VỀ HIỆN TƯỢNG "PHÁT TRIỂN, HIỆN ĐẠI HÓA" KHU TRUNG TÂM VÀ VÙNG DI SẢN ĐÔ THỊ.

 Di sản văn hóa, đặc biệt là cảnh quan đặc trưng và các công trình kiến trúc tiêu biểu, có một vị trí đặc biệt vì đó là “dấu chỉ” để nhận diện đô thị và là những “cột mốc” phản ánh quá trình lịch sử - văn hóa của đô thị. Trung tâm đô thị có vị trí đắc địa, nơi các công trình quan trọng về chính trị, xã hội, văn hóa, không gian công cộng... được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Khu trung tâm luôn là “vùng lõi di sản” của đô thị, ký ức quen thuộc của nhiều thế hệ cư dân, tạo ấn tượng khó quên với du khách.

Từ đầu thế kỷ 20 người Pháp quy hoạch và xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam theo kiểu phương Tây. “Dinh tỉnh trưởng” là công trình công sở quan trọng nhất tại đô thị - tỉnh lỵ của một tỉnh, đánh dấu kiểu tổ chức chính quyền khác với chính quyền thời nhà Nguyễn. Khảo sát một số công trình Dinh tỉnh trưởng còn lại ở phía Nam như Dinh xã tây (UBND. TPHCM hiện nay), Dinh tỉnh trưởng ở Bến Tre, Gò Công, Quảng Trị hay Đà Lạt... có thể nhận thấy đây là công trình quan trọng nhất nằm ở trung tâm đô thị, nơi thường xuyện diễn ra hoạt động chính trị - xã hội, xung quanh có các cơ quan hành chính và công trình công cộng, dịch vụ.

Có thể nhận biết “vùng lõi” của trung tâm các đô thị này trong phạm vi không gian giữa các công trình: Dinh tỉnh trưởng - Nhà thờ chính tòa – Bưu điện – Chợ trung tâm. Đường phố, nhà cửa ở khu vực này cũng được chỉnh trang hoặc xây dựng mới theo quy hoạch chung về không gian và kiến trúc. Do mỗi đô thị có cảnh quan tự nhiên, địa hình và yếu tố văn hóa khác nhau nên khu trung tâm thường mang những đặc trưng riêng... Trải qua quá trình lịch sử những đặc trưng ấy trở thành một “bản sắc” riêng có của từng đô thị.

Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm cũng trở thành tiêu biểu của quy hoạch đô thị, bởi sự hài hòa giữa các công trình với cảnh quan tự nhiên (sông, hồ) và cảnh quan nhân tạo (đường phố, cây xanh, bùng binh...). Nhắc đến Hà Nội là nhớ khu vực Hồ Gươm, nhắc đến SG - TP. HCM là nhớ đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Ngoài khu trung tâm, những cảnh quan độc đáo của mỗi đô thị cũng trở thành "dấu chỉ" nhận diện văn hóa: Hồ Tây và cảnh quan các "làng cổ" xung quanh ở Thăng Long - Hà Nội, kênh rạch Bến Nghé và cảnh quan "trên bến dưới thuyền" ở Sài Gòn - TPHCM. Đó là những di sản đô thị!

Ngày nay, những khu vực di sản đô thị luôn được coi là tài nguyên quý giá vì đã tích lũy trong nó các giá trị quan trọng. Đó là 1/Giá trị lịch sử (bằng chứng giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn phát triển mới của đô thị, có thể là “chứng tích” của nhiều sự kiện lịch sử), trở thành “ký ức đô thị”, mang tính chất “không gian thiêng” của cộng đồng dân cư; 2/Giá trị văn hóa – xã hội vì là “không gian cộng đồng” đặc trưng và quen thuộc nhất của đô thị, có những công trình tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật... 3/Giá trị khoa học, là “không gian sáng tạo” vì các công trình kiến trúc hay quy hoạch cảnh quan khu vực mang dấu ấn của một thời đại.

Việc tích lũy giá trị lịch sử văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng là tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương nghiệp, dịch vụ). Không có ba giá trị kể trên thì khu vực này không có chức năng “trung tâm” để có giá trị kinh tế cao.

“Hiện đại hóa” đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại khu vực di sản và các công trình di sản chính là sự phá hủy “nguồn vốn xã hội” của đô thị đã được tích lũy lâu dài. Đồng thời, công trình mới xây dựng ở đây là sự lợi dụng, sử dụng “nguồn vốn công” (bao gồm đất đai và không gian văn hóa, tinh thần công cộng) và biến thành lợi ích tư nhân. Chính vì vậy hầu hết các quốc gia đều coi trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị.

Ở trên đã trình bày về cảnh quan khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Hiện tượng “hiện đại hóa” khu trung tâm các đô thị có thể nhìn thấy ở rất nhiều thành phố trong cả nước, làm nên một hiện tượng “nhân bản” về quy hoạch và kiến trúc đô thị từ Bắc qua Trung vào Nam. Một trường hợp gần đây là việc quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) – còn gọi là khu Hòa Bình – được dư luận rất quan tâm . Bên cạnh những tiếng nói của cộng đồng bảo vệ cảnh quan đặc sắc của Đà Lạt là những ý kiến tâm huyết của giới chuyên môn, đặc biệt là các nhà quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư và một số nhà nghiên cứu bảo tồn di sản. Vào tháng 11/2021 một lần nữa Đà Lạt lại được sự chú ý của công luận quanh “phương án quy hoạch không gian đồi Dinh”– hay còn gọi là công trình Dinh tỉnh trưởng.

Với nhiều nhà đầu tư thì “lợi nhuận kinh tế” là yếu tố hàng đầu, họ hầu như không quan tâm đến việc bảo toàn giá trị lịch sử - văn hóa mà chỉ tận dụng nó dưới góc độ giá trị đất đai. Khu vực di sản được các nhà đầu tư coi là “đất vàng, đất kim cương”. Lợi ích của nhà đầu tư là “tiền tươi thóc thật, ngay và luôn” còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị vật chất kinh tế cùng với giá trị văn hóa tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền, thể hiện quan điểm quản lý và phát triển đô thị hướng đến mục tiêu nào? Từ đó chính quyền và nhà quản lý “ra đề bài” cho nhà đầu tư thực hiện. Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế từ “đất vàng”, tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư sẽ “quy hoạch, thiết kế” tận dụng từng mét đất và hủy hoại di sản và giá trị di sản.

(Trích đăng một tham luận khoa học, nhân vấn đề quy hoạch vùng bán đảo Quảng An - Hồ Tây, HN đang được xã hội quan tâm)



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...