóa và dân cư là hết sức cần thiết! Việc xây dựng một đô thị tại vùng cửa sông vịnh biển, trong điều kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng và phức tạp như hiện nay chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường, tác động làm biến đổi điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến việc bảo tồn tự nhiên cũng là bảo tồn cảnh quan di tích. Không thể bảo vệ được hệ thống di tích khảo cổ của Cần Giờ, cũng là làm mất đi một di sản văn hóa có giá trị đặc biệt của TP.HCM và của cả nước.
Các phương án bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ cần phải đặt trong qui hoạch tổng thể khu vực Cần Giờ nói chung và Khu bảo tồn sinh quyển nói riêng. Di tích gắn liền với cảnh quan môi trường. Cần Giờ còn may mắn giữ lại được hệ sinh thái rừng ngập mặn đã hình thành từ hàng chục ngàn năm trước. Trải qua thời gian chiến tranh lâu dài, tuy bị tàn phá nặng nề nhưng sự hồi sinh đáng kinh ngạc của rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, về kinh tế, mà còn có giá trị về lịch sử, vì đây chính là môi trường sinh sống của chủ nhân những di tích khảo cổ hơn hai ngàn năm trước.
Hệ thống di tích khảo cổ phải hoà nhập với quy họach bảo vệ khu Dự trữ sinh quyển, hòa nhập với quy họach bảo tồn những di tích lịch sử - văn hóa thành một tổng thể hài hoà, trong sự phát triển “đô thị hóa” huyện Cần Giờ. Phát triển bền vững huyện Cần Giờ phải lấy việc bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản làm “chìa khóa” quan trọng nhất. Không phải chỉ để nghiên cứu mà phải dành cho người dân tìm hiểu, nâng cao tri thức và được thụ hưởng di sản của ông cha để lại. Đồng thời giới thiệu và quảng bá với du khách quốc tế, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử Việt Nam.
(Ùi ui lên hình trang nhất cơ đấy! 😃 )



CẦN GIỜ - DI TÍCH KCH ĐỘC ĐÁO

 @ Nhân cuộc khai quật di tích Giồng Cá Vồ, Cần Giờ, mình post lại vài nhận xét của mình từ kết quả nghiên cứu và làm luận án TS từ những năm 1994 - 1997.

Cuộc khai quật 2021 - 2022 cũng cho thấy những nhận xét này chưa lạc hậu, đồng thời cung cấp thêm tư liệu cho mình nghiên cứu những ý tưởng mới 🙂
CẦN GIỜ - DI TÍCH KCH ĐỘC ĐÁO
Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 – 1978, qua nhiều lần khảo sát, thám sát và qua 3 lần khai quật liên tục (1992 - 1994 và 2021 - 2022), các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, qua việc nhận biết được những đặc trưng văn hoá khảo cổ nơi đây.
- Là những di tích chỉ cư trú có tầng văn hoá khá dày, hình thành ngay trên nền sét biển. Tích tụ của quá trình sản xuất gốm văn hoá đã góp phần cùng với tự nhiên tạo nên những giồng đất di tích khảo cổ.
- Di chỉ cư trú dần trở thành khu mộ táng với tục hung táng trong mộ chum là chủ yếu và điển hình: ở Cần Giờ phần lớn di cốt được tìm thấy trong tư thế chôn ngồi bó gối trong chum. Đây là điểm khác biệt nhất với những di tích mộ chum khác ở ĐNA.
- Di vật và đồ tuỳ táng của các di tích mộ chum Cần Giờ vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là loại gốm Giồng Cá Vồ – Giồng Phệt, được coi là tiêu chí để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những vùng khác. Đó là vô số các kiểu đồ gốm mang phong cách của các nền văn hoá Đồng Nai, Sa Huỳnh, Óc Eo… Là các loại hình đồ trang sức cho biết nguồn gốc được sản xuất tại chỗ hoặc du nhập nguyên liệu và kỹ thuật từ những khu vực khác ở ĐNA hải đảo, là sự thiếu vắng các công cụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ có mặt một số loại vũ khí mang tích chất tượng trưng cho quyền lực.
- Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy đây không phải là một nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng trọt – như nhiều nền văn hoá khảo cổ trong thời đại kim khí – mà chủ nhân của văn hoá này có đời sống kinh tế khá đặc biệt. Đó là phát triển thương mại kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên.
Nghiên cứu nhiều nền văn hóa thời tiền sử ở khu vực ĐNA, có thể nhận thấy Yếu tố Biển – đặc biệt là con đường giao thương/di cư trên biển - là nguyên nhân của hiện tượng “đồng quy văn hóa” mà mộ chum là điển hình. Còn yếu tố lục địa ở từng khu vực làm nên nét khác biệt giữa các nền văn hóa, như giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Cần Giờ. Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển từ văn hóa Sa Hùynh đến văn hóa Chămpa và từ văn hóa Cần giờ (trong bối cảnh lưu vực Đồng Nai) phát triển lên văn hóa Óc Eo.
P/s. Chưa có bằng chứng chắc chắn về nhân chủng của cộng đồng người cổ ở Cần Giờ nên không thể nói đây là “di tích của người Việt cổ” như tin của vài báo, TV.
Hình: Di vật tùy táng trong mộ chum (cuộc khai quật Giồng cá Vồ năm 1994).










