(một phác thảo nghiên cứu tiền – sơ sử Nam bộ)
TS. Nguyễn Thị Hậu
Phó Tổng Thư ký
Hội Khoa học Lịch sử VN
1. Khái quát về văn hóa Đông Sơn
1.2
Niên đại và các giai đoạn phát triển
Sau 90 năm phát hiện và nghiên cứu, khung niên
đại của văn hóa Đông Sơn được xác định kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ VII trước
Công nguyên đến khoảng thế kỷ I-II sau Công nguyên, với 3 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn văn hóa
Đông Sơn sớm (khoảng thế kỷ VII- VI trước Công nguyên), được phát
triển trực tiếp từ các văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun),
tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng núi, trung du và đồng bằng cao của các châu
thổ. Đây là giai đoạn thuộc phạm vi thời đại Đồng thau.
- Giai đoạn văn hóa
Đông Sơn giữa (thế kỷ V- thế kỷ III trước Công nguyên) là giai đoạn
phát triển trên phạm vi rộng, lan tỏa theo lưu vực các sông lớn xuống vùng đồng
bằng thấp, ô trũng, đồng bằng ven biển. Giai đoạn này, nền kinh tế Đông Sơn
phát triển, xuất hiện của trống đồng (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn); Đây là giai
đoạn đã bước sang Sơ kỳ đồ sắt.
- Giai đoạn văn hóa
Đông Sơn muộn (thế kỷ I-II trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên),
là giai đoạn phát triển, tiếp xúc và giao lưu mạnh mẽ với các văn hóa bên ngoài
mà chủ yếu là văn hóa Hán. Loại hình di tích (mộ táng) và nhiều di vật du nhập và
mang phong cách văn hóa Hán khá phổ biến, đồng thời với những di vật thể hiện
sự lưu giữ truyền thống Đông Sơn như “trống chậu”, nhiều loại công cụ vũ khí...
1. 2 Không gian phân bố
- Đồng bằng
phù sa mới, cao ráo, là vùng có địa hình chuyển tiếp giữa vùng trung du và đồng
bằng, nằm giữa hệ thống các sông lớn và chi lưu sông Hồng, sông Mã và sông Cả, có 3 loại địa hình chính: đồi núi, đồng bằng, vùng bãi, núi sót. Các di tích có diện tích lớn, phân bố
trên gò cao, mật độ di tích, di vật cao, phản ánh cư trú lâu dài, gắn với hình
thành các trung tâm.
- Đồng
bằng phù sa mới thấp, là vùng đất mới hơn, chịu nhiều biến đổi của thiên nhiên
trong thời tiền sử. Các di tích phân bố có mật độ lớn, những phát hiện về di
tích càng tăng, mật độ dày đặc. Các di tích chủ yếu là mộ thân cây khoét rỗng
(hay còn gọi là mộ thuyền) phân bố trong các vùng đất trũng, thấp (ở đáy ao,
mương, ruộng) bám theo các dòng sông và các chi lưu.
- Đồng bằng phù sa mới ven biển, là vùng đất duyên hải ven biển (Hải Phòng,
Quảng Ninh). Với vị trí thuận tiện mở ra biển và sông ngòi dày đặc, bắt đầu
xuất hiện dấu tích văn hóa Hán.
Các di tích văn hóa Đông
Sơn phân bố trên nhiều dạng địa hình, với xu thế dịch chuyển dần từ vùng địa
bàn đồi núi cao, miền trung du xuống vùng đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven
biển. Các di tích giai đoạn Đông Sơn muộn tăng so với giai đoạn tiền Đông Sơn
và Đông Sơn. Hình thành các trung tâm lớn, có vị thế quan trọng với những đặc
trưng riêng.
1.3
Kinh tế và xã hội
Nông nghiệp: Với sự phát triển của nghề luyện kim đúc
đồng, cư dân Đông Sơn chế tác ra nhiều nông cụ sắc bén có tính chuyên môn hoá
cao như cuốc, mai, thuổng, nhíp (dao hái). Đặc biệt tại di tích Cổ Loa (Đông
Anh, Hà Nội) hàng trăm lưỡi cày đồng đã được phát hiện chứng tỏ người Đông Sơn
sớm biết sử dụng sức kéo của trâu bò, vì vậy nông nghiệp trồng lúa thời kỳ
này khá phát triển. Bên cạnh đó người Đông Sơn
còn biết đến nhiều loại cây trồng khác.
