Rảnh, bỗng muốn đi đâu đó, nơi nào văng vắng, với một
ly cà phê, đọc sách hay đơn giản chỉ là ngồi đó thôi… Lướt qua trong đầu những
quán cà phê từng đến. Quán này quán khác… nói chung là nhiều quán có thể đến
đó…
Nhưng có một nơi muốn đến mà không được, vì nó không
còn ở chỗ cũ, vì chưa biết lúc nào nó sẽ hiện diện lại, mặc dù cái tên của nó
thì sẽ mãi còn. NGƯỜI SÀI GÒN.
Biết quán này đã vài năm tuy ít đến, vì không tiện
đường thôi. Nó nằm trong một hẻm nhỏ. Như mọi con hẻm khác, nó vốn là hẻm của
những ngôi nhà “phố” liền kề nhau chung tường chung mái chung cả hệ thống điện
nước, thậm chí cả hệ thống vệ sinh… Nó được người Pháp xây khoảng hồi đầu thế kỷ
XX, cho những gia đình công chức thị dân đã có chút phong cách “Tây” trong sinh
hoạt. Hẻm nằm trên con đường trung tâm nhưng không quá đông đúc nhộn nhạo như
những con đường lớn xung quanh mà ung dung bình thản, như một thiếu phụ biết rõ
sự quyến rũ của mình ngay cả khi im lặng giữa những thiếu nữ hớn hở nói cười…
Giữa hàng trăm hàng ngàn quán cà phê ở Sài Gòn, “Người
Sài Gòn” cũng mang một vẻ đẹp thiếu phụ như vậy. Nó ở trên gian gác gỗ tường gạch
đôi lớp vữa trát đã ẩm mềm vì thời gian. Nó có bức tranh dài vẽ những đàn bà
Sài Gòn điệu đàng mà gần gũi. Nó có những bức hình đen trắng đậm nhạt màu thời
gian trên tháp chuông trên hàng cây trên con đường mà giờ đây sặc sỡ hình màu.
Vài lần đến đó vào những tối không có ca nhạc, khách
vắng, có thể ngồi trò chuyện với cô chủ nhỏ, về Sài Gòn xưa về Sài Gòn nay. Lâu
lâu thấy cô chủ ngả đầu vào vai người bạn hay đôi bàn tay quấn quýt với nhau,
như nhìn thấy hình ảnh của mình hồi xa lơ xa lắc...
Một đêm nào đó có chàng lãng tử với cây guitar nâng
đỡ cho những giọng ca ngọt ngào những bản bolero dìu dặt, gợi nhớ một quá khứ
khách trong quán chưa từng trải qua mà chỉ được chiêm nghiệm qua ký ức Sài Gòn.
Ký ức không chỉ “truyền” từ thế hệ này sang thế hệ khác mà nó còn “di” từ văn học,
từ bài ca, từ bức hình, từ ngôi nhà cổ từ con đường xưa đến với những ai dù chỉ
một lần tình cờ nhìn thấy nghe thấy…
Vậy là đủ để cho hai chữ Sài Gòn được ngự trong tâm
trí bao người.
Ừ thì tất cả nhà trong hẻm bị người ta lấy lại cho
thuê với giá cao hơn nhiều lần (không muốn ai thuê được thì hét giá vậy đó); ừ
thì chưa tìm được nơi nào thật “Sài Gòn” như gác nhỏ “đìu hiu” ngày đầu tuần và
kín khách ngày cuối tuần, ừ thì dọn đồ đi gửi mà nấn ná từng cái bàn cái ghế, từng
vệt sơn hồi nào tự tay lăn trên tường…
Khi nào mở lại quán thì khách cũ vẫn đến với “Người
Sài Gòn” mới. Khách mới lại sẽ đến với một “Người Sài Gòn” xưa. Cũ mới xưa nay
luôn đan cài với nhau, ai cũng có thể tìm thấy chút gì “Sài Gòn của mình” ở đó.
Bởi vì nếu vẻ đẹp có thể hợp nhãn người này mà không vừa mắt người kia thì vẻ
duyên dáng có thể quyến rũ bất cứ ai. Bởi vì cái duyên chỉ có được từ sự giản dị
và tử tế.
Mà Người Sài Gòn của tụi mình thì thì cực kỳ duyên
dáng, phải hôn?
SÀI
GÒN của những ngăn ngắn yêu thương.
Thời gian vừa qua đã có
nhiều cuốn sách được xuất bản và bán chạy là những tác phẩm về Sài Gòn, có thể
nói hầu hết là những tập tản văn, tạp bút, tùy bút.
Tác giả viết về Sài Gòn
già có trẻ có mà trung niên cũng có, nội dung thì muôn hình vạn trạng như cuộc
sống Sài Gòn. Mỗi cuốn tản văn, tạp bút như một nồi lẩu phong phú những “chất
liệu” khác nhau, tuy nhiên vẫn có thể nhận
ra “lẩu” của người Sài Gòn “xịn”, lẩu của người nhập cư mươi năm trở thành “người
Sài Gòn” vì… có cuốn sổ hộ khẩu, hay lẩu của người mới vô Sài Gòn vài năm còn ở
nhà trọ việc làm chưa ổn định. Có tác giả là người viết không chuyên, họ như từ
trang facebook bước ra mang theo những
“ân oán giang hồ” với Sài Gòn mà nếu không tỏ bày, chia sẻ thì họ cảm thấy mình
như còn mắc nợ Sài Gòn, một món nợ nghĩa tình không dễ gì đền đáp.
Mỗi người viết nhìn Sài
Gòn từ những góc khác nhau về thời gian, không gian, lứa tuổi, công việc nghề
nghiệp, sự trải nghiệm, các mối quan hệ… Ở góc độ nào thì “nồi lẩu” của họ đều
thể hiện được đặc trưng của nó, hệt như khi ta vào quán lẩu có thể thưởng thức
các món lẩu cá kèo, lẩu gà lá giang, lẩu chua cay Thái, lẩu cua đồng rau mồng
tơi, lẩu riêu cua thịt bò, lẩu canh chua cá lóc, lẩu mắm, lẩu cá thác lác khổ
qua bào… được nấu đúng như món lẩu đó cần phải như thế.
Thực ra Sài Gòn không
có một loại lẩu của riêng mình. Mỗi loại lẩu có “xuất xứ, niên đại” khác nhau
nhưng khi tụ hợp về Sài Gòn thì dường như tất cả đều trở thành “lẩu Sài Gòn” bởi
sự dung hòa, có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng, cho đúng “gu”, do vậy ai
cũng ăn được ai cũng thích, quan trọng là được ăn cùng bạn bè, người thân trong
không khí của một quán lẩu “rất Sài Gòn”.
Những cuốn tản văn, tạp bút về Sài Gòn mang lại cho
tôi cảm giác đó.
Tình cờ trên giá sách của
tôi các tập sách của ba tác giả sau đây đứng cạnh nhau, với tôi họ là đại diện
cho ba thế hệ người Sài Gòn. Đó là nhà văn Trần Tiến Dũng, “người lữ hành kỳ dị”
blogger Đàm Hà Phú và nhà văn “ngôn tình” trẻ Anh Khang.
Nhà văn Trần Tiến Dũng
là người “Sài Gòn xịn”, không chỉ theo nghĩa gần như cả đời ông sống ở Sài Gòn
mà còn vì các tác phẩm của ông thấm đẫm chất Sài Gòn: giản dị, tưng tửng, hóm
hỉnh mà sâu sắc, da diết… Đặc biệt khi ông viết về ẩm thực Sài Gòn trong tập Món ngon, gia vị và cảm xúc mới được
xuất bản. Từ món ăn đơn sơ nơi góc bếp của Mẹ thời thơ ấu đến thế giới ẩm thực
muôn màu muôn vị ở Sài Gòn, người đàn ông từng trải này đã “nấu lại” và nêm vào
đó thứ gia vị cảm xúc là những lời thủ thỉ tinh tế, nhẹ nhàng mà thấm đẫm yêu
thương. Chỉ qua những “món ngon” thôi ông đã vẽ nên một Sài Gòn “đậm đà bản sắc gia vị quê nhà và đô thị đa
văn hóa ẩm thực thân quen”. Và tôi hiểu nhà văn Trần Tiến Dũng không chỉ
nói về món ngon Sài Gòn mà ông còn dựng lại ký ức của cả một thế hệ đi qua thời
chiến tranh nhưng lại mất mát nhiều
trong hòa bình.
Đàm Hà Phú nói về
mình: “Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh,
lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi đến giờ, vậy mà năm lần
bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết
viết gì. Tôi đã ở Sài Gòn 20 năm, tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn,
kể cũng là thiếu.
Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi
người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ
đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài
Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu
một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.
Có lẽ không cần nói thêm gì về những “Chuyện nhỏ Sài Gòn” của blogger nổi tiếng này. Sài Gòn của Phú hồn
nhiên, nhân hậu, hào sảng… hệt như Phú, một người nhập cư như hàng triệu người
khác nhưng chất Sài Gòn - miền Tây đã thấm sâu vào anh. Có thể coi Phú là đại
diện cho lứa tuổi trưởng thành ở Sài Gòn vào thời hậu chiến, bình thản đón nhận
cuộc sống nhọc nhằn khó khăn nhưng chính họ đã luôn mang lại sức sống mới cho
Sài Gòn. Chính điều đó đã làm nên một tình yêu Sài Gòn khó nói thành lời nhưng
vô cùng sâu bền ở họ.
Anh Khang gần đây nổi lên với những cuốn sách dành cho tuổi teen được phát hành đến hàng chục ngàn
bản. Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em
là tập tùy bút đầu tiên về Sài Gòn. Nếu những tập truyện ngắn của Anh Khang có
thể coi là “ngôn tình” nhẹ nhàng đầy cảm xúc của tuổi mới lớn thì tập tùy bút
này là những suy nghĩ lãng mạn, thậm chí hơi “sến sủa” nhưng lại khá già dặn,
chững chạc của cậu trai Sài Gòn thế hệ 8x.
"...
hạnh phúc của mọi cuộc hành trình rốt cục không nằm ở đoạn đường đã đi, mà
chính ở khi quay về. Thấy vẫn có một bóng hình đứng chờ lặng lẽ, những kỷ
niệm be bé ban sơ vẫn mỉm cười đón mình trở lại. Rưng rưng nhận ra, những
thân thương xưa cũ hình như vẫn chưa một lần bội bạc. Dẫu mình đã khác lắm
sau ngần ấy tháng năm". Từ những chuyến đi ngắn ngày qua nhiều nước
nhiều địa danh nổi tiếng, cậu trai sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn đã để dành từng
cảm xúc nhớ nhung từng câu chữ yêu thương cho nơi có gia đình ấm áp, nơi có mối
tình đầu đã chia xa, và là nơi, tôi tin, Anh Khang sẽ luôn dành cho nó một tình
yêu mãnh liệt!
Ba tác giả, ba thế hệ, ba văn phong. Từng
trải, trầm tĩnh hay “giang hồ”, hóm hỉnh hay lãng mạn “sên sến”… Với tôi, họ là
những người Sài Gòn và viết về Sài Gòn thật hay! Tình cảm từ trái tim được thể
hiện bằng thứ ngôn ngữ chân thật, không có những câu từ uốn éo “cao sang”,
không đánh đố người đọc, cũng không chao chat nghiệt ngã khi nói về những được
mất... Mỗi góc nhìn của họ đều lấp lánh vẻ đẹp của một Sài Gòn khoan dung giản
dị đời thường mà đa dạng và bền vững theo thời gian.
Đọc họ, tôi chợt nhận ra một điều, Sài Gòn
không cần cái danh “người Sài Gòn xịn” để chỉ những người ba bốn đời sống ở Sài
Gòn với những cảnh vẻ nền nếp xa xưa. Với Sài Gòn, người Sài Gòn xịn là những
ai hết lòng sống với Sài Gòn, hết lòng yêu Sài Gòn, hết lòng nhớ Sài Gòn, bất
kể họ ở Sài Gòn từ khi nào và họ từ đâu đến.
Và tôi biết, nhiều người đang ở rất xa nhưng
vẫn là người Sài Gòn dù trong họ, Sài Gòn chỉ còn là ký ức.
Nhớ Hà Nội Yêu Sài Gòn
Ông bạn nhắn, bà rảnh không, cà phê?
Vậy là hai người về hưu gặp nhau ở quán cà phê góc đường Nguyễn Huệ. Một không gian sang trọng kín đáo, ấm cúng và thoải mái như còn giữ lại chút gì đó của một Sài Gòn ngày xưa, thật ra cũng không xưa lắm đâu, là những ngày đầu tiên hai đứa từ Hà Nội vào đây, năm 1975.
Vậy là hai người về hưu gặp nhau ở quán cà phê góc đường Nguyễn Huệ. Một không gian sang trọng kín đáo, ấm cúng và thoải mái như còn giữ lại chút gì đó của một Sài Gòn ngày xưa, thật ra cũng không xưa lắm đâu, là những ngày đầu tiên hai đứa từ Hà Nội vào đây, năm 1975.
Ngồi trong quán giữa trưa tháng Một (tháng mười
một âm lịch theo cách gọi bây giờ người trẻ ít biết là tháng Một, rồi đến tháng
Chạp, tháng Giêng…), nhìn ra con đường Nguyễn Huệ đã thành “quảng trường” lát
đá rộng rãi, hai bên là hàng cây lộc vừng chưa bén rễ sâu còn đang được chằng
chéo, nắng vàng rực nhưng không nóng gay gắt bởi có những làn gió mát từ sông
Sài Gòn. Không khí Giáng sinh đón năm mới dương lịch đã tràn ngập con đường
trung tâm thành phố, ông già Noel áo đỏ trên cỗ xe tuần lộc và cây thông xanh
trên nền tuyết trắng trang trí trước cửa hàng, khách sạn… làm cho hai bạn già
nao nao nhớ về mùa đông xứ Bắc.
“Nỗi nhớ mùa đông”, một nỗi nhớ rất riêng mà
cũng rất chung cho người xa Hà Nội. Nhớ cái lạnh đầu đông, nhớ mùa lá rụng, làn
sương lảng bảng hồ Tây hay phủ mờ hồ Gươm êm đềm giữa phố phương náo nhiệt, nhớ
cây cầu cũ màu thời gian, những màu hoa suốt bốn mùa, mùi thơm thoang thoảng
của cốm mùa thu, chén chè mạn nóng bỏng sớm mùa đông, của nắm xôi xéo gói lá
sen già, của hàng phở đầu đường cả phố thơm lây… Ngày xa Hà Nội ở tuổi mới lớn
nhưng bạn còn kịp nhớ hơi ấm của đôi tay bện xoắn vào nhau một đêm se lạnh cuối
thu… Tất cả hoài niệm bền chặt trong tâm tưởng. Thế mới hiểu vì sao nhiều người
Hà Nội đi xa tâm hồn bỗng hóa thành “thi sĩ”, và văn nghệ sĩ thì tỏa sáng hơn
qua những tác phẩm viết về Hà Nội từ nơi xa Hà Nội. Đau đáu một niềm nhớ nhung
những cảnh những mùa những ký ức xa xưa…
Câu chuyện của hai “bạn già” lan man từ chuyện
các cụ (cha mẹ) đi kháng chiến thế nào, rồi con cái lớn lên trong thời chiến ra
sao, đến những ngỡ ngàng ngày đầu vào Sài Gòn tới nay sống ở đây đã tròn bốn
mươi năm. Ừ, chúng ta đã sống ở Sài Gòn hai phần ba cuộc đời rồi đấy, ông bạn
nói mà như chưa tin vào điều đó.
Này, vì sao nhớ Hà Nội vậy mà mình vẫn sống ở
thành phố phương Nam này gần hết đời người? Ông bạn trầm ngâm kể lại. Hồi vô
Sài Gòn ở trong một chung cư nhỏ có khoảng chục căn nhà, trước là căn hộ cho
thuê, sau 75 toàn người Bắc được “cấp nhà” ở đó. Hàng ngày có anh chàng bán và
sửa valy, giày dép cũ đến “mở tiệm” nhờ ở ngay cổng nhỏ, sáng chiều lúc dọn
hàng anh quét dọn vỉa hè sạch sẽ, hàng tháng anh gửi lại tiền “thuê mặt bằng”
bằng cách trả tiền đổ rác cho cả khu nhà dù không ai đòi và số tiền cũng nhỏ
thôi, nhưng “sẵn tiện tui trả luôn rồi”. Rồi sau có một nhà neo đơn khó khăn
tối tối dọn cái bàn với mấy cái ghế, bán vài chai nước ngọt bao thuốc lá… Cả
khu nhà cũng không ai nói ra nói vào gì cả, thỉnh thoảng còn mua giúp điếu
thuốc cái kẹo sing gum. “Hình như Sài Gòn làm cho người ta rộng lòng với nhau
hơn”.
Còn tôi, ở Sài Gòn tôi thích nhất là khi đi chợ
không lo bị quát nạt mắng mỏ. Hồi mới từ Hà Nội về khi ra chợ nghe được người
bán gọi bằng con xưng dì ngọt ngào, không mua gì cũng cám ơn, nhắn nhe lần sau
mua giúp nghen con. Lời chào mời nhiệt tình nhưng không khách sáo, coi chuyện
mua bán là giúp nhau. Đến bây giờ ở những chợ hẻm lâu đời, ở chợ lớn mà đã quen
thì người bán người mua vẫn thân thuộc vậy, đi chợ nghe than hàng họ rau cỏ đắt
đỏ nhưng người bán vẫn cho thêm nắm hành ngò hay vài trái ớt, người mua cũng
mua giùm mớ rau miếng thịt đắt hơn mấy ngàn.
Từ những điều giản dị như thế trong cuộc sống,
mỗi ngày chúng ta yêu Sài Gòn hơn, như thể đây là nơi ta đã sinh ra! Nhiều
người đến rồi ở lại thành cư dân thành phố này đều có một tình yêu với Sài Gòn.
Yêu Sài Gòn vì không người Sài Gòn nào coi mình là “Sài Gòn gốc”, không làm ai
mặc cảm là người nhập cư hay nhà quê, dù nhiều người đến Sài Gòn thì kêu bằng
“lên thành phố”. Yêu Sài Gòn vì ai ở đây cũng có một quê hương, dù Bắc hay
Trung hay miền Tây thì cũng coi như gần, rảnh rang là lên xe đò phóng xe máy về
quê, một hai ngày hay kỳ nghỉ dài ngày lễ tết… Sài Gòn những ngày này vắng vẻ
hơn yên tĩnh hơn, nhưng là sự vắng lặng để chờ đợi những người góp phần làm nên
sức sống kỳ diệu của thành phố. Bạn cứ về quê, nghỉ ngơi đi, rồi hãy mang theo
tình cảm gia đình lên Sài Gòn. Sài Gòn đủ chỗ cho tất cả, cho mỗi người và cả
nỗi nhớ quê hương mà bạn mang theo.
Yêu Sài Gòn nên không ai muốn tên gọi “Sài Gòn”
bị gán cho những tin tức cướp giật, cho tình trạng ngập đường kẹt xe, cho sự vô
cảm, lối sống chưa văn minh trên đường phố. Đô thị nào cũng là nơi dung chứa
nhiều tình trạng phức tạp, cũng là nơi thử thách trình độ quản trị của nhà quản
lý, là nơi dân tứ xứ tập cho mình nếp sống thị thành. Những gì tốt đẹp của Sài
Gòn vẫn còn đó nhưng ẩn dưới vô vàn bề bộn của thành phố đang trong cơn chuyển
mình “hiện đại hóa”.
Sài Gòn biết nhiều người sống với mình vẫn luôn
nhớ nhung một cõi quê xa. Có sao đâu, vì Sài Gòn hiểu rằng tình cảm mọi người
dành cho mình không bằng ngôn từ bóng bẩy mà cụ thể hơn, đó là ở thành phố này
mỗi người đều sống hết mình và rồi sẽ trở thành người Sài Gòn.
Có tình yêu nào sâu nặng hơn như thế?
Có tình yêu nào sâu nặng hơn như thế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét