Ngòai kia là pháo hoa...


 Chiều cuối năm, tạm kết thúc những bận rộn, trong nhà ngoài đường khắp nơi vang lên Giai điệu Happy New Year , một giai điệu luôn mang lại chút bâng khuâng, buồn buồn... Một năm lại đã qua, vậy mà nhiều cái vẫn còn dở dang...

Cảm giác dở dang vì luôn chờ đợi một điều gì đó kỳ diệu sẽ đến. Như bây giờ chẳng hạn, nếu có thật một bà tiên, chắc bà sẽ mang đến cho mình một hạt dẻ chứa đầy những lời yêu thương từ nơi ấy. Hạnh phúc hiếm hoi hiện ra thóang chốc như cầu vồng một ngày mưa rào mùa hạ, bảy sắc lung linh, nhưng nhòe đi rất nhanh, chỉ còn sự nuối tiếc vì đã không giữ lại được những màu sắc kỳ diệu của nó.

Làm gì có sắc màu cầu vồng rực rỡ, chẳng qua là sự khúc xạ ánh sáng mặt trời mà thôi. Làm gì có bà tiên và những hạt dẻ thần kỳ, chẳng qua mỗi người và mọi người đếu muốn tin vào những điều kỳ diệu như khi còn ở tuổi ấu thơ...
Dường như cả đời dở dang... Ngày hôm qua đã qua...  Mười năm cũng là chớp mắt đã trôi xa...
Một ngày mới đang đến, và một năm mới...
CHÚC MỪNG KỶ HỢI 2019!

Kết quả hình ảnh cho pháo hoa 2019


CÓ TÌNH YÊU SÀI GÒN NHƯ THẾ

Quán cà phê “Người Sài Gòn"


Rảnh, bỗng muốn đi đâu đó, nơi nào văng vắng, với một ly cà phê, đọc sách hay đơn giản chỉ là ngồi đó thôi… Lướt qua trong đầu những quán cà phê từng đến. Quán này quán khác… nói chung là nhiều quán có thể đến đó…
Nhưng có một nơi muốn đến mà không được, vì nó không còn ở chỗ cũ, vì chưa biết lúc nào nó sẽ hiện diện lại, mặc dù cái tên của nó thì sẽ mãi còn. NGƯỜI SÀI GÒN.
Biết quán này đã vài năm tuy ít đến, vì không tiện đường thôi. Nó nằm trong một hẻm nhỏ. Như mọi con hẻm khác, nó vốn là hẻm của những ngôi nhà “phố” liền kề nhau chung tường chung mái chung cả hệ thống điện nước, thậm chí cả hệ thống vệ sinh… Nó được người Pháp xây khoảng hồi đầu thế kỷ XX, cho những gia đình công chức thị dân đã có chút phong cách “Tây” trong sinh hoạt. Hẻm nằm trên con đường trung tâm nhưng không quá đông đúc nhộn nhạo như những con đường lớn xung quanh mà ung dung bình thản, như một thiếu phụ biết rõ sự quyến rũ của mình ngay cả khi im lặng giữa những thiếu nữ hớn hở nói cười…
Giữa hàng trăm hàng ngàn quán cà phê ở Sài Gòn, “Người Sài Gòn” cũng mang một vẻ đẹp thiếu phụ như vậy. Nó ở trên gian gác gỗ tường gạch đôi lớp vữa trát đã ẩm mềm vì thời gian. Nó có bức tranh dài vẽ những đàn bà Sài Gòn điệu đàng mà gần gũi. Nó có những bức hình đen trắng đậm nhạt màu thời gian trên tháp chuông trên hàng cây trên con đường mà giờ đây sặc sỡ hình màu.
Vài lần đến đó vào những tối không có ca nhạc, khách vắng, có thể ngồi trò chuyện với cô chủ nhỏ, về Sài Gòn xưa về Sài Gòn nay. Lâu lâu thấy cô chủ ngả đầu vào vai người bạn hay đôi bàn tay quấn quýt với nhau, như nhìn thấy hình ảnh của mình hồi xa lơ xa lắc...
Một đêm nào đó có chàng lãng tử với cây guitar nâng đỡ cho những giọng ca ngọt ngào những bản bolero dìu dặt, gợi nhớ một quá khứ khách trong quán chưa từng trải qua mà chỉ được chiêm nghiệm qua ký ức Sài Gòn. Ký ức không chỉ “truyền” từ thế hệ này sang thế hệ khác mà nó còn “di” từ văn học, từ bài ca, từ bức hình, từ ngôi nhà cổ từ con đường xưa đến với những ai dù chỉ một lần tình cờ nhìn thấy nghe thấy…
Vậy là đủ để cho hai chữ Sài Gòn được ngự trong tâm trí bao người.
Ừ thì tất cả nhà trong hẻm bị người ta lấy lại cho thuê với giá cao hơn nhiều lần (không muốn ai thuê được thì hét giá vậy đó); ừ thì chưa tìm được nơi nào thật “Sài Gòn” như gác nhỏ “đìu hiu” ngày đầu tuần và kín khách ngày cuối tuần, ừ thì dọn đồ đi gửi mà nấn ná từng cái bàn cái ghế, từng vệt sơn hồi nào tự tay lăn trên tường…
Khi nào mở lại quán thì khách cũ vẫn đến với “Người Sài Gòn” mới. Khách mới lại sẽ đến với một “Người Sài Gòn” xưa. Cũ mới xưa nay luôn đan cài với nhau, ai cũng có thể tìm thấy chút gì “Sài Gòn của mình” ở đó. Bởi vì nếu vẻ đẹp có thể hợp nhãn người này mà không vừa mắt người kia thì vẻ duyên dáng có thể quyến rũ bất cứ ai. Bởi vì cái duyên chỉ có được từ sự giản dị và tử tế.
Mà Người Sài Gòn của tụi mình thì thì cực kỳ duyên dáng, phải hôn?

SÀI GÒN của những ngăn ngắn yêu thương.

Thời gian vừa qua đã có nhiều cuốn sách được xuất bản và bán chạy là những tác phẩm về Sài Gòn, có thể nói hầu hết là những tập tản văn, tạp bút, tùy bút.
Tác giả viết về Sài Gòn già có trẻ có mà trung niên cũng có, nội dung thì muôn hình vạn trạng như cuộc sống Sài Gòn. Mỗi cuốn tản văn, tạp bút như một nồi lẩu phong phú những “chất liệu” khác nhau, tuy  nhiên vẫn có thể nhận ra “lẩu” của người Sài Gòn “xịn”, lẩu của người nhập cư mươi năm trở thành “người Sài Gòn” vì… có cuốn sổ hộ khẩu, hay lẩu của người mới vô Sài Gòn vài năm còn ở nhà trọ việc làm chưa ổn định. Có tác giả là người viết không chuyên, họ như từ trang facebook bước ra mang theo những “ân oán giang hồ” với Sài Gòn mà nếu không tỏ bày, chia sẻ thì họ cảm thấy mình như còn mắc nợ Sài Gòn, một món nợ nghĩa tình không dễ gì đền đáp.
Mỗi người viết nhìn Sài Gòn từ những góc khác nhau về thời gian, không gian, lứa tuổi, công việc nghề nghiệp, sự trải nghiệm, các mối quan hệ… Ở góc độ nào thì “nồi lẩu” của họ đều thể hiện được đặc trưng của nó, hệt như khi ta vào quán lẩu có thể thưởng thức các món lẩu cá kèo, lẩu gà lá giang, lẩu chua cay Thái, lẩu cua đồng rau mồng tơi, lẩu riêu cua thịt bò, lẩu canh chua cá lóc, lẩu mắm, lẩu cá thác lác khổ qua bào… được nấu đúng như món lẩu đó cần phải như thế.
Thực ra Sài Gòn không có một loại lẩu của riêng mình. Mỗi loại lẩu có “xuất xứ, niên đại” khác nhau nhưng khi tụ hợp về Sài Gòn thì dường như tất cả đều trở thành “lẩu Sài Gòn” bởi sự dung hòa, có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng, cho đúng “gu”, do vậy ai cũng ăn được ai cũng thích, quan trọng là được ăn cùng bạn bè, người thân trong không khí của một quán lẩu “rất Sài Gòn”.
Những cuốn tản văn, tạp bút về Sài Gòn mang lại cho tôi cảm giác đó.
Tình cờ trên giá sách của tôi các tập sách của ba tác giả sau đây đứng cạnh nhau, với tôi họ là đại diện cho ba thế hệ người Sài Gòn. Đó là nhà văn Trần Tiến Dũng, “người lữ hành kỳ dị” blogger Đàm Hà Phú và nhà văn “ngôn tình” trẻ Anh Khang.
Nhà văn Trần Tiến Dũng là người “Sài Gòn xịn”, không chỉ theo nghĩa gần như cả đời ông sống ở Sài Gòn mà còn vì các tác phẩm của ông thấm đẫm chất Sài Gòn: giản dị, tưng tửng, hóm hỉnh mà sâu sắc, da diết… Đặc biệt khi ông viết về ẩm thực Sài Gòn trong tập Món ngon, gia vị và cảm xúc mới được xuất bản. Từ món ăn đơn sơ nơi góc bếp của Mẹ thời thơ ấu đến thế giới ẩm thực muôn màu muôn vị ở Sài Gòn, người đàn ông từng trải này đã “nấu lại” và nêm vào đó thứ gia vị cảm xúc là những lời thủ thỉ tinh tế, nhẹ nhàng mà thấm đẫm yêu thương. Chỉ qua những “món ngon” thôi ông đã vẽ nên một Sài Gòn “đậm đà bản sắc gia vị quê nhà và đô thị đa văn hóa ẩm thực thân quen”. Và tôi hiểu nhà văn Trần Tiến Dũng không chỉ nói về món ngon Sài Gòn mà ông còn dựng lại ký ức của cả một thế hệ đi qua thời chiến tranh nhưng lại mất mát nhiều  trong hòa bình.
Đàm Hà Phú nói về mình: “Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ, vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì. Tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.
Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.
 
Có lẽ không cần nói thêm gì về những “Chuyện nhỏ Sài Gòn” của blogger nổi tiếng này. Sài Gòn của Phú hồn nhiên, nhân hậu, hào sảng… hệt như Phú, một người nhập cư như hàng triệu người khác nhưng chất Sài Gòn - miền Tây đã thấm sâu vào anh. Có thể coi Phú là đại diện cho lứa tuổi trưởng thành ở Sài Gòn vào thời hậu chiến, bình thản đón nhận cuộc sống nhọc nhằn khó khăn nhưng chính họ đã luôn mang lại sức sống mới cho Sài Gòn. Chính điều đó đã làm nên một tình yêu Sài Gòn khó nói thành lời nhưng vô cùng sâu bền ở họ.

Anh Khang gần đây nổi lên với những cuốn sách dành cho tuổi teen được phát hành đến hàng chục ngàn bản. Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em là tập tùy bút đầu tiên về Sài Gòn. Nếu những tập truyện ngắn của Anh Khang có thể coi là “ngôn tình” nhẹ nhàng đầy cảm xúc của tuổi mới lớn thì tập tùy bút này là những suy nghĩ lãng mạn, thậm chí hơi “sến sủa” nhưng lại khá già dặn, chững chạc của cậu trai Sài Gòn thế hệ 8x.  "... hạnh phúc của mọi cuộc hành trình rốt cục không nằm ở đoạn đường đã đi, mà chính ở khi quay về. Thấy vẫn có một bóng hình đứng chờ lặng lẽ, những kỷ niệm be bé ban sơ vẫn mỉm cười đón mình trở lại. Rưng rưng nhận ra, những thân thương xưa cũ hình như vẫn chưa một lần bội bạc. Dẫu mình đã khác lắm sau ngần ấy tháng năm".  Từ những chuyến đi ngắn ngày qua nhiều nước nhiều địa danh nổi tiếng, cậu trai sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn đã để dành từng cảm xúc nhớ nhung từng câu chữ yêu thương cho nơi có gia đình ấm áp, nơi có mối tình đầu đã chia xa, và là nơi, tôi tin, Anh Khang sẽ luôn dành cho nó một tình yêu mãnh liệt!

Ba tác giả, ba thế hệ, ba văn phong. Từng trải, trầm tĩnh hay “giang hồ”, hóm hỉnh hay lãng mạn “sên sến”… Với tôi, họ là những người Sài Gòn và viết về Sài Gòn thật hay! Tình cảm từ trái tim được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ chân thật, không có những câu từ uốn éo “cao sang”, không đánh đố người đọc, cũng không chao chat nghiệt ngã khi nói về những được mất... Mỗi góc nhìn của họ đều lấp lánh vẻ đẹp của một Sài Gòn khoan dung giản dị đời thường mà đa dạng và bền vững theo thời gian.
Đọc họ, tôi chợt nhận ra một điều, Sài Gòn không cần cái danh “người Sài Gòn xịn” để chỉ những người ba bốn đời sống ở Sài Gòn với những cảnh vẻ nền nếp xa xưa. Với Sài Gòn, người Sài Gòn xịn là những ai hết lòng sống với Sài Gòn, hết lòng yêu Sài Gòn, hết lòng nhớ Sài Gòn, bất kể họ ở Sài Gòn từ khi nào và họ từ đâu đến.
Và tôi biết, nhiều người đang ở rất xa nhưng vẫn là người Sài Gòn dù trong họ, Sài Gòn chỉ còn là ký ức.

Nhớ Hà Nội Yêu Sài Gòn
Ông bạn nhắn, bà rảnh không, cà phê?
Vậy là hai người về hưu gặp nhau ở quán cà phê góc đường Nguyễn Huệ. Một không gian sang trọng kín đáo, ấm cúng và thoải mái như còn giữ lại chút gì đó của một Sài Gòn ngày xưa, thật ra cũng không xưa lắm đâu, là những ngày đầu tiên hai đứa từ Hà Nội vào đây, năm 1975.
Ngồi trong quán giữa trưa tháng Một (tháng mười một âm lịch theo cách gọi bây giờ người trẻ ít biết là tháng Một, rồi đến tháng Chạp, tháng Giêng…), nhìn ra con đường Nguyễn Huệ đã thành “quảng trường” lát đá rộng rãi, hai bên là hàng cây lộc vừng chưa bén rễ sâu còn đang được chằng chéo, nắng vàng rực nhưng không nóng gay gắt bởi có những làn gió mát từ sông Sài Gòn. Không khí Giáng sinh đón năm mới dương lịch đã tràn ngập con đường trung tâm thành phố, ông già Noel áo đỏ trên cỗ xe tuần lộc và cây thông xanh trên nền tuyết trắng trang trí trước cửa hàng, khách sạn… làm cho hai bạn già nao nao nhớ về mùa đông xứ Bắc.
“Nỗi nhớ mùa đông”, một nỗi nhớ rất riêng mà cũng rất chung cho người xa Hà Nội. Nhớ cái lạnh đầu đông, nhớ mùa lá rụng, làn sương lảng bảng hồ Tây hay phủ mờ hồ Gươm êm đềm giữa phố phương náo nhiệt, nhớ cây cầu cũ màu thời gian, những màu hoa suốt bốn mùa, mùi thơm thoang thoảng của cốm mùa thu, chén chè mạn nóng bỏng sớm mùa đông, của nắm xôi xéo gói lá sen già, của hàng phở đầu đường cả phố thơm lây… Ngày xa Hà Nội ở tuổi mới lớn nhưng bạn còn kịp nhớ hơi ấm của đôi tay bện xoắn vào nhau một đêm se lạnh cuối thu… Tất cả hoài niệm bền chặt trong tâm tưởng. Thế mới hiểu vì sao nhiều người Hà Nội đi xa tâm hồn bỗng hóa thành “thi sĩ”, và văn nghệ sĩ thì tỏa sáng hơn qua những tác phẩm viết về Hà Nội từ nơi xa Hà Nội. Đau đáu một niềm nhớ nhung những cảnh những mùa những ký ức xa xưa…
Câu chuyện của hai “bạn già” lan man từ chuyện các cụ (cha mẹ) đi kháng chiến thế nào, rồi con cái lớn lên trong thời chiến ra sao, đến những ngỡ ngàng ngày đầu vào Sài Gòn tới nay sống ở đây đã tròn bốn mươi năm. Ừ, chúng ta đã sống ở Sài Gòn hai phần ba cuộc đời rồi đấy, ông bạn nói mà như chưa tin vào điều đó.
Này, vì sao nhớ Hà Nội vậy mà mình vẫn sống ở thành phố phương Nam này gần hết đời người? Ông bạn trầm ngâm kể lại. Hồi vô Sài Gòn ở trong một chung cư nhỏ có khoảng chục căn nhà, trước là căn hộ cho thuê, sau 75 toàn người Bắc được “cấp nhà” ở đó. Hàng ngày có anh chàng bán và sửa valy, giày dép cũ đến “mở tiệm” nhờ ở ngay cổng nhỏ, sáng chiều lúc dọn hàng anh quét dọn vỉa hè sạch sẽ, hàng tháng anh gửi lại tiền “thuê mặt bằng” bằng cách trả tiền đổ rác cho cả khu nhà dù không ai đòi và số tiền cũng nhỏ thôi, nhưng “sẵn tiện tui trả luôn rồi”. Rồi sau có một nhà neo đơn khó khăn tối tối dọn cái bàn với mấy cái ghế, bán vài chai nước ngọt bao thuốc lá… Cả khu nhà cũng không ai nói ra nói vào gì cả, thỉnh thoảng còn mua giúp điếu thuốc cái kẹo sing gum. “Hình như Sài Gòn làm cho người ta rộng lòng với nhau hơn”.
Còn tôi, ở Sài Gòn tôi thích nhất là khi đi chợ không lo bị quát nạt mắng mỏ. Hồi mới từ Hà Nội về khi ra chợ nghe được người bán gọi bằng con xưng dì ngọt ngào, không mua gì cũng cám ơn, nhắn nhe lần sau mua giúp nghen con. Lời chào mời nhiệt tình nhưng không khách sáo, coi chuyện mua bán là giúp nhau. Đến bây giờ ở những chợ hẻm lâu đời, ở chợ lớn mà đã quen thì người bán người mua vẫn thân thuộc vậy, đi chợ nghe than hàng họ rau cỏ đắt đỏ nhưng người bán vẫn cho thêm nắm hành ngò hay vài trái ớt, người mua cũng mua giùm mớ rau miếng thịt đắt hơn mấy ngàn.
Từ những điều giản dị như thế trong cuộc sống, mỗi ngày chúng ta yêu Sài Gòn hơn, như thể đây là nơi ta đã sinh ra! Nhiều người đến rồi ở lại thành cư dân thành phố này đều có một tình yêu với Sài Gòn. Yêu Sài Gòn vì không người Sài Gòn nào coi mình là “Sài Gòn gốc”, không làm ai mặc cảm là người nhập cư hay nhà quê, dù nhiều người đến Sài Gòn thì kêu bằng “lên thành phố”. Yêu Sài Gòn vì ai ở đây cũng có một quê hương, dù Bắc hay Trung hay miền Tây thì cũng coi như gần, rảnh rang là lên xe đò phóng xe máy về quê, một hai ngày hay kỳ nghỉ dài ngày lễ tết… Sài Gòn những ngày này vắng vẻ hơn yên tĩnh hơn, nhưng là sự vắng lặng để chờ đợi những người góp phần làm nên sức sống kỳ diệu của thành phố. Bạn cứ về quê, nghỉ ngơi đi, rồi hãy mang theo tình cảm gia đình lên Sài Gòn. Sài Gòn đủ chỗ cho tất cả, cho mỗi người và cả nỗi nhớ quê hương mà bạn mang theo.
Yêu Sài Gòn nên không ai muốn tên gọi “Sài Gòn” bị gán cho những tin tức cướp giật, cho tình trạng ngập đường kẹt xe, cho sự vô cảm, lối sống chưa văn minh trên đường phố. Đô thị nào cũng là nơi dung chứa nhiều tình trạng phức tạp, cũng là nơi thử thách trình độ quản trị của nhà quản lý, là nơi dân tứ xứ tập cho mình nếp sống thị thành. Những gì tốt đẹp của Sài Gòn vẫn còn đó nhưng ẩn dưới vô vàn bề bộn của thành phố đang trong cơn chuyển mình “hiện đại hóa”.
Sài Gòn biết nhiều người sống với mình vẫn luôn nhớ nhung một cõi quê xa. Có sao đâu, vì Sài Gòn hiểu rằng tình cảm mọi người dành cho mình không bằng ngôn từ bóng bẩy mà cụ thể hơn, đó là ở thành phố này mỗi người đều sống hết mình và rồi sẽ trở thành người Sài Gòn.
Có tình yêu nào sâu nặng hơn như thế?

Kết quả hình ảnh cho yêu Sài Gòn



TẢN MẠN VỀ CHỢ



Chợ Tết

Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận. Gần nhà, giữa xóm lao động và vài chung cư của công chức có một chợ nhỏ hình thành từ lâu rồi, có đến hơn sáu bảy chục năm. Chợ nhỏ nhưng cũng đủ thứ hàng hoá: trong nhà lồng là những sạp vải vóc quần áo giày dép đồ khô nhang đèn… Bên ngoài, trên bốn con đường nhỏ là khu vực bán đồ tươi sống: thịt cá tôm cua ếch, rau xanh, đậu hũ, rồi người ta dựng thêm hàng dù, dưới đó là mấy hàng quần áo con nít, vớ tất đồ lót, hàng “xuất khẩu”, chén bát bằng nhựa, hàng đồ khô hành tỏi nấm… Mặt tiền chợ là mấy quầy mỹ phẩm, vàng bạc, mấy hàng hoa tươi… rồi những hàng khác theo nhau mọc lên bao quanh nhà lồng, có thêm vài cửa tiệm uốn tóc, cắt may sửa quần áo, tiệm bánh ngọt, nơi rửa xe máy, nơi gửi xe… chợ nhỏ thành “chợ lớn” hồi nào không hay, nhất là vào ngày chủ nhật và lễ tết.

Bình thường chợ chỉ bán vào buổi sáng. Từ khoảng 5g là xe ba gác, xe máy chở thịt cá rau xanh đã chạy ào ào vô chợ. Những nhà quanh chợ hoặc mở cửa hàng, cho thuê mặt tiền cũng lục tục dọn hàng. Đến khoảng 10 giờ sáng thì chợ vắng dần, đến trưa thì tan chợ, chỉ còn mấy quầy mỹ phẩm, quầy vàng bạc (kiêm đổi tiền “chui”) và những nhà bán hàng đồ khô thì mở cửa cả ngày.
Một năm chỉ vài ngày giáp tết là chợ tấp nập suốt ngày, chỗ gửi xe máy đông nghẹt, chờ gửi chờ lấy xe lâu gần bằng đi chợ.

Mấy năm nay được nghỉ tết nhiều hơn mọi năm, chợ tết cũng tấp nập sớm hơn. Từ sáng 28 tết những con đường quanh tết đã không còn chỗ chen chân. Hàng trái cây rau xanh hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã… Hoa vàng khắp nơi, ừ, Tết phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu cành đào, đâu còn là tết.
Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Vinh, Cần Thơ nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục, bánh chưng Bắc vuông vắn được ép trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm, không lại gạo không thiu trong tiết trời nắng phương Nam. Giò chả thịt nguội các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, nhìn đã thấy những cuộc nhậu tưng bừng.

Đi chợ Tết những bà nội trợ thường đến ngay những quầy hàng quen, mua hàng ngày tết khỏi trả giá, chỉ có hỏi giá, lựa hàng rồi tính tiền. Có than mắc hơn thì cũng nhận được câu trả lời như nhau “tết mà”! Sáng 29 tết còn được dặn, bữa nay chị mua đi, nếu không đặt cọc cho em, chứ tới mai là lên 1,2 giá nữa đó. Khủng hoảng lạm phát gì không biết, lương chậm thưởng ít đâu không biết, chợ tết vẫn đông nghẹt, vẫn mua bán ào ào… Những gói quà biếu chủ yếu cũng là đồ ăn uống: bánh mứt kẹo rượu cà phê… Đúng là dân Việt mình “ăn tết” thật.
Trưa Ba mươi, chợ vắng dần, chỉ còn mấy anh chị công nhân vệ sinh dọn dẹp hàng đống rác. Chợ sẽ nghỉ ngơi đến sáng mùng Ba sẽ lác đác có người bán hoa, bán thức ăn tươi nấu bữa ăn cúng tiễn ông bà. Gần cổng chợ có đoạn đường xe lửa chạy qua, chiều 30 tết đoàn tàu mệt mài chạy, vẫn còn những hành khách cuối cùng về miền Trung hay ra miền Bắc sum họp với gia đình. Sài Gòn có hơn  hai triệu người nhập cư, cũng gần chừng ấy người về quê vào dịp đó, để lại Sài Gòn những ngày vắng vẻ, yên tĩnh hơn, bắt đầu từ khi tàn phiên chợ Tết.

Chợ nhà lồng

Cụm từ “chợ nhà lồng” xuất phát từ Nam bộ (dân gian thường kêu “nhà lồng chợ”), ở Bắc bộ hầu như không sử dụng tên gọi này cho những ngôi chợ xây. Có thể thấy từ này mang ý nghĩa tượng hình cho biết hình thức chợ giống như cái lồng: có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, rộng rãi, đặc biệt là tuy có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thông thoáng. Không gian chợ nhà lồng giới hạn bởi mái cao, gian chợ rộng, có hàng cột bốn phía đỡ mái, nền cao tránh ngập nước cũng là để phân biệt với không gian ngoài chợ. Nhưng không gian trong và ngoài nhà lồng có thể kết nối với nhau và với xung quanh vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn, dễ dàng tiếp cận.

Các thị tứ, thị trấn Nam bộ thường có các chợ nhà lồng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Khác với Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng chợ nhà lồng chắc được người Pháp đưa vào Nam bộ khá sớm, vì có thể nhận thấy các chợ nhà lồng cổ hiện còn có kiến trúc, hình thức, quy mô, thậm chí vật liệu xây dựng cũng khá giống nhau, tức là có cùng một khoảng niên đại.

Những lần có dịp đi Pháp làm việc hay du lịch, tôi thường bắt gặp trong nhiều làng cổ ở Pháp ngôi chợ “nhà lồng” cũng ở trung tâm của làng hay khu vực dân cư tập trung đông. Làng nào cũng có hai công trình công cộng là nhà thờ và chợ, nhưng chợ thì không xây dựng trước nhà thờ hoặc gần các công trình tôn giáo. Qua tìm hiểu, tôi được biết trước đây chợ nhà lồng không chỉ có chức năng mua bán hàng hóa mà còn thêm chức năng thông tin. Ở đô thị các thông tin có thể được chính quyền thông báo tại trụ sở, trung tâm hành chính; còn trong cộng đồng dân cư nhỏ như làng thì thông tin được thông báo bằng văn bản dán hoặc đọc tại các chợ. Những thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của dân cư trong làng. Vì vậy, chức năng thông tin của chợ nhà lồng rất quan trọng.

Tại Pháp công tác bảo tồn những công trình cổ rất tốt, không chỉ gìn giữ lại phần vật chất, thực thể của công trình mà còn duy trì, nuôi sống được cái hồn của mỗi công trình cổ. Những ngôi chợ cổ ở Pháp hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngày lễ hội, cuối tuần và phục vụ trong những thời gian đông du khách như mùa hè. Xưa đây là nơi nhộn nhịp và sinh động nhất trong cuộc sống của người dân tại làng quê Pháp thì nay là nơi họ có thể trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực độc đáo – niềm tự hào của làng quê. Chợ hoạt động phục vụ nhu cầu của dân bản địa và khách du lịch. Loại hình chợ này rất thuận tiện cho mọi người có nhu cầu tham quan, mua sắm thoải mái.

Một điều bất ngờ và thú vị là trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp của Paul Doumer, toàn quyền Đông dương 1897 – 1902 đã nói đến vai trò của chợ nhà lồng trong các làng ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Trong đó Paul Doumer xác nhận rằng ở Nam kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến, ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên mảnh đất rìa làng; sau đó những người bán hàng ở chợ đã được ngồi bên dưới một công trình có mái che như ở Pháp nhưng bốn phía thông thống để gió vào, rất thích hợp với khí hậu ở Nam kỳ; rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ hiện đại là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên lợi ích quan trọng nhất của chợ là làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn để làm công quỹ.

Như vậy, chợ nhà lồng ra đời không chỉ là sự thay đổi về hình thức của “chợ quê” mà còn là sự thay đổi một cách thức buôn bán: trong số những người đến chợ mua bán theo kiểu tự cung tự cấp có những người trở thành “chuyên nghiệp” vì buôn bán thường xuyên và cố định trong nhà lồng, họ có nghĩa vụ đóng thuế - chính thức hóa nghề nghiệp. Và nguồn thu từ thuế chợ trở thành một nguồn kinh phí cho hoạt động công ích của làng xã.

Hiện nay rất đáng tiếc là nhiều nơi ở Nam bộ đã phá chợ nhà lồng mà xây nên những “trung tâm thương mại” hoành tráng mà vô hồn, chỉ còn lại một số  ít ngôi chợ nhà lồng cổ xưa. Bên cạnh việc bảo tồn “chợ nổi” trên sông nước như một nét độc đáo của văn hóa và du lịch miền Tây thì chợ nhà lồng cũng cần được bảo tồn và duy trì hoạt động vì đã lưu giữ nét “văn hóa thương nghiệp” độc đáo của các thị tứ Nam bộ. Với giá trị lịch sử như vậy chợ nhà lồng hoàn toàn xứng đáng được coi là di sản văn hóa của Nam bộ, cả ngôi nhà lồng và những sinh hoạt chợ truyền thống ở đó.

Chợ nơi đô thị

Chợ là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa trong một khu vực địa lý. Ở đô thị ngày nay chợ “truyền thống” là một trong số ít ỏi dấu tích còn lại của những làng xóm xưa, điểm lại các chợ ở Sài Gòn ta nhận ra phần lớn tên chợ lưu lại địa danh quen thuộc một thời nổi tiếng: Đa Kao, Cầu Kho, Tân Định, Xóm Chiếu, Bàu Sen, Bà Chiểu, Thị Nghè, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hòa Hưng…

          Nam bộ sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ xưa là nơi bến sông ghe xuồng neo đậu trao đổi hàng hóa nông sản. Dần dần trên bờ hình thành thị tứ, có nhà cửa, tiệm chạp pô, tiệm ăn, kho hàng của người Hoa, rồi hàng thịt cá rau trái bày bán giữa đường hay trên các sạp dựng ở lòng đường, dần hình thành một cái chợ… Chợ Bến Thành xưa – nay là Chợ Cũ cũng được hình thành như vậy. Người Pháp mang đến kiến trúc “nhà lồng” cho chợ Bến Thành mới, từ đó “nhà lồng chợ” thường là trung tâm của một thị tứ ở Nam bộ. Người ta đánh giá địa phương đó có trù phú, phát đạt hay không là nhìn vào quy mộ của nhà lồng chợ. Trong cuốn hồi ký của Paul Doumer toàn quyền Đông Dương hồi đầu thế kỷ 20 có nhận xét rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy.

Ở Sài Gòn nhiều chợ có đặc điểm riêng về dân cư và sản phẩm.  Đi mỗi chợ có thể nhận biết nhiều điều về nơi ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô. Đi chợ hàng ngày là nhu cầu không phải chỉ mua bán mà còn là gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ xã hội. Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… biết giá cả chất lượng hàng hóa và còn có thể biết được tình cảm của những người mua bán. Hiện nay chợ truyền thống thường là nhà lồng cao ráo, thông thoáng, sạp hàng bố trí, sắp xếp khoa học, vệ sinh môi trường tương đối tốt, bên cạnh đó là việc giữ gìn “thương hiệu” ngành hàng của những tiểu thương buôn bán lâu năm.

Những chợ hẻm, chợ vỉa hè… mọc lên ở những khu dân cư mới chỉ có siêu thị mà không có chợ. Đó là nhu cầu hàng ngày của phần đông dân cư, bởi vì đâu thể nhốt mọi sinh hoạt thường nhật của người dân vào các trung tâm thương mại hào nhoáng và lạnh lùng.  Khi nhà quy hoạch không lưu ý nhu cầu này thì tất yếu sẽ có chợ tự phát, dẫn đến lấn chiếm lòng lề đường, cản trợ giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường… Nhưng trong những xóm lao động hay khu công chức lâu đời vẫn còn nhiều chợ hẻm chỉ nhộn nhịp bán mua vào buổi sáng, đến trưa thì chợ đã tan. Hẻm trở lại yên tĩnh thậm chí còn có tiếng gà gáy te te lúc đứng bóng… Bạn tôi làm việc ở Thái Lan, nhà trong một hẻm nhỏ có cái chợ giống hệt như vậy: cũng những xe bán trái cây, rau củ, xe bán thức ăn chín, sạp quần áo treo đồ lên hàng rào, rồi xe nước ngọt siro đá bào, gánh chè, xe hủ tiếu nước lèo thơm phức… Bạn nói, chọn thuê nhà ở đây là vì cái chợ này, ra vô nhìn thấy nó như mình đang ở Sài Gòn.

Hiện nay siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Nhà đầu tư thường chọn ngay vị trí chợ truyền thống hoặc địa điểm công cộng – tức là chiếm đoạt giá trị về ký ức nơi chốn của cộng đồng - để xây dựng những tòa nhà cao tầng, hình thức kiến trúc và nội thất trang trí sắp xếp như nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang địa danh truyền thống. Trong đó việc mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Siêu thị, trung tâm thương mại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị hiện đại: coi trọng sự riêng tư, cá nhân, chủ yếu là sự “tương tác” giữa người mua hàng với sản phẩm, quan hệ người mua người bán không còn,  “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… Tính chất văn hóa địa phương (đặc sản, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại mà là ứng xử “văn minh thương nghiệp” phổ biến mọi nơi.

Thành phố dù hiện đại đến đâu cũng cần những ngôi chợ truyền thống, không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn là một địa điểm du lịch, bởi vì nó phản ánh văn hóa địa phương qua sản phẩm, ẩm thực, ứng xử giao tiếp của con người… Lưu giữ chợ truyền thống vì hoạt động thương nghiệp của tiểu thương và khách hàng cũng là những giá trị văn hóa. Siêu thị và trung tâm thương mại không thể thay thế hoàn toàn chợ, kể cả chợ bán lẻ và nhất là những chợ đầu mối, bán sỉ và có truyền thống lâu đời.

Bảo tồn chợ truyền thống cần bắt đầu từ việc bảo toàn giá trị ký ức từ địa điểm nơi chốn, bảo toàn giá trị văn hóa qua sản phẩm và ứng xử trong mua bán. Và trước hết, nó phải được bắt đầu từ tư duy và sự hiểu biết của các nhà quản lý và quy hoạch đô thị.

 Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu 
Chợ Cũ Sài Gòn thập kỷ 1960
Kết quả hình ảnh cho chợ Cũ Hàm Nghi Sài Gòn













Linh tinh lang tang (360) :D



Mình chơi mạng xã hội từ thời Yahoo 360, khoảng cuối 2005. Lấy nick Hậu khảo cổ từ lúc ấy vì chủ yếu post bài viết về Khảo cổ học cho học trò, phần lớn các bài viết đã được tập hợp trong cuốn “Khảo cổ học bình dân Nam bộ VN – từ thực nghiệm đến lý thuyết” (nxb Tổng hợp TPHCM, 2010). Thời ấy bạn bè đồng nghiệp rất ít người biết và dùng mạng xã hội.

Sau khi yahoo 360 không còn thì chơi Multiply, rồi khoảng từ 2010 thì thường xuyên dùng Facebook. Sau đấy, và đến giờ, mình hay nghe có người nói, “bà Hậu có làm khảo cổ nữa đâu mà dùng nick HKC”. Mình nghe, chỉ cười. Mình không “độc quyền”, ai thích dùng thì cứ dùng như thế: A khảo cổ, B khảo cổ, C khảo cổ.... có sao đâu. Khảo cổ đâu của riêng ai, kể cả khi nó là một ngành khoa học J

Dù phải di chuyển và làm nhiều việc ngoài việc mình yêu thích là khảo cổ, nhưng mình tự hào là ở đâu mình cũng làm việc tốt, ở đâu mình cũng học hỏi được nhiều điều. Và không bỏ nghề dù chỉ tiếp tục ở một lĩnh vực nhỏ của nghề, nhưng thực sự cần thiết cho nơi mình đang sống: KCH đô thị. Giờ lại nghe: bà HKC hay viết linh tinh, chỗ nào cũng “có mặt”, hay ho gì! Mình cũng chỉ cười. Ừ, linh tinh mà, không thích thì có ai bắt phải đọc đâu J

Mình, làm cái “gọi là thơ” cũng cách đây cả chục năm rồi, lúc đó vừa chuyển công tác, rảnh rỗi nên xem phim, đọc sách nhiều hơn. Sở thích là phim tình cảm sách “ngôn tình” nên hay “cảm tác” mà viết vài dòng gọi là... Từ đó những cảm xúc về phim ảnh, sách truyện, bài hát, nhạc, có khi là chia sẻ một chuyện riêng tư của bạn bè, đôi lúc là một gì đó khó nắm bắt vừa vụt qua... có cả bức xúc về xã hội... mình hay viết thành các thể loại như “vài phim vừa xem”, “nói về sách”, “linh tinh lang tang”, “vụn vặt đời thường”, và “gọi là thơ”. Không bao giờ coi những bài viết đó là văn chương, vần vèo càng không là “thơ”. Viết như thế nào là do mình thấy thoải mái nhất khi viết như thế, vậy thôi.