Nghề đúc đồng: Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam, tồn tại vào khoảng thế kỉ 7 trước CN đến thế kỉ 1 - 2 sau CN. Đây là thời đại người Việt hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và kỹ thuật chế tác đồng thau vô cùng độc đáo và tinh xảo, mà trống đồng là một đỉnh cao.
Bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn đa dạng về loại hình và phong phú về hoa văn trang trí, điển hình là các loại vũ khí như rìu, giáo, lao, mũi tên, hộ tâm phiến … Đặc biệt một số dao găm có cán hình chữ T, đốc củ hành, hình người phụ nữ mặc váy ngắn. Trên cán kiếm phát hiện tại Lạch Trường (Thanh Hoá) còn trang trí người phụ nữ trong trang phục váy dài.
Nhóm đồ dùng sinh hoạt gồm thạp, thố, bình, âu chậu, vò… trong đó thạp, thố chiếm một số lượng lớn, được tạo dáng và trang trí hoa văn độc đáo tạo nên những sắc thái riêng. Trong một số thạp đồng có chứa đồ trang sức và vật dụng, có chiếc còn chứa đựng cả xương sọ, tro hay di cốt của người đã chết, chứng tỏ thạp là di vật đã được dùng làm đồ tuỳ táng như một quan tài.
Nghề đúc đồng: Văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam, tồn tại vào khoảng thế kỉ 7 trước CN đến thế kỉ 1 - 2 sau CN. Đây là thời đại người Việt hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và kỹ thuật chế tác đồng thau vô cùng độc đáo và tinh xảo, mà trống đồng là một đỉnh cao.
Bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn đa dạng về loại hình và phong phú về hoa văn trang trí, điển hình là các loại vũ khí như rìu, giáo, lao, mũi tên, hộ tâm phiến … Đặc biệt một số dao găm có cán hình chữ T, đốc củ hành, hình người phụ nữ mặc váy ngắn. Trên cán kiếm phát hiện tại Lạch Trường (Thanh Hoá) còn trang trí người phụ nữ trong trang phục váy dài.
Nhóm đồ dùng sinh hoạt gồm thạp, thố, bình, âu chậu, vò… trong đó thạp, thố chiếm một số lượng lớn, được tạo dáng và trang trí hoa văn độc đáo tạo nên những sắc thái riêng. Trong một số thạp đồng có chứa đồ trang sức và vật dụng, có chiếc còn chứa đựng cả xương sọ, tro hay di cốt của người đã chết, chứng tỏ thạp là di vật đã được dùng làm đồ tuỳ táng như một quan tài.
|
2.
Khái quát về văn hóa Đồng Nai
2.1 Niên đại và các giai đoạn phát triển
Từ khoảng 4000 năm cách ngày nay ở vùng
miền Đông Nam bộ hình thành và phát triển một nền văn hóa khảo cổ: Văn hóa Đồng
Nai, tồn tại đến khoảng đầu Công nguyên và trở thành một trong ba trung tâm văn
minh kim khí của Việt Nam.
Văn hóa Đồng Nai bao gồm các giai đoạn nối
tiếp nhau: Cầu Sắt – Bến Đò – Dốc Chùa – Phú Hòa (Giồng Phệt/ Giồng Cá Vồ - Giồng
Lớn – Gò Ô Chùa); trong đó các giai đoạn Cầu Sắt – Bến Đò – Dốc Chùa thuộc giai
đoạn Đồng thau, với kỹ nghệ chế tác công cụ đá thuần thục mài, cưa, khoan, đúc
đồng khá phát triển; giai đoạn Phú Hòa thuộc sơ kỳ đồ sắt, địa hình phân bố rộng
khắp từ vùng phù sa cổ đến vùng ngập mặn ven biển, nhiều loại hình mộ táng và
các loại đồ tùy táng quý giá.
2.2
Không gian Phân
bố:
Địa giới hành chánh Đông
Nam bộ là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Đồng Nai, TP.Hồ Chí` Minh,
Bà Rịa- Vũng Tàu. Về địa hình đây là vùng đất cao trải dài từ cao nguyên Bảo
Lộc-Di Linh thấp dần xuống đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Vì vậy phạm vi
phân bố của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử bao gồm lưu vực các con sông Đồng
Nai, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ đông-tây. Trên một địa bàn rộng lớn
đó các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai tập trung trong 3 khu vực địa hình:
- Khu vực đồi đất đỏ bazan
và cao nguyên đất xám phù sa cũ: Các di tích ở đây có diện phân bố rộng, tích
tụ văn hóa dày, hiện vật vô cùng phong phú chủ yếu là đồ gốm và công cụ đá.
Tiêu biểu là cụm di tích Xuân Lộc – Đồng Nai, di tích thành tròn ở Lộc Ninh –
Bình Phước.
- Khu vực phù sa cổ hạ
lưu sông Đồng Nai: nhiều di tích phân bố dày đặc như nơi cư trú, nơi chế tạo
các loại công cụ và đồ dùng sinh hoạt, các khu mộ táng với nhiều táng thức khác
nhau… Các di tích nổi tiếng ở đây là Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Bưng Sình (Bình
Dương), Bình Đa, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Gò Me…(Đồng Nai), An Sơn, Rạch
Núi, Lộc Giang…(Long An).
- Khu vực ven biển
Đông Nam bộ: đây là vùng đất thấp trũng ngập mặn, chịu ảnh hưởng
thường xuyên của chế độ bán nhật triều, phần lớn diện tích là rừng sác. Di tích
cư trú và mộ táng rải rác trên các gò, giồng đất cao hoặc ven các bưng lầy, di
vật ở đây rất đa dạng và độc đáo thể hiện những mối quan hệ giao lưu văn hóa
rộng rãi. Độc đáo nhất là hệ thống di tích ở huyện Cần Giờ – TP.HCM trong đó có
di tích mộ chum Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, các di tích vùng bưng lầy Bà Rịa-Vũng
Tàu như Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Cái Lăng, Giồng Nổi, Gò Me, Giồng Lớn…
2.3.
Kinh tế - xã hội
Những cuộc khai quật khảo cổ học từ sau năm 1975 đă đưa lên từ
lòng đất hàng trăm ngàn di vật với nhiều chất liệu khác nhau. Đồ đá là di vật
phổ biến nhất và có số lượng lớn nhất, đồng thời cũng là loại công cụ, vũ khí
tồn tại lâu dài đến cả giai đoạn về sau, do sự khan hiếm của quặng kim loại.
Loại hình công cụ phổ biến là rìu, cuốc, dao hái, “Qua đá”, đục, mũi tên, …
được chuyên môn hóa về chức năng. Đồ trang sức nhiều nhất là các loại vòng đeo
tay, đeo tai. Đặc sắc nhất vẫn là những bộ đàn đá được tìm thấy trong địa tầng
di tích khảo cổ học ở Đồng Nai, Bình Phước đã khẳng dịnh sự ra đời và tồn tại
của loại nhạc cụ cổ truyền này ở lưu vực Đồng Nai từ 3000 – 2000 năm
cách ngày nay.
Di vật kim lọai phổ biến gồm đồ đồng chế tạo bằng phương pháp đúc
trong khuôn hai mang “liên hoàn”: Rìu, giáo, lao, mũi tên, lục lạc, lưỡi câu,
lao có ngạnh… Tại di tích Long Giao (Đồng Nai) còn tìm thấy một kho “qua đồng”-
một loại vũ khí cổ phổ biến cả trong văn hóa Đông Sơn. Gần đây còn
tìm thấy một số trống đồng “kiểu Đông Sơn” được sử dụng làm nắp đậy những ngôi
mộ chum bằng gỗ ở di tích Bưng Sình- Phú Chánh (Bình Dương). Đồ sắt không nhiều
chủ yếu là vũ khí như giáo, lao… thường tìm thấy trong mộ táng.
Đồ gốm và nghề làm gốm rất phát triển, các loại đồ dùng trong sinh
hoạt như nồi, bát đĩa chân cao, bình, bếp lò… có mặt trong tất cả các di tích
khảo cổ. Ngoài ra còn có nhiều dụng cụ bằng gốm như bàn xoa, dọi se sợi, chì
lưới… Ngoài các chất liệu chủ yếu trên trong văn hóa Đồng Nai còn tìm thấy
những di vật bằng gỗ, xương, sừng hay mai rùa… làm công cụ và đồ trang sức.
Giai đoạn muộn của văn hóa Đồng Nai xuất hiện những di tích mộ
táng với táng thức chủ đạo là “mộ chum”: di cốt được chôn nguyên vẹn
hoặc than tro hỏa táng trong những chum, vò lớn bằng gốm hay bằng gỗ, cùng
nhiều đồ tuỳ táng có giá trị như trang sức đá ngọc, mã não, thủy tinh, giáo sắt,
đồ gốm minh khí… nổi bật là bộ sưu tập 32 “khuyên tai hai đầu thú”
tại di tích Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ, số lượng nhiều nhất được tìm thấy trong
các “văn hóa mộ chum” ở Việt nam và Đông Nam Á.
Phương thức kinh tế chính của cư dân cổ Đồng Nai là
nông nghiệp ruộng khô (nương rẫy dùng cuốc) kết hợp với khai thác tự nhiên như
đánh bắt cá, hái lượm… đồng thời phát triển các nghề thủ công. Tuy nhiên, tại
vùng cửa sông Đồng Nai đã xuất hiện những dấu tích của một nhóm cư dân đặc biệt
sinh sống bằng nghề trao đổi buôn bán, đó là chủ nhân các di tích mộ chum ở Cần
Giờ-TP.HCM. Trong khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay Cần Giờ đã từng là một
“cảng thị sơ khai” phát triển thương mại qua đường sông, đường biển với nhiều
nơi như với khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, các đảo ở Philippine,
Indonesia, đặc biệt quan hệ kinh tế-kỹ thuật với Ấn Độ đã thể hiện rõ nét từ
rất sớm.
Trong thời đại kim khí lưu vực Đồng Nai là một trung tâm nông
nghiệp sầm uất, nơi quy tụ lượng tài vật khá lớn của cả phần nam bán đảo Đông
dương. Hàng chục di tích khảo cổ học phân bố dày đặc dọc đôi bờ Đồng Nai, trên
cả những cù lao và kéo dài đến vùng ven biển. Dấu tích cư trú lâu dài, ổn định
và phong phú của con người thể hiện trên số lượng di vật rất lớn, nhiều loại
hình và phản ánh được các đặc trưng văn hoá, đặc trưng kỹ thuật của các cộng
đồng người ở đây. Những xưởng thủ công lớn sản xuất nhiều loại vật dụng cho
cuộc sống của con người như đồ gốm, công cụ đá, khuôn đúc và công cụ kim loại,
đồ trang sức bằng đá mà số lượng sản phẩm đã vượt qua mức độ tự cung tự cấp.
Miệt Vàm Cỏ cư dân cổ cũng tạo lập cuộc sống định cư trên những “núi đất” giữa
vùng lầy trũng, tại đó phong phú công cụ sản xuất bằng đá, đồ dùng
bằng gốm, đặc biệt nhiều loại công cụ xương thú và vỏ nhuyễn thể. Dù mối quan
hệ giao lưu giữa Vàm Cỏ và Đồng Nai phát triển trên quy mô lớn và đã rất thường
xuyên, nhưng cư dân Vàm Cỏ vẫn có lối sống và sản phẩm văn hoá mang bản sắc
riêng. Văn hóa Đồng Nai phát triển trong thiên niên kỷ I-II trước Công
Nguyên đã được nhìn nhận như bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam
Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt. Truyền thống văn hóa Đồng Nai cùng
với một số yếu tố văn hóa “ngoại sinh” do cư dân cổ Đồng Nai tiếp thu đã trở
thành những yếu tố quan trọng để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng trong
giai đoạn lịch sử kế tiếp– thế kỷ I-VII sau Công nguyên.
3. Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai - Những
tương đồng và khác biệt
3.1
Địa hình phân bố. Xuất phát của hai nền văn hóa này đều từ vùng trung du – đồi phù
sa cổ của sông Hồng / sông Đồng Nai. Giai đoạn phát triển cuối – sơ kỳ sắt –
thì hệ thống di tích đã lan rộng đến tận ven biển. Nếu văn hóa Đông Sơn lấy
sông Hồng làm tuyến phát triển chính, bên cạnh đó còn có lưu vực sông Mã, sông
Cả thì văn hóa Đồng Nai cũng lấy lưu vực sông Đồng Nai làm tuyến chính, cùng
với đó là lưu vực sông Bé và sông Vàm Cỏ.
- Văn hóa Đông Sơn và
văn hóa Đồng Nai đều có thể phân chia thành những “loại hình” theo địa lý: Đông
Sơn núi/ đồng bằng/ven biển; Đồng Nai bazan/phù sa cổ/ngập mặn.
- Văn hóa Đông Sơn phát
triển phong phú nhất ở đồng bằng sông Hồng nhưng văn hóa Đồng Nai phong phú
nhất lại là vùng ven biển vì sông Đồng Nai chưa kịp tạo lập được một vùng đồng
bằng như sông Hồng.
3.2
Quan hệ giao lưu. Văn hóa Đông Sơn chịu
sự ảnh hưởng và giao lưu phần nhiều theo dòng chảy của sông Hồng từ phía Bắc
xuống; trong khi đó ảnh hưởng và giao lưu ở văn hóa Đồng Nai chủ yếu lại từ
biển Đông Nam vào. Đến giai đoạn sơ kỳ sắt yếu tố văn hóa lục địa khá nổi trội
trong văn hóa Đông Sơn (thể hiện qua những bộ sưu tập công cụ - vũ khí đồng/
sắt) còn trong văn hóa Đồng Nai yếu tố văn hóa biển khá rõ ràng (nhất là qua đồ
trang sức và đồ gốm của nhóm di tích Giồng Phệt/ Giồng Cá Vồ/ Giồng Lớn/ Gò Ô
Chùa).
- Với văn hóa Sa Huỳnh –
trung tâm kim khí ven biển miền Trung: Văn hóa Đông Sơn có mối liên hệ/ quan hệ
khá nhạt với văn hóa Sa Huỳnh, thấp thoáng vài ngôi mộ vò trẻ em, một vài đồ
trang sức thủy tinh, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu. Mối quan hệ này
tìm thấy chủ yếu ở khu vực giáp ranh (Bắc Trung bộ); Văn hóa Đồng Nai quan hệ
chặt chẽ và nhiều chiều với văn hóa Sa Huỳnh: Đồ gốm, trang sức, táng thức mộ
chum; khu vực giáp ranh Nam Trung bộ cũng thể hiện đậm nét (Khánh Hòa). Tuy
nhiên, không khó để nhận ra mối quan hệ này thể hiện một sự “đồng quy văn hóa” –
văn hóa Biển thể hiện qua hệ thống các di tích ven biển Đông nam Á mà W.Solheim
đã chỉ ra.
- Táng thức mộ chum/vò
(Sa Huỳnh. Đồng Nai) hay táng thức mộ thuyền (Đông Sơn) tuy khác nhau về hình
thức nhưng cùng phản ánh một tín ngưỡng về cái chết. Trong các mộ chum ở Cần Giờ có chôn theo “cà ràng” – loại bếp
gốm độc đáo dùng trên ghe, thuyền; nắp đậy mộ vò ở hang Manungui đảo Palanwan ở
Philippine có núm cầm hình thuyền với 2 người đang chèo, mộ quan tài hình thuyền
trong Văn hóa Đông Sơn… đều thể hiện ý nghĩa: quan tài hình thuyền hay mộ chum/vò đều là “phương tiện” chuyên
chở người chết qua thế giới bên kia. Trong ý nghĩa này văn hóa Đông Sơn và Đồng
Nai gần nhau hơn vì cùng là tục “hung táng”, còn văn hóa Sa Huỳnh là mộ “tượng
trưng”.
3.3
Kỹ thuật: ở Đông Sơn và Đồng Nai kỹ thuật đúc đồng phát
triển đến đỉnh cao: nhiều di tích là công xưởng, phổ biến khuôn đúc hai mang,
khuôn đúc liên hoàn… Đặc biệt trống đồng “kiểu” Đông Sơn hiện nay đã phát hiện
ở trong văn hóa Đồng Nai. Trống đồng ở đây được sử dụng trong táng thức “mộ
chum gỗ” ở Bưng sình Phú Chánh – một hình thức giống mộ chum gốm nhưng phân bố
ở Bình Dương - vùng phù sa cổ giống như khu vực trung du của văn hóa Đông Sơn.
- Trong các loại vũ khí
thì cả Đông Sơn và Đồng Nai đều có “qua đồng” – một loại hiện vật được coi là
có nguồn gốc từ phía Bắc.Tuy nhiên nhìn chung
thì “qua” Đông Sơn có kích thước ngắn còn “qua” Đồng Nai khá dài.
- Văn hóa Đông Sơn và
văn hóa Đồng Nai đều không có nhiều đồ sắt, khác với văn hóa Sa Huỳnh đồ sắt
khá phổ biến.Tuy nhiên, sự vắng mặt
của đồ sắt trong Đông Sơn và Đồng Nai có
nguyên nhân khác nhau có thể xuất phát từ nguồn nguyên liệu.
3.4
Truyền thống: Nền văn minh sông Hồng
được định danh là “văn minh lúa nước”, trở thành truyền thống “bốn ngàn năm”.
Văn minh sông Đồng Nai phát triển trên cơ sở kinh tế nông nghiệp nương rẫy và
giao lưu “kinh tế biển”; sau này văn minh Phù Nam cũng được xây dựng trên nền
tảng nông nghiệp trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cùng với sự phát đạt của
cảng thị Óc Eo.
Văn hóa Đông Sơn trở
thành cốt lõi của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc và được “tái hiện” trong văn minh
Đại Việt sau một ngàn năm “Bắc thuộc”. Văn hóa Đồng Nai là cội nguồn bản địa
của văn hóa Óc Eo. Khi vương quốc Phù Nam sụp đổ “truyền thống” Óc Eo còn kéo dài
thêm nhiều thế kỷ, không thể không có vai trò cội rễ của văn hóa Đồng Nai.
KẾT LUẬN
1. Những tương đồng và
khác biệt của văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai - hai nền văn hóa – hai
trung tâm văn minh lớn chứng minh cho sự đa dạng của văn hóa tiền – sơ sử Việt
Nam. Sự tương đồng hay khác biệt đều xuất phát từ “thế ứng xử” với môi trường
tự nhiên và môi trường xã hội – trong đó có những mối quan hệ gia lưu nhiều
chiều của chủ nhân hai nền văn hóa này. Nhìn nhận sự đa dạng của văn hóa (và
văn hóa khảo cổ nói riêng) sẽ góp phần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan,
bởi vì, con người là chủ thể của văn hóa mà lịch sử là phần quan trọng nhất của
văn hóa.
Khái niệm “Đông Sơn Nam” – sử dụng để
chỉ những “hiện tượng Đông Sơn” từ Tây Nguyên trở vào Nam bộ, đặc biệt là trống
đồng, cần được hiểu như một hiện tượng giao lưu kỹ thuật – văn hóa, trong đó có
thể “xuất/ nhập khẩu” sản phẩm và phổ biến là tiếp thu, tiếp nhận kỹ thuật chế
tạo, mỹ thuật trang trí để làm ra những sản phẩm tại chỗ. Không loại trừ hiện
tượng “đồng quy văn hóa” bởi ĐNA thời cổ là một khu vực “thống nhất trong đa
dạng”.
