TRUYỀN VÀ THÔNG


Nguyễn Thị Hậu

 Xét từ góc độ lịch sử, trong bất cứ thời đại nào cũng có 4 yếu tố cần và đủ để con người tạo nên sản phẩm vật chất, đó là: chất liệu, kỹ thuật, năng lượng và thông tin. Thông tin giữa vai trò liên kết và xuyên suốt 3 yếu tố kia, vì vậy thông tin luôn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội. Nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội là quyền được thông tin và biết thông tin, Truyền thông không chỉ là “thông tin”, mà còn là sự giao lưu, giao tiếp, còn là sự bày tỏ, thể hiện con người cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng và xã hội.

 Các kiểu truyền thông trong lịch sử: bằng bản thân con người có âm hiệu – ngôn ngữ; chỉ hiệu – hành động, hành vi; Có thêm công cụ phương tiện: bộ gõ, bộ hơi thay thế cho âm hiệu, các dấu hiệu, ký hiệu, hình vẽ rồi chữ viết ra đời, rồi hệ thống các biểu tượng, biểu trưng văn hóa… Phương tiện truyền thông và phương thức truyền thông thể hiện tốc độ phát triển của xã hội, ngày càng phong phú và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhanh chóng, chính xác của xã hội lòai người.

Xã hội Việt Nam cổ truyền có 2 kiểu thông tin: Một là kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”, phần lớn thông tin này là kinh nghiệm dân gian về thời tiết, về kỹ thuật lao động sản xuất, kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng… Lọai này được tích lũy dần theo thời gian, có sự trải nghiệm thực tế và “chuyển giao trực tiếp” từ thế hệ này sang thế hệ khác nên thông tin lọai này có giá trị lâu bền.

Kiểu thứ hai là thông tin “chính thống” liên quan đến việc quản lý nhà nước từ phía chính quyền. Lọai này được thông tin theo kiểu “mõ làng”. Đó là cơ chế chỉ có 1 lọai thông tin từ trên xuống, 1 chiều thông tin về nội dung, người tiếp nhận thông tin “bị động” vì chỉ có nghe chứ không có/ không được phản hồi, không được đối thọai để hiểu và chủ động tiếp nhận thông tin. Cách thông tin này không tạo điều kiện cho người ta giao tiếp, giao lưu để hiểu đúng, hiểu rõ thông tin mình đang tiếp nhận, càng không khuyến khích người ta bộc lộ chính kiến, ý kiến, quan điểm đối với những thông tin ấy.
Dễ hiểu, thông tin như vậy nên xã hội cổ truyền VN chậm thay đổi, chậm phát triển, ngay từ nền tảng quan trọng nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, ngàn đời vẫn là “con trâu đi trước cái cày theo sau” (và con người theo sau rốt!), và trên đó là cấu trúc nhà nước phong kiến theo khuôn mẫu có sẵn.
Cả hai lọai thông tin cổ truyền có cùng một phương thức chủ yếu: truyền miệng. Cơ chế thông tin truyền miệng có đặc điểm: trực tiếp mặt đối mặt, nói và nghe trực tiếp (câu thành ngữ “trăm nghe không bằng một thấy” cũng có hàm nghĩa này), dẫn đến việc tin người nói, chú ý đến người truyền đạt thông tin hơn là chính nội dung thông tin! Điều này có hai mặt: tiếp nhận thông tin ít khi suy xét, nhưng cũng có khi không coi trọng thông tin, nhất là khi không còn tin vào người truyền đạt thông tin, hệ quả của nó là xuất hiện thông tin không “chính thống”, đó là dư luận. Trong lịch sử VN đã có trường hợp dư luận được tận dụng tạo nên “sấm truyền”, đồng dao của trẻ nhỏ, những chuyện đồn thổi… dẫn đến một sự kiện lịch sử làm thay đổi xã hội.

Vì sao cơ chế thông tin truyền miệng, dư luận tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam cổ truyền? Không thể không nói đến nguyên nhân là do chữ viết – phương tiện thông tin chủ yếu - không phổ biến do trước đây phần lớn dân chúng mù chữ hoặc ít chữ. Điều này làm cho dân chúng hầu như không quan tâm đến thông tin “đọc” mà thường chú ý đến thông tin “nghe”, vì thông tin “nghe” được diễn giải, diễn dịch dễ hiểu hơn (chưa nói đến mức độ chính xác) cùng với vai trò của “người truyền đạt” nên càng làm cho cách thông tin này được duy trì lâu dài. Nếu chú ý đến đặc điểm này những phương tiện truyền thông nghe nhìn sẽ phát huy tối đa hiệu quả thông tin (ngày nay chính là những tờ báo đã tạo dựng được uy tín trong đông đảo độc giả).

Hiện nay sự thay đổi trong ứng xử truyền thông khi chuyển từ truyền miệng sang thông tin đại chúng có liên quan chặt chẽ với những thay đổi khác về ứng xử trong xã hội. Trong xã hội hiện đại "một hệ thống truyền thông chính là một dấu chỉ đồng thời là một tác nhân của sự thay đổi trong toàn bộ một hệ thống xã hội". Nói khác đi, truyền thông đại chúng đã trở thành một trong những động lực của sự phát triển bởi nó thúc đẩy và nó cũng là biểu hiện của quá trình dân chủ trong xã hội. Những phương thức, phương tiện truyền thông mới  mang lại cho con người thông tin đa dạng, nhiều chiều, phong phú… tạo điều kiện cho con người bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân, thể hiện quyền và trách nhiệm của mình với xã hội khi bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình. Qua trao đổi, tranh luận con người cũng nâng cao hiểu biết và tri thức cho bản thân.

Truyền thông có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay đài phát thanh…. Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin nhanh chóng, chính xác và khách quan ra xã hội. Trong xã hội cần có nhiều phương tiện thông tin chia sẻ quyền lực này, tức là chia sẻ nguồn thông tin mang đến cho xã hội. Có như vậy truyền thông mới thực sự phát huy tốt vai trò của mình.


TBKTSG 13/11/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...