Nhớ quê


Tạp bút, Nguyễn thị Hậu

Tuổi càng về chiều người ta càng muốn “quy cố hương” bằng cách hồi tưởng về  ký ức thời còn ở quê, hay là kỷ niệm mỗi lần về quê. Mà nguyên cớ để những hồi ức trở về thì không thiếu.
Trên những con đường ta qua bất cứ gì nhìn thấy đều như giọt nước rơi vào cái ly “nhớ quê” để rồi một ngày sẽ có giọt nước làm tràn ly, nỗi nhớ vỡ òa, không thể không nói ra không kể lại không trải ra trên trang giấy trên màn hình máy tính.

Một lần đi trên đường phố Quận Cam, nhìn thấy mấy tàu chuối vươn khỏi tường rào vẫy vẫy trên hè phố, bỗng nhớ nhà da diết dù chỉ mới xa nhà hai ngày trong đó có gần 20 giờ trong chuyến bay dài. Hỏi bạn, ở đây trồng nhiều chuối không? Bạn như hiểu, trả lời: chị thấy nhà ai mà trồng bụi chuối thì gần như chắc chắn là nhà người Việt mình. 

Ừ càng đi xa lại càng muốn lưu lại chút gì của quê hương bên mình. Bụi chuối sau hè, hồi nhỏ là sự sợ hãi mỗi tối khi phải ra đó vì một lý do mà ai cũng như ai J, là niềm vui khi thấy bắp hoa bắt đầu kết thành buồng bé xíu xinh xinh, lớn dần lên, rồi từng nải trái già căng, mẹ chặt mang vô dựng trong bếp gần khạp gạo. Vài bữa khi trái hườm hườm, nải chuối ngon nhất, đẹp nhất được cha đặt lên bàn thờ ông bà, thắp nén nhang trước là lấy thảo sau là lấy hơi ấm cho cả nải chín đều. Bữa cơm Nam bộ ít khi thiếu vài trái chuối sứ, từ con nít đến bà già đều quen với chén cơm chan nước cá kho thịt kho ăn với chuối chín. Nhà có đàn bà sanh nở luôn có buồng chuối chín dần, canh chuối sứ nêm chút muối chút đường là món ăn lợi sữa rất lành và cũng rất rẻ tiền, dễ kiếm. Giữa buổi mà đói,  có chén chè chuối hay cái bánh chuối chiên thì không còn gì bằng.

Một người bạn, có lần đi đâu đó đến tận bờ biển Mexico xa xôi, nhắn về: trời ơi, tui như đang ở bãi biển quê mình, cũng hàng dừa đong đưa trong gió chiều, cũng mùi thơm của mực tươi cá tươi, của ốc của sò nướng trên than hồng, cũng mấy trái khóm trái chuối mà mấy bà đội cái thúng trên đầu mang bán… nhớ nhà quá trời… Bạn đã hơn 30 năm sống ở nước ngoài, đã tự coi mình như một người Tây “chánh hiệu”, vậy mà chỉ mùi thơm khói bếp than cũng làm bạn bần thần rồi quyết tâm “tết này sẽ về nhà” dù ở quê nhà bạn chẳng còn ai cả.

Ở xa thì vậy, còn ở gần thì sao? Quê tôi ở miền Tây, một năm cũng vài lần về tết nhất giỗ chạp, chưa kể đi công việc. Sáng đi tối về hay đi vài ngày, đi xe đò, đi xe riêng, hồi trước còn chạy xe gắn máy nữa… vậy mà lần nào trở lên thành phố cũng bồi hồi (người miền Tây hay gọi Sài Gòn là “thành phố”, lên thành phố, ở thành phố mới dìa…).  Nhớ từ tiếng gà trưa nhớ đến chùm mận bên chái bếp, nhớ từ bờ mương thoảng tiếng cá quẫy trong vườn đến mùi khói bếp lò trấu lúa mới… Mỗi lần về đám giỗ là “quảy” lên nào thịt kho tàu, thịt ram, tôm rang nước dừa, nào dừa xiêm nào xoài nào dưa hấu. À, có ai còn nhớ món bắp đùm thơm mùi nước dừa lá dứa không? Gần nhà ngoại tôi có lò nấu bắp và hấp bắp đùm, khi tôi chuẩn bị ra về là cô em dâu tất tả chạy ra lò xách về mấy chục bắp mới nấu nóng hổi “chị bỏ theo xe lỡ tụi nhỏ đói thì ăn”.

Trên đường miền Tây rất dễ nhận ra “người miền Tây” trên những chiếc xe máy trước sau ràng buộc túi xách ba lô, người chạy xe hay người ngồi sau đều mặc áo khoác giữa ngày nắng như đổ lửa, là để không bị trúng nắng, trúng gió. Mùa tháng chạp gió chướng trên xe còn có mấy giỏ bánh mứt, người vợ ngồi sau cầm bó vạn thọ gói bằng mấy tàu lá ló ra chùm bông vàng rực rỡ, đúng  là vợ chồng chở nhau về nhà ăn tết với ông bà. Lúc quay lên thành phố thế nào cũng có máng ở móc xe mấy đòn bánh tét nhưn đậu nhưn chuối.

 Dọc đường gặp quán cà phê nào ưng ý thì ghé vô, ngả lưng trên những chiếc võng treo tong ten. Bạn có thể nằm đó thật lâu, dù chỉ kêu một ly cà phê ngọt như chè hay một trái dừa xiêm thanh mát, đung đưa dưới ánh nắng xuyên qua tàu lá dừa trên cao, ngó dàn bông giấy đỏ trắng tím vàng rực lên ngoài cửa quán, nghe hết những CD nhạc “sến” mà cô chủ quán luôn lẩm nhẩm hát theo, những "nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau...", với "tình đẹp mùa chôm chôm" rồi sang "cây trứng cá" rồi lại đi đào ao thả cá gì đấy... lời ca giai điệu của chôm chôm với trứng cá với cây cầu dừa với rau đắng sau hè, rồi phút cuối với sầu tím thiệp hồng, ai khổ vì ai... các kiểu cây trái các kiểu dối lừa đau lòng hờn dỗi, các kiểu chim sáo mồ côi hay chim trắng cô đơn...  Sến là thế đấy nhưng cam đoan khi bạn rời quán tiếp tục lên đường, bạn sẽ thấy cuộc đời không cần gì hơn thế nữa!

Một lần ngồi trong quán ven đường như thế, ngó ra hồ sen bát ngát phía sau quán, nghe hương sen vấn vít, nôn nao theo lời ca  Lâu nay muốn qua thăm em nhưng ngại vì cầu tre lắc lẻo…  Ờ mà nhà quê giờ nhiều cầu tre lắt lẻo đã thay bằng cầu bê tông, vẫn cheo leo nhưng chắc chắn hơn. Đám cưới qua cầu, chú rể dắt tay cô dâu còn cô dâu tay nâng váy dài mà không còn phải cầm đôi giày đi chân không qua cầu khỉ. Bọn trẻ con không còn cơ hội hò reo khi ai đó lỡ trợt chân té xuống kinh rạch, các bà già trầu không phải chép miệng an ủi: đám cưới mà “gặp nước” như vầy là hên lắm nghen.

Nỗi nhớ quê chỉ giản đơn như  hương tóc mạ non  mà sao khi   Tháng ngày tuổi đời trôi theo níu chân nhau, bạc thêm mái đầu… với quê hương thì ta vẫn biết   “tình mình dù ngăn cách sông chớ đâu cách lòng, mỗi lần nhớ nhau sao nghẹn lời…”.

27.11.2014



Vụn vặt đời thường (63)

@ Ông Trần Văn Truyền hiền quá. Đáng lẽ ông cựu Tổng thanh tra nhà nước phải chỉ ngay

 ra những ông bà nào còn đương chức mà có nhiều tài sản như và hơn ông, mà hồi còn tại 

chức ông đã nắm được. Cái kiểu để người về về hưu mấy năm rồi mới đánh thì tử tế gì mà 

ông vẫn phải che chắn cho họ như thế 


@ Một lần mình được dự họp nghe bàn về "Đề án chính quyền đô thị ở TPHCM" (nghe 

thôi, mình không trong bất cứ ban bệ nào liên quan đến việc soạn thảo đề án này), khi

 được mời đóng góp ý kiến, mình nêu 2 câu hỏi:

- Chính quyền đô thị là đề phục vụ (hay nói như hiện nay, để lãnh đạo) cư dân đô thị. 

Nhưng cư dân đô thị TPHCM như thế nào thì trong đề án không nhắc đến mà chỉ tập trung 

vấn đề thay đổi tổ chức các cấp chính quyền và quy hoạch đô thị, (nôm na là bàn về ghế và

 đất  ) Không rõ mình sẽ lãnh đạo ai, họ như thế nào thì liệu lãnh đạo có hiệu quả?

- Trong mô hình chính quyền đô thị mới này, các ban Đảng và một số tổ chức như Hội 

thanh niên, phụ nữ, công đoàn... sẽ ở vị trí nào?

Hỏi là hỏi thế thôi 

Xem bài của Bác Viện sĩ Trần Ngọc Thêm trên VNEX, bác ấy cứ nói "văn hóa VN âm tính

 - tính cách văn hóa như tính cách phụ nữ". Mình thì lại thấy nhiều "tính cách VH người Việt 

(ko phải VN nha) giống như 1 người đờn ông mà tính khí lại rất mực đờn bà. Thật! 


@Dọc đường miền Tây (Nam bộ) có gì đặc biệt? Đó là những "quán võng" và nhạc bolero

. Về miền Tây mà chưa thưởng thức hai điều này thì coi như chưa đến miền Tây, phải 

hông :)

@ Sáng yên tĩnh, nghe nhạc bolero và viết một bài sến cực. Nhã quá cơ :)



 @Friends, Vietnam River Network needs your signatures for a petition to protest against the  

Dong  Sahong Hyropower project which will have negative impacts on the people and 

environmentof the Lower  Mekong Basin. Bạn bè ơi, Tổ chức Vietnam River Network đang Cần 

khoảng 2,000 chữ ký để phản đối  dự án đập thủy điện Dong Sahong, dự án thủy điện thứ hai 

chính phủ Lào xay dựng trên song Mê Kong sau dự án Xayaburi. Nhờ bạn bè ký (click vao link 

de ky nhe) và khuyến khích mọi người khác cùng ký  để phản đối dự án này, bảo vệ môi trường 

và cuộc sống của người dan tại khu vực đồng bằng song Cửu Long. 

Xin cám ơn.

http://vrn.org.vn/vi/h/d/2014/11/1041/Hay_hanh_dong_de_bao_ve_song_Me_Cong_va_sinh_ke_cua_nguoi_dan_o_dong_bang_song_Cuu_Long/index.html

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/cau-chuyen-cuoc-song/20141121/can-bang-giua-bao-ton-va-phat-trien/674889.html

Khi dân cư chưa có đầy đủ kiến thức và ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng.
Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ di sản văn hóa một cách cụ thể, đó cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục ý thức của người dân hoặc ngược lại, chính quyền với quyền lực của mình sẽ thực hiện những dự án “phát triển” nhưng đồng thời là phá hủy di sản văn hóa, xóa bỏ lịch sử hiện hữu bằng “vật chất”.
Ý chí và hành xử của chính quyền có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và ứng xử của người dân đối với di sản văn hóa!
Làm sao xây dựng những phương tiện giao thông hiện đại như metro, xe điện trên mặt đất, cầu vượt, xây dựng những nhà cao chọc trời không ảnh hưởng đến cảnh quan xưa đẹp, giá trị văn hóa đô thị?
Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí phá hủy cảnh quan xưa cũ và những giá trị văn hóa quý giá của đô thị nếu như việc xây dựng đó không tính toán và cân nhắc đến vùng, phạm vi, điểm cần bảo tồn trong vùng đô thị cổ. 
Di sản văn hóa cần được coi là một loại “vốn xã hội”, có giá trị văn hóa - tinh thần đồng thời cũng có giá trị kinh tế - vật chất. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một gia đình hay một ngành nghề.
Cần lưu ý là “lợi nhuận” từ việc khai thác giá trị di sản văn hóa không phải lúc nào và ở đâu cũng là “tiền tươi thóc thật” mà khai thác vừa phải, cũng như mọi nguồn tài nguyên khác.
Giữ gìn di sản văn hóa trước hết là vì cộng đồng dân cư, vì đấy là tài sản văn hóa của cộng đồng. Giữ gìn di sản trước hết vì “người sống” chứ không phải chỉ vì bản thân di sản, nếu di sản còn mà cộng đồng không hiểu biết giá trị của nó thì không thể bảo vệ di sản.
Việc cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là nhằm xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó. Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ đang sống.
Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu. 
Hiện nay tại TP.HCM, ngoài hệ thống các di tích và bảo tàng “tồn tại như không tồn tại” thì chưa có chiến lược nhằm làm cho người dân và thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, đúng hơn về di sản văn hóa thành phố cũng như cả nước.
Một vài chương trình truyền hình, chuyên mục trên một số tờ báo... chưa đủ sức mang lại sự yêu thích và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa. Các chương trình “xúc tiến quảng bá du lịch” cũng vẫn nặng về “khai thác” mà chưa làm tăng thêm giá trị cho di sản văn hóa.

XIN TẠ ƠN NGƯỜI…



Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng tôi chỉ chú ý đến ngày Lễ này từ khi tôi và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn độn, ảo mà cũng thật - giản đơn!
Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi, ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở về nhà, cả nhà  tập hợp ở ngôi nhà chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của tôi, dịp lễ Tạ ơn giống như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…

Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, tôi nghĩ, lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người. Biết ơn vũ trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên, biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức sống diệu kỳ  cho mỗi rừng cây mỗi bông hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững vàng  ở bên ta mỗi khi khốn khó. Biết ơn sự chia sẻ  niềm chung vui với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…

Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?

Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Tôi đọc ở đâu đó, rằng Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới đến. Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…

Chừng nào những Lễ hội được cộng đồng dân cư tiếp nối và duy trì như thế, Lễ hội đó thực sự là di sản văn hóa mà không cần đến một sự “vinh danh” giả dối nào đó từ bên ngoài.



VĂN HÓA ĐÔNG SƠN VÀ VĂN HÓA ĐỒNG NAI : TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT


(một phác thảo nghiên cứu tiền – sơ sử Nam bộ)
TS. Nguyễn Thị Hậu
Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN
1. Khái quát về văn hóa Đông Sơn
1.2 Niên đại và các giai đoạn phát triển
Sau 90 năm phát hiện và nghiên cứu, khung niên đại của văn hóa Đông Sơn được xác định kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ I-II sau Công nguyên, với 3 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn văn hóa Đông Sơn sớm (khoảng thế kỷ VII- VI trước Công nguyên), được phát triển trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun), tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng núi, trung du và đồng bằng cao của các châu thổ. Đây là giai đoạn thuộc phạm vi thời đại Đồng thau.
- Giai đoạn văn hóa Đông Sơn giữa (thế kỷ V- thế kỷ III trước Công nguyên) là giai đoạn phát triển trên phạm vi rộng, lan tỏa theo lưu vực các sông lớn xuống vùng đồng bằng thấp, ô trũng, đồng bằng ven biển. Giai đoạn này, nền kinh tế Đông Sơn phát triển, xuất hiện của trống đồng (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn); Đây là giai đoạn đã bước sang Sơ kỳ đồ sắt.
- Giai đoạn văn hóa Đông Sơn muộn (thế kỷ I-II trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên), là giai đoạn phát triển, tiếp xúc và giao lưu mạnh mẽ với các văn hóa bên ngoài mà chủ yếu là văn hóa Hán. Loại hình di tích (mộ táng) và nhiều di vật du nhập và mang phong cách văn hóa Hán khá phổ biến, đồng thời với những di vật thể hiện sự lưu giữ truyền thống Đông Sơn như “trống chậu”, nhiều loại công cụ vũ khí...
1. 2 Không gian phân bố
-  Đồng bằng phù sa mới, cao ráo, là vùng có địa hình chuyển tiếp giữa vùng trung du và đồng bằng, nằm giữa hệ thống các sông lớn và chi lưu sông Hồng, sông Mã và sông Cảcó 3 loại địa hình chính: đồi núi, đồng bằng, vùng bãi, núi sót. Các di tích có diện tích lớn, phân bố trên gò cao, mật độ di tích, di vật cao, phản ánh cư trú lâu dài, gắn với hình thành các trung tâm.
-   Đồng bằng phù sa mới thấp, là vùng đất mới hơn, chịu nhiều biến đổi của thiên nhiên trong thời tiền sử. Các di tích phân bố có mật độ lớn, những phát hiện về di tích càng tăng, mật độ dày đặc. Các di tích chủ yếu là mộ thân cây khoét rỗng (hay còn gọi là mộ thuyền) phân bố trong các vùng đất trũng, thấp (ở đáy ao, mương, ruộng) bám theo các dòng sông và các chi lưu.
          - Đồng bằng phù sa mới ven biển, là vùng đất duyên hải ven biển (Hải Phòng, Quảng Ninh). Với vị trí thuận tiện mở ra biển và sông ngòi dày đặc, bắt đầu xuất hiện dấu tích văn hóa Hán.
Các di tích văn hóa Đông Sơn phân bố trên nhiều dạng địa hình, với xu thế dịch chuyển dần từ vùng địa bàn đồi núi cao, miền trung du xuống vùng đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Các di tích giai đoạn Đông Sơn muộn tăng so với giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn. Hình thành các trung tâm lớn, có vị thế quan trọng với những đặc trưng riêng. 
1.3 Kinh tế và xã hội
   Nông nghiệp: Với sự phát triển của nghề luyện kim đúc đồng, cư dân Đông Sơn chế tác ra nhiều nông cụ sắc bén có tính chuyên môn hoá cao như cuốc, mai, thuổng, nhíp (dao hái). Đặc biệt tại di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) hàng trăm lưỡi cày đồng đã được phát hiện chứng tỏ người Đông Sơn sớm biết sử dụng sức kéo của trâu bò, vì vậy nông nghiệp trồng lúa thời kỳ này khá phát triển. Bên cạnh đó người Đông Sơn còn biết đến nhiều loại cây trồng khác.