2. Sự có mặt của những
“yếu tố Đông Sơn” trong văn hóa Đồng Nai có thể từ hai con đường: 1/ Theo con
đường lục địa từ Bắc Trung bộ qua Trường Sơn vào đến Nam Tây Nguyên và theo
sông Đồng Nai xuống miền hạ lưu Đồng Nai (cần lưu ý sông Đồng Nai hoàn toàn
chảy trong lãnh thổ Việt Nam ngày nay và là con đường giao thông/thương quan
trọng nhất của Đông Nam bộ thời tiền – sơ sử. Sự có mặt của nhiều trống đồng
kiểu Đông Sơn tại Tây Nguyên và Nam trung bộ có thể được coi là bằng chứng của
con đường giao lưu này. Và 2/ Theo đường biển với những nhóm cư dân – do sức ép
di dân từ vùng Hoa Nam xuống đồng bằng sông Hồng, từ đó tiếp tục di cư ra phía
biển (mà tộc người Tojarai ở Indonesia là một ví dụ). Tuy nhiên sự giao lưu
đường biển giữa Đông Sơn và Đồng Nai còn cần phải được tìm ra bằng chứng cụ thể
dù trên thực tế cư dân của hai văn hóa này đã có những quan hệ giao lưu xa hơn
bằng đường biển.
3.
Yếu tố “biển” trong văn
hóa Đồng Nai khá phổ biến trong hệ thống các di tích thời hậu kỳ kim khí và tái
hiện trong văn hóa Óc Eo. Trong văn hóa Đông Sơn yếu tố biến không phải là chủ
đạo tuy có loại hình Đông Sơn ven biển. Tuy nhiên “nguồn gốc biển” lại hiện
diện trong nhiều “truyền thuyết” ở khu vực đồng bằng và trung du sông Hồng – mà
điển hình là truyền thuyết về Âu Cơ và Lạc Long Quân. Điều này gợi ý về một
hướng tiếp cận để “định vị” các truyền thuyết không chỉ từ nghiên cứu “văn bản
học” mà còn từ việc tìm kiếm những yếu tố của truyền thuyết đó trong các văn
hóa khảo cổ. Điều này không phải là dùng hiện vật khảo cổ để minh chứng cho một
“truyền thuyết” mà ngược lại, nhằm tìm hiểu lý do hay nguyên cớ sự hình thành
và tồn tại của những truyền thuyết, huyền thoại trong buổi đầu hình thành các
cộng đồng tộc người.
4.
Để bảo vệ sức mạnh
và truyền thống của văn hóa dân tộc/quốc gia cần thiết phải “giữ gìn và phát
huy bản sắc” đồng thời phát huy được tính đa dạng vốn có của các cộng đồng người,
các vùng miền ngay từ thời kỳ tiền – sơ sử “dựng nước”. Đó là những chủ thể
sáng tạo ra văn hóa dù cộng đồng là tộc người đa số hay thiểu số, nhờ vậy cho đến
nay xã hội Việt Nam vẫn bảo tồn được nhiều giá trị, truyền thống, tập quán văn
hóa bản địa, những yếu tố nền tảng định hình nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hà Văn Tấn. Văn
hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Hà Nội, nhà xuất bản KHXH, 1994
- Hà Văn Tấn (chủ biên). Khảo cổ học Việt Nam, nhà xuất
bản KHXH, Hà Nội, Tập 1, 2, 3, 1998, 2001, 2002.
- Nguyễn Thị Hậu – Lê Thanh Hải. Khảo
cổ học bình dân Nam bộ - Việt nam. Từ thực nghiệm đến lý thuyết. Nhà
xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2010.
Nguyễn Thị Hậu. Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ
TPHCM. Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM. 2012.
- Phạm Minh
Huyền. Văn hóa Đông Sơn – Tính thống nhất và đa dạng. Hà
Nội, nhà xuất bản KHXH, 1996
- Viện Bảo tàng
Lịch sử Việt Nam – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. TP.HCM:
Khảo cổ học tiền sử và sơ sử thành
phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Trẻ, 1998.
- Vũ Công Quý: Văn hóa Sa Huỳnh. Hà Nội, nhà xuất
bản Văn hóa dân tộc, 1991.
- Tạ Đức: Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc
– biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. Hà Nội, Hội Dân tộc học
Việt Nam, 1999.
- Trần Quốc Vượng (chủ
biên). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Hà Nội, nhà xuất bản Giáo dục, 2000.
- R.
Fox: The Tabon Caves. Monography
of National Museum, Manila, 1970.
- P. Bellwood: Prehistoric of theIndo
– Malaysia Archipelago. Adademic Press, New york,
1985.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét