HỘI THẢO QUỐC TẾ 20 NĂM KHU DI TÍCH HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

 Phát biểu ý kiến tại hội thảo

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Do đó, vào năm 2004, khi đang tiến hành khai quật khảo cổ học địa điểm số 18 Hoàng Diệu – sau này trở thành một phần quan trọng của Di sản Hoàng Thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu và người dân phía Nam đã vô cùng quan tâm theo dõi những kết quả đầu tiên, về việc phát lộ một giai đoạn quan trọng của kinh đô Thăng Long và của nhà nước Đại Việt trong lịch sử.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và chiêm ngưỡng những di vật tiêu biểu của dí tích quan trọng này, ngày 25.2. 2004, 328 hiện vật thu được từ công cuộc khai quật di chỉ Hoàng thành Thăng Long ra mắt công chúng TP.HCM tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM trong một phòng trưng bày chuyên đề quy mô lớn.
Để kịp thời có được cuộc trưng bày này, Bảo tàng lịch sử TPHCM đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng chính phủ, UBND.TPHCM, UBNDTP Hà Nội , sự giúp đỡ và phối hợp tận tình của sở VHTT TPHCM, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN, và nhất là các nhà khảo cổ học đang trực tiếp khai quật và nghiên cứu tại di tích.
Có thể nói, đây là một trong những cuộc trưng bày quan trọng và thành công nhất của Bảo tàng lịch sử TP.HCM. Cuộc trưng bày được tổ chức cùng với nhiều hoạt động như tọa đàm khoa học, triển lãm lưu động tại các trường học, khu công nghiệp… đã mang lại nhiều kết quả về khoa học. Đặc biệt là đã ghi nhận được tình cảm chân thành và vô cùng cảm động của nhân dân miền Nam đối với kinh đô Thăng Long – Hà Nội, như câu thơ nổi tiếng của Tướng Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thủa mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Từ sau cuộc trưng bày này, những kiến thức, tri thức mới có được từ cuộc khai quật và nghiên cứu khu di tích quan trọng này đã kịp thời được đưa vào giảng dạy tại trường ĐHKHXHNV.TPHCM, không chỉ trong chuyên ngành KCH, khoa Lịch sử mà còn tại các khoa khác có liên quan như Văn hóa học, Việt Nam học… Trong Giáo trình Khảo cổ học đại cương mới xuất bản của trường cũng đã có một phần trình bày “nghiên cứu trường hợp” Di sản thế giới độc đáo này. Đặc biệt, “Khảo cổ học đô thị” – một ngành rất cần thiết cho sự phát triển của các đô thị trong quá trình hiện đại hóa - qua trường hợp điển hình của “Hoàng thành Thăng Long” - đã là động cơ và gợi ý cho các nhà khảo cổ học tại TP.HCM nghiên cứu ứng dụng trong việc bảo tồn di sản đô thị SG – TPHCM một cách hiệu quả!
Năm 2010 Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới! Trong hành trình để đi đến kết quả này có sự ủng hộ nhiệt tình và đóng góp của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu và nhân dân các tỉnh phía Nam, bên cạnh nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Đó là sự đóng góp của cộng đồng cho “lịch sử xã hội” được quần chúng nhân dân làm nên và gìn giữ, bảo tồn.
Trong một cuộc họp của BCH Hội KHLSVN sau đó, GS Phan Huy Lê đã nói, đại ý “Đối với quốc tế, ta thể hiện việc nhà nước VN thực hiện tốt lời hứa của Thủ tướng chính phủ với UNESCO. Đối với TP Hà Nội việc chúng ta làm theo những khuyến nghị của các nhà khoa học trong và ngoài nước là đúng đắn!”. Đó cũng là những ý nghĩa đối với xã hội bên cạnh giá trị khoa học của khu Di sản thế giới này! 












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...