Nghề đúc đồng: Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam, tồn tại vào khoảng thế kỉ 7 trước CN đến thế kỉ 1 - 2 sau CN. Đây là thời đại người Việt hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và kỹ thuật chế tác đồng thau vô cùng độc đáo và tinh xảo, mà trống đồng là một đỉnh cao.
 Bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn đa dạng về loại hình và phong phú về hoa văn trang trí, điển hình là các loại vũ khí như rìu, giáo, lao, mũi tên, hộ tâm phiến … Đặc biệt một số dao găm có cán hình chữ T, đốc củ hành, hình người phụ nữ mặc váy ngắn. Trên cán kiếm phát hiện tại Lạch Trường (Thanh Hoá) còn trang trí người phụ nữ trong trang phục váy dài. 

Nhóm đồ dùng sinh hoạt gồm thạp, thố, bình, âu chậu, vò… trong đó thạp, thố chiếm một số lượng lớn, được tạo dáng và trang trí hoa văn độc đáo tạo nên những sắc thái riêng. Trong một số thạp đồng có chứa đồ trang sức và vật dụng, có chiếc còn chứa đựng cả xương sọ, tro hay di cốt của người đã chết, chứng tỏ thạp là di vật đã được dùng làm đồ tuỳ táng như một quan tài.
Đồ trang sức của người Đông Sơn giai đoạn này rất đa dạng, được làm bằng các chất liệu khác nhau chủ yếu là chất liệu đồng tiêu biểu như các loại vòng đồng (vòng ống, vòng có họng khoá, vòng có tiết diện chữ T…), trâm cài đầu, khoá thắt lưng… Ngoài đồ trang sức bằng đồng thì đá quý cũng được sử dụng như đá ngọc, đá thạch anh, đá mã não và thủy tinh màu. Loại hình chủ yếu là vòng tay, hoa tai, chuỗi hạt đeo cổ…

 - Trống đồng và trống đồng minh khí: Trống đồng là di vật tiêu biểu nhất của cư dân Đông Sơn, việc chôn theo người chết những đồ dùng hay trống đồng minh khí là biểu hiện của sự thu nhỏ thế giới thực tại để người chết mang về thế giới bên kia tái tạo cuộc sống. Qua những sưu tập hiện vật này chúng ta có thể hiểu thêm về đời sống vật chất và tâm linh của cư dân Đông Sơn.

 - Táng thức của người Đông Sơn rất phong phú ngoài mộ huyệt đất, mộ trải đá, mộ vò còn có một loại hình mộ đặc trưng – mộ hình thuyền, điển hình là mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng). Gần đây phát hiện nhiều khu mộ thuyền lớn ở vùng đồng bằng trũng lưu vực sông Hồng.

2. Khái quát về văn hóa Đồng Nai
2.1 Niên đại và các giai đoạn phát triển
Từ khoảng 4000 năm cách ngày nay ở vùng miền Đông Nam bộ hình thành và phát triển một nền văn hóa khảo cổ: Văn hóa Đồng Nai, tồn tại đến khoảng đầu Công nguyên và trở thành một trong ba trung tâm văn minh kim khí của Việt Nam.
Văn hóa Đồng Nai bao gồm các giai đoạn nối tiếp nhau: Cầu Sắt – Bến Đò – Dốc Chùa – Phú Hòa (Giồng Phệt/ Giồng Cá Vồ - Giồng Lớn – Gò Ô Chùa); trong đó các giai đoạn Cầu Sắt – Bến Đò – Dốc Chùa thuộc giai đoạn Đồng thau, với kỹ nghệ chế tác công cụ đá thuần thục mài, cưa, khoan, đúc đồng khá phát triển; giai đoạn Phú Hòa thuộc sơ kỳ đồ sắt, địa hình phân bố rộng khắp từ vùng phù sa cổ đến vùng ngập mặn ven biển, nhiều loại hình mộ táng và các loại đồ tùy táng quý giá.
2.2 Không gian Phân bố:
Địa giới hành chánh Đông Nam bộ là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Đồng Nai, TP.Hồ Chí` Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Về địa hình đây là vùng đất cao trải dài từ cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thấp dần xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Vì vậy phạm vi phân bố của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử bao gồm lưu vực các con sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ đông-tây. Trên một địa bàn rộng lớn đó các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai tập trung trong 3 khu vực địa hình:

- Khu vực đồi đất đỏ bazan và cao nguyên đất xám phù sa cũ: Các di tích ở đây có diện phân bố rộng, tích tụ văn hóa dày, hiện vật vô cùng phong phú chủ yếu là đồ gốm và công cụ đá. Tiêu biểu là cụm di tích Xuân Lộc – Đồng Nai, di tích thành tròn ở Lộc Ninh – Bình Phước.

- Khu vực phù sa cổ hạ lưu sông Đồng Nai: nhiều di tích phân bố dày đặc như nơi cư trú, nơi chế tạo các loại công cụ và đồ dùng sinh hoạt, các khu mộ táng với nhiều táng thức khác nhau… Các di tích nổi tiếng ở đây là Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Bưng Sình (Bình Dương), Bình Đa, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me…(Đồng Nai), An Sơn, Rạch Núi, Lộc Giang…(Long An).

- Khu vực ven biển Đông Nam bộ: đây là vùng đất thấp trũng ngập mặn, chịu ảnh hưởng thường xuyên của chế độ bán nhật triều, phần lớn diện tích là rừng sác. Di tích cư trú và mộ táng rải rác trên các gò, giồng đất cao hoặc ven các bưng lầy, di vật ở đây rất đa dạng và độc đáo thể hiện những mối quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi. Độc đáo nhất là hệ thống di tích ở huyện Cần Giờ – TP.HCM trong đó có di tích mộ chum Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, các di tích vùng bưng lầy Bà Rịa-Vũng Tàu như Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Cái Lăng, Giồng Nổi, Gò Me, Giồng Lớn…

2.3. Kinh tế - xã hội
Những cuộc khai quật khảo cổ học từ sau năm 1975 đă đưa lên từ lòng đất hàng trăm ngàn di vật với nhiều chất liệu khác nhau. Đồ đá là di vật phổ biến nhất và có số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là loại công cụ, vũ khí tồn tại lâu dài đến cả giai đoạn về sau, do sự khan hiếm của quặng kim loại. Loại hình công cụ phổ biến là rìu, cuốc, dao hái, “Qua đá”, đục, mũi tên, … được chuyên môn hóa về chức năng. Đồ trang sức nhiều nhất là các loại vòng đeo tay, đeo tai. Đặc sắc nhất vẫn là những bộ đàn đá được tìm thấy trong địa tầng di tích khảo cổ học ở Đồng Nai, Bình Phước đã khẳng dịnh sự ra đời và tồn tại của loại nhạc cụ cổ truyền  này ở lưu vực Đồng Nai từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay.

Di vật kim lọai phổ biến gồm đồ đồng chế tạo bằng phương pháp đúc trong khuôn hai mang “liên hoàn”: Rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu, lao có ngạnh… Tại di tích Long Giao (Đồng Nai) còn tìm thấy một kho “qua đồng”- một loại vũ khí  cổ phổ biến cả trong văn hóa Đông Sơn. Gần đây còn tìm thấy một số trống đồng “kiểu Đông Sơn” được sử dụng làm nắp đậy những ngôi mộ chum bằng gỗ ở di tích Bưng Sình- Phú Chánh (Bình Dương). Đồ sắt không nhiều chủ yếu là vũ khí như giáo, lao… thường tìm thấy trong mộ táng.

Đồ gốm và nghề làm gốm rất phát triển, các loại đồ dùng trong sinh hoạt như nồi, bát đĩa chân cao, bình, bếp lò… có mặt trong tất cả các di tích khảo cổ. Ngoài ra còn có nhiều dụng cụ bằng gốm như bàn xoa, dọi se sợi, chì lưới… Ngoài các chất liệu chủ yếu trên trong văn hóa Đồng Nai còn tìm thấy những di vật bằng gỗ, xương, sừng hay mai rùa… làm công cụ và đồ trang sức.

Giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Nai xuất hiện những di tích mộ táng với táng thức chủ đạo là “mộ chum”: di cốt được chôn  nguyên vẹn hoặc than tro hỏa táng trong những chum, vò lớn bằng gốm hay bằng gỗ, cùng nhiều đồ tuỳ táng có giá trị như trang sức đá ngọc, mã não, thủy tinh, giáo sắt, đồ gốm minh khí… nổi bật là bộ sưu tập 32 “khuyên tai hai đầu thú” tại di tích Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ, số lượng nhiều nhất được tìm thấy trong các “văn hóa mộ chum” ở Việt nam và Đông Nam Á.

Phương thức kinh tế chính của cư dân cổ Đồng Nai  là nông nghiệp ruộng khô (nương rẫy dùng cuốc) kết hợp với khai thác tự nhiên như đánh bắt cá, hái lượm… đồng thời phát triển các nghề thủ công. Tuy nhiên, tại vùng cửa sông Đồng Nai đã xuất hiện những dấu tích của một nhóm cư dân đặc biệt sinh sống bằng nghề trao đổi buôn bán, đó là chủ nhân các di tích mộ chum ở Cần Giờ-TP.HCM. Trong khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay Cần Giờ đã từng là một “cảng thị sơ khai” phát triển thương mại qua đường sông, đường biển với nhiều nơi như với khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, các đảo ở Philippine, Indonesia, đặc biệt quan hệ kinh tế-kỹ thuật với Ấn Độ đã thể hiện rõ nét từ rất sớm.

Trong thời đại kim khí lưu vực Đồng Nai là một trung tâm nông nghiệp sầm uất, nơi quy tụ lượng tài vật khá lớn của cả phần nam bán đảo Đông dương. Hàng chục di tích khảo cổ học phân bố dày đặc dọc đôi bờ Đồng Nai, trên cả những cù lao và kéo dài đến vùng ven biển. Dấu tích cư trú lâu dài, ổn định và phong phú của con người thể hiện trên số lượng di vật rất lớn, nhiều loại hình và phản ánh được các đặc trưng văn hoá, đặc trưng kỹ thuật của các cộng đồng người ở đây. Những xưởng thủ công lớn sản xuất nhiều loại vật dụng cho cuộc sống của con người như đồ gốm, công cụ đá, khuôn đúc và công cụ kim loại, đồ trang sức bằng đá mà số lượng sản phẩm đã vượt qua mức độ tự cung tự cấp. Miệt Vàm Cỏ cư dân cổ cũng tạo lập cuộc sống định cư trên những “núi đất” giữa vùng lầy trũng, tại đó  phong phú công cụ sản xuất bằng đá, đồ dùng bằng gốm, đặc biệt nhiều loại công cụ xương thú và vỏ nhuyễn thể. Dù mối quan hệ giao lưu giữa Vàm Cỏ và Đồng Nai phát triển trên quy mô lớn và đã rất thường xuyên, nhưng cư dân Vàm Cỏ vẫn có lối sống và sản phẩm văn hoá mang bản sắc riêng. Văn hóa Đồng Nai phát triển trong thiên niên kỷ I-II trước Công Nguyên đã được nhìn nhận như bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt. Truyền thống văn hóa Đồng Nai cùng với một số yếu tố văn hóa “ngoại sinh” do cư dân cổ Đồng Nai tiếp thu đã trở thành những yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử kế tiếp– thế kỷ I-VII sau Công nguyên.
3. Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai - Những tương đồng và khác biệt
3.1 Địa hình phân bố. Xuất phát của hai nền văn hóa này đều từ vùng trung du – đồi phù sa cổ của sông Hồng / sông Đồng Nai. Giai đoạn phát triển cuối – sơ kỳ sắt – thì hệ thống di tích đã lan rộng đến tận ven biển. Nếu văn hóa Đông Sơn lấy sông Hồng làm tuyến phát triển chính, bên cạnh đó còn có lưu vực sông Mã, sông Cả thì văn hóa Đồng Nai cũng lấy lưu vực sông Đồng Nai làm tuyến chính, cùng với đó là lưu vực sông Bé và sông Vàm Cỏ.
- Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều có thể phân chia thành những “loại hình” theo địa lý: Đông Sơn núi/ đồng bằng/ven biển; Đồng Nai bazan/phù sa cổ/ngập mặn.
- Văn hóa Đông Sơn phát triển phong phú nhất ở đồng bằng sông Hồng nhưng văn hóa Đồng Nai phong phú nhất lại là vùng ven biển vì sông Đồng Nai chưa kịp tạo lập được một vùng đồng bằng như sông Hồng.
3.2 Quan hệ giao lưu. Văn hóa Đông Sơn chịu sự ảnh hưởng và giao lưu phần nhiều theo dòng chảy của sông Hồng từ phía Bắc xuống; trong khi đó ảnh hưởng và giao lưu ở văn hóa Đồng Nai chủ yếu lại từ biển Đông Nam vào. Đến giai đoạn sơ kỳ sắt yếu tố văn hóa lục địa khá nổi trội trong văn hóa Đông Sơn (thể hiện qua những bộ sưu tập công cụ - vũ khí đồng/ sắt) còn trong văn hóa Đồng Nai yếu tố văn hóa biển khá rõ ràng (nhất là qua đồ trang sức và đồ gốm của nhóm di tích Giồng Phệt/ Giồng Cá Vồ/ Giồng Lớn/ Gò Ô Chùa).
- Với văn hóa Sa Huỳnh – trung tâm kim khí ven biển miền Trung: Văn hóa Đông Sơn có mối liên hệ/ quan hệ khá nhạt với văn hóa Sa Huỳnh, thấp thoáng vài ngôi mộ vò trẻ em, một vài đồ trang sức thủy tinh, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu. Mối quan hệ này tìm thấy chủ yếu ở khu vực giáp ranh (Bắc Trung bộ); Văn hóa Đồng Nai quan hệ chặt chẽ và nhiều chiều với văn hóa Sa Huỳnh: Đồ gốm, trang sức, táng thức mộ chum; khu vực giáp ranh Nam Trung bộ cũng thể hiện đậm nét (Khánh Hòa). Tuy nhiên, không khó để nhận ra mối quan hệ này thể hiện một sự “đồng quy văn hóa” – văn hóa Biển thể hiện qua hệ thống các di tích ven biển Đông nam Á mà W.Solheim đã chỉ ra.
- Táng thức mộ chum/vò (Sa Huỳnh. Đồng Nai) hay táng thức mộ thuyền (Đông Sơn) tuy khác nhau về hình thức nhưng cùng phản ánh một tín ngưỡng về cái chết. Trong các mộ chum ở Cần Giờ có chôn theo “cà ràng” – loại bếp gốm độc đáo dùng trên ghe, thuyền; nắp đậy mộ vò ở hang Manungui đảo Palanwan ở Philippine có núm cầm hình thuyền với 2 người đang chèo, mộ quan tài hình thuyền trong Văn hóa Đông Sơn… đều thể hiện ý nghĩa: quan tài hình thuyền hay mộ chum/vò đều là “phương tiện” chuyên chở người chết qua thế giới bên kia. Trong ý nghĩa này văn hóa Đông Sơn và Đồng Nai gần nhau hơn vì cùng là tục “hung táng”, còn văn hóa Sa Huỳnh là mộ “tượng trưng”.
3.3 Kỹ thuật:  ở Đông Sơn và Đồng Nai kỹ thuật đúc đồng phát triển đến đỉnh cao: nhiều di tích là công xưởng, phổ biến khuôn đúc hai mang, khuôn đúc liên hoàn… Đặc biệt trống đồng “kiểu” Đông Sơn hiện nay đã phát hiện ở trong văn hóa Đồng Nai. Trống đồng ở đây được sử dụng trong táng thức “mộ chum gỗ” ở Bưng sình Phú Chánh – một hình thức giống mộ chum gốm nhưng phân bố ở Bình Dương - vùng phù sa cổ giống như khu vực trung du của văn hóa Đông Sơn.
- Trong các loại vũ khí thì cả Đông Sơn và Đồng Nai đều có “qua đồng” – một loại hiện vật được coi là có nguồn gốc từ phía Bắc.Tuy nhiên nhìn chung thì “qua” Đông Sơn có kích thước ngắn còn “qua” Đồng Nai khá dài.
- Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều không có nhiều đồ sắt, khác với văn hóa Sa Huỳnh đồ sắt khá phổ biến.Tuy nhiên, sự vắng mặt của  đồ sắt trong Đông Sơn và Đồng Nai có nguyên nhân khác nhau có thể xuất phát từ nguồn nguyên liệu.
3.4 Truyền thống: Nền văn minh sông Hồng được định danh là “văn minh lúa nước”, trở thành truyền thống “bốn ngàn năm”. Văn minh sông Đồng Nai phát triển trên cơ sở kinh tế nông nghiệp nương rẫy và giao lưu “kinh tế biển”; sau này văn minh Phù Nam cũng được xây dựng trên nền tảng nông nghiệp trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cùng với sự phát đạt của cảng thị Óc Eo.
Văn hóa Đông Sơn trở thành cốt lõi của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc và được “tái hiện” trong văn minh Đại Việt sau một ngàn năm “Bắc thuộc”. Văn hóa Đồng Nai là cội nguồn bản địa của văn hóa Óc Eo. Khi vương quốc Phù Nam sụp đổ “truyền thống” Óc Eo còn kéo dài thêm nhiều thế kỷ, không thể không có vai trò cội rễ của văn hóa Đồng Nai.

KẾT LUẬN
1.    Những tương đồng và khác biệt của văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai - hai nền văn hóa – hai trung tâm văn minh lớn chứng minh cho sự đa dạng của văn hóa tiền – sơ sử Việt Nam. Sự tương đồng hay khác biệt đều xuất phát từ “thế ứng xử” với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội – trong đó có những mối quan hệ gia lưu nhiều chiều của chủ nhân hai nền văn hóa này. Nhìn nhận sự đa dạng của văn hóa (và văn hóa khảo cổ nói riêng) sẽ góp phần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, bởi vì, con người là chủ thể của văn hóa mà lịch sử là phần quan trọng nhất của văn hóa.
Khái niệm “Đông Sơn Nam” – sử dụng để chỉ những “hiện tượng Đông Sơn” từ Tây Nguyên trở vào Nam bộ, đặc biệt là trống đồng, cần được hiểu như một hiện tượng giao lưu kỹ thuật – văn hóa, trong đó có thể “xuất/ nhập khẩu” sản phẩm và phổ biến là tiếp thu, tiếp nhận kỹ thuật chế tạo, mỹ thuật trang trí để làm ra những sản phẩm tại chỗ. Không loại trừ hiện tượng “đồng quy văn hóa” bởi ĐNA thời cổ là một khu vực “thống nhất trong đa dạng”.
2.    Sự có mặt của những “yếu tố Đông Sơn” trong văn hóa Đồng Nai có thể từ hai con đường: 1/ Theo con đường lục địa từ Bắc Trung bộ qua Trường Sơn vào đến Nam Tây Nguyên và theo sông Đồng Nai xuống miền hạ lưu Đồng Nai (cần lưu ý sông Đồng Nai hoàn toàn chảy trong lãnh thổ Việt Nam ngày nay và là con đường giao thông/thương quan trọng nhất của Đông Nam bộ thời tiền – sơ sử. Sự có mặt của nhiều trống đồng kiểu Đông Sơn tại Tây Nguyên và Nam trung bộ có thể được coi là bằng chứng của con đường giao lưu này. Và 2/ Theo đường biển với những nhóm cư dân – do sức ép di dân từ vùng Hoa Nam xuống đồng bằng sông Hồng, từ đó tiếp tục di cư ra phía biển (mà tộc người Tojarai ở Indonesia là một ví dụ). Tuy nhiên sự giao lưu đường biển giữa Đông Sơn và Đồng Nai còn cần phải được tìm ra bằng chứng cụ thể dù trên thực tế cư dân của hai văn hóa này đã có những quan hệ giao lưu xa hơn bằng đường biển.
3.    Yếu tố “biển” trong văn hóa Đồng Nai khá phổ biến trong hệ thống các di tích thời hậu kỳ kim khí và tái hiện trong văn hóa Óc Eo. Trong văn hóa Đông Sơn yếu tố biến không phải là chủ đạo tuy có loại hình Đông Sơn ven biển. Tuy nhiên “nguồn gốc biển” lại hiện diện trong nhiều “truyền thuyết” ở khu vực đồng bằng và trung du sông Hồng – mà điển hình là truyền thuyết về Âu Cơ và Lạc Long Quân. Điều này gợi ý về một hướng tiếp cận để “định vị” các truyền thuyết không chỉ từ nghiên cứu “văn bản học” mà còn từ việc tìm kiếm những yếu tố của truyền thuyết đó trong các văn hóa khảo cổ. Điều này không phải là dùng hiện vật khảo cổ để minh chứng cho một “truyền thuyết” mà ngược lại, nhằm tìm hiểu lý do hay nguyên cớ sự hình thành và tồn tại của những truyền thuyết, huyền thoại trong buổi đầu hình thành các cộng đồng tộc người.
4.    Để bảo vệ sức mạnh và truyền thống của văn hóa dân tộc/quốc gia cần thiết phải “giữ gìn và phát huy bản sắc” đồng thời phát huy được tính đa dạng vốn có của các cộng đồng người, các vùng miền ngay từ thời kỳ tiền – sơ sử “dựng nước”. Đó là những chủ thể sáng tạo ra văn hóa dù cộng đồng là tộc người đa số hay thiểu số, nhờ vậy cho đến nay xã hội Việt Nam vẫn bảo tồn được nhiều giá trị, truyền thống, tập quán văn hóa bản địa, những yếu tố nền tảng định hình nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hà Văn Tấn. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Hà Nội, nhà xuất bản KHXH, 1994
- Hà Văn Tấn (chủ biên). Khảo cổ học Việt Nam, nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, Tập 1, 2, 3, 1998, 2001, 2002.
- Nguyễn Thị Hậu – Lê Thanh Hải. Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt nam. Từ thực nghiệm đến lý thuyết. Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2010.
Nguyễn Thị Hậu. Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ TPHCM. Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM. 2012.
- Phạm Minh Huyền. Văn hóa Đông Sơn – Tính thống nhất và đa dạng. Hà Nội, nhà xuất bản KHXH, 1996
 - Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.  TP.HCM: Khảo cổ học tiền sử và sơ sử thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Trẻ, 1998.
- Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh. Hà Nội, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 1991.
- Tạ Đức: Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc – biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. Hà Nội, Hội Dân tộc học Việt Nam, 1999.
- Trần Quốc Vượng (chủ biên). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hà Nội, nhà xuất bản Giáo dục, 2000.
-  R. Fox: The Tabon Caves. Monography of National Museum, Manila, 1970.
- P. Bellwood: Prehistoric of theIndo – Malaysia Archipelago. Adademic Press, New york, 1985.





Vụn vặt đời thường (62)





Mẹ và con gái :)








Hà Nội, cúc họa mi và hai em họa mi tài giỏi :)



Và công việc vẫn như hồi chưa hưu :)

Vụn vặt đời thường (61)

@ Đối thoại Lục Thủy
Một đôi khoảng U60 đến ngồi bàn bên cạnh.
- Anh uống gi đi
- Ko ANH chả uống gì
-Ko anh uống gì đi chứ? A có Kem đấy ANH ăn kem nhé?
- Ko, tiểu đường ko ăn kem!
- Anh uống cà phê nhé.
- Giờ này uống cà phê ngang bụng. Em uống gì thì gọi đi
- em uống chè, ko phải nỉp tông mà Chè mạn. Bao tiền một ấm hả cháu?
- chúng cháu bán cốc chứ không có ấm ạ.
- ừ thế cho cô 2 cốc, anh uống chè nhé?
- ừ nói chuyện thì uống chè mới đúng...
Lúc ấy một đoàn xích lô lọng đỏ vàng đi qua.
Anh: - hí hí, chân ông kia đầy gân kìa, đạp thế thì khỏe phải biết. hí hí
Chị: - uh, hí hí

Chiều Lục Thủy vui hẳn :D

@ VTV 24 nên đi tìm giấy tờ cuả những ông bà khai giảm tuổi để tại chức lên chức "tiếp tục cống hiến" (cho cấp trên), nhá!






TRUYỀN VÀ THÔNG


Nguyễn Thị Hậu

 Xét từ góc độ lịch sử, trong bất cứ thời đại nào cũng có 4 yếu tố cần và đủ để con người tạo nên sản phẩm vật chất, đó là: chất liệu, kỹ thuật, năng lượng và thông tin. Thông tin giữa vai trò liên kết và xuyên suốt 3 yếu tố kia, vì vậy thông tin luôn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội. Nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội là quyền được thông tin và biết thông tin, Truyền thông không chỉ là “thông tin”, mà còn là sự giao lưu, giao tiếp, còn là sự bày tỏ, thể hiện con người cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng và xã hội.

 Các kiểu truyền thông trong lịch sử: bằng bản thân con người có âm hiệu – ngôn ngữ; chỉ hiệu – hành động, hành vi; Có thêm công cụ phương tiện: bộ gõ, bộ hơi thay thế cho âm hiệu, các dấu hiệu, ký hiệu, hình vẽ rồi chữ viết ra đời, rồi hệ thống các biểu tượng, biểu trưng văn hóa… Phương tiện truyền thông và phương thức truyền thông thể hiện tốc độ phát triển của xã hội, ngày càng phong phú và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhanh chóng, chính xác của xã hội lòai người.

Xã hội Việt Nam cổ truyền có 2 kiểu thông tin: Một là kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”, phần lớn thông tin này là kinh nghiệm dân gian về thời tiết, về kỹ thuật lao động sản xuất, kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng… Lọai này được tích lũy dần theo thời gian, có sự trải nghiệm thực tế và “chuyển giao trực tiếp” từ thế hệ này sang thế hệ khác nên thông tin lọai này có giá trị lâu bền.

Kiểu thứ hai là thông tin “chính thống” liên quan đến việc quản lý nhà nước từ phía chính quyền. Lọai này được thông tin theo kiểu “mõ làng”. Đó là cơ chế chỉ có 1 lọai thông tin từ trên xuống, 1 chiều thông tin về nội dung, người tiếp nhận thông tin “bị động” vì chỉ có nghe chứ không có/ không được phản hồi, không được đối thọai để hiểu và chủ động tiếp nhận thông tin. Cách thông tin này không tạo điều kiện cho người ta giao tiếp, giao lưu để hiểu đúng, hiểu rõ thông tin mình đang tiếp nhận, càng không khuyến khích người ta bộc lộ chính kiến, ý kiến, quan điểm đối với những thông tin ấy.
Dễ hiểu, thông tin như vậy nên xã hội cổ truyền VN chậm thay đổi, chậm phát triển, ngay từ nền tảng quan trọng nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, ngàn đời vẫn là “con trâu đi trước cái cày theo sau” (và con người theo sau rốt!), và trên đó là cấu trúc nhà nước phong kiến theo khuôn mẫu có sẵn.
Cả hai lọai thông tin cổ truyền có cùng một phương thức chủ yếu: truyền miệng. Cơ chế thông tin truyền miệng có đặc điểm: trực tiếp mặt đối mặt, nói và nghe trực tiếp (câu thành ngữ “trăm nghe không bằng một thấy” cũng có hàm nghĩa này), dẫn đến việc tin người nói, chú ý đến người truyền đạt thông tin hơn là chính nội dung thông tin! Điều này có hai mặt: tiếp nhận thông tin ít khi suy xét, nhưng cũng có khi không coi trọng thông tin, nhất là khi không còn tin vào người truyền đạt thông tin, hệ quả của nó là xuất hiện thông tin không “chính thống”, đó là dư luận. Trong lịch sử VN đã có trường hợp dư luận được tận dụng tạo nên “sấm truyền”, đồng dao của trẻ nhỏ, những chuyện đồn thổi… dẫn đến một sự kiện lịch sử làm thay đổi xã hội.

Vì sao cơ chế thông tin truyền miệng, dư luận tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam cổ truyền? Không thể không nói đến nguyên nhân là do chữ viết – phương tiện thông tin chủ yếu - không phổ biến do trước đây phần lớn dân chúng mù chữ hoặc ít chữ. Điều này làm cho dân chúng hầu như không quan tâm đến thông tin “đọc” mà thường chú ý đến thông tin “nghe”, vì thông tin “nghe” được diễn giải, diễn dịch dễ hiểu hơn (chưa nói đến mức độ chính xác) cùng với vai trò của “người truyền đạt” nên càng làm cho cách thông tin này được duy trì lâu dài. Nếu chú ý đến đặc điểm này những phương tiện truyền thông nghe nhìn sẽ phát huy tối đa hiệu quả thông tin (ngày nay chính là những tờ báo đã tạo dựng được uy tín trong đông đảo độc giả).

Hiện nay sự thay đổi trong ứng xử truyền thông khi chuyển từ truyền miệng sang thông tin đại chúng có liên quan chặt chẽ với những thay đổi khác về ứng xử trong xã hội. Trong xã hội hiện đại "một hệ thống truyền thông chính là một dấu chỉ đồng thời là một tác nhân của sự thay đổi trong toàn bộ một hệ thống xã hội". Nói khác đi, truyền thông đại chúng đã trở thành một trong những động lực của sự phát triển bởi nó thúc đẩy và nó cũng là biểu hiện của quá trình dân chủ trong xã hội. Những phương thức, phương tiện truyền thông mới  mang lại cho con người thông tin đa dạng, nhiều chiều, phong phú… tạo điều kiện cho con người bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân, thể hiện quyền và trách nhiệm của mình với xã hội khi bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình. Qua trao đổi, tranh luận con người cũng nâng cao hiểu biết và tri thức cho bản thân.

Truyền thông có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay đài phát thanh…. Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin nhanh chóng, chính xác và khách quan ra xã hội. Trong xã hội cần có nhiều phương tiện thông tin chia sẻ quyền lực này, tức là chia sẻ nguồn thông tin mang đến cho xã hội. Có như vậy truyền thông mới thực sự phát huy tốt vai trò của mình.


TBKTSG 13/11/2014

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...