NHỮNG CÁI TÁT - CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA VỚI CHÚNG TA?

Chỉ trong tuần đầu tháng 12 xã hội đã được thông tin về hai vụ bạo hành học sinh tại trường học, cùng một kiểu: cô giáo ra lệnh cho học sinh tát vào mặt bạn cùng lớp!
Chưa nói đến số lượng những cái tát – mà ai biết cũng phải kinh hoàng và đau đớn, chỉ một chuyện là người lớn dùng những đứa trẻ là – bạn – cùng – lớp để trừng phạt một đứa có lỗi, đã cho thấy nhiều điều cực kỳ bất ổn về nhân cách của các cô giáo này! Đánh vào mặt vào đầu là không chỉ là hành hạ mà còn là sự nhục mạ. Vì sao các cô giáo ấy lại sai học sinh tát bạn, một kiểu làm nhục bạn? Sao lại tập cho các em thói xấu “gà cùng một mẹ đá nhau”?!
Nhưng, điều bất ổn không chỉ ở cô giáo đã hành xử “phi sư phạm” mà còn là ở những phụ huynh, vâng, ở chính chúng ta!
Mỗi khi truyền thông ồn ào về chuyện bạo hành trong trường học giữa học sinh với học sinh, rồi giữa thầy cô và học trò... nhiều phụ huynh lại chép miệng “ôi dào, ngày xưa đi học mình cũng đánh nhau như cơm bữa”, “ngày xưa thầy cô cũng đánh học trò, còn bắt phạt quỳ trên vỏ mít...” “ngày xưa cũng thế, ngày xưa còn hơn thế...”.
Những chuyện mà truyền thông biết đến mấy ngày vừa qua nếu không “phổ biến” thì cũng không phải là cá biệt! Trước đó là những chuyện như bắt học sinh liếm ghế, bắt uống nước giẻ lau bảng... lần nào mọi người cũng lên án hành vi bạo hành, thậm chí nặng lời kết tội giáo viên... Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, vì phải lo cơm áo gạo tiền, vì còn bao việc phải quan tâm, vì... chưa phải chuyện của con mình, vì nể/sợ thầy cô, vì nhiều lý do khác... Cho đến khi lại có chuyện như thế xảy ra thì lại ồn ào lên án...
Chiều nay tình cờ tôi nghe một nhóm chị em ngồi với nhau cũng bức xúc về chuyện những cái tát. Một chị nói: Mình đã dặn con mình, nếu cô bảo con tát bạn thì con không được làm theo, vì ở trong lớp nếu bạn có lỗi thì chỉ có cô giáo có trách nhiệm giảng giải để bạn thấy cái sai, hoặc cô giáo phạt để lần sau bạn không tái phạm.
Chị bạn khác lại nói: không làm theo cô bảo mà được? Rồi lỡ cô “đì” thì con mình học hành sao được?
- Thì mỗi chúng ta đều dạy con mình như thế, tất cả các con không đứa nào làm theo thì cô không thể “đì” hết cả lớp.
- Chị “mơ” đấy à?! Người lớn đi làm nhiều khi còn “đánh hội đồng” đồng nghiệp nào lỡ bị sếp ghét kia kìa...
Cả nhóm cùng im lặng!
Quả thật nhiều công sở đã có chuyện như vậy. Một người nào đó lỡ bị sếp ghét, chưa biết đúng sai nhưng thôi rồi! Thật vô cùng mệt mỏi không chỉ vì bị sếp “hành hạ” mà chủ yếu vì bị “cô lập”, bạn bè đồng nghiệp nhiều người không dám tỏ ra thân mật, càng ít người đứng ra bênh vực... Nhất là người dám nói sự thật, không đồng lõa làm chuyện xấu thì càng cô đơn. Và không ít người đã phải “đầu hàng”, hoặc bỏ đi nơi khác.
Phải chăng vì thấy trước “viễn cảnh” như vậy nên thôi thì con mình cứ như con người ta, kể cả khi nó bị đánh, hay nó bị sai đánh bạn, thì... cứ như mọi người, “cho lành”?
Tôi cứ nghĩ mãi về điều này. Từ những đứa trẻ ở trường chung một “mẹ hiền” phải tuân lệnh đánh bạn đến những người lớn khiếp sợ quyền lực mà im lặng trước bất công, khoảng cách này quá ngắn!
Năm ngoái có chuyện một phụ huynh đã phải tìm mọi cách để làm sáng tỏ việc xe của cô hiệu trưởng đâm gẫy chân con mình. Anh kể lại trên VTV rằng, khó nhất là gặp chính hai bà “lãnh đạo” đã âm mưu che dấu chuyện này. Khó nhì là thuyết phục các thầy cô nói ra sự thật. Khó ba: làm sao cho những phụ huynh khác hiểu và ủng hộ mình, vì phụ huynh rất ngại va chạm với nhà trường “sợ ảnh hưởng đến con mình”. Và khó tư: làm sao để con mình tin là người lớn sẽ nhận lỗi khi họ phạm lỗi! Tất cả là để, như anh nói với con “tìm ra sự thật chứ không phải để trả thù”. Tôi thực sự khâm phục người cha này và tôi tin rằng, con anh lớn lên sẽ trở thành một người chính trực, khoan dung, công bằng.
Nhìn vào lớp trẻ có thể thấy tương lai của đất nước. Nhưng lớp trẻ đó đang được những người lớn như thế nào dạy dỗ - tương lai là do chúng ta hôm nay nuôi dưỡng chứ không phải trên trời rơi xuống.
Sài Gòn 5.12.2018

Những cái tát - Chuyện gì đang xảy ra với chúng ta? - 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...