ĐÀ LẠT – VÀNG SON CHỜ ĐỢI HỒI SINH

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

1. Đầu tháng 12.2018 tôi được Dự án Phố Bên Đồi mời tham gia một hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 125 năm thành lập thành phố Đà Lạt.
Đây là khoảng thời gian thời tiết Đà Lạt rất đẹp. Trời se se lạnh, nắng nhẹ đủ để các loài hoa khắp thành phố rực rỡ và tươi tắn... Con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về thành phố khá vắng vẻ nhưng từ đầu đèo Prenn vào trung tâm Đà Lạt thì rất đông Xe hơi chở từng đoàn khách, nhiều du khách thuê xe máy đi từ thành phố ra đây, đường quanh co xe nối đuôi nhau, thỉnh thoảng lại có xe chạy “qua mặt” càng làm con đường chỉ hai làn xe thêm chật chội, may mà đường còn khá tốt.
Dự án Phố Bên Đồi được sáng lập và hoạt động đến năm nay là 3 năm, chủ yếu tại Đà Lạt. Mục đích chính của Dự án là nâng cao nhận thức về việc giữ gìn các công trình kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan đô thị Đà Lạt. Dự án bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, mỗi năm có thêm hình thức mới nhằm thu hút cộng đồng tham gia. Các hoạt động khoa học, nghệ thuật tăng cường sự tương tác thể hiện sự quan tâm và cách thức bảo tồn di sản và không gian sống của thành phố đặc biệt này.
Năm nay Dự án Phố Bên Đồi tổ chức tại Cầu Đất Farm – một nông trại cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30km. Địa danh Cầu Đất gắn liền với một nhà máy thành lập vào năm 1927, được coi là nhà máy trà cổ nhất Đông Nam Á. Trong gian nhà xưởng to lớn còn lưu giữ những chiếc máy được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu hồi đầu thế kỷ 20 như một nhân chứng lịch sử cho công nghệ sản xuất trà nổi tiếng ở đây.
Từ năm 2005 nông trại Cầu Đất được cổ phần hóa và hiện nay có diện tích khoảng 230ha trải dài trên những ngọn đồi nằm ở độ cao1650m so với mực nước biển, chủ yếu trồng loại trà Ô Long giống nhập từ Đài Loan. Ngoài ra còn có nông trại rau sạch, một số loại cà phê. Tất cả đều được trồng và chế biến theo công nghệ khép kín, sạch và hiện đại.
Khu nhà xưởng của Cầu Đất Farm đã được chủ nhân hiện nay bảo tồn và trùng tu, mang hình thức của “Sở trà Cầu Đất” ngày xưa. Bên trong nhà máy ngoài vị trí những cỗ máy cổ còn có không gian của quán cà phê và trà với kiến trúc tái hiện cảnh quan và không khí xưa. Những công trình di tích công nghiệp luôn có không gian rộng rãi và cấu trúc khá bền vững thích hợp với mô hình “trùng tu, bảo tồn” kiến trúc cũ nhưng tạo cho nó một đời sống mới, như Cầu Đất Farm đã làm và mang lại hiệu quả tốt.
Sự kết hợp giữa Dự án Phố Bên Đồi và Cầu Đất Farm thực sự gây ấn tượng với chúng tôi, những người được mời tham gia chuỗi sự kiện tại đây.

2. Chủ đề của Phố Bên Đồi 2018 là “125 năm Đà Lạt - Sống lại Vàng Son”. Tôi cùng hai nhà nghiên cứu: TS.KTS Archie Pizzini, Đại học RMIT (tại TP.HCM) và TS. Olivier Tessier, nhà Khảo cổ học của Ecole francaise d’Extrême-Orient (EFEO tại VN) tham gia cuộc tọa đàm “Di sản kiến trúc & Phát triển đô thị bền vững” do thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi điều hành. Thông qua các nội dung về ký ức đô thị, những loại hình kiến trúc đặc thù ở đô thị VN và Lịch sử quy hoạch thành phố Đà Lạt, chúng tôi nhận được sự quan tâm và nhiều câu hỏi liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững đô thị, cụ thể là Đà Lạt.
Cuộc tọa đàm giữa những “người Đà Lạt” gồm sinh viên, doanh nhân, công chức, nông dân... với ba chúng tôi – là người nghiên cứu ít nhiều về Đà Lạt, đã làm nảy sinh nhiều vấn đề rất hay. Đó là, nếu chọn một biểu tượng cho Đà Lạt thì là công trình nào? Vì sao thành phố ngày nay vắng bóng những sắc dân bản địa – những người đã góp phần xây dựng nên Đà Lạt trong buổi đầu hình thành? Quy hoạch phát triển Đà Lạt hiện nay cần lấy yếu tố nào làm “điểm tựa”?
Đà Lạt có nhiều thế mạnh để bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Đó là cảnh quan tự nhiên đủ núi, đồi, rừng, suối, thác, thung lũng... với khí hậu mát mẻ quanh năm, tạo cho Đà Lạt nhiều cảnh sắc đẹp, độc đáo không nơi nào có được. Đồng thời là điều kiện tốt nhất để phát triển nông nghiệp đặc thù: hoa, rau trái, trà, cà phê, đi cùng là công nghiệp chế biến. Từ những bản quy hoạch và quá trình phát triển Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 đến nay, theo nhận biết của tôi, tính chất đặc thù của Đà Lạt (có thể coi là những ADN của đô thị này) là:
- Thành phố “thung lũng ngàn hoa” (địa hình, khí hậu và thực vật đặc trưng)
- Thành phố nghỉ dưỡng, du lịch (chức năng chủ yếu)
- Thành phố của biệt thự, công trình tôn giáo (nhà thờ, tu viện, chùa)
- Thành phố trung tâm của vùng Cao nguyên (vị trí địa lý thuận tiện giao tiếp với Tây Nguyên, vùng biển và lưu vực sông Đồng Nai).
Những ADN này cần được “bảo tồn và di truyền” trong Quy hoạch phát triển Đà Lạt trong thế kỷ 21. Từ đó có thể phát triển thêm những yếu tố mới phù hợp với bản sắc vốn có: như trung tâm nghiên cứu và giáo dục (các Viện nghiên cứu, trường đại học), trung tâm nông nghiệp hoa, trà, cà phê và công nghiệp chế biến... Quá trình đô thị hóa ở Đà Lạt sẽ hình thành các khu vực theo các chức năng trên.
Ngoài ra, cần kết nối đô thị Đà Lạt với vùng ven, nơi có những tộc người bản địa cư trú và duy trì lối sống, văn hóa độc đáo. Sự kết nối phải nhằm bảo toàn không gian cư trú – văn hóa của các tộc người chứ không phá vỡ nó. Chỉ có vậy mới làm cho Đà Lạt giữ được tính đa dạng và phong phú về văn hóa – một trong những tiềm năng du lịch quan trọng nhất.

3. Trong nhiều hoạt động của Dự án Phố bên Đồi 2018 tại Cầu Đất Farm có cuộc trưng bày tranh của các họa sĩ tham gia hoạt động “ký họa đô thị” của Urban Sketchers Việt Nam. Hơn 200 bức tranh không chỉ trình bày những cảnh sắc của thành phố tuyệt vời này, mà quan trọng hơn nó mang lại cho khách tham quan cảm xúc đẹp về một nơi chốn có thể là quen thuộc cũng có thể chỉ mới lần đầu biết đến. Cảm xúc này tạo nên và nuôi dưỡng ký ức về “một thành phố khác biệt của Việt Nam, từ thời tiết cho đến không gian kiến trúc, văn hóa sống. Thế nhưng sự phát triển đô thị đang thách thức những giá trị văn hóa, lịch sử riêng, làm mất đi những công trình kiến trúc, nghệ thuật đặc trưng”.
Đấy chính là những “vàng son” đã có của Đà Lạt và cần được làm “sống lại”, bắt đầu từ những việc làm thể hiện sự hiểu biết và trách nhiệm của những người yêu quý thành phố xinh đẹp này. Một hành trình dài, không dễ dàng nhưng đầy hấp dẫn để Đà Lạt có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Sài Gòn 10.12.2018

Trong hình ảnh có thể có: Hậu Kc Nguyễn, đang cười, ngoài trời và văn bản

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người trên sân khấu
Trong hình ảnh có thể có: Hậu Kc Nguyễn, đang cười, đang đứng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...