Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng tôi chỉ chú ý đến
ngày Lễ này từ khi tôi và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn
độn, ảo mà cũng thật - giản đơn!
Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn
nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi,
ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở
về nhà, cả nhà tập hợp ở ngôi nhà
chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm
cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của tôi, dịp lễ Tạ ơn giống
như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng
quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện
lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn
áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…
Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì
mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai
thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn
tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập
quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống
nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, tôi nghĩ,
lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người. Biết ơn vũ
trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn
ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên,
biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn
Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức
sống diệu kỳ cho mỗi rừng cây mỗi bông
hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết
ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững
vàng ở bên ta mỗi khi khốn khó.
Biết ơn sự chia sẻ niềm chung vui
với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo
từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…
Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra
bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm
hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm
xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại
dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo
lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?
Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể
nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân
thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất
cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Tôi đọc ở đâu đó, rằng
Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của
các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu
phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người
nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên
cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ
Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng
những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới
đến. Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc
nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…
Chừng nào những Lễ hội được cộng đồng dân cư
tiếp nối và duy trì như thế, Lễ hội đó thực sự là di sản văn hóa
mà không cần đến một sự “vinh danh” giả dối nào đó từ bên ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét