SỐNG NƠI THỊ THÀNH



Đường thành phố

Đường thành phố rất khác đường ở làng quê. Hẳn rồi.
Này nhé, đường làng nho nhỏ như những lối mòn uốn lượn chạy giữa những mảnh vườn những ngôi nhà... Đường thành phố thì thẳng tắp rộng rãi “đường ta rộng thênh thang tám thước”, sau này khi “tám thước” đã lạc hậu, người ta sửa lại “đường ta rộng thênh thang ta cứ bước”, nghe mới hùng dũng làm sao!
Đường thành phố tráng nhựa bằng phẳng, trời nắng hun nóng bỏng đố ai dám đi chân không.  Đường thành phố hay bị đào lên xới xuống lắp đặt nay ống nước mai ống điện mốt cáp quang... thành ra mặt đường nham nhở, lớp nhựa mỏng phủ lên lớp cát đá vá víu qua loa được vài hôm thì lở loét. Còn đường làng lồi lõm, phân trâu bò vương vãi khắp nơi nhưng đất cát pha mịn màng nén chặt, đi chân đất mát rượi. Người ở phố về, chỉ cần bỏ dép đi chân không trên đường làng thì bao nhiêu mệt nhọc bao nhiêu bức bối đều tan biến.

Đường thành phố có vỉa hè lót gạch con sâu hay gạch men màu sạch sẽ, lề đường là những viên đá xanh bó vỉa gọn gàng hay tráng xi măng thoai thoải tiện xe lên xuống, mặc dù có khi chỉ vài bữa là long tróc khập khiễng. Còn vệ đường làng là cỏ xen lẫn cây mắc cỡ... sáng sớm ướt sương trưa nắng hăng hắc mùi cây cỏ. Đây là “vương quốc” của đám châu chấu cào cào... nên người ta không đi sát vệ đường mà cứ giữa đường mà bước.

                     Đường làng hai bên là hàng rào râm bụt hay dây tơ hồng, lòng chợt bình yên khi gặp người quen, chào hỏi chuyện trò như người trong nhà. Rảnh thì ghé vô nhà bác Hai cô Ba trò chuyện vài câu. Nghe ai đó hú một tiếng thì bước qua hàng rào mà vô làm một ly cho ấm bụng... Đường thành phố mặt tiền là những cửa hàng cửa hiệu sang trọng, quán cóc lề đường chợ tạm lúc nào cũng nhấp nhổm vội vã cuống quýt... Giữa phố đông người vẫn “thấy đời mình là những quán không”. Chẳng chào hỏi ai nhưng thấy người đi xe chưa gạt chân chống vẫn đuổi theo nhắc một câu rồi phóng đi không đợi lời cám ơn.     

Đường thành phố có nhiều ngã tư ngã năm ngã sáu... đèn xanh đỏ liên tục, bùng binh xoay tròn, xe chảy qua như nước. Phải chờ đúng đèn xanh mới được qua đường, nếu không rất dễ gặp tai nạn. Chỉ cần mỗi bên lấn trước đèn vài giây thôi thì kẹt xe xảy ra chắc chắn, không dễ “giải tỏa” chút nào. Lần nào thoát khỏi đám kẹt xe ta cũng thấy hình như chưa bao giờ hạnh phúc như lúc ấy.
Đường làng làm gì có lề phải với lề trái, làm gì có vạch vôi phân làn. Không thích đi bên này thì qua bên kia. Xe máy mà chạy trên đường làng thì lo mà... tránh người đi bộ đang ung dung “đường ta ta cứ đi”. Nhưng khi đằng trước là chú trâu hay mợ bò đủng đỉnh bước thì đi bộ hay đi xe cũng đành nép vào vệ đường mà vẫn sợ cái đuôi dính đầy phân đang ve vẩy, sợ cặp sừng cong vút húc vào người. Thôi thì... nhường, trâu bò có biết tránh ai bao giờ?

Đường thành phố thường có dải phân cách bằng inốc, bằng bê tông ngăn giữa hai chiều, nhất là gần giao lộ. Ấy là vì phía nào người ta cũng lấn sang bên kia để đi cho nhanh, chính vì vậy mà người đan vào nhau, xe này nối xe kia, bám sát, nhúc nhích lách từng khe hở. Tiếng động cơ, khói xăng, bụi bặm, cáu bẳn, kiên nhẫn, trách móc, chửi rủa... kiểu gì cũng phải chờ đợi, như chờ ông Bụt hiện lên hô “biến” cho hết kẹt xe. Thỉnh thoảng có người trèo qua dải phân cách như vẫn tiện thể trèo qua hàng rào, bờ ruộng ở làng nhưng nhìn chung thói quen “đường ta ta cứ đi... lung tung” nhờ vậy được hạn chế phần nào. Đường thành phố khác đường làng thật!
Người thị thành có lối sống khác người (ở) làng, hẳn rồi, bắt đầu từ thói quen đi trên đường thành phố.

Gà trong thành phố

Ở thành phố mãi rồi nhìn thấy gà chỉ nghĩ đến thịt gà là thực phẩm, làm các món luộc kho hay chiên hầm, chỉ cố gắng biết phân biệt gà ta “thả vườn” hay gà tam hoàng hay gà công nghiệp. Chẳng mấy khi nhớ đến tiếng gà trống gáy ban mai, quên hẳn tiếng gà mái cục tác dẫn bầy con tìm mồi...
Cho đến một lần tới thăm người bạn nhà trong chợ Bàu Sen. Hẻm nhỏ tráng xi măng sạch sẽ, buổi trưa vắng người qua lại. Bỗng đâu có tiếng gà gáy, rồi râm ran thêm nhiều tiếng ò ó o nữa. Bước ra cửa, ồ, nãy chạy xe vào không để ý, trước cửa nhiều ngôi nhà đặt những chiếc lồng gà trong có một hay hai chú gà trống, choai choai cũng có mà ra dáng bệ vệ cũng có. Và lúc này đây các chú đang thi nhau đập cánh phạch phạch và vươn cổ gáy một cách sảng khoái. Trong lồng mà vẫn nhớ cữ gáy khi đứng nắng trưa, thương ghê vậy đó. Nghe tiếng gà mà tưởng như đang ở xóm Bàu Sen thủa xưa khi còn nhà lá hẻm đất lầy lội...

Lần khác ngồi cà phê quán nhỏ trên đường Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc. Buổi chiều mát mẻ, đường đông xe tấp nập, nước lên đẩy bông lục đơn lẻ bình trôi mải miết. Từ trong hẻm nhỏ mấy người đàn ông xách lồng gà ra bãi cỏ ven kênh, mở lồng thả ra vài chú gà trống. Mấy chú gà được thả ra khoan khoái đập cánh gáy lên vài tiếng lạc lõng giữa dòng người xe qua lại không dứt. Rồi hoàng hôn đến, mấy chú gà lại bị lùa vào lồng và theo chủ đi về “nhà”, đấy là các căn hộ trên chung cư cao tít bên kia dòng kênh.
Lần khác nữa chạy xe trên đường, phía trước là chiếc xe máy chở một chiếc lồng sắt đầy gà. Bỗng đâu trong hẻm một chiếc xe máy khác lao ra. Chiếc xe chở lồng gà vội tránh nhưng vì chở nặng lên loạng choạng và té xuống đường, nắp bung ra, gà xổng khỏi lồng. Nhiều người vội chạy đến đỡ người lái xe, cũng may bắt được hết mấy con gà. Chỉ lạ là mấy con gà to cồ này chẳng cục tác ò o gì, chỉ ke ke khe khẽ, cũng chẳng đập cánh bay lung tung mà chỉ nhảy nhảy trên đường. Nhìn kỹ hóa ra lũ gà công nghiệp.

Ừ, gà nuôi kiểu công nghiệp làm mất đi nhiều bản năng của loài gà, chúng chỉ còn biết ăn quanh máng, chỉ biết đi lại trong chuồng chật chội, chỉ biết đẻ trứng mà không còn biết thế nào là ấp trứng... Gà mẹ không còn biết đến lũ gà con thì chắc chúng không biết xù lông bảo vệ lũ con khi có diều quạ? Những chú gà trống cũng chẳng biết ngẩng đầu hùng dũng gáy mà chỉ còn kêu khẹc khẹc rụt rè. Mà này, lũ gà mái đã được nuôi riêng để đẻ trứng thì liệu bọn gà trống có còn giữ được bản năng duy trì nòi giống?
Mà không thấy người thành phố nuôi gà mái nhỉ? Gà mái đẻ trứng ấp trứng để có đàn gà con vàng hoe xinh xắn. Ừ, làm sao mà nuôi được, đến chó mèo nuôi trong nhà lỡ chúng đẻ con còn không biết phải làm sao, kêu cho không ai xin có khi đành lén mang ra chợ hay góc đường bỏ đấy, chạy xe đi rồi còn dợm quay lại mang về. Thành ra chó mèo ở thành phố cũng như heo ở nhà quê đều bị giải phẫu triệt sản, con nào con nấy trông như “phi giới tính” hết.

Cứ lẩn thẩn nghĩ thế... lại thương những con gà nuôi chuồng. Rồi thương cả những người ở thành phố. Thèm nghe một tiếng gà nên phải nuôi gà trong lồng chật, trưa chiều cho chúng gặp nhau để chúng chào hỏi nhau mà cất lên tiếng gáy. Chỉ thế thôi cũng đủ để người thành phố như được trở về nhà quê yêu dấu.
Có bao giờ ta nhận ra, thành phố ngày càng chật chội đông đúc như một cái chuồng vĩ đại, người thành phố cũng chen chúc và cam chịu, y như những chú gà trong dây chuyền công nghiệp... những dáng vẻ giống nhau, những tiếng nói những hành xử giống nhau...?

Nhưng mà, không hẳn thế. Con người trong cái chật chội bức bối nơi thị thành vẫn tự cần mẫn kiếm ăn như bầy gà, cũng có khi phải giành dựt nhưng cũng thường nhường nhịn, chia sẻ cho nhau những cơ hội kiếm sống. Đôi khi xảy ra va chạm, một lời nói không vừa tai cũng đủ làm cho họ cáu bẳn thậm chí to tiếng, có khi cũng như gà cùng chuồng đá nhau. Nhưng trên đường vẫn luôn có những tiếng nhắc nhau cái chân chống xe chưa gạt, cái vạt áo dài coi chừng cuốn vào bánh xe, rồi người vụt qua người không đợi lời cám ơn.

Giữa bộn bề cuộc sống, thi thoảng nhìn mấy con gà trong chuồng hay thả chúng ra trong chốc lát cũng như một liệu pháp mang lại cảm giác rằng, dù sao con người cũng vẫn tự do và có quyền ban tự do cho những con vật khác, dù tự do sống, tự do ăn tự do đi lại vốn là bản năng của loài vật. Dù không gian sống chỉ là “cái chuồng thành phố” hay nhỏ bé như “cái lồng căn hộ” thì con người vẫn luôn hướng đến không -gian – ngoài - lồng, và hơn thế, một không gian không - phải - là - chuồng.

Thành phố thì tràn ngập tiếng ồn ào, làng quê bây giờ cũng chẳng nơi nào yên tĩnh cả. Vậy nhưng mảnh vườn quê  rộng rãi mát rượi, hơi đất ẩm mát bàn chân, bụi chuối gió đung đưa tàu lá, đàn gà tung tăng tự do bay nhảy đi lại kêu gáy bới đất đánh nhau, duy trì nòi giống và khoan khoái cất tiếng gáy “chỉ có thế mà thôi” ... vẫn luôn trở về trong giấc mơ của những người thành phố.

Nghịch lý đô thị

Một lần có việc qua Phú Mỹ Hưng. Quãng đường dài từ Gò Vấp đến quận 7 qua gần hết chiều dài thành phố, từ vùng ngoại ô cũ đến quận trung tâm qua khu đô thị mới… Thành phố mở rộng lênTây Bắc xuống Đông Nam, xóm ngoại ô làng ngoại thành nay trở thành khu đô thị mới. Các quận nội thành cũ ngoài vài con đường trung tâm mặt tiền đã thay thế bằng những tòa nhà cao tầng kiến trúc hiện đại nhưng khó có thể nói là đẹp, còn lại những con hẻm như bàn cờ phía sau sự thay đổi diễn ra chậm chạp hơn, vì cư dân ở đó phần đông vẫn là công chức, thợ làm công, buôn bán nhỏ… những nghề nghiệp gắn bó với đô thị, tạo nên tầng lớp thị dân đông đảo nhất nhưng lại không làm nên cái “mặt tiền” hào nhoáng mà số ít các “đại gia” tạo nên ở khu trung tâm hay vùng đô thị mới.

Bây giờ các đại gia “nhà có điều kiện” thì ra ngoại ô tìm đất cất nhà vườn, villa, dinh thự sang trọng xa hoa rộng rãi thoáng mát, trung lưu thì ra quận mới (tách ra từ huyện ngoại thành) mua căn hộ chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi dịch vụ “như Tây”. Có xa xôi gì đâu khi đường quy hoạch mở rộng, hàng loạt cầu mới xây, từ khu đô thị mới đi vào trung tâm chỉ khoảng nửa giờ xe hơi. “Nhà giàu” ra ngoại thành “nhà nghèo” vẫn chen chúc nội thành, còn nhà nghèo hơn từ ngoại ô, từ khu giải tỏa lại dạt ra nông thôn, biến ven đô thành ngoại thành của đô thị mới. Đây là một sự thay đổi dễ nhận thấy của quá trình đô thị hóa. Sự thay đổi này làm cho bộ mặt đô thị hiện đại hơn, nhưng khoảng cách của sự phân hóa giàu nghèo cũng ngày càng xa hơn. Sự xáo trộn dân cư từng khu vực diễn ra nhanh hơn, tầng lớp dân cư mới hình thành nhưng thời gian chưa đủ để tạo nên những đặc tính của cộng đồng thị dân mới.

Sự thay đổi không chỉ có vậy. Những quán ăn nhà hàng ngày càng nhiều “đặc sản” vốn là những món ăn dân dã hàng ngày: đậu hũ chiên, rau muống bông bí xào tỏi, rau luộc chấm kho quẹt, cá rô bí chiên giòn, canh chua cá kho tộ, lẩu cua rau mùng tơi, cháo cá rau đắng, lẩu mắm… Những món ăn “nhà quê” mà mới vài chục năm trước có ai nghĩ một ngày kia sẽ hiện diện trong nhà hàng khách sạn sang trọng với cái giá “cắt cổ”. Vậy mà giờ vô quán người ta toàn kêu đặc sản đồng quê vì “ăn thịt cá hoài ngán quá”, vì ăn nhậu lấy vui là chính chứ đâu cần lấy bổ lấy béo như một thời thiếu thốn.

Tôi có anh bạn mở một quán nhậu trong hẻm nhỏ, cũng bán lai rai mỗi ngày sáng chiều khoảng hơn chục bàn khách. Một lần khách kêu tính tiền thấy đĩa rau muống xào tỏi giá tới mấy chục ngàn, bèn nói vui: sao đắt thế, ngoài chợ 5 ngàn một bó ăn mệt nghỉ. Ông chủ cũng đáp vui “ngoài chợ nó là rau muống, vào nhà hàng nó là nhân sâm”. Vui thật đấy nhưng… ngẫm, hình như ở đô thị bây giờ người có tiền ngày càng ăn nhiều rau ít thịt, mà phải tìm rau sạch, rau “nhà trồng” mới yên tâm. Thịt heo thịt gà giờ không phải là món ăn chỉ của nhà giàu mà…nhà nghèo cũng thường ăn, vì chăn nuôi công nghiệp nên giá rẻ nhưng chất lượng đâu phải như heo gà “nhà nuôi”. Nhà giàu thì tìm ăn “gà quê lợn mán” còn công nhân ở khu công nghiệp, dân xóm lao động thì ăn loại cá thịt bán ê hề ngoài chợ chiều là hàng ế hàng dạt ướp chất bảo quản, độc hại đâu chưa thấy nhưng nhìn cũng ngon mắt, lại vừa túi tiền, cũng là miếng cá miếng thịt cho chén cơm dễ nuốt. Vậy là “người giàu ăn rau người nghèo ăn thịt” – lại một “nghịch lý” của đô thị ngày nay.

Thành phố mở rộng mà phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, phần lớn người dân vẫn dùng xe máy cho mọi hoạt động. Gần đây nhiều nhà máy, trường học có xe đưa rước, khu đô thị trường đại học ở các quận mới đã có các tuyến xe bus, mai này có metro nữa thì hy vọng xe máy sẽ giảm dần và… biến mất.  Nhưng khi chưa giảm được xe máy thì xe hơi đang ngày một tăng, giờ cao điểm sáng chiều xe “nhà giàu” chen chúc trong rừng xe máy, kẹt xe đành ngồi im đó mà chờ cho đường thông, trong khi xe máy – nguyên nhân của phần lớn các vụ kẹt xe – thì nhanh chóng thoát được nhờ qua lách hẻm nọ ngõ kia. Chưa kể chợ  lòng lề đường tụ tập tiện mua bán cho xe máy nhưng bất tiện với xe hơi, chưa kể nếu xảy ra va chạm thì nhiều khi xe hơi lại bị người ta gán lỗi làm cho “nhà giàu cũng khóc”. Thêm một “nghịch lý” do hiện tượng “nông thôn hóa” của một bộ phận dân cư chưa có nếp sống “văn minh đô thị”. 
Cuộc sống đô thị ngày nay còn ngổn ngang những “nghịch lý” có thể hiểu được về “lý” nhưng làm cách nào để nó không còn là “nghịch” thì thật là nan giải.

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Kết quả hình ảnh cho cuộc sống nơi thành thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...