VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG Ở ĐÔ THỊ



Nguyễn Thị Hậu

Tên đường phố ở đô thị (và công trình công cộng) cần được sử dụng lâu dài, có ý nghĩa bền vững qua nhiều thế hệ dân cư. Do đó, người ta thường sử dụng những tên gọi có ý nghĩa giá trị đối với quá khứ và cả tương lai. Nhiều thành phố trên thế giới có các con đường mang tên những giá trị nhân văn vĩnh cửu của nhân loại như Tự Do, Độc Lập, Hòa Bình, Thống Nhất... 

Phổ biến hơn là tên đường từ một số sự kiện lịch sử quan trọng nhất của quốc gia, của thành phố; tên các nhân vật lịch sử, nhà văn hoá, nhà khoa học... có công lao đặc biệt được công đồng ghi nhận, đã được thời gian kiểm chứng đánh giá những đóng góp của họ cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố đất nước. Những địa danh lịch sử - văn hoá nổi tiếng của đất nước, địa danh dân gian nôm na nhưng trở thành một phần lịch sử và ký ức đô thị... Đó là những yếu tố tạo nên sự bền vững của tên đường phố.  

Sau năm 1975 TP Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều tên đường phố, trong đó có những đường mang tên các vị chúa, vua, công thần thời Nguyễn. Nhiều năm trước TP. Hồ Chí Minh cũng đã đặt (lại) tên đường Alexandre de Rhode với ý nghĩ ghi nhận sự đóng góp của ông cho việc hình thành chữ quốc ngữ ở VN. Theo thời gian, căn cứ vào tư liệu và nhận thức mới, việc nghiên cứu lịch sử thời Chúa Nguyễn và triều Nguyễn ở vùng đất phía Nam ngày càng sáng tỏ, khách quan và nhân văn hơn. Hiện nay một số nhân vật lịch sử thời Nguyễn đã/vẫn có tên đường ở TPHCM và một vài địa phương.

Danh thần Lê Văn Duyệt là người có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam bộ nói chung và Gia Định - Sài Gòn nói riêng. Chính vì vậy việc đặt (lại) tên đường Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh vừa là thể hiện sự ghi nhớ công lao của tiền nhân, vừa đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của người dân thành phố và các tỉnh Nam bộ với một vị danh thần thời Nguyễn, mà “Công” và “Đức” của ông được nhân dân lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.

Với những sự kiện như cuộc chiến bảo vể quần đảo Trường Sa trên biển Đông vào năm 1988, mới đây UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao các đơn vị triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về đặt tên 61 đường tại TP Nha Trang. Trong đó có hai đường mới tại khu tái định cư Vĩnh Hiệp được mang tên Trần Đức Thông và Trần Văn Phương, là hai Anh hùng liệt sĩ, hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chống quân Trung Quốc xâm lược để bảo vệ quần đảo Trường Sa tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Những trường hợp nêu trên cho thấy, các vấn đề mà nhiều năm trước đây bị coi là “nhạy cảm, tế nhị” thì nay đã được công khai ghi nhận trên tinh thần khoa học và ý thức chính trị đúng đắn. Điều này còn là biểu hiện sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, giới nghiên cứu và cộng đồng trong việc bảo tồn và tạo dựng “văn hóa đô thị”: nhận thức của chính quyền, cập nhật kết quả nghiên cứu khoa học lịch sử và sự đồng tình của cộng đồng. Ý thức tôn trọng lịch sử là sợi dây liên kết tạo nên sự đồng thuận của xã hội.

Đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh có quá trình 300 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều biến động lịch sử và đa dạng về văn hoá... Do đó tên đường phố cần phản ánh toàn diện quá trình lịch sử - văn hoá của thành phố  và Nam bộ chứ không chỉ thiên về giai đoạn gần đây là nửa sau thế kỷ XX. Một thành phố mà tên đường phố được phổ biến trong cộng đồng, ý nghĩa của những tên đường là niềm tự hào của cư dân, có giá trị lịch sử - văn hoá thì thành phố đó đang và sẽ gìn giữ, bảo tồn được bản sắc và truyền thống của mình.

Hình ảnh: Nhà thờ Đức bà, tên Quảng trường "Công xã Paris" và đường mang tên Giám mục "Nguyễn Văn Bình" liền kề nhau, rất khoa học, tạo thành một khu vực dễ nhớ, gây ấn tượng. 

Tên đường Sài Gòn, xưa giờ sao không biết? - Xã hội - ZINGNEWS.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...