Gần đây lại nghe "bà Hậu viết lạt, đáng sợ, viết nhiều, mắc bịnh của bọn chơi FB". Tội nghiệp, có tên tuổi rồi sân si với người nghiệp dư chi cho cực vậy hông biết?
Hết năm rồi xin giả nhời cho ai đó khỏi bận tâm về tôi: “Viết gì mà đọc phát sợ!” – vâng, sợ thì đừng đọc ạ! “Viết gì lắm thế?” – vâng, rảnh quá sợ “nhàn cư vi bất thiện” nên viết để kiếm tiền, được không ạ? Mặn nhạt ư? - Tùy từng khẩu vị, nhà cháu xin lỗi vì không thể nêm nếm theo cái lưỡi của người khác trong bài viết của mình.
Buồn cười là từ những câu truyện nho nhỏ hay một đoạn vần vèo... lại thành những chuyện như thật! giống như “từ cô gà mái rụng một cái lông biến thành ả gà mái nhổ trụi lông vì thất tình”. Hay là, in một tập thơ để mỗi bài thơ như một cái lông rụng, và cả tập thơ sẽ là “cô gà mái thất tình nhổ trụi lông” – như câu chuyện ngụ ngôn nọ J

Nói chung, cuộc đời bên cạnh những chuyện làm người ta phải suy nghĩ cũng có nhiều chuyện vui vui… J

Kết quả hình ảnh cho thị phi

ĐÀ LẠT – VÀNG SON CHỜ ĐỢI HỒI SINH

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

1. Đầu tháng 12.2018 tôi được Dự án Phố Bên Đồi mời tham gia một hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 125 năm thành lập thành phố Đà Lạt.
Đây là khoảng thời gian thời tiết Đà Lạt rất đẹp. Trời se se lạnh, nắng nhẹ đủ để các loài hoa khắp thành phố rực rỡ và tươi tắn... Con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về thành phố khá vắng vẻ nhưng từ đầu đèo Prenn vào trung tâm Đà Lạt thì rất đông Xe hơi chở từng đoàn khách, nhiều du khách thuê xe máy đi từ thành phố ra đây, đường quanh co xe nối đuôi nhau, thỉnh thoảng lại có xe chạy “qua mặt” càng làm con đường chỉ hai làn xe thêm chật chội, may mà đường còn khá tốt.
Dự án Phố Bên Đồi được sáng lập và hoạt động đến năm nay là 3 năm, chủ yếu tại Đà Lạt. Mục đích chính của Dự án là nâng cao nhận thức về việc giữ gìn các công trình kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan đô thị Đà Lạt. Dự án bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, mỗi năm có thêm hình thức mới nhằm thu hút cộng đồng tham gia. Các hoạt động khoa học, nghệ thuật tăng cường sự tương tác thể hiện sự quan tâm và cách thức bảo tồn di sản và không gian sống của thành phố đặc biệt này.
Năm nay Dự án Phố Bên Đồi tổ chức tại Cầu Đất Farm – một nông trại cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30km. Địa danh Cầu Đất gắn liền với một nhà máy thành lập vào năm 1927, được coi là nhà máy trà cổ nhất Đông Nam Á. Trong gian nhà xưởng to lớn còn lưu giữ những chiếc máy được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu hồi đầu thế kỷ 20 như một nhân chứng lịch sử cho công nghệ sản xuất trà nổi tiếng ở đây.
Từ năm 2005 nông trại Cầu Đất được cổ phần hóa và hiện nay có diện tích khoảng 230ha trải dài trên những ngọn đồi nằm ở độ cao1650m so với mực nước biển, chủ yếu trồng loại trà Ô Long giống nhập từ Đài Loan. Ngoài ra còn có nông trại rau sạch, một số loại cà phê. Tất cả đều được trồng và chế biến theo công nghệ khép kín, sạch và hiện đại.
Khu nhà xưởng của Cầu Đất Farm đã được chủ nhân hiện nay bảo tồn và trùng tu, mang hình thức của “Sở trà Cầu Đất” ngày xưa. Bên trong nhà máy ngoài vị trí những cỗ máy cổ còn có không gian của quán cà phê và trà với kiến trúc tái hiện cảnh quan và không khí xưa. Những công trình di tích công nghiệp luôn có không gian rộng rãi và cấu trúc khá bền vững thích hợp với mô hình “trùng tu, bảo tồn” kiến trúc cũ nhưng tạo cho nó một đời sống mới, như Cầu Đất Farm đã làm và mang lại hiệu quả tốt.
Sự kết hợp giữa Dự án Phố Bên Đồi và Cầu Đất Farm thực sự gây ấn tượng với chúng tôi, những người được mời tham gia chuỗi sự kiện tại đây.

2. Chủ đề của Phố Bên Đồi 2018 là “125 năm Đà Lạt - Sống lại Vàng Son”. Tôi cùng hai nhà nghiên cứu: TS.KTS Archie Pizzini, Đại học RMIT (tại TP.HCM) và TS. Olivier Tessier, nhà Khảo cổ học của Ecole francaise d’Extrême-Orient (EFEO tại VN) tham gia cuộc tọa đàm “Di sản kiến trúc & Phát triển đô thị bền vững” do thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi điều hành. Thông qua các nội dung về ký ức đô thị, những loại hình kiến trúc đặc thù ở đô thị VN và Lịch sử quy hoạch thành phố Đà Lạt, chúng tôi nhận được sự quan tâm và nhiều câu hỏi liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững đô thị, cụ thể là Đà Lạt.
Cuộc tọa đàm giữa những “người Đà Lạt” gồm sinh viên, doanh nhân, công chức, nông dân... với ba chúng tôi – là người nghiên cứu ít nhiều về Đà Lạt, đã làm nảy sinh nhiều vấn đề rất hay. Đó là, nếu chọn một biểu tượng cho Đà Lạt thì là công trình nào? Vì sao thành phố ngày nay vắng bóng những sắc dân bản địa – những người đã góp phần xây dựng nên Đà Lạt trong buổi đầu hình thành? Quy hoạch phát triển Đà Lạt hiện nay cần lấy yếu tố nào làm “điểm tựa”?
Đà Lạt có nhiều thế mạnh để bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Đó là cảnh quan tự nhiên đủ núi, đồi, rừng, suối, thác, thung lũng... với khí hậu mát mẻ quanh năm, tạo cho Đà Lạt nhiều cảnh sắc đẹp, độc đáo không nơi nào có được. Đồng thời là điều kiện tốt nhất để phát triển nông nghiệp đặc thù: hoa, rau trái, trà, cà phê, đi cùng là công nghiệp chế biến. Từ những bản quy hoạch và quá trình phát triển Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 đến nay, theo nhận biết của tôi, tính chất đặc thù của Đà Lạt (có thể coi là những ADN của đô thị này) là:
- Thành phố “thung lũng ngàn hoa” (địa hình, khí hậu và thực vật đặc trưng)
- Thành phố nghỉ dưỡng, du lịch (chức năng chủ yếu)
- Thành phố của biệt thự, công trình tôn giáo (nhà thờ, tu viện, chùa)
- Thành phố trung tâm của vùng Cao nguyên (vị trí địa lý thuận tiện giao tiếp với Tây Nguyên, vùng biển và lưu vực sông Đồng Nai).
Những ADN này cần được “bảo tồn và di truyền” trong Quy hoạch phát triển Đà Lạt trong thế kỷ 21. Từ đó có thể phát triển thêm những yếu tố mới phù hợp với bản sắc vốn có: như trung tâm nghiên cứu và giáo dục (các Viện nghiên cứu, trường đại học), trung tâm nông nghiệp hoa, trà, cà phê và công nghiệp chế biến... Quá trình đô thị hóa ở Đà Lạt sẽ hình thành các khu vực theo các chức năng trên.
Ngoài ra, cần kết nối đô thị Đà Lạt với vùng ven, nơi có những tộc người bản địa cư trú và duy trì lối sống, văn hóa độc đáo. Sự kết nối phải nhằm bảo toàn không gian cư trú – văn hóa của các tộc người chứ không phá vỡ nó. Chỉ có vậy mới làm cho Đà Lạt giữ được tính đa dạng và phong phú về văn hóa – một trong những tiềm năng du lịch quan trọng nhất.

3. Trong nhiều hoạt động của Dự án Phố bên Đồi 2018 tại Cầu Đất Farm có cuộc trưng bày tranh của các họa sĩ tham gia hoạt động “ký họa đô thị” của Urban Sketchers Việt Nam. Hơn 200 bức tranh không chỉ trình bày những cảnh sắc của thành phố tuyệt vời này, mà quan trọng hơn nó mang lại cho khách tham quan cảm xúc đẹp về một nơi chốn có thể là quen thuộc cũng có thể chỉ mới lần đầu biết đến. Cảm xúc này tạo nên và nuôi dưỡng ký ức về “một thành phố khác biệt của Việt Nam, từ thời tiết cho đến không gian kiến trúc, văn hóa sống. Thế nhưng sự phát triển đô thị đang thách thức những giá trị văn hóa, lịch sử riêng, làm mất đi những công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc trưng”.
Đấy chính là những “vàng son” đã có của Đà Lạt và cần được làm “sống lại”, bắt đầu từ những việc làm thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm của những người yêu quý thành phố xinh đẹp này. Một hành trình dài, không dễ dàng nhưng đầy hấp dẫn để Đà Lạt có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Sài Gòn 10.12.2018

Trong hình ảnh có thể có: Hậu Kc Nguyễn, đang cười, ngoài trời và văn bản

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người trên sân khấu
Trong hình ảnh có thể có: Hậu Kc Nguyễn, đang cười, đang đứng

QUÀ GIÁNG SINH CHO MÌNH



Năm đó cô đến B. vào một ngày tháng mười hai.
Những ngày cuối năm  không khí  Giáng sinh tràn ngập khắp nơi, màu đỏ của bộ trang phục  ông già Noel, của những bảng hiệu cửa hàng giảm giá, màu xanh của những cây thông khổng lồ chăng đầy đồ trang trí sặc sỡ, màu trắng tinh lấp lánh dây đèn cũng của cây thông Noel mang lại cho thành phố xứ nhiệt đới này một cảm giác như có tuyết trắng mùa đông châu Âu. Thời tiết cuối năm buổi trưa nắng vẫn gay gắt nhưng sang chiều trời dịu mát se se hơi gió biển. Trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng công ty, căn hộ nhỏ cô vẫn trú chân mỗi khi qua đây, nơi nào cũng lạnh ngăn ngắt máy lạnh, với cô khoảng 20 độ là cô đã phải nào khăn nào áo khoác. Đồng nghiệp hay đùa số cô chẳng giàu được vì không biết xài máy lạnh.

Lần này cô sẽ ở B. đến Giáng sinh. Vì vậy chiều đi làm về cô ghé vào trung tâm thương mại lớn nhất thành phố, tìm mua một chiếc áo mới để diện trong đêm Party Giáng sinh ở nhà bạn bè. Lượn lờ khắp mấy tầng lầu với hàng trăm gian hàng đồ hiệu cô vẫn chưa lựa được thứ gì. Phân vân vì đã mang theo mấy chiếc áo đầm dạ hội rất đẹp nhưng cô vẫn muốn có một chiếc áo mới mua ở B. vào dịp này. Mỗi chiếc áo “điệu” của cô đều được mua vào một dịp đặc biệt vì cô rất thích cảm giác chỉ cần nhìn thấy nó cô như được sống lại ở thời gian và nơi chốn ấy. Những con người những sự việc sẽ trở lại sống động, đôi khi làm cô nhói buồn nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng qua đi, khi cô ngắm mình vừa vặn xinh tươi trong chiếc áo lộng lẫy. Đúng là đàn bà phù phiếm, có cái áo đẹp là chẳng  cần gì nữa, cô luôn tự “mắng” mình như thế.

Mỏi chân, lại đói vì… lạnh, cô ghé vào Starbucks coffee, một ly capuchino nóng  với hình cây thông bằng socola nâu bồng bềnh trên mặt, miếng sandwich nhỏ, lơ đãng nghe Sinatra và “My Way”:
For what is a man what has he got
If not himself then he has not
To say the things he truly feels
And not the words of one who kneels
The record shows I took the blows
And did it my way
Yes it was my way
Mỗi khi nghe Sinatra là cô thấy mùa Giáng Sinh đang tới, một năm cũ sắp qua. Giữa đông đúc nhộn nhạo cô thấy lòng mình nao nao, “You Make Me Feel So Young”, cô tự giễu mình để tránh cảm giác cô đơn đang quay lại thật gần.

Lơ đãng nhìn qua cửa hàng phía trước, bỗng đập vào mắt cô một sắc tím lạ lùng, màu tím cô chưa từng thấy mặc dù cô là tín đồ của cái màu “buồn hiu” này như mẹ cô vẫn nói khi cô lại mang về nhà một cái gì đấy với các màu tím khác nhau. Mắt cô luôn bị cuốn vào sắc tím bất cứ khi nào và ở đâu, bây giờ cũng vậy. Đứng lên mang dẹp cái khay vào quầy, cô bước nhanh về phía màu tím ma mị kia.

Đó là một chiếc áo đầm nhìn xa có vẻ giản dị nhưng nhìn gần mới thấy sự sang trọng của nó, sang trọng từ kiểu dáng thanh lịch đến sự phối hợp hoàn hảo giữa các bộ phận như không thể chỉnh sửa thêm một ly nào nữa. Chất lụa mượt mà mềm như chảy trên tay cô, nhìn gần nó không hẳn tím. Cái sắc ánh lên dưới ánh đèn là sự pha trộn màu tím với hồng nâu và cam nhạt. Loang loáng lấp lánh mà vẫn tím dịu dàng đằm thắm làm cho cô thấy tim mình như tan ra… Chần chừ gì nữa mà không mua?

Nhưng, sự đời thường hay “nhưn nhị” thế, chiếc áo này đã hết size của cô! Đúng ra nó là “hàng độc” nên mỗi size chỉ có một chiếc mặc dù giá không mềm chút nào. Cô thử mấy chiếc còn lại đều hơi rộng hay chật, ráng mua mà mang sửa lại rất có thể sẽ làm nó hỏng hẳn vì nó đã quá hoàn hảo. Nhìn quanh, không còn kiểu áo nào cùng chất liệu của màu tím quý phái và đằm thắm ấy, chần chừ mãi rồi cô luyến tiếc rời cửa hàng, hết luôn hứng thú của thói quen lượn lờ shoppinh ngày cuối tuần.

Cô thường mua được món hàng cô ưa thích vì đã thích thì cô thường mua ngay, nếu không về nhà là cứ “vương vấn” mãi. Khá kén chọn quần áo nhưng may mắn lần nào khi về đến nhà ngắm đi nghía lại món đồ mới mua cô đều hài lòng, không hối hận vì một phút bốc đồng. Lần này chiếc áo đầm “không đụng hàng” cô thích đến thế… lại không thuộc về cô. Nếu cô mua được, nó sẽ là món quà Giáng sinh cô tự tặng cho mình như nhiều năm nay, từ khi “người ấy” ra đi… Cô gái nào mua được chắc sẽ rất hài lòng khi thấy mình xinh đẹp trong chiếc áo ấy. Biết đâu người mua nó là một chàng trai, anh ta mua làm quà Giáng sinh cho bạn gái? Ồ, như vậy thì chúc may mắn cho hai bạn, đã có được trong tay món quà quý giá của tình yêu thì hãy giữ gìn nhé, vì bạn biết không, ít nhất có một người cũng mơ ước được nhận  món quà như thế trong mùa Giáng sinh cô đơn.

Tự nhủ, cái gì của mình thì sẽ là của mình, nếu không, dù có làm mọi cách đi chăng nữa cũng không thuộc về mình. Vậy nên không việc gì phải tiếc, mình sẽ tìm được chiếc áo vừa ý cho đêm Giáng sinh.
Nhớ lại chuyện xưa cô mìm cười, ừ, đã đến lúc nên đi tìm một nửa thực sự là của cuộc đời mình. Còn quá khứ thì hãy “để gió cuốn đi”…

23/12/2014
 Nguyễn Thị Hậu

 Hình ảnh có liên quan






MỜI ĐẶT LỊCH "TRỊNH CÔNG SƠN - 2019" ĐẸP ĐẾN TỪNG CENTIMET!

Kính mời các anh chị và bạn mua lịch, chung tay cùng Nhịp cầu Hoàng Sa. 
CHƯƠNG TRÌNH "NHỊP CẦU HOÀNG SA" trân trọng cám ơn 
Kể từ hôm nay, chúng tôi xin mở bán bộ lịch độc đáo - Trịnh Công Sơn 2019 – với kỳ vọng có được 400 triệu để giúp 3 gia đình cựu binh Gạc Ma sửa nhà và vượt qua hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Giá mỗi cuốn lịch 13 tờ là 1 triệu VND. Số lượng hạn chế, xin mời các bạn bắt đầu ngay từ bây giờ.
Thưa các bạn, bộ lịch mà các bạn nhìn thấy ở đây gần giống như nhiều bộ lịch tờ khác; sự độc đáo nằm ở chỗ, lần đầu tiên chúng ta có trong nhà mình những thủ bút và bức hoạ chưa từng công bố của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Năm 2019 là năm kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (28-2-1939 – 28-2-2019). Để chuẩn bị cho sự kiện này, từ vài năm trước, Gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã tạo điều kiện cho anh Nguyễn Duy Sơn tiếp cận bộ di cảo vô giá của nhạc sỹ. Hoạ sỹ đồ hoạ Nguyễn Duy Sơn đã lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để designed một bộ lịch với nguyên tắc can thiệp ít nhất nhằm đảm bảo Trịnh Công Sơn nhất.
Đây là lần đầu tiên, sau gần 18 năm, kể từ khi người nhạc sỹ tài ba này ra đi, chúng ta được tiếp cận với ông qua những bút tích về thơ, về nhạc, hoạ; được chiêm ngưỡng những Diễm, những Michiko có thật qua nét vẽ tài tình của ông.
Hoạ sỹ Nguyễn Duy Sơn (1976-2018) đã từng thiết kế 10 bộ lịch thơ Nguyễn Duy và trình bày tập thơ - ảnh Thơ Thiền Lý - Trần. Anh còn là tác giả của nhiều bài thơ sâu sắc. Đây là tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Duy Sơn.
Gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và gia đình hoạ sỹ Nguyễn Duy Sơn cho in bộ lịch này chỉ để tặng bạn bè và phục vụ chuỗi chương trình "Nhớ Trịnh Công Sơn" từ 28-2 đến 1-4-2019. Một số lượng hạn chế khác được hai gia đình tặng cho Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa bán gây quỹ xây nhà cho các gia đình tử sỹ Hoàng Sa và cựu binh Gạc Ma.
Ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - và nhà thơ Nguyễn Duy - cha của Nguyễn Duy Sơn - sẵn sàng cùng ký tặng lên bìa lịch với những ai mua ủng hộ NCHS và có nhu cầu chữ ký.
Toàn bộ số tiền bán lịch này chúng tôi sẽ sử dụng để trợ giúp các gia đình cựu binh Gạc Ma sau đây:
1 - Cựu binh Nguyễn Văn Dũng, Gio Linh - Quảng Trị: Sau khi rời quân ngũ (E83), anh Dũng về quê tiếp tục bám biển; gần đây, khi vợ - chị Soa - bị bệnh hiểm nghèo, Dũng phải bán chiếc ghe mới sắm gần 300 triệu với gia 62 triệu. Số tiền vay ngân hàng 350 dự định sửa nhà cũng được anh dùng để cứu chữa cho chị Soa. Nhưng, do bệnh nặng, chị Soa đã mất hôm 01-11-2018. Dũng tiếp tục trở lại nghề cá với vai trò làm thuê cùng một món nợ rất ít khả năng trả được.
2 - Thương binh Trần Thiên Phụng, Đông Hà - Quảng Trị: Trong sự kiện Gạc Ma, Phụng bị thương và bị Trung Quốc bắt giam hơn 3 năm rưỡi. Vợ chồng Phụng sống nhờ vào nồi phở phục vụ buổi sáng và khoản trợ cấp thương binh 1,7 triệu/tháng. Vừa qua, căn nhà cấp 4 xuống cấp, bị nứt rạn nhiều nơi, nguy cơ bị sập, nên vợ chồng Phụng đã vay ngân hàng 100 triệu đồng để sửa lại. Với mức thu nhập không ổn định hiện nay, gánh nợ này đối với gia đình Phụng cũng rất khó trả.
3 - Thương binh Lê Văn Đông, Tây Trạch, Bố Trạch - Quảng Bình: Đông cũng bị thương trong sự kiện Gạc Ma và bị Trung Quốc bắt giam hơn 3 năm rưỡi. Về quê, vợ chồng Đông làm ruộng, làm rẫy. Ngôi nhà đang ở bị xuống cấp, nứt một số bức tường, mái lợp Fibro xi măng gãy nứt nhiều, cần lợp lại.
Tiền mua lịch và đóng góp cho Nhịp Cầu Hoàng Sa xin chuyển theo các địa chỉ sau:
1, Đỗ Thanh Triều – Vietcombank TP.HCM – số TK 0071001176816 cho tiên đồng VN (VND)
Vietcombank TP.HCM số TK 0071370974455 cho dollar
2, Trường hợp chuyển tiền mặt xin gửi: Đỗ Thanh Triều, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, điện thoại: 0903383994.
4, Những người ở Mỹ có thể gửi check cho “Thai Dinh ” (tức Đinh Quang Anh Thái ) địa chỉ 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA ; với memo “Đóng góp cho quĩ Nhịp cầu Hoàng Sa”
Các bạn đặt mua lịch xin inbox đia chỉ, số điện thoại cho tôi hoặc gửi qua email, chúng tôi sẽ chuyển lịch cho các bạn ngay sau khi có lệnh phát hành:
Huy Đức: email huyducnews2015@gmail.com
Đỗ Thái Bình: email binhthaido@gmail.com

Không có văn bản thay thế tự động nào.
Không có văn bản thay thế tự động nào.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...