CẦN GIỜ - DI TÍCH KCH ĐỘC ĐÁO

 @ Nhân cuộc khai quật di tích Giồng Cá Vồ, Cần Giờ, mình post lại vài nhận xét của mình từ kết quả nghiên cứu và làm luận án TS từ những năm 1994 - 1997.

Cuộc khai quật 2021 - 2022 cũng cho thấy những nhận xét này chưa lạc hậu, đồng thời cung cấp thêm tư liệu cho mình nghiên cứu những ý tưởng mới 🙂
CẦN GIỜ - DI TÍCH KCH ĐỘC ĐÁO
Từ những phát hiện đầu tiên vào những năm 1976 – 1978, qua nhiều lần khảo sát, thám sát và qua 3 lần khai quật liên tục (1992 - 1994 và 2021 - 2022), các nhà khảo cổ học đã bước đầu phác dựng lịch sử Cần Giờ giai đoạn từ 3.000 đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, qua việc nhận biết được những đặc trưng văn hoá khảo cổ nơi đây.
- Là những di tích chỉ cư trú có tầng văn hoá khá dày, hình thành ngay trên nền sét biển. Tích tụ của quá trình sản xuất gốm văn hoá đã góp phần cùng với tự nhiên tạo nên những giồng đất di tích khảo cổ.
- Di chỉ cư trú dần trở thành khu mộ táng với tục hung táng trong mộ chum là chủ yếu và điển hình: ở Cần Giờ phần lớn di cốt được tìm thấy trong tư thế chôn ngồi bó gối trong chum. Đây là điểm khác biệt nhất với những di tích mộ chum khác ở ĐNA.
- Di vật và đồ tuỳ táng của các di tích mộ chum Cần Giờ vô cùng phong phú và độc đáo. Đó là loại gốm Giồng Cá Vồ – Giồng Phệt, được coi là tiêu chí để nhận biết mối liên hệ của Cần Giờ với những vùng khác. Đó là vô số các kiểu đồ gốm mang phong cách của các nền văn hoá Đồng Nai, Sa Huỳnh, Óc Eo… Là các loại hình đồ trang sức cho biết nguồn gốc được sản xuất tại chỗ hoặc du nhập nguyên liệu và kỹ thuật từ những khu vực khác ở ĐNA hải đảo, là sự thiếu vắng các công cụ sản xuất nông nghiệp mà chỉ có mặt một số loại vũ khí mang tích chất tượng trưng cho quyền lực.
- Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy đây không phải là một nền văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng trọt – như nhiều nền văn hoá khảo cổ trong thời đại kim khí – mà chủ nhân của văn hoá này có đời sống kinh tế khá đặc biệt. Đó là phát triển thương mại kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên.
Nghiên cứu nhiều nền văn hóa thời tiền sử ở khu vực ĐNA, có thể nhận thấy Yếu tố Biển – đặc biệt là con đường giao thương/di cư trên biển - là nguyên nhân của hiện tượng “đồng quy văn hóa” mà mộ chum là điển hình. Còn yếu tố lục địa ở từng khu vực làm nên nét khác biệt giữa các nền văn hóa, như giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Cần Giờ. Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển từ văn hóa Sa Hùynh đến văn hóa Chămpa và từ văn hóa Cần giờ (trong bối cảnh lưu vực Đồng Nai) phát triển lên văn hóa Óc Eo.
P/s. Chưa có bằng chứng chắc chắn về nhân chủng của cộng đồng người cổ ở Cần Giờ nên không thể nói đây là “di tích của người Việt cổ” như tin của vài báo, TV.
Hình: Di vật tùy táng trong mộ chum (cuộc khai quật Giồng cá Vồ năm 1994).










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...