HỘI THẢO QUỐC TẾ 20 NĂM KHU DI TÍCH HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

 Phát biểu ý kiến tại hội thảo

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Do đó, vào năm 2004, khi đang tiến hành khai quật khảo cổ học địa điểm số 18 Hoàng Diệu – sau này trở thành một phần quan trọng của Di sản Hoàng Thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu và người dân phía Nam đã vô cùng quan tâm theo dõi những kết quả đầu tiên, về việc phát lộ một giai đoạn quan trọng của kinh đô Thăng Long và của nhà nước Đại Việt trong lịch sử.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và chiêm ngưỡng những di vật tiêu biểu của dí tích quan trọng này, ngày 25.2. 2004, 328 hiện vật thu được từ công cuộc khai quật di chỉ Hoàng thành Thăng Long ra mắt công chúng TP.HCM tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM trong một phòng trưng bày chuyên đề quy mô lớn.
Để kịp thời có được cuộc trưng bày này, Bảo tàng lịch sử TPHCM đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng chính phủ, UBND.TPHCM, UBNDTP Hà Nội , sự giúp đỡ và phối hợp tận tình của sở VHTT TPHCM, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN, và nhất là các nhà khảo cổ học đang trực tiếp khai quật và nghiên cứu tại di tích.
Có thể nói, đây là một trong những cuộc trưng bày quan trọng và thành công nhất của Bảo tàng lịch sử TP.HCM. Cuộc trưng bày được tổ chức cùng với nhiều hoạt động như tọa đàm khoa học, triển lãm lưu động tại các trường học, khu công nghiệp… đã mang lại nhiều kết quả về khoa học. Đặc biệt là đã ghi nhận được tình cảm chân thành và vô cùng cảm động của nhân dân miền Nam đối với kinh đô Thăng Long – Hà Nội, như câu thơ nổi tiếng của Tướng Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thủa mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Từ sau cuộc trưng bày này, những kiến thức, tri thức mới có được từ cuộc khai quật và nghiên cứu khu di tích quan trọng này đã kịp thời được đưa vào giảng dạy tại trường ĐHKHXHNV.TPHCM, không chỉ trong chuyên ngành KCH, khoa Lịch sử mà còn tại các khoa khác có liên quan như Văn hóa học, Việt Nam học… Trong Giáo trình Khảo cổ học đại cương mới xuất bản của trường cũng đã có một phần trình bày “nghiên cứu trường hợp” Di sản thế giới độc đáo này. Đặc biệt, “Khảo cổ học đô thị” – một ngành rất cần thiết cho sự phát triển của các đô thị trong quá trình hiện đại hóa - qua trường hợp điển hình của “Hoàng thành Thăng Long” - đã là động cơ và gợi ý cho các nhà khảo cổ học tại TP.HCM nghiên cứu ứng dụng trong việc bảo tồn di sản đô thị SG – TPHCM một cách hiệu quả!
Năm 2010 Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới! Trong hành trình để đi đến kết quả này có sự ủng hộ nhiệt tình và đóng góp của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu và nhân dân các tỉnh phía Nam, bên cạnh nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Đó là sự đóng góp của cộng đồng cho “lịch sử xã hội” được quần chúng nhân dân làm nên và gìn giữ, bảo tồn.
Trong một cuộc họp của BCH Hội KHLSVN sau đó, GS Phan Huy Lê đã nói, đại ý “Đối với quốc tế, ta thể hiện việc nhà nước VN thực hiện tốt lời hứa của Thủ tướng chính phủ với UNESCO. Đối với TP Hà Nội việc chúng ta làm theo những khuyến nghị của các nhà khoa học trong và ngoài nước là đúng đắn!”. Đó cũng là những ý nghĩa đối với xã hội bên cạnh giá trị khoa học của khu Di sản thế giới này! 












THƯƠNG DÂN DÂN THỜ

1.

Đã rất lâu rồi tôi mới có dịp tham dự một lễ giỗ trang trọng, thành kính theo nghi thức cung đình mà không khí vẫn ấm cúng, gần gũi như trong một gia đình Nam Bộ. Năm nay, ngày 27-8-2022 (nhằm ngày 1 tháng 8 âm lịch) là tròn 190 năm ngày kỵ của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Tại Lăng Ông Bà Chiểu (TP HCM), lễ giỗ Đức Thượng công được tổ chức đặc biệt theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho những vị khai quốc công thần.
Trong 3 ngày giỗ (tiên thường, chánh giỗ, hậu thường), Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt đón rất đông khách thập phương đến dâng hương, tham quan, đặc biệt là thưởng thức hát bội - loại hình nghệ thuật được Đức Tả quân rất yêu thích lúc sinh thời. Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam Bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long - mã - phụng cùng các món ăn đặc trưng phương Nam.
Trong suốt 3 ngày giỗ, những người tham dự hầu như không có sự phân biệt địa vị, hoàn cảnh xã hội… Mọi người đến đây đều nghiêm trang mà không xa cách. Người tham gia các nghi lễ, người vô thắp hương, người viếng mộ, người xem hát bội hay xin xăm… đều vui vẻ, niềm nở với nhau. Tất cả diễn ra trong sự đồng cảm gắn bó thầm lặng, giống như đám cúng đình trong một làng xưa hay đám giỗ họ rất đông con cháu từ các nơi tụ tập về. Lăng Ông những ngày này thực sự là một không gian thiêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" - tưởng nhớ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, cũng là nhớ ơn các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Một lễ giỗ hết sức độc đáo, không chỉ là nghi lễ dành cho "công thần khai quốc" mà còn là lễ hội "thờ thần" đậm nét dân gian dành cho mọi người. Độc đáo vì trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, lòng dân vẫn nguyên vẹn tình nghĩa với vị tổng trấn đã có công rất lớn với Gia Định thành và Lục tỉnh Nam Kỳ; tài giỏi, cương trực mà số phận chịu nhiều oan khuất. Có thể có những lễ hội khác người nườm nượp đông hơn, vật cúng rực rỡ hoành tráng hơn, việc cầu xin thần thánh cũng đa dạng hơn, thực dụng hơn… nhưng với lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt thì vẫn tục xưa lề cũ, lời cầu khấn "quốc thái dân an" chưa bao giờ mất đi ý nghĩa và giá trị.
2.
Mỗi vùng đất, mỗi thành phố đều có những truyền thống và đặc trưng riêng, hình thành từ điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử - xã hội. Truyền thống lịch sử và những đặc trưng về con người luôn là hành trang quan trọng nhất mà mỗi địa phương luôn mang theo trong quá trình phát triển. Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, hình thành từ sự thích ứng với thiên nhiên và tính cách văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó.
Như truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà được "hiện thực hóa" bằng đình làng, nhà thờ, lăng miếu xây dựng ở nơi phong thủy hài hòa, trong ngôi nhà thì vị trí trang trọng nhất dành cho bàn thờ ông bà. Ngày đám giỗ trong gia đình, ngày lễ Kỳ yên ở đình làng thờ cúng thần linh và những người có công khai hoang lập ấp… là ngày mà cả gia đình, cả làng xóm cùng cộng đồng trách nhiệm. Bởi vì tình cảm gia đình, quê hương là thiêng liêng nhất, là sợi dây gắn kết mọi người, gắn kết nhiều thế hệ. Từ những truyền thống hình thành nên đặc trưng cơ bản, tinh túy, bản sắc, mà nếu thiếu hay mất đi đặc trưng ấy thì khó có thể nhận diện một vùng đất, một cộng đồng. Có thể nói ngày giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và những hoạt động lễ hội ở Lăng Ông cũng có ý nghĩa như vậy đối với dân cư Sài Gòn - Gia Định, TP HCM, rộng hơn là cả vùng Nam Bộ.
Trong nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu ở Nam Bộ, nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những di tích thờ cúng các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa thời Nguyễn; nơi đâu cũng gặp những tích truyện, ca dao, tục ngữ, hò vè về thời mở đất hơn 300 năm trước... Tâm thức dân gian của cư dân Nam Bộ thường "hồi cố lịch sử" đến thời chúa Nguyễn. "Hồi đó, ông bà mình theo chúa Nguyễn lưu lạc vô đây...". Chúa nào, không ai biết cụ thể chỉ biết là chúa Nguyễn ở đâu tuốt ngoài xứ Huế, ngoài miền Trung. Có công đưa lưu dân vô tới Nam Bộ, đưa "ông bà" vô khai khẩn vùng đất này chính là nhờ các đời chúa Nguyễn… Xa lắc xa lơ hơn 300 năm nhưng người Nam Bộ vẫn coi nhau có chung một giọt máu đào nguồn gốc... Ông bà thường kể lại cho con cháu để nhớ về cội nguồn như vậy.
Huống chi đó là những người có công lao lớn đối với việc mở mang, xây dựng và bảo vệ vùng đất phía Nam và với người dân miền Nam, như Đức Tả quân Lê Văn Duyệt!
Có một câu nói mà càng ngẫm càng thấy chí lý: "Dân đã thờ ai thì không bao giờ lầm". Một bài học rút ra từ lịch sử, để nhận biết những gì khuất lấp dưới bụi thời gian và cũng để thế hệ sau tự răn: Đừng tự cho mình quyền phán xét tình cảm của nhân dân, dù nhân dân có khi chỉ là một cộng đồng nhỏ về số người, hẹp về địa bàn sinh sống! Tài năng, công đức, sự chính trực của những con người đã "thuộc về lịch sử" - những giá trị mà nhân dân, cộng đồng thực sự coi trọng - sẽ tồn tại mãi mãi.
3.
Lăng Ông Bà Chiểu là công trình văn hóa tâm linh lớn và quan trọng nhất Sài Gòn - Gia Định, TP HCM, vì đây không chỉ là đền thờ mà còn là nơi có phần mộ của Đức Thượng công và phu nhân, sau nhiều oan khuất đã được sửa sang, xây lại đàng hoàng, có miếu thờ giản dị luôn được mọi người thành kính viếng thăm. Một công trình tuy không bề thế nhưng cảnh quan kiến trúc hài hòa, không gian tâm linh uy nghiêm. Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Có một thời cổng tam quan của Lăng Ông đã trở thành một biểu tượng văn hóa của thành phố. Ngày 6-12-1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Cách đây 2 năm, vào tháng 9-2020, nhân lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, đoạn đường Đinh Tiên Hoàng - nơi Lăng Ông tọa lạc - đã được đổi lại, mang tên Lê Văn Duyệt. Việc làm này của chính quyền TP HCM đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân thành phố nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Nhân dân miền Nam coi ông như một vị thần, hình tượng Đức Tả quân đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của người dân. Và mới đây, ngày 25-8-2022, cũng tại Lăng Ông, đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ Khai hạ - Cầu an truyền thống (được tổ chức tại Lăng Đức Tả quân vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm) nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, cuộc sống bình an.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được người dân Nam Bộ tôn kính, thờ cúng nghiêm cẩn, liên tục, lâu dài không chỉ vì những công lao của ông, mà còn vì ông là một vị đại thần chính trực, một nhân cách lớn của thời đại ông. Trong mọi giai đoạn lịch sử, Lăng Ông là một địa điểm tín ngưỡng, tâm linh quen thuộc và quan trọng của nhân dân vùng đất Sài Gòn - Gia Định, TP HCM từ xưa đến nay, biểu hiện cho lòng kính trọng của nhân dân miền Nam với Tả quân Lê Văn Duyệt. Mỗi năm, lễ giỗ Đức Thượng công là dịp cố kết tình cảm cộng đồng khi cùng hướng về cội nguồn, nhớ ơn tiền nhân qua những nghi lễ thờ cúng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và các nhân vật lịch sử tại đây.

Báo Người Lao động ngày 31.8.2022. Mở đầu chuyên mục DÂN VIỆT YÊU SỬ VIỆT






LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...