Ruồi trâu



Vừa đọc lại tiểu thuyết Ruồi Trâu, rồi tìm thấy phim Ruồi Trâu do Liên xô sản xuất khoảng 1980, không có phụ đề hay thuyết minh đành nghe tiếng Nga bập bõm... cũng may vừa xem lại truyện nên cũng hiểu tàm tạm.

Câu chuyện có mối tình của cha cố với một phụ nữ và kết quả là một cậu con trai, và Ruồi Trâu là tiểu thuyết về cuộc đời của người con trai ấy. Bên cạnh còn là mối tình của Ruồi Trâu với Giema người bạn gái thủa thiếu thời. Sự hiểu nhầm, sự thật bị che dấu, hậu quả nặng nề...
“Tuổi mười bảy ai mà chẳng lỡ lầm... Nhưng không phải ai mười bảy tuổi cũng giết chết người bạn tốt nhất của mình” – câu nói này ám ảnh mình từ khi đọc tiểu thuyết lần đầu tiên khoảng 11, 12 tuổi. Và tình yêu chung thủy, tận tụy và lãng mạn của Ruồi Trâu với “Dim thân yêu” qua bức thư cuối cùng còn lưu mãi trong trí nhớ của nhiều cô gái thế hệ của tôi:“Giêma ạ, tôi đã yêu Giêma từ khi Giêma còn là một cô bé xấu xí, từ khi Giêma còn mặc chiếc áo xuyềnh xoàng cổ bẻ và từ khi Giêma còn để bím tóc nhỏ xíu như đuôi chuột. Bây giờ tôi vẫn yêu Giêma. Giêma còn nhớ không? Có lần tôi đã hôn tay Giêma và Giêma khẩn khoản xin tôi “đừng bao giờ làm như thế nữa”. Tôi biết thế là không tốt, nhưng Giêma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ thì tôi hôn tờ giấy viết tên Giêma. Như thế là tôi đã hôn Giêma hai lần và cả hai lần đều không được Giêma cho phép”.

Bối cảnh của câu chuyện là không khí cách mạng vì “Tự do của nước Ý”, nhưng lồng trong đó chính là cuộc đấu tranh nội tâm giữa hai cha con: Một Hồng Y giáo chủ và một nhà cách mạng. Cả hai đều tin tưởng vào con đường và niềm tin đã chọn, cũng là sự đấu tranh giữa tình cảm cha con ruột thịt và lý trí vì chức trách và nhiệm vụ. Mối tình không thổ lộ giữa Ruồi Trâu và Giema cũng vậy.
Cuối cùng, như nhiều hình tượng người cách mạng hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, lý trí của các nhân vật đều chiến thắng nhưng họ đã phải trả giá cho điều này bằng sự cay đắng, là vết thương không bao giờ liền trong trái tim họ, và cả cái chết. Sự day dứt ân hận, tình yêu và “hận thù” sâu sắc... thì bộ phim này chưa đạt được, dù ba nhân vật chính đều do các nghệ sĩ tài danh đảm nhận. Nhưng không khí cách mạng và tính cách những nhà cách mạng thì bộ phim dựng lại trọn vẹn. Cũng dễ hiểu điều đó vì phim được dựng ở đất nước “cái nôi của cách mạng vô sản thế giới”.

Những hành động của chính quyền nước Ý thời đó đối với nhân dân, với những người chống đối... đến nay vẫn còn hiện diện ở nơi này nơi kia trên thế giới. Do đó, chân dung, lý tưởng và sự xả thân vì cách mạng của những nhân vật như Ruồi Trâu chưa hề lạc hậu, nhất là khi xã hội còn nhiều bất công và không có tự do.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

P/S. Tác giả Ruồi Trâu và Tiếng chim hót trong bụi mận gai – hai tiểu thuyết có mối tình bi kịch - đều là nữ văn sĩ.
... Từ “Ruồi Trâu” đến “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”
Những ông Cha đã trọn đời dâng Chúa
Vẫn nặng nợ trần gian
                                                với một người đàn bà
Huống chi anh
Người trần mắt thịt!
... 30.6.2020

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...