Ruồi trâu



Vừa đọc lại tiểu thuyết Ruồi Trâu, rồi tìm thấy phim Ruồi Trâu do Liên xô sản xuất khoảng 1980, không có phụ đề hay thuyết minh đành nghe tiếng Nga bập bõm... cũng may vừa xem lại truyện nên cũng hiểu tàm tạm.

Câu chuyện có mối tình của cha cố với một phụ nữ và kết quả là một cậu con trai, và Ruồi Trâu là tiểu thuyết về cuộc đời của người con trai ấy. Bên cạnh còn là mối tình của Ruồi Trâu với Giema người bạn gái thủa thiếu thời. Sự hiểu nhầm, sự thật bị che dấu, hậu quả nặng nề...
“Tuổi mười bảy ai mà chẳng lỡ lầm... Nhưng không phải ai mười bảy tuổi cũng giết chết người bạn tốt nhất của mình” – câu nói này ám ảnh mình từ khi đọc tiểu thuyết lần đầu tiên khoảng 11, 12 tuổi. Và tình yêu chung thủy, tận tụy và lãng mạn của Ruồi Trâu với “Dim thân yêu” qua bức thư cuối cùng còn lưu mãi trong trí nhớ của nhiều cô gái thế hệ của tôi:“Giêma ạ, tôi đã yêu Giêma từ khi Giêma còn là một cô bé xấu xí, từ khi Giêma còn mặc chiếc áo xuyềnh xoàng cổ bẻ và từ khi Giêma còn để bím tóc nhỏ xíu như đuôi chuột. Bây giờ tôi vẫn yêu Giêma. Giêma còn nhớ không? Có lần tôi đã hôn tay Giêma và Giêma khẩn khoản xin tôi “đừng bao giờ làm như thế nữa”. Tôi biết thế là không tốt, nhưng Giêma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ thì tôi hôn tờ giấy viết tên Giêma. Như thế là tôi đã hôn Giêma hai lần và cả hai lần đều không được Giêma cho phép”.

Bối cảnh của câu chuyện là không khí cách mạng vì “Tự do của nước Ý”, nhưng lồng trong đó chính là cuộc đấu tranh nội tâm giữa hai cha con: Một Hồng Y giáo chủ và một nhà cách mạng. Cả hai đều tin tưởng vào con đường và niềm tin đã chọn, cũng là sự đấu tranh giữa tình cảm cha con ruột thịt và lý trí vì chức trách và nhiệm vụ. Mối tình không thổ lộ giữa Ruồi Trâu và Giema cũng vậy.
Cuối cùng, như nhiều hình tượng người cách mạng hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, lý trí của các nhân vật đều chiến thắng nhưng họ đã phải trả giá cho điều này bằng sự cay đắng, là vết thương không bao giờ liền trong trái tim họ, và cả cái chết. Sự day dứt ân hận, tình yêu và “hận thù” sâu sắc... thì bộ phim này chưa đạt được, dù ba nhân vật chính đều do các nghệ sĩ tài danh đảm nhận. Nhưng không khí cách mạng và tính cách những nhà cách mạng thì bộ phim dựng lại trọn vẹn. Cũng dễ hiểu điều đó vì phim được dựng ở đất nước “cái nôi của cách mạng vô sản thế giới”.

Những hành động của chính quyền nước Ý thời đó đối với nhân dân, với những người chống đối... đến nay vẫn còn hiện diện ở nơi này nơi kia trên thế giới. Do đó, chân dung, lý tưởng và sự xả thân vì cách mạng của những nhân vật như Ruồi Trâu chưa hề lạc hậu, nhất là khi xã hội còn nhiều bất công và không có tự do.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

P/S. Tác giả Ruồi Trâu và Tiếng chim hót trong bụi mận gai – hai tiểu thuyết có mối tình bi kịch - đều là nữ văn sĩ.
... Từ “Ruồi Trâu” đến “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”
Những ông Cha đã trọn đời dâng Chúa
Vẫn nặng nợ trần gian
                                                với một người đàn bà
Huống chi anh
Người trần mắt thịt!
... 30.6.2020

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Tiếng chim hót trong bụi mận gai


Xem lại phim này, suy nghĩ khác hẳn ngày trước.
Trước, cảm động vì mối tình của cha Ralph và Mecghi, cho rằng đàn bà yêu thì phải hết lòng giành lấy tình yêu như thế; còn đàn ông thật nhẫn tâm, chỉ biết sự nghiệp và bất chấp tình yêu của chính mình.
Trước, không thích bà bác chủ nhân đồn điền Drogheta, thấy bà ấy đúng là “quỷ sứ” khi bày ra trò thử thách – mà biết chắc mình sẽ thắng, dù mình chết nhưng người còn sống phải đau khổ mà làm đúng theo tính toán của mình.
Trước, không dành nhiều cảm tình cho bà mẹ Mecghi, cho rằng bà thật vô tâm khi để con gái bơ vơ không có ai làm chỗ dựa về tinh thần.
... Nói chung, trước, chỉ chăm chăm chiêm ngưỡng tình yêu của hai người là cha Ralph và Mecghi, và cũng có chút oán hận tác giả khi kết thúc truyện/phim như thế, như thể tác giả thay mặt Chúa mà “thực thi công lý”. 
Vân vân và mây mây...

Nay. Thấy rằng đàn ông cần phải như vậy, đừng bao giờ từ bỏ con đường mình đi vì một người đàn bà. Đàn bà mà chỉ biết tình yêu của mình thì sẽ không “buông tha”, sẽ nhân danh tình yêu mà nắm chặt trái tim anh. Cho nên, đàn ông thật sự hãy yêu, nhưng đừng đầu hàng :)
Nay, thấy bà chủ Drogheta đã đúng khi trao tài sản cho giáo hội qua tay cha Ralph. Khi đã trải qua sự đau đớn dằn vặt trả giá mới có thể thấu hiểu về “cây thập giá” mình phải vác suốt đời.
Nay, thấy bà mẹ Mecghi là người biết chấp nhận số phận nhưng không đánh mất mình. Sự quý phái của bà thể hiện ngay trong sự chịu đựng. Và bà tìm lại được tình yêu thực sự qua những năm tháng chấp nhận, tuy muộn màng.
Nay, ám ảnh nhiều hơn là mối quan hệ “xa/lạ” giữa hai người mẹ và hai người con gái. Tình yêu thương giữa họ chỉ đến muộn màng sau mất mát lớn... Còn thì suốt đời hai người mẹ đã dành hết cho hai người con trai tình yêu của họ với người cha thực sự của con trai mình.
Nay, thấy mất mát khủng khiếp của Mecghi chính là sự trả giá quá đắt cho tình yêu của nàng. Nghĩ nhiều hơn về sự “được mất” như là “nhân quả”. Chỉ là mình, ở độ tuổi này nhận thức chắc chắn hơn, cái gì không phải của mình thì sẽ không là.

Phim Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai - The Thorn Birds FULL HD ...

Linh tinh lang tang (625)


@ Chuyện cũ.
Ngày trước mình có người bạn cùng nghề, cùng tuổi nên khá thân nhau. Chuyên công việc chuyện riêng tư hai đứa thường kể cho nhau nghe... Khi bạn gặp một sự cố lớn trong cuộc sống mình cố gắng giúp bạn bằng mọi cách, kể cả chuyện tiền nong, không tính toán gì mà chỉ nghĩ bạn đang cần giúp, vậy thôi.
Bạn qua được cơn khó khăn, rồi khi công việc của bạn thuận lợi hơn thì tình bạn của hai đứa cũng mất luôn. Mình nhận ra một điều tình bạn là có thật, nhưng sau đó là sự lợi dụng, kiếm lợi xong rồi thì bạn không cần mình nữa. Không sao, tự nhủ, rút kinh nghiệm nhé!
Mình đi chỗ khác chơi, vẫn sống và nhẹ nhõm như không.
Sau đó, thỉnh thoảng (và gần đây) mình lại ngạc nhiên vì hóa ra người như “bạn cũ” không hiếm.
Để cho bạn bè thân thiết phải “đi chỗ khác chơi” vì lý do gì thì người ta cũng nhìn ra sự thật. Và từ lâu mình vẫn tin rằng, đối xử với bạn bè thân thiết, với người ơn nghĩa mà không tử tế thì khó có thể tin vào những “tuyên ngôn” cao cả.
Đường đi còn dài, bạn mang theo bên mình cái gì thì con đường của bạn sẽ như thế.
25.6.2020

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên

BÁO CHÍ “CẠNH TRANH” VỚI MẠNG XÃ HỘI?



Không! Vì vai trò chức năng hai “trường thông tin” này khác nhau.

Vài năm gần đây cứ đến ngày Báo chí CMVN là thế nào cũng có những bài viết nói về vai trò trách nhiệm của nhà báo và báo chí, thế nào cũng có những khó khăn hiện nay mà báo chí phải đối mặt, thế nào cũng có một thực trạng “báo chí đang phải cạnh tranh với mạng xã hội”, “Báo chí đối đầu với mạng xã hội”... Đại để thế.
Nhưng có phải là MXH là đối thủ, và báo chí đang cạnh tranh với nó?

Báo chí ra đời và phát triển sớm hơn MXH rất lâu, tính chuyên nghiệp trong tổ chức bộ máy và sản phẩm ngày càng cao, nhiều người làm nghề tài năng và được đào tạo bài bản. Kỹ thuật và vật chất phục vụ việc “làm báo” tiến bộ trên nền tảng cơ học. Điều kiện “đầu tiên” là tiền đâu thì luôn có các ông chủ (tư nhân và nhà nước) đứng sau. Chủ trương, tôn chỉ mục đích của một tờ báo được xác định rõ ràng, đối tượng độc giả cũng vậy, do đó nội dung của tờ báo đó mang nét riêng, độc đáo, sự canh tranh nếu có chính là ở việc bảo đảm cho tờ báo giữ được sự riêng biệt trong thị trường báo chí đa dạng, phong phú.

Mạng xã hội mới ra đời khoảng hơn hai mươi năm trên nền tảng công nghệ internet. Tính cá nhân và tính tương tác nhanh là đặc điểm chủ yếu. Vì vậy bản chất MXH là các quan hệ và thông tin xã hội được thể hiện ở một “môi trường ảo”. Do vậy, tính chất “dư luận”, phiếm chỉ, tùy tiện... ở MXH cũng phổ biến như ngoài đời thực, tính tương tác ngay và luôn kích thích nhu cầu “câu view” thể hiện cá nhân cao hơn, nhưng trách nhiệm chỉ là của cá nhân, ko đại diện cho một tập thể hay tầng lớp nào như tòa soạn báo chí phản ánh cho một bộ phận độc giả.

Truyền thông có vai trò quan trọng bởi thông tin mà nó mang lại chứ không phải bản thân thiết chế báo chí, truyền hình hay đài phát thanh hay MXH…. Quyền lực của cơ quan truyền thông là ở quyền có thông tin và đưa thông tin nhanh chóng, chính xác và khách quan và đa chiều. Điều này báo chí có ưu thế vì tính chuyên nghiệp và sự “chính danh” (theo nghĩa đây là chức năng mà xã hội phân công cho nghề nghiệp ấy).
Xã hội càng phát triển, thông tin ngày càng nhiều và cần sự chia sẻ mạnh hơn. MXH đã tận dụng, sử dụng đặc điểm này để phát triển và lan tỏa. Do tính chất cá nhân “dư luận, truyền miệng” làm cho thông tin ở MXH “linh tinh lang tang” nhưng không hoàn toàn vô ích. Trong mọi việc người tham gia có thể tự do bày tỏ quan điểm, nhận xét, suy nghĩ, đánh giá... Đa chiều là lợi thế của MXH.

Hiện nay cả báo chí và MXH đều dựa trên nền tảng công nghệ internet và truyền thông đa phương tiện, cùng hướng đến mục đích quan trọng nhất là thông tin nhanh và thu hút sự tương tác của cộng đồng, bên cạnh những mục đích khác. Thực trạng của sự “cạnh tranh” là ở khi báo chí biến thành MXH với tin tức “hầm bà lằng” từ nội dung đến hình thức (trình bày, ngôn ngữ, nhận xét, đánh giá...), nhưng thiếu sự đa dạng, nhất là sự đa chiều. Khi báo chí không làm tròn vai trò của mình thì MXH sẽ thay thế vai trò đó. Điều đó có lợi cho một xã hội không minh bạch và bình đẳng về thông tin.

Nói cho cùng, sự “nẫn nộn nung tung” thường thể hiện rõ ở báo mạng, là nơi thu hút ngày càng nhiều độc giả bởi sự tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên một số báo in và chương trình truyền hình cũng sa vào sự “cạnh tranh” này. Độc giả, bên cạnh việc chịu đựng sự xơ cứng và bảo thủ trong việc phản ánh các vấn đề xã hội, còn rất khó chịu khi luôn phải đọc, nghe những câu chữ sai ý, tối nghĩa...
Đây chỉ là vài suy nghĩ của tôi - một người có thói quen xem báo (in, online, hình) vài chục năm và cũng là người dùng MXH đã mười mấy năm. Phân biệt rõ hai trường thông tin của hai phương thức truyền thông này giúp tôi chọn lọc thông tin, có trách nhiệm hơn khi tham gia tiếp nhận và lan tỏa thông tin.

P/S. Sáng nay gõ từ khóa "báo chí và mạng xã hội" chỉ trong 0,34 giây ra đến 108 triệu kết quả, mà phần lớn nói về sự cạnh tranh, đối đầu, thách thức, đánh bại... :D
Đừng coi MXH là "thế lực thù địch" được không, báo chí?

21.6.2020
 See the source image


VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG Ở ĐÔ THỊ



Nguyễn Thị Hậu

Tên đường phố ở đô thị (và công trình công cộng) cần được sử dụng lâu dài, có ý nghĩa bền vững qua nhiều thế hệ dân cư. Do đó, người ta thường sử dụng những tên gọi có ý nghĩa giá trị đối với quá khứ và cả tương lai. Nhiều thành phố trên thế giới có các con đường mang tên những giá trị nhân văn vĩnh cửu của nhân loại như Tự Do, Độc Lập, Hòa Bình, Thống Nhất... 

Phổ biến hơn là tên đường từ một số sự kiện lịch sử quan trọng nhất của quốc gia, của thành phố; tên các nhân vật lịch sử, nhà văn hoá, nhà khoa học... có công lao đặc biệt được công đồng ghi nhận, đã được thời gian kiểm chứng đánh giá những đóng góp của họ cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố đất nước. Những địa danh lịch sử - văn hoá nổi tiếng của đất nước, địa danh dân gian nôm na nhưng trở thành một phần lịch sử và ký ức đô thị... Đó là những yếu tố tạo nên sự bền vững của tên đường phố.  

Sau năm 1975 TP Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều tên đường phố, trong đó có những đường mang tên các vị chúa, vua, công thần thời Nguyễn. Nhiều năm trước TP. Hồ Chí Minh cũng đã đặt (lại) tên đường Alexandre de Rhode với ý nghĩ ghi nhận sự đóng góp của ông cho việc hình thành chữ quốc ngữ ở VN. Theo thời gian, căn cứ vào tư liệu và nhận thức mới, việc nghiên cứu lịch sử thời Chúa Nguyễn và triều Nguyễn ở vùng đất phía Nam ngày càng sáng tỏ, khách quan và nhân văn hơn. Hiện nay một số nhân vật lịch sử thời Nguyễn đã/vẫn có tên đường ở TPHCM và một vài địa phương.

Danh thần Lê Văn Duyệt là người có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam bộ nói chung và Gia Định - Sài Gòn nói riêng. Chính vì vậy việc đặt (lại) tên đường Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh vừa là thể hiện sự ghi nhớ công lao của tiền nhân, vừa đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của người dân thành phố và các tỉnh Nam bộ với một vị danh thần thời Nguyễn, mà “Công” và “Đức” của ông được nhân dân lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.

Với những sự kiện như cuộc chiến bảo vể quần đảo Trường Sa trên biển Đông vào năm 1988, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao các đơn vị triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về đặt tên 61 đường tại TP Nha Trang. Trong đó có hai đường mới tại khu tái định cư Vĩnh Hiệp được mang tên Trần Đức Thông và Trần Văn Phương, là hai Anh hùng liệt sĩ, hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chống quân Trung Quốc xâm lược để bảo vệ quần đảo Trường Sa tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Những trường hợp nêu trên cho thấy, các vấn đề mà nhiều năm trước đây bị coi là “nhạy cảm, tế nhị” thì nay đã được công khai ghi nhận trên tinh thần khoa học và ý thức chính trị đúng đắn. Điều này còn là biểu hiện sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, giới nghiên cứu và cộng đồng trong việc bảo tồn và tạo dựng “văn hóa đô thị”: nhận thức của chính quyền, cập nhật kết quả nghiên cứu khoa học lịch sử và sự đồng tình của cộng đồng. Ý thức tôn trọng lịch sử là sợi dây liên kết tạo nên sự đồng thuận của xã hội.

Đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh có quá trình 300 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều biến động lịch sử và đa dạng về văn hoá... Do đó tên đường phố cần phản ánh toàn diện quá trình lịch sử - văn hoá của thành phố  và Nam bộ chứ không chỉ thiên về giai đoạn gần đây là nửa sau thế kỷ XX. Một thành phố mà tên đường phố được phổ biến trong cộng đồng, ý nghĩa của những tên đường là niềm tự hào của cư dân, có giá trị lịch sử - văn hoá thì thành phố đó đang và sẽ gìn giữ, bảo tồn được bản sắc và truyền thống của mình.

Hình ảnh: Nhà thờ Đức bà, tên Quảng trường "Công xã Paris" và đường mang tên Giám mục "Nguyễn Văn Bình" liền kề nhau, rất khoa học, tạo thành một khu vực dễ nhớ, gây ấn tượng. 

Tên đường Sài Gòn, xưa giờ sao không biết? - Xã hội - ZINGNEWS.VN

MỘT NGÀY BUỒN


Ngày này năm 2018, buổi sáng cà phê một mình ở HN thì một ông anh gọi điện thoại giọng hốt hoảng: này, em làm thơ đấy à?! Chưa hiểu sao nên mình ú ớ: dạ, cũng có viết linh tinh... Thế là ổng gửi hình và bình: tưởng cô chỉ biết đáo để ghê gớm hóa ra cũng nữ tính phết.
Đau hết cả lòng mề :D

Trưa đó nghe tin QH thông qua Luật An ninh mạng. Một cảm giác thất vọng cùng cực! Có lần, con gái viết stt “Thật sự thất vọng về một vài người… sao họ có thể hành xử với người khác như thế?”. Mình đã còm thế này: Cảm giác Thất vọng cũng là một điều tốt con ạ. Có thất vọng nghĩa là ta còn biết hy vọng và tin tưởng ở những điều tốt đẹp, những người tử tế, còn không thể chấp nhận những điều xấu, làm tổn hại, tổn thương con người. Có nghĩa là, “Lúc em ra chào đời Mẹ cho một trái tim để yêu” chứ không phải một cục thịt trong ngực chỉ để “cầm chơi”.
Mình đã trải qua nhiều lần thất vọng, vậy mà mỗi lần như thế vẫn đau, vẫn buồn, vẫn không thể chai sạn, vẫn tự hỏi Tại sao? Và vẫn không thể xử sự như thế…
Mỗi hành xử đâu chỉ gây ra cảm giác tích cực hay tiêu cực, mà còn thể hiện trách nhiệm! Trách nhiệm với xã hội và cao hơn là trách nhiệm với chính mình: một – con – người chứ không phải là loại động vật chỉ chăm lo cho bộ lông và cái dạ dày.
Và đây là hành xử của chính quyền với nhân dân, đâu phải với kẻ thù?

Buổi tối, mình và một ông anh thân thiết “đương kim” ĐBQH đi ăn cơm với nhau. Hai anh em nói chuyện về việc hoãn Luật Đặc khu, việc thông qua Luật An Ninh mạng như là một sự đánh đổi, cố chấp và bất chấp “phải thắng dân bằng được”.
Mình nhắc: Ông nghị ơi, Quốc hội còn nợ nhân dân Luật Biểu Tình!
Hai anh em buồn quá, uống hết một chai wine rất ngon (và chắc là mắc tiền) :) . Về SG kể cho bà chị nghe, bả cười: anh em nhà ngươi buồn kiểu gì mà hao rượu hao mồi quá :D

@Mấy bài thơ đây :)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Không có mô tả ảnh.

Linh tinh lang tang (345)

@ Người ta phóng vệ tinh phủ sóng internet toàn cầu, còn mình sắm ngựa như thống lý Pá Tra. Nhưng các anh cưỡi ngựa không ngầu như A Phủ :D

@ Quan chức VN tranh thủ cho con cháu về nước đi, trước khi những cây cột đèn mước Mỹ tràn qua. Tự hào quá đất nước chỉ những cây cột đèn muốn sống!

Ông bà mình luôn ví cây với người: “Dụng nhân như dụng mộc”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ich trăm năm trồng người”. Nhìn cách trồng cây có thể biết cách “trồng người”. "Dạy con từ thủa còn thơ", trồng cây thì trồng từ bé để biết chăm sóc nâng niu cho cây lớn lên. Nhìn cách đối xử với cây có thể biết con người có được quý trọng hay không, xưa nay luôn có sự tương đồng như thế.

@Bạn than: ở nhà cách ly gầy đi 3 ký.
- Thế tốt quá còn gì. Chắc nhờ ăn uống điều độ.
- Bà chả hiểu gì cả! Cả tháng ăn cơm chỉ nhìn thấy mặt vợ , ăn thế quái nào được mà chả gầy.
Vợ bạn: vật chất chả mất đi đâu, chỉ chuyển từ người này sang người khác. Phục vụ ông mà tôi lên 3 ký.

@ Bây giờ “suy nghĩ” là một thứ xa xỉ lắm, còn "niềm tin" là thứ chỉ có trong mơ! Nếu có ông Bụt thật, ta sẽ ngồi khóc ti tỉ (như cô Tấm) để ổng hiện lên và hỏi: ớ này bà già kia ui, tại sao bà khóc như bị hóc thế ?
- Bụt ui, niềm tin của con đâu? ai cho con niềm tin? (giá mà ta hỏi được Bụt một cách sến như con hến thế này “Ai cho tui tình iu?”). Bụt có thể ban cho con được ko?
Ta nghĩ rằng (lại nghĩ!!!) Bụt sẽ, hoặc ngây thơ như Maika – cô pé trên trời rơi xuống – Bụt hỏi: Niềm - tin - là - gì - cơ? hoặc giả nhời: ta còn ko có có chi mà ban cho ngươi/ Hoặc buồn rầu bảo rằng: bà ui, ở đây tui ko biết phải tìm đâu ra thứ đó để ban cho bà/ hoặc sẽ hỏi: đứa nào ăn cướp/ trấn lột niềm tin của bà, chỉ ra để Bụt cho nó một trận... Cũng có thể một cách bạo lực hơn (do ảnh hưởng các thể loại báo cướp giết hiếp), Bụt sẽ nhốt ta vào phòng kín, vừa mở bình gas cho ta chết ngạt, vừa nói: Niềm tin của nhà ngươi đây!
Nhưng khả năng nhiều hơn cả là Bụt sẽ mỉm cười bao dung (là Bụt = Budda = Phật mà), và phán: ai bảo mày già rùi mà còn ngu, cho mày chít!
Nghĩ đến đây bèn yên tâm, vì nhìn quanh thấy ai cũng như mình.

@ Thiện tai! Khộ quá mấy ông cũng phải lo lắng điều phiền toái này à?

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...