Khi dân cư chưa có đầy đủ kiến thức và ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng.
Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ di sản văn hóa một cách cụ thể, đó cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục ý thức của người dân hoặc ngược lại, chính quyền với quyền lực của mình sẽ thực hiện những dự án “phát triển” nhưng đồng thời là phá hủy di sản văn hóa, xóa bỏ lịch sử hiện hữu bằng “vật chất”.
Ý chí và hành xử của chính quyền có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và ứng xử của người dân đối với di sản văn hóa!
Làm sao xây dựng những phương tiện giao thông hiện đại như metro, xe điện trên mặt đất, cầu vượt, xây dựng những nhà cao chọc trời không ảnh hưởng đến cảnh quan xưa đẹp, giá trị văn hóa đô thị?
Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí phá hủy cảnh quan xưa cũ và những giá trị văn hóa quý giá của đô thị nếu như việc xây dựng đó không tính toán và cân nhắc đến vùng, phạm vi, điểm cần bảo tồn trong vùng đô thị cổ.
Di sản văn hóa cần được coi là một loại “vốn xã hội”, có giá trị văn hóa - tinh thần đồng thời cũng có giá trị kinh tế - vật chất. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một gia đình hay một ngành nghề.
Cần lưu ý là “lợi nhuận” từ việc khai thác giá trị di sản văn hóa không phải lúc nào và ở đâu cũng là “tiền tươi thóc thật” mà khai thác vừa phải, cũng như mọi nguồn tài nguyên khác.
Giữ gìn di sản văn hóa trước hết là vì cộng đồng dân cư, vì đấy là tài sản văn hóa của cộng đồng. Giữ gìn di sản trước hết vì “người sống” chứ không phải chỉ vì bản thân di sản, nếu di sản còn mà cộng đồng không hiểu biết giá trị của nó thì không thể bảo vệ di sản.
Việc cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là nhằm xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó. Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ đang sống.
Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu.
Hiện nay tại TP.HCM, ngoài hệ thống các di tích và bảo tàng “tồn tại như không tồn tại” thì chưa có chiến lược nhằm làm cho người dân và thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, đúng hơn về di sản văn hóa thành phố cũng như cả nước.
Một vài chương trình truyền hình, chuyên mục trên một số tờ báo... chưa đủ sức mang lại sự yêu thích và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa. Các chương trình “xúc tiến quảng bá du lịch” cũng vẫn nặng về “khai thác” mà chưa làm tăng thêm giá trị cho di sản văn hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét